Cớ sự của câu nói, là do bấy giờ Thi sĩ, trưa nào cũng đến Tu viện để xin cơm ăn, hôm ấy là phiên
tôi hành đường, Thi sĩ xin cơm, tôi liền lấy cơm mời Thi sĩ, nhưng chưa
kịp mời, thì Thi sĩ đã lấy phần cơm từ nơi tay tôi và ngồi bệt xuống
đất để ăn một cách ngon lành. Nhìn Thi sĩ tôi nói: “Mời anh Giáng ngồi
lên trên ghế để ăn cơm”. Thi sĩ nhìn tôi cười và nói một cách thoải mái
rằng: “Ngồi trên đất an toàn hơn ngồi trên ghế thầy à!”. Tôi đứng yên
lặng, Thi sĩ nhìn tôi nói tiếp: “Ngồi bất cứ ghế nào ở trên đời nầy cũng
không có an toàn cả đâu thầy nhé!”. Nói xong, Thi sĩ cười một cách tự
nhiên.
Tôi đứng yên lặng giây lát, chắp tay cảm ơn Thi sĩ và tiếp tục công việc của mình.
Thi sĩ Bùi Giáng ngày ấy,
bây giờ đã đi xa và rất xa, nhưng câu nói như chơi, như thật của thi sĩ
đã làm cho tôi nhớ mãi và xem đó như là một trong những bài học quý báu
của đời mình. Ấy là bài học ngồi trên đất.
Và rồi bài học ấy đã vỡ
ra trong tôi, ngồi trên đất chính là ngồi ở nơi mảnh đất tâm của chính
mình. Mảnh đất ấy là tự tánh thanh tịnh vốn có của tất cả chúng sanh. Nó
có khi Thái cực chưa biến động, lưỡng nghi chưa tương hợp hay Thượng đế
chưa có phép lạ hoặc trong vũ trụ chưa có tiếng nổ Big – Bang.
Nếu ta biết ngồi trên
mảnh đất ấy với tâm không mắc kẹt bởi bất cứ điều gì, bởi bất cứ ý niệm
gì, thì tuệ giác sẽ sáng rực lên từ nơi chỗ ta ngồi và tỏa chiếu như mặt
trời chiếu tỏa giữa không gian.
Thích Thái Hòa