24/10/2013 20:56 (GMT+7)
Số lượt xem: 1711
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng



Một góc nhìn khác về bằng cấp -- www.HoPhap.Net
Một góc nhìn khác về bằng cấp -- www.HoPhap.Net




Một góc nhìn khác về bằng cấp
Tạ Thị Ngọc Thảo

Trong xã hội hiện nay, có nhiều nguyên nhân khiến người ta không thể tìm đến trường học: không trang trải nổi chi phí học tập, bận nuôi sống bản thân mình và lo cho nhiều người khác… Nhưng cũng có những người sau khi làm bài toán so sánh họ chọn con đường tự học, tự đào tạo. Theo họ, lợi ích thu được từ việc đến trường không bằng cơ hội, thời gian, tiền bạc… mà họ phải mất đi.

Một tình huống, dù không phổ biến lắm nhưng đã xảy ra trong thực tế với hai loại người, có bằng cấp và không có bằng cấp, khi đứng trước cơ ngơi của công ty nào đó mà cả hai điều muốn đặt chân vào.

- Người có bằng cấp sẽ giải quyết việc này thật đơn giản; đàng hoàng, đĩnh đạc bước vào xuất trình bằng cấp, học vị, nếu nguyện vọng với người tuyển dụng, rồi đề nghị mức lương tương xứng – có khi cao đến nỗi làm người trả lương phải đắn đo.

- Người không bằng cấp thừa biết mình khó có thể vượt qua cửa ải này cho nên đã tìm một con đường vòng để lọt vào công ty. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã với người này có thể là rào cản, nhưng với người kia có khi lại là một lực đẩy giúp họ bật dậy vươn lên, vượt qua chính bản thân mình!

Một công việc khai thác hết sở trường, một môi trường làm việc đủ để tung hoành khai phá, một mức thù lao cao, ổn định…, luôn là điểm nhắm hấp dẫn đối với nhiều người… Để chiếm giữ những vị trí sáng giá này, kẻ trước người sau xếp hàng lũ lượt. Cái hàng rồng rắn đó được xếp khít khao đến nỗi người không có bằng cấp khó có thể chen chân.

Khó chen chân thì tìm cách khác vậy. Một số người nổi trội đã quyết định bay lên…; lúc đó sẽ không còn hàng, lối, thứ tự trước sau, ngã ba, ngã tư, đèn xanh đèn đỏ hay barie gì cả.

Tận dụng mọi nỗ lực của bản thân, người không bằng cấp quyết đạt được điều mình khao khát – thay vì nhận lương, họ phấn đấu trở thành người trả lương! Trong trường hợp này, xã hội thường mở lòng thừa nhận, nhưng không phải là không có người xét nét, quay lưng.

Sự nỗ lực vươn lên của những người không bằng cấp thường rất cay nghiệt, chỉ có những người đồng cảnh ngộ mới thấu cảm. Họ không bị áp lực bởi giờ lên lớp, hạn nộp bài, ngày thi cử… vì 24 giờ trong ngày với họ đều là giờ học tập! Thầy, cô của họ vào ban ngày là những người mà họ tiếp xúc, giao tiếp, là công việc; vào ban đêm là sách vở, tài liệu, máy tính… Họ tận dụng mọi cơ hội để tích lũy thêm kiến thức. Bởi, họ ý thức được rằng: tự học và tự đào tạo sẽ giúp con người ta thích nghi mọi hoàn cảnh và là một trong những con đường ngắn nhất tìm đến sự thành công một cách bền vững.

Và rồi cũng đến ngày hái quả, bằng cấp của họ không phải là tờ giấy chứng nhận tốt nghiệp của những trường danh tiếng nào đó mà chính là những gì họ cống hiến cho xã hội: Những công ty hay tập đoàn do họ làm chủ, những thế hệ kế thừa do họ đào tạo, những công ăn việc làm do họ tạo ra cho nhiều người, những công trình kiến trúc do họ làm chủ đầu tư, những quyển sách chính họ là tác giả, những công trình nghiên cứu cũng chính họ là chủ đề tài. Và v.v….

Tuy vậy, trong xã hội hiện nay, số người tiềm tàng tố chất làm chủ có, nhưng chưa nhiều; vì nhiều lẽ. Trong đó, không thể không đề cập: dù có không ít người trân trọng thành quả của những người tự học, tự đào tạo, có ý chí vươn lên, nhưng môi trường chung của xã hội hiện nay là chưa thật màu mỡ để giúp họ ươm mầm khát vọng. Đàng rằng việc học ở trường sẽ giúp con người ta thu nạp kiến thức một cách có hệ thống, bài bản; nhưng không phải ai ai trong xã hội cũng chọn, hoặc có điều kiện đến trường để học.

Để khẳng định mình, những người không bằng cấp gần như phải tự bơi trong dòng nước ngược. Vừa bươn trải kiếm sống, vừa tự học, tự đào tạo cật lực mới có thể được xã hội thừa nhận. Còn trong quá trình loay hoay tìm đường vươn lên, có không ít trường hợp, dù đã tích lũy được kiến thức, đạt được trình độ chuyên môn ngang ngửa hoặc vượt trội hơn người có bằng cấp, nhưng một số người trong họ vẫn chưa được đối xử công bằng.

Sự ưu ái thái quá với bằng cấp đã làm không ít người xem con đường thi cử là con đường duy nhất để tiến thân, dẫn đến gian lận trong thi cử, mua bán bằng cấp… Lại có một số người trẻ cho rằng thi rớt là dấu chấm hết của cuộc đời mình, rồi hành xử tiêu cực… Trong khi đó cơ chế xử dụng nhân lực còn nhiều khiếm khuyết là một trong những nguyên nhân dẫn tới hệ quả như hiện nay: nhiều người biết làm việc nhưng không có việc làm, nhiều người được việc làm nhưng không làm được việc.

Để công bằng hơn với những người tự học, tự đào tạo, để khuyến khích ý chí tự học ở mỗi người, xã hội và nhà nước cần thay đổi tư duy sử dụng nhân lực. Lấy chất lượng bằng cấp, thực tài, đạo đức của mỗi con người làm trọng. Và có lẽ từ nay, từng người trong chúng ta nên bắt đầu hình thành một thói quen trong giao tiếp, ứng xử. Thay vì hỏi: “Bạn có bằng cấp gì?” thì hãy hỏi một câu khác thực tế và nhân văn hơn. “Bạn đã và sẽ làm được những gì?”.

Đức Phật có nói “Giáo lý của ta là ngón tay chỉ mặt trăng”. Mặt trăng là chân lý. Ngón tay chỉ cho ta chân lý đó. Cho nên đừng lầm ngón tay là mặt trăng. Chỉ một câu nói này thôi cũng đã khiến đạo Phật khác hẳn các tôn giáo khác. Lời dạy đó có thể áp dụng cho mọi trường hợp, từ chuyện cao siêu nhất, đến chuyện tự học và tự đào tạo của con người, nhất là những người trẻ vừa thi rớt đại học vừa qua. Thay vì sầu não, tiêu cực, hãy một mình tìm đến ngôi chùa nào đó yên tĩnh, nhìn Phật, rồi suy nghiệm: bằng cấp không phải là mặt trăng, chỉ là ngón tay, mà chưa chắc là ngón tay duy nhất. Có thể có ngón tay khác, ngón tay chỉ mặt trăng đang nằm trong lòng của mỗi chúng ta.

Những người trẻ ơi, hoài bão của các bạn chính là mặt trăng đấy.

Source: Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 41

Âm lịch

Ảnh đẹp