12/09/2010 13:21 (GMT+7)
Số lượt xem: 5393
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

NSƯT - TS Bạch Tuyết vừa trở thành kỷ lục gia Việt Nam vào ngày 31-5-2007 với thành tựu là “người đầu tiên chuyển thể kinh Phật thành trường ca cải lương”. Kỷ lục này được xác lập sau khi tác phẩm Trường ca cải lương kinh pháp cú (NXB Tôn giáo,

quý I/2006) và DVD cải lương Lời phật dạy (NXB Tôn giáo) của Bạch Tuyết ra đời.

Những tác phẩm nghệ thuật - văn học về Phật giáo ở ta chưa nhiều, có thể kể: Đường xưa mây trắng của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh; Ánh đạo vàng của Võ Đình Cường; một số tác phẩm chuyển kinh phật thành thơ lục bát của Phạm Thiên Thư; gần đây nhất là tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái.

. Phóng viên: Thưa NSƯT Bạch Tuyết, bà bắt đầu có ý định chuyển thể kinh Phật thành trường ca cải lương từ lúc nào?

- NSƯT - TS Bạch Tuyết: Mười năm trước, tôi vào nội viên của thiền viện Trúc Lâm- Đà Lạt học tu. Suốt thời gian ở nội viện, tôi thanh thản và nhẹ nhàng. Ngày rời nội viện, tôi đảnh lễ Hòa thượng Bổn sư- Thiền sư Thích Thanh Từ, ngỏ ý muốn ở lại nội viện luôn. Hòa thượng cười và bảo, coi như thầy đã chứng cho con nhưng so với việc con xuống tóc vào thiền viện - chỉ được cho con - thì con cứ sống giữa đời thường nhưng lẳng lặng học và làm theo giáo lý Phật bằng con đường nghệ thuật, con sẽ giúp được cho nhiều người.

Lời thầy như một “công án” giúp tôi vỡ ra con đường 10 năm nay của tôi. Ngoài việc vẫn tham gia biểu diễn, dàn dựng, sáng tác... tôi miệt mài chuyển thể sang trường ca cải lương những đại tạng kinh của Phật giáo.

Công trình này được truyền bá rộng rãi trong công chúng phật tử và được đón nhận nồng nhiệt. Nhớ lời thầy, tôi càng biết ơn ông, bởi ông không chỉ giúp tôi sáng tỏ đường tu mà còn tiếp sức cùng các đạo hữu trên hành trình tu tập.

. Công chúng mến mộ cải lương ai cũng biết NSƯT Bạch Tuyết rất đa tài, sao bà không làm công trình nghiên cứu nghệ thuật Phật giáo hay sáng tạo các thể loại khác?

- Gọi là trường ca cải lương - như một thể loại - bởi nó không chỉ được định lượng mà cả định tính. Ngoài một số lượng kinh kệ khá đồ sộ thì tôi đã sử dụng, khai thác và xử lý nhiều trình thức âm nhạc trong các công trình này. Trong toàn bộ những công trình - cụm công trình, tôi vẫn chủ đích xử lý âm hưởng ngợi ca - tráng ca như một chất liệu vốn có của trường ca, nhưng âm nhạc cải lương vẫn là âm nhạc chủ đạo.

Vấn đề mấu chốt ở đây là, tôi cố gắng đưa triết học Phật giáo đến gần với người nghe, người xem qua những giai điệu nhẹ nhàng, trữ tình, sâu lắng cũng như lồng vào quen thuộc bài học sâu xa về đạo làm người qua những bài bản cải lương.

. Từ trước đó, Phật giáo đã là nguồn cảm hứng cho bà sáng tác?

- Việc chuyển thể cải lương những tác phẩm có đề tài về Phật giáo đã được khai thác từ lâu. Bản thân tôi, không chỉ dùng cải lương để sáng tác vở tuồng mà tôi mượn nghệ thuật sân khấu dân tộc để chắp thêm đôi cánh cho những bộ kinh, những tác phẩm viết về Phật giáo - dưới góc độ triết luận, như Câu chuyện dòng sông, Phật giáo và dân tộc, Hai quãng đời của sư tổ Trúc Lâm...

Tính chuyển thể, không chỉ đơn thuần là ghép bài bản vào từng đoạn mà trong từng bài kệ, kinh ấy, theo cách cảm - nghĩ - hiểu để lược giải và chú giải - và chuyển bằng ngôn ngữ của nghệ thuật dân tộc. Do đó, chính tôi mới là người thụ hưởng trước tiên những công trình này vì sau mỗi tác phẩm chuyển thể, tôi tích lũy cho mình sự hiểu biết về giáo lý Phật.

. Khi làm công việc này bà có nghĩ đến một ngày được công nhận đó là kỷ lục không?

- Nếu công việc âm thầm ấy người ta gọi là... kỷ lục, tôi cũng thấy... hay hay. Công việc của riêng mình, cho riêng mình nay được truyền trao đến mọi người, và sự truyền trao ấy lại được công nhận. Đó là một hạnh phúc được đắp bồi, được vun xới để tôi thêm năng lượng sáng tạo và cống hiến.

. Đến nay, đạo Phật đã gieo vào cuộc đời nghệ sĩ của bà những điều gì nhất?

- Học theo giáo lý Phật, sự vô thường - có đến có đi, có vinh có nhục, có trước có sau và tất cả là sự không biệt - rồi mọi đỉnh cao sẽ đến thời điểm hoán chuyển để sang một giai đoạn khác, hình thức khác.

Cả một đời nghệ sĩ còn có lúc không tìm đâu ra một khán giả để lắng nghe nhịp tri âm huống gì một vài dòng kinh chuyển thể. Vì vậy, tôi tự nguyện làm, tự nguyện quên đi và tự nguyện trở về. Đó là sự rốt ráo cuối cùng. Tôi đang sống, đang làm tiếp những công việc của hôm nay. Mười năm rồi, tôi... diễn kịch một mình trong thế giới của chính mình.

Tôi có tham gia nhiều show diễn với đồng nghiệp. Nhưng về cơ bản, tôi vẫn là... một mình. Trong thế giới độc hành này, tôi diễn được nhiều vai, nhiều tâm trạng, sắc màu. Tôi tự pha màu, tự may cho mình những bộ phục trang, và đi vào những ngóc ngách bằng con đường phân thân.

Điều đó thật kỳ diệu và rõ ràng không làm... mất lòng ai, cũng như chẳng bị ai “nhiều chuyện”. Các công trình, tác phẩm - đến được với muôn người cũng từ trong thế giới một người ấy. Rồi “giữa đám đông xa lạ”, tôi lại náo nức, ray rứt đi tìm một người - ngoài tôi. Thú vị lắm đấy chứ!

. Bà có tiếp tục công việc “cải lương hóa” những tác phẩm kinh điển như đã làm?

- Tôi muốn đem tình yêu ấy vào trong những di sản văn hóa mà tôi trân trọng. Vì thế, trong 4 năm qua, ngoài việc chuyển thể thành trường ca cải lương những đại tạng kinh, tôi còn chuyển thể những tác phẩm văn học của dòng văn học cổ - trung - cận đại. Vẻ đẹp mỹ học của ngôn từ được điểm tô bằng những hệ bài bản khiến tôi hài lòng, nhất là những tác phẩm văn học kinh điển như Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm...

Theo THANH KIỀU -  Người Lao Động


Âm lịch

Ảnh đẹp