Tây Du Ký còn gọi là Truyện Tề Thiên Ðại Thánh,
một bộ tiểu thuyết trường thiên, cổ điển của văn học Trung Quốc, đã
được giới độc giả trên khắp thế giới hâm mộ, ưa thích, mỗi khi
đọc đến quên cả ăn và bỏ cả ngủ. Gần đây, các đài truyền hình trong
nước, từ đài Cần Thơ cho đến đài TP. HCM đã cho chiếu rộng rãi bộ
phim truyện này do nữ đạo diễn Dương Khiết thực hiện, thì Tây Du Ký một lần nữa trở nên phổ biến hơn và quen thuộc hơn đối với mọi người từ già đến trẻ, từ trí thức đến bình dân.
Từ mọi góc độ, người đọc cũng như người xem cảm nhận tác phẩm
theo những nhận thức khác nhau, và đúc kết cho mình những bài học
cũng vô cùng khác nhau. Tác dụng của tác phẩm rất đa dạng. Nó đến
với lòng người dĩ nhiên không thể đồng dạng với ý tưởng nắn ra tác
phẩm của tác giả Ngô Thừa Ân. Và do vậy, sự đánh giá, nhận định,
bình phẩm, dù trải qua nhiều thời kỳ vẫn cứ nghiễm nhiên diễn ra
theo chủ kiến của người cầm bút.
Từ góc độ nghệ thuật cũng như diễn xuất, Tây Du Ký của
đạo diễn Dương Khiết phong phú và hấp dẫn không kém gì nguyên tác
truyện của Ngô Thừa Ân. Có thể nói, đạo diễn Dương Khiết và các tay
diễn viên lão luyện của bà đã thành công đáng kể ở mặt này. Tuy
nhiên, một bộ phim dài 25 tập, tuy có chọn lọc từ bộ truyện dài hơn
2000 trang với 81 nạn trên đường thầy trò Ðường Tăng thỉnh kinh,
cũng không thể tránh khỏi những hạn chế nhất định. Ngay cả nguyên
tác, ngoài mặt thành công nghệ thuật và tính cách của các tuyến nhân
vật, thiện ác rõ ràng, đẹp xấu phân minh, Ngô Thừa Ân cũng vấp phải
nhiều thiếu xót rất lớn. Chẳng hạn như sự thiếu tính logic trong
diễn tiến các tình tiết của nhân vật Sa Tăng và Ngựa Bạch giữa trước
lúc còn là yêu quái với lúc sau khi được Ðường Tăng nhận làm học
trò và theo thầy sang Thiên Trúc thỉnh kinh. Tôn Ngộ Không với 72
phép thần thông biến hóa phi thường, nhào một cái là mấy trục vạn
dặm, vậy mà phải mất đến 17 năm trời mới cùng thầy đến được Thiên
Trúc, một nước cách Ðại Ðường có là bao xa, so với cái nhào nhảy
"khôn lường" đó. Các vị Phật và Bồ-tát tuy được tác giả mô tả trong
truyện vượt xa 72 phép thần thông của Tôn Ngộ Không và dĩ nhiên hơn
cả Ngọc Hoàng Thượng Ðế, Thái Thượng Lão Quân và bỏ xa Nương Nương
Thánh Mẫu, nhưng lại là các tuyến nhân vật đóng vai phản diện hơn là
chính diện. Chính Phật Tổ Như Lai và Bồ-tát Quán Thế Âm đã bắt giam
Tôn dưới chân núi Ngũ Hành ngót 500 năm dài và cũng chính Phật Tổ
Như Lai và Bồ-tát Quán Thế Âm một lần nữa tạo ra 81 nạn cho 4 thầy
trò Ðường Tăng, để rồi dẫn đến kết thúc của tác phẩm chẳng có nghĩa
lý gì: Như Lai là người chủ mưu cuộc hối lộ cái "bát vàng" trước khi
giao chân kinh có chữ về Ðông Thổ. Hẳn rằng phim của đạo diễn Dương
Khiết giữ lại tình tiết này bằng một tập cuối, trong khi đã lược bỏ
rất nhiều nạn khác, hẳn không phải là không có dụng ý và mục đích
của nó. Ðiều này thiết tưởng không cần nói thì người xem vẫn rõ.
Chúng ta có thể thông cảm với Ngô Thừa Ân rằng muốn cốt truyện ăn
khách thì phải hư cấu. Tuy nhiên hư cấu để cho người xem có thể
chấp nhận được mà không gượng ép thì hư cấu đó phải bắt nguồn từ
cuộc sống hiện thực. Nghĩa là mượn những nhân vật có thật, chẳng hạn
A, B, C, để tố cáo, phản ánh các nhân vật A' B' C' mà mình không
tiện nói thẳng hay không dám đụng tới. Ðối tượng cần được phản ánh
núp sau tính cách bỉ lậu của nhân vật được hư cấu phải được xác lập
trên nền tảng sự thật và không nên đi qúa đà. Vì khi hư cấu quá đà
thì tác phẩm không những trở nên kỳ cục mà quan trọng hơn, khó được
người đọc chấp nhận. Trong truyện cũng như trong phim Phật Tổ Như
Lai chủ mưu cuộc hối lộ bằng cách "ném đá dấu tay," mặc ra lệnh cho
hai tôn giả Ca-diếp và A-nan-đà, những vị thánh tăng hàng đầu trong
hàng đệ tử Phật, đòi "quà thông cảm" với bốn thầy trò Ðường Tăng.
Ðiều đó đã làm cho ba vị đồ đệ cương trực của Ðường Tăng bất bình.
Nhưng vì thấy tôn giả Ca-diếp và A-nan-đà "xuống nước nhỏ" (nhưng
thật chất là đánh lừa), cả ba vị đã hỷ xả mà không làm lớn chuyện!
Bốn thầy trò tưởng mọi việc êm xuôi, hớn hở đem kinh về. Gần về đến
Ðại Ðường thì bổng đâu chim Ðại Bàng của Phật Di-lặc cướp bay lên
không, rồi sau đó bỏ xuống đất. Lúc đó, thầy trò Ðường Tăng mới vỡ lẽ
ra là kinh mà họ khổ công mang về là "kinh vô tự." Ở đây, theo
dụng ý của Ngô Thừa Ân, Phật Di-lặc cũng là người gián tiếp gây họa,
vì biết việc hối lộ mà không truy tố, đợi đi về gần tới nước mới
cho hay. Có lẽ tác giả cố nắn ra những cái éo le như vậy để ru ngủ
độc giả.
Cái gút "kinh vô tự và kinh hữu tự" mà tác giả dựng lên không
mang dụng ý thiền học như nhiều người đã cố tình lý giải. Thật ra,
nó nhằm tạo ra thái độ căm phẫn, cay cú của độc giả đối với đức Phật
và Bồ-tát, thông qua đó, bôi bác, xuyên tạc Phật giáo. Mặc dù chúng
ta co thể chấp nhận với tác giả Ngô Thừa Ân rằng ở bất kỳ thời đại
nào, sự đút lót, hối lộ, ăn chận không thể tránh khỏi với những phần
tử cơ hội và phản diện, nhưng chúng ta không thể đồng tình với tác
giả khi ông áp đặt các phần tử xấu xa, đáng lên án bằng hình ảnh của
đức Phật và các vị thánh tăng. Không phải ở các xã hội phong kiến,
nạn hối lộ mới có, mà cả các xã hội tư bản và cộng sản, nạn này tràn
lan không kém gì, thậm chí còn tinh vi và thâm độc hơn nhiều, như
gần đây báo chí trong và ngoài nước đã vạch mặt điểm tên. Tác giả
Ngô Thừa Ân thật là quái đãng. Ông đã dựng lên một con khỉ không cha
không mẹ, một con heo với nhiều tính cách xấu và một con yêu quái
phá hại dân lành. Nhưng khi làm đồ đệ Ðường Tăng, chúng đã trở thành
nào là Chiến Ðấu Thắng Phật, Tịnh Ðàn Sứ Giả và nào là Kim Thân
A-la-hán, để rồi làm gì? Bất quá chỉ thành cỡ Phật Tổ Như Lai hay
tôn giả Ca-diếp và A-nan-đà, những người đã chủ mưu cuộc hối lộ là
cùng!?
Có rất nhiều hình tượng để chúng ta hư cấu, mà thông qua đó gởi
gấm tâm sự của mình, hay phê phán hoặc giáo dục thói hư tật xấu của
xã hội. Phật, Bồ-tát và thánh tăng là những mẫu người toàn thiện của
xã hội, những bậc vĩ nhân của nhân loại (chứ không phải của chủ
nghĩa lý tưởng hóa). Các ngài là những con người lịch sử thật. Các
đóng góp về đạo đức và trí tuệ của các ngài cho nhân loại là những
sự thật lịch sử không phủ nhận được. Những người cầu tiến bộ về đời
sống đạo đức và tâm linh phải học hỏi ở các ngài. Do đó, người làm
công tác văn học không nên tùy tiện đem các ngài ra mà mua bán, mà
giễu cợt với một thái độ trịch thượng với dụng ý kích bác và vu
khống. Phật và Bồ-tát không những không thể có các thói hư thế tục
đó mà các ngài là những người đã giáo dục cuộc đời từ bỏ chúng. Do
đó không thể tô đen các ngài để giáo dục xã hội. Bởi lẽ chính các
ngài bằng hành động, lời nói và ý nghĩ đã để lại nhiều bài học đạo
đức vô giá để cho toàn nhân loại học hỏi và trau dồi.
Tôi cho rằng Ngô Thừa Ân đã xúc phạm một cách trịch thượng đến
đức Phật, các vị Bồ-tát và các vị thánh tăng, khi ông bất chấp dư
luận, dựng lên một tình tiết trái ngang "tồi" như trên. Nếu Ngô Thừa
Ân biết hư cấu một vị Hòa thượng tu đến cuối cuộc đời, chỉ vì tham
vọng cưỡng đoạt y bát của Ðường Tăng mà gây ra thảm họa thiêu hủy
ngôi đại Già-lam và cuối cùng phải bị chết thiêu một cách tàn khốc;
nếu Ngô Thừa Ân biết hư cấu một nhà sư chỉ vì đam mê sắc đẹp của yêu
tinh Ngọc Thố mà phải bị yêu tinh này giết chết lúc nửa đêm, và
nhiều hư cấu khác có thể chấp nhận được trong cuộc sống v.v... thì
tại sao Ngô Thừa Ân không biết hư cấu những vị "phàm tăng" nào đó
trông coi hay cận phụ Linh Sơn Tự đã bày trò "đúc lót" bốn thầy trò
Ðường Tăng thì có phải khả dĩ chấp nhận hơn không? Vì đó có thể là
chuyện đời thường, có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào, và ở bất kỳ
con người nào chưa dứt trọn vẹn lòng tham lam, ích kỷ, Ðây là mà
điều đức Phật dạy không chỉ mang lại kết quả xấu xa, bất hạnh cho
mình mà còn cho người khác, không chỉ ở đời nay mà còn ở đời khác nữa.
Những điều gì mà đức Phật khuyên người ta nên từ bỏ, xa lìa thì Ngô
Thừa Ân lại đem những cái đó gán lên đức Phật. Như vậy mục đích của
Ngô Thừa Ân nhằm vào đâu: truyền bá đạo đức hay chống lại đạo đức?
Dĩ nhiên câu trả lời là chống lại đạo đức Phật giáo. Mục đích giáo dục
của Ngô Thừa Ân nếu có thông qua truyện cũng đã trở nên vô nghĩa,
khi ông dựng lên cái trò quái gỡ ở đoạn cuối của truyện: Phật Tổ hối
lộ một cách trắn trợn lại còn lên tiếng mắng Tôn Ngộ Không, khi chú
khỉ này đòi làm lớn chuyện:
"Nhà ngươi chớ nói ồn lên! Chuyện hai người đó [Ca-diếp và A-nan]
đòi lễ bọn ngươi, ta đã biết rồi. Có điều là kinh không phải ai
cũng cho, mà cũng không thể lấy không được..." và "chỉ lấy được của
nhà ấy ba đấu, ba thăng vàng cốm đêm về, ta còn bảo bọn họ bán quá
rẽ, con cháu đời sau lấy tiền đâu mà dùng!"
Ðể làm cơ sở cho việc Phật tổ chủ mưu hối lộ, Ngô Thừa Ân còn
dựng chuyện Ðường Tăng đã chấp nhận thủ tục "đầu tiên" để lấy được
các loại kinh có chữ:
"Lũ hạ thần biết rằng Phật tổ biết rõ việc hai tôn giả đòi ăn lễ,
đành phải đem cái bát tộ bằng vàng tía vua ban biếu họ, họ mới chịu
truyền bộ chân kinh có chữ."
Có thể khẳng định rằng mục đích bôi nhọ này đã được Ngô Thừa Ân
định hướng ngay từ đầu truyện hư cấu của ông. Bởi vì theo quy định
của Phật người tu sĩ Phật giáo không được sử dụng bát bằng vàng. Ở
đây, Ngô Thừa Ân dựng lên sự kiện vua Ðường Thái Tông tặng cho ngự
đệ Huyền Trang mới kết nghĩa của mình một cái bát bằng vàng, để rồi
mấy chục hồi sau mới có chuyện có phẩm vật quý để đúc lót kẻ hối lộ.
Xem Tây Du Ký nếu những cái hay, cái độc đáo, cái ly kỳ của nó
chúng ta khen ngợi thì những cái phi lý của nó nhất là cái phản đạo
đức, phản giáo dục, đi ngược lại sự thật thì chúng ta phải thẳng
thắn lên án, nếu chúng ta không muốn để mặc tình cho thế giới hư cấu
của Tây Du Ký cũng như tên tuổi của Ngô Thừa Ân đã bao đời được các
nhà văn học nhận định, đánh giá một cách a dua theo kiểu "thấy ai
sang bắt quàng làm họ" đi vào ngỏ cụt của bế tắt, của sự phản lại
đạo đức cuộc sống.
Tháng 7 năm 1989
Thích Nhật Từ(Đạo Phật Ngày Nay)