16/06/2011 06:53 (GMT+7)
Số lượt xem: 1721
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phật giáo đã có mặt ở Việt Nam hơn hai nghìn năm qua, từ một tôn giáo ngoại nhập trở thành một tinh thần văn hóa. Tùy thời tùy nơi, sắc thái văn hóa ấy biến đổi khác nhau và luôn luôn có xu hướng bản địa hóa cho thích hợp với hoàn cảnh cụ thể của dân tộc.


Khoan dung và bác ái là cái đức lớn nhất mà Phật giáo để lại trên mỗi chặng hành trình, chính vì thế, tôn giáo này cũng sẵn sàng chấp nhận sự pha trộn giữa tín ngưỡng bản địa với Phật giáo chính thống.


Tượng Phật Quá khứ và Hiện tại (trong bộ Tam thế Phật) chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), điêu khắc Phật giáo thế kỷ 17, gỗ phủ sơn.

Hình ảnh của đức Phật hành hương phổ biến trong nghệ thuật Phù Nam, một vương quốc cổ xưa ở đồng bằng Nam bộ, với những pho tượng bằng gỗ lớn tạc đức Phật đang đi và đứng thuyết pháp. Những tác phẩm này có ngay từ đầu công nguyên, và vương quốc Phù Nam cũng tan rã trong thế kỷ 6 sau công nguyên, thay thế vào đó là sắc thái văn hóa Phật giáo Khmer còn đến ngày nay.

Đến thế kỷ 9 - 10, một trung tâm Phật giáo mới được xây dựng tại Đồng Dương, Quảng Nam, mà lại bởi các vị vua Champa theo Ấn Độ giáo. Đó là những đền tháp kết hợp giữa đá và gạch đồ sộ cùng nhiều bức phù điêu diễn tả lịch sử Phật giáo. Phật giáo cũng có mặt ở Bắc bộ từ đầu công nguyên, nhưng phải đến thế kỷ 11 mới có những ngôi chùa đầu tiên của triều đại Lý. Tiêu biểu là chùa Phật Tích, Bắc Ninh với pho tượng Phật A di đà mang vẻ đẹp viên mãn.

Cuộc du hành của các nhà sư Ấn Độ đến Viễn Đông thật là phiêu lưu mạo hiểm. Họ theo đường bộ từ Ấn Độ qua Miến Điện vào Thái Lan, Camphuchia, Lào rồi đến Việt Nam, lại theo bán đảo Ma Lai xuống tận Java. Họ từ Tây Tạng xuôi theo các triền núi , sông Mê Kông và sông Hồng vào Đại Việt. Một con đường khác là theo các lái buôn đi tàu biển vào Đông Nam Á.

Sắc thái văn hóa Phật giáo qua từng miền thật là khác biệt. Việt Nam không có những ngôi chùa đồ sộ như ở Trung Hoa hay Thái Lan, nhưng không thiếu những tác phẩm điêu khắc hồn hậu tinh tế, những vị Phật mang chân dung con người Đại Việt thuần khiết. Đạo Mẫu, đạo Tứ pháp thờ Mây Mưa Sấm Chớp đã mang lại dáng vẻ nữ tính cho các hình tượng Phật giáo.

Sự ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa đã làm cho ban thờ Phật Việt Nam đông đảo như một triều đình, có ban có bệ, ở mặt này các tượng Phật chính là các khái niệm về nhận thức luận và giác ngộ, ở mặt khác là những thần tượng mà nhân dân coi như họ có quyền năng cứu vớt và phù hộ chúng sinh. Trong Phật giáo, ranh giới giữa triết học và tôn giáo rất mong manh, nhưng cũng rất rõ ràng, và vì thế Phật giáo mới trở thành một văn hóa.

Những cuộc tranh biện giữa Phật và các đệ tử phần nhiều nhằm vào giới hạn của nhận thức luận, trong đó rất nhiều điều được ông A nan thuật lại. Tại sao lại chớ có bám vào đâu để sinh ra cái tâm lạ? Tại sao cái mà ta nhìn thấy chỉ là cái mà ta nhìn thấy không phải thế giới như nó vốn có? Tại sao chỉ có ai giác ngộ tới bậc A la hán mới hiểu được bản thân mình là gì? Tại sao thế giới vô cùng mà vạn vật vẫn giai không?

Ở những điểm này, Phật giáo đã đi trước vật lý hiện đại đến cả hai ngàn năm, và khai mở cửa ngõ của sự thông tuệ. Những người kế tục lại kế tục sự tranh biện, kết quả mà nhiều bộ kinh và nhiều Phật phái ra đời. Ở Việt Nam, ngoài phái Thiền Trúc Lâm, rất ít trước tác đứng vững như một học thuật. Đại bộ phận các nhà sư chỉ tranh biện trên cơ sở của Kinh Phật đã truyền vào trong nước, và chủ yếu được dịch thuật qua tiếng Hán. Tuy vậy những gì sẵn có được tranh biện cũng đủ làm nên một đời sống tinh thần Phật giáo tinh tế, có khả năng hình thành học thuyết trị quốc của Đại Việt, đặc biệt là Phật giáo thời Lý và thời Trần. Ở đó, Phật giáo không hề là một tư tưởng yếm thế, rút lui trước bão táp của cuộc sống, trái lại, tạo ra tinh thần nhập thế tích cực có tính thượng võ của hai triều đại này. Từ Kinh Phật nghiêm trang đến những thơ Thiền, những bài kệ được khởi phát vào lúc đốn ngộ, những Thiền luận làm cho triết lý nhà Phật đượm một mầu sắc văn học minh triết. Trần Nhân Tông có bài thơ:

Tượng Phật ngồi trong lá nhĩ, nghệ thuật Khơme, gỗ.

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không

Nhất xuân tâm sự bách hoa trung

Như kim khám phá đông hoàng diện

Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.

Tạm dịch:

Thiếu thời chẳng hiểu lẽ sắc không

Ngày xuân tâm sự rối hoa lòng

Chúa xuân nay đã từng quen mặt

Chiếu cọ giường sư ngắm giọt hồng.

Đi đến giới hạn của trí tuệ, nhận thức Phật giáo diễn đạt bằng hình tượng, và vì thế cũng là một thứ triết lý có tính thẩm mỹ. Đây là một trong những bài thơ Thiền tình tứ nhất.

Phật tính được thể hiện vô hình trong các công trình nghệ thuật, lớn là những ngôi chùa, nhỏ là những bát gốm hình hoa sen. Những ngôi chùa thời Lý thường có bốn lớp cao dần theo một triền núi (Như chùa Phật Tích, chùa Dạm), có lẽ là một mặt cắt của cấu trúc Mandala (Man đồ la), với những hình tròn lồng trong hình vuông, để biểu hiện cái hằng thường của vũ trụ, mà ở đó “Kỳ đại vô ngoại. Kỳ tiểu vô nội”, nghĩa là : Lớn nhất chẳng có ngoài. Nhỏ nhất chẳng có trong. Sau đó cấu trúc Mandala được thay thế bởi những chùa tháp có mặt bằng hình vuông, hoặc nhiều lớp nhà vì kèo phân bố trên trục dọc kéo dài, gây cảm giác đi sâu đi mãi không cùng, và mở ra nhiều hướng. Tượng Phật từ một vài pho, tăng lên vài chục, rồi đến vài trăm như chùa Mía. Điển hình cho loại kiến trúc Phật giáo thời Hậu Lê, thế kỷ 17 - 18 này là chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) và chùa Keo (Thái Bình). Thường là chín công trình nằm trên một trục dọc, cao nhất là gác chuông và có hành lang bao bọc hai bên. Hệ thống điêu khắc phát triển theo kiến trúc, thành các tập hợp lớn nhỏ, từ Kim cương, Hộ pháp, A la hán, Bồ tát, đến các vị Phật, trong đó tượng Quan thế âm Bồ tát thường được tạc nổi bật với các bố cục nhiều tay, nhiều mắt. Điển hình là tượng Quan Âm chùa Hạ thế kỷ 16 (Vĩnh Phú), Quan Âm chùa Bút Tháp thế kỷ 17 với 42 tay lớn vươn lên như đóa hoa sen đang nở.


Bát gốm men trắng, thế kỷ 11-13, nghệ thuật gốm thời Lý.


Thời Lý Trần, Phật giáo là quốc đạo nên chùa chiền do nhà nước xây dựng thường đồ sộ. Từ sau đó vai trò này không còn, Phật giáo lánh mình về nông thôn, các chùa làng phát triển, nhưng quy mô lại nhỏ bé. Hai cuộc nội chiến Nam Bắc triều trong thế kỷ 16 và Trịnh Nguyễn phân tranh thế kỷ 17, quý tộc và hoàng thân nhà Lê chán đời tìm đến đạo Phật đã bỏ tiền xây dựng nhiều trung tâm Phật giáo quy mô. Song đó cũng là thời Phật giáo có xu hướng kết hợp đạo Nho và đạo Lão cùng trong một ngôi chùa, cũng như tính chất dị đoan nẩy nở với các hình thức cúng cáp và bùa chú phức tạp. Có thể nói đạo Phật thông qua các hình thức nghệ thuật có tính tổng hợp đã tạo ra thế giới tâm linh sâu sắc trong nhân dân. Ngôi chùa là tập hợp của kiến trúc, điêu khắc, trang trí và các đồ thờ tự. Mỗi làng có cụm kiến trúc tôn giáo đình đền chùa, với nhiều tác phẩm điêu khắc đã tạo ra một đời sống văn hóa thẩm mỹ cho người nông dân vốn ít học và nghèo nàn vô cùng. Bên cạnh đó nhiều truyện nôm khuyết danh và truyền khẩu như : Nhị độ mai, Phan Trần, Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Hoa Tiên với những nội dung ở hiền gặp lành, thiện thắng ác mang tinh thần nhân quả, góp phần nâng cao đạo đức xã hội. Đặc biệt vở chèo Quan Âm Thị Kính có nguồn gốc từ Triều Tiên, được cải biên theo đúng quan niệm của người Việt về thân phận con người dưới nhãn quan Phật giáo.


Ban thờ Mẫu, chùa Liên Phái (Hà Nội), thế kỷ 19.


Ở một địa vị khiêm tốn hơn, nhưng chính đồ gốm Lý Trần mới là hiện thân của tinh thần Phật giáo thuần khiết. Những chiếc bát men ngọc thanh mảnh, miệng nở loe, đáy thót nhỏ và khía nhiều cánh hoa sen cho người ta cảm giác cầm chiếc bát mà như đặt đóa hoa trên tay. Gốm men trắng, gốm men đen, gốm hoa nâu mỗi kiểu mỗi dáng đều trang trọng, thanh nhã và thượng võ như hành xử của đương thời. Tinh thần Phật giáo ngấm vào trong từng hoa văn, nước men, kiểu dáng đến mức chỉ cần một mảnh gốm nhỏ cũng chứa đựng cái viên mãn và hoan hỷ của Phật giáo và nghệ thuật.


Phù điêu Thập điện Diêm vương chùa Huyền Kỳ (Hà Tây), thế kỷ 19.


Khái niệm văn hóa Phật giáo có lẽ cũng rất mới mẻ, khi Phật giáo không dừng lại ở một tôn giáo hay triết học, mà phổ biến như một lối sống. Cũng có nhiều ý kiến không đồng tình với khái niệm văn hóa Thiền, hay văn hóa Phật giáo. Ý kiến này nêu ra rằng đã là tôn giáo thì không nên phát triển, cũng như đã gọi là chân ngôn thì không nên dịch. Và những nhà nghiên cứu Phật giáo Trung Quốc cho rằng Phật giáo ngày nay đã thay đổi rất xa cái ban đầu của nó, đến mức chỉ có thể gọi Phật giáo ngày nay là Phật giáo tương tự. Thực ra giáo lý được thêm ra nhiều nhưng những Kinh gốc bản nguyên gần như không có gì thay đổi. Dưới góc độ các nhà tu hành, các tổ chức Phật giáo thì rõ ràng Phật giáo luôn biến động, vì chính nó cũng phụ thuộc vào đời sống văn hóa cụ thể của từng quốc gia trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Đặc biệt Phật giáo đã trở thành một lối sống trong xã hội phương Tây, với quan niệm cứ sống như ta đang sống nhưng hướng tới cái thiện và lòng thiền để có thể sống yên vui và tới yên vui, hay trong những tình cảnh bi đát nhất vẫn có được cái tâm hoan hỷ, sống trong địa ngục mà như ở Niết bàn vậy.

2008
Phan Cẩm Thượng

http://daitangkinhvietnam.org


Âm lịch

Ảnh đẹp