|
Vẻ đẹp thiên nhiên trong khuôn viên chùa |
Ngôi chùa thiêng
Dấu tích của núi lửa có mặt hầu như khắp mọi nơi trên hòn
đảo. Đất và đá ở đây đều nhuộm màu than đen. Hệt như đất và
đá chúng ta vừa đốt cháy ở trong lò. Điều dễ nhận thấy ở
“Miệng núi lửa thứ ba” – một vùng lòng chảo nổi tiếng linh
thiêng là ngôi chùa cổ với cảnh sắc thật hoang sơ. Hoa Lau bạt
ngàn. Hoa Lau trắng đến rợn người. Giữa hoang sơ trầm mặc, giữa
cỏ cây ngàn đời, con người lặng lẽ, đi trên những bậc đá rêu
phong, lặng lẽ chắp tay trước mái chùa thiêng, lặng lẽ tọa
thiền với tâm hồn thư thái, tĩnh lặng, mặc cho cuộc sống xô bồ
đâu đó như vây bọc quanh ta!
Điều gây ấn tượng nhất cho du khách là ý tưởng của những ông chủ, những doanh nhân đã đầu tư trên hòn đảo này.
Nơi nào cần hoang sơ thì giữ lại nét hoang sơ của ngàn đời. Nơi
nào cần hiện đại thì xây dựng những công trình hiện đại đầy
đủ tiện nghi. Bên cạnh những bãi lau hoang sơ bạt ngàn, những
con đường rêu phong cổ kính, những ngôi nhà cổ tưởng không thể
cổ hơn, mái chùa thiêng, những đám đất cháy đen như từ miệng
núi lửa vừa phun lên …Là những khách sạn, những nhà hàng,
những con đường hiện đại, những vườn Cam vàng rực dưới nắng
chiều.
Kang De Heng, một lái xe kiêm hướng dẫn viên du lịch, một người
bản địa sinh ra và lớn lên trên hòn đảo này với cách ăn mặc
hệt như một nông dân: quần lá tọa nhuộm nâu, áo nâu, nước da
cũng mầu nâu, nhưng lại rất thông thạo lịch sử, văn hóa ở nơi
đây.
Ông dẫn chúng tôi đến xem hiện trường đã quay bộ phim nổi tiếng
và rất quen thuộc với người Việt Nam, phim “Chuyện tình mùa
đông”. Mưa nặng hạt, ông chạy đầu trần vào một cửa hàng gần
đó mua cho chúng tôi mỗi người một chiếc ô.
Buổi trưa, ăn ở nhà hàng đặc sản, ông chạy vào bếp bưng món
bào ngư mời chúng tôi. Bào ngư chín lỗ rất hiếm mà ở Việt Nam
gọi là “ Cửu khổng”. Yến Sào “ Cửu khổng” là món ăn của vua
chúa ngày xưa, này là đặc sản của giới doanh nhân giàu có.
Chả trách hòn đảo này còn gọi là đảo người giàu, đảo doanh
nhân, đảo tuần trăng mật … Ông bảo: “Đảo JeJu có ba cái nhiều:
Nhiều đá, nhiều gió, và nhiều con gái! Có ba cái không: Không
có người ăn xin; không mất trộm; không có ống khói và một cái
nhất: Không khí trong lành nhất!”.
Trên đảo có một ngôi chùa cổ, đây là ngôi chùa ba tầng duy nhất
ở châu Á. Nghe nói rất thiêng. Không khói hương mù mịt như
nhiều chùa ở Việt Nam.
Trước sân chùa, dòng người xếp hàng dài để mua mỗi người một
viên ngói. Tôi và những du khách đến từ Việt Nam mỗi người mua
một viên tính ra giá 5 đô la Mỹ thì phải. Chúng tôi được hướng
dẫn đến bên một chiếc bàn có nhiều chiếc bút, chọn lấy bút
nào phù hợp rồi viết họ tên mình, tên những người thân trong
gia đình như vợ, con, anh em …lên mặt trong của viên ngói, viết
bằng tiếng Việt hay tiếng Anh. Sau đó viết những điều mình cầu
mong…
Được biết, những viên ngói này sẻ được lợp lên mái chùa. Bên
cạnh ngôi chùa cổ, những ngôi điện quanh chùa luôn được tu bổ,
mở rộng. Bởi vì có hàng triệu du khách trên khắp thế giới
đến đây, nhất là du khách châu Á, hình như ai cũng muốn cầu
mong những điều tốt lành.
Có phải vì có ngôi chùa thiêng, hay chính cảnh sắc ở “Miệng
núi lửa thứ ba” đã thu hút du khách. Hòn đảo có chiều dài
167km, chiều ngang chỗ rộng nhất là 67km, với dân số 55 ngàn
người, nhưng mỗi năm đón trên một triệu du khách đến đảo.
Dốc Quỷ
Hay tại một địa danh kỳ lạ nữa trên đảo JeJu đã thu hút du khách? Một con dốc gọi là “Dốc Quỷ”.
Không tác động một lực nào xe vẫn băng băng lên dốc “ Ảnh Hoài Nam ( VTV)
JeJu có hai sân bay trên đảo. Một sân bay quốc tế, một sân bay
nội địa. Có cả một hãng hàng không mang tên đảo JeJu. Trước khi
sang Hàn Quốc, tôi đã dọc nhiều bài báo về “Dốc Quỷ”. Người
ta tả nhiều chuyện ly kỳ, nào con dốc có ma, người đi xuống
dốc bị kéo ngược lại, không ai qua nổi con dốc này …
Khi lái xe chở chúng tôi đến, con dốc đông nghẹt người, tiếng ô tô hú còi inh ỏi …Chúng tôi phải chờ khá lâu.
Người lái xe chở chúng tôi chạy vòng qua đoạn đường rẽ rồi bắt đầu cho xe lên dốc.
Chúng tôi ngồi trên xe hồi hộp đến nghẹt thở. Người lái xe tắt
máy. Chiếc xe du lịch mấy chục chổ ngồi băng băng lên dốc. Đột
nhiên mọi người kêu lên. Nhà báo Nam Đồng, nguyên tổng biên tập
báo Pháp Luật TP. Hồ chí Minh đang đứng trên xe ngã xoài ra
phía trước. Anh nằm sấp trên sàn xe làm chúng tôi hoảng hồn.
Khi mọi người đỡ anh dậy, vừa sợ, vừa không nhịn được cười,
Nam Đồng đã hài hước “Quỷ nó sợ mình đấy”. Một cú ngã như
trời giáng nhưng Nam Đồng không hề hấn gì. Câu chuyện trạng của
chúng tôi lại bắt đầu …
Đúng là chuyện lạ. Chiếc xe nặng thế, con dốc cao thế, dẫu đã
tắt máy, vẫn vùn vụt lên dốc như có một ma lực nào đó.
Lần sau, lái xe không tắt máy vì sợ đâm vào dòng người đông
nghịt. Anh để số mo. Xe vẫn lên dốc như đang đi số hai vậy.
Chờ đến lúc gần tối, dòng người vãn dần, chúng tôi đến quầy
dịch vụ mượn một chiếc xe đạp để thử! Tôi đi đầu tiên. Từ
dưới con dốc, tôi để chân lên hai bàn đạp, không hề tác động
một lực nào, lạ thế, chiếc xe lăn lên dốc, như có những người
vô hình đẩy phía sau.
Rời đảo Je Ju, một người bạn Hàn Quốc bảo tôi: Sau chuyến đi này, các anh sẻ gặp nhiều may mắn.
May mắn? Ai trên đời mà chẳng mong những điều may mắn. Rồi
tháng ngày qua, bao nhiêu công việc cuốn hút tôi. Có bao nhiêu may
mắn đến với tôi, tôi cũng không nhớ nữa! Có điều, khi nhớ lại
chuyến đi này, tôi thường nghĩ tới nghành du lịch nước ta. Ở
ta cũng có bao nhiêu danh lam thắng cảnh, nhiều địa danh linh
thiêng …Có thể thu hút hàng triệu người trong nước và trên khắp
thế giới.
Tôi lại nghĩ đến bàn tay đạo diễn tài ba, để có một cái nhìn
tổng thể khi xây dựng đảo JeJu thành hòn đảo du lịch nổi
tiếng này.
Dương Kỳ Anh (Theo Tầm Nhìn)