Cao khiết mà bình dị, sen quý nhưng không hiếm. Không biết tự
bao giờ, sen đã đi vào tâm thức của mỗi người dân Việt, và hiếm có loài
hoa nào “chiếm lĩnh” được nhiều lĩnh vực và nhiều tâm hồn đến thế.
1. Sáng nay, chùa tụng kinh Ánh sáng hoàng kim - bộ kinh thuộc hệ hiển mật, mang đậm tính chất nhân bản của Phật giáo, xác định chính nơi cái thân ngũ uẩn này mà phát hiện pháp thân và thực hiện pháp thân ấy.
Hơn mười năm tu học ở chùa, tôi mới có dịp đọc tụng kinh này. Rồi
nhiều năm sau, tôi cũng chỉ tụng đọc mà không cảm nhiều lắm. Nhưng sáng
nay, ý kinh như nhập vào lòng, xúc động quá thể. Nào phải tôi hiểu hết ý
kinh, chỉ là tôi thấy hình ảnh Đức Phật hiện ra thật đẹp. Đức Phật và
hoa sen, hoa sen và Đức Phật…; tôi đã thấy được Phật trong hoa, và hoa
trong Phật.
Ánh sáng hoàng kim không chủ ý nói về sen, nhưng hình ảnh
hoa sen bàng bạc trong kinh, từ bảo tọa hoa sen cho đến sắc sen nở thơm
tràn trong hồ. Song, đẹp hơn cả, là hoa sen được chư vị Bồ tát, quốc
vương, thiên vương, thiên nữ… ví với hảo tướng của Đức Phật.
Kim Long Chủ quốc vương ca ngợi Phật: Mắt trong không gợn / cực
đẹp, uy nghiêm / to lớn tựa như / cánh hoa sen xanh / Tướng lưỡi rộng
dài / cùng cực nhu nhuyến / đỏ như sen hồng / từ nước trồi lên (phẩm Hoa sen ca ngợi).
Còn các vị Thiên vương thì không tiếc lời: Khuôn mặt Thế tôn /
như trăng tròn sáng / như ngàn mặt trời / phóng ánh quang minh / Mắt
trong dài rộng / như cánh sen xanh / Răng thì đều khít / trắng như tuyết
ngọc (phẩm Thiên vương hộ quốc).
Đại Biện Tài thiên nữ tán dương Phật: Thân màu hoàng kim. Cổ như
xa cừ. Mặt như trăng rằm. Mắt như sen xanh. Môi và miệng đỏ và đẹp như
pha lê. Mũi cao, dài và thẳng như đỉnh vàng. Răng trắng, đều và khít như
sen trắng (phẩm Biện Tài tán dương).
Các vị Bồ tát cũng vậy, gọi: Sắc thân Thế tôn / như màu hoàng
kim / ánh sáng trải khắp / như núi vàng thật / trong sạch ôn nhu / như
là hoa sen / với bao màu sắc / trang sức tuyệt đẹp (phẩm Bồ tát tán dương).
Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ thấy không ai trên thế gian này được ví
với hoa sen nhiều như Phật. Mà không chỉ ngần ấy, còn rất nhiều thi kệ
khác về sau cũng xưng dương Phật, như: Tinh khiết như hoa sen / Rạng ngời như Bắc đẩu / Xin quay về nương náu / Bậc thầy của nhân thiên. Hoặc: Diện
như mãn nguyệt mục như liên / Thiên thượng nhơn gian hàm củng thủ (Mặt
như trăng rằm, mắt tợ cánh sen, trời người đều cung kính lễ bái).
Đó chỉ nói về hình ảnh hoa sen được khéo ví với dung sắc Phật, còn
hầu như bộ kinh nào cũng nhắc đến hoa sen, bằng nhiều lối biểu đạt, so
sánh, ẩn dụ độc đáo (khó có thể kể hết).
Kinh A Di Đà mô tả thế giới Cực Lạc: Trong ao có hoa sen lớn
như bánh xe - hoa sắc xanh thời ánh sáng xanh, sắc vàng thời ánh sáng
vàng, sắc đỏ thời ánh sáng đỏ, sắc trắng thời ánh sáng trắng, mầu nhiệm
thơm tho trong sạch.
Còn Hoa tạng giới trong kinh Hoa Nghiêm là cả một thế giới
cực kỳ tráng lệ, kỳ vĩ, được chống đỡ bởi các phong luân (bánh xe gió).
Những phong luân này tầng tầng lớp lớp xếp lên cao mãi. Phong luân trên
cùng gọi là Thù thắng uy quang tạng, nâng lấy Phổ quang ma ni hương thủy
hải. Trong Hương thủy hải có một đóa sen lớn, tên là Chủng chủng quang
minh nhụy hương tràng. Và, Hoa tạng thế giới an trú trong đóa sen này…
Thai tạng giới trong kinh Phạm Võng cũng hết sức kỳ vĩ. Đức
Phật Lô Xá Na ngồi trên tòa sen báu có trăm vạn ức cánh của Liên hoa
thai tạng, mỗi cánh là một đại thiên thế giới, với trăm ức núi Tu Di,
trăm ức Diêm Phù Đề. Mỗi cánh hoa có một Đại Thích Ca; mỗi Đại Thích Ca
hóa hiện trăm ức Thích Ca, ngồi dưới cội Bồ đề thuyết giảng về pháp môn
tâm địa…
2. Tại sao hoa sen lại được xếp vào một vị trí tôn cao đến
thế? Chắc hẳn, đó là do những phẩm tính vốn có của sen: Dù mọc chốn bùn
lầy nhưng sen không hề uế nhiễm - “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” - đó là đức trong sạch; nơi sen mọc, nước được lóng trong hơn - đức cảm hóa; hương sen thơm dịu, không gay gắt hay kích thích khiến người phải e ngại - tính thuần dịu; từ đáy bùn, sen luôn vươn mình lên khỏi mặt nước - tính nỗ lực; hạt sen thách thức thời gian, để lâu không hoại - đức nhẫn nại; hoa đẹp đằm thắm, trang nghiêm mà giản dị - tính thanh cao; v.v…
Những đức tính cao đẹp của sen là những đức tính mà một con người hoàn thiện cần có. Kinh Pháp Cú ví: Ai sinh sống trên đời / Hàng phục được tham ái / Khổ đau sẽ vuột khỏi / Như nước trượt lá sen (PC.336).
Đức Phật cũng so sánh hoa sen với ngài: Ví như, này Bà la môn, bông
sen xanh, hay bông sen hồng, hay bông sen trắng, sinh ra trong nước,
lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước, và đứng thẳng không bị nước thấm
ướt. Cũng vậy, này Bà la môn, Ta sinh trong đời, lớn lên trong đời, Ta
sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này Bà la môn, Ta là Phật,
hãy như vậy thọ trì (Tăng chi bộ kinh, chương Bốn pháp, phẩm Bánh xe).
Kinh Pháp Hoa, được tôn xưng là vua của các kinh, cũng
cho rằng những người chân thật giữ gìn giới đức, có tâm tùy hỷ, nhờ
công đức đó mà hơi miệng thường thơm tho như hương sen: Hơi miệng thường xuyên / không mùi hôi thối / mà hơi hoa sen / thường phát từ đó(phẩm Thành quả tùy hỷ).
Do đó, không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều vị Phật lấy hoa sen làm
danh hiệu, như: Nhất thiết đồng danh Thanh tịnh diệu liên hoa hương tích
Phật; Bảo liên hoa thắng Phật; Liên hoa nhãn Phật; Liên hoa diệp nhãn
Phật; Liên hoa diệp tinh tú vương hoa thông Phật; Xưng liên hoa Phật ;
Liên nhất thiết pháp tinh tấn tràng Phật; Bảo liên Phật; Liên hoa diện
Phật; Liên hoa hương Phật; Liên hoa vô cấu tinh tú vương hoa Phật; Liên
hoa quang Phật v.v… (theo kinh Vạn Phật).
Ở nước ta (cũng như nhiều nước khác), hoa sen (hay cây sen nói
chung) có mặt ở hầu hết các lĩnh vực văn hóa (vật chất cũng như tinh
thần), từ điêu khắc, kiến trúc, hội họa, văn học, điện ảnh cho đến y
học, ẩm thực… Củ sen, ngó sen, lá sen, hoa sen, tua sen, gương sen, hạt
sen, tim sen - tất thảy đều hữu ích. Một đóa sen trong gian phòng đủ
khiến cho không gian sáng bừng lên nhiều sinh khí, ấm áp, yên bình và
thanh tịnh. Một tách trà sen sớm mai nào như hội tụ cả thanh khí đất
trời, khiến lòng người thư thái…
Cao khiết mà bình dị, sen quý nhưng không hiếm. Không biết tự bao
giờ, sen đã đi vào tâm thức của mỗi người dân Việt, và hiếm có loài hoa
nào “chiếm lĩnh” được nhiều lĩnh vực và nhiều tâm hồn đến thế. Là người
Việt, hầu như không ai không thuộc câu: Trong đầm gì đẹp bằng sen /
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng / Nhị vàng bông trắng lá xanh / Gần
bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
3. Hoa sen, theo thế giới quan Phật giáo, không chỉ có tại
cõi Ta bà này, mà ở khắp tam thiên đại thiên thế giới! Và dù ở đâu, hoa
sen cũng được tôn xưng là loài hoa cao khiết, thanh quý, xứng với phẩm
chất của một bậc Toàn thiện. Phẩm chất đó vốn tự có nơi sen, dù Phật
giáo (hay bất kỳ tôn giáo, quốc gia nào) có chọn hoa sen làm biểu tượng
hay không, thì sen muôn đời vẫn thế, tuyệt bậc với những phẩm chất khó
đâu sánh nổi.
Khắp Việt Nam, từ đồng bằng đến cao nguyên, từ miền xuôi hay miền
ngược, đi đâu ta cũng có thể gặp sen đang “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Đất nước - Nguyễn Đình Thi).
Sen, dù không của riêng ai, nhưng sao lại hòa điệu với tâm hồn Việt đến thế!
Từ ngày 9-6, Triển lãm Sắc hoa Việt ở Công viên 23-9
(Q.1, TP.HCM) đã lấy ý kiến của người dân tham gia triển lãm và phát
khoảng 60.000 phiếu bình chọn ở các quận, huyện và 15 trường đại học,
cao đẳng.
Tối ngày 12-6, trong khuôn khổ của lễ tổng kết cuộc
bình chọn quốc hoa Việt Nam (do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối
hợp với UBND TP.HCM tổ chức tại Công viên 23-9), kết quả công bố cho
thấy hoa sen hồng có số phiếu cao nhất với hơn 50.000 phiếu, chiếm trên
70%.
Được biết, qua các hệ thống bình chọn khắp cả nước kéo
dài từ năm 2010 đến nay, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đưa ra
kết quả hoa sen luôn chiếm tỷ lệ bầu chọn cao nhất.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ có văn bản trình
Chính phủ và Quốc hội báo cáo kết quả các cuộc bình chọn, để từ đó tiến
đến việc công nhận và công bố tên quốc hoa.
Bối Bối
|
Theo: Báo Giác Ngộ