07/10/2010 19:58 (GMT+7)
Số lượt xem: 4499
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thiết Tháp thuộc thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ngọn tháp được mệnh danh “Thiên hạ đệ nhất tháp” này là tháp cổ đẹp nhất Trung Quốc và đồng thời cũng là biểu tượng của thành phố Khai Phong.


Tấm bảng "Thiên hạ đệ nhất tháp" ngay lối vào

Thiết Tháp có một quá trình xây dựng cũng như lịch sử khá li kì, hấp dẫn. Tháp được khởi công xây dựng vào năm 1049 (thời Bắc Tống) để làm nơi thờ xá lợi Phật. Lúc đầu, tháp được xây bằng gỗ nhưng không lâu sau đã bị thiêu rụi hoàn toàn bởi một trận hoả hoạn. Sau đó, người ta dùng gạch lưu ly xây lại một ngọn tháp khác ngay tại vị trí cũ. Để kết dính những viên gạch lưu ly lại với nhau, người xưa dùng một loại vật liệu đặc biệt được pha trộn từ vôi, đất sét, nước nếp, bột mì, trái kiwi, lòng trắng trứng…

Khuôn viên tháp

Thiết Tháp ngày nay nằm trong một khuôn viên rộng rãi, bằng phẳng, phía trước là một khu chùa cổ được trùng tu vào thập niên 90. Nhìn cảnh này, ai cũng bất ngờ khi biết khu vực này ngày xưa là một ngọn núi và Thiết Tháp nằm trên đỉnh ngọn núi ấy. Do ảnh hưởng của các trận lũ lụt kinh khủng của sông Hoàng Hà, ngọn núi ngày xưa đã bị bồi lấp thành đất bằng, ngay cả một phần chân tháp giờ cũng nằm dưới mặt đất.

Thiết Tháp có tổng cộng 13 tầng, chiều cao hiện tại là 55,58m. Khi mới xây dựng, ngọn tháp có màu xanh đặc biệt của men lưu ly. Trải qua nhiều năm phong sương, màu xanh ấy nhạt đi, biến thành màu nâu xỉn, tựa màu sắt tháp. Cái tên gọi Thiết Tháp (tháp sắt) cũng bắt nguồn từ đó.

Những hình tượng trang trí bên ngoài tháp

Mặt ngoài cũng như mặt trong tháp hầu như được phủ kín bởi những phù điêu, hoạ tiết, hoa văn trang trí. Người xưa dày công chạm trổ lên tháp vô số hình tượng Phật, hoa lá, thần thú… Dù thời gian đã làm phai mòn đi rất nhiều đường nét, nhưng tâm sức và nghệ thuật của người xưa thì không thể phủ định.

Một hình tượng trang trí bên trong tháp

Lần theo những bậc thang quanh co lên đỉnh tháp, dưới ánh sáng nhờ nhờ phát ra từ màn hình điện thoại, du khách như cảm nhận rõ hơn lịch sử ngàn năm của tháp qua từng viên gạch, từng đường nét chạm trổ… Và cũng sẽ là một cảm giác khó quên khi đụng phải bức phù điêu ở bức tường cuối cùng tầng 13, thò đầu qua một ô cửa bé xíu, hít vào luồng không khí trong lành, phóng tầm mắt ra xa ngắm cảnh thành phố Khai Phong…

Phong cảnh nhìn từ đỉnh tháp

Ngọn tháp hơi nghiêng về một phía

Gần 1000 năm, ngọn núi khi xưa giờ đã là đất bằng. Gần 1000 năm, ngọn tháp giờ đã nghiêng về một phía. Gần 1000 năm, màu lưu ly đã thành màu sắt thép. Và trên thân tháp, giữa nền màu thời gian nâu xỉn ấy, đây đó vẫn còn ánh lên chút màu xanh huy hoàng của lưu ly ngày xưa…

Bài: Nguyên Hà - Ảnh: Nguyễn Minh Mẫn (PNTPHCM)

Nguồn đăng lại từ: http://giacngo.vn/nghethuat/kientruc/2010/10/07/7FE611/


Âm lịch

Ảnh đẹp