VƯỢT QUA TRỞ LỰC
SỰ CHUYỂN HÓA
Quá trình vươn đến một cuộc sống hạnh phúc xét cho cùng không gì khác
hơn là sự chuyển hóa tất cả những yếu tố, năng lực tiêu cực để chúng
trở thành tích cực trong đời sống. Chẳng hạn, sự thù hận cần được chuyển
hóa thành sự cảm thông, tha thứ, sự ngu si cần được chuyển hóa thành sự
hiểu biết... Nếu bạn cảm thấy mình không có bất cứ yếu tố tiêu cực nào
cần được chuyển hóa, bạn sẽ không cần thiết phải nỗ lực vươn lên nữa,
bởi vì bạn có thể đã trở thành một vị thánh nhân hiếm có trên mặt đất
này.
Sự chuyển hóa từ một yếu tố tiêu cực sang tích cực, từ cái xấu sang cái
tốt, không diễn ra như một quá trình tự nhiên. Nghĩa là bạn không thể
ngồi yên để chờ đợi chúng xảy ra theo thời gian. Cần phải có những nỗ
lực đúng hướng mới có thể mang lại sự chuyển hóa mà chúng ta mong muốn.
Lấy ví dụ, bạn muốn bỏ thuốc lá. Bạn cần thực hiện quá trình chuyển hóa
từ một việc xấu là nghiện thuốc, bởi vì nó gây hại cho sức khỏe, sang
một việc tốt là không hút thuốc, bởi vì nó có lợi cho sức khỏe. Chúng ta
sẽ xem xét quá trình này qua một số giai đoạn cụ thể trước khi có thể
đạt đến mục đích cuối cùng.
Trước hết, bạn cần có những hiểu biết, những thông tin đúng đắn về tác
hại của thuốc lá. Không có những hiểu biết này, bạn sẽ thấy không cần bỏ
thuốc, bởi vì bạn không thấy được tác hại của nó. Vì vậy, bước đầu tiên
này là quan trọng, và bạn cần có càng nhiều càng tốt những thông tin
chính xác về tác hại của thuốc lá. Bởi vì, càng hiểu biết nhiều và sâu
sắc, bạn càng có động lực mạnh mẽ hơn trong việc bỏ thuốc. Lấy ví dụ,
nếu động cơ bỏ thuốc của bạn chỉ là để giảm bớt chi tiêu, bạn sẽ không
đủ ý chí để vượt qua những trở lực trong quá trình bỏ thuốc. Một động cơ
nông cạn như thế chỉ có thể xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về tác hại
của thuốc lá. Như vậy, bước đầu tiên của một quá trình chuyển hóa chính
là sự học hỏi, thu thập thông tin để nhận thức đúng về vấn đề.
Tiếp theo, bạn cần phải xem xét, phân tích và kiểm nghiệm lại những
thông tin đã có được, nhằm mục đích củng cố niềm tin về những hiểu biết
đã có được. Chẳng hạn, bạn có thể quan sát tự thân để xác nhận những tác
hại của thuốc lá. Có đúng là thuốc lá có hại cho sức khỏe? Gây bệnh
phổi? Nguy cơ ung thư? Tác hại đến những người thân chung quanh? ... Một
số thông tin có thể được xác nhận bởi kinh nghiệm tự thân, một số thông
tin khác chỉ có thể được xác nhận thông qua việc tìm hiểu thêm các
nguồn thông tin khác. Tuy nhiên, mục đích của giai đoạn này là xác lập
niềm tin về những gì đã biết. Chẳng hạn, bạn càng tin chắc vào những tác
hại của thuốc lá thì động lực bỏ thuốc sẽ càng mạnh mẽ hơn. Vì thế,
bước tiếp theo trong quá trình chuyển hóa là củng cố niềm tin về những
hiểu biết, nhận thức đã có được.
Bước tiếp theo, căn cứ vào những hiểu biết về tác hại của thuốc lá, bạn
phát triển sự tin chắc vào nhận thức của mình thành quyết tâm thực hiện
việc bỏ thuốc. Quá trình học hỏi và tìm hiểu đã cho bạn biết rằng thuốc
lá gây nhiều tác hại, và bạn đã tin chắc rằng những tác hại đó là có
thật, vì thế không có lý do gì bạn lại tiếp tục làm một điều có hại cho
chính mình. Và do đó, bạn hình thành quyết tâm bỏ thuốc lá. Như vậy,
bước tiếp theo là phát triển nhận thức đã có về vấn đề thành quyết tâm
thực hiện sự chuyển hóa.
Khi đã có quyết tâm bỏ thuốc lá, điều tất yếu là bạn sẽ hoạch định một
chương trình cụ thể để bắt tay vào việc, nghĩa là thực sự tiến hành bỏ
thuốc. Như vậy, bước tiếp theo trong quá trình chuyển hóa là biến quyết
tâm thành hành động cụ thể.
Nhưng hành động chưa có nghĩa là sẽ đạt đến mục tiêu đề ra. Bạn có thể
thành công trong việc bỏ thuốc lá hay không còn tùy thuộc vào việc bạn
có vượt qua được những trở lực sẽ phát sinh trong quá trình hay không:
cảm giác thèm thuốc, những thay đổi tâm sinh lý, thói quen lâu ngày...
Vì thế, để vượt qua tất cả trở lực và đạt đến mục đích cuối cùng của sự
chuyển hóa, cần có sự nỗ lực.
Đó là những giai đoạn thông thường sẽ trải qua của một quá trình chuyển
hóa. Mỗi giai đoạn có những yêu cầu riêng, và sự đáp ứng tốt những nhu
cầu đó sẽ đảm bảo cho một sự chuyển hóa thành công. Chẳng hạn, nếu bạn
không thực hiện tốt việc tìm hiểu thông tin trong giai đoạn đầu tiên,
bạn sẽ không thể hình thành quyết tâm đủ mạnh để tạo ra những nỗ lực cần
thiết giúp vượt qua trở lực.
Lấy một ví dụ khác, khi bạn muốn thay đổi cách nhìn về kẻ thù của mình,
theo khuynh hướng hóa thù thành bạn để tha thứ và đối xử tốt với họ, bạn
cần phải thực hiện một quá trình chuyển hóa, từ những cách suy nghĩ,
nhận thức trước đây của mình sang cách suy nghĩ mới, nhận thức mới. Bạn
sẽ trải qua các giai đoạn như trên. Trước hết, bạn phải học hỏi và
nghiền ngẫm để thấy rõ được những lợi ích của quan điểm mới trong cuộc
sống của bạn, cũng như những tác hại của khuynh hướng thù hận. Tiếp đó,
bằng vào những kinh nghiệm tự thân, bạn xác nhận và củng cố niềm tin về
nhận thức mới. Trên cơ sở này, bạn hình thành quyết tâm thay đổi nhận
thức. Khi đã có quyết tâm, bạn mới bắt đầu thực hành nhận thức mới về kẻ
thù, về những người đối nghịch với mình. Khi thực hành, chắc chắn bạn
sẽ gặp phải những trở lực nhất định, chẳng hạn như những phản ứng tiêu
cực từ đối tượng, cảm giác thù hận sinh khởi theo quán tính... Để vượt
qua được những trở lực ấy nhằm thay đổi hẳn nhận thức của mình theo
chiều hướng mới, bạn cần có sự nỗ lực kiên trì. Và khi tất cả những giai
đoạn này đều được thực hiện tốt, bạn sẽ hoàn tất được sự chuyển hóa từ
một nhận thức tiêu cực đối với kẻ thù sang một nhận thức tích cực có khả
năng nuôi dưỡng đời sống an vui hạnh phúc.
Tất cả những phương thức hướng đến một cuộc sống hạnh phúc như được
trình bày trong tập sách này, nếu có khác biệt với những gì bạn vẫn nghĩ
và làm từ trước đến nay đều đòi hỏi phải có một quá trình chuyển hóa
như trên mới có thể vận dụng một cách thực tiễn vào cuộc sống. Vì thế,
việc hiểu rõ về quá trình chuyển hóa là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa
quyết định liên quan đến tất cả những phương thức tu dưỡng hay rèn
luyện tinh thần.
SỰ KHẨN THIẾT
Chúng ta luôn có khuynh hướng ảo tưởng về tính chất bền vững của đời
sống. Mặc dù đời sống của chúng ta có thể chấm dứt bất cứ lúc nào – và
vô số những trường hợp như thế đã diễn ra trước mắt chúng ta – nhưng
chúng ta rất hiếm khi chiêm nghiệm về điều đó.
Trong thực tế, việc suy ngẫm về tính chất mong manh của đời sống – một
tính chất hoàn toàn có thật – giúp mang lại cho chúng ta động lực thúc
đẩy rất lớn lao khi theo đuổi bất cứ mục tiêu nào trong cuộc sống. Bởi
vì điều đó tạo ra một ý niệm về tính chất khẩn thiết của mọi vấn đề. Nếu
chúng ta không nỗ lực ngay hôm nay, vào lúc này, có thể là chúng ta sẽ
không còn cơ hội để thực hiện điều mình mong muốn. Chính sự khẩn thiết
đó sẽ kích thích mọi nỗ lực của chúng ta, tạo ra sự thôi thúc phải hoàn
tất tâm nguyện hoặc đạt đến mục tiêu theo đuổi của mình càng sớm càng
tốt. Vì thế, ý thức được sự khẩn thiết trong đời sống có ý nghĩa rất
quan trọng, có thể giúp chúng ta tăng thêm sức mạnh trong việc thực hiện
những sự chuyển hóa tích cực.
Đức Phật thường xuyên nhắc nhở các đệ tử của ngài về tính chất vô
thường, tạm bợ của đời sống. Trong kinh Di giáo, Phật dạy rằng mạng
người còn mất chỉ trong hơi thở. Ngài cũng chỉ rõ sự khẩn thiết của việc
tu tập khi đưa ra hình tượng ngôi nhà rực lửa trong kinh Pháp Hoa. Ngài
dạy: “Ba cõi thế giới như căn nhà đang cháy.” (Tam giới như hỏa trạch.)
Người ở trong căn nhà đang cháy cần phải thoát ra thì còn gì khẩn thiết
hơn? Vì thế, người học Phật chưa thực sự đạt đến giải thoát thì nhất
thiết không một giây phút nào buông lơi, ngơi nghỉ.
Trong cuộc sống thực tiễn, ý thức về sự khẩn thiết giúp chúng ta tăng
thêm sức mạnh khi nỗ lực thực hiện những điều tích cực. Chẳng hạn, khi
bạn muốn bỏ thuốc lá, nếu bạn nhận ra tính chất khẩn thiết của vấn đề,
như sự suy sụp nhanh chóng của sức khỏe, sự phát triển trầm trọng của
bệnh phổi... bạn sẽ không còn có thể buông thả, trì hoãn, mà phải quyết
tâm thực hiện ngay việc bỏ thuốc. Tương tự, trong những hoàn cảnh có sự
nguy hiểm đe dọa, chúng ta chắc chắn sẽ phải nỗ lực hết sức mình để
nhanh chóng vượt qua. Những ví dụ điển hình có thể dẫn ra rất nhiều, như
khi đất nước có chiến tranh, như khi phải đối mặt với những cơn bão,
lụt... Chúng ta sẽ thấy là tất cả mọi người đều dốc toàn lực cho đến khi
nào sự nguy hiểm qua đi.
Sự khẩn thiết trong đời sống không phải là một tính chất do chúng ta cố ý
tưởng tượng ra để thúc đẩy những nỗ lực của mình. Nó là một tính chất
có thật mà ta cần phải sáng suốt nhận ra. Hiểu được điều này, quá trình
chuyển hóa những yếu tố tiêu cực trong đời sống sẽ diễn ra một cách
nhanh chóng hơn nhờ vào sự thôi thúc tất yếu được tạo ra.
NHỮNG THÓI QUEN XẤU
Một trong những tính cách rất phổ biến của con người là thích làm những
điều quen thuộc, theo những phương thức quen thuộc. Chính do nơi tính
cách này mà có đôi khi chúng ta bám lấy những điều vẫn tự biết là không
tốt, hoặc thậm chí có khi lập đi lập lại suốt đời một thói quen gần như
vô nghĩa...
Điều này cũng là một trong các trở lực ngăn cản chúng ta thực hiện những
chuyển hóa tích cực. Đôi khi chúng ta nhận thức được một điều gì đó là
nên làm, nhưng điều đó đi ngược với những thói quen cũ của chúng ta, vì
thế ta có cảm giác như không thể thay đổi được.
Nếu chúng ta tự quan sát lại chính mình, ta sẽ nhận biết được một điều
là những thói quen chiếm phần lớn trong cuộc sống của chúng ta. Và hầu
hết những thói quen ấy được hình thành một cách tự nhiên, không do sự
chọn lọc có ý thức. Một số thói quen hình thành ngay từ khi ta còn chưa
đến tuổi trưởng thành, xuất phát từ môi trường nuôi dưỡng và giáo dục.
Một số thói quen khác do hoàn cảnh sinh sống, môi trường làm việc của
chúng ta tạo nên. Có những thói quen có vẻ như vô hại, cũng có những
thói quen tốt thúc đẩy sự tiến bộ của chúng ta, nhưng cũng có – và
thường là rất nhiều – những thói quen thuận theo lối sống buông thả và
do đó rất có hại cho sự tu dưỡng hoặc rèn luyện tinh thần.
Cho dù là thói quen thuộc loại nào, đặc điểm chung của chúng vẫn là, mỗi
khi vì một lý do nào đó phải từ bỏ ta đều cảm thấy rất khó khăn. Cả tâm
ý lẫn cơ thể chúng ta dường như đều có khuynh hướng giữ lại chúng mà
không muốn thay đổi. Tuy nhiên, điều không may là hầu hết những thay đổi
tích cực mà ta muốn thực hiện trong cuộc sống đều tất yếu phải đụng
chạm đến những thói quen xấu.
Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu được tính chất của những thói quen, thì
việc loại trừ chúng ra khỏi cuộc sống là điều hoàn toàn có thể làm được.
Vấn đề ở đây là, không có thói quen nào được hình thành ngay tức khắc,
mà tất cả đều cần có thời gian. Yếu tố thời gian lại là rất quan trọng.
Thói quen được hình thành càng lâu thì càng khó dứt bỏ.
Nhưng khi muốn dứt bỏ một thói quen chúng ta lại thường không quan tâm
đến yếu tố thời gian. Thường thì chỉ qua một thời gian rất ngắn chúng ta
đã dễ dàng chán nản và nhận lấy thất bại. Lấy ví dụ, một người hút
thuốc lá qua 10 năm, nay muốn bỏ thuốc trong vòng 10 ngày hoặc nửa
tháng, điều đó có hợp lý chăng? Chính vì không hiểu được điều này mà có
nhiều người thậm chí đã bỏ thuốc thành công qua một hai năm vẫn có thể
rơi vào việc nghiện thuốc trở lại. Họ không biết rằng thời gian một hoặc
hai năm là chưa đủ để xóa bỏ hoàn toàn một thói quen vốn đã tồn tại
trong mười hay mười lăm năm trước đó.
Thật ra, việc trực tiếp dứt bỏ một thói quen là điều rất khó làm. Nhưng
ta cũng có thể chọn phương thức thay thế thói quen này bằng một thói
quen khác, tất nhiên là tích cực hơn. Và điều này sẽ dễ dàng hơn. Chúng
ta đã biết, thói quen được hình thành nhờ vào sự lập lại qua thời gian.
Bằng vào tính chất này, ta sẽ có thể tạo ra những thói quen tích cực, có
lợi để thay thế cho những thói quen xấu trước đây. Điều này sẽ giúp cho
việc dứt bỏ các thói quen xấu trở nên dễ dàng hơn, vì nó chuyển phần
lớn sự chú ý của chúng ta vào việc hình thành thói quen mới.
Những thay đổi tích cực luôn cần đến thời gian. Nhưng chỉ cần chúng ta
có được bước tiến nhất định qua những nỗ lực của mình thì vấn đề không
cần thiết phải nôn nóng. Chúng ta cần phải có sự kiên trì trong quá
trình vươn lên hoàn thiện. Và cũng cần nhớ rằng, những thay đổi càng lớn
lao, quan trọng sẽ càng phải mất nhiều thời gian hơn. Xét cho cùng, mục
tiêu theo đuổi của chúng ta là mục tiêu của cả một đời người, làm sao
chúng ta có thể đánh mất sự kiên nhẫn chỉ trong một quãng thời gian
ngắn?
GIẬN VÀ GHÉT
Chúng ta không thể biết được là bắt đầu từ lúc nào, vì có vẻ như ta
đã hình thành nhận thức về thế giới bên ngoài cùng lúc với những cảm xúc
giận và ghét. Cả hai cảm xúc này đều xuất phát từ sự không hài lòng về
đối tượng, nhưng giận thường phát sinh – với nhiều mức độ khác nhau –
ngay khi sự việc xảy ra, còn ghét có nhiều khả năng là một cảm xúc tích
lũy từ nhiều sự việc.
Khi ai đó thực hiện một hành vi mà chúng ta không hài lòng đến mức độ
muốn chặn đứng ngay hành vi đó, chúng ta nổi giận. Nếu hành vi không thể
ngăn lại được, sự tức giận của chúng ta kéo dài và có thể phát triển
ngày càng mạnh mẽ hơn kèm theo sự thôi thúc muốn làm điều gì đó để gây
hại cho đối tượng.
Nhưng nếu mức độ không hài lòng chưa đủ mạnh để làm ta tức giận, nó sẽ
tạo một ấn tượng xấu trong lòng ta và tạo ra sự không thích, ghét bỏ đối
tượng. Sự lập lại nhiều lần sau đó sẽ nuôi lớn dần cảm xúc ghét bỏ này,
khiến cho ta không muốn tiếp xúc với đối tượng hoặc có thể mong muốn
những điều không tốt xảy ra cho đối tượng.
Chúng ta có thể minh họa cho những nhận xét trên qua việc phân tích một
ví dụ cụ thể. Khi bạn nhìn thấy một người có hành vi ngược đãi một người
khác, nếu hành vi đó ở mức độ rất nghiêm trọng, bạn sẽ tức giận. Nếu
chỉ ở một mức độ nhẹ, bạn không tức giận nhưng cảm thấy không thích,
điều đó khơi nguồn cho cảm xúc ghét bỏ đối tượng. Mặt khác, nếu người bị
ngược đãi là một người thân của bạn, bạn có thể sẽ tức giận. Nhưng nếu
là một người xa lạ, bạn cũng chỉ thấy ghét thôi. Nói cách khác, có sự
tương quan giữa hai cảm xúc ghét và giận, tuy khác nhau về mức độ nhưng
đều xuất phát từ sự không hài lòng về đối tượng.
Giận và ghét đều là những cảm xúc tiêu cực, là những trở lực mà chúng ta
phải vượt qua để có thể đạt đến một đời sống hạnh phúc. Những cảm xúc
này làm cho ta mất đi sự an ổn và sáng suốt, vì thế chúng có thể là
nguyên nhân dẫn đến nhiều cảm xúc hoặc hành vi tiêu cực khác nữa.
Thật ra, nếu chúng ta phân tích sâu vào vấn đề, ta sẽ thấy được một điều
là, những cảm xúc giận và ghét tuy phổ biến trong tất cả chúng ta,
nhưng lại là những cảm xúc hoàn toàn không cần thiết. Chúng ta vẫn có
thể sống tốt mà không cần đến chúng. Hay nói cách khác, chúng chỉ là
những cảm xúc có hại cần loại bỏ.
Một số người cho rằng khía cạnh tích cực của giận và ghét là nó kích
thích chúng ta hành động để điều chỉnh những điều sai trái trong xã hội.
Nếu ta không biết giận kẻ ác, ghét kẻ xấu, thì xã hội sẽ không có động
lực thúc đẩy để điều chỉnh những hành vi xấu ác.
Nhìn qua bề mặt của vấn đề thì quan điểm trên có vẻ như thật chính xác.
Sự thật thì giận và ghét tuy có tạo ra những động lực nhất định, thậm
chí có thể là những động lực rất mạnh mẽ, nhưng điều quan trọng là những
động lực đó thường rất mù quáng, thiếu sáng suốt, bởi vì chỉ được định
hướng bởi những cảm xúc giận và ghét, thay vì là bởi sự sáng suốt của lý
trí.
Khi ta chống lại một ai đó do sự tức giận hoặc căm ghét, ta không có khả
năng nhận ra được những ưu điểm hoặc khía cạnh đúng đắn của người ấy.
Chính vì thế mà tục ngữ đã có câu: “Nóng mất ngon, giận mất khôn.” Hơn
thế nữa, năng lượng sản sinh do những cảm xúc giận và ghét là một kiểu
năng lượng tiêu cực, không chỉ nhắm đến đối tượng, mà còn – và chủ yếu
là – gây tác hại đến chính bản thân chúng ta. Khi chúng ta giận giữ hay
căm ghét ai, những năng lượng tiêu cực này nung nấu trong ta làm cho ta
không một lúc nào được thanh thản, an vui.
Mặt khác, không có những cảm xúc giận và ghét không có nghĩa là ta sẽ
luôn thỏa hiệp với những gì là xấu, ác. Trong thực tế, để có thể khách
quan nhận ra được điều xấu, điều ác thì chúng ta cần đến một lý trí sáng
suốt chứ không phải chỉ dựa vào những cảm xúc chủ quan. Và để loại bỏ
cái xấu, cái ác trong cuộc sống, chúng ta không nhất thiết lúc nào cũng
phải đối nghịch mà còn có thể – và cần thiết phải – chuyển hóa được
chúng.
Trong thực tế, việc tiêu diệt những điều xấu ác bằng vào sức mạnh đối
nghịch rất thường dẫn đến thất bại. Nói chính xác hơn là chỉ có thể đạt
được những kết quả tạm thời. Khi sức mạnh đối nghịch của ta suy yếu, sự
xấu ác sẽ nhanh chóng phát triển trở lại. Ngược lại, quá trình chuyển
hóa những điều xấu ác có thể diễn ra khá chậm chạp và khó khăn hơn,
nhưng điều chắc chắn là một khi đã hoàn tất thì sẽ loại bỏ đến tận gốc
rễ sự xấu ác.
Khi biết được những tác hại của việc hút thuốc lá đối với cá nhân và xã
hội, chúng ta ban hành những lệnh cấm hút thuốc thật nghiêm khắc ở nơi
công cộng, trong phòng họp, tại văn phòng làm việc... và nhiều nơi khác
nữa. Điều này có vẻ như mang lại hiệu quả tức thời. Mọi người sẽ tuân
thủ và ngay tức khắc ta không còn thấy có ai hút thuốc ở những nơi bị
cấm. Nhưng những người nghiện thuốc vẫn còn đó. Và họ hút thuốc ở những
nơi khác. Một thời gian qua, lệnh cấm của chúng ta không còn nghiêm ngặt
nữa, và khói thuốc dần dần quay trở lại với những nơi trước đây nó đã
từng ngự trị, có thể là ngay cả khi những tấm biển cấm hút thuốc vẫn còn
đó.
Nhưng nếu chúng ta giải quyết vấn đề bằng những cuộc vận động và giáo
dục sâu rộng trong toàn xã hội về tác hại của việc hút thuốc lá, hỗ trợ
những điều kiện cụ thể và khuyến khích mọi người bỏ hút thuốc lá. Điều
này tất nhiên là phức tạp, khó thực hiện hơn, và có vẻ như mang lại hiệu
quả một cách chậm chạp hơn. Nhưng khác biệt ở đây là, sự giảm thiểu
khói thuốc sẽ có giá trị lâu dài, bởi vì những người nghiện thuốc đang
dần dần bỏ hẳn việc hút thuốc. Và chúng ta có thể yên tâm trong việc duy
trì những kết quả đã có được.
Vì thế, ta vẫn có thể kết luận một cách khách quan là ngay cả việc đối
phó với điều xấu ác cũng không cần đến những cảm xúc giận và ghét. Trong
thực tế, có rất nhiều người đã chuyển hóa được những cảm xúc này, và họ
sống thanh thản, hạnh phúc hơn hẳn mà không gặp phải vấn đề gì khi
không còn ghét giận bất cứ ai.
Vậy thì, liệu những con người bình thường như mỗi chúng ta đều có thể nỗ
lực để loại bỏ những cảm xúc tiêu cực này được chăng? Câu trả lời là
được. Tất nhiên là với những hiểu biết nhất định và sự kiên trì. Vì như
đã nói, chúng ta có những cảm xúc giận và ghét ngay từ khi nhận thức
được cuộc đời này, nên việc loại bỏ chúng tất nhiên không thể là một
việc xảy ra trong một sớm một chiều.
Khi những cảm xúc giận và ghét sinh khởi, chúng ta không thể chỉ đơn
giản là đè nén, kiềm chế chúng. Điều đó đôi khi cũng có thể có hiệu quả
tức thời, nhưng thường là dẫn đến thất bại. Và thậm chí nếu chúng ta có
thành công trong việc đè nén những cảm xúc này thì đó cũng là một việc
không nên làm, vì nó chỉ có hiệu quả nhất thời và tạo ra một sự ẩn ức
tâm lý rất tai hại về sau.
Vì thế, phương thức tốt nhất để loại trừ giận và ghét là phát triển
những đức tính đối trị được chúng: sự kiên nhẫn và lòng khoan dung. Với
sự phát triển của các đức tính này, chúng ta dần dần chuyển hóa được
những cảm xúc giận và ghét, thay vì là đối nghịch để triệt tiêu chúng.
Bởi vì, về mặt nguyên tắc, tất cả những cảm xúc của chúng ta đều là một
dạng năng lượng phát sinh từ khả năng tiếp xúc và nhận thức về môi
trường quanh ta. Khi chúng ta vẫn còn có khả năng đó thì không một cảm
xúc nào có thể triệt tiêu cả, ta chỉ có thể chuyển hóa từ một cảm xúc
này sang một cảm xúc khác mà thôi.
Khi chúng ta nuôi dưỡng và phát triển sự kiên nhẫn, lòng khoan dung, mỗi
sự việc xảy ra sẽ không khơi dậy cảm xúc giận và ghét trong lòng ta,
hoặc nếu có, ta cũng sẽ có đủ khả năng vượt qua được. Với sự kiên nhẫn,
ta có thể bình thản quan sát sự việc và sáng suốt nhận ra những điểm
tích cực hoặc tiêu cực trong đó, đồng thời nghĩ ra được những phương
thức ứng xử hợp lý, hiệu quả hơn thay vì là nổi giận. Ta biết được rằng
sự nổi giận của chúng ta không phải là một cách giải quyết vấn đề, mà
hoàn toàn chỉ là một cảm xúc nảy sinh theo quán tính. Khi ta biết được
như thế, ta không còn đồng tình, nuôi dưỡng cơn giận, mà quay sang tập
trung vào việc tìm kiếm giải pháp thực tiễn cho sự việc. Điều này cắt
đứt nguồn năng lượng tinh thần cần thiết để nuôi dưỡng cơn giận. Vì thế,
tất yếu là nó sẽ tàn lụi đi như một bếp lò bị rút sạch không còn than
củi.
Tương tự, khi chúng ta sinh khởi cảm xúc ghét bỏ ai, đó là vì chúng ta
thiếu lòng khoan dung. Mỗi một hành vi sai trái hay một khía cạnh không
tốt của ai đó đều có những nguyên nhân nhất định mà nếu hiểu rõ được ta
có thể rộng lòng tha thứ. Khi phát triển lòng khoan dung, ta không nhìn
sự việc với khuynh hướng bắt lỗi nữa, mà là theo khuynh hướng tìm lý do
để tha thứ. Vì thế, trong hầu hết các trường hợp ta đều có thể tha thứ
thay vì là ghét bỏ. Có thể hình dung trong khả năng xấu nhất là ta hoàn
toàn không thấy có lý do nào đáng để tha thứ, thì ta vẫn có thể tha thứ
vì sự dại dột của đối tượng, đã không biết rèn luyện, tu dưỡng để trở
nên người tốt.
Như đã nói, việc loại bỏ những cảm xúc ghét giận và phát triển sự kiên
nhẫn, lòng khoan dung cũng là một quá trình chuyển hóa từ những yếu tố
tiêu cực trở thành tích cực. Vì thế, chúng ta vẫn phải cần đến sự hiểu
biết và kiên trì để vượt qua những giai đoạn cần thiết của quá trình.
Chúng ta sẽ bắt đầu với sự học hỏi, suy ngẫm về những tác hại của các
cảm xúc ghét, giận và những lợi ích của sự kiên nhẫn, lòng khoan dung.
Về những điều này, sự phân tích nội tâm là vô cùng quan trọng, bởi vì
chúng ta đang tìm hiểu về những cảm xúc của chính mình mà không phải là
của ai khác. Chúng ta có thể hình dung những trường hợp tức giận hay
ghét bỏ ai, hoặc thực nghiệm ngay với những cảm xúc này khi chúng sinh
khởi, và phân tích những tác hại mà chúng mang lại cho tâm hồn chúng ta.
Chúng ta cũng thực hành sự kiên nhẫn và khoan dung tha thứ với một ý
thức tỉnh táo để phân tích những lợi ích mà chúng mang lại cho tâm hồn.
Khi một ai đó tức giận, bạn cũng có thể tận dụng cơ hội này như một bài
tập thực hành. Hãy lặng lẽ quan sát người ấy từ xa và chú ý phân tích
mọi tác động của cơn giận lên con người ấy. Bạn sẽ thấy được những thay
đổi rất cụ thể về cung cách, cử chỉ, ngôn ngữ... của một người đang
giận. Tất nhiên là với một sự quan sát khách quan, bạn sẽ thấy rõ đó
không phải là những hình ảnh đẹp. Ghi nhớ điều đó và tự hứa với lòng
mình: “Tôi sẽ không bao giờ để cho những cơn giận chi phối giống như
người ấy.”
Bạn không thể loại bỏ ngay tức thì những cảm xúc giận và ghét. Vì thế,
vẫn có một lúc nào đó bạn nổi giận. Đừng tự trách mình, nhưng hãy sử
dụng ngay cơ hội này để thực hiện một bài tập. Sau cơn giận, khi đã có
thể bình tĩnh hơn, hãy ngồi yên và nhớ lại tất cả những gì diễn ra trong
lòng khi bạn nóng giận. Hãy phân tích những cảm giác khó chịu, bực tức
hoặc nóng nảy... và xác định rõ tính chất tiêu cực, không tốt đẹp của
chúng đối với tâm hồn. Cuối cùng, hãy tự nhủ: “Nếu tôi khôn ngoan hơn,
tôi đã không phải chịu đựng cơn giận này. Vì thế, trong tương lai tôi sẽ
không bao giờ để cho cơn giận chi phối như thế nữa.”
Trong thực tế, những bài tập như trên có thể phải lập lại rất nhiều lần
trước khi bạn có thể hoàn toàn chuyển hóa được những cơn giận hay cảm
xúc ghét bỏ. Nhưng điều cần thiết là không được nản lòng và tự trách
mình. Bạn cần có thời gian, đó là điều tất yếu. Và cho dù bất cứ mức độ
nhỏ nhoi nào bạn đạt được trong sự rèn luyện này cũng đều đáng khích lệ
hơn là một sự buông thả. Bạn cần phải củng cố niềm tin vào mục tiêu theo
đuổi của mình và hình thành quyết tâm thực hiện cho bằng được những
điều tốt đẹp để đạt đến mục tiêu ấy.
Điều cuối cùng cần nêu ra ở đây vẫn là sự nỗ lực và kiên trì. Bạn sẽ
thành công, nhưng đừng bao giờ đòi hỏi là ngay vào lúc này. Bởi vì như
đã nói, quá trình chuyển hóa tất yếu phải cần có thời gian.
THAY LỜI KẾT
Có rất nhiều yếu tố khác nhau liên quan đến một cuộc sống hạnh phúc
thật sự. Trong đó, có thể tạm chia thành hai nhóm: nhóm yếu tố thuộc về
ngoại cảnh, bao gồm các điều kiện vật chất và các tác động đến từ bên
ngoài nói chung, và nhóm yếu tố thuộc về nội tâm, bao gồm những phẩm
chất tâm hồn, những tình cảm, cảm xúc hay tư tưởng, nhận thức nói
chung...
Khi những yếu tố thuộc về ngoại cảnh hoàn toàn thuận lợi, chúng có thể
mang lại cho ta một cuộc sống êm ả, thỏa mãn. Ta có thể có được tâm
trạng hài lòng và vui vẻ, lạc quan yêu đời. Tuy nhiên, khả năng này hầu
như rất hiếm khi xảy ra, vì sự thật là chúng ta thường có quá nhiều mong
cầu đến nỗi rất khó mà có thể cùng lúc đạt được tất cả. Và ngay cả khi
điều này xảy ra, chúng ta vẫn có thể biết chắc một điều là nó sẽ không
thể tồn tại lâu dài. Bởi vì tất cả những điều kiện vật chất luôn bấp
bênh thay đổi, và sự thay đổi của chúng lại tất yếu dẫn đến thay đổi tâm
trạng của ta. Hơn thế nữa, chúng còn có tác động nuôi lớn lòng ham
muốn, làm cho chúng ta càng phụ thuộc nhiều hơn vào các điều kiện vật
chất. Vì thế, cảm giác thỏa mãn do các điều kiện ngoại cảnh mang lại
không phải là hạnh phúc chân thật, và nó rất mong manh, không thường
tồn. Mặc dù vậy, nhóm yếu tố thuộc về ngoại cảnh vẫn là cần thiết trong
việc đáp ứng những nhu cầu vật chất tối thiểu để góp phần tạo nên một
đời sống hạnh phúc.
Điều kiện quan trọng hơn để đạt đến cuộc sống hạnh phúc chân thật chính
là nhóm yếu tố thuộc về nội tâm. Đó là những phẩm chất tốt đẹp, những
nhận thức đúng đắn, những quan điểm ứng xử thích hợp, có thể giúp chúng
ta đạt đến một tâm trạng thanh thản vui sống, là cơ sở để đạt đến một
đời sống yên vui hạnh phúc. Hạnh phúc chân thật đạt được bằng vào những
yếu tố này sẽ có thể tồn tại bất chấp nghịch cảnh, bất chấp sự thay đổi
thường xuyên của các điều kiện bên ngoài.
Tuy nhiên, việc phân tách thành các nhóm yếu tố như trên chỉ là những
phác họa về mặt lý thuyết. Trong thực tế, mỗi người chúng ta luôn ở vào
một trạng thái phức tạp pha lẫn nào đó chịu sự tác động tích cực và tiêu
cực từ cả hai nhóm yếu tố. Sự phân loại như trên chỉ nhằm mục đích vạch
ra cho chúng ta một hướng đi đúng đắn trên con đường vươn đến một đời
sống an vui hạnh phúc.
Chúng ta đã thảo luận khá nhiều về những yếu tố và phương thức tích cực,
và bằng vào việc phát huy những yếu tố tích cực, chuyển hóa những yếu
tố tiêu cực, chúng ta có thể hoàn thiện được tâm hồn để đạt đến một cuộc
sống an vui hạnh phúc. Tuy nhiên, khép lại vấn đề ở đây hãy còn là quá
sớm. Một mặt, những gì đã bàn đến cần thiết phải được mang ra áp dụng
trong thực tế đời sống. Mặt khác, những gì đã bàn đến cũng chỉ là một số
khía cạnh nổi bật, cơ bản nhất mà thôi. Phạm vi giới hạn của quyển sách
này tất nhiên không cho phép chúng ta thảo luận vấn đề một cách chi
tiết và đầy đủ hơn.
Mặc dù vậy, người viết vẫn tin rằng đây là bước khởi đầu cần thiết và
tạm đủ để xây dựng một nền tảng cơ bản cho việc hướng đến đời sống hạnh
phúc. Hơn thế nữa, nếu nhìn vấn đề một cách tương đối thì cho dù chưa
đạt đến một tâm trạng hoàn toàn thanh thản, chúng ta vẫn có thể gặt hái
được những kết quả tích cực nhất định, giúp cho cuộc sống này bớt phần
khổ đau hơn trước.
Trong cuộc sống có rất nhiều việc nên làm, và khi bạn đọc xong tập sách
này, tôi tin là bạn cũng nhận thấy có thêm ít nhất là một vài điều nên
làm nữa. Tuy nhiên, tất cả những điều ấy sẽ hoàn toàn không có ý nghĩa
gì nếu như chỉ nhận được một sự đánh giá tích cực là nên làm. Điều quan
trọng tất yếu là chúng phải thực sự được mang ra áp dụng trong cuộc sống
mới có thể mang lại hiệu quả tích cực cho chúng ta.
Nếu bạn hài lòng với một phương thức tích cực nào đó và nói: “Hay lắm,
ngày mai tôi sẽ thử xem sao.” Tôi đoán là bạn sẽ có rất ít cơ may thực
hiện thành công phương thức ấy. Sở dĩ như vậy là vì có một khoảng cách
rất lớn giữa hôm nay và ngày mai.
Chúng ta có rất nhiều việc để làm vào ngày mai, và thường thì trong số
đó có rất ít việc thực sự được làm. Hơn thế nữa, hầu hết những việc thực
sự được làm vào ngày mai thường không do ta chủ động chọn lựa, mà phụ
thuộc rất nhiều vào những gì xảy ra kể từ bây giờ cho đến ngày mai đó.
Và cuối cùng, khái niệm ngày mai thường được ta mở rộng hơn nhiều so với
nghĩa gốc của nó là 24 giờ kể từ lúc này.
Những điều vừa nói là một thực tế rất thông thường. Nhưng còn có một
thực tế khác nữa mà chúng ta cũng đã từng nhắc đến: bạn không thể biết
chắc là có còn tồn tại trên đời này vào ngày mai hay không. Nhiều người
cho đây là một ý tưởng bi quan, nhưng thực ra cần phải hiểu ngược lại.
Chấp nhận ý tưởng này, chúng ta mới thấy được ý nghĩa thôi thúc của
những việc nên làm trong cuộc sống. Buông lơi ý tưởng này, ta sẽ phó mặc
cuộc đời mình cho sự đưa đẩy tình cờ mà không thể có đủ ý chí để phấn
đấu vươn lên sự hoàn thiện. Vì thế, đây phải được hiểu là một ý tưởng
hoàn toàn tích cực, nếu không muốn nói là tối cần thiết cho một cuộc
sống hướng thượng.
Vì thế, tôi khuyên bạn hãy tập thói quen quyết định mọi việc – nếu có
thể được – ngay hôm nay, vào lúc này, mà không phải là đợi đến ngày mai.
Phương Tây có một câu cách ngôn mang ý nghĩa tương tự: “Những gì làm
được hôm nay, đừng đợi đến ngày mai.” Nếu chúng ta chưa hiểu hết ý nghĩa
này, chúng ta chưa thể hé mở được cánh cửa bước vào tòa nhà hạnh phúc.
Và khi chúng ta hiểu được ý nghĩa này rồi thì một ngày đối với chúng ta
sẽ vô cùng quan trọng. Bởi vì một ngày đó chính là hôm nay, là cơ hội
thật có của chúng ta. Cho dù vẫn là mong manh, nhưng nó là chắc thật
nhất trong những gì mong manh của cuộc sống vô thường này.
Chúng ta chỉ có thể làm được bất cứ điều gì ta nhận biết là nên làm để
tự chuyển hóa cuộc đời mình, khai sinh một cái ta hướng thượng ngay
trong hôm nay hoặc là sẽ không bao giờ cả. Khi chúng ta vượt qua được
một ngày với những việc nên làm, ta biết chắc là mình có đủ năng lực để
vượt qua một đời. Khi ta băn khoăn không thể quyết định được phải làm
những gì trong một ngày, ta sẽ tiếp tục hoang mang trong suốt một đời.
Có người hỏi tôi về sự thanh thản, tôi đã không ngần ngại trả lời:
“Người thanh thản nhất luôn biết chắc sẽ làm gì hôm nay, ngày mai và mãi
mãi.” Khi bạn biết chắc như thế, có nghĩa là bạn đã định hướng được cho
cả đời mình. Và vì thế, cho dù bạn có thể bận rộn suốt 24 giờ trong
ngày, bạn vẫn giữ được sự thanh thản trong tâm hồn. Ngược lại, nếu bạn
băn khoăn không biết chắc sẽ làm gì hôm nay, ngày mai... thì cho dù bạn
chỉ phải làm việc vài giờ trong một ngày, lòng bạn vẫn luôn đầy ắp sự
bận rộn, lo toan.
Trao đổi về chủ đề này, rất nhiều người trong chúng ta sẽ nêu lên câu
hỏi: Làm sao để có thể dành được thời gian cho những việc nên làm? Vâng,
câu hỏi hoàn toàn hợp lý và mang tính phổ biến với hầu hết mọi người.
Tôi có một vợ và hai con, ngày làm việc của tôi gắn liền với sự tồn tại
của gia đình tôi, chúng tôi cần phải sống, chúng tôi cần phải chi tiêu
khoản này, khoản nọ... vì thế chúng tôi phải dành thời gian để kiếm
tiền... vân vân và vân vân. Những hoàn cảnh tương tự như thế là có thật,
và những mô tả đại loại như vậy sẽ đúng với hầu hết mọi người.
Nhưng câu hỏi tiếp theo được đặt ra cho tất cả chúng ta vào lúc này là:
Chúng ta loay hoay tìm mọi cách để sống còn, nhưng rốt cuộc thì chúng ta
sống để làm gì? Tôi nhớ lại cái vòng luẩn quẩn mà tôi đã được nghe kể
từ thuở nhỏ về câu chuyện khôi hài “sống để ăn, ăn để sống...”.
Trong thực tế, cuộc sống chúng ta có hai nhu cầu mà ít nhất cũng có thể
xem là quan trọng như nhau: nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Tôi
dùng cụm từ “ít nhất cũng có thể” là bởi vì đến một lúc nào đó, khi nhận
thức của chúng ta hoàn chỉnh hơn, ta sẽ thấy là nhu cầu tinh thần – rất
thường bị lãng quên – thậm chí còn quan trọng hơn cả nhu cầu vật chất.
Khi chúng ta buông thả tự thân, ta chỉ biết những nhu cầu mà cơ thể cần
đến để tồn tại chứ không phải để sống. Chỉ khi nào vượt qua được sự
buông thả do thói quen từ lâu đời tạo ra, ta mới bắt đầu có khả năng cảm
nhận được những nhu cầu tất yếu về tinh thần. Khi ấy, chúng ta sẽ cảm
thấy không thể sống nếu không được yêu thương, cảm thông, chia sẻ vui
buồn cùng người khác... cũng tương tự như ta không thể tồn tại nếu không
có món ăn, thức uống. Để đạt được điều này, ta chỉ có thể dựa vào những
nỗ lực đúng hướng của tự thân mà thôi.
Vì thế, những khởi đầu ngay hôm nay là vô cùng quan trọng. Khi bạn nhận
thức được việc rèn luyện tinh thần cũng quan trọng không kém miếng cơm
manh áo, bạn sẽ thấy được sự vô lý của mình khi cho rằng không có thời
gian để làm điều đó.
Tuy nhiên, bạn nên khởi đầu với một khoảng thời gian khiêm tốn để tránh
tạo ra những thay đổi đột ngột trong cuộc sống. Mỗi ngày hai lần, mỗi
lần khoảng 30 phút khi thức dậy vào buổi sáng và trước khi đi ngủ. Đây
có thể là một sự sắp xếp phù hợp với đa số, nhưng bạn cũng có thể tự
điều chỉnh cho phù hợp hơn với hoàn cảnh của mình. Điều quan trọng là
hãy thực sự khởi làm ngay hôm nay.
Một cách cụ thể, bạn sẽ làm gì với quãng thời gian đó? Đơn giản là bạn
hãy bắt đầu thực hành một trong những việc bạn cảm thấy nên làm, bằng
vào việc ngồi yên lặng quán xét tự thân mình để nhận ra các yếu tố tiêu
cực và bắt đầu quá trình chuyển hóa. Những chi tiết về từng yếu tố đã
được trình bày, và phần việc của bạn là vận dụng những điều đó vào điều
kiện của bản thân. Một cách kiên trì, bạn sẽ tuần tự làm việc này cho
đến khi nào chuyển hóa được tất cả những yếu tố tiêu cực trở thành tích
cực.
Điều này tất yếu cần đến rất nhiều thời gian, có thể là suốt phần đời
còn lại của mỗi chúng ta. Nhưng vấn đề quan trọng là, ngay trong khi bạn
thực hiện quá trình chuyển hóa này, bạn sẽ nhận ra rằng hạnh phúc luôn ở
khắp quanh ta, không phải ở một thiên đàng xa xôi hay một ngày mai chưa
đến.