30/11/2012 10:09 (GMT+7)
Số lượt xem: 96922
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ngày xửa ngày xưa, tại một ngôi làng nọ có một gia đình bá hộ nối tiếng giàu có nhất vùng. Người người nể phục, nhà cao cửa rộng, đồng ruộng thì mênh mông bát ngát, thẳng cánh có bay, gia súc thì từng đàn, lúa chất đầy bồ, trong nhà không thiếu thứ gì, kẻ ăn người ở có tới chừng mấy mươi người. Cao lương mỹ vị ăn mãi không hết.


Gia đình bá hộ có hai người con, một trai một gái. Ai cũng khôi ngô tuấn tú, xinh đẹp và nết na. Nhưng rồi tai họa đã giáng suống gia đình họ, khi người con gái vì uất ức với mối tình cùng chàng thi sĩ mà quyên sinh, còn cậu con trai trong một lần đi săn trong rừng sâu, bất cẩn bị sập bẫy mà trở thành kẻ tàn phế.

Người mẹ vô cùng đau khổ và tuyệt vọng. Bà sống trong nỗi ám ảnh và oán hờn. Ngày ngày bà ăn chay niệm Phật cầu xin được bình an và không còn phiền muộn. Rồi một ngày kia, bà cho gọi tất cả những người dân mang nợ với gia đình bà đến và phán rằng:

- Từ xưa tới nay, gia đình ta ăn ở có trên có dưới, ai khó khăn ta đều cứu giúp, cho vay bạc và lúa gạo, sau mỗi lần thu hoạch thì gia đình các ngươi đều có trả nhưng vẫn không thể hết. Nay ta cho gọi các ngươi tới để xóa tất cả các món nợ từ trước đến nay. Dù nợ nhiều hay ít. Từ nay trở về sau, giữa gia đình ta và gia đình những nông dân này không còn bất kỳ món nợ nào.

Những người nông dân nghèo khổ vui mừng khôn xiết, tay bắt mặt mừng, có những người đã quỳ lạy cảm tạ tấm lòng của bà mà khóc nức nở, nguyện làm thân trâu ngựa để báo đáp ơn này. Nhưng bà một lòng từ chối “Kẻ ăn người ở trong gia đình ta nay đã có đủ vì vậy ta không cần thêm nữa, các ngươi hãy về lo làm ăn và sống cuộc sống như mình mong muốn”

Việc làm này của bà, những tưởng rằng như vậy thì trong lòng bà sẽ thấy thanh thản nhưng sao vẫn nặng trĩu một nỗi buồn.

Nhân dịp một lần vào viếng chùa, bà đã xin gặp vị Hòa thượng và bạch rằng hãy cho bà xin một bài thuốc để diệt trừ khổ đau và phiền não. Vị Hòa thượng mỉm cười hiền hậu nhìn người phụ nữ sang trọng, quý phái nhưng có khuôn mặt đượm buồn mà nói, bà hãy tìm đến bảy gia đình chưa bao giờ biết khổ, xin mỗi gia đình một bát nước. Với bảy bát nước đặc biệt này, tôi sẽ nấu thành một loại thuốc giải cứu những sầu muộn trong lòng bà.

Ngay sau đó, bà lên đường tới thăm gia đình thứ nhất mà bà quen biết bấy lâu nay, bà nghĩ rằng ắt hẳn gia đình này đang hạnh phúc và bà có thể xin được một bát nước. Quả là éo le, sau khi nghe bà trình bày, chủ nhà nhìn bà với ánh mắt ngấn lệ, rằng bà đã đến không đúng nhà và tìm không đúng người.

Lúc này, người chủ nhà bắt đầu kể về câu chuyện gia đình, họ đã sống những ngày đau khổ, bất hạnh ra sao, con cái khiến họ mệt mỏi và buồn phiền như thế nào v.v… Nghe xong, bà lại nói những lời động viên, an ủi, vỗ về yêu thương trước khi bà tới thăm gia đình khác.

Cả ngày hôm ấy, bà không xin được một bát nước nào. Nước là thứ đi đâu cũng có thể lấy, dễ tìm nhưng sao bà không thể xin được. Gia đình nào cũng có nỗi sầu khổ riêng, không ai giống ai và tất cả những điều ấy khiến bà chạnh lòng, như một phản xạ rất tự nhiên, của một người phụ nữ đã trải qua những mất mát những đau thương trong cuộc sống, bà đều nói lời khích lệ tinh thần, hay đơn chỉ là lắng nghe họ tâm sự đề thấu hiểu những gì họ đã trải qua bằng tất cả tình yêu thương vốn có.

Suốt những tháng ngày sau đó, bà kiên nhẫn đi xin, nhưng cũng không tìm thấy gia đình nào hạnh phúc thật sự như bà vẫn thấy. Nơi nào cũng chất chứa nỗi niềm khổ đau và hờn tủi. Bà luôn bận tâm suy nghĩ làm thế nào để an ủi, giúp mọi người thoát khỏi phiền não, xoa dịu đau thương, và bà đã quên đi đau khổ của chính mình.

Giờ đây hơn bao giờ hết, bà thấy lòng mình thật thanh thản, nhẹ nhàng. Khi ta cho đi cũng là khi ta nhận lại nhiều hơn thế, nỗi buồn sẽ vơi đi khi ta cởi mở lòng mình, đón nhận lời sẻ chia, lời thân thiện từ những người xung quanh.

Chúng ta không nên bỏ cuộc khi chúng ta còn điều gì đó để cho đi. Không có gì là hoàn toàn bế tắc, sự việc chỉ thật sự trở nên bế tắc khi chúng ta thôi không cố gắng nữa. Niềm tin là sức mạnh biến điều không thể thành điều có thể, và họ có thể quên đi lời chúng ta nói nhưng điều chúng ta làm cho họ sẽ không bao giờ nhạt phai.

Qua câu chuyện này, chúng ta ngộ ra một điều, ai cũng có nỗi buồn, nỗi khổ riêng. Cái mà chúng ta thấy chỉ là một phần nhỏ trong toàn thể con người của một ai đó, còn mặt chúng ta không thấy thì rất nhiều. Họ có thể cười đó, vui vẻ đó nhưng chưa hẳn họ đang hạnh phúc như chúng ta thường nghĩ.

Và chúng ta cũng tự hỏi tại sao vị Hòa thượng kia lại nói người phụ nữ ấy, xin bảy bát nước mà không phải là sáu hay tám? Phải chăng ở đây có ẩn ý sâu xa hơn chăng? Con số bảy nhắc chúng ta nhớ đến rất nhiều điều :

- Bảy bước chân của Thái tử Tất-đạt-đa khi Ngài chào đời, cùng bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc.

- Theo quan niệm triết học Phương Đông, con số bảy tượng trưng cho sự hoàn hảo của vũ trụ, nó được xác lập trên bảy nguyên tắc của không gian và thời gian: Không gian thì có bốn phương, Đông, Tây, Nam, Bắc, thời gian thì có quá khứ, hiện tại và vị lai, và là con số tròn theo cách nhìn: chính giữa, ở trên, ở dưới, bên phải, bên trái, trước mặt và sau lưng.

- Con số bảy trong âm nhạc ứng với bảy nốt, Đồ, Rê, Mi, Pha, Son, La, Si.

- Một tuần cũng chỉ có bảy ngày và mỗi ngày như vậy sẽ ứng một thứ kim loại quý.

+ Chủ nhật: Ngày của thần mặt trời – tương ứng với Vàng

+ Thứ hai: Ngày của thần mặt trăng, vị thần canh giấc ngủ cho mọi người - tương ứng với Bạc.

+ Thứ ba: Ngày của vị thần chiến tranh (sao Hỏa) - ứng với Sắt

+ Thứ tư: Ngày của vị thần thương mại - ứng với nguyên tố Thủy Ngân, một dạng kim loại di động – Sao Thủy.

+ Thứ năm: Ngày của vị thần chúa tể (thần của các vị thần) - ứng với Kẽm, tượng trưng cho sức mạnh vô địch. Một loại kim loại không bao giờ rỉ sét. Nó còn được gọi là thần sấm chớp - Sao Mộc

+ Thứ sáu: Ngày của nữ thần tình yêu - ứng với Đồng, mềm dẻo, phản sáng, lấp lánh và quyến rũ – Sao Kim

+ Thứ bảy: Ngày của vị thần gây bao đau khổ cho nhân loại – Sao Thổ - ứng với kim loại là Chì

- Con số bảy của phương pháp Tumo Yoga, số bảy là số thứ tự cuối cùng của hệ thống tinh lực thu tóm toàn năng vũ trụ trong cơ thể một con người.

+ Trung tâm thứ nhất nằm ở dưới cuối xương sống (nơi đây được coi là chổ trú của con rắn lửa)

+ Trung tâm thứ hai nằm ở cuối bụng dưới

+ Trung tâm thứ ba nằm ở sau rốn

+ Trung tâm thứ tư nằm ở chỗ trái tim

+ Trung tâm thứ năm nằm ở nơi yết hầu

+ Trung tâm thứ sáu nằm ở giữa hai lông mày

+ Trung tâm thứ bảy nằm ở hai đỉnh đầu

- Ngay cả thần thức của chúng sinh khi qua đời, cũng phải trải qua bảy ngày luân chuyển một lần và phải đợi bảy lần bốn mươi chín ngày như thế mới chuyển sinh cõi khác.

Sẽ không có bất kỳ loại thuốc nào có thể “chữa lành” những phiền muộn trong mỗi thân thể con người. Cách mà vị Hòa thượng chỉ cho người phụ nữ bất hạnh kia thật sâu sắc và ý nhị. Sự từng trải, lòng khoan dung, tình yêu thương của một người đàn bà từng làm vợ, làm mẹ của những đứa con, đã giúp bà nhận ra rất nhiều thứ xung quanh cuộc sống này. Điều mà từ trước tới giờ bà chưa một lần được biết và thấu hiểu.

Bảy bát nước, bà mãi không bao giờ tìm thấy nhưng con số bảy cho bà nhiều trải nghiệm đáng quý, nó giống như thiên thần hộ mệnh dẫn dắt bà đến với những điều bản thân tưởng chừng như không thể. Nỗi đau mà bà đang chịu đựng rất nhỏ so với những người khác, phải chăng đó là một điều hạnh phúc?

Đôi khi trong cuộc sống, có những thời điểm mà tất cả mọi thứ chống lại bạn, đến nỗi bạn cảm tưởng rằng mình không thể chịu đựng hơn được nữa, nhưng hãy cố gắng đừng buông xuôi và bỏ cuộc, vì sớm muộn gì rồi mọi thứ cũng sẽ qua đi. Chính nụ cười của bạn mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh, và tất nhiên nó cũng mang lại hạnh phúc cho chính bản thân bạn nữa. Điều ngọt ngào nhất bao giờ cũng đến phía sau những nỗi cô đơn dù không thể diễn tả thành lời.



Quán Như

Âm lịch

Ảnh đẹp