13/07/2020 07:03 (GMT+7)
Số lượt xem: 1400
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


 
Chuyện của một gia đình không danh gia vọng tộc, chỉ là một gia đình thường thượng bậc trung, thì có gì đáng nói để nói. Nhưng nếu không nói ra con cháu trong tộc họ không biết nguồn gốc của mình, người mà không biết đến nguồn gốc cội rễ của gia tộc là một thiếu sót lớn. Mẹ tôi người huyện An Nhơn tỉnh Bình Định, có chồng cùng quê, là "ba trước" của tôi, (từ đây được gọi là "ba trước", còn người sinh ra tôi được gọi là ba tôi, để dễ phân biệt và theo dõi câu chuyện không lẫn lộn)

 ông làm nghề thợ may, sinh ra được ba người con gái. Đặt tên Ma⅘y, Vá, Bảy. Cặm cụi ngồi may suốt ngày, nhiều năm nhiều tháng ông mắc bệnh phổi và mất khi tuổi chưa tới 40. Quê nhà làm ăn khó khăn, mẹ bồng bế ba con lên đồn điền chè Biển Hồ, tỉnh Pleiku lập nghiệp, thời gian đó vào năm 1945-1946. Mười hai năm sau mẹ gặp ba tôi họ Nguyễn tên Trợ và sinh ra hai anh em tôi. Khi lên ở xã Biển Hồ, làm lại Tờ khai gia đình (hộ khẩu bây giờ), ba tôi hỏi mẹ tôi:" Mấy nhỏ họ gì ?" Mẹ tôi trả lời cục ngủn:"Họ Ma". Ba tôi nói:" Họ gì họ Ma, họ ma quỷ thì còn làm ăn thế nào được. Đổi lại họ Mai đi, ở Bình Định có anh hùng Mai Xuân Thưởng chống Pháp, nên lấy theo họ Mai". Ông quyết định đổi họ, và thế là các chị tôi từ họ Ma đổi thành họ Mai, cắt đứt gốc rễ tổ tiên ông bà họ Ma của mình. 

Người Việt không có họ Ma, họ Ma là người Chăm. Trong gia phả của một số người Việt gốc Chăm tôi tìm hiểu được, thì người Chăm có 4 họ chính: "Ôn, Ma, Trà, Chế". Bởi vậy tôi tin chắc chắn rằng "ba trước" tôi là gốc người Chăm (Chiêm Thành). Lịch sử để lại chúng ta biết rằng thành Đồ Bàn là thủ phủ của vương quốc Chiêm Thành) khu vực chùa Thập Tháp, tháp Cánh Tiên, thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định bây giờ là Kinh Đô Đồ Bàn xưa, của người Chiêm Thành (khoảng thế kỷ thứ 11-12). Có lần trò chuyện với một người phụ nữ Chăm ở Phan Rang, bán hàng thổ cẩm ở hội chợ thành phố Pleiku, tôi hỏi:" Chị có biết về lịch sử tổ tiên ông bà chị không ?". Chị trả lời:" Con có học có biết, nhưng câu chuyện lịch sử đã qua đi lâu quá rồi, hơn tám, chín trăm năm , bây giờ tụi con đã thành người Việt, nhắc, nhớ lại lịch sử vong quốc của mình chỉ thêm buồn". Một câu trả lời vô cùng dễ thương, không khơi gợi, hoài niệm quá khứ để phát sinh thù hận, gây chết chóc điêu linh.


 Trong Kinh tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân Đức Phật dạy: "Điều thứ nhất là giác ngộ rằng cuộc đời là vô thường, cõi nước nào cũng mong manh dễ đổ vỡ, những cấu tạo của bốn đại đều trống rỗng và có tác dụng gây đau khổ, con người do tập hợp của năm ấm mà có, lại không có thực ngã, sinh diệt thay đổi không ngừng, hư ngụy và không có chủ quyền. Trong khi đó thì tâm ta lại là một nguồn suối phát sinh điều ác và thân ta thì là một nơi tích tụ của tội lỗi. Quán chiếu như trên thì dần dần thoát được cõi sinh tử". 


Thông điệp của Đức Phật luôn vang vọng trên khắp hành tinh này, từ 2600 năm qua: "Ngài dạy yêu thương, không hận thù, tất cả con người là quyến thuộc nhiều đời nhiều kiếp với nhau, là máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn như nhau. Hãy nương vào nhau mà sống, đừng bao giờ hủy diệt nhau. Rằng cuộc đời là vô thường, cõi nước nào cũng mong manh dễ đổ vỡ". Vậy mà nhân loại con người, không ai nhớ đến làm chi, chúng ta nhân danh gia đình, xã hội, tôn giáo, tổ quốc mình đi rao truyền, cưỡng chiếm, và chân lý luôn thuộc về kẻ mạnh. 

Ngày giỗ của "ba trước" tôi, là ngày 17 tháng 2 âm lịch. Con cháu có kẻ nhớ người quên, ông không còn một tấm ảnh nào để thờ. Cứ mỗi lần có dịp đi du lịch các tỉnh thành, tôi đều tìm đến các tháp Chăm (có nơi gọi tháp Chàm) để thăm viếng, để học hỏi về lịch sử nam tiến, lịch sử ngoại giao của tổ tiên mình, về bài học nhân danh....để hủy diệt nhau, cho sự tồn sinh của dân tộc mình, tôn giáo mình. 

Gia Lai, ngày 16.9.2016 Thích Giác Tâm.


Âm lịch

Ảnh đẹp