Cuộc triển lãm đã đem đến cho người xem một cái nhìn hiếm hoi và thoáng qua về cuộc sống của các nhà sư ẩn tu trong rừng ở Thái Lan.
Sư Ajahn Cagino tọa thiền trên mỏm đá cheo leo dưới ánh bình mình
Sư Ajahn Cagino năm nay 43 tuổi, sư sống ẩn tu trong một hang động cách ngôi làng gần nhất 2km, thuộc huyện Mae Hong Son, miền Bắc Thái Lan. Ẩn mình trong một thung lũng sâu chật hẹp và bị che chắn bởi các dãy núi cao gần biên giới Myanmar, Mae Hong Son bị cô lập với thế giới bên ngoài và được sương mù bao phủ quanh năm.
Sư Ajahn Cagino vốn là người Malaysia nhưng tu tập theo truyền thống ẩn tu trong rừng của Phật giáo Thái Lan, đây là một nhánh của Phật giáo Nguyên thủy. Sư tâm sự: “Tôi đã đi lang thang đủ rồi”. Trước khi định cư trong một hang động, sư Cagino đã đi bộ qua những khu rừng xa xôi hẻo lánh của Thái Lan trong suốt 12 năm trời. Đó là tất cả những phần trong việc rèn luyện tâm linh của một nhà sư ẩn tu trong rừng.
Những năm tháng sống trong rừng đã đem lại cho sư phẩm hạnh cao quý. Sư Cagino trở về Malaysia trong dịp 3 tháng an cư mùa mưa (mùa chuyên tu hàng năm của các hành giả theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy) để gây quỹ nhằm xây dựng một trại trẻ mồ côi ở Thái Lan. Sư nói: “Khi tôi ẩn tu trong rừng, dân làng đã dâng cúng thực phẩm cho tôi. Bây giờ tôi muốn đền đáp lại cho những người dân tộc thiểu số nghèo khổ ấy”.
Sư Cagino tìm thấy một trọng tâm mới trong cuộc sống sau khi thành lập Quỹ từ thiện Dhammagiri tại Mae Hong Son vào năm 2009. Sư Cagino đã gọi điện cho em gái của mình là cô Crystal Lau để nhờ hỗ trợ tài chính cho một vài trẻ mồ côi. Sau đó, hiệu trưởng của trường học ở trong thôn đã nhờ các sư nhận thêm một số trẻ mồ côi ở trong trường, và thế là các sư đã kêu gọi thêm một số cá nhân tài trợ cho các trẻ em, mỗi người hỗ trợ cho một em bé mồ côi.
Sư cho hay: “Chúng tôi đã thuê hai căn nhà, một căn thì được dựng bằng tre và một căn thì được dựng bằng gỗ, và chúng chỉ có thể đủ chỗ cho bảy đứa trẻ sinh sống. Chúng tôi đang lên kế hoạch để có một nơi lớn hơn, để có thể nuôi nhiều trẻ mồ côi hơn”. Quỹ từ thiện hy vọng là sẽ hỗ trợ tài chính cho 21 trẻ em, có độ tuổi từ 6 đến 18 tuổi.
Sư Cagino vốn là một cựu nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, từng đoạt nhiều giải thưởng. Đây là lần đầu tiên, với tư cách là một vị Tăng sĩ, sư tổ chức triển lãm những hình ảnh do chính sư ghi lại để gây quỹ xây dựng trại trẻ mồ côi.
Sư Cagino là người con thứ sáu trong gia đình có bảy anh chị em ruột. Khi còn ở nhà, trước khi tốt nghiệp bằng thiết kế đồ họa của Học viện nghệ thuật Malaysia tại Kuala Lumpur, Cagino đã từng học tại SM Datuk Sheik Ahmad ở Seremban. Sau đó Cagino tìm được việc làm của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, và công việc đầu tiên của Cagino là làm cho một tiệm trang điểm cô dâu.
Sau một năm thì Cagino không làm công việc đó nữa, vì anh ta không thấy hài lòng khi phải dụ dỗ cho người ta cười và khi chụp những tấm hình điệu bộ của những người mới cưới. Và Cagino đã trở thành một nhiếp ảnh gia tự do, một giảng viên bán thời gian, giảng dạy cho sinh viên của các câu lạc bộ nhiếp ảnh trong các trường đại học và cao đẳng.
Lau Yong Fang đã tham gia trong các cuộc thi ảnh khác nhau và giành được hơn 40 giải thưởng, kể cả giải thưởng đầu tiên trị giá 10.000 RM (= 3.250 đô-la) trong cuộc thi Nhiếp ảnh châu Á do Country Heights tổ chức tại Kajang, Selangor, Malaysia vào năm 1990.
Mặc dù gặt hái được nhiều thành công, Cagino không tìm thấy niềm hạnh phúc và sự thành tựu trong cuộc sống. Với tư cách là một nhiếp ảnh gia, Cagino đã phải tiếp tục trau dồi những kỹ năng của mình: “Những gì được sử dụng để có được các bức ảnh tốt nhất thì sau đó không còn là tốt nhất nữa. Tại cuộc thi ảnh tiếp theo, bạn phải cải thiện những kỹ năng của mình mới có thể có được những tấm ảnh thắng cuộc. Dường như không có gì là tột cùng”.
Cagino đã từng đau khổ và thất vọng, rồi tự hỏi có lối sống nào đáng sống hơn mà ở đó những thách thức không bao giờ kết thúc hay không. Ở tuổi 27, Cagino từ bỏ tất cả những theo đuổi vật chất, bán hết vật dụng thế gian của mình và trở thành một Tăng sĩ.
Hai năm tiếp theo đó, Cagino đến thăm những tu viện ở trong rừng tại Thái Lan và New Zealand để tìm hiểu thêm về Phật giáo. Cagino được thọ giới, trở thành một người tập sự xuất gia vào năm 29 tuổi, và ở tại chùa Ang Hock Si, đường Perak, Penan trong vòng một năm rưỡi.
Sư đã được đào tạo như một tu sĩ ẩn tu dưới sự hướng dẫn của sư Ajahn Ganha, người Thái, trong vòng 5 năm, và đã được thọ Cụ túc giới tại tu viện Pah Nanachat, một tu viện Phật giáo ở Đông bắc Thái Lan, theo truyền thống ẩn tu của Phật giáo Nguyên thủy.
Tu viện ấy được thành lập bởi cố Thiền sư Ajahn Chah, nhằm cung cấp cho các vị Tăng sĩ nói tiếng Anh cơ hội để được đào tạo và thực hành theo phương pháp mà Đức Phật đã dạy cho các đệ tử của mình cách đây 2.600 năm.
Truyền thống ẩn tu trong rừng ở Thái Lan tập trung vào thiền định và tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc của tu viện. Nhờ tính chính thống, nghiêm ngặt và khổ hạnh của nó mà người dân Thái Lan rất kính phục các vị tu sĩ tu tập theo truyền thống này.
Sư Cagino nói: “Tôi muốn trở thành một tu sĩ ẩn tu trong rừng vì chính Đức Phật cũng đã dành nhiều thời gian ở trong rừng. Nó là một pháp tu nghiêm ngặt và có quy củ”.
Suốt 12 năm qua, sư đã từng vào rừng ẩn tu rồi lại ra, rồi vào lại cùng với các tu sĩ khác. Tuy nhiên, sáu năm trước đây, sư Cagino sống một mình ở nơi hoang dã để trải nghiệm những điều mà một tu sĩ ẩn tu trong rừng trải nghiệm.
Tất cả vật dụng mà sư đem theo bên mình chỉ là năm mảnh vải, một cái bát để khất thực, một ly uống nước, một cái dù, một cái mùng muỗi và một cây gậy. Cây gậy là một vật dụng quan trọng, các sư dùng nó để tạo âm thanh nhằm cảnh báo các con rắn và những sinh vật khác về sự có mặt của các sư khi các sư đi qua khu rừng.
Theo sư Cagino, những năm du hành của sư là như một cuộc hành trình khám phá và phát hiện, không phải là một khoảng thời gian khó khăn. Sư tâm sự: “Tôi rất thích những năm ấy, mặc dù lúc ấy tôi không biết là liệu ngày mai có gì để ăn hay không hay là không biết tôi đang đi theo hướng nào. Tôi chỉ biết tiếp tục bước đi và cảm nhận thế giới.
Các sư ẩn tu sống nếp sống du cư, họ phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác để tìm vị trí lý tưởng cho việc thực hành thiền định. Các sư thường dựng lều bên bờ sông để dễ dàng lấy nước sinh hoạt.
Sư còn cho biết thêm: “Tại một địa điểm như thế chúng tôi chỉ ở lại nhiều nhất là 15 ngày, không ở lại quá lâu để tránh nảy sinh tâm luyến chấp vào nơi ở. Tại những nơi dù có thức ăn và chỗ ở dồi dào, nhưng không có lợi cho thiền định thì chúng tôi phải nhanh chóng rời khỏi nơi ấy. Nếu nơi ở thích hợp cho việc thiền định thì các nhà sư ở lại lâu hơn một chút. Vì nó tạo điều kiện cho chúng tôi nâng cao trí tuệ của mình”.
Đôi khi sư Cagino nhờ người dân chỉ đường đi đến các hang động, nơi mà các nhà sư đã ở lại trước đó. Tại những nơi ấy có thể có bếp lửa và ấm đun nước cũ được người ta bỏ lại. Đôi khi sư mượn búa và đinh để làm nơi tọa thiền.
Cuộc sống của một nhà sư ẩn tu có nhiều thử thách. Có những lúc họ phải băng qua những con đường lầy lội, vượt qua sông suối, hoặc leo xuống các vách đá. Và họ cũng có thể dễ dàng bị lạc trong rừng.
Các nhà sư ẩn tu thường sống những nơi cách ngôi làng ngắn nhất khoảng 2-3km, để họ có thể đi khất thực vào buổi sáng. Họ chỉ nhận thực phẩm cúng dường, không bao giờ nhận tiền.
Được biết là sau khi triển lãm ở Kuala Lumpur, sư Cagino sẽ tổ chức triển lãm tại một số địa điểm khác ở Malaysia. Các cuộc triển lãm ấy đều vì mục đích gây quỹ từ thiện.
Minh Nguyên dịch (Theo The Star)