16/11/2011 21:04 (GMT+7)
Số lượt xem: 130515
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nếu chúng ta đặt mình và bối cảnh thời xưa khi hệ thống pháp luật Việt Nam chưa hiện tồn, hoặc rất lỏng lẻo, bất hợp lý và người dân còn sống theo các "lệ" làng xã,

thôn bản thì chúng ta mới thấy được diễn tiến kết cục của truyện Tấm Cám.

LTS: Mới đây, Tuần Việt Nam nhận được bài viết bàn về việc sửa kết của câu chuyện cổ tích Tấm Cảm nổi tiếng. Nhận thấy bài viết có nhiều điều đáng suy ngẫm, Tuần Việt Nam xin đăng tải dưới đây.

Gần đây, trên các báo sôi nổi các ý kiến trái chiều bàn luận việc sửa lại kết cục truyện Tấm Cám. Mặc dù việc chỉnh sửa thể hiện tính nhân đạo nhưng rốt cục lại làm méo mó thời đại và tinh thần sản sinh ra câu chuyện cổ tích này.

Kết cục Tấm Cám tại sao bi thảm?

Đối với học sinh lứa tuổi phổ thông, việc Tấm chặt Cám thành "tám khúc", làm "mắm" và gửi mẹ ghẻ ăn như một món quà (tôi nhấn mạnh) đã làm đỗ vỡ hình tượng "cô Tấm ở hiền" trong lòng các em.

Nhưng chúng ta phải đặt ra một dấu hỏi lớn: Tại sao cha ông ta lại tạo ra những tình tiết rùng rợn như vậy? Điều này khiến tôi nhớ đến tiểu thuyết "Sông Đông êm đềm" của nhà văn M. Solokhov.

Tác phẩm đồ sộ với những tình tiết rùng rợn không thể hiểu được đã đưa nhà văn Xô viết vào danh sách giải Nobel văn chương danh giá thế giới.

Vậy đoạn kết Tấm Cám có rùng rợn bằng "Sông Đông êm đềm" không?

Tôi tin rằng cha ông ta khi sáng tạo ra những tình tiết rùng rợn này chắc hẳn đã ngẫm nghĩ rất nhiều. Và sự ngẫm nghĩ có lẽ nhiều hơn cả nhà văn M. Solokhov.

Bởi cha ông ta - thật tuyệt vời - muốn nói cho hậu thế thông qua truyện Tấm Cám một sự thật: Sự thật về xã hội Việt Nam đương thời. Đó là xã hội của nền quân chủ chuyên chế với hình tượng vua, hoàng hậu, quân lính...

Rồi nền kinh tế tiểu nông gắn liền với các hình tượng tấm, cám, cá bống, con gà, trâu, yếm đỏ, khung cửi. Và kể cả tín ngưỡng với ông Bụt (Buddha) -  đại diện cho nền Phật giáo tiểu thừa mà người Việt Nam du nhập sớm hơn cả Trung Hoa đại lục.

Nếu phân tích cặn kẽ thì chúng ta thấy hành động trả thù của Tấm là kết quả của hàng loạt các tình tiết đau đớn mà Tấm phải hứng chịu và kể cả sự chi phối bởi dòng suy nghĩ xã hội đương thời.

Chẳng hạn truyện nhấn mạnh Tấm bị Cám và mẻ ghẻ giết đến bốn lần. Đầu tiên Tấm bị Cám và mẻ ghẻ chặt cây cau cho ngã xuống chết. Khi hóa thành chim vàng anh thì bị Cám bắt cho mèo ăn. Khi hóa thành cây xoan đào thì bị chặt làm khung cửi. Khung cửi lại bị đốt đi khi Cám nghe thấy tiếng Tấm "kẽo cà kẽo kẹt".

Theo tôn giáo và tín ngưỡng phương Đông thì con người khi chết thì sẽ đầu thai chuyển thế. Và nếu chết oan thì lại có thể hóa thành quỷ dữ.

Thử hỏi nếu bị hãm hại và giết chết đến bốn lần thì Tấm có còn "hiền lành" nữa không?

Đọc kỹ Tấm Cám một lần nữa chúng ta sẽ nhận ra ngay điều đó. Tấm từ cô gái chăm chỉ, cam chịu, nhường nhịn em, sợ mẹ mắng và chỉ muốn bắt thật nhiều tép để được thưởng... yếm đỏ. Thì khi hóa thành vàng anh lại thay đổi đến kinh ngạc:

"Giặt áo chông tao/ Thì giặt cho sạch/ Phơi áo chồng tao/ Thì phơi bằng sào/ Chớ phơi bờ rào/ Rách áo chồng tao!"

Đọc đến đây thì chúng ta thấy Tấm đã có dấu hiệu không còn "hiền lành" nữa. Vì Tấm đã xưng "tao" thay cho xưng "chị". Rồi khi thành bị đóng thành khung cửi thì Tấm dọa "khoét mắt" Cám.

Truyện Tấm Cám cần được nghiền ngẫm kỹ lưỡng hơn

Thật ra kết cục Tấm Cám rùng rợn như vậy ngoài việc răn đe người xấu, việc xấu còn thể hiện lối suy nghĩ công bằng trong toan tính tiểu nông của cha ông ta.

Như Tấm bị ngã chết thì Cám bị bỏng chết, vàng anh bị mèo ăn thì thịt Cám bị làm "mắm" rồi gửi cho mẹ ghẻ ăn, xoan đào bị chặt và khung cửi bị đốt thì bà mẹ ghẻ bị lăn đùng ra chết khi ăn phải thịt con mình.

Do đó, thông qua Tấm Cám chúng ta sẽ thấy lối suy nghĩ của cha ông ta rất đơn giản. Đó là kẻ gây việc ác nhất định phải bị trừng trị và phải theo lối "ác giả ác báo", "gieo nhân nào gặp quả ấy" thì dân tâm, dân tình mới hả lòng hả dạ. Và điều đó mới có sức cảnh báo, ngăn ngừa làm điều ác ở con người nói chung.

Nếu so với suy nghĩ hiện nay, mà cụ thể là hệ thống pháp luật hiện hành thì việc Tấm làm là một điều ác và khó có thể biện bạch được.

Tuy nhiên, nếu chúng ta đặt mình và bối cảnh thời xưa khi hệ thống pháp luật Việt Nam chưa hiện tồn, hoặc rất lỏng lẻo, bất hợp lý và người dân còn sống theo các "lệ" làng xã, thôn bản thì chúng ta mới thấy được diễn tiến kết cục của truyện Tấm Cám.

Như trong thời kỳ phong kiến nếu ngoại tình thì "gian phu" sẽ bị giết tại chỗ còn "gian phụ" phải bị gọt tóc, bỏ rọ thả sông.

Như trộm nhà quan thì dù con gà, cái áo, cây kim sợi chỉ cũng bị đánh đòn nhừ tử gần chết hoặc phạt vạ đến tán gia bại sản.

Hay chỉ cần khi quân phạm thượng (nói dễ hiểu là nói trái ý vua - dù vua chỉ là thằng con nít 3 tuổi) thì bị tru di tam tộc, tru di cửu tộc.

Thử hỏi cha ông ta khi xây dựng hình tượng nhân vật Tấm trong một xã hội như thế có nhiễm cung cách chế tài ác độc không?

Thậm chí, khi Tấm đã trở thành hoàng hậu (mẫu nghi thiên hạ) thì hành vi trả thù Cám, dù nhẫn tâm đến đâu vẫn có thể chấp nhận được. Chính tư tưởng phong kiến lẫn chế độ sản sinh ra nó đã phần nào biện bạch cho sự độc ác của Tấm hàng ngàn năm nay.

Do đó, việc làm của Tấm dù ác độc đến đâu thì vẫn được dân gian từ ngàn xưa xem là xứng đáng, là mẫu mực, là phù hợp cho cả xã hội.

Bởi thế mới có chuyện ngày nay nhà thơ Xuân Quỳnh viết "chuyện cô Tấm ở hiền, thằng Lý Thông ở ác" trong bài thơ "Truyện cổ tích về loài người" của mình khiến đến nay nhiều người trong chúng ta vẫn ngộ nhận về hình tượng tính cách Tấm.

Đừng "mặc váy" cho Tấm Cám

Cái chúng ta cần là sự thật chứ không phải là sự giả dối. Kể cả là sự thật trong "lớp sương mù" hay dưới "tảng băng trôi" của những câu truyện cổ tích, truyền thuyết.

Chẳng hạn "hơi thở" của truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ là cách giải thích nguồn gốc dân tộc Việt Nam của cha ông ta.

Chúng ta không thể viết lại quá khứ cha ông theo lối suy nghĩ chủ quan, duy ý chí và theo hơi hướng hiện đại.

Truyện cổ tích Tấm Cám cũng vậy. Nó không là một câu truyện "phiếm" nhằm mục đích giải trí. Bởi khi chưa có sử học thì chính những câu truyện cổ tích và cùng với nó là hệ thống văn học dân gian chính là dấu gạch nối giữa quá khứ và hiện tại.

Hay như truyện Thánh Gióng là bản anh hùng ca nêu bật sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trước nạn ngoại xâm phương Bắc.

Người viết tự hỏi, nếu sửa Tấm Cám thì liệu chúng ta có được sửa những truyện như trên không?

Bởi thiết nghĩ con dân nước Việt ai lại không muốn Đức Cha Long Quân và Đức Mẹ Âu Cơ không "ly thân". Trăm con Bách Việt trên dưới đoàn kết. Và kéo theo đó là không có ngàn năm Bắc thuộc để đến nay không phải là "gia tài của Mẹ một nước Việt buồn" (như từ dùng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).

Chúng ta không thể viết lại quá khứ cha ông theo lối suy nghĩ chủ quan, duy ý chí và theo hơi hướng hiện đại.

Truyện cổ tích Tấm Cám cũng vậy. Nó không là một câu truyện "phiếm" nhằm mục đích giải trí. Bởi khi chưa có sử học thì chính những câu truyện cổ tích và cùng với nó là hệ thống văn học dân gian chính là dấu gạch nối giữa quá khứ và hiện tại.

Và nhờ đó thế hệ đi sau mới tiếp bước và hiểu biết về thế hệ cha ông đi trước như trong bài thơ Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

"Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa..." mẹ thường hay kể

...

Nhưng lạ lùng thay, nhân dân thông minh
Không hề lừa ta dù ca dao, cổ tích
Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật
Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời
Dẫu phải khi cay đắng dập vùi

Rồi cô Tấm cũng về làm hoàng hậu"

Do đó chúng ta không thể sửa lại các câu truyện cổ tích. Lại sai lầm hơn khi việc sửa đổi làm mất đi giá trị đích thực mà các câu truyện cổ tích muốn chuyển tải.

Hãy nghĩ thấu đáo theo lối suy ngẫm "Cái gì của Xê da thì hãy trả lại cho Xê da. Cái gì của Chúa thì hãy trả lại cho Chúa". Để trả lại cho giá trị và nguyên bản của truyện Tấm Cám như một mạch máu nuôi nguồn dòng chảy cho văn hóa dân tộc Việt Nam

http://tuanvietnam.net/2011-11-14-sua-ket-cuc-tam-cam-meo-mo-cai-nhin-thoi-dai

Âm lịch

Ảnh đẹp