Đọc sách "Chùa Việt Nam"


PGS Cao Xuân Phổ
10/12/2010 18:31 (GMT+7)
Số lượt xem: 4441
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Có thể nói hình tượng Quan Âm và Thích Ca sơ sinh được tô đậm trong sưu tập ảnh này đã thể hiện sự cảm thụ sâu sắc về đạo Phật Việt Nam của các tác giả.


Theo dòng lịch sử, đạo Phật ở Việt Nam đã trải qua một quá trình dung hợp ba đạo: Nho, Phật, Lão - như Trần Thái Tông (1218 - 1277) đã ghi trong bài "Phổ khuyến phát bồ để tâm": "Chưa rõ thì chia làm ba giáo (Nho, Phật, Lão), hiểu rồi thì cùng một tâm".

Và cùng trên dòng lịch sử, từ thế kỷ X đạo Phật ở người Việt lại tiếp thêm đạo Phật Bà La Môn hoá từ người Chăm, không chỉ trên đất Chămpa mà còn lan toả ra miền Bắc, lan tận miền núi xa xôi (Yên Bái) thông qua người Chăm được an cư ở nơi đây sau các cuộc chiến. Càng tiến vào miền Nam thì đạo Phật người Việt lại tiếp nhận thêm đạo Bà La Môn và Bà La Môn Phật hoá từ người Khmer.

Tiếp nhận và dung hợp mà không kỳ thị tôn giáo chủng tộc, không có thánh chiến là đặc trưng cơ bản của đạo Phật Việt Nam. Đó là biểu thị cái tâm Vô ngã (non-self), vị tha (altruism) trong quá trình vận dụng Tứ đại Vô lượng của nhà Phật (từ, bi, hỉ, xả)

Sự giao thoa văn hoá Phật giáo - Nho giáo - Lão giáo - Bà La Môn giáo đó đã được các tác giả "Chùa Việt Nam" thể hiện tinh tế, súc tích vừa có bề rộng vừa có chiều sâu qua bài dẫn của Giáo sư Hà Văn Tấn về toàn cảnh chùa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, chùa Việt Nam trong đời sống văn hoá cộng đồng và qua quá trình du nhập, phát triển đạo Phật ở Việt Nam và trên 900 bức ảnh của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long và các bạn đồng nghiệp giới thiệu 99 ngôi chùa trong cả nước.

Mà tại sao lại là 99 mà không phải là chẵn 100, tuy rằng từ tháng 12 năm 2007, Nhà nước đã công nhận 719 ngôi Phật trên đất nước Việt Nam là Di tích Lịch sử - Văn hoá, và các nhà nhiếp ảnh đã có trong tay đến vài nghìn bức ảnh về chùa Việt ghi được trên hiện trường trong hơn 20 năm qua.

Có phải chăng là để cho người đọc có dịp được suy ngẫm là nên thêm - chí ít một bức nào đó có ý nghĩa - cho tròn con số 100? Nếu là vậy thì quả là các tác giả đã có lòng tự tin vào tác phẩm của mình và cũng là rất mong được sự góp ý, chỉ giáo của các bạn đọc xa gần để có thể góp sức được phần nào trong công cuộc hoằng dương Phật giáo trên đất nước Việt Nam.

Phật đạo là xuất phát từ cái tâm: Phật tại Tâm. Người mộ Phật lên lễ chùa là để mong tìm được những giây lát yên tĩnh cho cái tâm vốn đã bị xáo động dữ dội ít nhiều trong cuộc sống tục thế. Họ lên chùa, không phân biệt là chùa thành thị hay chùa làng quê, chùa miền xuôi hay chùa vùng ngược, chùa Nam hay chùa Bắc, chùa Việt hay chùa Hoa, chùa Miên, miễn là để cho cái tâm mình trong giây lát trở về với cái thiện vốn có trong con người từ thưở ban sơ.

Có lẽ ít có nơi nào trên thế giới lại có nhiều chùa Phật như ở Việt Nam. Sử cũ có ghi: tháng 2 năm 1031, vua Lý Thái Tông từ Hoan Châu về sai làm 950 cảnh chùa và đền. Tháng 8 làm xong, mở hội. Hay Lý Nhân Tông, năm 1087, chia chùa làm 3 hạng: đại, trung, tiểu danh lam có điền nô, kho chứa đồ vật, cử quan Đề cử, coi quản đền chùa. Rồi năm 1115, cho làm hơn 100 cảnh chùa ("Đại Việt sử ký toàn thư").

Những chùa đó hẳn là chùa làng vì không thấy ghi danh tự như các chùa vua, quan. Chùa Phật, là chùa vua hay chùa làng, đều đã đem đến cho con người một tâm thế an bình, tạo nên một sự hoà đồng trong cuộc sống. Nhất là vào những kỳ lễ hội chùa, người nườm nượp đến dự không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, tâm hồn thư thái như có thể cảm nhận được qua những bức ảnh về chùa Phật Tích, chùa Côn Sơn, thậm chí đến cả những ngôi chùa mà kiến trúc có phần lạ lẫm đối với người Việt như chùa Tây An ở An Giang xa xôi.

Người xem sách "Chùa Việt Nam" như được lây lan cái tâm không phân biệt của khách đến dự lễ, tham quan chùa. Mà không phải chỉ có vậy. "Chùa Việt Nam" đã đem đến cho người đọc những hiểu biết có chiều sâu về chùa Việt qua những đoạn giới thiệu ngắn gọn súc tích và nhất là qua những tấm ảnh đặc trưng có chọn lọc. Ví như, có không ít hơn 40 ảnh thể hiện Quan Âm, đặc biệt là Quan Âm tống tử, một hình tượng đặc trưng của đạo Phật Việt Nam thể hiện Thị Kính trong tích chuyện Quan Âm Thị Kính độc đáo của người Việt.

Và một hình tượng khác nữa: Thích Ca sơ sinh. Có không dưới 10 tấm ảnh về đề tài này, thuộc hai loại: Thích Ca sơ sinh đứng một mình và Thích Ca sơ sinh đứng dưới tán 9 con rồng và các thiên thần kính cẩn hầu chung quanh, gọi là Toà Cửu Long. Toà Cửu Long là một hình tượng độc đáo trong chùa Việt. Có thể hiểu được chăng pho tượng này là thể hiện lòng mong ước của người nông dân Việt: Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/Lấy đầy bát cơm...

Cầu mong được mưa thuận gió hoà để bước vào một vụ mùa phong đăng hoà cốc. Phật, theo truyền thuyết, ra đời vào tháng Tư là kỳ nắng hạn thiếu nước cho ruộng đồng, và cũng là mùa hoa soài nở báo hiệu một mùa mưa sắp đến. Phật ra đời là một đấng cứu tinh. Phật sẽ đem lại mưa móc cho ruộng đồng cây cỏ ở hạ giới. Các thiên vương (Đế Thiên, Đế Thích) tuân mệnh. Các thiên long thực hiện. Chư thiên đều vui mừng. Con người đều sung sướng. Tòa Cửu Long trong Phật điện chùa Việt là thể hiện lòng ngưỡng mộ của người nông dân Việt cầu mong Đức Phật ban nước xuống ruộng đồng.

Về các chùa ở cực nam Nam Bộ, các tác giả chỉ đưa ra giới thiệu một số ít thôi (7 chùa) nhưng đã làm nổi bật lên đặc trưng dung hợp Phật giáo Việt - Khmer với Bà La Môn giáo và cả Hồi giáo. Ví như: bộ mái vuông vức nhiều tầng với hai lá nhĩ ở hai đầu (tumpanum) trang trí rậm rịt hoa lá và naga vươn đầu ở cuối gờ mái; lại có cả chim thần Garuda, Apsara làm chức năng con sơn (conorle) đỡ bờ mái, ở các chùa Moniongsa (Cà Mâu), chùa Khleang, chùa Dơi (Sóc Trăng)... đều là thuộc Bà La Môn giáo - Khmer hoá.

Phía bên ngoài chùa thì đậm sắc thái Bà La Môn giáo. Còn bên trong thì toàn tượng Phật. Đặc biệt là chùa Tây An. Bên ngoài là mái vòm kiểu đền thờ Hồi giáo. Bên trong lại là pho tượng Quan Âm tống tử (Thị Kính) vào loại đẹp nhất trong thể loại này.

464 trang để giới thiệu "Chùa Việt Nam" e rằng còn quá ít, song đọc "Chùa Việt Nam", tâm hồn con người cứ cảm thấy như:
Lâng lâng
Hồn tôi bay
Theo tiếng chuông nơi xa mờ.

(Hoàng Quý - "Chùa Hương")

 

Ngoài số ảnh chủ yếu của Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long còn có một số tác giả khác, đặc biệt là ảnh của Đại Đức Thích Minh Hiền (trụ trì chùa Hương Tích, Hà Nội). Điều đáng nói thêm rằng, các tác giả đã tự bỏ tiền in sách với sự hỗ kinh phí  của một số người trong đó có nhiều nhà sư trong cả nước đã đóng góp công quả cho cuốn sách này.

Theo: Lao động


Âm lịch

Ảnh đẹp