24/11/2010 10:03 (GMT+7)
Số lượt xem: 4972
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tinh thần Samurai hình như vẫn còn nguyên ở người Nhật, có điều thanh gươm và sự liều mình không còn cần thiết nữa. Thay vào đó là sự quả cảm trong khoa học và kinh tế, sự cẩn trọng theo kiểu ném đá dò đường trong phương pháp.


Điều này diễn ra ngay trong quan hệ văn hóa Việt Nam – Nhật Bản, mặc dù có nhiều cuộc tiếp xúc trao đổi, nhưng vẫn chưa vào việc và quá ít sự kiện văn hóa để người dân hai nước có thể hiểu nhau hơn. Đương nhiên, người dân Việt Nam nói chung khó có điều kiện sang tận nước Nhật để thăm quan các hoạt động văn hóa, mặc dù số người Việt sang Nhật du học và làm ăn ngày càng tăng lên, nhưng phần đông trong số đó, đi đi về về, mà không để lại thông tin gì.

Cũng như quan hệ với phương Tây, người Việt khá đông đảo ở Mỹ, Pháp, Đức, Anh và nhiều nước Đông Âu, ngoài làm ăn, đi học, chúng ta thấy rất ít những bài báo của họ giới thiệu về văn hóa nghệ thuật những đất nước ấy, tuy nhiên số lượng bài viết, thông tin ảnh chụp có thể nói hơn hẳn thông tin về nước Nhật. Hiện đã có một số thanh niên và nghệ sỹ dịch thường xuyên tin tức nghệ thuật phương Tây đăng trên các trang mạng Nhà nước và cá nhân.

Xu hướng một chiều vẫn là chính. Nghĩa là người nước ngoài rất ít biết về văn hóa Việt Nam, ngoài thông tin chính thức trong nước, mà phần lớn bằng tiếng Việt. Rất ít các hoạt động văn hóa đưa ra nước ngoài bằng kinh phí của chính người Việt. Hầu hết các triển lãm nghệ thuật (hội họa và sắp đặt) Việt Nam ra ngoài bằng kinh phí của đối tác. Không chủ động về kinh phí, chúng ta cũng không chủ động về nội dung văn hóa.


Tam quan Đông Đại tự

Toba Mika là họa sỹ Nhật đến vẽ ở Việt Nam từ những năm 2000, đến năm 2003 và 2005, chị đã có triển lãm ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Huế. Chị không phải là họa sỹ nước ngoài đầu tiên hay duy nhất đến vẽ tại nước ta, nhưng là họa sỹ Nhật hiếm hoi làm việc đó với tình cảm rất sâu sắc về đất nước và con người Việt Nam. Cuộc triển lãm tháng 12 này ở Hà Nội được người Nhật chuẩn bị chu đáo, do một ủy ban tổ chức tự nguyện, đứng đầu là nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản. Trước tiên, trong tháng 10/2010, triển lãm được tổ chức tại chùa Dược Sư (Yakushiji) thuộc TP Nara, nhân kỷ niệm 1.300 năm kinh đô cổ này, sự kiện cũng quan trọng như Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, sau đó những bức tranh sẽ sang Hà Nội, phần lớn trong đó vẽ về Việt Nam.

Tôi được mời sang Nhật trong chuyến này cùng với cô Giang, người đã học đại học và tiến sỹ ở Nhật tới 7 năm, anh Hòa người nhiều năm làm cho các công ty Nhật. Chúng tôi đi thăm quan Nara, dự triển lãm của Toba Mika, dự hội thảo giao lưu văn hóa Việt – Nhật và thăm Kyoto. Đây chỉ là một thoáng và một vùng nước Nhật nhưng với tôi là một ấn tượng sâu sắc.

Nara được chọn làm kinh đô nước Nhật năm 710 và kéo đến năm 794, còn gọi là thời Nại Lương (Nara). Thời kỳ đó cứ một vị hoàng đế qua đời thì người ta lại tiến hành thiên đô, nên thường kinh đô tồn tại rất ngắn do di chuyển liên tục. Trước thế kỷ 6, khi đạo Phật chưa du nhập Nhật Bản, đền thờ Thần đạo (Shinto) là kiến trúc phổ biến với những cột chôn thẳng xuống đất, sau đó các chùa thờ Phật đặt cột lên những thạch tảng và có thể đưa đền thờ Thần đạo nép vào bên ngôi chùa.


Tháp ở chùa Dược Sư

Tượng Phật chùa Dược Sư

Chùa Nhật Bản ban đầu được các tăng lữ và thợ Triều Tiên giúp đỡ, nó thường là một khu vực có hồi lang tứ phía gần như vuông, qua cổng nhỏ, cổng chính, là tháp cao ba hoặc năm tầng, rồi thẳng trục với chính điện, phía sau là các hậu đường, nhà chép kinh. Trong quá trình phát triển, các tháp được đặt sang bên hông chính điện, và có thể có hai tháp Đông – Tây đối xứng hai bên chính điện.

Ngôi chùa cổ nhất được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Nhật là chùa Horyuji (Pháp Long tự), do Thái tử Shotoku xây dựng năm 607, năm 670 bị cháy và xây dựng lại, là kiểu mẫu chùa chiền thời Nại Lương, có tháp bên hông chùa và hồi lang bao bọc. Kiến trúc Phật giáo ngay từ đầu đã chú trọng một khung cảnh rộng rãi ngay ngắn, khoảng cách giữa các công trình rất xa, nổi bật bởi chiều cao của tháp luôn được làm mái kép, nên ba tầng mà trông như năm sáu tầng, và sự đồ sộ của chính điện độc lập trên mặt bằng rộng. Cây cối cũng được trồng thưa thớt trong sân chùa và được tỉa cẩn thận hằng ngày, nên tính súc tích và tương phản là nét nổi bật, có lẽ ngay từ thời cổ xưa đó.

Đông Đại tự (Todaiji) là trung tâm của Phật giáo Quốc gia thời Nara và tiêu biểu cho kiến trúc Phật giáo của hệ thống tu viện tăng và ni lúc đó. Hoàng đế Shomu cho lập ngôi chùa này, với 1.665.000 ngày công, huy động 10% dân chúng xây dựng. Năm 752, hơn mười nghìn tăng sỹ và chức sắc từ Ba Tư đến Ấn Độ, và Đông Á đến dự lễ khai nhãn tượng Phật cao 17m. Người Nhật đã cử người sang nhà Đường, Trung Quốc, học hỏi lại cho nguyên bản những gì mà người Triều Tiên truyền cho về nhiều kỹ thuật, nhất là nghệ thuật Phật giáo, sau đó đến thế kỷ 9, họ ngừng các cuộc Di Đường sứ, do cho rằng văn hóa nhà Đường đã suy vong.

Buổi tối, chúng tôi tạt vào một ngôi chùa Tịnh Giáo, nơi cô Giang thăm phần vong linh gia đình một người bạn đặt trong chùa. Sư trụ trì ra ân cần mời chúng tôi vào. Họ đang giảng kinh cho vài tăng trẻ. Sư nói đã truyền ngôi trụ trì cho vị sư trung niên, cũng là con rể của ông. Hóa ra ở Nhật, các vị sư tăng ni được lập gia đình và phần lớn các ngôi chùa thuộc về các dòng họ và giáo phái, được quản lý tư nhân rất chặt chẽ. Tôi viết cho nhà sư hai bức thư pháp là Thỏ giác Quy mao (sừng thỏ, lông rùa) và Tùng phong Thủy nguyệt (gió trên cành tùng, trăng dưới đáy nước) – ý của những chữ này là chớ nên bám theo những điều hư ảo. Sư rất cảm động, tặng lại chúng tôi cuốn Từ điển Tượng Phật Nhật Bản rất quý và hình Đức Phật thờ trong chùa. Nếu nói rằng các sư mà lấy vợ sinh con chắc rất lạ với Phật giáo Việt Nam. Nhưng tôi thấy họ rất nghiêm trang, có trình độ thâm tuệ, họ cho rằng, người tu hành không biết nỗi sướng khổ ở đời thì giáo hóa cho ai, cho nên cũng cần sống như người thường.


Chính điện chùa Dược Sư

Thực ra trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản, các vị sư đã ngầm lấy vợ, nên ngay từ thế kỷ 8 đã có những kiện cáo, sau khi vị sư mất đi tài sản chia cho ai, cho đệ tử hay vợ con, thậm chí có vài ba bà vợ. Đến năm 1872, một đạo luật chính thức được Chính phủ Minh Trị ban bố cho phép tăng ni không nhất thiết ăn chay, có thể để tóc và lập gia đình. Tất nhiên có những phản ứng xã hội rất ghê gớm không đồng tình với đạo luật, nên đến năm sau 1873, thì sư ni mới được thực hiện những quyền lợi đó. Trong các ngôi chùa lớn đều có khu biệt thự rất đẹp dành cho các cao tăng có gia đình. Trong cuộc hội thảo giao lưu văn hóa Việt Nhật, tôi thấy vợ sư trụ trì chùa Dược Sư mặc toàn đồ màu xanh, áo váy xanh, mũ xanh, giày xanh, thậm chí nhẫn và hoa tai cũng xanh. Bà đi lại như hoàng hậu trong chùa và tươi cười nói rằng thế mới ra chính mình.

Ở Nara, chùa chiền là một trung tâm văn hóa, chắc ở Nhật nói chung cũng như vậy. Thực ra trước thời Minh Trị, nó còn là một trung tâm quyền lực chính trị. Trong chùa ngoài khu thờ tự, thiền viện, chung cư, vườn thiền, còn có cả thư viện, bảo tàng, phòng hòa nhạc, phòng triển lãm tranh (nếu cần) và hội trường tổ chức hội thảo học thuật. Vé vào chùa không rẻ, chừng 800 Yên (JPY) vào chùa Dược Sư, nhưng số lượng khách không ít, đi lại nườm nượp cả ngày. Người Nhật có sở thích là đi ngắm tượng Phật đẹp, trước tiên coi đó là tác phẩm nghệ thuật. Nên nếu chùa nào có tượng Phật độc đáo có thể đem đi triển lãm du ngoạn toàn quốc, người ta vẫn hay làm như vậy và lấy tiền thu được trùng tu chùa.


Triển lãm của họa sỹ Toba Mika tại chùa Dược Sư

Ở Nhật các công trình trùng tu được tiến hành rất lâu, từng chi tiết đều có tổ nghiên cứu, bao giờ thống nhất mới đem ra làm, riêng tòa cung điện ở Bình Thành Nara người ta đã mất 20 năm để phục dựng. Chùa Hưng Phúc (Kofukuji) có pho tượng Atula ba đầu sáu tay thật là một tác phẩm có linh hồn được người xem đông đảo hơn cả và pho tượng này cũng được đem đi trưng bày trong nước. Họa sỹ Toba Mika từng đề xuất với Bộ Văn hóa Nhật mượn pho tượng Phật bà Nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp về trưng bày tại chùa Dược Sư. Vấn đề này nước ta chưa có tiền lệ, nên chưa thể thực hiện, nhưng các sư tăng và người Nhật vẫn muốn nguyện vọng đó trong một tương lai, cũng là dịp quảng bá cho văn hóa Việt Nam.
Kinh đô cổ Nara cũng như Kyoto sau này, phảng phất cái gì đó như kinh thành Huế. Quy hoạch thành phố rất rõ ràng như thành Tràng An nhà Đường, với những đường ô bàn cờ hai bên chính đạo, nhà cửa thì thấp bé và đường đi rất hẹp, có lẽ cho lọt một cỗ xe ngựa, ngày nay thì một chiếc ô tô 4 chỗ đi vừa. Đường phân ô bàn cờ này ở Nhật gọi Điều và Phường, các địa danh hiện đại vẫn giữ nguyên tên theo các tuyến điều phường như vậy, đôi khi là đánh số.


Họa sỹ Toba Mika và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình (thứ tư, từ trái sang) cùng những người bạn

Văn hóa giao thông ở Nhật có thể nói không chê vào đâu, những con phố nhỏ như vậy người ta vẫn cho đi hai chiều, khi một chiếc xe thấy xe đối đầu lập tức đi giật lùi hoặc tấp vào một hiên nhà, chưa bao giờ bị tắc. Ngoài đường ông bà già và trẻ con đi nhan nhản, xe cộ lại phải đúng giờ từng phút, thế nên người ta vừa cẩn thận, nhường nhịn, vừa khẩn trương. Các tuyến tàu cũng vậy, chắn soát vé tự động, và dường như không đặt thanh gạt, nhưng không ai trốn vé, nếu đi quá tiền bạn mua vé, người ta ra máy tính xem lại và trả thêm. Người lớn chính là tấm gương của trẻ con, khi chúng cùng đi với bạn ra đường, nên không thể nhăng nhít. Là người sống lâu năm ở Nhật, cô Giang có nhiều người bạn và họ giúp đỡ chúng tôi tận tình. Người Nhật coi trọng tình bạn, vì đó là mối giao thiệp hằng ngày cần thiết cho một xã hội thương mại hiện đại, sự trung thành của tình bạn được đặt lên hàng đầu và khi đã có một người bạn người ta gìn giữ tình cảm ấy suốt đời, cũng như nhiệt tình từng giây phút.

Tôi cũng bất ngờ vì nội dung cuộc hội thảo không được biết trước. Khi đến nơi đã có đủ quan chức và giới doanh nhân, họ là những người quan tâm đến thương mại với Việt Nam và tài trợ cho nữ họa sỹ. Tất cả đều ăn mặc rất trịnh trọng. Có ông Thống đốc Nara và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Nguyễn Phú Bình tới dự. Vài người Việt lọt vào đây ngơ ngác như mấy con nai trước bầy sư tử. Chủ tọa gồm sư trụ trì chùa Dược Sư, cô Toba Mika, cô Giang và vài người khác. Đặc biệt là sư trụ trì phê bình rất thẳng thắn về các vấn đề văn hóa nghệ thuật với cô Toba Mika, họ cũng hỏi tôi về cảm nhận của người Việt Nam về tranh của cô. Tôi phát biểu rằng những năm 1941 -1943, giữa Nhật và Việt Nam đã có hai cuộc trao đổi triển lãm hội họa hai bên, và thẳng từ đó đến Toba Mika dường như là lần thứ hai. Dường như hai bên chỉ biết văn hóa của nhau qua sách vở hạn chế, chứ rất ít thực tế, sự hiểu biết về văn hóa của nhau sẽ tốt hơn việc làm ăn giữa Nhật và Việt Nam. Đó là một thực tế, ví dụ như ba họa sỹ Utamaro, Hirosighe, Hokhusai rất nổi tiếng ở Việt Nam, nhưng chúng ta có ai trông thấy một bản khắc gỗ thật nào của họ.


Tháng 11 ngọt ngào, tranh bình phong khổ lớn - Toba Mika

Toba Mika (sinh năm 1961) đến Việt Nam những năm 2000, khi cô đã đi qua một loạt nước Nam Á và có vẻ bế tắc khi vẽ ở Nhật. Con người và đất nước Việt Nam dường như dồn vào mắt cô đến tràn ngập những hình ảnh về cuộc sống sôi động, nhiều trái ngược, nhiều lý thú, điều mà ở một xã hội đã phát triển như Nhật Bản không còn nữa. Toba Mika đã thành công khi vẽ ở Việt Nam và về Việt Nam, và đó cũng là điều nhiều người Nhật nghi ngại rằng sao họa sỹ không đạt được cái đó ở Nhật. Tất nhiên người Nhật có tầm cỡ thế giới không thắc mắc về một nghệ sỹ của mình tại sao lại thành công với các đề tài nước ngoài. Nghệ thuật ở những mảnh đất phát triển không thắc mắc về tính dân tộc một cách thái quá.

Năm 2003 và 2005, cô triển lãm tại Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh, những tranh in lụa khổ lớn, hầu hết là các phong cảnh sinh hoạt sông nước, đô thị trong sự tương phản giàu nghèo, những tháp Chàm thâm nghiêm ở Mỹ Sơn, những đường tàu đi vào phố ở Hà Nội. Không chỉ người dân mà nhiều họa sỹ Việt Nam thích thú tác phẩm của Toba Mika cả ở những gì cô vẽ và kỹ thuật in Katazome mới mẻ đối với người Việt Nam (nhưng thực ra lối in này phát triển từ kỹ thuật của thời Đường ở Trung Quốc truyền sang Nhật Bản).


Thông điệp từ Hà Nội - Toba Mika

Nghệ thuật Việt Nam thường có xu hướng thơ mộng hóa hiện thực, tránh những gay cấn. Đối với những họa sỹ trẻ xông xáo lại thường bộc lộ sự châm biếm gay gắt, hay toàn nhìn thấy góc tăm tối. Toba Mika không đi vào cả hai điều này. Cô chụp ảnh, xử lý trên đồ họa vi tính, chuyển sang trổ khuôn, khắc và in trên lụa những cảnh vật đã được quan sát rất kỹ sao cho bộc lộ rõ đời sống thực tại của người Việt. Sức ép của gia tăng dân số và chênh lệch giàu nghèo được phản ánh trong cảnh những ngôi nhà ổ chuột ven sông Sài Gòn bên cạnh những nhà cao tầng đang vươn mãi. Những xóm chài rất nên thơ nhưng cũng rất tối tăm ven sông, biển và một Hà Nội vừa cổ kính, vừa lộn xộn trong sự phát triển chóng mặt và cái gì người ta cũng có khả năng thích ứng. Sự quan sát tinh tế và óc phân tích của họa sỹ làm người Việt Nam ngạc nhiên, rồi mới đến vẻ thơ mộng mà Toba Mika truyền cảm trên tranh in lụa, một vẻ thơ mộng đầy chất Nhật Bản, từ rất xa xưa với các tranh bình phong khổ lớn.

Rất ít họa sỹ nước ngoài vẽ ở Việt Nam được chú ý và giới thiệu trên nhiều báo chí như Toba Mika. Đó là một cử chỉ đặc biệt của khán giả Việt Nam, khi họ nhận thấy một người nước ngoài có con mắt rất trìu mến đối với cảnh vật nước mình. Có thể nói tranh của Toba Mika cho chúng ta thấy những mâu thuẫn trong sự đi lên hiện đại và những bất cập của đổi thay trong xã hội kinh tế thị trường, những điều mà nước Nhật đã từng trải qua và chắc chắn có những bài học cay đắng, mà chúng ta chưa từng được nếm. Một lo lắng những cảnh vật đẹp đẽ tự nhiên sẽ mất đi như nước Nhật từng có khi công nghiệp hóa.


Thông điệp - Toba Mika

Tính cộng đồng và ý thức công dân cao đã làm cho nước Nhật giải quyết tốt các phúc lợi xã hội và những công trình lớn có tính quốc tế, và ở đây ý thức công dân rất lạ là lại được phát triển trên tinh thần tôn quân Khổng giáo. Ngược lại, Khổng giáo lại là bước cản đến với tinh thần công dân của người Việt, ý thức cộng đồng ngoài chiến tranh là không cao, dẫn đến những thất thoát các phúc lợi và đầu tư xã hội khi bước đầu vào kinh tế thị trường. Đây là những vướng mắc của hai nền văn hóa và kinh tế khác nhau, dù có những tích cực trong thương mại và đầu tư.

Sự ngay ngắn của xã hội công nghiệp Nhật Bản có thể làm cho họa sỹ không cảm nhận được tính tự nhiên của đời sống nữa, và ngay cả những chùa chiền cảnh vật xa xưa của Nhật cũng được chăm sóc tỉa tót không thể thêm bớt. Các họa sỹ hiện đại mất cảm hứng trong thành phố công nghiệp, lối sống công nghiệp là tình trạng chung dẫn đến sự phát triển của nghệ thuật trừu tượng hay phản ứng với xã hội công nghiệp. Hướng đến một đất nước còn đang trên con đường này là Việt Nam cũng là hợp lý với Toba Mika. Tất nhiên hiện thực không có lỗi, nếu họa sỹ không cảm nhận được hiện thực thì đấy là do anh ta, nhưng có lẽ Toba Mika nhìn thấy những bất cập khác của sự hoàn chỉnh công nghiệp, con người dễ biến thành một cái máy phục vụ cho công nghiệp chứ không phục vụ cho chính nó. Người Việt Nam chưa đạt đến những mong ước phát triển nên còn rất nhiều cơ hội và chệch choạc do tính cách nông dân của họ, chất thơ vì thế không thiếu, cũng như ước vọng cũng không ít.

Tranh của Toba Mika trong chùa Dược Sư được bày ở rất nhiều nơi. Ở một đền thờ bên hông hành lang, ở hai bên chính điện thờ Phật, hai bên hậu đường và tập trung trong các tủ kính lớn của phòng triển lãm. Một ngôi chùa cổ trang nghiêm cho phép họa sỹ làm điều đó là rất đặc biệt, người xem cũng là những Phật tử họ tự thấy họa sỹ này có tư thế ra sao trong nền văn hóa trọng Phật giáo của Nhật Bản. Tất cả những bức tranh được in khổ lớn và bồi thành những tấm bình phong đơn hay nhiều tấm kiểu bình phong trang trí và tường trong kiến trúc Nhật cổ truyền. Các sắc độ được in tinh nhã, màu sắc xanh và hồng chuyển rất nhiều sắc độ, cảnh vật chồng tầng chìm nổi trong không gian đôi khi hư ảo, sương khói và không rõ các biên giới cảnh vật.

Những ngày ở Nara tôi không quên đi dạo các phố cổ và đồng quê. Tôi nhận thấy diện tích bằng huyện ở nước ta, có số ruộng chỉ bằng một xã, nghĩa là đồng ruộng ở Nhật rất ít và nhỏ bé, không hề có chỗ nào được gọi là thẳng cánh cò bay. Thế nhưng chỉ trồng một vụ, năng suất lúa khá cao và được tiêu chuẩn hóa tới mức, đổ gạo vào nồi, với một lượng nước nhất định, tất cả gạo các nơi đều chín như nhau. Người ta cho biết nông sản không đáp ứng được tiểu chuẩn kỹ thuật và tiêu dùng không được đưa ra thị trường.

Do đang làm cuốn sách về đời sống tiền công nghiệp ở Việt Nam, tôi tìm đến Bảo tàng Dân tộc học Nara, tìm tài liệu so sánh. Bảo tàng này do những người nông dân Nara tự lập ra và những người làm nghiên cứu ở đây tiếp chúng tôi rất trọng thị, cho tôi nhiều tài liệu và tự do chụp ảnh trong bảo tàng. Hóa ra khoa nghiên cứu này ở Nhật đã phát triển tới chi tiết. Ví dụ một nông cụ được nghiên cứu trên các mặt: sự phát triển của chủng loại, sự phát triển theo địa hình canh tác, theo thời đại và phối hợp với các nông cụ khác. Đó là cái mà khoa nghiên cứu văn minh về nền nông nghiệp có thể lâu đời hơn nông nghiệp nước Nhật như nước ta lại chưa làm tý gì.

Một thoáng Kyoto cũng có nhiều gợi ý. Tại đây tôi gặp cô Kitayama Natsuki, một cô gái Nhật từng học ở nước ta và thạo tiếng Việt, cô đang làm những chương trình giúp đỡ trẻ em Việt Nam sinh sống tại Nhật quan tâm hơn về văn hóa Việt Nam, và những bất cập trong một gia đình Việt kiều, mẹ nói tiếng Việt, bố nói tiếng Anh, con nói tiếng Nhật và kết quả chẳng ai nói chuyện với ai. Khu vực Lam Sơn (Arashiyama) phía Tây Kyoto sát vào núi men theo một con sông, qua chiếc cầu Độ Nguyệt (Bến Trăng) hình như đã được Hiroshige vẽ trong những bức cảnh từ Nara đến Kyoto rất thơ mộng. Một thị trấn nhỏ lẩn trong rừng cây với nhiều am quán, biệt thự của giới quý tộc cổ, nếu bạn bước chân vào và đi về thì gia nhân vẫn ra ngoài đường tiễn bạn và đứng chào cho đến khi bạn khuất bóng.

Chúng tôi thăm nhà của một thi nhân từ nhiều thế kỷ trước, ngôi nhà lợp bằng rơm dày đến một thước, cổng thì lợp bằng vỏ cây thông, cảnh vật u tịch như chỉ để làm thơ và rửa bụi trần. Vào một ngôi chùa mà hơn chục món ăn đều làm bằng đậu phụ với bà chủ luôn biết trước ý khách và đi lại thoăn thoắt trong chiếc Kimono chật. Nước Nhật luôn có song song những điều mới nhất của nhân loại và những gì cổ kính mà chỉ họ mới có. Tôi nghe nói nhiều cô gái Nhật không lấy chồng mà chỉ quan hệ tình dục một lần trong cả đời cho biết. Tôi nghe nói chữ Nhật rất phức tạp, nào là kiểu chữ Hán đọc theo âm Hán và âm Nhật khác nhau, lại có chữ Nhật cải biên từ chữ Hán, chữ Nhật thuần túy gần giống chữ Phạn, thuộc được những loại này đã chết người, lại phải dùng cho đúng Kính ngữ (tôn trọng người trên) và Khiêm ngữ (nói về bản thân mình) mới có thể đi làm được ở các công ty nội địa, ngoài những tác phong và trình độ chuyên môn khác. Một nước Nhật rất khe khắt, một nước Nhật rất cổ kính và một nước Nhật rất hiện đại, con người ở đó căng thẳng, mệt mỏi, tranh thủ ngủ trên tàu, khi ra nước ngoài lâu thì về rất khó hòa hợp… rất hay và rất dở. Chưa dám kết luận gì, chắc nên đến đây lần nữa.

Bài, ảnh: Phan Cẩm Thượng (Tia Sáng)

Âm lịch

Ảnh đẹp