Ở đây, chỉ xin giới thiệu đến quý bạn đọc một hình thức tồn
tại của văn hóa Phật giáo Việt Nam: Tiếng chuông chùa Thiên Mụ, qua sự
cảm nhận của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Từ một cửa ngõ âm thanh cụ thể,
nhà văn đã nhìn vào văn hóa Phật giáo Việt Nam trong chiều sâu thăm thẳm
của nó, để không chỉ nghe, mà còn thấy, còn cảm, còn rung động.
Dưới đây là toàn văn bài bút ký Tiếng chuông Thiên Mụ:
“Sống thẳng một mạch mười năm ở Huế, nhiều đêm mất ngủ, tôi nằm nghe
tiếng chuông Thiên Mụ tựa như lời nói thầm âm hao mà lòng thổn thức nhớ
quê. Một năm 365 đêm, đêm nào cũng thế, cứ vào giờ tí, sư trụ trì chùa
Thiên Mụ lại cho thỉnh chuông. Mùa xuân, tiếng chuông nghe trong vắt như
hơi gió heo may đi qua kẽ lá, làm bồi hồi đất trời, đâu đó những mầm
sống cựa mình để đất nở hoa, cho hoàng mai rực vàng suốt một dãy phố
chợ. Kể từ tiết lập hạ, tiếng chuông nghe thảnh thơi hơn, có nắng gió và
sự trầm tĩnh của lòng người thỉnh chuông. Tiếng chuông như có bóng mát
che chở mỗi đời người. Nhưng từ trong sâu thẳm vẫn sừng sững một nỗi cô
đơn nhân từ của trời cao, và tiếng chuông lúc này nghe như đại ngã bao
dung.
Vào giáp thu, trời Huế tím cho đến tận nửa đêm, đường phố nhiều lá rụng,
tiếng chuông Thiên Mụ vì thế cũng đã vàng xao xác. Cây cối rũ lá thanh
thoát và tiếng chuông đi qua xương cây nghe mơ hồ như một hơi thở nhẹ,
say say nắng. Đó cũng là thời khắc bịn rịn chia lìa của các tình nhân,
họ ngậm ngùi trở về để mặc vai áo cho sương thu ướt đẫm. Tiết lập đông
có tiếng chim sếu kêu khan ngoài sông lạnh, Huế rét mướt vô kể. Tiếng
chuông Thiên Mụ nghe như buồn hơn bao giờ hết, để người xa quê lòng nao
nao nhớ một bếp lửa hồng.
Chỉ một tiếng chuông mà như chao ôi đã đong bao buồn vui, khắc khoải của
một đời người. Rằng nương theo tiếng chuông này, ta sẽ gặp ngày hội ngộ
của bốn mùa.
Với những người am hiểu Huế, sở dĩ tiếng chuông chùa Thiên Mụ hay và
vang xa nhất, không phải chỉ vì nhờ cấu trúc tinh xảo và chất đồng tinh
luyện mà còn vì chuông được thỉnh bằng dùi gỗ mít nài xứ núi, tuổi trên
một trăm, thớ gỗ đã chuyển cả từ vàng nghệ sang đỏ sẫm với vân hình cánh
nhạn. Gỗ mít nài xứ núi khắc với đồng như thủy với hỏa. Sự tương khắc
để mà sinh sôi cho tiếng chuông kỳ diệu, nghe một đời mà không thấu
trọn.
Còn với người Huế xa quê, tiếng chuông Thiên Mụ là nỗi nhớ dai dẳng như
mưa dầm, buốt rức, suốt một đời ám ảnh những bước chân ai phiêu bạt mưu
sinh.”
Tác giả Nguyễn Xuân Hoàng có lẽ chưa phải là một Phật tử, vì ông nghe
tiếng chuông Thiên Mụ không qua thính giác giáo lý nhà Phật. Tiếng
chuông còn nặng nỗi niềm nhung nhớ. Nhưng tác giả, qua bài bút ký, đã
thể hiện mình như một con người văn hóa Việt Nam điển hình, gắn bó với
Phật giáo trong sự tự nhiên, bàng bạc…
Nhớ quê là một nỗi niềm bình thường khi nghe tiếng chuông chùa trầm buồn
da diết, mà ở đây lại là tiếng chuông chùa Thiên Mụ, tiếng chuông đã đi
vào tâm thức văn hóa dân tộc. Hơn thế nữa, Nguyễn Xuân Hoàng còn thấy
tiếng chuông trong mối liên hệ nhân duyên với vạn vật: “Mùa xuân, tiếng
chuông nghe trong vắt như hơi gió heo may đi qua kẽ lá, làm bồi hồi đất
trời, đâu đó những mầm sống cựa mình để đất nở hoa, cho hoàng mai rực
vàng suốt một dãy phố chợ. Kể từ tiết lập hạ, tiếng chuông nghe thảnh
thơi hơn, có nắng gió và sự trầm tĩnh của lòng người thỉnh chuông. Tiếng
chuông như có bóng mát che chở mỗi đời người. Nhưng từ trong sâu thẳm
vẫn sừng sững một nỗi cô đơn nhân từ của trời cao, và tiếng chuông lúc
này nghe như đại ngã bao dung…”
Tiếng chuông Thiên Mụ quả là một bậc thềm của không gian nghệ thuật Phật
giáo. Ở đó, qua cái nhìn thời gian của Nguyễn Xuân Hoàng, người ta thấy
lung linh hình ảnh của vô thường, trong âm thanh trải dài qua năm
tháng: “Vào giáp thu, trời Huế tím cho đến tận nửa đêm, đường phố nhiều
lá rụng, tiếng chuông Thiên Mụ vì thế cũng đã vàng xao xác. Cây cối rũ
lá thanh thoát và tiếng chuông đi qua xương cây nghe mơ hồ như một hơi
thở nhẹ, say say nắng.”
Tiếng chuông Thiên Mụ tồn tại trong cả muôn vật, trong nắng, trong gió,
trong đường phố, trong mùa thu, trong cây lá… duyên khởi, duyên sinh.
Tiếng chuông có một chút trầm tư của thiền, một chút sâu sắc của quán,
cả một chút im ắng của lắng nghe. Nhà văn không nói đến im lặng, mà chỉ
nói đến âm thanh, nhưng người đọc có thể nghe qua âm thanh để cảm sự yên
lặng, một sự yên lặng thâm trầm độc đáo của văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Yên lặng để có thể nghe được tiếng chuông sâu sắc như thế.
Văn hóa Phật giáo Việt Nam cũng thể hiện qua những dòng phân tích cơ chế
vật lý của tiếng chuông Thiên Mụ. Không có một chút giáo lý nhà Phật
nào, mà chỉ có lý thuyết ngũ hành của Lão giáo. Nhưng, người đọc vẫn cảm
thấy cái chất văn hóa Phật giáo Việt Nam qua cái kết quả âm thanh kỳ
diệu, mà tác giả diễn đạt bằng câu văn “nghe một đời mà không thấu
trọn”.
Đó chính như là nghe lời kinh Phật, lời kinh được giảng ở đất Việt, đất
Huế, bên ngọn đồi ven sông Hương long lanh huyền ảo. Tiếng chuông là
tiếng kinh vô tự, vô ngôn, không nói mà nói rất nhiều, trong ngôn ngữ
của đất trời sông núi Việt Nam. Nó đi thẳng vào trái tim, không cần
hiểu, không cần nghĩ, mà định hình ở người đọc nhiều thứ: sắc không, vô
thường, đại ngã, vô ngã…
Đặc biệt, tác giả Nguyễn Xuân Hoàng thấy được cảm được từ tiếng chuông
Thiên Mụ sự trầm tĩnh của người thỉnh chuông. Ở đây, là khái niệm tâm
truyền tâm của thiền học. Có khi là sự im lặng, hay qua ánh mắt. Còn ở
đây là tiếng chuông Thiên Mụ.
Như vậy, văn hóa Phật giáo đã đi vào đất Việt, người Việt. Để chỉ qua
một nét âm thanh, và không có những ngôn từ giáo lý, mà từ nhà văn,
người đọc có thể cảm nhận được chiều sâu của sự hòa quyện đạo pháp và
dân tộc, để hình thành những ấn tượng văn hóa đặc trưng, có thể nói, là
vô cùng.
MT