Đầu sào trăm thước
Thiền sư Cảnh Sầm là một vị thiền sư sống vào khoảng thế kỷ thứ 9,
được thiền sư Nam Tuyền chứng minh đắc pháp, sau không ngụ tại một nơi
nào mà chu du khắp nơi tuỳ duyên giáo hóa độ sinh, nên còn được gọi là
Hòa thượng Trường Sa.
Một ngày nọ, nghe nói một vị bạn đồng sư là Hòa Thượng Hội có đến
yết kiến thiền sư Nam Tuyền, sư sai một vị tăng đến hỏi rằng:
- Hòa thượng sau khi thấy Nam Tuyền rồi thế nào?
Hòa thượng Hội lặng thinh.
Tăng hỏi:
- Hòa thượng trước khi thấy Nam Tuyền thì sao?
Hòa thượng Hội đáp:
- Không thể lại có cái riêng.
Vị tăng về thuật lại cho Sư nghe. Sư làm một bài kệ như sau:
Bách trượng can đầu bất động nhân
Tuy nhiên đắc pháp vị vi chân
Bách trượng can đầu tu tấn bộ
Thập phương thế giới thị toàn thân.
Dịch:
Đầu sào trăm thước vẫn đứng yên
Tuy ngộ nhưng chưa rõ lý chân
Đầu sào trăm thước thêm một bước
Mười phương thế giới hiện toàn thân
Bài kệ này sau đã trở thành một công án để những người hậu học tham
cứu. Thế nào là đầu sào trăm thước, và thế nào là tiến thêm một bước?
Theo tượng hình của câu kệ này, đầu sào trăm thước được coi như đã đạt
đến đỉnh, đạt đến chỗ tột cùng. Thế nhưng đó vẫn chưa phải là rốt ráo,
còn phải “tiến thêm một bước”, có nghĩa là phải rời chỗ trụ vững chắc ở
đỉnh cao chót vót đó và nhẩy vào hư không thì mới thấy được “thế giới
hiện toàn chân”. Đang từ chỗ đứng vững chắc mà nhẩy vào hư không thì có
khác gì đi vào chỗ chết. Đó là điều lắt léo khiến cho bài kệ này đã
trở thành một công án để tham cứu.
Tình cờ, trong một cơ duyên nào đó, người viết bài này gặp được một
quyển sách nhỏ của soạn giả “Duyên Khởi” có nhắc đến vấn đề này. Theo
soạn giả Duyên Khởi, Thiền có nhiều thứ, có nhiều cách thực tập khác
nhau, nhưng nói chung chỉ chia ra làm hai đại loại là “Thiền trực tiếp”
và “Thiền gián tiếp”. “Thiền gián tiếp” được gọi là giáo môn, chủ về
quán tưởng để đạt đến cảnh giới thanh tịnh vô vi, ở trong ý thức con
người, thuộc về tiệm giáo. Thiền trực tiếp được gọi là Tông môn, chủ
về kiến tánh, lìa tâm ý thức, thuộc về Viên đốn giáo . Đó cũng là thiền
từ đời Đức Phật tổ Thích Ca truyền lại qua Ma Ha Ca Diếp cho đến đời
Lục Tổ Huệ Năng, còn được gọi là Tổ sư Thiền.
Tu tập Tổ sư Thiền điều chính yếu phải làm là “tham cứu thoại đầu”. Tham
cứu có nghĩa là hướng về nội tại bản tâm để tìm hiểu, khác với nghiên
cứu là hướng ra ngoài để thu thập tìm kiếm.
“Thoại đầu” là gì? Chỗ
niệm chưa khởi hoặc lúc trước khi có câu nói ra thì đó gọi là “thoại
đầu”. Khi đã nói ra rồi, hoặc niệm đã khởi lên rồi dù chưa nói ra, đều
gọi là “thoại vĩ”. “Thoại” là “nói chuyện”, “đầu” là ở trước, còn “vĩ”
là đuôi, có nghĩa là ở sau.
Nơi chưa có niệm khởi hay “thoại đầu” là trống rỗng như hư không, yên
lặng như mặt hồ không gợn sóng, lại chính là nguồn gốc sanh tử của chúng
ta. Tu thiền theo “ngoại đạo”, tức không phải là Phật đạo chân chính,
đến được chỗ này là bị mê trụ trong cảnh giới thanh tịnh đó, không có
cách gì vượt thoát được. Thiền tông gọi chỗ này là chỗ “Đầu sào trăm
thước”. Hành giả tham thiền quyết phải vượt ra khỏi cảnh giới ấy, vì đó
là hang ổ của vô minh – chỉ cần bước thêm bước nữa thì hang ổ vô minh đó
sẽ bị phá vỡ, ngộ nhập được tánh Phật không có biên giới trong ngoài.
Tham thiền tuy chưa đạt đến thoại đầu, cũng không phải ở nơi thoại vĩ,
mà ở giữa đoạn đường từ thoại vĩ đến thoại đầu, thiền tông tạm xưng là
“tham cứu thoại đầu”.
Muốn đến được chỗ “đầu sào trăm thước” và vượt qua khỏi chỗ đó, phương
tiện thù thắng nhất là đề “thoại đầu”, có nghĩa là suy ngẫm trong tâm
một câu hỏi không có lời giải đáp, khiến khởi lên một “nghi tình” hay
một khối nghi trong tâm. Ví dụ như câu: “Thế nào là bộ mặt bản lai của
ta khi cha mẹ chưa sinh ra ta?” hoặc: “Thế nào là cánh cổng không có
cổng (vô môn quan)?” v.v…
Hành giả công phu tham cứu thoại đầu không có
hạn định thời gian và không gian, lúc nào cũng nghiền ngẫm câu nói này
cho đến khi nhập tâm, đi đứng nằm ngồi đều không rời câu thoại đầu ấy,
một lúc nào đó khối nghi sẽ bùng vỡ, mọi sự sẽ đột nhiên sáng tỏ, chân
lý bỗng hiện tiền không qua lời nói hoặc suy luận.
Truyền thống tham khán thoại đầu hay công án điển hình nhất là ở tông
Lâm Tế. Ở Nhật Bản, Lâm Tế là một trong hai tông phái thiền lớn mạnh
nhất là Lâm Tế và Tào Động. Tông Tào Động khởi đầu cũng có chủ trương
tham khán công án, sau này có lẽ để thích ứng với căn cơ của các hành
giả, nên đã bỏ công phu này. Chúng ta hãy nghe một cách diễn giải khác
về “Đầu sào trăm thước” của thiền sư Shinryu Suzuki, một thiền sư Nhật
Bản nổi tiếng ở Mỹ thuộc phái Tào Động như sau:
''Phật tánh không phải chỉ nhờ công phu tu tập rồi mới hiển lộ được, mà
tất cả những gì ta thấy trước mắt đều là những biểu lộ của Phật tánh .
Đi, đứng, nằm ngồi hay những cử động, nói năng, suy nghĩ đều là do Phật
tánh ứng vào. Tánh chỉ có một, nhưng những biểu hiện của tánh là khác
nhau. Người ta thường có quan niệm sai lầm cho chúng là riêng biệt và
đặt cho chúng những cái tên riêng biệt. Nói “Vô minh” hay “giác ngộ”
tuy tên gọi khác nhau nhưng đều là những biểu hiện của Phật tánh, ngoài
tánh Phật không thể tìm thấy ở đâu được. Chúng sanh mê muội thì thấy
khác nhau, nhưng Phật thì thấy đó là một.''
Trong “Ngộ Tánh Luận”, tổ Đạt Ma cũng có nói về Phật tánh như sau:
''Tánh phật không ở ngoài tánh của tham sân si. Kinh nói: "Chư phật từ
trước tới nay vẫn thường ở nơi tam độc và từ đó nuôi dưỡng tịnh pháp cho
lớn mạnh mà trở thành Phật, Thế tôn".''
Và: ''Phật xem vô minh là cha, tham ái là mẹ.''
Nói ví dụ, “tham dục” cũng chính là Phật tánh, nhưng được đặt tên là
tham dục. Khi chúng ta tọa thiền, lòng tham dục đó biến đi đâu? Chúng ta
thường nghĩ rằng phải tiêu diệt lòng tham dục để cho tánh Phật được
hiển lộ, nhưng lòng tham dục ấy sẽ bị gạt bỏ về đâu? Nghĩ rằng tham dục
là một điều gì có thể gạt bỏ hay trừ khử đi được là một lối suy nghĩ
sai lầm. Tâm thức chúng ta không thể chia ra từng phần mà loại bỏ đi
phần nào chúng ta không muốn được.
Khi nói đến “đầu sào trăm thước”, ta thường nghĩ rằng đó là điểm cuối
cùng của quá trình công phu trước khi giác ngộ. Nếu dừng lại ở đấy thì
sẽ không giác ngộ được, phải nhẩy ra khỏi chỗ đầu sào ấy thì công phu
mới được viên mãn. Khi ta còn muốn loại bỏ những tư tưởng tham dục ra
khỏi tâm thức, tức là ta vẫn còn đứng ở chỗ đầu sào. Nhưng thực ra,
không có chỗ nào là chỗ đầu sào cả. Tâm thức của chúng ta không như cái
sào mà có chỗ dừng lại, mà luôn luôn vận hành, luân chuyển vô tận. Khi
có một kinh nghiệm chứng ngộ nào đó, ta có thể muốn dừng lại ở đó và
quan sát mọi việc như ở trên đỉnh cao của đầu sào, nhưng trên thực tế
không có gì là dừng lại, tất cả đều không ngừng biến chuyển và thay đổi
từ trạng thái này sang trạng thái khác. Khi nghĩ rằng “ta đã đến đỉnh”
là lại phải đối phó với vấn đề có nên nhẩy xuống hay không, nhưng điều
đó là không thể được, vì chỗ đầu sào kia sẽ tiếp tục biến chuyển mãi
mãi.
Như vậy, hãy quên đi chỗ đứng đầu sào, quên đi quá khứ và tương lai, mà
chỉ cần sống thực ngay trong giây phút hiện tại, và từ giây phút hiện
tại đó mà luân lưu nhẩy qua giây phút hiện tại khác, không dừng lại ở
đâu cả. Thiền sư Suzuki đã cho một thí dụ như sau:
''Khi sửa soạn xong bữa điểm tâm, bà vợ ông thường đập hai miếng gỗ vào
nhau (như tiếng mõ) để gọi ông ra ăn sáng. Nếu ông không trả lời, bà sẽ
tiếp tục đập cho đến khi ông cảm thấy khó chịu. Vấn đề rất đơn giản là
ông chỉ cần trả lời “Hai” (Yes) thì bà sẽ ngừng đánh mõ ngay. Nhưng ông
lại nghĩ là ông đang làm một điều gì quan trọng nên chưa cần đi ra ăn
sáng vội. Khi ông nghĩ ông đang làm một việc quan trọng và không cần
trả lời bà, có nghĩa là ông đang ở trên “đầu sào trăm thước” mà trụ vào
nơi đó. Nếu ông trả lời “Yes” tức là ông đã nhẩy ra khỏi chỗ đầu sào
trăm thước kia mà luân chuyển được từ giây phút này qua giây phút khác
trong hiện tại, và mọi vấn đề sẽ được giải quyết tốt đẹp.''
Đó cũng có nghĩa là tâm “Vô Trụ” qua sự thấy biết “Quá khứ tâm bất khả
đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc” như kinh Kim
Cương nói vậy.
Thiền sư Đạo Nguyên đã nói như sau: “Học Phật tức là học về chính mình.
Học về chính mình tức là quên đi chính mình trong từng giây phút”.
Hai cách diễn giải trên đây về “Đầu sào trăm thước” cho ta thấy tuy
cách diễn giải khác nhau, nhưng có chung một điểm là trong công phu tu
tập “không có chỗ nào để trụ lại” cả.
Trong “Chứng Đạo Ca”, Tổ Huyền Giác đã nói như sau:
“Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân
Bất trừ vọng tưởng, bất cầu chân
Vô minh thật tánh tức Phật tánh
Huyễn hóa không thân tức Pháp thân”
Đó là cái nhìn của bậc giác ngộ đã thấy được tánh bình đẳng trong tất cả
mọi pháp. Người đã đến được chỗ “Thoại đầu” hay cảnh giới thanh tịnh
của tâm và trụ lại ở đó là vẫn còn vướng nơi tâm, như người ở chỗ đầu
sào còn thấy mình ở trên cao chót vót nhìn xuống phía dưới và đứng vững
bất động ở đó mà không ra khỏi được.
Ngay khi nghĩ mình đã ở đầu sào là
đã kẹt nơi đó, còn phân biệt giữa động và tịnh, ta và người, ngoài và
trong.
Chỉ khi nào cái tâm phân biệt ấy tan biến đi, những chấp tướng
của ta và người, ngoài và trong của cái ngã mê muội đã chết đi, đã nhẩy
vào hư không vô tận để hòa nhập với Pháp tánh hiển hiện mọi nơi, thì
lúc đó “thập phương thế giới mới hiện toàn chân” được.
Như lời kinh nói: “Lìa hết mọi tướng ấy gọi là chư Phật” vậy.
Chân Thường
Tháng 7, mùa hè 2011