Hạnh phúc không
thể tìm được ở bên ngoài mà phải tìm bên trong bản thân ta, hạnh phúc
không tính trên giá trị tài sản mà ở sự bình yên của tâm hồn.
Chỉ mấy câu bình đầu tiên trong bộ phim Chùa cổ Việt Nam
của Hãng phim Trẻ đã thu hút sự chú ý của tôi. Những triết lý tưởng như
giản đơn nhưng ẩn chứa trong đó sự hợp lý, hài hòa giữa con người và
thế giới tự nhiên. Hình ảnh ăn sâu vào tiềm thức của tôi mỗi khi nhìn,
nghe và nghĩ về không gian những ngôi chùa. Mùi hương trầm phảng phất,
những pho tượng uy nghi, những mái chùa cong vút, bước chân trong không
gian tĩnh lặng đến thuần khiết khiến ta chỉ có thể bước nhẹ nhàng, chậm
rãi.
Tưởng như cả thể phách và linh hồn đã tan chảy vào chốn
cửa Phật thanh tịnh. Bởi vậy, mọi người tìm đến chùa không chỉ để
thưởng thức cảnh đẹp mà còn tìm đến sự thanh tịnh, cái thiên lương trong
sâu xa tâm hồn mỗi người.
Không có được may mắn dâng hương ở tất cả các ngôi chùa
trong bộ phim đề cập nhưng dù ở đâu mỗi khi đặt chân vào không gian của
chùa chiền bản thân lúc nào cũng thấy như hòa vào thiên nhiên, hòa vào
trời đất và nhận rõ bản thể của chính mình. Gạt bỏ mọi lo toan phiền
toái thành tâm hướng tới những giá trị tốt đẹp. Nghe đến chân - thiện -
mỹ tưởng như cái gì đó cao xa nhưng tất cả nằm ngay trong lòng ta.
Và tiếng chuông chùa như tiếng thức tỉnh, tiếng thiện mãi ngân nga để ta tìm đến với chính mình trong tĩnh lặng, hư không.
Những ngôi chùa ở nước ta đều có chung quy chuẩn, đó là
tam giới giao hòa: mái tượng trưng cho tầng trời là phần dương, nền
tượng trưng cho tầng đất là phần âm, thân là nơi con người và thần linh
gặp nhau, là nơi âm dương giao hòa.
Mỗi ngôi chùa có xuất xứ, gốc gác khác nhau nhưng dù
được xây dựng từ đời nào, được gắn cho những truyền thuyết nào đều gắn
chặt với quan niệm của ông cha ta giữa đạo và đời, giữa thần thánh với
đời thường.
Qua mỗi ngôi chùa tưởng như được ngược lại dòng lịch sử
hào hùng của đất nước, của dân tộc. Những vị thần, vị Phật uy nghiêm,
quyền uy nhưng rất gần gũi, quen thuộc và có xuất thân từ nhân gian. Cứu
vớt chúng sinh, trợ giúp chinh phục thiên nhiên và bảo vệ cộng đồng
trước các thế lực xấu xa.
Và cũng dễ nhận thấy sự kết hợp giữa văn hóa và tín
ngưỡng trong các ngôi chùa của Việt Nam. Đó là sự kết hợp giữa nơi thờ
thần phật với sinh hoạt văn hóa như múa rối, tổ chức lễ hội… Hình ảnh
những ngôi chùa dường như đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người con đất
Việt, giống như cây đa, giếng nước, đình làng hay khoảng sân nhỏ ngập
tràn ánh trăng trước mỗi căn nhà.
Trước kia ở nơi tôi theo học có một ngôi chùa nhỏ. Ngày
rằm, mồng một nào tôi cũng tới đó dâng hương. Bây giờ chùa được xây mới
to đẹp, khang trang hơn rất nhiều. Lòng vui nhưng không khỏi bâng
khuâng nhớ về ngôi chùa nhỏ thâm trầm không cao sang nhưng nghiêm cẩn và
linh thiêng thủa trước.
Những ngôi chùa cổ trải qua bao biến cố, vật đổi sao
dời nhưng vẫn uy nghi, vững bền qua năm tháng. Cái vững bền đó là tinh
thần, là giá trị văn hóa trường tồn mà ông cha ta đã gìn giữ truyền lại
cho lớp lớp cháu con. Và việc tiếp tục gìn giữ những giá trị này đến mai
sau là trách nhiệm của chính chúng ta - những người đang sống trong
thời đại này.
CHU LONG PHI THIÊN
(Theo: tuoitreonline)