Cách bố trí bàn thờ và các đồ thờ cũng có nhiều thay đổi để phù hợp hơn
với cấu trúc và diện tích của ngôi nhà nhưng vẫn giữ được sự tôn nghiêm
nơi thờ cúng.
Trong văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt Nam nói riêng và
người phương Đông nói chung, thờ cúng là một việc hết sức thiêng liêng
và hệ trọng. Vị trí đặt bàn thờ hay không gian tâm linh tưởng nhớ trong
nhà ở, vì thế, luôn là một không gian quan trọng, có ý nghĩa rất lớn
trong đời sống tinh thần của con người.
Một góc thờ cúng đơn giản nhưng trang trọng trong ngôi nhà hiện đại
Bàn thờ là nơi thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên,
nên bàn thờ trong nhà ở gia đình truyền thống thường được lập ở chính
giữa gian giữa của ngôi nhà – là vị trí trang trọng nhất.
Tuy nhiên, với những căn nhà có kiến trúc hiện đại, nhà lô phố hiện nay
thì cách bố trí bàn thờ và các đồ thờ cũng có nhiều thay đổi để phù
hợp hơn với cấu trúc và diện tích của ngôi nhà nhưng vẫn giữ được sự tôn
nghiêm nơi thờ cúng.
Vị trí lập phòng thờ – tủ thờ
Trong giải pháp thiết kế kiến trúc dành cho những căn nhà phố hiện nay,
kiến trúc sư thường bố trí bàn thờ đặt trong một phòng riêng, tầng
trên cùng của ngôi nhà (tầng trên cùng thường là tầng thượng – tầng tum
gồm: phòng thờ, phòng giặt + sân phơi). Vị trí này không chỉ mang đến
sự trang nghiêm, kín đáo, tĩnh lặng… mà còn thuận tiện cho việc cúng
ngoài trời, hóa vàng mã trên sân thượng…
Đối với các căn hộ chung cư, do bị hạn chế về diện tích sử dụng nên
việc bố trí một phòng riêng lập bàn thờ là điều rất khó. Chính vì lẽ đó
nên khi phân chia lại các không gian trong căn hộ chung cư, kiến trúc
sư thường sắp xếp không gian thờ cúng nằm trong các không gian sinh
hoạt chung, không gian sảnh – tiền phòng hay các phòng chức năng phù
hợp khác.
Một góc thờ cúng nhỏ vẫn có thể thiết kế ngay phòng khách mà không làm mất đi phong cách hiện đại của không gian sống
Thư viện, phòng khách, phòng sinh hoạt chung trang trọng là những nơi
phù hợp để có thể đặt bàn thờ. Tuyệt đối không nên đặt bàn thờ ở những
phòng sinh hoạt chung ồn ào như phòng karaoke, phòng thể thao… Cũng
không nên đặt bàn thờ trong phòng ngủ vì không gian trang trọng và khói
nhang sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người trong phòng; thêm nữa không gian
thờ mang tính âm nên không phù hợp.
Ngoài ra, trong căn hộ chung cư, bạn cũng có thể bố trí góc thờ, bàn
thờ trong khoảng giữa các mặt bằng căn hộ, trong khoảng đi lại ở khoảng
giữa nhà và không thuộc hẳn một phòng nào, đảm bảo sự thông thoáng,
không bị quẩn khói khi thắp nhang.
Dù là nhà ở truyền thống hay hiện đại, bàn thờ cũng luôn phải đảm bảo
được đặt tại vị trí cao, phía trên bàn thờ là nóc nhà và bầu trời,
không bị các không gian sinh hoạt khác đè lên… để khi cúng bái, con cháu
trong nhà tỏ được sự ngưỡng vọng thành kính của mình với ông bà tổ
tiên.
Thiết kế tủ thờ – bàn thờ phù hợp
Trong phòng thờ, hệ thống tủ – bàn thờ phải có quy mô và hình thức
tương xứng để tạo nên sự trang nghiêm cho không gian đặc biệt này.
Kích thước tủ thờ không nên quá to gây cảm giác hoành tráng nhưng cũng
không nên “lọt thỏm”, nhỏ bé trong phòng. Nếu bàn thờ được đặt tại các
không gian khác như phòng sinh hoạt chung, phòng khách… thì tủ thờ cần
được thiết kế phù hợp về tỉ lệ với kích thước phòng và tương quan với
các đồ nội thất khác.
Một góc thờ cúng trang trọng mang hơi hướng truyền thống
Ở những không gian này, tủ, bàn thờ nên được thiết kế đơn giản, tránh
cầu kỳ lạc lõng hay gây cảm giác nặng nề e sợ. Bàn thờ phải tạo được sự
tôn nghiêm nhưng vẫn phải mang lại cảm giác gần gũi với các thành viên
trong gia đình và các sinh hoạt chung khác.
Vật liệu và màu sắc của tủ – bàn thờ cúng cũng phải phù hợp, nên sử
dụng các màu trầm, tổt nhất là màu gỗ nâu sậm. Các chi tiết kiến trúc –
nội thất (lát sàn, trần, chiếu sáng…), các vật dụng, đồ thờ (bát nhang,
đèn nến, lọ hoa…) nên bày theo lối cân đối.
Ở các căn hộ chung cư, trong trường hợp tủ thờ để ở phòng chức năng
nào đó hay không gian chung, thì có thể dùng hình thức tủ thờ kết hợp
với tủ trang trí, tủ ngăn phòng, tủ bày đồ lưu niệm…
Một số điều cần lưu ý trong phong thủy phòng thờ
Khi thiết kế hay bài trí, sắp đặt cho không gian thờ cúng bạn phải lưu ý
tránh đặt bàn thờ gần luồng hút gió mạnh, gây “động” và có thể thổi
tàn lửa nhang ra chỗ khác gây cháy. Mặt bàn thờ nên đặt một tấm kính để
đảm bảo an toàn tránh lửa bén. Tuyệt đối không được đặt bàn thờ bên
dưới phòng vệ sinh, phòng trẻ em chơi đùa… làm giảm tính tôn nghiêm.
Không gian đặt bàn thờ cần mang một chút riêng tư, thông thoáng
Không gian đặt bàn thờ phải đủ thông thoáng. Không nên đặt bàn thờ cao
quá gây khó khăn cho việc thờ cúng, cũng không nên đặt thấp quá thiếu
trang nghiêm. Trong các trường hợp bàn thờ treo hay tủ thờ cao, phải
đảm bảo khoảng cách tới trần không quá gần, tránh quẩn khói và gây ám
vàng trần. Để khắc phục trường hợp này, bạn có thể gắn một tấm kính
phía trên trần.
Ánh sáng trong phòng thờ và trên bàn thờ không nên sử dụng ánh sáng
trắng mà nên sử dụng ánh sáng vàng, có cảm giác ấm cúng; nguồn sáng gián
tiếp, tránh gây chói. Bạn có thể dùng đèn hắt tường, những bóng đèn
nhót, đèn thờ… Bố trí chiếu sáng nên đăng đối theo 2 bên bàn thờ; kiểu
dáng, chất liệu của đèn cũng cần phù hợp với tủ thờ và không gian chung,
tránh quá màu mè, lòe loẹt…
Nguon: http://www.2dep.net/f133/phong-tho-va-phong-cach-hien-dai-42240/