Bát Nhã Tâm Kinh là kinh sách cô kết
một cách trọn vẹn nhất về giáo nghĩa siêu việt của Phật giáo Đại thừa.
Vì vậy, muốn hiểu và thực hành phương pháp tu trì của Phật giáo Đại
thừa, người tu đạo phải biết, đọc và hiểu nghĩa của Tâm Kinh.
Đối với Phật tử Việt Nam từ xưa cho
đến nay, Tâm Kinh Bát Nhã vẫn là một bài nhật tụng được chuyên trì nhiều
nhất. Tuy nhiên, trước khi được số đông quần chúng đón nhận dưới dạng
một tác phẩm của nghệ thuật và văn hoá bởi bàn tay điêu luyện của nghệ
nhân thêu Lê Văn Kinh thì tập kinh này vẫn chỉ phổ biến trong giới Phật
tử bằng việc tụng niệm.
Nghệ nhân thêu Lê Văn Kinh tâm sự:
“Trong thời buổi cơ chế thị trường khi cơm áo gạo tiền chi phối sự sáng
tạo của những người thực hiện nghệ thuật thì những sản phẩm được làm
nóng vội, cẩu thả và gấp gáp là một xu hướng phổ biến trong nghề thêu.
Ai mà dành cả tuần chỉ để thêu một bức
khoảng một mét vuông, tiền đâu mà nuôi gia đình. Việc làm những bức
tranh thêu kéo dài hàng tháng, thậm chí cả năm trời chỉ xuất phát từ cái
tâm và lòng yêu nghề, yêu văn hoá, yêu cái đẹp”.
Từ ngày phụ thân mất sớm, suốt 2 năm
ông đều đặn lên chùa và đến những nhà có tang hàng đêm để tụng kinh sám
hối. Ông đã ngộ ra phải dùng nghề thêu để thực hiện Tâm Kinh như một
cách phổ biến sự vi diệu của Phật giáo tới quảng đại quần chúng.
Ông đã bỏ ra hơn 8 năm để thêu bộ “Bát
Nhã Tâm Kinh” với 2 bản chữ Việt và chữ Hán. Trên nền giấy đen những
đường chỉ điêu luyện đầy tâm huyết của ông làm Tâm Kinh trở nên sống
động và gần gũi.
Đây là bộ sách mà nghệ nhân Kinh tâm
đắc nhất và luôn coi nó như là báu vật quý giá trong quá trình sáng tác
của mình. Tác phẩm thêu được hoàn thành với 13 tấm tiếng Việt và 12 tấm
tiếng Hán.
Ngoài tác phẩm thêu Bát nhã Tâm Kinh,
nghệ nhân Lê Văn Kinh còn thể hiện lòng mộ đạo của mình qua tác phẩm
thêu “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền Sư chuyển thể qua nhiều ngôn
ngữ khác nhau đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2008.
Chiêm ngưỡng những hình ảnh của tác phẩm Bát nhã Tâm Kinh: