Đây là câu nói mà từ xưa đến nay hầu
như ai cũng biết và điều này đã chứng tỏ rằng, dù ở bất cứ thời đại nào cũng có
những con người mang tâm tính hiền hậu và bao dung như Bụt.
Nếu một ai đó đã được dân gian
khen ngợi “hiền như Bụt” thì dĩ nhiên họ không phải là kẻ khờ khạo vô tri mà đã
trải nghiệm qua những nỗi niềm buồn-vui, thương-ghét thường tình vốn có nơi mỗi
con người phàm trần. Người ấy biết rằng, lời qua tiếng lại không thể đem đến
hạnh phúc an vui cho cả hai phía, trái lại sẽ tạo ra sự ngăn cách, chia lìa và
bao nhiêu thống khổ khác càng chồng chất thêm hơn.
Do đó, họ không cần phải
tranh luận giãi bày mà chỉ để tâm lắng nghe, để thấu hiểu và cảm thông cho
nhau, nhằm xây dựng các mối quan hệ thông thương tốt đẹp và để lại những đức
hạnh cao quý cho các thế hệ tương lai tiếp nối.
Tuy nhiên, mẫu người ấy ít ai có
thể thực hiện được, vì đa phần khi bị ai đó rầy la quở mắng thì chúng ta thường
nhanh chóng bộc lộ phản ứng gay gắt để minh oan hoặc tránh né cho qua chuyện,
chứ chưa đủ khả năng bình thản và tự tại trước những lời chỉ trích phê phán,
đúng sai. Và, nếu lối hành xử này vẫn còn tồn tại thì kể như việc tạo dựng hạnh
phúc của đời người chỉ là một giấc mơ!
Do đó, chúng ta là học trò của Đức Thế
Tôn thì cần phải học theo đức tính hiền lành như Ngài, không thể có một người
với danh nghĩa là Phật tử mà tính tình còn quá nhiều nóng nảy và gian tham. Trừ
những người không chịu tìm hiểu học hỏi giáo pháp của Đức Thế Tôn, họ chỉ biết
đến chùa lễ lạy để cầu xin mua may bán đắt, còn đối với chúng ta đã quy y Tam
bảo và đã được quý Tăng - Ni hướng dẫn tu tập, thì dứt khoát phải có cái nhìn
trong sáng, chân thật và chánh kiến. Đành rằng, là một con người phàm phu thì
ai cũng có tham sân si, chấp ngã nhưng với những người đã bước đi trên con
đường mà Đức Thế Tôn khai sáng thì phải biết khắc phục, chuyển hóa những yếu
kém để dần dần hoàn thiện một mẫu người đức hạnh thân thương khiến cho bất cứ ai
tiếp xúc cũng được thừa hưởng năng lượng an bình và dễ gần gũi.
Cụm từ “hiền như Bụt” đã xuất hiện
rất sớm trong dòng văn học dân gian Việt Nam. Các nhà nghiên cứu sử học đều ghi nhận rằng,
khoảng từ đầu thế kỷ thứ nhất của Tây lịch, người Việt Nam đã gọi Buddha là
Bụt. Trong kho tàng ca dao tục ngữ hay truyện cổ tích cũng đã sử dụng danh từ
Bụt. Điển hình như: Đi với Bụt mặc áo cà-sa, đi với ma mặc áo giấy; Ðẹp như
tiên, hiền như Bụt (tục ngữ) hay những câu chuyện cổ tích như: Tấm Cám, Cây
tre trăm đốt v.v… đều có ông Bụt. Về sau, do chịu ảnh hưởng văn hóa của
Trung Hoa nên người Việt Nam gọi Buddha là Phật cho đến ngày hôm nay. Chữ Bụt
nguyên tiếng Phạn là Buddha, người Trung Hoa phiên âm là Phật-đà, gọi tắt là
Phật, nghĩa là người đã giác ngộ viên mãn, chấm dứt hoàn toàn tam độc tham sân
si và có đầy đủ đức tính đại từ bi và trí tuệ
để giáo hóa cho chúng sinh vượt thoát khổ đau đạt được niềm an vui, giải thoát.
Khi nói đến Bụt là người ta nghĩ đến lòng từ bi bao la vô tận, còn lớn hơn tình
thương mà người mẹ dành cho đứa con yêu quý của mình. Và dĩ nhiên, bất cứ ai,
mỗi khi trong tâm hiện hữu đức tính từ bi thì họ sẽ dễ dàng chấp nhận lắng nghe
để có thể hiểu sâu tới ngọn ngành của sự việc.
Lòng từ bi đã được Đức Thế Tôn chỉ
dạy cụ thể như sau: “Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn
là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp
sống cao đẹp nhất. Không lạc vào tà kiến, loại dần ham muốn, sống nếp sống lành
mạnh và đạt thành trí giác, hành giả sẽ chắc chắn vượt khỏi tử sinh”(Nhật
tụng thiền môn năm 2000, tr.33). Quả thực, đức tính từ bi chỉ biểu hiện khi
chúng ta sống có chánh niệm tỉnh thức. Chánh niệm, nghĩa là bạn rõ biết những
gì đang diễn ra ngay nơi đương tại.
Thí dụ, khi đang lái xe thì bạn phải rõ
biết về thân tâm mình và hoàn cảnh xung quanh đang diễn ra, nếu trong khi chạy
xe mà bạn suy nghĩ miên man ở một nơi khác thì sẽ dễ dàng gây ra tai nạn giao
thông. Và như thế, đã không thể hiện được lòng từ bi mà trái lại bạn còn tạo
thêm khổ đau cho chính bản thân và gây ảnh hưởng xấu đến cho những người chung
quanh. Vì vậy, thắp sáng chánh niệm trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc…
chính là điều kiện tất yếu để nuôi lớn lòng từ bi và phát huy trí tuệ sáng suốt
vốn có nơi mỗi con người.
Thiết nghĩ, chúng ta đã trở về
nương tựa Tam bảo và được làm đệ tử của Thế Tôn là phước đức rất lớn, không
phải bất cứ ai cũng có được. Bởi vì, có những người do hoàn cảnh cuộc sống chật
vật, khó khăn và nơi họ cư trú thì lại cách xa chốn chùa chiền nên chưa đủ
duyên lành để quy hướng Tam bảo.
Bên cạnh đó, có một số người giàu sang sung
sướng, tiền của dư thừa, ăn ngon mặc đẹp nhưng lại thờ ơ không quan tâm việc
học đạo. Bởi lẽ, khi chưa gặp đạo lý thâm sâu quý giá thì ít có ai dám xả bỏ
cung vàng điện ngọc để dành thời gian tu tập như ý chí kiên định và sáng suốt
của vua Trần Nhân Tông. Hiện tại, chúng ta đã hội đủ duyên lành gặp được Chánh
pháp, do đó ta cần phải quyết tâm đầu tư học hỏi và thực hành theo giáo pháp mà
Đức Thế Tôn đã giảng dạy, không nên lãng phí thì giờ vào những câu chuyện đàm
tiếu, thị phi vô bổ.
Mặt khác, khi tâm ý chưa thực sự an tịnh, vững chãi thì ta
nên hạn chế tiếp xúc với các điều kiện có thể gây ảnh hưởng không tốt đến quá
trình tu học của mình và điều này mỗi người sẽ tự cảm nhận lấy. Nếu như một ai
đó thực hành chánh niệm còn non yếu, mà lại thiếu siêng năng học hỏi và không
biết gần gũi với bạn lành để cùng nhau tinh tấn tu tập, thì chắc chắn những
thói hư tật xấu khó có thể đoạn trừ.
Chính vì muốn cho chúng ta đoạn
tận các tập khí xấu xa, ô nhiễm để trở thành những con người có nhiều an vui
hạnh phúc, nên Đức Thế Tôn chỉ dạy rằng: “Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống với nhiều lạc hỷ, đối với vị ấy nguyên nhân đã
được hình thành để đoạn trừ các lậu hoặc. Thế nào là sáu? Ở đây, này các
Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ưa thích pháp, ưa thích tu tập, ưa thích đoạn trừ, ưa thích
viễn ly, ưa thích không có sân hận, ưa thích không có hý luận. Thành tựu sáu
pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống với nhiều lạc hỷ,
đối với vị ấy, nguyên nhân đã được hình thành để đoạn trừ các lậu hoặc”(Kinh
Tăng chi bộ III).
Đa phần, chúng ta dễ dàng bằng lòng theo sở thích thói
quen mà bản ngã tham sân si đã lập trình sẵn, hơn là soi chiếu hiện thực ấy qua
cái nhìn chánh niệm để vượt thoát mọi cám dỗ của ngũ dục. Do đó, với cái tâm ưa
thích pháp, ưa thích tu tập, ưa thích đoạn trừ, ưa thích viễn ly, ưa thích
không có sân hận, ưa thích không có hý luận là chiều hướng tích cực, có công
năng dập tắt ngọn lửa phiền não tham dục và đoạn tận hết thảy các pháp bất
thiện, thiết lập một nếp sống có nhiều hỷ lạc thảnh thơi ngay trong cuộc đời
này.
Là đệ tử của Đức Thế Tôn, chúng ta
cần phải tiếp nối theo con đường mà Ngài đã đi, và con đường ấy sẽ giúp cho
chúng ta phát huy được sự hiểu biết và lòng thương yêu rộng lớn. Là người Phật
tử thì việc tu học phải có sự tiến bộ, tâm tính ngày càng cởi mở và dễ thương
hơn.
Khi tiếp xúc với bất cứ người nào, ở đâu chúng ta cũng đều thực hành chánh
niệm tỉnh thức để có cái nhìn trong sáng và khách quan đối với hiện thực ấy. Vì
khi có chánh niệm soi chiếu thì mọi hành động, nói năng từ con người của mình
sẽ được thể hiện ra phong thái điềm đạm, thanh lương và hiền từ như Bụt. Và nhờ
vậy, nên khi một ai đó có cơ duyên tiếp xúc chuyện trò với ta dù trong chốc
lát, thì họ cũng sẽ cảm nhận được sự an ổn, thân thương và gần gũi.