|
Nghệ sĩ Bạch Tuyết - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Đây là sản phẩm trường ca cải lương thứ tư mà nghệ sĩ
Bạch Tuyết thực hiện sau mười năm khai sáng và miệt mài với thể loại
mới mẻ này. Trước đó, bà đã thực hiện các tác phẩm trường ca cải lương Pháp cú, trường ca cải lương Phật giáo dân tộc và trường ca cải lương Kinh kim cương. Với trường ca cải lương Pháp cú, bà đã được xác lập kỷ lục
“Người đầu tiên chuyển thể kinh Phật thành trường ca cải lương” năm
2007.
* Lý do nào khiến bà nảy ra ý định chuyển thể kinh Phật thành trường ca cải lương?
- Tôi có may mắn được đi nhiều nơi trên thế giới và
nhận thấy thể loại trường ca rất dễ nghe, dễ tiếp cận đối với quần
chúng. Kinh Phật lại có những bài học làm người rất nhân văn và hữu
ích. Mà kinh Phật thì không phải ai cũng đọc và tìm hiểu, thế nên tôi
đã quyết định làm công việc này với mong muốn phổ biến những triết lý
sâu xa, những lời dạy làm người tốt đẹp của Phật giáo đến với mọi
người. Công việc này cũng có thể xem là một hành động để tôi trả ơn
đời, trả ơn đạo, trả ơn nghệ thuật cải lương.
* Người đi tiên phong bao giờ cũng gặp phải những khó khăn?
- Tôi không ép buộc mình phải làm điều gì cả. Mọi thứ
cứ hồn nhiên đến. Bao đam mê, ấp ủ tự khắc đến thời điểm thích hợp sẽ
tự hình thành, thế nên tôi bắt tay viết rất nhẹ nhàng, từng con chữ cứ
thế mà lăn đi...
* Bà đã có những sáng tạo khiến người ta bất ngờ
như làm cải lương thính phòng (phối hợp âm nhạc thính phòng với âm nhạc
cải lương) và sau đó là trường ca cải lương. Có cảm giác dù đã được tôn
xưng là “cải lương chi bảo” nhưng bà vẫn chưa chịu ngơi nghỉ?
- Nghệ thuật luôn cần những cái mới, cái mới này sẽ
làm chất men cho đầu óc mình không cũ kỹ. Và đối với tôi, chúng có tác
dụng thật sự, giúp tôi yêu đời, yêu nghề hơn. Sau mỗi công trình mới,
tôi lại thấy mình nhẹ lòng, thanh thản hơn.
* Bà đặt kỳ vọng như thế nào vào tác phẩm mới nhất: DVD trường ca cải lương Phật hoàng Trần Nhân Tông?
- Từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường, tôi đã rất ngưỡng
mộ tài năng và nhân cách của đức vua Trần Nhân Tông. Sau này khi đọc
được tác phẩm Hai quãng đời của sơ tổ Trúc Lâm của hòa thượng Thích
Thanh Từ (viện trưởng hệ thống các thiền viện thiền phái Trúc Lâm Yên
Tử), tôi đã có sự đồng cảm sâu sắc và quyết định chuyển thể thành
trường ca cải lương.
Tác phẩm nói về quãng đời làm vua hết sức oanh liệt
của ông với hai lần chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược và quãng đời
tu tập, sáng lập ra phái thiền tông Trúc Lâm Yên Tử. Cuộc đời của ngài
quá vĩ đại nên tôi không dám nhận mình đã khắc họa rõ nét và đầy đủ mà
chỉ xin là kẻ hậu sinh được ghi lại một vài đường nét của một con
người, một nhân cách xuất chúng.
* Tác phẩm mới nhất này so với những tác phẩm trước đây ra sao, thưa bà?
- Nói so tác phẩm này với tác phẩm kia thì quả thật
hơi khó. Nhưng có thể nói đây là tác phẩm tôi làm lâu và kỳ công nhất.
Phải mất hai năm chọn lọc, đổi thay với sáu bản thu CD khác nhau. Mất
bốn tháng ghi hình cùng một êkip hơn 20 người với các cảnh quay trải
dài từ Bắc chí Nam. Qua mỗi sản phẩm tôi cũng góp nhặt được nhiều kinh
nghiệm, với sản phẩm mới nhất, tôi tạm hài lòng với phần âm nhạc.
* Xem các DVD trường ca cải lương của bà, có người cho rằng hơi dài (từ 2-3 giờ)?
- Thể loại này không giống như tuồng tích cải lương
nên tôi nghĩ mọi người không nên xem từ đầu tới cuối. Mỗi ngày hãy xem
một ít và suy ngẫm...
* Bà có đặt mục tiêu bao lâu sẽ cho ra đời một tác
phẩm trường ca cải lương? Sau Phật hoàng Trần Nhân Tông, bà đang quan
tâm đến tác phẩm nào?
- Tôi làm việc với cảm xúc và sự sẻ chia nên không
nặng nề về thời gian, nói như nhà Phật là cứ tùy duyên. Hiện tôi rất
mong muốn được chuyển thể thành trường ca cải lương tác phẩm Nhật ký
trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh...
DVD trường ca cải lương Phật hoàng Trần Nhân Tông
dài khoảng ba giờ, do nghệ sĩ Bạch Tuyết thể hiện với những bản vọng
cổ, các bài bản cải lương và khoảng mười bài hội - kệ (trong tác phẩm
Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông) được nhạc sĩ Khương Cường phổ
nhạc mang âm hưởng dân gian Bắc bộ.
DVD sẽ được giới thiệu trong chương trình “Chào mừng
thành phố trẻ” do Bạch Tuyết và những người bạn thực hiện vào tối 31-5
tại Nhà hát TP.HCM. Đây là chương trình từ thiện giúp đỡ các bệnh nhân
ung thư và 100 trẻ em mồ côi ở chùa Pháp Võ (TP.HCM). Đêm diễn có sự
góp mặt của các nghệ sĩ: Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Nguyễn Phi Hùng,
Việt Trinh, Thoại Mỹ, Quế Trân, Lê Tứ, Võ Minh Lâm, Khương Cường... Đặc
biệt, ca sĩ Đức Tuấn sẽ cùng hát cải lương với nghệ sĩ Bạch Tuyết trong
một ca cảnh cải lương. |
LINH ĐOAN thực hiện