24/11/2013 19:11 (GMT+7)
Số lượt xem: 4507
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Khi các trang mạng bắt đầu soi mói đến ô tô và đạo tràng có đông người nữ của thầy trụ trì chùa Chân Long Thích Minh Phượng, thì mục tiêu của vụ nhà sư tạc tượng “mình” bắt đầu lộ nguyên hình là một cuộc tập kích truyền thông vào Phật giáo Việt Nam.





Ô tô của thầy Thích Minh Phượng hiệu KIA của Hàn Quốc, là dạng xe rẻ tiền, có trang mạng ước lượng giá khoảng 400 triệu. Như thế, chẳng có gì là xa xỉ. Bây giờ, chuyện nhà tu hành các tôn giáo đi ô tô không phải là chuyện lạ. Đi xe bạc tỷ thì mới đáng nói, còn xe ba bốn trăm triệu (nếu mua mới) đã là xe ở hàng chót.

Đạo tràng có đa số người nữ cũng là hiện trạng chung của Phật giáo Việt Nam.

Nêu câu chuyện của thầy Thích Minh Phượng lên truyền thông để cho là sai phạm, thì rốt cuộc các vị tăng sĩ Phật giáo Việt Nam đi ô tô dù là loại rẻ tiền, hay lập đạo tràng có tỷ lệ giới nữ cao đều là sai phạm hết. Từ chuyện “xử lý” đối với thầy Thích Minh Phượng, người ta hướng tới những ca “xử lý” khác đối với tăng sĩ Phật giáo. Vấn đề là ở đây và nó đang dần dần hiện lên rõ ràng. Ca thầy Thích Minh Phượng chỉ là mở đầu cho một cuộc tập kích truyền thông, và đó là sự tiếp nối của ca thầy Thích Phước Tấn ở Vĩnh Long.

NHỮNG TOAN TÍNH THÂM HIỂM

Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta hãy nhìn rộng ra một chút. Soi vào những chuyện tài sản giá trị có liên hệ đến người tăng sĩ Phật giáo để đưa lên truyền thông là việc làm thường xuyên của những kẻ bài Phật giáo, mà cực đoan nhất là những Diemist (kẻ theo Diệm). Ngày nay, không triệt hạ được Phật giáo bằng bạo lực, hay luật pháp chuyên chế kiểu Dụ số 10 thời Diệm, chỉ còn có cách dùng truyền thông. Và trong thực tế người ta đã tận dụng các phương tiện truyền thông để làm việc này.

Tập kích truyền thông vào Phật giáo, đối tượng nhắm tới dễ hơn cả là tập thể và cá nhân các vị tu sĩ. Cách thức tập kích thì có nhiều, từ tìm những kẽ hở trong đời tư, đến những sơ suất trong cuộc sống. Trong đó, nổi rõ lên chiêu thức nhằm vào vấn đề tài sản và hoạt động cúng dường.

Quản lý tài sản và hoạt động cúng dường là một điểm yếu của Phật giáo, một tôn giáo khá lỏng lẻo, mềm dẻo, linh động trong tổ chức, trong bộ máy quản lý.

Chùa Phật giáo Việt Nam không có hội đồng mục vụ hay ban hành giáo kiểm soát việc quyên góp, tiếp nhận tài chính ủng hộ như ở đạo Ca tô La Mã, mà người tín đồ thường phú thác hết cho vị sư trụ trì, với những quyền hạn rất rộng rãi, đôi khi dễ dãi, tùy tiện. Thế là người ta cứ xoáy vào điểm này. Mục tiêu để làm sao triệt đường tiếp nhận ủng hộ tài chính đối với Phật giáo, đưa nhà chùa vào tình trạng kiệt quệ tiền bạc, với điều hướng đến cuối cùng là một Phật giáo suy thoái, mỏi mòn, rồi tiêu vong.

Thực ra, đây vừa là nhược điểm, vừa là ưu điểm của Phật giáo, vì người Phật tử gửi gấm lòng tin tưởng của mình vào đức độ của người tu sĩ, thay vì ban bệ thanh tra kiểm soát. Nhờ đó, dù không hội đồng, ban bệ, Phật giáo Việt Nam vẫn quyên góp được những số tiền lớn để xây dựng tự viện, tượng Phật, đào tạo tăng tài.

Đánh váo chỗ này là phải làm sao đưa lên truyền thông hình ảnh người tu sĩ xa hoa, tư túi, tham ô, dùng tiền cúng dường sai mục đích.

Thế là đủ lời thêu dệt, đơm đặt, bịp bợm, tô vẻ. Rĩ tai là một cách truyền thông, nhưng để công phá mạnh thì phải đưa lên phương tiện truyền thông đại chúng.

Ở hải ngoại, những Diemist làm như thế liên tục. Hết chuyện nhà sư này gạt mấy chục ngàn đô tiêu xài, đến chuyện nhà sư kia quyên mấy chục ngàn đô… cưới vợ bé! Lớn nhất và mới đây là sự việc liên hệ đến các hòa thượng Chánh Lạc, Quảng Độ, với số tiền có đơn vị chục ngàn đô loan tải trên những đài phát thanh, truyền hình, trang web do các Diemist điều hành.

Ở Việt Nam thỉnh thoảng vẫn có những chuyện như vậy, rồi càng lúc càng nhiều, càng nhặt. Cuộc tập kích đã đến hồi cấp tập, những cũng cùng một mô thức, một chiến thuật truyền thông.

Nói mô thức, chiến thuật tập kích truyền thông là dùng từ ngữ hiện đại, “kỷ nguyên thông tin”, chứ thực ra, theo cách bình dân, diễn đạt bằng những cụm từ như nói láo, nói xấu cũng là đủ nghĩa. Cái cách mà thời đức Phật người ta dùng loa tay để gạt người, thì bây giờ dùng trang web, blog, facebook, email…

TẬP KÍCH TRUYỀN THÔNG VÀ CÂU VIEW

Dùng đến internet thì tập kích truyền thông và câu view sẽ có biểu hiện na ná như nhau. Đó là làm sao có được công chúng truyền thông cao nhất. Nhưng tập kích truyền thông và câu view rất khác nhau ở mục đích. Câu view chỉ cần công chúng, mục đích là tiền thưởng (với biên tập viên, phóng viên), là thu hút quảng cáo, lợi nhuận (với trang tin), còn tập kích truyền thông nhằm đến những mục tiêu xa hơn, mà công chúng chỉ là phương tiện. Trong trường hợp tập kích truyền thông Phật giáo Việt Nam mà chúng ta đang nói đến ở đây, thì mục tiêu là làm suy sụp Phật giáo, mất uy tín người tu sĩ Phật giáo nói chung, triệt tiêu nguồn ủng hộ tài chính cho Phật giáo, làm hoạt động Phật giáo rơi vào khủng hoảng do thiếu tài chính, Phật giáo sẽ ngày càng kiệt quệ.

Do đó, ở tập kích truyền thông người làm truyền thông thâm độc, nham hiểm hơn rất nhiều so với câu view. Dùng tu sĩ Phật giáo làm mồi câu view hay tập kích truyền thông vào Phật giáo, cả hai đều gây những thiệt hại cho Phật giáo, tập trung vào tăng đoàn, nhưng những kẻ tập kích truyền thông vào Phật giáo không cần tiền, mà họ cần những khoái cảm khi ra đòn nhắm vào Phật giáo, và một kết cuộc Phật giáo suy sụp, kiệt quệ. Mục tiêu trên hết vẫn là cải đạo, là làm người Phật tử ngán ngẩm, ghê sợ, bất bình người tu sĩ của mình, làm cả xã hội khinh miệt, thành kiến, ác cảm với người tu Phật xuất gia… Thế là… cải đạo!

Theo tôi, 2 ca Thích Phước Tấn (Vĩnh Long) và Thích Minh Phượng (Hà Nội) đều có thể xem là 2 ca dùng tu sĩ Phật giáo làm mồi câu view,  đồng thời là tập kích truyền thông nhắm vào Phật giáo thành công. Giữa câu view và tập kích truyền thông có mối liên hệ liên hoàn, tương hỗ với nhau. Muốn tập kích truyền thông có kết quả thì phải qua giai đoạn câu view. Đã câu được view rồi, thì với người truyền thông câu view thì bất chấp hậu quả cho đối tượng mình làm mồi, còn kẻ làm tập kích truyền thông thì chờ đợi một kết quả rộng lớn hơn, đối với Phật giáo Việt Nam là tác động lên toàn bộ tín đồ, tu sĩ.

Gây được ác cảm cho những trường hợp tăng sĩ cụ thể, là có thể gieo rắc ác cảm đối với toàn bộ tăng sĩ Phật giáo. Sau trường hợp thầy Thích Phước Tấn, người Phật tử chịu sự tác động sẽ chần chừ, nghi ngại, nghĩ ngợi hơn khi cúng chùa, tạo tượng. Còn sau trường hợp thầy Thích Minh Phượng, Phật tử và nhất là cả xã hội sẽ có một cái nhìn khác đối với tu sĩ Phật giáo đi xe hơi, lập đạo tràng với số đông người nữ. Sẽ có một bầu không khí hoang mang, nghi ngờ, mất tin tưởng người tu sĩ Phật giáo lan rộng trong Phật tử và toàn xã hội. Với tập kích truyền thông, họ không chỉ nhắm vào cá nhân một, hai thầy, mà nhắm vào toàn bộ Phật giáo.

Người ta làm ra vẻ bắt “sâu” giùm Phật giáo, nhưng thật ra tạo cảm giác gớm ghiếc đối với cả nồi canh. Để cùng tạo cảm giác đó, là việc cứ liên tục bắt được “sâu”, để cuối cùng là đổ nồi canh đi.

Cái cách làm qua cả 2 trường hợp thầy Thích Phước Tấn (Vĩnh Long) và thầy Thích Minh Phượng (Hà Nội) cho thấy màu sắc, dáng dấp một cuộc tập kích truyền thông. Lời văn bản tin bài viết, chú thích ảnh một số trang mạng cho thấy một sự oán ghét, thù hận sâu xa đối với Phật giáo, trào lên ở từng con chữ, từng dấu chấm câu. Ở không ít trang mạng, tư duy của người làm truyền thông đi quá giới hạn những câu view bộc lộ rõ tư duy bài Phật giáo sâu hiểm.

Trước mắt, 2 ca thầy Thích Phước Tấn và thầy Thích Minh Phượng có tác dụng thúc đẩy giới truyền thông, đặc biệt là giới hạn làm tin nghiệp dư, lá cải, “đạo thính đồ thuyết” chăm bẳm hơn vào người tu sĩ Phật giáo. Chúng tôi nhắc lại lời cảnh giác này và thấy là vẫn chưa đủ. Sẽ còn nhiều ca nữa. Mỗi ca một vẻ, nhưng đều là chuyện tài sản, cách sử dụng tịnh tài, bịa đặt chuyện tình ái, tội lỗi liên quan đến những vị sư, hay khai thác, khuếch đại những sơ suất.

Có điều phải ghi nhận là người ta đã tiến thêm một bước mới khi dùng tới đám đông với sự lăng mạ cục súc, lỗ mãng, tay chân, dùng tới cách vào chùa lúc không có sư trụ trì để chụp ảnh tung lên mạng. Bây giờ chỉ là rượu bia, ảnh phụ nữ gợi cảm, như thế có thể sau đó bỏ vào nhiều thứ khác, giật gân hơn, hình sự hơn. Rồi cả những bộ sưu tập ảnh ô tô của sư chẳng hạn, nhất là xe bạc tỷ.

Tôi không bênh vực cho thầy Phước Tấn, Minh Phượng, mà chỉ muốn nói lên một thực trạng mà Phật giáo Việt Nam phải đối mặt. Cần nhìn nhận 2 sự việc vừa rồi với cái nhìn tổng thể truyền thông hướng vào Phật giáo Việt Nam, tổng thể hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo Việt Nam, hủy hoại tập thể tu sĩ Phật giáo Việt Nam. Mơ hồ về điều này chính là trúng kế, mắc bẫy.

MT


Âm lịch

Ảnh đẹp