Kiếm đạo


Truyện ngắn của Hoàng Công Danh
28/02/2013 13:19 (GMT+7)
Số lượt xem: 101843
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tương truyền ngày xưa, khi Hoàng tử Tất Đạt Đa cưới Công chúa Da Du Đà La, chàng phải trải qua những cuộc thi cả văn lẫn võ. Cuộc thi đấu kiếm được xem là gay cấn hơn cả vì hồi đó giới quí tộc có rất nhiều những tay kiếm kì cựu.



Những nhát kiếm phăng phăng làm đứt thân cây không lời từ tạ cho đến nhát cuối cùng của Thái tử thì người ta không thể nào tin nổi. Sau cái ra tay nhẹ nhàng, thân cây vẫn không hề lung lay. Bỗng một cơn gió nhẹ thoáng qua và cây đỗ sụp. Trời ơi! Hoá ra nhát kiếm quá bén, quá phẳng đến nỗi phải chờ có gió mới ngã xuống được. Và Tất Đạt Đa đã thắng thuyết phục trước hàng con mắt chứng kiến. Để rồi nhát kiếm ấy mấy ngàn năm sau còn làm thổn thức những bậc võ sư, những tu sĩ và những ai qúi trọng cái nghệ thuật sống ở đời


 

Vị tu sĩ lặng lẽ bước đi trong chiều, một buổi chiều không mang nhiều sắc nắng giữa cánh rừng rải đầy lá cuối thu. Năm đó gió trở mùa sớm và lá tự dưng đổ xuống đột ngột trong một ngày khiến người tu sĩ không thể tĩnh tâm ngồi thiền được. Người bước đi, chiếc áo cà sa cũng khá mệt mỏi cứ vướng víu vào những gốc cây như thể còn những mối bận bịu chưa dứt được. Hôm ấy vị tu sĩ tròn hai nhăm tuổi đời và tám tuổi đạo. Màu áo cà sa bàng bạc những tháng năm khất thực đủ để vị sư nhắn nhủ với đời rằng sự tu tập đã đến một độ nào đó nhất định. Dĩ nhiên vị sư thừa hiểu cái việc đi tìm đạo thì không có cái tận cùng mà chỉ như một con dã tràng xe cát biển đông, chắt lọc lại cho đời những hạt ngọc quí báu. Vị sư nhớ lại tám năm trước, cái ngày mà chàng trai mười bẩy tuổi quyết định xuất gia và rồi đam mê một nhát kiếm…

*

*     *

1.

 Khi sinh ra đời hắn đã mang một vết sẹo sau gáy, nhát sẹo nằm chéo như thách thức với cuộc đời. Ông nội nhìn cái vết trêu ngươi ấy và lắc đầu một cách buồn bã, dường như định mệnh từ tiền kiếp đã gán lên thân thể hắn ngay từ thuở lọt lòng.

Ông lấy cái bảo kiếm mắc giữa căn bảy bàn thờ tổ, cả nhà sợ hãi dõi mắt, chưa ai ở trong nhà này dám can ngăn ông nội hắn làm một điều gì. Đó cũng là lần đầu tiên mọi người nhìn thấy ông đưa tay tháo cây kiếm ra, từ trước giờ nó vẫn yên vị ở trên đó. Cây kiếm sáng loáng dưới cái nắng ban mai bổng loé lên những tia lửa khiến những con mắt không khỏi lạnh lùng sợ hãi. Ông dùng hai ngón tay vuốt nhẹ từ chuôi đến đầu kiếm, một lớp bụi được cuốn đi để hiện rõ lên bảy chữ hán, ông đọc to “Tề Gia Trị Quốc Bình Thiên Hạ”. Không ai hiểu ông sẽ làm gì với cây bảo kiếm ấy, một đường quyền chăng? Thế rồi ông lẳng lặng đi vào căn buồng của người con dâu. Vị sản phụ đã ngất đi sau khi dồn hết sức để cho thai nhi ra đời, còn đứa bé thì rống khóc lên như thể nó muốn vùng vẫy với đời lắm rồi!

Ông nội đi vào, tiếng thét gào của hài nhi bỗng im bặt, tất cả những ai có mặt hôm đó tái mặt đi và hồ nghi nghĩ đến một cơ sự không lấy gì làm vui. Nhưng họ thừa hiểu rằng ông là một người đức độ từ xưa đến nay, trong làng ngoài xã chưa ai chê ông một cái gì, họ biết ông sẽ làm những điều cần thiết. Lát sau ông đi ra, đưa nhát kiếm ngang trước mặt mọi người, vết máu tươi vẫn còn nóng hổi dính trên mé kiếm.

- Cái nhau thai của nó cũng cứng như cái mặt nó vậy! – Ông nói một câu điềm nhiên không mang một niềm vui hay nỗi buồn.

Hoá ra là nãy giờ ông đã dùng cây bảo kiếm để làm cái công việc của một bà đỡ. Giờ thì tất cả yên tâm, thế là nó được tự do cắt hẳn khỏi sự ràng buộc chín tháng mười ngày bấm đốt ngón tay người mẹ. Ông móc lại cây kiếm lên bức vách rồi đi ra ngoài sân, thét một tràng cười sảng khoái khiến đứa bé mới lọt lòng cũng gào theo. Tiếng thét của ông vang đi xa tận dãy núi cách đó mấy dặm và dội lại cái âm ỉ sau khi ông dứt. Đó là cái ngày hắn ra đời, không ai hiểu được những nghi lễ mà ông nội hắn đã làm cho cuộc hiện sinh của một hoài thai. Có thể đó là một định mệnh chăng?

Ba ngày sau ông nội chết, không ai rõ nguyên do của sự ra đi vội vàng ấy. Chỉ biết đêm trước đó là lần đầu tiên, lần duy nhất và cũng là lần cuối cùng ông đi quyền – ông là một võ sư có tiếng về cả tài năng lẫn đức độ. Cũng chẳng ai nhìn thấy ông múa kiếm như thế nào. Sau bữa cơm tối nhẹ, ông nhấp chén trà gừng như thói quen rồi lẳng lặng bồng đứa cháu nội mới sinh ba hôm, khoác thêm cây bảo kiếm đi về hướng Tây. Một canh giờ sau người ta nghe thấy những tiếng kêu chém gió từ phía miếu làng vọng về, đó chính là tiếng kiếm của ông, sắc lạnh và đanh thép, nghe hãi hùng nhưng làm cho người ta yên tâm. Lát sau ông về nhà, đặt đứa bé vào tay mẹ nó và nói: “Thế là cuối cùng ta cũng đã yên tâm, không hổ với tổ tiên rồi! Nó đã được xem ta đi hết bài Bạch Nhật Khai Quang Kiếm và ta tin chắc nó đã tiếp thu được hết những tinh hoa của gia tộc, nó sẽ thay ta làm những việc cần làm của một bậc quân tử”. Ông móc lại cây kiếm và đi nằm. Sáng hôm sau thì ông không dậy nữa, chỗ ngực trái vẫn còn nong nóng nhưng người ta vẫn không cố làm cho trái tim kia đập lại được. Họ hiểu ông ra đi như vậy là nhẹ nhàng rồi, không nên níu giữ lại làm gì…

Hắn lớn lên, không hề biết về cái chuyện ngày sơ sinh của mình bởi không ai kể cho hắn cũng như không được biết cái vết sẹo, ở đời có ai nhìn được phía sau gáy mình có gì đâu? Những ẩn ý của số phận chưa một lần được gọi tên, hắn cứ sống và tỏ ra là một đứa bé thông minh. Cây bảo kiếm vẫn treo ở căn bảy, sau ngày ông nội mất vẫn chưa có ai khác được phép sờ vào, chỉ có hắn là tò mò khi dọn dẹp bàn thờ. Mỗi lần như thế, hắn lại đưa tay sờ vào những chữ Hán trên đó. Song, có một điều kì lạ là chưa lần nào vuốt được hết cả thảy bảy chữ vì cứ vuốt đến giữa lưỡi dao thì hắn nghe bên tai có lời ai đó thét lớn: “Tâm chưa tĩnh! Dừng lại!”, vậy là hắn hốt hoảng bỏ tay ra. Cái lời thét kia cứ làm hắn suy nghĩ và băn khoăn: “Tại sao lại có lưỡi kiếm kì lạ đến vậy?”. Hắn không dám hỏi ai cả vì hắn nhận ra bất kì ai vào nhà hắn đều nhìn lưỡi kiếm với vẻ ái ngại, kể cả những người trong nhà cũng chỉ đưa mắt liếc qua mà thôi!

Hắn là một đứa bé kì lạ, khuôn mặt phúc hậu lắm nhưng chưa hề thấy khóc cười bao giờ. Vấp đá ngã, hắn tự đứng dậy. Máu chảy, điềm nhiên vặt cỏ ven đường bỏ vào mồm nhai rồi đắp lên vết thương, không một cái nhăn mặt rên xiết. Hắn không chơi những trò chơi con trẻ và không kết bạn với lũ đồng trang lứa.

Hắn bị câm. Mẹ hắn không buồn bởi bà hiểu, nó là đứa con của trời đất, nó câm bởi cái vết sẹo kia đã thay lời tất cả những gì muốn nói. Người ta thường thấy hắn ngồi trầm ngâm lâu ở bên miếu làng, chỗ mà ngày xưa ông nội đã đưa hắn lên để diện kiến đường kiếm độc nhất vô nhị. Hắn chỉ ngồi thế, không ai biết trong đầu đứa trẻ lên mười đang nghĩ gì vì hắn đâu có nói được gì. Người qua đường thấy thế lâu rồi cũng thành quen, mà cũng chả ai dám nhìn hắn lâu, không ai đàm tiếu về cái sự lạ ấy. Có lẽ hắn là một nhân ảnh của ông nội khiến người ta phải kính nể nên không dám lời ra tiếng vào.

Sự có mặt của hắn trong ngôi nhà đôi lúc thành thừa. Dường như họ chỉ công nhận sự hiện diện của một thực thể để chứng tỏ cái nhà này không thất truyền, để không hổ thẹn với tổ tiên mà thôi. Thế nhưng từ ngày có hắn và sau khi ông nội mất thì người ta cảm thấy cái bảo kiếm treo ở trên kia không cô tẻ. Ít ra là nó đã có chủ nhân cho cuộc nối tiếp…

Năm lên mười bảy, hắn là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, mã ngoài lực lưỡng, chỉ mỗi tội không nói được. Thế rồi hắn ra đi, vào một ngày đông mưa gió lớn, sấm giật rung mạnh quật ngã hai cây đa ở miếu làng. Người ta bảo nhau có sự lạ. Và thật thế, thằng câm đã ra khỏi làng, mang theo cây bảo kiếm với bảy chữ “Tề Gia Trị Quốc Bình Thiên Hạ”. Không ai buồn hay tỏ ra thương xót cho cái sự ra đi kia vì họ như hiểu được đó là chuyện tất dĩ đến, chỉ có điều sớm hay muộn mà thôi. Còn với hắn thì sao, mười bảy năm ở trong ngôi nhà ấy như một nhân sự biết thở đủ chán chường để cho một cuộc thay đổi lớn. Và hắn ra đi không một lời từ tạ hay một điều gì nhắn nhủ ngoài cái chỗ trống còn lại trên bức vách giữa bàn thờ tổ – cây bảo kiếm đã được hắn mang theo. Làng từ đó vắng bóng hai cây đa trầm tư bên miếu, sau trận sấm sét động trời như cắt ngang một quá khứ, chẳng ai còn nhớ đến hình bóng một vị võ sư già, một thằng câm và một lưỡi kiếm, hoạ chăng chỉ còn lại tiếng khua chém gió của nhát kiếm mười bảy năm về trước mà thôi!

2.

Bỏ khỏi làng, hắn lần theo dấu sỏi phía tây để đi, không biết đi đâu, hắn tự nhủ sẽ theo dấu sỏi ấy bao giờ hết thì thôi. Dường như ai đã rải những viên sỏi cuội màu trắng trong trên cái lối đi ấy để dẫn dắt một thằng câm chiều nay. Hắn đi, cái lưỡi kiếm khoác sau lưng thi thoảng cắt gió phát ra tiếng kêu sắc lẽm lạnh hồn. Hắn vẫn không biết là mình đi đâu, như một cuộc trốn chạy đời sống mà mỗi bước chân còn nghe vang vọng sau lưng lời ai gọi, và hắn cố bước thật nhanh để khỏi nghe thêm những âm thanh ấy. Ba ngày ba đêm thì chân mỏi, bụng đói, những lối đi giờ chỉ còn lưa thưa sỏi, những viên sỏi cuối cùng của cuộc hành trình nằm rãi rác đủ cho hắn hiểu mình sắp được dừng chân. Trước mắt hắn là một cái chòi lá cọ, đó là ngôi chùa mà lần đầu tiên hắn được thấy.

Ngôi cổ tự nằm uy nghiêm tĩnh mịch sau gốc cây bồ đề. Những chiếc lá hình trái tim rơi xuống nối tiếp những viên sỏi cuối cùng của cuộc hành trình, hắn hiểu từ nay sẽ dấn thân vào một con đường mới, không còn là lối sỏi khô khắc nữa mà là con đường rãi bằng là bồ đề…

Hắn thoát y khi ngón chân cái vừa chạm đến viên sỏi màu trắng cuối cùng, chỉ mặc mỗi chiếc quần cọc và cầm cây kiếm. Với cái tư thế ấy thì hắn giống một tay anh hùng võ hạng. Dù đã ba ngày không ăn uống, mỏi mệt nhưng hắn vẫn cố đi những bước thật vững chãi trên lá bồ đề. Vị sư già từ trong ngôi cổ tự bước ra, trên tay lần chuỗi hạt, trông thấy hắn với cái thân thể cường tráng, chợt trong tâm trí vị sư trụ trì hiển hiện hình dáng của một kẻ thù mấy chục năm về trước. Hắn gập đầu xuống đất, không phải cúi chào sư cụ mà chỉ là do đuối sức quá rồi. Cái vết sẹo sau gáy đập vào mắt nhà sư, nó giống hệt cái vết sẹo mà kẻ thù đã để lại cho sư thầy. Ông nội thằng câm chính là kẻ thù của vị sư già này. Trong phút giây, sư nhắm mắt niệm: “A di đà Phật! Vậy là nó cũng đã đến như một lẽ vô thường, hoạ hay phúc thì âu cũng là chuyện nhân quả ở đời. Ta đã tu mấy chục năm, mọi lẽ biến hoá vạn pháp thấu hiểu cả nhưng không thể cưỡng lại cái quả ngày hôm nay”.

Vị sư đỡ thằng câm vào chùa, dắt dìu nó trên thảm lá bồ đề một cách vô tư bằng đôi tay gầy gò. Cũng đôi tay ấy chính ngày xưa thầy đã cầm kiếm tranh tài với ông nội hắn, cuộc đấu kiếm giữa hai chàng võ sĩ thuộc hai môn phái khác nhau chỉ vì cái nỗi hiềm khích tranh nhau chức thống soái võ hạng. Ông nội hắn là dân miền biển nên vũ khí là chiếc mác như dáng cánh buồm căng ra hứng gió, còn vị sư già là kẻ ở miền cao nên cầm trong tay cây kiếm nhọn như những cây phi lao rừng. Cuộc đấu diễn ra căng thẳng. Cả hai bên đều hiểu đây không phải là một cuộc tương tàn mà chỉ là sự tranh nhau địa vị, vì thế họ đều cố tình không làm tổn thương nhau, ấy là cách đấu võ của bậc quân tử. Nhưng một phút sơ suất, cây kiếm tuột khỏi tay kẻ ở miền cao, nó lao lên không trung rồi xuyên qua mái tranh đâm thẳng vào ngực vợ đấu thủ, bà nội hắn chết với một tiếng kêu thất thanh. Trước khi kẻ thù bỏ chạy thì ông nội thằng câm đã kịp phang một nhát dao vào cổ đối phương và để lại vết sẹo bây giờ sau gáy vị sư già. Sau cuộc đấu kiếm, bà nội thằng câm mất, ông nội nó đem cây dao xuống bờ sông và ném đi vì tự thấy xấu hổ. Thứ nhất là chỉ vì ông mà vợ đã chết oan uổng, thứ hai là ông đã chém một nhát vào kẻ thù, như thế là sai luật, là không quân tử, và ông tự hứa với mình sẽ chẳng bao giờ tập luyện võ thuật nữa. Cây kiếm găm vào ngực người vợ được ông đem treo lên giữa bàn thờ không biết với mục đích gì. Để rồi tháng năm qua nó vẫn lạnh lùng một điều bí hiểm chả ai dám nhắc đến.

3.

Thằng câm tỉnh dậy sau khi đã được húp một bát nước cơm nhà chùa và nằm ngủ nửa ngày. Nó chợp mắt thì được nghe tiếng chuông và hồi kinh mà sau này hắn biết đó là kinh Sám hối. Thầy đã tụng xong hồi kinh buổi sớm, đang ngồi thư thái bên tảng đá thì hắn bước đến từ phía sau. Vết sẹo thẩm màu sau cổ vị sư đập vào mắt hắn dễ dàng bởi cái đầu thầy bóng nhoáng sau mấy chục năm trường chay niệm kinh. Hắn hơi bất ngờ trước cái vết cắt xéo ấy, ngần ngại dừng chân. Vị sư vẫn điềm nhiên ngồi, không quay lại mà chỉ nói nhẹ.

- Con cứ yên tâm đừng sợ, hãy lại đây ta kể cho nghe về cái vết sẹo kia rồi sau đó thế nào thì tuỳ con. Ta giờ cũng hết luỵ đời rồi, có sao đi nữa thì cũng được.

Vị sư kể lại tất cả câu chuyện về cuộc đấu kiếm mấy chục năm về trước cho nó nghe một cách chính xác tỉ mỉ. Cái lối kể không phải để cầu xin một sự tha thứ, không phải một sự phân bua mà là kể chân thực như không còn chi hệ luỵ. Hắn lắng nghe từng lời như nuốt lấy mẫu nước cháo sáng nay thầy cho uống, vốn bị câm nên hắn chẳng thể phản lại một từ nào, đến đoạn kể cái chết của bà nội thì hắn hơi giật mình rồi lại bình tâm.

- Thế đó! Tất cả ta đã kể hết cho con, ta đã giết chết bà nội con và niệm kinh sám hối ba mươi năm nay nhưng ta vẫn thấy chưa chuộc hết tội lỗi của mình. Bây giờ thì tuỳ con hành xử, thế nào ta cũng chấp nhận hết, không một lời oán trách.

Vị sư nhắm mắt, chờ đợi trong sự an nhiên một nhát kiếm từ tay thằng câm. Công phu tu luyện mấy mươi năm khiến thầy thấy bình tâm đến lạ trước cái chết đón chờ. Bỗng nhiên thằng câm đổ sụp gối xuống trước mặt vị sư, cây bảo kiếm vẫn khoác chéo sau lưng không hề được gỡ ra. Lát sau vị sư già mở mắt ra, nhận thấy trên khoé mắt thắng câm rơm rớm lệ. Hắn không nói được nhưng thầy đọc thấy trong đôi mắt kia những lời nhắn gửi: “Không thể lấy oán để đền oán được, nếu cứ thế thì cái nghiệp báo nặng nề sẽ còn mãi. Nay con xin theo thầy làm một đệ tử vì chỉ có cách đó mới chuộc lỗi được cho ông nội con”.

Vị sư già nhắm mắt, lần trên tay đủ tám mươi mốt hạt cườm rồi nói.

- A di đà Phật, vậy là ta đã tìm được một đệ tử xuất sắc. Coi như ta lấy cái công dạy pháp cho con để sám hối lỗi lầm trong kiếp này vậy.

Thế là từ đó ngôi cổ tự có hai vị sư, một sư già và một sự trẻ sớm hôm niệm kinh. Vị sư già dạy cho thằng câm hôm nào rất nhiều những pháp môn, những kinh điển của nhà Phật. Tuy nó vẫn không nói được nhưng qua những cái gật đầu, cách bước đi và cách lần tràng hạt đủ để thầy thấy sự tiến bộ của người tu sĩ trẻ. Thầy giảng cho vị sư trẻ chuyện nhân quả nghiệp báo ở đời. Cái vết thẹo ở cổ con là do nghiệp báo của nhát đao mà ông nội con chém vào cổ ta, còn cái việc ta không thể có vợ và phải lên chùa làm sư là do đã lỡ tay giết vợ người ta, con có thấy luật nhân quả ở đời công bằng quá không? Rồi cứ thế hai vị sư như thể hai thầy trò, có khi như hai người bạn cùng tu. Vị sư già dạy, ở đời do tham – sân – si mà con người ta khổ, ta và ông nội con đều do ngu muội mà đem đao kiếm ra đấu nhau, cái chuyện danh lợi ở đời nó có đáng để tương tàn nhau như thế không?

Không chỉ dạy về kinh thư, vị sư già còn truyền lại tất cả các bộ pháp võ của mình cho người tu sĩ trẻ. Những bộ quyền khoẻ khoắn, nhát kiếm sắc sảo vuốt cong cả khoảng không gian, chém vào hư vô như muốn cắt đi phiền não. Thầy dạy cho vị sư trẻ phép thiền kiếm như một cách để luyện tâm.

- Con nhớ đây, tất cả pháp đều do tâm làm chủ, tâm dẫn đầu tạo mọi nghiệp duyên. Chính vì thế mà mỗi nhát kiếm phải được chém ra từ trong tâm, phải biết nhát kiếm ấy chém vào đâu và để làm gì. Người xưa xem kiếm là vũ khí để tự răn mình. Đó cũng là cái  mục đích cao cả và đúng đắn của võ thuật mà mỗi người tập võ luôn luôn tâm niệm.

Tám năm như thế, hai vị sư hôm sớm chuyên tu, một vị sư già niệm kinh còn vị sư trẻ kia chỉ biết lần tràng hạt và gõ mõ. Thế nhưng vị sư già vẫn rất tâm đắc người học trò xuất sắc của mình và nhận thấy sự thức tỉnh nhanh chóng cũng như con đường mà vị tu sĩ trẻ kia đang đi hoàn toàn là hướng đến giác ngộ.

Một hôm, hai thầy trò đang dạo bước sau chùa thì bắt gặp một gốc cấy khá già cỗi. thầy bảo đó là cây si mà người đã trồng nên từ hồi còn rất trẻ. Chính cây si đó là gốc rễ của tội ác mà thầy gieo nên ba chục năm về trước. Thầy đã chuyên tu, cả luyện kiếm pháp để mong một ngày chém đứt cây si đó nhưng đến bây giờ vẫn không thể, bởi để cắt bỏ hoàn toàn những ngu muội nơi mình thì tự thân thôi chưa đủ mà phải có nhân thân, có bạn đồng tu. Nay thầy thấy con là người đáng tin cậy để cắt bỏ giúp thầy cây si đó. Con hãy luyện nhát kiếm thật sắc bén như nhát kiếm mà Thái tử Tất Đạt Đa – đức Phật sau này – đã ra tay trong cuộc tranh tài ngày ấy để trừ bỏ cái “si” giúp ta.

Sau lần ấy, người tu sĩ trẻ sớm hôm luyện tập miệt mài hơn nữa với bảo vật mang theo hòng học được nhát kiếm của Thái Tử Tất Đạt Đa. Nhát kiếm ấy không chỉ để cắt đứt cái gốc rễ si mê giúp thầy mà còn là để cắt bỏ nghiệp chướng cho chính mình. Hơn ai hết, vị tu sĩ trẻ hiểu rằng, muốn độ đời trước hết phải độ cho chính mình cái đã.

*

*     *

Chiều nay vị tu sĩ dạo bước tĩnh lặng và thấy khang khác trong mình. Vẫn cái im lặng cố hữu do dị tật bẩm sinh mà thầy không oán trách ai cả, vì thầy hiểu đó là nghiệp chướng của tiền kiếp. Vị tu sĩ bước đi, cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái, khác hẳn cái bước chân tám năm về trước khi lần theo lối sỏi lên chùa.

Hoàng hôn đã đỗ, vậy là chiều sắp tắt cho một ngày chìm vào bóng đêm. Nhẽ ra giờ này như mọi ngày thầy đã nghe được tiếng chuông chiều của vị sư già, nhưng sao hôm nay thầy đợi mãi vẫn không nghe thấy. Chắc hẳn có sự lạ rồi!

Vị tu sĩ trẻ vẫn điềm nhiên bước, lòng tự nhủ, chuyện gì đến thì nó sẽ đến như cái lẽ vô thường, ta có gấp gáp đi chăng nữa thì cũng không cưỡng lại luật đời. Cứ thế, thầy bộ hành về đến chùa. Không gian im ắng trong cái hoàng hôn se lên một màu lam thanh tịnh, vị tu sĩ trẻ bước vào khánh điện và thấy vị sư già đã viên tịch, pháp thể toạ xuống nền đất với vẻ toại nguyện, chuỗi hạt vẫn khoác trong tay.

Vị tu sĩ trẻ nhắm mắt nhẩm một câu kinh tiễn linh rồi quay ra, đi về phía sau chùa với cây bảo kiếm. Hôm nay vị sư trẻ sẽ phang nhát kiếm sắc lạnh, kết quả công phu mấy năm đeo đuổi vào gốc cây si.

Thật bất ngờ, khi vị tu sĩ đến nơi thì gốc cây si đã chết héo, mới hôm trước thấy còn tươi tốt nhưng bây giờ, trước mắt thầy chỉ là cái xác khô gầy không một chiếc lá. Thầy khoác lại cây bảo kiếm trên lưng, thế là cái si mê nó tự chết đi khi nào ta thức tỉnh chứ không cần đến một nhát kiếm. Mà nhát kiếm có sắc đến đâu cũng chưa chắc chém đứt được, vì để trừ diệt gốc rễ si mê là cả một quá trình tu nhân tích đức, tạo nghiệp tốt. Si mê là do tâm ta tạo ra thì nó sẽ bị chính tâm ta trừ khử khi nào đủ công hạnh.

Lần đầu tiên sau tám năm cải tục làm sư, hôm nay vị tu sĩ trẻ mới thấy mình học được bài học thâm thuý đến vậy. Trước mắt thầy, hoàng hôn khép lại một ngày nhưng lại mở ra con đường rải đầy cỏ hoa và lá bồ đề – đó là con đường tỉnh thức để đến với bờ giác an vui.

http://hoangphap.info/Page.aspx?ArticleID=4612&SubID=2&ID=4


Âm lịch

Ảnh đẹp