Tượng Phật đến từ phương trời xa


Nguyễn Hoàng & Cao Huy Hóa dịch
21/06/2013 10:04 (GMT+7)
Số lượt xem: 55292
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Julia O’Malley là nhà báo nữ chuyên viết các vấn đề về đời sống và chính trị tại thành phố Anchorage và tiểu bang Alaska. Với tư cách phóng viên, bà đã theo dõi hệ thống tòa án và đề cập rộng rãi về cuộc sống tại Anchorage, kể cả những thay đổi lớn trong những cộng đồng dân tộc ít người.


tuong-phat-den-tu-phuong-troi-xa
Năm 2008, bà đã được giải thưởng Ernie Pyle của Scripps-Howard Foundation về những bài viết xuất sắc giàu tính nhân bản ở Mỹ.
Dưới đây là bài dịch từ nguyên tác
“From another world, an icon moves to G Street” của Julia O’Malley trên báo mạng Anchorage Daily News ngày 16/8/2011.

Cách đây vài năm, một người thợ cơ khí trước kia làm việc tại Công ty Xăng dầu BP tên là Suel Jones đã say mê một pho tượng Phật nặng 700 cân Anh1 tạc bằng đá hoa cương, là tác phẩm của một nhà điêu khắc ven đường vùng Ngũ Hành Sơn, bên ngoài thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.
Khi nhìn thấy pho tượng, không hiểu sao tôi thích quá, có thể là vì nét mặt, có thể là vì thớ đá”. Ông thuật lại: “Tôi nói: Đó, tôi thích pho tượng kia, pho tượng nằm đàng kia kìa’.”

Pho tượng này gợi lại ký ức một thời ông là lính thủy quân lục chiến ở đất nước ấy, một kinh nghiệm vẫn còn làm ông day dứt. Ông nhớ lại một ngày của bốn mươi năm trước, khi ông và những người lính thủy quân lục chiến khác đến một ngôi làng nhỏ, tên là Cam Lộ.
Ông nói: “Có một ngôi chùa nhỏ tại làng đó bị bom phá tan tành”.

Trong đống đổ nát của ngôi chùa, ông thoáng thấy một bức tượng Phật, vững chắc và tinh khôi, nằm giữa cảnh hoang tàn. Điều đó làm ông liên tưởng đến cái cách thức mà cuộc chiến tranh ấy đã nghiền nát tất cả mọi thứ ở Việt Nam, cả một dân tộc, cả những truyền thống lâu đời. Giờ đây bức tượng Phật trắng tại Ngũ Hành Sơn này trông có vẻ rất quen thuộc. Có cái gì đó nơi nụ cười, cứ như Đức Phật của 40 năm trước bằng cách nào đó đã quay lại với ông. Ông thấy thích pho tượng, thích như chưa bao giờ thích đến thế.

Jones đã mua pho tượng đó với giá 500 đô-la. Ông đã phải trả hơn gấp đôi số tiền ấy để gởi pho tượng về Alaska bằng tàu thủy. Ông có ý định đặt pho tượng trong khu vườn cạnh ngôi nhà gỗ nhỏ của ông trong vùng Glacier View, nằm cách Anchorage chừng 100 dặm dọc theo quốc lộ Glenn Highway.

Khi pho tượng về đến nơi, trong vài ngày liền, ông đã lái xe quanh thành phố Anchorage với pho tượng được đặt phía sau chiếc xe tải nhỏ. Bất cứ nơi nào ông đến, pho tượng Phật cũng gây nên sự xôn xao. Khi xe dừng ở những chỗ đèn đỏ và tại các trạm xăng, nhiều người xa lạ chạy đến tận nơi. Họ đều tò mò. Ông kể : “Họ đi bộ ngược lại để được sờ tay vào pho tượng đặt ở sau chiếc xe tải của tôi”.

Ông chở pho tượng Phật xuống phố đến quán cà phê Side Street, nơi ông là khách hàng thường xuyên từ hơn 20 năm nay, để hai vợ chồng người chủ quán là George Gee và Deb Seaton được nhìn thấy. Theo Seaton, pho tượng giống như một cổ vật trong viện bảo tàng. “Tôi nhìn mà muốn khóc. Tượng sao mà đẹp như vậy!”.

Jones lại bắt đầu nghĩ rằng có lẽ pho tượng không nên được đặt trong một khu vườn ở nơi xa vắng. Cứ nửa năm ông lại về Glacier View và nửa năm còn lại ông sống tại Việt Nam, nơi ông đang làm việc với các tổ chức thiện nguyện của các cựu chiến binh, thực hiện những dự án như tháo gỡ mìn và xây dựng những sân chơi an toàn. Ông quyết định sẽ nhượng lại pho tượng này để lấy tiền thu được sử dụng cho công cuộc từ thiện ở Việt Nam. Gee và Seaton đề nghị ông có thể đặt pho tượng ở cửa hàng để dễ tìm người mua hơn.

Pho tượng đã được xe nâng hàng đặt vào xe tải; giờ đây, họ không có xe nâng hàng để đưa pho tượng ra khỏi xe, Jones phải huy động bạn bè đến giúp. Họ đã xoay xở để đưa được pho tượng xuống đất và đặt ngay trước quán cà phê. Nhưng không cách nào đưa tượng vào trong quán được. Tượng nặng quá!

Vừa lúc ấy, một nhóm người đi xe mô-tô Harley lực lưỡng, bận y phục bằng da, rầm rộ chạy qua. Cái quang cảnh hì hục với pho tượng Phật đã khiến họ dừng lại. Họ quay đầu xe, dựng những chiếc mô-tô lên và xung phong vào giúp.

Jones kể lại, “Họ hầu như chỉ cần nhấc tượng lên rồi nhẹ nhàng đặt vào trong quán”.

Vậy là pho tượng Phật đến cư ngụ tại quán cà phê Side Street, tọa vị trong một góc giữa cái tủ lạnh và chiếc bàn có khắc bàn cờ vua trên mặt. Hai năm trôi qua như thế.

Jones nói: “Chúng tôi đã chẳng có dịp may nào để bán được pho tượng. Có vẻ như pho tượng đã quyết định là không rời bỏ nơi này”.

Khách hàng quen thuộc, ở Side Street thì nhiều lắm, đã trở nên quyến luyến pho tượng.  Họ đến vân vê nếp áo của pho tượng. Các dấu tay làm cho hai vai tượng không còn bóng láng nữa. Dần dần, quanh pho tượng đã có một cái bệ thờ nho nhỏ luôn có nến và hoa.

Khi tôi hỏi điều gì đã khiến pho tượng thu hút được nhiều người như vậy thì Jones bảo: “Nước Mỹ của chúng ta hiện đang trải qua một cơn khủng hoảng. Khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng chính trị. Cựu chiến binh từ hai cuộc chiến trở về phải cố gắng lắm mới tìm ra ý nghĩa của cuộc sống”. Jones nói thêm, “Nơi đâu mang lại cho chúng ta cái tâm bình yên và tĩnh lặng thì chúng ta cần nơi đó lắm chứ!”.

Mỗi sáng, Gee dậy sớm, vẽ những bức hình minh họa và viết vài chữ lên tấm bảng trắng để quảng cáo cho những món đặc biệt trong ngày. Ông đã trở nên quen thuộc với việc có được pho tượng Đức Phật ở đó vào những giờ phút tĩnh lặng trầm tư nhất trong ngày. Ông bảo quán cà phê luôn luôn có một sinh lực riêng của nó. Pho tượng Đức Phật ở đây thật quá hợp.

Pho tượng này vốn đã có sẵn một phẩm chất kỳ diệu. Phẩm chất này đã quyến rũ những người chạy mô-tô để họ phải rời khỏi xe. Phẩm chất này đã khiến cho một người gởi 700 cân Anh đá hoa đi nửa vòng trái đất”.

Cách đây chừng một tháng, có người dạm mua pho tượng. Đám khách quen chuyền tai nhau rằng sẽ không còn pho tượng ở quán cà phê nữa. Một hôm, vào hai tuần trước, một khách hàng mở ví giống như ông ta vẫn hay làm khi trả tiền và rút ra 3.000 đô-la. Seaton bảo ông ấy muốn mua pho tượng Đức Phật, với điều kiện là pho tượng sẽ ở lại với quán.

Jones đã chấp nhận. Số tiền sẽ được đưa tới Việt Nam.

Cô biết không, tôi ngạc nhiên vô cùng, nhưng rồi tôi hiểu. Tôi hiểu rằng ông khách ấy muốn chia sẻ pho tượng”.

Và thế là pho tượng vẫn còn đó, không phải trong chùa, mà trong một quán cà phê trên phố G, nhìn những khách hàng vừa chờ cốc cà phê sữa vừa dán mắt vào điện thoại di động, với nét mặt hiền từ và nụ cười thanh thản quen thuộc.

Chú thích:

1. Cân: pound, tương đương 0,454kg. Tượng nặng khoảng 317kg.

Chú thích ảnh: Người cựu chiến binh Suel Jones bên cạnh tượng Phật

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 137 | From another world, an icon moves to G Street| Nguyễn Hoàng & Cao Huy Hóa dịch


Âm lịch

Ảnh đẹp