27/12/2013 21:13 (GMT+7)
Số lượt xem: 1832
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ta trong thời quá khứ thường làm thỏ chúa, do các nghiệp nhân còn sót lại từ đời trước của mình, tuy thọ báo thân làm thỏ mà biết nói tiếng người. Thỏ chúa tánh ngay thẳng, thất thà, chưa từng biết dối trá, dốc chứa nhóm trí tuệ, huân tập theo từ bi, tâm không hế dấy niệm sát hại, ở trong vô lượng trăm ngàn con thỏ, do bẩm tánh hiền hoà, mực thước, nên được đứng đầu đồng loại.


Thỏ chúa vì hàng quyến thuộc hạ giảng nói kinh pháp, khuyên bầy thỏ nên để ý lắng nghe khéo suy niệm:

-Ta cùng các người từ vô thỉ kiếp đến nay, chẳng tu hạnh chân nhân chánh, nên theo nghiệp lưu chuyển trong các đường ác. Do bốn thứ nhân là tham lam, giận dữ, si mê, kiêu mạn, nên bị đọa trong ba nẻo dữ.

Hoặc do tham lam bỏn sẻn tạo mười nghiệp ác, vì nhân duyên ấy nên bị đọa vào loài ngạ quỷ, do sự tham am keo kiệt luôn tăng trưởng, nên cổ họng như lỗ kim, nhiều kiếp lâu dài chưa từng nghe đến tên nước uống, nếu thấy được chút cơm thì cơm kia liền biến thành lửa, da bọc lấy xương chịu các khổ bức về đói khát.

Hoặc do sân hận tạo mười điều ác, vì nhân duyên này mà phải đọa vào loài súc sinh. Hoặc làm loài thú như: cọp, tê giác, rắn độc, loài không chân, loài nhiều chân, ăn nuốt lẫn nhau. Hoặc làm thân lạc đà, trâu, bò… chịu quả báo phải chở nặng đi xa, cổ mồm đều bị lở để trả nợ đời trước của mình.

Hoặc do ngu si tạo mười nghiệp ác, vì nhân duyên ấy mà bị đọa vào địa ngục. Do không có trí tuệ chân chánh, nên cho không có nhân quả, huỷ báng Phật, Pháp, Tăng, đoạn hạt giống trí tuệ, phải chịu sự trừng phạt thọ nhận vô số khổ bức nơi các địa ngục Bát hàn, Bát nhiệt, núi đao, rừng kiếm…

Hoặc do ngã mạn tạo mười điều ác, vì nhân duyên đó mà bị đọa vào loài A-tu-la, tâm thường dua nịnh, cao ngạo tự đại, xa lánh thiện tri thức, chẳng tin Tam bảo, tuy thọ nhân phước báo như chư Thiên, nhưng bị cái khổ về chiến đấu nên tay chân luôn bị tàn hại.

Ta nay lược nói sự thọ khổ ở các cõi như vậy, nếu nói đầy đủ thì trọn kiếp cũng không diễn tả hết. Lại nữa, ta cùng với các ngươi do không có mắt trí tuệ, ngu si luôn tăng trưởng, nên thọ lấy thân loài thỏ, thường chịu các khổ về đói khát, thiếu cỏ ăn nước uống. Tuy sống nơi đồng nội hay rừng sâu, luôn luôn hồi hộp lo sợ, hoặc bị tai nạn do lưới rập, hầm bẫy, hoặc bị thợ săn bắn hại. Hiện tại thọ nhận sự khổ này ta phải hết sức nhàm chán, xa lìa tai hoạ ấy. Mỗi người đều nên phát tâm dũng mãnh quyết tu tập mười điều lành, hướng đến việc xa lìa các nẻo ác, cầu sinh cảnh giới tốt đẹp.

Thuở ấy, thỏ chúa ngoại đạo thuộc dòng Bà-la-môn, nhàm chán thế gian nên vào núi tu tập đạo Tiên, xa lìa ái dục, không khởi tâm sân hận, uống nước trong, ăn hoa quả, thích ở chỗ vắng lặng, móng tay và râu tóc để dài, ra tướng Phạm chí. Một hôm, bỗng nghe tiếng thuyết kinh giảng pháp của thỏ chúa với bầy thỏ từ xa vọng lại, Phạm chí này tự than:

- Ta nay tuy được làm người, nhưng ngu si vô trí, không bằng thơ chúa kia, hiểu rõ pháp thiện đem khai ngộ cho đồng loại. Thỏ chá nhất định là bậc đại Hiền thánh quyền biến hoá thân, hoặc là Phạm vương hay Đại tự tại… Ta nhân được nghe lời thuyết pháp của thỏ chúa ấy mà xa lìa các phiền não, thân tâm được thư thái. Nay thỏ chúa này tâm tánh nhân từ, khéo có thể tìm ra được giáo pháp của các Thánh hiền đời trước, phân biệt được lý báo ứng của thiện ác. Từ bấy lâu nay, ta nương thân nơi hang núi, lấy cỏ làm y phục, sống bằng hoa quả để mong cầu đạo ra khỏi ba cõi, nay vừa nghe được nên vui mừng vô cùng.

Lúc ấy, Tiên nhân bèn đứng dậy chắp tay, đi về chỗ ở của thỏ chúa, nói lời ôn tồn:

- Bậc Đại sĩ kỳ diệu! Phương tiện hiện thân nơi loài thỏ, vì chúng sinh giảng nói rộng pháp yếu. Ngài nay đích thật là bậc đã nắm giữ đại pháp, là kho tàng chưa tất cả chánh pháp, xin vì tôi mà mở bày chỉ giảng nói pháp môn tối thượng, rốt ráo ra khỏi sự khổ nơi ba cõi. Tôi trước đây học đạo Bà-la-môn, từ lâu đã gắng nhiều sức khổ công nhưng hầu như không đem lại kết quả gì! Ví như người ngu xoi đục băng để tìm lửa thì không thể có lửa được! Nay nguyện theo nhân quả làm nơi nương tựa.

Thỏ chúa đáp:

- Này đại Bà-la-môn, pháp giải thoát ta giảng nói hôm nay, có công năng nhổ sạch tận gốc đau khổ, hợp với căn cơ của ông, sẽ thoả đáng chỗ mong muốn của ông, ta không hề tiếc lẫn. Từ lâu ta đã trừ sạch mọi cấu nhiễm của tham lam bỏn sẻn, vì nhằm đem lại lợi ích cho chúng sinh, thích ở trong sinh tử để giáo hoá đồng loại, nên thọ lấy thân thỏ này.

Khi ấy, Tiên nhân nghe lời thỏ nói như vậy, tâm rất hoan hỷ, được điều chưa từng có, liền thưa:

-Tôi nay may mắn được gần gũi bậc Từ bi giáo hoá, mong ngài thương xót chỉ dạy, chớ từ chối việc làm nhọc sức này.

Trải qua nhiều năm gần gũi, tình thân hữu giữa vị Phạm chí và thỏ chúa càng thêm thắm thiết, cùng ăn cỏ cây, uống nước suối như thỏ không khác.

Thuở đó, dân chúng thường làm điều tà vạy, phi pháp, quen tạo tội lỗi, phước thiện suy kém nên thiện thần xa lánh, tai hoạ dồn dập nổi lên. Cộng nghiệp chiêu cảm nên trời đại hạn, đã mấy năm không mưa khiến cỏ cây cháy khô, nguồn suối cạn kiệt:

Bầy giờ, Bà-la-môn thầm nghĩ: “Năm nay ta đã già, lại gặp lúc thực phẩm thiếu thốn, nếu cứ ở đây mãi thì chỉ tăng thêm sự đói khát”. Bèn nói với thỏ chúa:

-Tôi nay xin tạm rời chỗ này tìm đến chỗ khác, may ra khỏi thấy cảnh khô hạn ở đây!

Thỏ chúa liền đáp:

-Đại tiên hiện không còn thích ở nơi này, nếu thật có điều gì xúc phạm xin Đại tiên dung thứ, tình nghĩa mật thiết bấy lâu, nay bỗng thành xa cách!

Bà-la-môn nói:

-Cảnh u tịch này dứt được những hoạn nạn, tội lỗi, rất thích hợp với quý ngài, vì không ai xâm phạm, nhiễu hại. Chỉ riêng tôi thì không có người giúp đỡ, thiếu thốn thực phẩm. Từ lâu, nương theo Đại sĩ được hưởng pháp vị, những pháp yếu đã thọ giáo trọn đời ghi chứa trong tâm, nguyện sẽ lưu truyền rộng rãi để cứu giúp mọi chúng sinh. Tôi đã hoàn toàn không ăn uống trải qua cả tuần, sợ mạng sống không bảo đảm, uổng công tu học bấy nay.

Thỏ chúa nghe qua cảm động, nghẹn ngào, nói không thành lời:

-Chúng ta ngày nay xa nhau biết khi nào được gặp lại. Xin đại tiên nán thêm một đêm, thọ sự cúng dường đạm bạc để tỏ lòng thành kính với nhau.

Khi ấy, thỏ chúa bảo bầy thỏ:

-Đại tiên này đạo đức vững chắc, là bậc Thiện tri thức, là ruộng phước tối thượng. Các ngươi nên cùng nhau hợp sức tìm nhiều củi khô, giúp ta nấu thức ăn cúng dường bữa sáng.

Rồi thỏ chúa đến chỗ Đại tiên thưa:

-Cúi xin Đại tiên sáng sớm ngày mai, dù sao cũng nhận lời thọ thỉnh của tôi.

Đại tiên nhận lời, nhưng trong lòng luôn suy nghĩ:

-Hiện tại thỏ chúa có lẽ tìm được những gì chăng? Hoặc là được nai chết, hoặc là gặp thịt thú còn thừa, nên mới vui mừng mừi ta như vậy.

Đêm ấy thỏ chúa nói với các đồng loại:

-Ngày nay Đại tiên sắp rời chúng ta ra đi, sự vô thường, biệt ly là điều luôn xảy ra ở thế gian, thọ mạng của chúng sinh như trò huyễn thuật, quả báo một khi đến thì không thể nào giải thoát, nhổ sạch gốc rễ đau khổ.

Trọn đêm hôm đó thỏ chúa không ngủ, vì chúng đồng loại thuyết giảng pháp yếu.

Tờ mờ sáng, thỏ chúa đến chỗ chất đống củi dùng lửa mồi vào, lửa từ từ bốc cháy ngùn ngụt. Thỏ chúa lại bạch với Đại tiên:

-Theo lời mời của tôi hôm qua, giờ đây sắp dâng món cúng dường nhỏ mọn, đã sắm sửa đầy đủ, xin Đại tiên chịu khó thọ dụng. Vì sao vậy? Vì kẻ trí đã chứa nhóm của cải để bố thí, kẻ thọ thí phải thương tưởng thí chủ mà thọ dụng. Ta nay nghèo cùng, làm việc bố thí rất khó, cúi xin nhân giả nạp thọ. ta muốn khiến cho Đại tiên được vẻ an lạc, nên tự xả thân mình không luyến tiếc. Nguyện đem công đức này hồi hướng về khắp tất cả chúng sinh đồng thời chứng đạo quả Giác ngộ Vô thượng.

Thỏ chúa nói lời ấy rồi thì lao mình vào đống lửa. Lúc đó, Tiên nhân thấy việc như vậy, vội vã đến bên đống lửa quờ quạng cứu thỏ. Thân thỏ yếu đuối, chỉ trong nháy mắt thì bỏ mạng. Đại tiên cầm thân thỏ để trên đầu gối, không sao ngăn được nỗi đau buồn, than:

-Đau lòng thay! Đại sĩ đã sốt sắng hy sinh mạng mình để cứu thân người khác như thế này. Ta nay kính lễ, tôn ngài là bậc ta quy y, nguyện đời sau ta được làm đệ tử.

Phát lời thề nguyện này rồi, bèn để thi hài thỏ trên đất, đầu mặt sát đất đảnh lễ. Đại Tiên lại ôm thỏ vào lòng, lập tức cùng xác thỏ chúa nhảy vào đống lửa.

Lúc đó trời Đế Thích dùng Thiên nhãn từ xa trông thấy, liền đến nơi đống lửa, dùng các thứ vật báu xây tháp, thiết đại lễ cúng dường.

Đức Phật bảo chư Tỳ-kheo:

-Vị Tiên nhân ngày ấy nay là Bồ-tát Di-lặc, còn thỏ chúa bấy giờ chính là thân Ta.

http://www.lieuquanhue.vn/tai-lieu-thu-vien-phim-phat-giao/5947-th%E1%BB%8F-ch%C3%BAa-x%E1%BA%A3-th%C3%A2n-c%C3%BAng-d%C6%B0%E1%BB%9Dng-ph%E1%BA%A1m-ch%C3%AD.html

Âm lịch

Ảnh đẹp