1. Bài này được viết trước hết để trả lời ý kiến phản hồi của một số bạn đọc về bài viết “Gìn giữ đạo Phật: Khi thánh ca Ki tô giáo lên sóng VTV”. Tuy nhiên, mục tiêu của tôi không phải dừng lại đó, mà mục tiêu trên hết là khẳng định tư duy chấn hưng Phật giáo từ một trường hợp cụ thể.
Quan điểm của tôi đối với các tôn giáo ngoài đạo Phật rất rõ ràng:
- Đoàn kết, thân hữu trong quan hệ, theo đúng chủ trương, chính sách của nhà nước
- Đúng đắn, chính xác trong nhận thức
- Trung thực, nghiêm túc trong học thuật
Để chấn hưng Phật giáo hiện đại chúng ta phải tìm hiểu Phật giáo trong bối cảnh hoạt động của các tôn giáo.
Nhận thức luận của triết học Mác mà tôi học ở nhà trường dạy tôi nhận thức chân thực hiện thực, trên cơ sở biện chứng, trong quan điểm lịch sử cụ thể và quan điểm thực tiễn.
Nhận thức luận Phật giáo, tôn giáo mà tôi tin theo, dạy tôi quan điểm “như thị tri kiến” và quan điểm nhân duyên, tìm hiểu sự vật hiện tượng trong lý duyên khởi, duyên sinh. Điều quan trọng hơn hết khi tìm hiểu, lý giải, tường thuật một sự vật, hiện tượng, đạo Phật dạy chúng ta nhìn với sự thật và tuyệt đối không nói dối với người.
Quan điểm nhận định sự phát triển của Phật giáo trong mối quan hệ với bối cảnh hoạt động của các tôn giáo là quan điểm cơ bản của chấn hưng Phật giáo, được các vị tổ sư và các vị cư sĩ tiền bối hữu công chấn hưng Phật giáo nêu ra ngay từ đầu công cuộc chấn hưng thiêng liêng này.
Tác giả Nguyễn Đại Đồng, trong sách “Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX – Nhân vật và sự kiện” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia 2013) đã viết: “Trên tờ Đông Pháp thời báo, số 529, ngày 5-1-1927, Nguyễn Mục Tiên, một nhà báo quen thuộc của nhân dân Sài Gòn đã viết bài kêu gọi Nên chấn hưng Phật giáo ở nước nhà. Nội dung bài báo có đoạn: “Trót một thế kỷ này, nói giống ta đã bị một cái đại tôn giáo khác kia làm mất cả tinh thần đức tính của ông cha ta, chia rẽ đồng bao ta ra… ta lẽ nào lại chưa tỉnh ngộ còn muốn rước thêm chế thêm đạo mới”. Nguyễn Mục Tiên cho rằng, người Việt Nam muốn mạnh về đường tinh thần thì nên vãn hồi lại lý tưởng cổ, tín ngưỡng cổ đã đã từng nuôi nấng và xây dựng nên truyền thống đạo đức mấy đời của ông bà ta. Phật giáo đã có công gây dựng một phần lớn trong đó. Ông đề nghị các nhà thức giả trong nước, nhất là những gia đình có nhiều thế hệ sùng bái đạo Phật hãy mở cuộc điều tra về tình hình tôn giáo ở nước ta và góp sức vãn hồi lý tưởng. Nếu ai có ý kiến nhằm chấn hưng Phật giáo hãy mau đăng trên báo Đông Pháp”.
Cái “đại tôn giáo khác kia làm mất cả tinh thần đức tính của ông cha ta, chia rẽ đồng bào ta ra…” là chỉ cái gì, ai nấy đều biết. Trong thời Pháp thuộc, những nhà kêu gọi chấn hưng Phật giáo còn nói đến thế, đăng trên báo Đông Pháp. Còn ngày nay, khi nước nhà độc lập thống nhất, chỉ trình bày một số sự kiện được ghi nhận, có thể xác minh dễ dàng, thì sao lại có ai đó phản hồi chất vấn?
Tôi là một người học trò hàng cháu chắt của liệt vị tôn đức và tiền bối chấn hưng Phật giáo, điều tôi nói ra chỉ là bước đầu tiên học theo lý luận chấn hưng Phật giáo mà thôi.
Lời kêu gọi “mở cuộc điều tra về tình hình tôn giáo ở nước ta” để từ đó chấn hưng Phật giáo không phải là tư duy của chỉ ông Nguyễn Mục Tiên, mà là của nhiều vị tổ sư (có thể xem thêm “Thái Hư đại sư: 25 bài thuyết pháp” của Thái Hư đại sư, Thành hội Phật giáo TPHCM xuất bản 1995, Thích Thánh Nghiêm: “Tôn giáo học so sánh”…)
Vì vậy, xin xác định, bài viết của tôi nhằm trả lời bạn đọc, nhưng trên hết là nêu bật tư duy và lý luận chấn hưng Phật giáo. Tự coi là người học trò của chấn hưng Phật giáo, tôi xem việc giữ gìn những nguyên tắc căn bản của sự nghiệp chấn hưng Phật giáo là nhiệm vụ hàng đầu của mình, vì một đạo Phật hưng thịnh và phát triển, không bị làm cho suy vong với những ý tưởng bài xích chấn hưng Phật giáo, đưa Phật giáo về thời kỳ suy thoái, tối tăm.
Tư duy đưa đạo Phât về núi cao, rừng thẳm, đường cùn đã có thể nhìn thấy kết quả rành rành, nhãn tiền, đưa đến hậu quả thiểu số hóa Phật giáo Hàn Quốc, từ đó dẫn đến hiện trạng Phật giáo Hàn Quốc bị bài xích, kỳ thị trong chỉ mấy năm trước đây.
Nếu không quan tâm đến vấn đề số lượng tín đồ, thì điều đó chắc chắn trái ngược với tinh thần của giáo pháp, mang lại lợi ích cho số đông. Mà có số đông nào ở núi cao rừng thẳm để mà hóa độ?
Tư duy đưa đạo Phật về núi cao, rừng thẳm, đường cùn là tư duy tiếp tay cho quá trình cải đạo thiểu số hóa tín đồ Phật giáo đang diễn ra gay gắt.
Trong đạo Phật có 2 khái niệm: tu tập và hoằng hóa. Tu tập thì có thể mượn rừng sâu núi thẳm làm phương tiện, còn hoằng hóa thì phải hướng vào số đông, như tinh thần giáo pháp. Đối với Phật giáo Việt Nam, đưa đạo Phật về rừng cao núi thẳm là tư duy của thời kỳ trước chấn hưng Phật giáo, thời kỳ Phật giáo thoái trào, suy vi, đang trên bờ vực tiêu vong. Nay lại đề cao việc đưa đạo Phật về rừng cao núi thẳm thì chính là xúc phạm sự nghiệp chấn hưng Phật giáo. Nói việc hoằng hóa hướng tới số đông là “tầm thường”, “tha hóa” là phủ nhận nỗ lực của tôn đức, tăng ni đang nỗ lực trên các lĩnh vực hoằng pháp, truyền thông, văn hóa.
“Chư Phật ngày xưa đâu có đưa tin lên mạng lên tivi nhưng giáo pháp của ngài vẫn lưu truyền đến ngày nay”. Đúng vậy, và xin nói thêm, thời Phật cũng chưa có sách in, giáo pháp chỉ truyền khẩu. Nhưng đức Phật có thần thông đưa pháp âm đến với trời người, vang động đại chúng đông đảo như TV và mạng (xem “Kinh Pháp Hoa”). Và sau khi đức Phật tịnh diệt, chính pháp đã lưu truyền bằng phương tiện truyền thông mới nhất lúc đó, là chép rồi in trên giấy. Phủ nhận giá trị của phương tiện truyền thông trong việc truyền bá Phật pháp là điều sai trái rõ ràng.
Đến thế kỷ XX sử dụng phương tiện truyền thông báo chí là một thành quả lớn của chấn hưng Phật giáo. Bây giờ, hô hào loại trừ mạng, loại trừ TV khỏi hoạt động hoằng pháp, thì chẳng khác nào ma vương xuống can ngăn Phật đừng thuyết pháp.
Tạo ra một ảo tưởng đạo Phật hưng thịnh, khuyên đưa đạo Phật về núi cao, rừng thẳm, đường cùn, nơi chốn vắng vẻ, ngăn chận việc dùng các phương tiện truyền thông hiện đại để hoằng dương chính pháp, khuyên hạn chế những biện pháp thu hút thanh niên đến chùa, muốn thấy một đạo Phật toàn bà lão, là rơi đúng vào bẫy của những thế lực muốn đưa Phật giáo vào đường suy thoái, tiêu vong.
Trong bối cảnh hoạt động cạnh tranh tôn giáo gay gắt, thì như thế là dành thành phố, trị trấn, làng mạc nơi đông dân cư cho ai, giao độc quyền truyền thông cho ai?
Phật giáo Việt Nam đã là tôn giáo thiểu số ở nhiều tỉnh thành, nhiều nơi đã là vùng trắng hoàn toàn Phật giáo, Phật giáo đang trong chiều hướng thiểu số hóa, vậy mà vẫn có ý kiến đưa đạo Phật về thâm sơn cùn cốc.
Tôi có đọc thấy đây đó lời một vài vị sư ca ngợi các tôn giáo khác, nhưng tôi cũng biết chắc chắn Phật dùng từ “tà kiến” để gọi những niềm tin vào thần thánh ngoại đạo, không tin vào chính pháp, chính kiến. Tôi cũng đã đọc nhiều bài kinh đức Phật hàng phục ngoại đạo. Và khi quy y, bổn sư của tôi bảo tôi thệ nguyện rằng:
“
- Quy y Phật, không quy y thiên, thần, quỷ, vật
- Quy y Pháp, không quy y ngoại đạo, tà giáo
- Quy y Tăng, không quy y tổn hữu, ác đảng”
Vì vậy, “đúng với di huấn của chư Phật chư tổ” không phải là đưa đạo Phật về với núi cao, rừng thẳm, đường cùn, không phải là loại trừ đạo Phật ra khỏi không gian truyền thông hiện đại, không phải là biến đạo Phật thành đạo của người chết, thành đạo của bà già, mà trước hết phải phân biệt rõ chánh tà, chân ngụy, thịnh suy phải chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ.
2. Về hai câu thơ
“Vinh danh thiên chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiên tâm”
Thì do đây là lời chúc được gửi cho tôi, nên tôi được quyền bàn luận, như một chuyện liên hệ đến mình không phải là bỗng dưng đi nói chuyện tôn giáo khác. Cũng như VTV là đài truyền hình quốc gia của nước mà tôi là công dân, vì vậy tôi cũng có quyền và có nghĩa vụ phát biểu ý kiến về chương trình phát trên đó.
Nếu thánh ca hai câu thơ trên chỉ là ở nhà thờ, thì đó là việc của người ta, không nói đến làm gì.
Cách hiểu hai câu thơ nói trên theo quan hệ nhân quả, nhân quả trước tiên chứ không phải đi ngay vào phủ định, là do một giáo viên đạo Ca tô La Mã dạy cho tôi.
Khi đó, niên học 1974-1975, tôi học lớp 7. Đến Noel, giáo viên Anh văn lớp tôi, theo đạo Ca tô La Mã, tự ý hủy bỏ giờ học tiếng Anh theo sách giáo khoa, và dạy hát thánh ca tiếng Anh. Tôi không chịu hát Thánh ca “vinh danh thiên chúa” nên được lưu ý giải thích là nếu “vinh danh thiên chúa” thì mới là người “thiện tâm”, và sẽ “bình an”. Tôi hỏi lại “nếu em không hát” thì được bảo cho là “sẽ không bình an” và ngay bây giờ sẽ bị đuổi ra khỏi lớp (1).
Mười một tuổi, tôi phải chọn “bình an” mà hát thánh ca. Sau đó còn bị trù giập, bề ngoài không lý do.
Mười một tuổi, tôi đã thấm thía không bình an chỉ vì mới thắc mắc về chuyện “vinh danh thiên chúa”. Mà nào đã dám không chịu hát “vinh danh”, chỉ mới thắc mắc tại sao thôi.
Để ra ngoài câu chuyện nói trên, diễn giải hai câu thơ đã dẫn theo cách của tôi vẫn là điều có thể, không có gì sai.
Hai câu thơ là 2 vế, “trên trời”, “dưới thế”, như một kiểu phân chia lợi ích giữa 2 bên.
Câu đầu tiên không có chủ ngữ. Nói đúng hơn là ẩn chủ ngữ. Vậy ai làm việc “vinh danh”? Đặt một chủ ngữ “người” cho câu trên, thì ắt sẽ có sự liên hệ với “người” ở câu dưới, và hiểu trong quan hệ nhân quả thì là một cách hiểu không thể bác bỏ.
Qua tạp chí “Công giáo và Dân tộc, số 155, 11/2007, bài “Đạo Chúa hay đạo Do Thái”, tác giả Linh mục Thiện Cẩm, chúng ta sẽ thấy các tư duy nguyền rủa, nhiếc mắc người không tin vào chúa trời. Đó là tư duy được thể hiện trong cuốn “Phụng vụ các giờ kinh” xin duyệt in sau 1975, và bị cơ quan hữu quan nêu thắc mắc, chứ không phải tư duy trước công đồng Vatican II. Bài viết còn ghi lại lời của Tổng giám mục Phao Lô Nguyễn Văn Bình “Ừ, đạo mình kỳ cục quá! Đọc kinh thì cứ đọc, song lẽ chửi người ta làm chi cho người ta buồn”. Cần lưu ý câu kinh trên trích từ Kinh Thánh. Lời của Tổng giám mục củng cố cách hiểu nhiều chiều như đã trình bày ở trên, có ý nghĩa như bài học “không bình an” mà người giáo viên Anh văn đã dạy cho tôi. Tư duy như thế không khiêng cưỡng ấu trĩ đâu (1).
Cũng xin cảm ơn quý bạn đọc đã phản hồi nhiều ý kiến sau một thời gian dài nhiều bài không có ý kiến phản hồi. Chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến phản hồi qua bài viết để có gợi ý trả lời và viết thêm bài (2).
MT
(1) Hiện nay, cách làm đến Noel giáo viên theo đạo Ca tô La Mã tự ý lấy tiết dạy để tập hát thánh ca tiếng Anh cho học sinh đủ các tôn giáo và không tôn giáo vẫn là chuyện phổ biến.
(2) Phản hồi bài “Có lẽ, một sự ngộ nhận về Đức Phật?” trên Phattuvietnam.net 11/1/2010 bạn đọc Tri Khanh có giới thiệu bài của tác giả Ngô Triệu Lịch, trên trang giaodiem.com, có thể tham khảo.
(3) Về chuyện “Chúa Giê su có phải là một vị Bồ tát không?” thì tôi không xin trả lời, vì chỉ là trích dẫn để giới thiệu một quyển sách Phật học của nhà xuất bản TPHCM, quan điểm như thế là của tác giả sách.