Thơ Haiku mùa thu mang nhiều sắc thái
thẩm mỹ khác nhau, giao thoa hòa quyện lẫn hau để làm nên hương sắc và
phong vị khó miêu tả, khó phân tích, chỉ có thể cảm nhận bằng sự vi diệu
của tâm linh, sự tinh tế của tâm hồn, sự mẫn cảm của trực giác mà thôi.
Trong đó bi cảm (tiềng Nhật là aware) là cảm thức bao trùm, là cái chất
thu đẹp, buồn và quyến rũ, ngàn năm lay động hồn người dù chỉ bằng một
chút men thu.
1- Lá phong đỏ , hoa cúc vàng và triệu nhan tím
Nhật Bản là đất nước của ngàn thơ, vì
trước hết đó là đất nước của ngàn hoa. Hoa lá một trong những hiện thân
trọn vẹn và rực rỡ nhất của cái đẹp trên đời. Hình như tạo hóa có phần
thiên vị Phù Tang quần đảo, và hình như người Nhật cũng đã cảm nhận được
cái ân tình của tạo hóa nên thầm lặng nói lời tạ ơn bằng cách sống đẹp
như hoa, trồng hoa trên khắp mọi miền đất nước, thưởng hoa suốt bốn mùa
xuân hạ thu đông, đem hoa và tất cả hình nghệ thuật tinh túy nhất như
vườn cảnh, cây cảnh, cắm hoa hội họa, trà đạo, trang phục, ẩm thực… Tất
cả những người Nhật tài hoa chạm tay vào đều biến thành hoa của cuộc
sống . Thơ Haiku mùa nào cũng có quý ngữ là những loài hoa đẹp… Lá phong
đỏ, hoa cúc vàng, vàơ triệu nhan tím là ba hình ảnh hoa thơ đẹp nhất và
đặc trưng cho sắc thu , hương thu, vị thu trong thơ Haiku.
Hơn một ngàn năm trôi qua rồi mà ta vẫn còn rúng động khi nghe lời thầm thì cùng lá đỏ trong “Manyoshu”xưa:
Đàn nhạn bay về / cây phong của ta ơi / đến lượt em rồi đó / đã sang mùa / em hãy đổi màu đi !
Khi người yêu tôi / mặc áo trắng đi ngang đồi / vương vào lá / vì đang là mùa thu
Mùa thu là mùa của lễ hội ngắm lá.
Vàng rơi phủ dần đường xưa lối cũ là sắc đỏ sang mùa của ngàn vạn lá
phong. Đẹp đến mức Shiki phải thốt lên :
Đẹp lạ lùng / ai mà không ghen tị / lá đỏ rời cành phong .
Cũng như hoa anh đào, đẹp từ lấm tấm
nụ dến bạt ngàn hoa, đẹp cả lúc lả tả trong mưa bụi gió xuân, rơi xuống
làm hồ Biwa gợn sóng, lá phong đẹp rợn ngợp trên cành cây cao và kiêu
hảnh gieo mình về với cội rễ già, chôn mình bằng xác lá khô héo úa vàng.
Một lần đi qua xứ lạnh mủa thu, nhà thơ Tế Hanh hạ bút:
Lá phong đỏ như mối tình rực lửa
Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa
Thiên nhiên hình như cũng biết tình tứ hẹn hò. Nhớ lời ước hẹn sang thu, hoa cúc rủ nhau về nở rộ:
Cúc vàng cúc trắng / đóa cúc hồng / tôi khát khao /(Shiki)
Mong manh mong manh / một nhành hoa cúc / vừa đơm nụ vàng ( Basho)
Hoa cúc bé nhỏ và mong manh là vậy, nhưng lại ẩn giấu dưới sắc vàng rực rỡ một sức sống tiềm tàng tràn trề sinh lực.
Dẫu thân hao gầy / cành hoa cúc ấy / nụ hoa căng đầy ( Basho)
Không chỉ đẹp trong cái sắc trắng
ngần, hoa cứ đến trong cuộc đời trần trụi bụi bặm này một cách hồn
nhiên, trong veo, thanh khiết, vô tư.
Kìa hoa cúc trắng ngần / không mảy may hạt bụi / nở ngay trước mắt trần ( Basho)
Bông hoa cúc Nhật ấy cũng như đóa sen
trong ca dao Việt vậy. Cái đẹp trong quan niệm thẩm mỹ của người Nhật
thường hài hòa với cái nghèo nàn , đơn sơ mộc mạc, xù xì bé nhỏ gần gủi
quanh ta :
Quanh chiếc cối xay / trên mình cúc trắng / chút bụi bám bay ( Basho )
Cái lam lũ của cối xay, cái tội
nghiệp nghèo nàn của bụi bám vương vào cánh hoa cúc trắng tinh khôi tạo
nên một tương giao của vạn vật hiền hòa . Và đến khi thu vàng sắp từ
biệt , những đóa cúc muộn màng cuối mùa cũng ra đi , vạn vật hầu như chỉ
còn là hư không trống vắng , như có một cái gì đó vừa trôi qua tầm tay
ta.
Hoa cúc hết mùa / ngoài cây củ cải / còn lại gì đâu ( Basho)
Mùa thu còn quyến rũ lòng người bằng
sắc triệu nhan (asagao) xanh tím. Triêu nhan – gương mặt buổi sáng – còn
được mang một cái tên dân dã dễ thương là bìm bìm , loài hoa leo dân dã
đồng nội thân quen quấn quýt khắp nơi, giăng mắc mọi lối Triêu nhan
không phải là hoa của mùa thu, nhưng vì cái màu tím đẹp và gợi cảm của
hoa nên thường được người Nhật nhắc đến trong những bài thơ về mùa thu
như một quý ngữ, một hình ảnh trung tâm của thế giới thơ. Thiền Ni Chiyo
không để lại nhiều thơ, nhưng vẫn đủ sức tạo hương gây mùi nhớ cho đời,
mà đẹp nhất là bài thơ về bông hoa triêu nhan biêng biếc bên thành
giếng một sớm tinh mơ:
A ! Asagao! / dây gầu vương hoa bên giếng / đành xin nước nhà bên.
Bài thơ đẹp cách tạo hình ảnh vừa
tương phản lại vừa tương hợp giữa dãy hoa dây gầu, còn đẹp hơn bởi cách
tạo yếu tố bất ngờ trùng điệp tăng cấp qua cả ba câu thơ bé nhỏ . Bài
thơ còn sâu sắc ở chỗ đã gửi gắm kín đáo dưới chữ nghĩa ít ỏi kia một
nét đẹp lấp lánh của tâm hồn Nhật Bản. Đó là sự tinh tế và nhạy cảm
trước cái Đẹp của cuộc sống và hơn thế nữa là thái độ và nghĩa cử biết
nâng niu , trân trong gìn giữ cái đẹp trong đời .
Đóa triều nhan trong bài thơ nhỏ của Basho lại đáng yêu một cách khác:
Triều nhan một đóa / suốt ngày chốt cửa / cài vào cổng tôi ( Basho)
Trong thế giới của tĩnh lặng và tách
biệt bụi trần , triêu nhan bé nhỏ thầm lặng làm người gác cổng đáng yêu
bên lối nhỏ vào đường thiền vạn nẻo , vào tâm thiền thênh thang .
2-Săc màu và hương vị cùng gió và sương thu
Trong thế giới nghệ thuật không chỉ
có những sự vật hiện tượng cụ thể mới có hình hài sắc màu, hương vị
…diêu thú vị khi thưởng thức thơ Haiku mùa thu là ta không chỉ vừa có
thể thấy được bao sắc màu, lại còn có thể ngửi thấy được cả mùi vị của
mùa thu mới thật là kỳ lạ !
Bắt gặp sắc đỏ của mùa thu qua thảm
lá, tán lá, sắc vàng trắng của mùa thu qua bạt ngàn cúc hoa, ta lại ngẩn
ngơ trước sắc tím xanh biêng biếc của triêu nhan bên hàng dậu đổ .
Nhưng cái màu sắc vô hình của mùa thu lại chính là sắc trắng – một sắc
trắng kỳ lạ của hư vô, hình như không thể nhìn thấy bằng mắt, mà chính
là màu tâm trạng , màu tâm hồn , màu tâm tư , màu tâm tưởng, cả màu tâm
linh nữa.
Bể tối sầm / tiếng nhạn / phơn phớt trắng.
Trắng hơn / đá trên núi / gió thu
Không bao giờ quên / mùi cô đơn/ của giọt sương trắng ( Basho)
Khi cảm nhận sắc màu của vạn vật
trong không gian thu, nhân vật trữ tình ẩn tàng trong những bài thơ
Haiku trên đã có một năng lực trực cảm kỳ lạ đó là sự chuyển đổi cảm giác
. Ở bài thơ thứ nhất, sắc đen tối sầm của biển tương phản và làm nổi
bật màu phơn phớt trắng, không phải của cánh nhạn, mà là của tiếng nhạn.
Tiếng nhạn trên biển tố không phải được nghe bằng tai mà được thấy bằng
mắt ! Ở bài thứ hai, nghệ thuật so sánh đã làm nổi bật màu trắng của
gió thu trên nền màu trắng của núi đá. Gió ở đây cũng không phải được
nghe bằng tai mà được thấy bằng mắt và gió có …màu trắng ! Ở bài
thứ ba, lắng sâu vào lòng người, lặng sâu vào vũ trụ là một giọt sương.
Giọt sương thắm ấy không chỉ có màu mà còn có cả mùi vị . Một cái mùi vị
độc đáo không thể ngửi thấy được, không thể nếm, không thể miêu tả được
mà vẫn cảm nhận được, đó là mùi…cô đơn !
Hình hài của mùa thu không chỉ hiển
hiện ra trong màu sắc, mà thu chỉ thật sự hiện hữu, thật sự được cảm
nhận từ những làn hương .
Ở Yamankta/ không cần ngắt hoa cúc bỏ vào / mà nước suối vẫn thơm ( Basho)
Mưa mù sương / phù dung một đóa / làm mùa dâng hương ( Basho)
Đi giữa trời thu, con người hòa vào
vũ trụ một cách như nhiên nhất, vì ta chính là một phần của bản thể vũ
trụ mà. Vì vậy, ta có thể cảm nhận một cách tinh tế nhất cái cuộc sống
huyền diệu này. Cái đẹp của vạn vật vào thu không chỉ tồn tại như một
hằng thường khách quan mà vô thường trong cảm nhận chủ quan của chính
con người. Trực giác bao giờ cũng sắc bén khiến những câu thơ thu bé nhỏ
kia đẹp và thực đến khó tin.
Gió thu và sương thu là những quý ngữ
quen thuộc trong những khúc ca thu bé nhỏ này. Gió cũng là ngôn ngữ
riêng của thu; lời của thu cũng là lời của gió. Đi qua những ngày hạ
nóng nực, những làn thu phong đã đem lại cho vạn vật một cảm giác mát mẻ
dễ chịu những ngày đầu thu:
Đỏ bừng / mặt trời . nhưng rồi thu phong
Không khí mát mẻ mùa thu / bàn tay gọt vỏ / dưa gang và cà tím ( Basho)
Và trong làn gió thu nhẹ thoảng, những chiếc lá chao mình rơi rụng, đùa giỡn cùng gió mùa thu tinh nghịch:
Một chiếc lá rơi / chiếc khác / gió đoạt ( Issa)
Thiên nhiên có sự giao cảm lạ kỳ; đầy
bí ẩn. Dấu ấn cảm quan sùng thượng thiên nhiên của Thần đạo (Shinto) in
đậm trong bài thơ thu. Gió thu không chỉ là cái đẹp của thiên nhiên mà
còn là sức mạnh thần bí của vũ trụ. Thơ mùa thu vì vậy không chỉ mang đi
cảm xúc về cái tình, cái đẹp mà còn ẩn chứa trong sâu thẳm những trầm
tư triết lý , đức tin và tín ngưỡng của con người .
Gió thổi, sương pha nhắc ta biết vạn
vật đã sang mùa. Vào thu, đất trời không còn cái ấm áp tinh khôi của mùa
xuân, cái nồng nàn khỏe khoắn của mùa hạ, cũng chưa có cái lạnh lẽo, âm
thầm của mùa đông. Mùa thu trong thơ Haiku có cái đẹp mơ màng của mù
sương xứ lạnh.
Chìm trong mưa sương / đỉnh Fuji ấy / lòng ta không buồn ( Basho)
Mưa mù sương / phù dung một đóa /làm mùa dâng hương ( Basho )
Hoa đinh hương ơi / những giọt sương sáng/ em đừng để rơi ( Basho)
Ôi những hạt sương/ trân châu từng hạt / hiện hình cố hương ( Issa)
Thật kỳ diệu những giọt sương ! Chỉ
trong một hạt sương long lanh mà có thể chứa đựng tất cả vũ trụ: cái
đẹp, niềm vui, nỗi buồn, ảo ảnh… Đơn sơ là một giọt sương, hư vô là một
giọt sương, nghèo nàn là một giọt sương, mà giàu có cũng chỉ là một giọt
sương trên đầu ngọn cỏ mà thôi !
3-Chiều thu, đêm thu, trăng thu cùng nỗi buồn , sự cô đơn và cái chết
Thơ Haiku mùa thu thường ngập ngừng
dừng bước vào những thời điểm đẹp và buốn nhất trong một ngày thu là
chiều tà và đêm tối. Có lẽ những phút giây tĩnh lặng nhất trong ngày.
Cùng với bi cảm (aware), thì sabi (tịch) cũng là một cảm thức thẩm mỹ
thường trực trong Haiku mùa thu .
Trên cành khô / cánh quạ đậu / chiều thu ( Basho)
Đó là bài Haiku danh tiếng của tôn sư
Basho. Haiku vốn không có nhan đề, nhưng bạn yêu thơ đời sau đã thân ái
đặt cho bài thơ này một cái tên lâu dần thành thân quen như bài thơ Con quạ.
Bài thơ chỉ có một gam màu sẫm tối buồn bã với ba hình tượng nghệ thuật
được sắp xếp một cách đơn lẻ : Một cành cây khô trơ trụi, một cánh quạ
nhỏ bé , lẻ loi , xấu xí đứng yên không động vọng , một hoàng hôn bóng
tối loang dần . Thế nhưng tất cả đã hòa vào nhau thành một nhất thể như
tự khởi nguyên, vô thủy và vô chung, vô âm và vô sắc, vô định và vô hạn,
vô ngại và vô chấp.
Trên con đường này /giữa chiều thu ấy / đi về không ai ( Basho)
Một mình/ thăm một người/ chiều thu (Buson)
Trong cả hai bài thơ nhỏ bé này đều
có một chủ thể trữ tình vừa ẩn tàng vừa lộ diện. Cả hai đều cô độc trong
chiều thu cô liêu. Cảm giác đơn côi của người lữ khách trên con đường
thiên lý giữa buổi chiều thu lộ ra qua những số từ “không” và “môt”. Sự
cô đơn , sự già nua , cái chết , biệt ly… là những chủ đề đi xuyên qua
nhiều bài Haiku mùa thu ảm đạm .
Mùa thu năm nay / sao tôi chóng già thế . chim sa ở mây trời ( Basho)
Bài thơ nói về cái tôi mà không có
cái tôi. Khi ngộ ra những vô thường, cũng là lúc con người thoát ra khỏi
vòng luân hồi sinh tử, an nhiên như chim tung cánh, như mây trời lang
thang.
Mùa thu ở Kiso / người tiễn đưa ta, ta tiễn đưa người ( Basho )
Xin hãy lay động nấm mồ / những lời than khóc của tôi / chiều thu ( Basho)
Không còn mẹ / một mình em bé tập cười / đêm mùa thu rơi ( Issa)
Gió mùa thu rơi / hoa tím còn muốn hái /cô bé chết hôm nào ( Issa)
Thơ Issa là tấm gương phản chiếu nỗi
đau trong tâm hồn, trong cuộc đời nhà thơ. Cuộc đời Issa buồn vả khổ,
hạnh phúc thì hiếm hoi, mà bất hạnh thì dồn dập, chất chồng. Mỗi bài thơ
buồn của Issa là một vành khăn sô trắng màu tang tóc của mùa thu.
Những tưởng đã giũ bỏ mọi lớp bụi
hồng trần đế an nhiên thung dung phiêu lãng trên con đường sâu thẩm của
hài cú đạo, thế mà ngay cả Thiền sư Basho cũng không ngăn được dòng lệ
trước sự vô thường của cuộc đời , trước sự nghiệt ngã của cuộc tử biệt
sinh ly . Ngày đi có bóng mẹ tiễn đưa, ngày về cỉ còn:
Lệ trào nóng hổi / tan trên tay tóc mẹ / làn sương thu ( Basho)
Nước mắt của đứa con đi xa trở về
không kịp nhìn thấy mẹ lần cuối, chỉ còn trên tay chút tóc bạc mẹ già để
lại theo phong tục cổ xưa. Đó là một trong những bài thơ hay nhất về mẹ
trong thế giới thơ ca Nhật Bản, lấp lánh một góc khuất tình cảm trong
cuộc đời ngời thi sĩ lãng tử thiền sư.
Cây chuối trong gió thu / tiếng mưa rơi tí tách vào chậu / ta nghe như tiếng đêm (Basho)
Đêm thu có âm thanh riêng của nó mà
chỉ người thức trắng cùng đêm, cùng thu , cùng gió, cùng mưa mới hốt
nhiên nghe được tổng hòa cái âm thanhkỳ lạ ấy, được định danh là “tiếng đêm”.
Và đêm không còn là đêm của một thời gian cụ thế, mà đã trở thành đêm
phi hiện thực, phi thời gian, đêm của sâu thẩm tâm linh, đêm của lòng ta
hay đêm huyền diệu bao la của vũ trụ vô tận này?
Trong cái tận cùng của cô đơn, trong cái vộ cùng của vũ trụ, con người may ra còn có duy nhất một người bạn trên đời:
Chỉ vầng trăng và tôi /trên cầu gặp gỡ / cô đơn gió buốt (Kikushani)
Trăng thu / cùng tôi phiêu lãng / suốt đêm quanh hồ (Basho)
Trăng và tôi, hai chủ thể cùng cô
đơn, đã hợp nhất thành một. Con người giữa đất trời hiện hữu, tự nó đã
là một minh chứng cho quy luật tồn sinh của vạn vật. Triết lý Thiền,
triết lý Đạo, triết lý Thần ngẫu nhiên gặp nhau trong quan niệm vạn vật
bình đẳng và tương giao trên góc nhìn nhân sinh quan và cả vũ trụ quan
nữa. Những bài Haiku bé nhỏ đôi khi lại có một năng lực, một sức chứa kỳ
lạ có thể dung nạp hết mọi đạo lý huyền diệu vào một vài con chữ ít ỏi
của thơ ca.
Trong ánh mắt / gió mùa thu thổi / đều là Haiku ( Shiki)
Trên bước đường phiêu lãng, trong cái
phút tạm dừng bước giang hồ , người lãng tử thiển sư đã hốt nhiên bắt
gặp một bức tranh tuyệt đẹp đến toàn bích, vì đó là nơi hội tụ của ba
đỉnh điểm cái đẹp của vũ trụ : Thiếu nữ, Trăng và Hoa.
Quán bên đường / các du nữ ngủ / trăng và đinh hương ( Basho)
Mùa thu bao giờ cũng đem lại cho con
người cảm giác buồn hơn vui. Bởi vì mùa thu đẹp quá! Cái đẹp trong tâm
thức, trong cảm thức người Nhật bao giờ cũng gắn liền với cái buồn xao
xuyến, cái hoài niệm, cái tiếc nuối và sự dùng dằng ,ngập ngừng như níu
kéo để còn được khát khao , được mong đợi dù biết rằng thu đã sang mùa .
Con trai sò / chia xác vỏ ra hai / mùa thu sắp đi (Baso)
Thu đã cuối rồi / nhưng quả xoài xanh / vẫn tin vào ngày sắp tới (Basho)
Kết cấu vòng tròn của bài thơ không
chỉ khẳng định tình yêu dành cho mùa thu, còn ấn giấu một niềm lạc quan
và phát lộ một bản lĩnh trường tồn của tạo vật. Có rồi không, không để
rồi lại có. Đó là sự hằng thường của lẽ vô thường, là quy luật vận hành
của vạn vật. Dẫu vậy vẫn xin được cảm ơn Thiền sư Basho đã nói hộ lòng
ta nhắn gởi với mùa thu rằng :
Ngón tay nho nhỏ /hạt dẻ trong vỏ / xin mùa thu đừng rời !.
HOÀNG XUÂN VINH