30/01/2012 15:55 (GMT+7)
Số lượt xem: 103988
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chúng ta vừa bước sang một năm mới - năm Nhâm Thìn. Nhân ngày đầu "năm con rồng", hãy cùng tìm hiểu về một số loài rồng nổi tiếng trên thế giới trong cả truyền thuyết và thực tế.

Có thể nói, trong số 12 con giáp trong quan niệm của một số nước phương Đông, rồng là con vật huyền bí nhất. Rồng đã xuất hiện trong những câu chuyện thần thoại của cả phương Đông và phương Tây từ buổi sơ khai của lịch sử loài người với những nét miêu tả khác nhau.

Ở đâu, hình ảnh loài rồng cũng đều biểu thị cho sức mạnh phi thường nhưng ý nghĩa của loài vật này đối với mỗi nền văn hóa lại có đặc trưng riêng.  Đa số các nước châu Á coi rồng là con vật linh thiêng trong khi người dân châu Âu lại coi rồng là biểu tượng của cái ác và sự hung dữ.

Hầu hết mọi người đều quan niệm rồng chỉ là kết quả của trí tưởng tượng con người. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có một số loài động vật có thật được gọi là "rồng" và chúng vẫn tồn tại trong tự nhiên cho đến ngày nay. Dưới đây là những con "rồng" nổi tiếng trong truyền thuyết và thực tế ở nhiều nước trên thế giới.

Các loài rồng nổi tiếng trong truyền thuyết

Hydra

Hình ảnh tưởng tượng về Hydra
Hình ảnh tưởng tượng về Hydra

Hydra là con một thủy quái sống ở đầm lầy Lerna trong thần thoại Hy Lạp, là con của quái vật Echida và quỷ khổng lồ Typhoon.

Theo thần thoại, Hydra có bảy đầu và có khả năng tự phục hồi rất nhanh. Khi chặt đứt một đầu thì sẽ có đầu khác mọc ra cùng lớp da dày mà không mũi tên nào có thể xuyên thủng. Không gì có thể chữa khỏi nọc độc của Hydra. Nó thường phun khí độc tấn công những khu vực lân cận.

Giết Hydra là một trong 12 chiến công của người hùng Hercule trong thần thoại Hy Lạp. Sau khi chết đi, Hydra được nữ thần Hera (vợ của thần Dớt tối cao) cho lên trời làm một chòm sao lớn ở phương nam.

Rồng Xanh Hungary 

Rồng xanh Hungary
Trên thế giới, có rất nhiều loài rồng khác nhau. Nhưng có vẻ loài hung bạo nhất chính là rồng Châu Âu, hay còn gọi là Rồng Xanh Hungary do sống trên các đồi núi thuộc nước này.

Theo miêu tả trong các câu chuyện cổ, Rồng Xanh Hungary cao khoảng 16m, có sải cánh từ 10 - 15m. Mặc dù không thể phun lửa nhưng chúng thường núp sau bộ cánh và tiết ra một luồng khói độc để giết chết kẻ thù. Thức ăn ưa thích của chúng phần lớn là loài bọ cáp trắng. Ngoài ra, chúng còn có thể ăn thịt người tuyết ở Châu Á.

Người dân sống trên vùng núi Hymalaya từ lâu đã cho rằng, hàng năm, loài rồng này thường bay về Châu Á để kiếm ăn vào mùa đông. Vì thế, cứ mỗi khi đông về, cư dân ở đây lại phát hiện ra những xác chết của người tuyết đã bị chúng ăn thịt.

Tương truyền, loại khói độc trên người Rồng Xanh Hungary có thể dùng làm thuốc trị độc rất hiệu quả của các phù thủy. Ngoài ra, ăn tim của chúng có thể trẻ mãi và máu chúng có thể dùng chữa vết thương. Chúng còn có da và xương có thể dùng lám bộ giáp.

Yamata No Orochi
Hình ảnh tưởng tượng về Yama No Orochi
Đây là con rồng được nói đến trong Koijiki, quyển sách cổ nhất của Nhật Bản và cũng là một trong số ít những con rồng trong truyền thuyết phương Đông đại diện cho cái ác.

Như được miêu tả, Yamata No Orochi (hay còn được gọi là Bát Kì Đại Xà) là một con rồng lớn với 8 hoặc rất nhiều đầu. Nó có đôi mắt đỏ dữ tợn và dạ dày thì luôn đói. Thân con quái vật trải dài suốt hàng vạn thung lũng, đồi núi, trên lưng còn được bao phủ bởi những cây thông và cây bách.

Trong câu chuyện về Yamata No Orochi trong Koijiki, người chiến binh Susanoo đã giết được con rồng bằng cách chuốc rượu sakê cho nó và cắt hết tất cả những cái đầu khi con quái đang ngủ say. Nhờ đó, anh đã cứu được công chúa Kushi-inada-hime, là người con gái cuối cùng trong 8 người sắp sửa bị hiến tế cho Bát Kỳ Đại Xà.

Vũ Long 
Hình ảnh tưởng tượng về Vũ Long

 Vũ Long là một con rồng vàng rất đẹp, là thần mưa trong thần thoại Trung Quốc. Câu chuyện "Vũ Long ngăn lũ" (Yu Controlled the Flood) đã giải thích về sự nổi tiếng của con rồng này.

Theo câu chuyện thần thoại nói trên, Hoàng Đế - vị thấn tối cao của Trung Quốc, nhìn xuống thế giới và thấy được sự đồi bại của những người dân ở đó. Ông ra lệnh cho thần mưa tạo một cơn đại hồng thủy để quét sạch những thói hư tật xấu của loài người.

Khốc Đế - cháu của Hoàng Đế cầu xin Người dừng trận lụt lại, nhưng ông không nghe. Theo lời một ông già, Khốc Đế đã ăn trộm một món bảo bối của Hoàng Đế để cứu giúp con người.

Phát hiện ra điều này, Hoàng Đế liền sai Hỏa Long đi giết ông. Từ xác ông xuất hiện một sinh linh mới, đó là Vũ Long - con trai Khốc Đế. Vũ Long là một con rồng tuyệt đẹp với lớp vảy vàng óng, chiếc bờm lộng lẫy, có 5 móng ở mỗi bàn chân.

Vũ Long quay lại chỗ Hoàng Đế, tiếp tục cầu xin Người dừng cơn đại hồng thủy. Trước lòng thành của Vũ Long, Hoàng Đế đã đồng ý và từ đó giao cho Vũ Long làm thần mưa.

Sau này, Vũ Long đã dùng sức mạnh của mình để giúp đỡ loài người, được họ khẩn cầu xuống hạ giới làm vua. Vì yêu mến con người, Vũ Long đã đồng ý chuyển từ lốt rồng thành người và lập ra nhà Hạ (2205 - 1766 trước Công Nguyên) như trong truyền thuyết của Trung Quốc. 


Hình tượng Zû trong lốt Ưng sư
Zû là một con rồng xưa trong thần thoại Mesopotamia, Sumer, và Babylon cổ đại, vài lần được mô tả như một con rồng khổng lồ, ngoài ra còn được xem như một con chim hoặc sư tử lai chim. Zû là con của nữ thần chim Siris. Cả Zû và Siris đều là loài chim rất lớn, thở ra lửa và nước.

Trong thần thoại, Zû là người hầu của Thần Bầu Trời Enlil, người cai trị vạn vật. Zû cũng là người hộ tống cho gã khổng lồ Tiamat. Zû đã lấy cắp Tupsimati (Phiến đá định mệnh - vật mang đến quyền lực thống trị cả thế giới cho người có nó) từ tay Enlil và đe dọa đưa thế giới trở lại thời hỗn mang.

Tuy nhiên, sau đó một người con của Enlil là Ninurta - thần mặt trời - đã giết chết Zû và lấy lại bảo vật.

Các loài rồng trong thực tế

Theo các nhà khoa học, hiện nay có một số loài bò sát hình thù khá giống với những con rồng trong thần thoại nên được gọi là rồng, chia làm 4 loại: Rồng đất, rồng bay, rồng Kômôđô và rồng châu Úc.

Rồng đất
 
Rồng đất
Rồng đất là một loài động vật thuộc họ kỳ nhông, hay còn được gọi là Kỳ Tôm. Tại Việt Nam, Rồng đất dài 40 – 50 cm, hình dạng giống con tắc kè, lưng có hàng gai chạy dài mút đuôi, chân rồng rất cao, có năm móng sắc. Khi doạ nạt đối phương, rồng đất đứng khuỳnh chân, giương toàn bộ vây gai lên, miệng banh ra như những hình con rồng chạm trổ trên các đình chùa cổ đã được cách điệu.

Rồng đất ăn sâu bọ, có ích cho nông nghiệp. Nó có mặt ở nước ta từ Bắc tới Nam và một số nước Đông Nam Á.

Rồng bay
Rồng bay
Rồng bay, hay chính là Tắc kè bay, là một loại thằn lằn nhỏ, dài khoảng 20 – 40 cm. Chúng sống trong rừng, kiếm ăn trên cây, ngủ trong hốc cây, có hai nếp da hai bên thân, khi nghỉ trên cành cây cánh da này cụp vào không nhìn thấy.

Khi gặp nguy hiểm, rồng bay bò rất nhanh trên cây để trốn, bất đắc dĩ nó mới nhẩy để “bay” sang thân cây khác, khoảng bay có thể đến 30 m. Dọc dãy Trường Sơn của nước ta có khá nhiều rồng bay loại này.

Rồng Kômôđô
 
Rồng Kômôđô
Đây là một loại kỳ đà khổng lồ hiện còn tồn tại ở đảo Kô-mô-đô (Inđonexia). Thân của chúng dài khoảng 3 – 4m, nặng 150kg. Rồng Kômôđô sống trong rừng rậm, gần bờ đảo, làm tổ trong khe đá hoặc hốc cây.

Rồng Kômôđô thường săn ngựa, hươu, lợn rừng, khỉ. Có khi chúng tập trung 5 - 7 con để tấn công và ăn thịt cả trâu, bò. Ngoài ra, Kômôđô cũng ăn cả những động vật nhỏ như rắn, thằn lằn, cá và côn trùng. Rồng Kômôđô là một loài động vật quí với số lượng còn lại chỉ khoảng 400 – 500 con.

Rồng Úc châu
 
Rồng Úc châu
Rồng Úc châu là một loài thằn lằn lớn, dài tới 90 cm, có hình dạng giống như rồng đất, quanh cổ có lớp da phủ kín vai như chiếc lá sen, có que xương như gọng ô. Lúc gặp nguy hiểm nó giương gọng lá sen lên như cái dù, há miệng đen ngòm dọa kẻ thù. Tuy vậy, rồng Úc châu rất hiền, chủ yếu ăn sâu bọ, trứng chim. Kiến là món khoái khẩu nhất của loài rồng này.

D.H

http://www.lieuquanhue.vn/index.php/1/5776.html


Âm lịch

Ảnh đẹp