10/08/2020 08:24 (GMT+7)
Số lượt xem: 1180
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bà ngoại tôi tên Lê thị Sáo, pháp danh Chúc Nguyện, quê ở huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngoại có hai đời chồng, bởi vậy tôi có hai ông ngoại, để cho câu chuyện tôi kể dễ theo dõi xin gọi (ông ngoại trước và ông ngoại sau).




Tôi không biết gì về ông ngoại trước của tôi, họ và tên ông tôi không biết, cũng không biết ông từ trần năm nào, nhưng biết ông ngoại trước có hai người con gái: Mẹ tôi tên Nguyễn thị Phùng sinh năm nhâm tuất (1921). Chị của mẹ tôi tên Nguyễn thị Nhiếp, sinh năm….Ông ngoại trước tôi không có con trai. Sau khi ông mất, vì lý do gì tôi không hiểu bà ngoại tôi để dì tôi ở lại xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, đưa mẹ tôi lên xã Biển Hồ, tỉnh Pleiku lập nghiệp vào năm 1945.
Sau đó một thời gian ngoại tôi lại tái hôn với ông ngoại sau của tôi tên là Châu Du và hạ sinh một người con gái đặt tên Châu thị Tui. Tôi không biết gì về ông ngoại sau Châu Du, chỉ biết ông qua một tấm ảnh thờ tại bàn linh chùa Bửu Minh, tấm ảnh ông mặc áo dài đen khăn đóng, quần màu trắng, có chòm râu đen, ngồi vắt chân chữ ngũ (tấm ảnh đó bị hư hoại theo thời gian)
Bà ngoại tôi là một Phật tử thuần thành, khi lên Biển Hồ ở, ngoại ở xóm Trại Mộ, gần chùa Bửu Minh, bạn đạo của ngoại gồm có các bà: Bà Hương Cự, bà Bốn Tạng, bà Chính Bái, ông Năm Tròn….Các vị này luôn gần gũi thầy tôi là Hòa thượng Thích Từ Hương, chăm lo bếp núc ăn uống cho thầy.
Ngoại tôi dáng người thanh mảnh, tai to, ăn chay trường, ngồi luôn ngồi kiết già ăn mặc nâu sòng như một Ni Sư ở chùa, ngoại điềm đạm chuẩn mực kính Phật trọng Tăng, trong các người bạn đạo, ngoại chơi thân với bà Hương Cự. Ngày còn nhỏ tôi có biết bà Hương Cự, bà trạc tuổi ngoại tôi, dáng người cao ráo, vầng trán cao, có nụ cười thoải mái, nhưng miệng bà móm, khi ngồi xuống là vắt chân chữ ngũ, nghe nói bà là vợ ông Hương ông Lý khi còn ở Bình Định, chồng mất lên Biển Hồ lập nghiệp cả làng Trại Mộ mọi người đều kính trọng bà.
Bà Hương Cự và bà ngoại tôi chơi rất thân với nhau, bà Hương Cự gọi bà ngoại tôi là chị, xóm Trại Mộ, làng Biển Hồ trước năm 1975 không hiểu sao luôn gọi hai người con trai của bà Hương Cư là cậu Chín và cậu Mười (lúc còn nhỏ tôi có hỏi nhiều người tại sao cả làng này gọi cậu Chín, cậu Mười, không ai trả lời được, chỉ trả lời gọn lỏn một câu: “Nghe nẫu kêu cậu mình cũng kêu cậu theo”).
Cậu Chín tên: Nguyễn văn Phương
Cậu Mười tên: Nguyễn Thái Học
Cậu Chín và cậu Mười lấy theo họ mẹ là bà Hương Cự. Các người bạn đồng thời với bà hỏi sao không lấy theo họ cha, bà trả lời: “ Tôi đẻ tôi nuôi, tôi lấy họ tôi”. Do mẹ không nói, và khai sinh theo họ mẹ nên cậu Chín và cậu Mười không biết ba mình là ai. Cậu Chín và cậu Mười đã từ trần con cháu rất đông và tất cả đều lấy theo họ Nguyễn.
Sư Phụ tôi là Hòa thượng Thích Từ Hương trụ trì chùa Bửu Minh từ năm 1964, tôi xuất gia theo Thầy năm 1969, chùa Bửu Minh thành lập gia đình phật tử rất sớm và một trong những gia đình phật tử mạnh của tỉnh Pleiku. Bác gia trưởng là bác Lê Chút gốc người Quảng Trị, huynh trưởng là anh hai Kính, anh Năm Lâu, cậu Chín, cậu Mười….Hồi đó những ngày giáp Tết, thầy tôi luôn quét vôi sơn phết chùa cho mới trở lại, chúng tôi những người đệ tử của Thầy phụ dọn dẹp lau rửa nhà Tổ, bàn thờ Linh, nơi bàn thờ Linh tôi thấy ảnh của một người mặc áo dài khăn đóng màu đen, có chòm râu đen, ngồi vắt chân chữ ngũ, tôi hỏi ngoại tôi: “Bà ngoại ơi! Ông này là ông nào? Ngoại trả lời: “Ông ngoại con”. Sao con thấy giống cậu Chín cậu Mười quá đi, nghe tôi nói ngoại cười.
Dì Châu thị Tui là con của ông ngoại sau của tôi tên Châu Du, dì có chồng tên Hồ Còn tôi gọi bằng dượng. Dượng Hồ Còn dáng người cao ráo to con, gương mặt thanh tú, ông học ít nhưng cực kỳ thông minh, có thời gian làm Hội đồng xã Biển Hồ, thầy tôi Trụ trì chùa Bửu Minh, kiêm Chánh Đại Diện, dượng Hồ Còn làm Phó đại diện, sau năm 1975 có lần tôi hỏi dượng Hồ Còn: “Dượng có biết gì về ông ngoại trước của con không?” Ông trả lời: “ Tôi chỉ biết ông ngoại sau Châu Du thôi” tôi hỏi: “ Có phải cậu Chín và cậu Mười là con của ông ngoại Châu Du, vì con thấy giống ông ngoại như đúc ?”. Dượng Hồ Còn trả lời : “Tôi làm rể trong gia đình có lần tôi nghe bà ngoại thầy nói, và những người lớn đồng thời với bà ngoại đều nói như thế”.
Cậu Mười, Nguyễn Thái Học từ trần năm 2016 tôi có đến cúng và đưa tiễn, các người con, người cháu có hỏi tôi: “Sao tụi con chỉ có bà nội mà không có ông nội, chỉ có hình bà nội và ngày giỗ, còn không biết gì về ông nội cả. Từ những thắc mắc trên của con cháu cậu Mười Nguyễn Thái Học, mà tôi đã moi hết ký ức của mình về gia tộc mà nói ra viết ra, nếu tôi không nói ra chuyện này thì không còn ai biết đến chuyện lòng vòng của tộc họ
Dượng Hồ Còn và dì Châu thị Tui của tôi con cháu có gần 80 người
Cậu Chín, con cháu có gần 20 người
Cậu Mười con cháu có gần 20 người
Nếu như cái ngày xa xưa đó bà Hương Cự và ông ngoại sau công bố chính thức và khai sinh các con theo họ cha, thì con cháu của cậu Chín, cậu Mười tất cả đều họ Châu, và lấy ngày mất của ông ngoại sau của tôi là Châu Du làm ngày kỵ giỗ họp mặt cháu con…. và chính ngày giỗ chính thức này mà con cháu trong giòng họ nhìn nhận nhau để tránh tình trạng cưới xin, ưng nhau cùng huyết thống.
- Bằng những cái nhớ và tìm hiểu tưởng như vô ích mà tôi đã truy nguyên nguồn gốc từ ngày đầu của chùa Bửu Minh và viết nên tiểu sử chùa.
- Bằng những cái nhớ tưởng như vu vơ mà tôi đã đính chính ba người chị gái cùng mẹ khác cha với tôi từ họ Mai trong giấy tờ, trở về họ Ma có nguồn gốc dân tộc Chiêm Thành.
- Và hôm nay bằng những cái nhớ từ thời xa xưa, sợ mình lú lẫn theo năm tháng tôi kể ra và viết lại những dòng hồi ký này để các anh em, con cháu, chắt…. trong dòng họ nhận diện đúng phương vị và kết nối lại tình thân của nhau, tránh xảy ra những trường hợp hôn nhân đồng huyết thống.
-------------------------------
Ngày 10/08/2020
Thích Giác Tâm



(Ảnh: Từ trái sang phải cậu Chín, cậu Mười và anh Kính là huynh trưởng GĐPT chùa Bửu Minh vào khoảng năm 1965 – 1966)

117309673_2698858660213907_3962678261536222205_o.jpg


Âm lịch

Ảnh đẹp