Sen
là loài hoa gắn bó với đời sống con người từ rất lâu đời,
được nhân dân ta yêu chuộng bởi giá trị vật chất và tinh thần
rất phong phú, đa dạng. Hầu như ở đâu có đất, có nước là có
thể tạo thành đầm ao để trồng sen.
Thời
kỳ đầu, chùa còn là thảo am thờ Thần, thờ Phật thì sen đã
được trồng ở trước tam quan và hai bên cạnh chùa, tạo nên không
gian và cảnh quan ngôi chùa nét tinh khiết, thanh tao, cao đẹp.
Trong
quá trình phát triển, chùa tháp được người xưa từng bước xây
dựng bằng những vật liệu kiên cố dần. Từ đấy, hoa sen không
những trồng quanh không gian chùa mà còn được lồng vào trong
các cấu kiện, chi tiết kiến trúc và điêu khắc chùa. Hình tượng
hoa sen thể hiện tập trung trong các nơi thờ tự tiêu biểu của
Phật giáo. Có những công trình còn thể hiện cả một tổng thể
hình khối kiến trúc hình tượng hoa sen.
Từ những hình tượng hoa sen sớm nhất
Hình
ảnh sớm nhất ngày nay ghi nhận được là viên gạch nung, trong
đó có bức phù điêu ba vị Phật ngồi trên tòa sen tại tháp
Nhạn, thôn Nhạn Tháp, Hồng Long, Nam Đàn, Nghệ An được xác nhận
niên đại thuộc Tùy (603-617).
Hoa sen hồng
Chùa
Một Cột (Hà Nội) được xây dựng từ thời Lý. Năm 1105, vua Lý
Nhân Tông cho tu bổ lại, minh văn trên bia tháp Sùng Thiện Diên
Linh dựng năm 1122 còn ghi: “Đào ao thơm Linh Chiểu, giữa ao chồi
lên một cột đá, trên cột có đóa sen nghìn cánh xòe ra. Trên hoa
dựng một ngôi đền đỏ sẫm, trong đền đặt một pho tượng sắc
vàng…”. Ngôi chùa hiện nay xây dựng vào thời Trần, năm 1249, tuy
cũng thể hiện hình khối đường nét kiến trúc một tòa sen, song so với ngôi chùa thời Lý được miêu tả có khác biệt về quy mô và hình thức kiến trúc.
Chùa
thời Lý, đặc biệt là trong nghệ thuật tạo hình kiến trúc và
điêu khắc đá được phát triển hết sức hưng thịnh. Tiếc rằng
hầu hết những công trình kiến trúc nguyên gốc đó đã bị thời
gian và con người làm mai một, hư hỏng. Tuy vậy, những bộ phận
cấu trúc bằng đá còn sót lại cũng thể hiện khá đậm đặc
hình tượng hoa sen trong các cấu kiện kiến trúc và điêu khắc,
nhất là những bộ phận trang trí như chân đá tảng đỡ cột nhà,
nơi thờ tự.
Chùa
Phật Tích (Tiên Sơn, Bắc Ninh - năm 1057), hiện nay còn sót lại
nhiều điêu khắc bằng đá: Pho tượng Phật A Di Đà cao 270 cm, ngồi
thiền định trên tòa sen, cùng với 10 tượng thú bằng đá ngồi
trên bệ sen. Đây là kiệt tác quý báu cổ nhất thời Lý còn lưu
giữ lại đến ngày nay, là minh chứng cho thấy đời sen đã gắn
bó với đời sống tâm linh con người từ rất lâu đời.
Chùa
Thầy (Quốc Oai, Hà Nội - năm 1090), thời vua Lý Nhân Tông
(1072-1128), là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Kiến
trúc hiện nay tuy xây dựng vào đời sau, song trong chùa vẫn còn
một bệ tượng Phật Tam thế bằng đá thời Lý, phần trên chạm
những cánh hoa sen cách điệu.
Bệ tháp Chương Sơn (Ý Yên, Nam Định - năm 1108), nay vẫn còn sót lại bệ đá có chạm khắc rồng và hoa sen.
Chùa Lạng (Mỹ Văn, Hưng Yên - năm 1115), còn lại bệ tượng bằng đá, hình vuông, có hình sư tử đội tòa sen.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt
Sen
gắn với kiến trúc và điêu khắc cổ Việt Nam như một sợi chỉ
đỏ xuyên suốt các thời đại, từ xa xưa đến ngày nay. Trên đây
điểm qua những kiến trúc, điêu khắc chùa tháp xây dựng bằng đá
tiêu biểu của thời Lý. Sang thời Trần, tuy kiến trúc không
phát triển rực rỡ bằng, chuyển sang xây dựng bằng đất nung và
gỗ là chủ yếu. Song cũng có những công trình bằng đá rất tinh
xảo.
Từng cụm mái đao chùa Tây Phương có hình như nụ sen sắp nở
Chùa
Phổ Minh (Nam Định - năm 1262), ngày nay còn nguyên vẹn tháp
hình vuông, cao 14 tầng ở trước tòa tiền đường. Tháp Phổ Minh
xây dựng vào năm 1305. Bệ tháp và tầng thứ nhất xây bằng đá,
các tầng trên xây gạch. Bệ đá có hai lớp cánh sen, lớp dưới
chúc xuống, lớp trên ngửa, tạo hình rất đẹp.
Chùa
Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh – năm 1687) có tháp Huệ Quang (tháp
tổ Trần Nhân Tông) xây dựng bằng vật liệu đá gạch kết hợp.
Phần đế tháp bằng đá có đài sen 102 cánh đỡ thân tháp hình
vuông. Đỉnh tháp bằng đá tạo hình một búp sen.
Chùa
Trăm Gian (Hoài Đức, Hà Nội) được khởi dựng đời Lý Cao Tông.
Đến thời Trần có xây bệ tượng Phật Tam thế bằng đất nung, trên
có đài sen tồn tại đến ngày nay. Thời Trần còn lưu giữ được
những bức phù điêu bằng gỗ có hình em bé quỳ gối nâng hoa sen
ở chùa Thái Lạc (Mỹ Văn, Hưng Yên - TK 14).
Từ
thời Lê trở lại đây hầu như các chùa đều tạc tượng Phật
bằng gỗ. Nhiều pho tượng Phật ngồi trên tòa hoa sen hình tròn
cũng chạm bằng gỗ. Đó là là tượng Phật: Quan Âm Nam Hải,
Phật Bà nghìn mắt nghìn tay, Tam thế, Bồ Tát… Ở chùa Mật
(Thanh Hóa) tượng vua Lê Thần Tông và tượng bà hoàng vợ vua
cũng ngồi trên tòa sen.
Thế
kỷ 17, hình tượng hoa sen gắn vào các cấu kiện kiến trúc
chùa và đình làng nhiều hơn. Chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh
- năm 1647) được coi là ngôi chùa khai thác hoa sen nhiều nhất.
Hoa sen đã lồng vào công trình kiến trúc tòa thượng điện ở lan
can đá bằng hình dáng thật, cuống và hoa mềm mại rất sinh
động. Đặc biệt có tòa tháp Cửu Phẩm Liên Hoa bằng gỗ, 9 tầng,
mỗi tầng có một đài sen nhiều cánh hoa bao xung quanh. Đài sen
cao chừng 50 cm, gồm bốn lớp, lớp dưới cùng chúc xuống, ba lớp
trên ngửa lên. Trong chùa rất nhiều tượng Phật ngồi trên tòa
sen. Đẹp nhất là bệ ba lớp trên đỡ tượng Quan Âm nghìn mắt
nghìn tay, rồi đến đế các tượng Phật Tam thế và Di Đà tam tôn.
Thời
Tây Sơn (1788-1802) để lại hai ngôi chùa có giá trị nghệ thuật
kiên trúc và điêu khắc tuyệt vời. Đó là chùa Kim Liên (Nghi
Tàm, Hà Nội - 1792) và chùa Tây Phương (Thạch Thất, Hà Nội –
1794). Chùa bố cục hình chữ “tam” gồm ba lớp lang. Các cụm mái
đao vươn cao trông như hình tượng búp sen nở trong không gian xanh
của cây cối xung quanh. Vào trong chùa, nhiều bộ phận trong bộ
vì gỗ đã lồng hình tượng hoa sen. Hệ cột gỗ được kê trên những
tảng đá chạm hình cánh sen đẹp nền nã.
* * *
Thời
đại Hồ Chí Minh đã nâng vị thế hoa sen lên tầng cao mới, tiêu
biểu là Lăng Bác Hồ mang hình tượng đóa hoa sen bằng đá, sáng
đẹp tinh khôi, giàu nhạc điệu và chất thơ.
Với giá trị nhân văn mang tính truyền thống đó, hoa sen hồng xứng đáng là Quốc hoa Việt Nam.
Theo: TTVH