Nên để chỉnh
đốn hành vi, ngôn ngữ phải uốn nắn từ nơi cái tâm khi hành vi và ngôn ngữ mới
manh nha, chưa kịp hình thành.
Có câu chuyện kể
rằng: “Xưa, có một chú học trò được dịp lên phố
chơi. Nhằm ngày chợ phiên, một vụ mất cắp xảy ra tại quán trọ, chú học trò liền
bị quan huyện bắt nhốt vì người ta ngờ chú là thủ phạm.
Sau khi trải
qua những thủ tục tra hỏi phiền phức, quan huyện tìm ra thủ phạm, chú học trò
được thả về.
Khi về làng,
gặp thầy và bè bạn, chú nhỏ tức tưởi kể lại sự việc, bộc bạch nỗi hàm oan của
mình.
Vị thầy im
lặng nghe xong câu chuyện, nghiêm nghị ra lệnh phạt đệ tử mười roi. Ðương sự
rất ngạc nhiên nhưng không dám cãi lời thầy, líu ríu leo lên bộ ván nằm chờ
trận đòn mà lòng hoang mang vô kể.
Các bạn chú
thấy thế, ngạc nhiên thưa:
- Thưa thầy,
trò này vô tội sao lại bị đòn?
Vị thầy từ tốn
giải thích:
- Đành rằng
trò ấy vô tội, nhưng tại sao giữa phố chợ đông đảo chỉ mình nó bị tình nghi là
kẻ cắp? Ta phạt cái tội nó có bộ vó của thằng ăn cắp để cho người ta nghi ngờ.
Nếu trò ấy không chỉnh đốn tư cách lại, ta e rằng nó sẽ bị hàm oan nhiều lần
nữa”.
Những nỗi hàm oan
xảy ra cho mọi người khá nhiều. Thường thì ta tìm cách minh oan hay truy lùng
cho ra kẻ đã nhẫn tâm vu oan giáng họa cho mình mà ít ai nghĩ rằng một trong
những nguyên nhân quan trọng của hàm oan là chính mình. Vì thế, để chia sẻ hàm
oan với học trò, vị thầy đã tặng đệ tử đến mười roi.
Mới hay, người
xưa dạy người rất chú trọng đến cái tâm, lấy tâm làm nền tảng để giáo dục, uốn
nắn con người. Hình thức bên ngoài cũng rất quan trọng nhưng nội tâm mới là yếu
tố quyết định. Giáo dục một con người trở nên hoàn thiện phải từ nơi chính tâm
sau đó mới tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ. Cây có ngay thì bóng mới
thẳng, phải đào tạo thế hệ kế thừa có tâm hồn trong sáng và cao thượng mới có
thể mong hình thành nên nhân cách lớn, làm nguyên khí của quốc gia, nhân tài
cho đất nước.
Ngày nay, chúng
ta tự hào với nền giáo dục hiện đại, tiên tiến nhưng quá chú trọng đến khoa học
thực tiễn và xem nhẹ thậm chí lãng quên giáo dục đạo đức và tâm linh. Một khi
thước đo giá trị của xã hội nghiêng nặng về sự thành đạt các sự nghiệp vật chất
có tính hình thức bên ngoài hơn là những giá trị nhân văn, đạo đức và tâm linh
thì đất nước có nguy cơ đối diện với nhiều hiểm họa.
Vị thầy đồ quê
mùa ngày xưa đã cung hiến cho chúng ta một phương thức giáo dục “phạt cái tội
nó có bộ vó của thằng ăn cắp” nhằm uốn nắn cái tâm, chỉnh đốn tư cách của học
trò phải chăng là điều mà các nhà giáo dục hiện đại cần suy gẫm và học hỏi!
Quảng Tánh
(Theo thichquangtanh.com)