25/03/2011 18:08 (GMT+7)
Số lượt xem: 2166
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tôi có quen một anh bạn người phương Tây. Anh ấy kể, trước khi đến Việt Nam, điều khiến anh háo hức và cũng lo nhất là việc ăn bằng đũa. Theo suy nghĩ của anh ta, muốn hòa nhập được với môi trường sống ở Việt Nam thì trước tiên phải dùng được đũa khi ăn…


Khi nghe anh bạn nói vậy, tự dưng tôi cảm thấy có chút hãnh diện vì thói quen, tập tục của người Việt ta đã trở thành nét văn hóa đặc trưng được trân trọng và yêu thích. Không chỉ có nước ta, một số nước phương Đông khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc cũng dùng đũa trong bữa ăn.

Do cùng truyền thống hay bởi ảnh hưởng giao lưu văn hóa nên từ nhiều thế kỷ nay đôi đũa xuất hiện trong đời sống ẩm thực của những gia đình phương Đông như một nét đẹp văn hóa. Có người cảm thấy đó như một thói quen, cũng có người coi đôi đũa là cả triết lý sống, là tình cảm, tình nghĩa gia đình… Và dù ở quốc gia, miền đất nào, đôi đũa vẫn thể hiện nét đẹp trong truyền thống ngàn đời nay của người Á Đông.

Theo giải thích của nhà nghiên cứu văn hóa PGS, Viện sĩ Trần Ngọc Thêm thì sự hình thành thói quen dùng đũa của người phương Đông là do tác động của văn hóa ứng xử với môi trường tự  nhiên. Theo ông, cách dùng đũa khi ăn là sự mô phỏng từ động tác con chim nhặt hạt và bởi thói quen không thể ăn những thứ dùng tay bốc được (như cơm, cá, nước mắm…). Thói quen dùng đũa còn được ông giải thích là do ở phương Đông rất sẵn tre, gỗ làm vật liệu. Hơn nữa dùng đũa lại rất linh hoạt, thực hiện tổng hợp được nhiều chức năng như gắp, và, xé, xẻ, dầm, khoắng, trộn, vét, lấy thức ăn ở xa…

Tuy vậy, mỗi quốc gia lại có quan niệm và thói quen sử dụng đũa khác nhau.

Người Trung Quốc ít dùng đũa bằng gỗ mà thường chế tạo đũa từ sừng hoặc tre. Mỗi đứa trẻ ở Trung Quốc khi bắt đầu tự ăn đều phải học cách dùng đũa cho đúng để dần trở thành thói quen. Đặc biệt, người Trung Hoa còn dùng đũa làm quà tặng trong những dịp đặc biệt như cưới hỏi, nhà mới, đoàn viên hay trẻ đầy tháng…

Với người Nhật, thói quen dùng đũa ăn đã được nâng lên thành “ngày hội” đũa truyền thống vào mùng 4/8 hàng năm. Với tính cách cẩn thận nên trong các gia đình người Nhật thường chuẩn bị mỗi người một đôi đũa riêng. Ngăn đựng đũa của họ còn phân định rõ đâu là đũa dành cho chủ, đũa dành cho khách…Đôi đũa của người Nhật thường ngắn hơn đũa ở các đất nước khác. Việc dài ngắn của đôi đũa của người Nhật không chỉ đơn thuần là thói quen mà con người xứ sở mặt trời mọc này còn coi đó như điều thể hiện uy quyền hay vai vế, chức sắc. Như ở thời phong kiến, những vua quan thường dùng đũa ngắn, trang trí họa tiết đẹp đẽ tinh sảo hơn của đũa người dân Nhật Bản.

Hình ảnh đôi đũa Việt.

Tập tục khác biệt của người Nhật là họ thường bẻ đôi đũa của mình mỗi khi đi cắm trại xa về. Theo quan niệm của người nước này, bẻ đũa sẽ tránh được tà ma đeo bám về gia đình và bữa cơm nhà mình.

Với người Việt Nam thì hình ảnh đôi đũa như một nét văn hóa lâu đời cần được trân trọng và phát huy. Người Việt ta cũng có nhiều phong tục riêng biệt với đôi đũa. Trước tiên là nét văn hóa mà người Việt Nam ta vẫn quan niệm qua hình ảnh đôi đũa. Đó là tính có đôi có cặp. Những câu nói dân gian như “Vợ chồng như đũa có đôi”, “Vợ dại không hại bằng đũa vênh” hay câu ca dao “Bây giờ chồng thấp vợ cao/Như đôi đũa lệch so sao cho bằng?”…

Ngoài ra, đôi đũa còn được quan niệm là thể hiện tính tập thể, tính cộng đồng trong nét sinh hoạt. Tiêu biểu là hình ảnh bó đũa mang biểu tượng của sức mạnh đoàn kết.

Tục lệ trong mỗi bữa cơm trong gia đình Việt, người bề dưới phải so đũa (chọn đũa bằng và xếp ngay ngắn xung quanh mâm cơm) cho người bề trên. Và khi bố mẹ cầm đũa thì con cái mới được cầm sau. Điều này như thể hiện sự tôn trọng, phép tắc giữa người trên – kẻ dưới trong mỗi gia đình.

Trong cuộc sống thường ngày, người Việt Nam không bao giờ dùng đôi đũa cắm lên phía trên bát cơm vì theo quan niệm đó là hình ảnh của sự chết tróc. Ngoài ra, người Việt còn đặc biệt kiêng kỵ khi bị gãy đũa, ném đũa…

Mỗi quốc gia có sự khác nhau về thói quen và truyền thống dùng đũa ăn. Nhưng với người Á Đông nói chung, hình ảnh đôi đũa mang ý nghĩa rất thiêng liêng. Giữ được tập tục dùng đũa cũng như vai trò của đôi đũa trong bữa cơm gia đình là thể hiện nét văn hóa của mỗi quốc gia, vùng miền hay từng cá nhân.

Theo Món ngon Hà Nội

Nguon: http://cuocsongviet.com.vn/index.asp?act=detail&mabv=17973&/Doi-dua-cua-nguoi-A-Dong.csv


Âm lịch

Ảnh đẹp