Quả thật, sách báo xưa là đam mê bất tận của Hoàng
Minh. Anh nhớ nằm lòng những cuốn sách hay, những trang báo đẹp, những
nhà văn, tác giả nổi tiếng một thời. "Săn" sách báo trước năm 1945 là sở
thích của anh, điều này giải thích tại sao gần như các tủ sách lớn từ
Nam ra Bắc, anh đều biết đến. Hiện nay, anh là một trong số những người
có tủ sách báo xưa "hoành tráng" nhất tại TP. Hồ Chí Minh về số lượng
lẫn chất lượng. Nhiều cuốn sách của anh được trả với giá rất cao, anh
luôn từ chối bằng câu nói hóm hỉnh: "Tôi mê sách hơn mê tiền".
Cái duyên của sách xưa
Gặp anh vào một buổi sáng thứ Bảy, Hoàng Minh khoe ngay:
- Tôi vừa mới mua được cuốn Ngày xưa (1935), tập thơ duy nhất của Nguyễn Nhược Pháp, "sướng" không chịu được".
Cầm trên tay cuốn sách quý, anh kể:
- Hồi trước, tôi đã để ý cuốn này trong một tủ sách ở Hà Nội. Thế mà
chưa kịp mua, sách đã bị cháy. Cay lắm! Thật may là tôi vẫn có duyên với
cuốn sách này.
Rồi anh chặc lưỡi:
- Nhưng tôi không thích cái bìa mới này, vừa dán không cẩn thận, vừa che mất cái bìa gốc rất đẹp.
Hoàng Minh bắt đầu sưu tập sách xưa cách đây hơn mười năm. Thời đó,
người trẻ tuổi mê sách xưa như anh rất ít. Anh dễ dàng mua sách báo xưa
với giá chỉ từ 20.000-30.000 đồng/cuốn. Với anh, sướng nhất là mua được
ngay cuốn sách quý hiếm thật sự, như lúc nhặt được Bỉ vỏ (bản ấn hành năm 1938), Những ngày thơ ấu
(1941) trong một buổi lang thang ở các tiệm sách gần kênh Nhiêu Lộc.
Và, cay nhất là sách đã cầm trên tay mà không đủ tiền mua hoặc đã có
người mua trước đó không lâu.
Anh Minh, theo cách nói của những người sưu tầm sách, rất có duyên
với việc "phá" tủ sách (mua được những chiếc tủ quý hiếm). Trong một dịp
ra Hà Nội, anh được gặp một nhà sưu tập 90 tuổi, bạn một thời của họa
sĩ Bùi Xuân Phái, mười năm không ra khỏi nhà. Bộ sưu tập của ông gồm đồ
cổ, tranh cổ, tiền cổ và đặc biệt là bộ sách báo xưa rất có giá trị.
Trước anh đã có rất nhiều người nhòm ngó bộ sách xưa của ông nhưng chưa
ai tiếp cận được. Sau một buổi trò chuyện chân tình, anh được ông xem là
tri kỷ và đồng ý bán một phần bộ sưu tập, chủ yếu là báo xưa như: Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh, Nam Phong của Phạm Quỳnh, Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn, Hà Nội Tân Văn - nơi có tác phẩm đầu tiên của Tô Hoài. Đặc biệt, ông còn đưa anh đi đến nhà nhiều người bạn để hỏi mua sách xưa giúp anh.
Các báo xưa: Ngày Nay - Tự Lực Văn Đoàn, Tiên Phong - Hội Văn hóa Cứu quốc, Hà Nội Tân Văn - Vũ Ngọc Phan, Nam Phong - Phạm Quỳnh, Đại Việt Tạp chí - Hồ Biểu Chánh, Phụ Nữ Tân Văn - Phan Khôi, Trung Bắc Chủ Nhật - Nguyễn Văn Luận, Tiểu Thuyết Thứ Bảy - Vũ Đình Long |
Lần khác, anh mua lại một tủ sách rất nổi tiếng của một nhà sưu tập
lớn tuổi ở Nha Trang, không con cái, bị bán thân bất toại, ít tiếp xúc
với người lạ, sách gần như là một phần máu thịt của ông. "Choáng" là cảm
xúc của anh khi đứng trước bộ sưu tập khổng lồ: Năm tủ lớn dưới tầng
trệt, năm tủ lớn trên gác. Để qua đợt thiêu hủy sách năm 1975 với khẩu
hiệu "Bài trừ văn hóa đồi trụy và phản động", ông cắt bìa, hình ảnh ra
làm bộ sưu tập riêng. Do lâu ngày không lau chùi nên mối mọt ăn khá
nhiều, những cuốn còn lại còn rất mới. Anh đã bỏ thời gian, công sức đến
Nha Trang nhiều lần mới có dịp trò chuyện với ông. Lần đó, anh mua được
khá nhiều báo xưa quý hiếm, đặc biệt là bộ Sáng Tạo (1956) không thiếu một số nào.
Sách xưa - Báu vật vô giá của người sưu tầm
Người sưu tầm sách xưa thường phân loại theo từng phân khúc, Hoàng
Minh chọn phân khúc sách báo "tiền chiến" (xuất bản trước năm 1945). Các
phân khúc khác gồm: sách từ năm 1946-1950, sách trước năm 1975, sách
thời kỳ đầu chữ quốc ngữ (trước năm 1900). Ngoài ra, cách sưu tập còn
phân loại theo tiêu chí: tác giả yêu thích, dòng sách yêu thích, sách
báo theo một nội dung như cải cách ruộng đất 1953-1956... Tuy nhiên, do
số lượng trong từng tiêu chí này có hạn nên các nhà sưu tập thường mở ra
nhiều hướng sưu tập nhằm làm phong phú hơn các bộ sưu tập.
Sưu tập sách phải bắt nguồn từ niềm yêu thích, đam mê và hiểu biết về
giá trị của cuốn sách. Ông Vũ Anh Tuấn, dịch giả đồng thời là nhà sưu
tập sách nổi tiếng của TP. Hồ Chí Minh, cũng mê sách không kém anh Hoàng
Minh. Bộ sưu tập chính của ông có khoảng 800 cuốn sách tiếng Pháp trên
100 tuổi và bộ Kiều đồ sộ. Ông rất yêu và trân trọng chữ quốc ngữ, đó là
ấn tượng đầu tiên trong những lần đầu tiếp xúc. Nhìn thấy một bức thư
mời, một cuốn sách xuất bản trong nước mà tiếng nước ngoài đặt trước
tiếng Việt, ông bức xúc thật sự: "Chúng ta không bài trừ ngoại ngữ, mà
ngược lại, cần cố trau dồi, học giỏi ngoại ngữ vì nó rất có ích trong
việc tiếp xúc với sách vở, tài liệu nước ngoài để nâng cao kiến thức
trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, không nên quá coi trọng và đặt nó ở thế
thượng tôn, sẽ có lỗi với tiếng mẹ đẻ, thứ tiếng mà tổ tiên, cha ông ta
đã nói từ ngàn đời".
- Yêu tiếng Việt song ông lại chọn sưu tập phần lớn là sách tiếng Pháp?
- Không thể khẳng định được là chỉ những người sưu tập sách chữ quốc
ngữ mới là người yêu tiếng Việt. Rất nhiều tác phẩm tiếng Pháp tôi sưu
tập được đều rất hay, rất đẹp, phần lớn đã hết bản quyền tác giả nên có
thể dịch ra bất cứ lúc nào để phục vụ người đọc mà không cần phải xin
phép bất cứ ai. Hơn nữa, có rất nhiều cuốn có giá trị lịch sử như: Ở Bắc Kỳ (Au Tonkin) (1855-1883) của Dick De Lonlay, Các đoàn truyền giáo ở Nam Kỳ (Missions de Cochinchine (1910-1920), Người Pháp tới Bắc Kỳ (Les Francais Au Tonkin) (1787-1884), Xứ Bắc Kỳ (Le Tonkin) (1888) của Stéphane Dumoulin, Ở Đông Dương, Nam Kỳ, Cao Miên, Trung Kỳ và Bắc Kỳ của Gaston Donnet, Sách tập đọc sử dụng các trích đoạn trong những tác phẩm văn chương của các tác giả người Pháp thuộc địa (bản in lần thứ nhất) (1929) của Eugene Pujarniscle và Dương Quảng Hàm...
Tập ảnh đám tang cụ Phan Châu Trinh, do Khánh Ký chụp trong tang lễ năm 1926 |
Ông nói về sách bằng giọng nói đầy tự hào và ánh mắt lộ rõ niềm vui.
Cái cách ông mân mê từng cái bìa, lật từng trang sách một cách khẽ khàng
và mê mẩn với các minh họa trong sách làm cho người ngồi đối diện nghĩ
ngay đến một báu vật vô giá và mỏng manh trên tay ông.
- Nhờ những cuốn sách này mà người đọc như được giao cảm với tác giả,
không còn khoảng cách giữa người đọc và tác phẩm, giữa quá khứ, hiện
tại và tương lai.
Đưa sách cho tôi xem, ông nói:
- Nhìn xem, loại giấy Thánh kinh này vừa mỏng lại vừa cực bền theo
thời gian, mấy trăm năm trôi qua mà chữ vẫn rõ ràng, không như loại giấy
"couché" (giấy láng), sử dụng để in sách báo hiện nay, một chút nước sẽ
làm các trang sách dính chặt vào nhau ngay. So với khổ sách vừa phải
ngày xưa, nhiều sách báo hiện đại khổ lớn quá, chỉ có giá trị trưng bày,
khó cầm, khó đọc. Đặc biệt, sách xưa có lối viết, dịch khoáng đạt, mang
đậm phong cách văn chương của người dịch, bởi hầu hết dịch giả đồng
thời cũng là nhà văn chứ không chỉ là "thợ dịch".
- Tôi rất không hài lòng với một cuốn sách còn nhiều lỗi khi đến tay
người đọc - Ông nói tiếp - Một lần mua được một cuốn sách nằm trong bộ Một trăm câu hỏi đáp về Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM với bìa sách trình bày đẹp, gọn, đặc biệt có in hình trang bìa báo Phụ Nữ Tân Văn (ba cô gái) và Nam Kỳ Tuần báo
khiến tôi rất thích. Nhưng niềm vui của tôi nhanh chóng giảm đi khi
trong một trang sách (trang 12) có đến sáu lỗi mất chữ, thừa chữ, thiếu
dấu... Nếu sách có hồn hẳn sẽ rất buồn khi thấy thiếu sự tôn trọng ở
người biên tập như vậy và người yêu sách như tôi cũng buồn lây.
Kể về việc sưu tập truyện Kiều, ông vẫn rưng rưng nhớ lại năm 1992,
do một biến cố nhỏ, ông đã phải nhường lại cho một thân hữu bộ sưu tập
đầu tiên trên 100 bộ Kiều khác nhau và trên 600 tài liệu sách báo liên
quan đến Kiều sau ba mươi năm sưu tập. Tuy hiện nay, ông đã có một bộ
Kiều khác với số lượng gần bằng bộ cũ nhưng ông vẫn không nguôi tiếc
nuối khi nhắc về nó. Một đời người gắn bó với sách, ông Vũ Anh Tuấn
khẳng định, người tìm và giữ được sách chủ yếu do cái duyên.
Triển lãm sách báo xưa ở Nhã Nam thư quán |
Năm 2007, ông được một người bán sách quen đưa đến cuốn Les sauterelles (Những con châu chấu)
(1912) của Émile Fabre. Lướt qua tựa đề vài trang bên trong, ông nghĩ
ngay đến cuộc nổi loạn mang tên giặc Châu Chấu ở Sơn Tây năm Tự Đức thứ
Bảy (1854), có sự xuất hiện của nhân vật Cao Bá Quát lừng lẫy. Lúc đầu,
ông chỉ trả 250.000 đồng nhưng người bán sách nhất định không bán. Sau
vài giây, ông quyết định bỏ thêm 50.000 đồng để mua sách. Thực tế, cuốn
sách không phải nói về giặc Châu Chấu và cũng không có sự xuất hiện của
Cao Bá Quát như ông hy vọng. Nhưng may mắn thay, ông phát hiện ra hai
con dấu ghi lại tên chủ sách là cụ Trần Trọng Kim (tác giả bộ Việt Nam Sử lược và bộ Nho giáo) đồng thời trên bìa sách còn có chữ ký rất đẹp của chủ sách. Với người sưu tập sách, đây là một "báu vật" hiếm có.
Hiện nay, nhiều sách cũ trên 50 năm đã được in lại như cuốn Nho Giáo, Đại Nam Quốc Âm Tự Vị...
bởi các nhà sách uy tín như Fahasa, Alphabook hay NXB Tri Thức nhưng nó
chỉ phục vụ nhu cầu đọc và nghiên cứu. Còn về giá trị sưu tập, sách
xưa, dù đã ố vàng theo thời gian, vẫn mang một giá trị lưu giữ thời
gian, lưu giữ hình bóng tác giả không thể thay thế. Đó là lý do những
cuốn sách đã nằm trong một tủ sách sưu tầm nào đó thì khó có thể xuất
hiện trên thị trường trở lại.
Người bán sách cũng mê sách
"Hiện nay, các cửa hàng sách báo cũ ở Sài Gòn ngày càng ít. Một vài
lần ngồi điểm lại số lượng những hàng sách nói chung, bỗng giật mình vì
chỉ còn một nửa so với thời điểm cách đây khoảng mười năm, riêng điểm
kinh doanh sách xưa chỉ còn khoảng một phần tư. Những "đại gia sách xưa"
một thời như Kỳ Thư (Võ Văn Tần) đã không còn tồn tại, Ngọc Phụng, Minh
Ngọc (Trần Nhân Tôn) thì lưa thưa khách đến, khách đi. Lâu lâu lại thấy
nghe tin một hàng quen tuyên bố giải nghệ. Nguồn hàng khan hiếm, giá cả
mặt bằng cao, lợi nhuận thấp so với các ngành khác là nguyên nhân để
các bác bán sách chuyển nghề. Giờ đi qua khu Minh Khai thấy toàn sách
mới hạ giá, giống khu Đinh Lễ ở Hà Nội. Nhớ ngày xưa, mỗi lần đi qua đều
hoa hết cả mắt với đủ loại sách từ cổ chí kim", Hoàng Minh chia sẻ.
Cuốn Lịch sử đàng ngoài của Alexandre de Rhôdes (1652),
giải nhất cuộc thi Những cuốn sách vàng năm 2006 |
Dạo một vòng qua các tiệm sách cũ đường Trần Huy Liệu và bờ kè Lê Văn
Sỹ, các chủ tiệm đều lắc đầu bảo: "Sách trước năm 1975 không còn hàng
nữa, đặc biệt là sách của những tác gia nổi tiếng như Toan Ánh, Giản
Chi, Nguyễn Hiến Lê, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền...". Cô Hai, chủ tiệm 150
Trần Huy Liệu, bằng giọng Huế ngọt ngào, khẳng định:
- Sách trước 1975 vô tay mấy người sưu tầm sách hết rồi. Cách đây 3-4
năm, nguồn sách cũ nhiều nên tôi bán được giá lắm. Bây chừ hàng hiếm
nên buôn bán ế ẩm. Vì tôi còn mê sách nên còn làm nghề này chớ nhiều
tiệm cũng nghỉ bán rồi. Từ hồi đi học tôi đã thích mấy hình vẽ trong
truyện kiếm hiệp, răng mà hắn đẹp rứa.
Nói chuyện một lúc, bà Hai mới mang ra cho tôi cuốn sách Chuông gọi hồn ai
(1958) của E. Hemingway, bìa và vài trang đầu đã nát một góc do mối
mọt. Bà nói: "Tôi còn một cuốn dễ thương lắm, định để lại bán sỉ cho một
tiệm (giấu tên) đường Trần Nhân Tôn rất được giá". Bà cho biết thêm,
hầu hết sách cũ ở Trần Huy Liệu đều bán theo kiểu này, trừ tiệm của cô
Lan, 108 Trần Huy Liệu.
Lúc tôi đến, tiệm cô Lan đang bán lác đác vài cuốn tiểu thuyết của
Quỳnh Dao và một vài tác giả nước ngoài, xuất bản những năm 1980. Cô cho
biết: "Tôi bán sách cũng vì mê sách, vừa bán vừa sưu tập, hiện tôi có
chín tủ sách xưa, chỉ cất giữ như một tài sản của gia đình". Thỉnh
thoảng, cô chỉ đưa ra bán một vài cuốn ít giá trị nhất nhưng vẫn bán
sạch trong 1-2 ngày. Đến các hiệu sách ở đường Trần Nhân Tôn như Tín
Nghĩa, Minh..., sách cũ vẫn bày la liệt nhưng chủ yếu là sách nước ngoài
hoặc sách xưa theo cái nghĩa là sách tồn đọng của mấy năm trước, người
sưu tầm chuyên nghiệp ít khi mua.
Mây - Tập thơ của Vũ Hoàng Chương, họa sĩ Tô Ngọc Vân trình bày, NXB Đời Nay (1943) |
Trên thực tế, quan niệm về sách cũ, sách xưa vẫn còn khá nhiều bàn
cãi. Trong đó, sách cũ là cách nói chung nhất, còn sách xưa, theo một
vài nhà sưu tập sách, để khẳng định một chút giá trị sưu tầm của sách.
Theo báo Khuyến Học (1935) thì "sách xưa có giá trị riêng về
"xưa" của nó, cái giá cao thấp của nó chính vì ở chỗ nó ít có; thứ nhất
là quyển nào trong đó có những hình ảnh mỹ thuật mà xem thật là xưa thì
giá lại càng cao. Tuy nhiên, cũng có những quyển sách xưa lắm, mà nội
dung của nó cũng không có giá trị đặc sắc gì, thì giá của nó cũng không
được cao bằng những quyển khác".
Còn theo anh Hoàng Minh, sách xưa mà phải quý và hiếm mới có giá trị
sưu tập. Ở Việt Nam, chữ quốc ngữ chỉ mới bắt đầu phổ biến cuối thế kỷ
XIX nên những sách trên dưới một trăm năm đã được gọi là sách cổ, thường
là văn bản chữ Hán và chữ Nôm. Còn sách báo quốc ngữ trên năm mươi năm
có thể coi là sách xưa. Bên cạnh đó, sách trước năm 1975 gắn liền với
những giai đoạn lịch sử nhất định như 1945-1954 và 1954-1975 rất có giá
trị về mặt sưu tầm. Còn những sách sau năm 1975 chỉ được gọi là sách cũ,
ít được những nhà sưu tầm để ý.
Theo nhịp phát triển của thời đại, hiện nay, điện thoại và internet
đang dần trở nên kênh kinh doanh, sưu tập phổ biến. Những đường dây nóng
nối liền Hà Nội - Sài Gòn hoạt động ngày càng nhộn nhịp. Diễn đàn sachxua.net
là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động chia sẻ, trao đổi, mua bán và
đấu giá sách xưa. Từ khi thành lập (tháng 11-2008) đến nay, sachxua.net
đã thu hút hơn gần 10.000 thành viên. Nhiều cuốn sách được bán với giá
cao vẫn có nhiều người tranh mua vì giá trị của cuốn sách chỉ có người
sưu tầm mới hiểu được. Chỉ biết, để có một bộ sưu tập sách báo xưa, số
tiền bỏ ra không nhỏ vì có thời điểm, giá một cuốn từ điển có thể lên
đến hai cây vàng.
Sách xưa kết nối người trẻ
Những người sưu tập sách không chỉ muốn cất giữ riêng cho mình những
áng văn chương vang bóng một thời. Với tấm lòng của người yêu sách, họ
sẵn sàng chia sẻ "tài sản" và cái thú của mình với người cùng sở thích.
Ngoài việc chia sẻ trên các diễn đàn, Nhã Nam Thư quán là nơi thường
xuyên tổ chức những buổi triển lãm sách báo xưa để tất cả mọi người yêu
sách cùng có dịp chiêm ngưỡng. Nội dung các đợt trưng bày khá phong phú.
Có đợt trưng bày những tác phẩm của nhà văn Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu,
gồm một số sách do cụ viết: Khối tình con (1918), Thề non nước (1932)... Các tạp chí do cụ làm chủ bút khi sinh thời: Annam tạp chí, Hữu Thanh tạp chí và các sách viết về Tản Đà: Uống rượu với Tản Đà, Trương Tửu, Đại Đồng thư xã, tạp chí Tao Đàn...
Có đợt triển lãm bản Truyện Kiều quốc ngữ xuất bản trước 1945, các bản
Trương Vĩnh Ký, Bùi Khánh Diễn, Abel des Michels hay Tập văn họa kỷ niệm
Nguyễn Du (1942). Và mới đây nhất là đợt triển lãm báo xuất bản ngày
xuân trước năm 1945.
Những cuộc triển lãm này không chỉ giúp thỏa mãn niềm đam mê của
người yêu sách mà còn khơi dậy trong các bạn đọc trẻ ý thức quý trọng
những giá trị văn hóa của những giai đoạn lịch sử đã đi qua, đặc biệt là
những giá trị văn hóa được lưu lại trong những trang sách cũ, báo xưa.
Cần lắm những nhà sưu tầm sách có tâm như thế để kho tư liệu về lịch sử,
văn hóa của dân tộc đến được với mọi người.
- Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần