khiến Kathmandu vốn trầm mặc mang dáng vẻ như một bông hoa nằm
ẩn mình dưới chân Hy Mã Lạp Sơn. Khách du lịch khi đến đây không thể
không đặt chân tới khu phố Tan-man sầm uất đầy khách nước ngoài với
không khí nhộn nhịp của khu chợ Á Đông, với chút thảo nguyên ngay chốn
công cộng và chút hối hả của thời đại công nghiệp. Những chiếc khăn
quàng đầy màu sắc Ấn, chút nắng vàng của phố núi mùa đông… tất cả tụ
lại và bùng lên tạo một nét đẹp riêng cho Kathmandu.
Thành phố cổ Kathmandu - Nepal
Một ngôi đền Phật giáo theo truyền thống Kim Cang thừa tại Kathmandu
Dọc theo những con suối là những dãy cửa hiệu san sát nhau, đồ lưu
niệm, vải vóc treo kín mặt tiệm, tràn cả xuống phố để thiên hạ không thể
vô tình bước qua. Nghệ thuật chạm khắc tượng đồng và đồ lưu niệm, thờ
cúng ở Nepal quả đã đạt đến trình độ siêu đẳng. Những người thợ đúc
đồng xưa kia như đang hồi sinh ngay trên con phố này khiến nhiều du
khách cứ ngẩn ngơ trôi đi trong không gian vừa cổ kính, vừa hiện đại
trước sự pha trộn đầy thú vị giữa sắc màu bản địa và quốc tế. Tại đây,
tranh Thangka, họa phẩm đặc dụng của Phật giáo Tạng truyền, được bày
bán khắp nơi, đều nhắc cho chúng tôi nhớ rằng hai dòng chảy Phật giáo
và Ấn giáo đang cùng tồn tại song hành, tưới lên đời sống người dân
Nepal một suối nguồn đạo hạnh và đức tin. Khách lãng du cứ trôi đi từ
phố này sang phố khác và chỉ có thể thoát ra với lời hẹn sẽ quay lại để
cảm nhận thêm chút nữa về Kathmandu trong cái chậm chạp của một ngày
trong thung lũng, cái hối hả của khách bốn phương cùng những suy tư và
khát vọng hôm nay.
Theo lời mách
bảo của người dân địa phương, đoàn chúng tôi đã ghé tới một nhà hàng
rất nổi tiếng ở Kathmandu. Chúng tôi gọi đó là nhà hàng của “Dấu chân
tuyết”, nơi chỉ có dấu leo núi, chí ít là những ai nhìn thấy những rặng
núi tuyết ở nóc nhà thế giới thì mới tự tin bước vào nơi đây và được
quyền lưu lại dấu chân mình như những ngôi sao. Nhà hàng như một viện
bảo tàng về những kỷ lục leo núi của khách hành hương trên khắp thế
giới. Có thể thấy niềm hạnh phúc mà những chàng trai, cô gái từ bốn
phương đi lại nơi đây, thật sống động khi họ tham gia vào cuộc thử thách
mà chẳng cần phải tới được đỉnh.
Với chúng tôi, Hy Mã Lạp Sơn đã quá kỳ ảo, những cảm xúc khi được đến
gần Everest thần tiên thật không thể diễn tả, chẳng cần là những tay leo
núi cự phách mới có thể hưởng vinh quang khi đến gần nóc nhà của thế
giới. Với chúng tôi, những khoảnh khắc mà bức tranh thiên nhiên tuyệt
vời này sẽ mãi là những ký ức không phai về Nepal.
Nơi trú ngụ của của các vị thần Ấn giáo
Từ thung lũng Kathmandu, bạn có thể ngắm nhìn núi tuyết như một bức
tường thành vĩ đại màu trắng. Kinh đô chìm sâu trong Hy Mã Lạp Sơn này
là kho tàng của biết bao câu chuyện kỳ bí, là thế giới biệt lập của thần
linh cùng những người dân sùng tín và những ngôi đền kỳ lạ. Một trong
những ngôi đền như thế mà chúng tôi tới thăm là nơi thờ vị nữ thần
Kali, một trong những vị thần nổi tiếng nhất của Ấn Độ giáo. Theo thống
kế, hiện nay có khoảng 86% cư dân Nepal theo Ấn giáo, tôn giáo được
coi là lâu đời nhất trong lịch sử nhân loại, và tín ngưỡng này chính là
một phần trong cuộc sống hằng ngày của người Nepal.
Theo quan niệm của Ấn giáo, Kali là một vị ác thần rất thiêng, lại vừa
khát máu, thích hủy diệt lại vừa sẵn sàng ban ơn cứu giúp các tín đồ
nên được mọi người sùng bái. Kali chính là vị nữ thần bảo hộ của thành
Kathmandu. Theo truyền thuyết, bà là một trong những người vợ của thần
hủy diệt Shiva vĩ đại. Ấn Độ giáo có ba vị thần tối thượng, đứng đầu
hàng triệu vị thần khác là Prahma, Vishnu và Shiva. Hình tượng thần Kali
với miệng bà thường hoác ra, lưỡi lè, bông tai là xác những người đàn
ông, chuỗi hạt là những sọ người, trang sức là những con rắn. Không chỉ
có chức năng hủy diệt, nữ thần Kali còn trông coi việc sinh sản, vừa
tàn ác lại vừa hiền hậu. Trong lúc hủy diệt, bà vẫn ban phước và giúp
cho vạn vật sinh sôi, đó chính là hai mặt của một vấn đề là nhân sinh
quan, vũ trụ quan của Ấn giáo.
Trong khi đó, thần Vishnu sẵn sàng cứu nhân độ thế bảo tồn muôn vật,
và cùng vợ mình là Kali có trọng trách cân bằng lại vạn vật, bảo đảm
cho sự tiến triển không ngừng theo quy luật sinh diệt. Người Ấn giáo
quả thật mơ mộng khi tin vào thuyết luân hồi, nhưng cũng là bậc thầy về
óc thực tế khi biết nhìn thẳng vào luật sinh diệt để chấp nhận những
giới hạn khả năng của con người. Họ không chỉ rung lên những hồi chuông
để tôn vinh các thánh thần, để cầu phúc, cầu an mà còn là để cảnh tỉnh
bản thân và đồng loại rằng cuộc đời con người là rất ngắn cần phải
tiến lên nhưng cũng phải biết dừng lại.
Đặc điểm kiến trúc đền đài và cung điện ở Nepal là những tòa tháp
nhiều tầng, mái nhỏ dần lên cao trông rất huyền bí và bề thế. Chúng tôi
tới thăm đền thờ thần Radet ở ven bờ một con sông là chi lưu của sông
Hằng trong lòng kinh đô Kathmandu. Trong các ngôi đền thường có một
hoặc nhiều giáo sĩ Bàlamôn ngồi tụng niệm và ban phước. Bạn sẽ phải trả
một số tiền nhỏ tượng trưng để được giáo sĩ chấm lên trán một chấm đỏ
may mắn, hoặc nghe những lời giáo huấn trong kinh sách. Các vị này
thuộc đẳng cấp cao nhất của xã hội, có quyền lực tinh thần rất lớn và
thường là cha truyền con nối, là nền tảng xã hội tín ngưỡng được tôn
kính.
Trong Ấn Độ giáo không chỉ có thần người mà còn có thần động vật, thực
vật, đồ vật… tất cả đều có linh hồn, có uy quyền, trí thức, thần thông
và năng lực rất lớn. Không ai có thể biết hết được các vị thần, kể cả
những giáo chủ, những nhà thông thái. Vì mỗi vị thần đều có nhiều hóa
thân, cứ nối tiếp mãi ra thành vô tận. Tại khu đền Radet có một tảng đá
thờ rất linh nghiệm, có thể cầu xin chữa bệnh. Trên đường hành hương
đến Ấn Độ và Nepal, nói cách khác trên toàn bộ lưu vực rộng lớn của
sông Hằng, chúng tôi đã sa vào một trận đồ bát quái của Ấn Độ giáo, quá
đa dạng và phong phú, độc đáo và li kỳ, càng đi, càng nhận ra tầm cỡ
vĩ đại của nền văn minh sông Hằng.
Lịch sử sơ khai của đất nước Nepal bắt đầu từ thung lũng Kathmandu mà 200 ngàn năm trước còn là một hồ nước khổng lồ.
Tới năm 300, vương triều Ly-tra-vi đã tạo dựng cái được gọi là kỷ nguyên vàng lần thứ nhất của Nepal,
đồng thời du nhập Ấn giáo và Phật giáo vào vương quốc này.
Rời thủ đô Katmandu, chúng tôi đến thăm khu vực hoàng thành cũ, nơi
tọa lạc những công trình kiến trúc chủ yếu và lộng lẫy nhất của cố đô
Bharatpurở vùng hạ Hy Mã. Khi tới các thành phố cổ dù xa lạ với quê
hương đất nước mình, chúng tôi đều thấy bồi hồi, xúc động. Điều huyền bí
nào đã tạo nên trạng thái tâm lí đó? Thật khó trả lời, song có lẽ đó
là thời gian. Thời gian đã làm cho bộ mặt thế giới thay đổi liên tục
tạo nên sự hoài cảm, đã làm cho ta giật mình, sực tỉnh. Thời gian tàn
nhẫn và công bằng, lạnh lùng nhưng ân cần nhắc nhở chúng ta như chính
thần Shiva cùng với tiếng chuông cảnh tỉnh về quy luật sinh diệt của
ngài vậy. Cuộc đời luôn có âm, dương, có sinh diệt, có thiện ác. Thông
điệp đó của Ấn giáo và cả của Phật giáo nữa bay đến mọi góc biển chân
trời, ngay từ những quảng trường, góc phố ở cố đô cổ kính này.
Sự già nua và tàn tạ biểu hiện đó đây trong nhiều ngõ ngách của kinh
thành. Song Bac-ta-bua không hề có ý nghĩ đầu hàng trước sự công phá của
thời gian và sự lãng quên của thế giới hiện đại. Nó lặng lẽ gặm nhấm
nỗi cô đơn để tồn tại và hiểu rằng những gì còn lại sau quá trình tiến
hóa đều là những giá trị đích thực. Đó là lí do mà trong những năm gần
đây khách vãng lai ngày càng nhiều, chính Hy Mã Lạp Sơn tráng lệ và kinh
thành cổ kính đã làm cho du lịch trở thành một trong những ngành công
nghiệp lớn nhất đất nước Nepal.
Suốt cuộc hành trình khám phá
huyền bí sông Hằng, chúng tôi đã trải qua không biết bao nhiêu khoảnh
khắc bồng bềnh giữa những vẻ đẹp vô tiền khoáng hậu của thiên nhiên dù
đó chỉ là một điểm hừng đông hay lúc chiều tà. Từng ngợp thở khi nhìn
thấy ngọn Everest kiêu sa đầy uy lực, giờ đây chúng tôi lại thẫn thờ
khi đối diện với buổi bình minh trong cái thanh không gần như tuyệt đối
trên một trường núi Nepal. Màn đêm như được tách ra làm đôi theo vết
cắt của dãy núi tạc trên nền trời hé lộ đường nứt kỳ tuyệt của đỉnh
Ranet cao 7.400m. Trong phút chốc mặt trời xuất hiện, chúng tôi như
đứng trước sự biến đổi kỳ tuyệt ngay chân trời. Trong màn sương mỏng,
những đỉnh non cao vẫn mơ màng và cả thung lũng phía dưới cũng chìm
trong giấc ngủ say nồng.
Trên
trường núi Nepal, màn đêm như được tách ra làm đôi theo vết cắt của
dãy núi tạc trên nền trời hé lộ đường nứt kỳ tuyệt của đỉnh Ranet cao
7.400m.
Trong phút chốc mặt trời xuất hiện, chúng tôi như đứng trước sự biến đổi kỳ tuyệt ngay chân trời.
Buổi sớm mai trong thung lũng chuyển mình chậm. Theo dấu vết của từng
tia nắng trong cái mờ ảo, ảm đạm của khói sương, trong không gian sâu
thẳm và thuần khiết, lòng lữ khách bay bổng như vô tình lạc chân vào cõi
mơ tiên. Khi ngắm nhìn những bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, chúng tôi
hiểu rằng Nepan đang âm thầm thu hút một phần của thế giới hiện đại đến
với mình một cách khôn ngoan và cẩn trọng.
Trở lại Kathmandu, chúng tôi ghé thăm một công trình tôn giáo có một
vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người dân Nepal theo
đạo Phật. Nhìn từ xa, người ta biết ngay đây là tháp của Phật giáo Tạng
truyền. Những tấm vải Ha đạt ngũ sắc bay rợp trời. Đôi mắt Phật đầy
minh triết và uy lực. Âm hưởng của lòng thành kính và mộ đạo vang vọng
khắp nơi.
Đó là khu đền tháp
Buddanat, tức tháp thờ xá lợi của một vị cổ Phật. Theo người dân Nepal,
tháp Buddanat được khởi dựng vào thế kỷ thứ 5 do công chúa của vua
Nepal “năn nỉ” vua cha nhiều lần để được tự mình xây một cái tháp thờ
vị cổ Phật, và sau đó đã thành một thánh địa của Phật tử xứ Nepal.
Nepal là một đất nước sống rất hài hòa giữa Phật giáo và Ấn giáo, nên
rải rác khu di tích, chúng ta có thể thấy được những thánh tích Phật
giáo và Ấn giáo xen lẫn với nhau. Đến năm 1959, người dân trong vùng đã
coi khu đền tháp Buddanat này là một biểu tượng, và là một linh địa
linh thiêng nhất nằm ngoài xứ Nepal và người dân Tây Tạng. Do vậy, hàng
năm người dân Tây Tạng về đây hành hương chiêm bái rất đông. Khác với
các thánh địa Phật giáo trên đất Ấn, các công trình Phật giáo ở Nepal
đều mang đậm dấu ấn Phật giáo mà cái chính là Phật giáo Tạng truyền.
Chúng tôi rảo bước một vòng quanh bảo tháp Buddanat với mong muốn có
thể cảm nhận tối đa không khí linh thiêng của một thánh địa Phật giáo
Tạng truyền, và lòng thành kính cùng hướng về chiều sâu tâm linh nơi
đây. Chúng tôi lần sâu thêm vào thung lũng Kathmandu để đến với cố đô
Patan còn cổ kính hơn cả Bharatpur. Thành phố được hình thành vào năm
299 sau công nguyên. Bên trong cố đô nhỏ bé này có một di sản văn hóa
của nhân loại rất độc đáo mà người ta quen gọi là chùa Đồng, vì nó được
làm bằng đồng. Chùa là một tòa kiến trúc rất bề thế theo kiểu tứ hợp
diện, lấy khoảng sân vuông ở giữa làm trung tâm, với một điện thờ làm
tâm điểm, các công trình khác vây quanh.
Cảm xúc đầu tiên dạt dào, mạnh mẽ đến với du khách là từ “đồng”, đâu
cũng thấy đồng. Kiến trúc chùa được sử dụng có 3 vật liệu chính là: gỗ,
đồng và gạch nung. Chúng tôi đã từng thấy những ngôi đền Ấn giáo ở Lào
và Campuchia biến thành nơi thờ Phật bởi sự suy vong của Ấn Độ giáo ở
những nước này. Còn ở đây thì ngược lại, Ấn giáo đã lấn dần Phật giáo,
đúng là cuộc sống xoay chiều theo sự hưng vong của thế sự. Chùa Đồng đã
được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Thật sự đây là một
chùa (đền) của Phật giáo, một ngôi chùa Phật giáo chuyên thờ đức Quan
Thế Âm thuộc dòng phái Mật tông, bây giờ đã biến thành một ngôi đền của
Ấn Độ giáo.
Chúng tôi đã
nghe nói Nepal có nghề làm đồng nổi tiếng, nhưng thật không ngờ nó lại
phát triển và tinh xảo đến mức này. Trong ngôi đền này, chúng ta thấy
được tất cả những hóa thân của đức Quan Thế Âm từ 2 tay, 4 tay cho tới
nhiều tay. Ở đây ta thấy có sự biến hóa rất khéo của Ấn Độ giáo, đó là
những bức tượng của nữ thần Tara được các tín đồ cho là sự hóa thân của
đức Quan Thế Âm. Phật giáo và Ấn giáo đã quyện với nhau rất hài hòa
tới mức tín đồ của cả 2 tôn giáo tới đây đều cảm thấy đó là ngôi nhà
của mình. Hiện tượng hòa đồng giữa Ấn giáo và Phật giáo nếu ở Ấn Độ
chưa rõ thì ở Nepan nó đã gây ấn tượng rất mạnh mẽ. Đặc biệt đây là một
ngôi chùa Mật tông, do đó ngay cửa bước vào chúng ta có thể thấy được
chiếc Kim Kang chì, biểu thị cho trí tuệ không có gì phá vỡ được của
Phật giáo Tạng truyền. Tuy đã biến thành một ngôi đền Ấn giáo do tín đồ
Ấn giáo trông coi nhưng những yếu tố của Phật giáo vẫn được bảo tồn,
tôn trọng và giữ một vị trí vượt trội.
Trên quê hương Đức Phật đản sanh
Hiện Nepal chỉ có 8% dân số theo đạo Phật, trong khi tín đồ Ấn giáo
chiếm tới 86%, nhưng mảnh đất mà Đức Phật đã ra đời này cho chúng tôi
một cảm giác trọn vẹn rằng đây là một miền đất thánh của Phật giáo, rằng
giữa chốn núi rừng thâm u nằm sâu trong Hy Mã Lạp Sơn này, tư tưởng từ
bi, trí tuệ của đạo Phật vẫn âm thầm lan tỏa qua mọi khe núi đỉnh đèo,
để thâm nhập vào cuộc sống nhân gian ở khắp chốn linh thiêng.
Nepal không phải là một quốc gia Phật giáo nhưng có 3 điểm gắn liền
với đạo Phật làm cho nó nổi tiếng. Thứ nhất là nơi mà Đức Phật đã ra
đời, thứ 2 từ đất nước này đạo Phật đã được truyền vào Tây Tạng, và cuối
cùng đây là nơi hành đạo và hiển linh của Bồ tát Văn Thù. Chúng tôi
tiếp tục đến chiêm bái một điểm thiêng của Phật giáo, đó là núi Văn Thù
nằm trên một ngọn đồi cao thuộc vùng Xoa-ya-bo-nat cách thủ đô
Kathmandu khoảng 200 km.
Tháp Văn Thù trên đỉnh Văn Thù ở Nepal
Từ dưới chân lên tới đỉnh núi Văn Thù là con đường dài 360 bậc thang
đá, luồn dưới tán cây rừng rất đẹp. Dọc đường có rất nhiều cụm thăm
viếng thờ cúng, những tượng Phật được chế tác rất công phu và tinh xảo,
phần lớn là bằng đá và bằng đồng, một số mới làm thì bằng xi măng trông
rất bề thế. Theo một truyền thuyết thì trên ngọn đồi này người ta chứa
xá lợi của ngài Ca Diếp trong tháp lớn, nhưng phần lớn lại cho rằng
xây tháp chính là để kỉ niệm sự hiển linh của ngài Văn Thù.
Bạn có thể mua những cái nến thắp bằng dầu tu này để dâng lễ ở dọc
đường hoặc ở trên đỉnh núi, nơi có quần thể kiến trúc chùa tháp, đền đài
lộng lẫy. Đây là một tập tục rất điển hình của Phật giáo Tạng truyền,
vừa lung linh huyền ảo, lại vừa thiêng liêng. Nhu cầu cúng bái của Phật
tử hành hương rất muôn màu muôn vẻ. Ví dụ, người ta tưới vàng chảy lên
tháp trắng để vẽ hình hoa sen là thực hiện nguyện vọng cúng dường của
họ thông qua sự đóng góp tiền của của mọi người.
Quần thể kiến trúc tháp Văn Thù được tạo bởi từng phiến gạch, tầng
trên bằng đồng là mô hình kiến trúc chủ yếu của di tích. Tháp được xây
dựng dưới vương triều của vua Victani và sau đó được hoàn thành bởi
vương triều Mala, có nghĩa là từ thế kỉ thứ 8 – 15. Thực tế trên đây,
tại đại điện này, chúng tôi đã thấy được những pho tượng có niên đại từ
thế kỉ thứ 7 chẳng hạn như tượng Đức Thích Ca Mâu Ni, với tư thế đứng
có niên đại từ thế kỉ thứ 7. Và đối với tất cả những người tu tập về
Phật giáo Mật tông của xứ Nepal thì coi đây là một địa điểm có linh khí
hội tụ mạnh nhất của đất nước này. Tương truyền, nơi đây Bồ tát Văn
Thù, vị Bồ tát tượng trưng cho trí tuệ của Phật giáo, đã thị hiện tại
vùng đất này.
Rời Nepal với muôn
vàn tình lưu luyến, một đất nước tràn ngập tình yêu thương, nơi đã sinh
ra Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chúng tôi đều thầm hẹn sẽ trở lại thánh
địa này trong những lần tới nữa.
Theo: zenflower