ĐẠO ĐỨC NGƯỜI XUẤT GIA


Đại sư Liên Trì Thích Nguyên Hùng dịch
23/09/2010 03:43 (GMT+7)
Số lượt xem: 32750
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

4.1. Thắng hội Vu Lan

Thời Phật còn tại thế, Tôn giả Mục Kiền Liên phụng thờ mẫu thân rất mực hiếu thảo. Sau khi mẹ mất, ngài xuất gia tinh tấn tu hành, chứng quả La hán, được lục thông. Ngài dùng thần thông thấy thân mẫu sau khi chết bị sanh trong đường ngạ quỉ, đói khát vô cùng. Mục Liên bèn đem cơm dâng mẹ, nhưng không hiểu vì sao cơm mới đưa đến miệng thì bổng hoá thành lửa dữ. Thần thông rốt cuộc cũng chẳng chuyển hoá được nghiệp lực. Mục Liên rơi lệ trở về đem sự tình bẩm báo với đức Thế Tôn, đức Phật dạy:

“Mẹ của con khi còn sống đã tạo nhiều tội ác, một mình con không thể chuyển hoá được nghiệp báo của mẹ con, nhất định phải nhờ sức mạnh, oai thần của mười phương Tăng mới có thể chuyển hóa. Con hãy đợi đến ngày rằm tháng bảy, ngày ấy chúng Tăng an cư kiết hạ hoàn mãn, ngày giải hạ, trong ngày ấy, mỗi thầy đều nhờ các thầy khác kiểm điểm, chỉ cho lỗi lầm của mình để sám hối và sửa đổi. Sau ba tháng an cư, nếu không thiền định giải thoát, đoạn hoặc chứng quả, vẫn có thể diệt tội Tăng phước, chư Phật đương nhiên vui mừng, cho nên ngày đó gọi là ngày Phật hoan hỷ, còn gọi là ngày Tăng tự tứ, con nên vì mẹ thiết lễ Vu lan bồn (Trung Hoa gọi là Cứu đảo huyền, vì trong lễ này, người sắm sanh lễ vật gồm những thức ăn và đồ dùng dâng cúng chư Phật cùng chư Tăng để cầu nguyện cho thân mẫu trong đường ngạ quỉ được đỡ đói khát, sự sống đang bị treo ngược), cúng dường Phật và Tăng mới mong cứu được mẹ con”.

Mục Liên y theo lời Phật dạy thiết lễ Vu Lan, mẹ của Ngài ngay trong ngày ấy được thoát khỏi đường ngạ quỷ, lại còn được Tăng phước báo, sanh lên cõi trời hưởng thụ an vui. Cũng nhân thắng hội Vu Lan này mà được lưu truyền mãi mãi.

Bình luận:

Lúc cha mẹ còn sống phụng thờ hiếu dưỡng, sau khi chết dùng lễ chịu tang, đó là hiếu nhỏ; lúc còn sống cho cha mẹ niềm vui, sau khi chết vì cha mẹ mà lưu danh thơm tiếng tốt ở đời, đó là đại hiếu; lúc còn sống có thể dẫn dắt cha mẹ tin Phật, sau khi chết có thể siêu độ tâm linh đó mới là đại hiếu trong mọi thứ đại hiếu khác. Mục Liên là người như vậy.

4.2. Đích thân hầu hạ mẹ

Thời Nam triều, đời nhà Tề (479-502), tại huyện Nghiệp Hạ, có pháp sư Đạo Kỷ.

Sư Đạo Kỷ tu theo tông Thành Thật luận, có sáng tác bộ ‘Kim tạng luận’, 7 cuốn. Ngài giảng kinh ở Đông Giao, Nghiệp Thành. Mỗi lần đi giảng kinh sư đều gánh mẫu thân và kinh điển, tượng Phật … theo. Sư nói với mọi người rằng : “Tôi muốn tự mình cúng dường mẹ, bởi vì công đức cúng dường mẹ và cúng dường Bồ tát Đăng Địa giống nhau”. Y phục, ẩm thực, đại tiểu tiện của mẹ, sư đều tự mình lo liệu, không muốn phiền hà người khác. Có người muốn giúp sư, sư từ chối nói : “Đây là mẹ của tôi, đâu phải mẹ của anh. Thân thể của mọi người chúng ta bất quá chỉ là bốn đại giả hợp, bởi vì nó mới có nhiều phiền toái và đau khổ, tôi cũng không ngoại lệ. Có thân thì có khổ. Nhường nỗi khổ của tôi lại chắc? hà tất phải cảm phiền người khác!”.

Đương thời, không luận là tại gia hay xuất gia đều được ngài cảm hoá.

4.3. Tuyệt thực để tang.

Thời Nam Bắc triều, đời nhà Lương (502-557), tại Dương Đô, chùa Quang Trạch, có pháp sư Pháp Vân.

Sư Pháp Vân người Dương Tiện, huyện Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô, 7 tuổi xuất gia, bái Pháp sư Bảo Lượng, chùa Trang Nghiêm làm thầy. Lớn lên trông sư rất thanh tú, anh tuấn, tài hoa xuất chúng. Sư từng khai giảng kinh Pháp Hoa và kinh Duy Ma Cật tại chùa Diệu Âm, rất nhiều người học từ bốn phương vân tập về nghe. Sư Pháp Vân tính tình rất hiếu thuận, hầu hạ cha mẹ rất ân cần. Có một hôm, mẹ sư từ trần, sư bi ai quá độ, mấy ngày liền không ăn vật gì, thân thể tiều tuỵ chẳng ra hình người.

Pháp sư Mân nói với sư : “Thánh nhân đã chế định lễ tiết, quy củ, người hiền năng phải đè nén lý tưởng mình thấp xuống, nhân nhượng để hợp với lễ; người không có hiền năng thì muốn miễn cưỡng hướng thiện, truy tiến. Nhà Nho còn có bi thương cũng không thể nào đem cả thân mạng của mình vượt qua quy định, (Lễ Ký, chương thứ 4, tang phục, đã định : “Phá hoại cũng không được diệt mất cái tánh, không được vì người chết mà tổn thương đến người sống”), huống chi nhà Phật đã có nói một câu danh ngôn rất chí lý: “Muốn báo đáp ân đức, dưỡng dục cao dày của cha mẹ, việc nhỏ thì tận tâm tận lực phụng thờ cha mẹ, khá hơn một chút thì làm cho cha mẹ được vui, còn xa hơn nữa thì làm cho cha mẹ phát khởi tâm bồ đề, hướng dẫn thần thức của cha mẹ đi vào chánh pháp”, thầy phải nên từ nơi ý muốn làm một việc cao xa, đó là khiến cho mẹ được siêu độ, chứ tại sao lại có thể như bọn người thế tục có cái nhìn nông cạn, một mực bi thương đến nỗi tuyệt thực thế kia?”.

Vân Pháp sư sau khi nghe mấy lời dạy dỗ ấy mới ăn cơm trở lại.

Bình luận:

Ông Tăng Tử khi mẹ chết, 7 ngày không ăn không uống, giống như Vân pháp sư, mẹ chết cũng thủ tang tuyệt thực, so với ông Tăng Tử chỉ có hơn chứ không kém. Có người nói: “Tín đồ Phật giáo đều không để ý đến cha mẹ mình”, câu nói này có thể tin được không?.

4.4. Huyết lệ bi thương

Triều nhà Tuỳ, tại Ngô Đô, núi Hổ Khâu, có pháp sư Trí Tập, trú trì chùa Đông Sơn, Giang Tô. Đời Trần Hậu Chủ, niên hiệu Chí Đức năm thứ 3 (586), gặp phải tang mẹ, sư bi ai thống khổ, khóc lóc không thôi, đau khổ cơ hồ đến chết. Sau sư thường trú tại tịnh xá Đông Sơn, hay giảng kinh thuyết pháp, thường xuyên khai giảng không dừng nghỉ, đó là một thời Phật pháp đại thịnh.

4.5. Gánh mẹ đi nghe pháp.

Triều nhà Tuỳ, trong nội thành Đông Đô, đạo tràng Huệ Nhật, có pháp sư Kính Thoát, người Quận Cấp, xuất gia từ nhỏ, vì hiếu thuận với cha mẹ nên nỗi danh là người thanh cao chánh trực. Mỗi lần đi nghe giảng kinh sư thường gánh một gánh, một đầu là mẫu thân, một đầu là kinh sách, luật. Lúc ăn uống, Sư An Trí đặt mẹ ngồi dưới gốc cây, rồi tự mình vào trong thôn xóm khất thực xong ra dâng cho mẹ dùng.

4.6. Đào giếng báo ân cha .

Triều nhà Đường, tại Kinh sư, chùa Hoằng Phước, có pháp sư Huệ Bân.

Pháp sư Huệ Bân người Cẩn Châu, phụ thân tên Lãng, làm quan ở trong triều, thọ hơn 100 tuổi. Sư rất kính yêu cha, cảm thấy chưa biết làm thế nào để báo đáp ân đức của cha cho tốt, đành phải ở phía nam sông Vấn Thuỷ, nơi bùng binh của đô thành, đào một cái giếng cúng dường cho người bốn phương sử dụng, dùng công đức này hồi hướng để báo đáp công ơn của cha mẹ. Đồng thời dựng một cái bia để làm kỉ niệm. Trên bia có mấy dòng chữ cảm động lòng người, thế này: “Tôi rất lo nghĩ những bô lão tuổi đã về già, khả năng lại không có, và tôi bổn phận làm con, hằng ngay gặp nhau, đời người trăm tuổi, trong nháy mắt đã trôi qua, đối với cái giếng này cũng không ngăn cản được thế sự vô thường, năm tháng vô tình, cảm thấy bi ai vô hạn”.

4.7. Lễ tháp cứu mẹ

Đời nhà Đường, ở kinh sư chùa Đại An Quốc, có pháp sư Tử Lân.     

Pháp sư Tử Lân, thân phụ họ Phạm, thân mẫu họ Vương, cả hai đều không tin Tam Bảo, không cho Tử Lân xuất gia, sư trốn nhà đi tu, đến Đông Đô, y chỉ xuất gia với luật sư Quảng Tu, chùa Quảng Ái. Có một hôm, bổng nhiên sư nhớ đến song thân, bèn trở về nhà thăm. Bấy giờ, thân phụ của sư hai mắt đã mờ, mẫu thân thì đã tạ thế ba năm rồi. Thế là sư đến miếu Đông Ngục Đại Đế, xắp xếp toạ cụ, tụng kinh Pháp Hoa, phát thệ phải thấy Ngục đế, để biết sau khi chết mẫu thân sanh đến chốn nào. Vào một tối kia, sư mộng thấy Ngục Đế nói rằng : “Mẫu thân của ngài sau khi chết đoạ lạc trong địa ngục, hiện tai đang chịu muôn ngàn khổ sở”. Sư bi thảm khóc lóc thỉnh cầu Ngục đế nói cho biết phải làm cách nào để cứu nạn cho mẹ. Ngục đế nói: “Ngài có thể đến  chùa A Dục Vương, lễ bái tháp xá lợi Phật, thì có thể cứu được mẹ ngài”. Sư Lân liền đến tháp A Dục rơi lệ lễ bái lạy đến 4 vạn lạy, bổng nhiên có âm thanh gọi tên sư, sư ngước đầu nhìn lên hư không mẫu thân hướng đến ngài nói lời cảm tạ: “Nhờ công đức lễ tháp xá lợi Phật của con mà mẹ được vãng sanh trời Đao Lợi”. Nói xong thì biến mất .

Bình luận :

Lòng hiếu thảo của ngài Mục Kiền Liên cảm động đến Phật đà, dạy ngài đến ngày Phật hoan hỷ, rằm tháng bảy, thiết lễ cúng dường chư Tăng để cứu mẹ, lòng hiếu thảo của sư Tử Lân cảm động đến thần linh, dạy ngài lễ tháp để cứu mẹ. Chí hiếu cảm động đến thần linh, có thể không tin được sao ?          

4.8. Ngộ đạo báo ân cha.

Triều nhà Đường, tỉnh Phước Châu, tu viện huyền sa, có thiền sư Sư Bị Tông Nhất.

Sư họ Tạ, thân phụ vốn làm nghề đánh cá sinh nhai, nhưng thật bất hạnh, bị nước cuốn trôi mà chết, sư nhân đó mà xuất gia, để báo đáp ân đức dưỡng dục của cha. Sau khi xuất gia, sư tu hành rất thanh tịnh và kham khổ, chỉ có một đôi dày, một tấm y bằng vải khô, ăn uống rất ít, chỉ đủ để duy trì sự sống. Sư kết bạn với Thiền sư Nghĩa Tồn ở viện Tuyết Phong Quảng Phước, tỉnh Phước Châu. Thiền sư Tuyến Phong nhân thấy sư khổ hạnh cho nên gọi sư là Đầu-đà.

Có một hôm, sư mang hành lý xuống núi, định đi hành cước các nơi để tham thiền học đạo, đi chưa được bao xa, bỗng nhiên chân bị thương, chảy máu nhiều và hốt nhiên đại ngộ, thế là sư không xuống núi nữa, trở về y chỉ Thiền sư Tuyết Phong, nhờ chỉ bày phương pháp giữ gìn tâm pháp. Thiền sư Tuyết Phong nói: “Đầu đà Bị là Bồ tát tái sanh mang tâm nguyên hoá độ chúng sanh!”.  Sau đó, có một buổi tối sư mộng thấy thân phụ đến cảm tạ sư : “Nhờ thầy xuất gia tu học được minh tâm kiến tánh mà tôi được trượng thừa công đức thoát khỏi mê đồ, đã sanh lên cõi trời, cho nên đến đây để báo cho thầy biết”.


4.9. Cắt chân xuất gia

Triều nhà Đường, tại Hàng Châu, Kính Sơn, có pháp sư Giám Tông.

Sư người Trường Thành, Đồ Châu, họ Tiễn thị, phụ thân là Tiễn Thịnh. Hôm cha sinh bệnh nặng, sư cắt thịt nơi đùi của mình nấu cho cha dùng, nói dối rằng đó là thịt của súc sinh, nhân đó cha lành bệnh. Thế là sư cầu xin cha cho xuất gia. Sau đo,ù sư đến yết bái Thiền sư Diêm Quan Ngộ Tôn, theo đại chúng tham thiền học đạo, đốn ngộ được bổn lai diện mục. Đời Đường Yến Tông (859-873), khoảng giữa niên hiệu Hàm Thông*, sư trú trì tại Thiên Mục Sơn, núi Đông Phong Kính, người ta gọi sư là Kính Sơn nhị tổ.

4.10. Bán giày nuôi mẹ.

Triều nhà Đường, tại Mục Châu, chùa Long Hưng, có sư Trần Tôn Túc (tôn túc có nghĩa là thọ giới Tỷ-kheo 40 tuổi hạ trở lên), sau khi tịch được truy phong hiệu Đạo Minh pháp sư. Thoạt đầu, sư hành cước khắp nơi tham thiền học đạo, sau tham học với Thiền sư Hoàng Nghiệt, được ấn chứng, thấu suốt tâm địa. Sau đó, sư trú trì thiền viện Quan Âm, chúng Tăng thường trú có hơn ngàn người. Sau sư bỏ lãnh chúng, vào chùa Khai Nguyên ở trong một mật thất nhỏ, làm giày bằng lá Dương bồ, đem bán một bên đường, lấy tiền phụng dưỡng mẫu thân, người ta gọi sư là “Trần Giày Lá”.

4.11. Lòng chí thành cảm ứng đến hài cốt của cha.

Triều Hậu Chu (951-960), tại Lạc Kinh, chùa Phước Quang, có pháp sư Đạo Phi.

Sư người làng Quí Trụ, Trường An, là tôn thân hoàng tộc triều nhà Đường, 7 tuổi xuất gia, năm 29 tuổi gặp nhị thái tử (Đường Thái Tông) giết thái tử Kiến Thành và Tam thái tử Nguyên Kết, dời đô sang Lạc Dương, kinh đô cũ Trường An loạn binh nỗi lên thiêu huỷ sạch sẽ, sư không còn nhà để trở về, thế là sư cõng mẫu thân trốn vào Hoa Sơn, ở trong hang núi. Đương thời gạo giá rất cao, sư không ăn cơm gạo ngũ cốc, chỉ khất thực về để cúng dường cho mẹ. Mẹ ngài hỏi: ‘Thầy đã ăn chưa?’, Ngài sợ mẹ lo lắng, đáp : ‘Con đã ăn rồi’.

Có một hôm mẹ sư nói: “Thân phụ của thầy đi chinh chiến chết tại sa trường Hoặc Sơn, thi thể phơi ngoài đồng hoang, gió sương đêm ngày lạnh lẽo, thầy có cách gì để tìm hài cốt về mai táng được không?”.

Thế là sư đến Hoặc Sơn, thu lượm tất cả xương cốt lại thành một đống, xong, ngồi trước đống xương đêm ngày tụng kinh và phát nguyện rằng:

“Người xưa, tinh thành sở cảm, giọt máu nhận cốt, nhưng nay tôi nguyện trong đống xương này, nếu có xương cốt nào chuyển động, ấy chính là di cốt của phụ thân tôi”.

Nói xong, mắt tập trung chú ý nhìn thẳng vào đống xương. Mấy ngày sau có mấy khúc xương từ trong đống hài cốt nhảy ra, lung lay rất lâu, sư Đạo Phi vạn phần bi thống, ôm lấy khúc xương mang về cho mẫu thân thấy. Tối hôm qua, mẹ ngài mộng thấy phu quân trở về, sáng ra sư đem linh cốt trở về, (một sự trùng hợp kỳ diệu). Người ta đều cho rằng do lòng chí hiếu của sư đã cảm động đến quỉ thần mới được như vậy. Sau đó, Hoàng đế chiếu lệnh sư vào giảng kinh luận đạo ở trong cung đình, thường ở vào vị trí cao nhất. Không luận là quan trong triều hay bá tánh thứ dân đều qui kính sư.

Bình luận :

Tự mình không ăn uống, nhường để cho mẹ dùng, chí thành tụng kinh mà tìm được hài cốt của cha, có thể nói rằng đó là đại hiếu, không những chỉ với mẹ hiền đời mà với cha đã tạ thế đều tận lòng hiếu thảo; hạnh hiếu này có thể nói xưa nay ít có. Ôi! Thật là một người kỳ đặc!

4.12. Niệm Phật cứu mẹ.

Triều nhà Tống, ở phủ Chơn Định, có thiền sư  Hồng Tế Tôn Ghi.

Thiền sư Tôn Ghi người Tương Dương, thân phụ mất sớm, mẫu thân là Trần Thị, mang sư sang nhà cậu nhờ nuôi giúp. Lúc tuổi nhỏ học vấn theo đạo Nho, 29 tuổi bái thiền sư Viên Thông Pháp Tú, chùa Trường Lô (tức chùa Pháp Vân ở Đông Kinh), thế độ xuất gia. Sau đó tham cứu kinh Phật, hiểu rõ nghĩa mầu, thấu suốt chân tâm, sư đem thân mẫu đến ở với mình trong một thất nhỏ ở phía đông thất của Phương Trượng, khuyên mẫu thân xuống tóc. Ngoài việc phụng dưỡng cơm nước, sư khích lệ mẹ niệm Phật, sau đo,ù mẹ sư không bệnh an nhiên vãng sanh. Sư có bài văn “Khuyến Hiếu” lưu thông trong đời, người ta gọi sư là Từ Giác thiền sư.

Bình luận :

Thiền sư Ghi tinh sâu pháp môn Tịnh độ, không những tự lợi mà còn lợi tha, cho mẹ Ngài; nếu như có thể khiến cho mẹ được vãng sanh Tây phương so với sanh thiên hưởng lạc thì đây cao minh thù thắng hơn nhiều! Người xuất gia muốn báo đáp ân đức cha mẹ, không thể không biết sự kiện này.

4.13. Cha mẹ phải lạy con xuất gia?

Tôi có viết một cuốn sách tựa đề “Chánh Ngoa tập”, trong đó có đề cập đến vấn đề, ý nghĩa ‘phản’ là ‘hoàn’ của việc ‘phản bái’. Cha mẹ tại gia không được nhận sự bái lạy của con xuất gia, mà ngược lại còn phải lễ lạy con. Như vậy,  không phải ngược lại cha mẹ đi lạy con mình trước hay sao! Có một vị Tăng tức giận, bất bình nói :

Kinh Pháp Hoa nói rằng: ‘Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai sau khi thành Phật, phụ thân của Ngài là vua chuyển luân thánh vương hướng về Ngài đảnh lễ’. Đây chính là cha mẹ tại gia lạy ngược lại con xuất gia đấy. Đức Phật đã có dạy rõ ràng như  vậy, cho nên kinh điển sau này mới ghi lại”.

Tôi chấp tay hướng về thầy ấy nói rằng:

“Bạch thầy, danh hiệu Như Lai của thầy là gì?”.

Vị Tăng ấy nói “Không dám!”.

Tôi lại nói “Thầy đã không phải là Như Lai, thế thì chắc cũng đã thành chánh đẳng chánh giác hay gần thành Phật rồi đấy chứ!”

Ông ta lại luôn miệng nói : “Không dám, Không dám”.

Tôi nói : “Đã không dám, thì đợi Ngài chóng thành chánh giác, lại ngồi ngay thẳng thêm mười kiếp nữa (Đức Đại Thông Trí Thắng Phật, mười kiếp ngồi trong đạo tràng, Phật pháp không hiện tiền, không thành Phật đạo), hiện tại phải chứng cho được quả vị giống như Đức Đại Thông Như Lai, rồi mới tiếp nhận lễ lạy ngược trở lại của cha mẹ; còn đức Đại Thông Trí Thắng Phật, lúc nhận lễ lạy của phụ thân, Ngài ở giữa hư không, thì coi như không có ý nghĩa nhận lễ lạy. Mà còn nữa, người thế tục đã huỷ báng tín đồ Phật giáo là không coi có cha mẹ, tôi chính vì lo nghĩ việc này, sợ gây ra cho người đời sự hiểu lầm càng thêm trầm trọng, mà gia dĩ phân biệt phải trái, để người đời khỏi huỷ báng Phật giáo, với hy vọng Phật pháp có thể trường tồn ở đời, sao thầy không sợ tạo khẩu nghiệp, cam tâm làm người có tội của Phật môn? Thầy đúng là hạng “con trùng trong thân sư tử, tự ăn thịt sư tử”, đáng thương thay”!

4.14. Tổng luận.

Người đời chỉ trích người xuất gia không có hiếu với cha mẹ, nhưng không biết rằng sự hiếu thuận của người con Phật so với người đời không ai bằng. Có nhiều truyện cao Tăng, thánh hiền… đều ghi lại những hành vi hiếu hạnh song thân, trong lịch sử cũng có nhiều sự thật được chứng minh! Ngày nay, vẫn còn có người căm giận sâu sắc, chán ghét người xuất gia giống như chán ghét rắn độc, bò cạp độc, đây cũng là do người xuất gia tạo thành cho mình mà thôi, tạo thành tội lỗi này, nguyên do có ba : hưởng thụ của cúng dường mười phương và không nghĩ đến sự đói khát của cha mẹ mình, đây là nguyên nhân thứ nhất; thứ hai là mình đi đâu cũng đi bằng xe cao thuyền rộng mà để cho cha mẹ giống như những người công nhân, đầy tớ, đi bằng xe ngựa xe kéo; thứ ba là cắt ái từ thân, dứt bỏ tình thâm để đi xuất gia vậy mà nhận người dưng nước lã làm cha mẹ nuôi. Hi vọng người đời không nên lấy ba điều này của những người xuất gia hư hèn, hạnh xấu xa mà chỉ trích toàn bộ Tăng ni.


* Niên hiệu Hàm Thoâng có 15 năm, từ 860 đến 874, đây chắc khoảng năm 867.


Âm lịch

Ảnh đẹp