Vào cửa miễn phí
Hai đêm nhạc mừng Vu Lan với chủ đề Giai điệu yêu thương
diễn ra vào cuối tháng 8 vừa qua tại nhà hàng Việt Chay (290/21A Nam Kỳ
Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM) đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán
giả.
Trong một không gian thuần khiết và ấm cúng, khán giả có dịp lắng lòng mình để tri ân nghĩa sinh thành với những ca khúc: Bông hồng cài áo, Vu Lan nhớ mẹ, Người mẹ quê nghèo… Các ca khúc được trình bày qua các giọng ca quen thuộc như Hồng Vân, Sỹ Luân, Tiến Đạt, Hoàng Bách, Bằng Cường, Đông Quân...
Do tính chất đặc biệt và chủ yếu nhắm đến đối tượng
khán giả là Phật tử nên phòng trà Phật giáo hiện chỉ hoạt động định kỳ
vào đêm mùng 2 và 16 âm lịch hằng tháng. Vì phòng trà ca nhạc Phật giáo
có không gian nhỏ, chỉ có thể đón tiếp khoảnh 60-70 lượt khách nên đêm
nhạc diễn ra vào mùng 2-8 âm lịch (tức ngày 17-9) tới khách đã đặt kín
chỗ. Các ca sĩ tham gia chương trình vẫn nhận cátxê bình thường nhưng
khán thính giả được miễn phí vé vào cửa.
Đêm mùng 2 và 16 âm lịch hằng tháng, người yêu nhạc
lại có dịp được thưởng thức
các ca khúc Phật giáo trong không gian ấm
cúng này Ảnh: BN
Xen kẽ nhạc Phật giáo và nhạc truyền thống
Trước khi phòng trà ca nhạc Phật giáo ra đời, một số
nghệ sĩ đã bắt tay thực hiện những đêm nhạc theo chủ đề của tôn giáo
này. Chẳng hạn, ca sĩ Bằng Cường kết hợp với một số chùa thực hiện loạt
chương trình mừng ngày Phật đản tại chùa Hoàng Pháp, chùa Trung Nghĩa
(TP.HCM) và tại Biên Hòa. Diễn viên điện ảnh Việt Trinh cùng đồng nghiệp
thực hiện đêm văn nghệ trong khuôn khổ hội thảo Hoằng pháp tại Bình
Dương.
Tuy có bước khởi đầu khá suôn sẻ nhưng chị Huỳnh Long
Ngọc Diệp, Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Mani Media Ngọc Diệp -
đơn vị tổ chức và khởi xướng mô hình phòng trà Phật giáo, cho biết chị
và các cộng sự phải đối mặt với một khó khăn khi gầy dựng một phòng trà
khác biệt hẳn so với những phòng trà khác. Đầu tiên là việc thuyết phục
ca sĩ, những người thường chỉ thích hát những ca khúc Phật giáo ở chùa
hoặc trong những chương trình văn nghệ kết hợp hoạt động từ thiện. Ban
tổ chức phải mất không ít thời gian để thuyết phục ca sĩ tin rằng mô
hình này không mang mục đích kinh doanh thương mại.
Bên cạnh đó, nguồn ca khúc về Phật giáo khá phong phú
nhưng vốn bài của ca sĩ có hạn. Ngoài ra, để tránh sự đơn điệu, Mani
Media đã lên kế hoạch tổ chức xen kẽ những đêm nhạc Phật giáo và nhạc
truyền thống dân tộc theo các chủ đề như: Xuân Di Lặc, Phật đản, Vu lan,
vía Quan Âm, đêm vinh danh những nhạc sĩ có nhiều ca khúc Phật giáo
hay.
Theo chị Ngọc Diệp, những người thực hiện chương
trình này mong muốn đem đến cho khán giả những giây phút thư thái tâm
hồn, lắng đọng qua những ca khúc Phật giáo hoặc có nội dung về đời sống
thiện lành.
Đội ngũ làm chương trình đều là những Phật tử. Họ
thực hiện với mong muốn phòng trà ca nhạc Phật giáo sẽ trở thành một
điểm hẹn lành mạnh, giúp con người hướng thiện và tìm được cuộc sống
tinh thần yên bình hơn.
Diễn viên điện ảnh Việt Trinh: Việc tổ chức không hề đơn
giản
Ngay cả việc tổ chức một đêm nhạc Phật giáo cũng không hề
đơn giản chứ nói gì đến tổ chức cả một mô hình. Đó là thiếu kinh phí, khó tìm
người thực sự có tâm huyết, bởi vì phải là những người có tâm huyết với đạo
pháp mới có thể chuyển tải thông điệp ý nghĩa đến khán giả.
|