HẠNH PHÚC VÀ KHỔ ĐAU
ĐỐI DIỆN KHỔ ĐAU
Những khổ đau trong cuộc sống là một thực tế mà chúng ta không thể tránh
né. Mặc dù đây là một phạm trù khá rộng – bao hàm từ những cảm giác đau
đớn, khó chịu về thể xác cho đến những thương tổn về tình cảm có thể ám
ảnh chúng ta suốt cuộc đời... – nhưng chúng ta có thể hiểu một cách
khái quát đó là tất cả những gì mà chúng ta không mong muốn. Cách hiểu
này dựa vào cảm giác chủ quan của mỗi người, thay vì là dựa vào tính
chất của sự việc. Lấy ví dụ, hôn nhân thường là niềm vui cho hầu hết mọi
người, nhưng một cuộc hôn nhân không mong muốn có thể là nỗi đau khổ
cho ai đó...
Phật giáo chỉ ra bốn nỗi khổ lớn bao trùm trong cuộc sống mà không ai
tránh khỏi, ngay cả những người may mắn nhất. Đó là những nỗi khổ của sự
sinh ra, già yếu, bệnh tật và chết đi. Tuy nhiên, ngoài bốn nỗi khổ lớn
ấy, còn có vô số những nỗi khổ khác mà mỗi chúng ta đều nhìn thấy, tiếp
xúc hoặc tự mình trải qua mỗi ngày. Vì thế, khi nói “đời là bể khổ”,
chúng ta có thể cho là một phát biểu bi quan, nhưng lại đúng là một phát
biểu hoàn toàn có cơ sở thực tế.
Mặc dù như đã nói, chúng ta không thể lẫn tránh khổ đau, nhưng khuynh
hướng tự nhiên của mỗi chúng ta đều muốn lẫn tránh khổ đau. Và chúng ta
thực hiện điều đó dưới nhiều hình thức khác nhau. Chúng ta dùng thuốc
giảm đau để tránh những đau đớn về thể xác, từ những vết thương ngoài da
cho đến những chấn thương trầm trọng cho cơ thể. Chúng ta dùng thuốc
ngủ để tránh không phải đối mặt với những nỗi đau trong tâm hồn, và đôi
khi còn dùng đến cả những chất gây nghiện như rượu, ma túy... Đắm mình
trong những cơn say, chúng ta chỉ muốn tránh né không phải đối mặt với
một thực tế khổ đau nào đó...
Chúng ta cũng cố tránh né khổ đau bằng những hành vi ứng xử của mình.
Đôi khi chúng ta lảng tránh không đề cập đến những gì không mong muốn,
hoặc cố ý phớt lờ một sự thật xem như chưa từng xảy ra, chỉ vì sự thật
ấy không theo như mong muốn của chúng ta... Đôi khi, chúng ta theo đuổi
những sự việc khác hoặc lao vào những cuộc vui, những hình thức giải trí
chỉ là để tránh không phải đối mặt với một nỗi đau nào đó... Đôi khi
chúng ta trốn tránh một vấn đề bằng cách quy lỗi cho người khác, hoặc
tìm mọi lý do để dối gạt người khác và thậm chí lừa dối chính mình...
Nhưng thật không may là mọi phương thức tránh né của chúng ta đều chỉ có
hiệu quả nhất thời. Và không sớm thì muộn, chúng ta cũng sẽ bị dồn ép
đến một tình huống cuối cùng, khi không còn cách nào để tránh né nữa.
Bởi vì sự tránh né nói chung không giải quyết được vấn đề, nó chỉ có thể
kéo dài thời gian đến một mức độ nào đó mà thôi. Điều đáng nói ở đây
là, sự trì hoãn này còn có tác dụng làm cho vấn đề trầm trọng thêm và
đồng thời cũng làm giảm thấp khả năng đối phó của chúng ta với vấn đề.
Vì thế, nói chung thì khuynh hướng tránh né hoàn toàn không phải là một
khuynh hướng có lợi.
Mỗi một vấn đề bất ổn khi đã nảy sinh trong cuộc sống của chúng ta đều
đòi hỏi phải được giải quyết, mỗi một nỗi đau đều đòi hỏi phải chấp nhận
để vượt qua. Nếu chúng ta không thể tránh né mãi mãi, thì tại sao lại
không đối mặt với chúng ngay từ đầu? Trong thực tế, chủ động đối mặt với
một vấn đề bất ổn ngay từ đầu là một quyết định khôn ngoan vì nó mang
lại nhiều lợi thế giúp chúng ta giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hơn.
Đối mặt với vấn đề ngay khi vừa xảy ra, bạn có thể tập trung sự sáng
suốt để nhận định, phân tích và nghị lực cần thiết để vượt qua. Ngược
lại, sự tránh né sẽ nuôi lớn dần nỗi sợ sệt, e dè và bào mòn nghị lực
của bạn, khiến cho đến lúc buộc phải đối mặt với vấn đề thì bạn sẽ hoàn
toàn thụ động và yếu đuối.
Những khổ đau trong cuộc sống là điều tất yếu sẽ đến với bất cứ ai. Vì
thế, giải pháp khôn ngoan mà bạn có thể chọn là hãy nghĩ đến chúng ngay
từ khi chưa xảy ra, và khi xảy ra thì hãy can đảm và thực tiễn trong
việc đối mặt và vượt qua.
Có những khổ đau mà ta có thể đối mặt và vượt qua, nếu được chuẩn bị từ
trước thì việc vượt qua những khổ đau ấy sẽ dễ dàng hơn. Nếu chúng ta
hiểu được một sự thật là không ai thoát khỏi bệnh khổ, thì một khi bản
thân phải chịu đựng bệnh khổ, chúng ta không lấy đó làm điều thất vọng.
Chúng ta chấp nhận chịu đựng những cảm giác đau đớn hoặc khó chịu về thể
xác trong cơn bệnh khổ như một thực tế tất nhiên, và nhờ đó mà chúng ta
không phải chịu thêm nỗi khổ tinh thần giằn vật.
Có những khổ đau không thể vượt qua, nhưng ngay cả trong trường hợp đó
chúng ta vẫn phải chấp nhận đối mặt. Chẳng hạn, không ai trong chúng ta
tránh được cái chết. Nhưng việc lảng tránh không đề cập đến cái chết
chẳng mang lại ích lợi gì. Dù sao thì đến một lúc nào đó ta vẫn phải bất
lực đối mặt với cái chết mà không thể nào tránh né. Nếu chúng ta chấp
nhận đối mặt với sự thật này ngay từ bây giờ, ta sẽ cảm thấy trân trọng
hơn giá trị của đời sống. Và khi đã sống một đời sống tốt, chúng ta sẽ
cảm thấy thoải mái hơn khi cái chết thực sự đến. Nói cách khác, nếu
chúng ta hiểu rõ được vấn đề và chấp nhận sự thật về sống chết, chúng ta
sẽ thấy những giây phút được sống của mình càng có giá trị hơn.
Khi có một người thân yêu chết đi, chúng ta cũng không thể tránh khỏi sự
buồn đau vật vã. Trong thực tế, sự buồn đau vật vã ấy sinh khởi như một
cảm xúc hoàn toàn tự nhiên của tất cả chúng ta, nhưng nó không mang lại
bất cứ lợi ích nào cho bản thân chúng ta cũng như cho người đã mất. Tuy
nhiên, việc vượt qua những nỗi đau này rõ ràng không phải là chuyện dễ
dàng chút nào. Đức tin có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc
giúp chúng ta đối mặt với nỗi đau mất mát to lớn này. Nếu chúng ta tin
vào sự tái sanh sau khi chết, rằng người thân của chúng ta không thực sự
mất đi mà chỉ rời bỏ đời sống này để bắt đầu một đời sống khác... như
thế nỗi đau của chúng ta sẽ có thể được xoa dịu và chúng ta cảm thấy bớt
phần đau khổ.
Nhưng cho dù chúng ta không tin vào một đời sống sau khi chết, chúng ta
vẫn có thể giảm nhẹ phần nào sự đau đớn trong trường hợp này bằng vào
việc đối diện và phân tích vấn đề.
Chúng ta cần suy ngẫm về một sự thật là sự đau đớn buồn khổ có thể gây
thương tổn nặng nề cho ta cả về tinh thần cũng như thể chất. Trong khi
điều đó không mang lại bất cứ lợi ích nào cho người thân đã mất, thì nó
lại thực sự có thể làm cho ta suy sụp tinh thần cũng như hao tổn sức
khỏe.
Chúng ta cũng có thể hình dung rằng nếu người thân của ta còn sống, chắc
hẳn người ấy sẽ không muốn nhìn thấy ta trong tình trạng buồn khổ suy
sụp như thế...
Điều có ý nghĩa thực tế hơn mà ta có thể làm để bày tỏ lòng yêu thương
đối với người đã khuất là phải cố gắng hết sức mình để hoàn thành những
tâm nguyện của họ khi còn sống, và hoàn thiện bản thân để ngày càng xứng
đáng hơn với sự yêu thương chăm sóc mà người thân ấy đã dành cho ta.
Chúng ta cũng có thể giảm bớt sự đau đớn khi nghĩ đến một thực tế là có
vô số người khác đã và đang chịu đựng những khổ đau như ta. Ta không
phải là nạn nhân duy nhất của những khổ đau tột cùng trong đời sống. Và
nếu như những người khác có đủ nghị lực để vượt qua thì chúng ta không
có lý gì phải gục ngã...
Mỗi một nỗi khổ đau đều có những nguyên nhân dẫn đến. Nếu chúng ta chấp
nhận đối mặt và suy xét để tìm ra những nguyên nhân sâu xa, đích thật,
ta sẽ có thể chấp nhận và chuyển hóa nỗi khổ đau thành năng lực thúc đẩy
ta nỗ lực sống tốt hơn.
Cơ thể chúng ta không rắn chắc như sắt đá, nên một đôi khi ta mắc phải
bệnh tật, điều ấy là tự nhiên. Hiểu được điều đó không giúp ta tránh
khỏi bệnh tật, nhưng nó giúp ta biết quý trọng và cảm nhận niềm vui
trong những lúc được sống khỏe mạnh, và ta càng cố gắng giữ gìn sức khỏe
một cách tích cực hơn, tránh xa những thức ăn uống hoặc những cuộc chơi
bời có hại cho sức khỏe.
Chúng ta cũng có thể nghĩ về tuổi già như một động lực để sống tốt hơn
trong những ngày còn trẻ. Cho dù điều đó không giúp ta tránh được tuổi
già, nhưng nó giúp ta thoải mái, dễ chịu hơn khi thực sự trở nên già
yếu.
Những thương tổn về tình cảm cũng gây cho chúng ta nhiều đau khổ nếu
chúng ta không biết cách đối trị với chúng. Khi gánh chịu những sự bất
công, xúc phạm hoặc khinh miệt... chúng ta thường ôm ấp những thương tổn
đó như những vết thương trong tâm hồn, và chúng ta đau khổ vì chúng.
Nếu chúng ta biết mở rộng lòng và học được những cách ứng xử rộng lượng
hơn, cảm thông hơn... chúng ta sẽ có thể hiểu và chấp nhận những sự bất
công, xúc phạm hay khinh miệt ấy theo chiều hướng tốt đẹp hơn, và không
để chúng làm thương tổn đến tâm hồn ta.
Trong hầu hết trường hợp, người ta cư xử một cách bất công hay thô bạo
là xuất phát từ sự thiếu hiểu biết: hoặc là thiếu hiểu biết về cách
sống, hoặc là thiếu hiểu biết lẫn nhau. Nếu chúng ta đáp lại bằng sự thù
hằn, căm giận, bản thân chúng ta cũng rơi vào chỗ thiếu hiểu biết. Cả
hai bên đều đau khổ. Ngược lại, nếu chúng ta hiểu được và cảm thông với
sự thiếu hiểu biết của người khác, ta sẽ có khuynh hướng tha thứ hơn là
tức giận. Chúng ta có làm thay đổi được người khác hay không, điều đó
còn tùy nơi năng lực cảm nhận của họ, nhưng bản thân chúng ta thì chắc
chắn sẽ tránh được thương tổn trong những trường hợp này.
Khi chúng ta đau khổ, nếu ta biết nghĩ đến những đau khổ của người khác
với sự cảm thông và chia sẻ, nỗi đau của chính bản thân ta sẽ được giảm
nhẹ. Ngược lại, sự trách móc, oán giận... chỉ càng làm tăng thêm nỗi đau
mà thôi.
Chúng ta phải chấp nhận một thực tế là cuộc đời không sao tránh khỏi
những khổ đau. Nhưng trong một chừng mực nhất định, cách hiểu và nhìn
nhận vấn đề của chúng ta có thể làm vơi đi đáng kể mức độ đau khổ. Đối
diện với từng nỗi khổ đau và tìm hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của nó có
thể giúp ta có thái độ đón nhận một cách tích cực hơn. Ngay cả khi chúng
ta đang hứng chịu một nỗi khổ đau nào đó, chúng ta vẫn thấy tự tin và
ít bị thương tổn hơn.
Tất cả chúng ta đều mong muốn được sống một cuộc sống an vui hạnh phúc
và không có sự hiện diện của khổ đau. Tuy nhiên, thái độ khôn ngoan và
thực tiễn không chỉ là sự mong muốn, mà cần phải đối mặt để tìm hiểu về
những nguyên nhân gây ra đau khổ, và làm bất cứ điều gì có thể được để
giảm nhẹ đi những nỗi khổ của bản thân cũng như của người khác. Nếu
chúng ta duy trì thái độ sợ sệt, tránh né hoặc phủ nhận khổ đau, chúng
ta sẽ không bao giờ vượt qua được tâm trạng đau khổ để có thể sống một
đời sống an vui hạnh phúc.
ĐỪNG CHUỐC LẤY KHỔ ĐAU
Chúng ta đã bàn đến những khổ đau không sao tránh khỏi trong cuộc sống.
Chẳng hạn, dù muốn hay không thì mỗi chúng ta đều phải chấp nhận bệnh
tật, chấp nhận già yếu, chấp nhận sự chết, chấp nhận sự mất mát những
người thân yêu khi họ chết đi... Đó là những khổ đau không thể tránh
khỏi.
Tuy nhiên, còn có những nỗi khổ đau mà chúng ta “tự nguyện” chuốc lấy
chỉ vì thiếu hiểu biết, hay nói một cách chính xác hơn là do nhận thức
không đúng thật về sự việc.
Chúng ta mong muốn những điều không có khả năng đạt được, và đau khổ khi
sự mong muốn của mình không được đáp ứng. Có thể kể ra vô số những
trường hợp đau khổ thuộc loại này. Từ những chuyện nhỏ nhặt và thường
xuyên xảy ra hằng ngày như mong muốn những người quanh ta phải làm điều
này, điều nọ, hoặc ứng xử theo cách này, cách khác... Trong thực tế, mỗi
người đều có những suy nghĩ và sở thích riêng, nên những mong muốn như
thế thật hiếm khi được thỏa mãn. Ở mức độ lớn hơn, chúng ta theo đuổi
những điều vượt quá khả năng thực tiễn để rồi phải đau khổ khi không đạt
được...
Rất nhiều nỗi khổ của chúng ta xuất phát từ sự mong cầu đi ngược lại tự
nhiên. Chúng ta mong muốn điều gì đó và bất kể là những mong muốn ấy có
hợp lý hay không. Hay nói đúng hơn, chúng ta không chịu nhìn sâu vào bản
chất của sự vật để có thể thấy được sự vô lý của chính mình.
Một cô gái đau khổ vì yêu thương một chàng trai nhưng không được đáp
lại. Chàng trai kia không có lỗi gì cả. Chàng hoàn toàn có quyền lựa
chọn người mình yêu thương. Nhưng cô gái đang yêu không có đủ sáng suốt
để nhận ra điều đó. Cô đau khổ vì sự sai lầm trong nhận thức của chính
mình. Nỗi đau khổ của cô chỉ có thể chấm dứt khi nào cô đối diện được
với nó và nhận ra nguyên nhân thật sự, như bao nhiêu người khác đều có
thể nhận ra.
Chúng ta cũng chuốc lấy đau khổ trong ý nghĩa làm tăng thêm những nỗi
khổ vốn có. Khi chúng ta hờn giận, căm ghét hay ganh tỵ... chúng ta sống
trong tâm trạng không vui vì chính những cảm xúc tiêu cực ấy. Tuy
nhiên, thay vì nhận ra sự thật này để vượt qua, chúng ta lại có khuynh
hướng bị thu hút vào đối tượng của sự hờn giận, căm ghét hay ganh tỵ, và
điều này càng nuôi lớn thêm những cảm xúc tiêu cực vốn có. Kết quả là,
thay vì nguôi đi theo thời gian, những cảm xúc này lại ngày càng lớn
lên, ngày càng gây đau khổ nhiều hơn cho chúng ta.
Khi bạn đang có chuyện xích mích với một ai đó chẳng hạn, đề tài thu hút
nhất trong một cuộc nói chuyện với những người khác trong lúc này có vẻ
như sẽ là nói về người ấy, và tất nhiên là với nội dung không tốt
đẹp... Mặc dù đây quả thật là điều không tốt, nhưng lại là điều rất
thường xảy ra.
Chúng ta cũng chuốc lấy khổ đau trong ý nghĩa cường điệu hóa vấn đề
không đúng như sự thật. Và vì vấn đề được đánh giá không đúng thật, nên
nó có thể trở nên nghiêm trọng một cách không cần thiết, do đó cũng làm
khổ chúng ta một cách không cần thiết. Đôi khi chúng ta phản ứng quá
khích với những vấn đề thực ra là nhỏ nhặt, hoặc chúng ta đánh giá một
sự việc qua định kiến của mình thay vì là dựa vào những gì thực sự diễn
ra. Chẳng hạn, một lời nói vô tình xúc phạm đến ta, thường không chỉ
được tiếp nhận đơn thuần trong ý nghĩa những gì nghe thấy, mà thường
được liên kết ngay với những định kiến liên quan đến người nói để rồi
suy diễn ra những điều vượt quá sự thật.
Tất cả những khuynh hướng sai lệch như trên đều là nguyên nhân chuốc lấy
tâm trạng bất an, đau khổ cho chúng ta, và cách đối trị duy nhất là
chính chúng ta phải nhận ra để từ bỏ chúng.
Chúng ta cũng chuốc lấy đau khổ trong ý nghĩa tự xem mình là trung tâm
của mọi sự việc. Khuynh hướng này thu hút về bản thân hầu hết những gì
mà ta cảm thấy không hài lòng, cho dù điều đó tạo ra cho chúng ta rất
nhiều đau khổ. Khi bạn bước vào một quán ăn và phải chờ đợi quá lâu
chẳng hạn, sự bực dọc có khuynh hướng kèm theo ý tưởng là người phục vụ
đã cố tình phớt lờ không đến chỗ bạn (?), bởi vì bạn nhìn thấy một vài
người khác đã được phục vụ... Tất nhiên đây là một ý tưởng hoàn toàn sai
lệch, nhưng phần lớn trong chúng ta thường mắc vào những sai lệch tương
tự như thế. Trong một cuộc nói chuyện giữa đông người cũng thế, nếu có
một lời chỉ trích nào đó đưa ra không có địa chỉ cụ thể, dường như chúng
ta luôn có khuynh hướng nhận lấy về mình, nhưng không phải để tiếp thu
sửa chữa mà là để phản ứng một cách vội vàng, bực dọc... Khi nhớ lại
những ngày bị giam ở trại tập trung Buchenwald của người Đức trong Thế
chiến thứ hai, Jacques Lusseyran, lãnh tụ của một nhóm kháng chiến, đã
nói một câu đầy ý nghĩa: “Đau khổ đến với mỗi chúng tôi bởi vì chúng tôi
nghĩ rằng mình là trung tâm của cả thế giới, bởi vì chúng tôi cho rằng
chỉ riêng có chúng tôi đang phải chịu đựng những đau đớn tột cùng. Người
ta đau khổ là bởi vì luôn tự nhốt mình trong thân xác chật hẹp, trong
bộ não nhỏ bé của chính mình.”
GIẢI QUYẾT NHỮNG KHÓ KHĂN
Trong cuộc sống, điều tất nhiên là mỗi ngày chúng ta đều phải đối mặt
với những khó khăn nhất định nào đó. Có những lúc êm ả, nhưng cũng có
những lúc sóng gió mà có vẻ như những khó khăn, rắc rối dồn dập xảy đến
cho ta trong cùng lúc... Điều không thể phủ nhận được là những khó khăn
này có quan hệ tất yếu đến tâm trạng của chúng ta trong cuộc sống. Nếu
chúng ta không có được một thái độ thích hợp, chúng có thể là nguồn mang
đến khổ đau cho cuộc sống của chúng ta.
Nhưng những khó khăn, rắc rối trong cuộc sống tự chúng không gây ra đau
khổ cho ta. Vấn đề là ở chỗ ta đối mặt và giải quyết chúng như thế nào.
Nếu chúng ta có thể tập trung mọi năng lực tinh thần và thể chất để tìm
ra giải pháp cho vấn đề, điều đó sẽ biến những khó khăn thành một thách
thức để vượt qua – bằng những nỗ lực đúng hướng của mình. Nhưng nếu
chúng ta rơi vào tâm trạng bực tức, không hài lòng với những gì xảy đến
cho ta, tìm cách quy trách nguyên nhân sự việc là do ở nơi này, nơi
khác... điều đó sẽ không giúp ích gì cho việc giải quyết vấn đề, mà chỉ
mang lại cho ta sự bực dọc, bất an không đáng có. Trong thực tế, chúng
ta giờ đây phải đối mặt cùng lúc với hai vấn đề: những khó khăn vẫn còn
đó đòi hỏi ta phải giải quyết, cộng thêm với những bất ổn trong tinh
thần đòi hỏi ta phải kiềm chế để không trở nên ngày càng nghiêm trọng
hơn.
Trong đêm tối, ta vấp phải một vật cản mà ai đó đã vô tình bỏ giữa lối
đi. Kết quả là ta ngã nhào, va chạm mạnh và sây sát hoặc thậm chí chấn
thương ở một nơi nào đó. Thay vì điều cần thiết là phải giải quyết ngay
những vết thương, phản ứng đầu tiên của chúng ta lại rất thường là nổi
giận vì “tên khốn” nào đó đã bỏ một vật cản ngay giữa lối đi. Chúng ta
bực tức vì hành vi vô ý thức này đã làm cho ta phải chịu đựng những
thương tổn mà lẽ ra không đáng có. Ta cảm thấy mình bị xúc phạm, bị làm
hại một cách vô lý... Nhưng tất cả những bực tức, giận dữ của ta quả
thật không ích gì. Nó chỉ làm cho ta cùng lúc phải chịu đựng hai vấn đề,
những khó chịu về thể xác kèm theo những khó chịu về tinh thần.
Rất nhiều khi chúng ta phản ứng với một tình huống khó khăn, rắc rối
trong cuộc sống tương tự theo cách này. Khuynh hướng không hài lòng với
tình huống thúc đẩy ta tìm cách quy trách vấn đề về ai đó để rồi trách
móc, bực dọc, thậm chí là oán hận... Nhưng thật đáng buồn là tất cả
những kiểu suy diễn “tự, tại, bởi, vì...” đó thực sự không mang lại điều
gì tích cực cho tình huống. Ngược lại, nó còn làm cho chúng ta giảm sút
khả năng ứng phó, giải quyết tốt vấn đề.
Vì thế, thái độ khôn ngoan nhất là hãy đối mặt giải quyết những khó khăn
khi chúng xảy ra, thay vì là bực tức, khó chịu với chúng hoặc tìm cách
quy trách cho ai đó. Khi một người bị trúng tên, điều trước hết là phải
nhổ mũi tên ra và xử lý vết thương kịp thời. Sẽ thật là ngớ ngẩn nếu
chúng ta trì hoãn vấn đề để tìm xem mũi tên đó từ đâu tới, do ai bắn,
hoặc tại sao họ làm như thế... Tuy nhiên, trong thực tế lại không ít khi
chúng ta đã ứng xử một cách ngớ ngẩn tương tự như thế.
Để loại bỏ khuynh hướng sai lầm này, chúng ta nên tập thói quen tiếp cận
và giải quyết các khó khăn trong cuộc sống bằng những phân tích khách
quan và khoa học. Chúng ta nên tránh để cho những cảm xúc sinh khởi theo
quán tính tác động đến việc giải quyết vấn đề. Mỗi vấn đề đều cần có
những giải pháp hợp lý, nhưng chúng ta không bao giờ có thể đạt đến
những giải pháp hợp lý bằng vào sự bực tức hay khó chịu. Chúng ta chỉ có
thể đạt đến bằng vào sự nỗ lực phân tích và suy luận đúng hướng mà
thôi.
Khi một đồng nghiệp luôn đối xử với ta theo một định kiến không tốt,
điều đó trở thành một vấn đề gây khó khăn thường xuyên cho ta trong công
việc. Nhưng để giải quyết vấn đề, ta không thể dựa vào sự bực tức,
trách móc người ấy, ngay cả khi ta nghĩ rằng những lý do ta đưa ra là
hoàn toàn hợp lý. Đơn giản chỉ là vì những bực tức, trách móc ấy không
có tác dụng gì trong việc cải thiện vấn đề, trong khi đó thì mỗi ngày ta
đều phải tiếp tục giao tiếp, trao đổi công việc qua lại cùng người ấy.
Chúng ta chỉ có thể giải quyết được vấn đề bằng cách phân tích sự việc
một cách hoàn toàn khách quan, tìm xem đã có sự hiểu lầm nào trong quan
hệ với người ấy hay không, hoặc ta có thực sự đã làm điều gì sai trái,
xúc phạm, gây ra sự khó chịu, bất mãn kéo dài nơi người ấy... Điều tất
nhiên là những định kiến của anh ta không thể tự nhiên nảy sinh mà cần
có những nguyên nhân ban đầu nhất định nào đó. Những nguyên nhân ấy có
thể là hợp lý, cũng có thể chỉ do hiểu lầm, nhưng dù thế nào thì ta cũng
phải hiểu ra mới có thể giải tỏa được chúng. Và chỉ khi cùng nhau giải
tỏa được những gút mắt ấy ta mới có thể giải quyết được vấn đề một cách
tốt đẹp.
Một khuynh hướng sai lầm khác nữa của chúng ta trong việc giải quyết các
vấn đề khó khăn là thường cố quy trách vấn đề về một nguyên nhân nào
đó. Trong thực tế, hầu như không có nguyên nhân duy nhất nào có thể làm
nảy sinh một vấn đề. Có thể có những nguyên nhân chính hoặc phụ, nhưng
hầu hết các vấn đề rất thường là kết quả của nhiều nguyên nhân khác
nhau. Và những nguyên nhân ấy rất hiếm khi chỉ nằm về một phía. Vì thế,
khi chúng ta thực sự phân tích vấn đề một cách khách quan, ta sẽ dễ dàng
nhận ra cả những nguyên nhân nằm về phía mình.
Biết tìm ra một cách khách quan phần trách nhiệm của mình trong việc
hình thành các mâu thuẫn xung đột hoặc bất đồng chính là một yếu tố quan
trọng góp phần giải quyết tốt vấn đề. Khi ta không tự nhận về mình phần
trách nhiệm hợp lý, ta không thể hy vọng thuyết phục được đối tượng
đồng ý với bất kỳ giải pháp nào của ta đưa ra.
Khi một người bạn từ chối không giúp đỡ vào lúc ta gặp khó khăn, vấn đề
không hẳn chỉ là do người ấy thiếu lòng tốt, mà có thể phần nào đó là do
nơi mối quan hệ giữa ta và người ấy chưa phát triển đúng mức. Và nếu
quan hệ giữa hai người không phát triển tốt đẹp thì tất nhiên điều đó có
phần trách nhiệm của chính ta.
Khi ai đó nói dối với ta điều gì, ta vẫn thường nghĩ rằng điều đó là
hoàn toàn do lỗi của người ấy. Trong thực tế không hẳn là như thế. Có
thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nói dối của người ấy, trong đó
cũng có thể có phần trách nhiệm của ta. Chẳng hạn, ta đã không tạo được
sự tin cậy đủ để người ấy cho ta biết sự thật, vì thế mà cách chọn lựa
duy nhất của anh ta là phải nói dối.
Mặt khác, ngoài phần trách nhiệm tự thân của chúng ta, còn phải xét đến
những yếu tố liên quan, hoặc những nguyên nhân phụ thuộc đã góp phần tạo
ra vấn đề. Khi một nhân viên thường xuyên đến sở làm trễ, ta thường quy
trách ngay anh ta là một kẻ thiếu trách nhiệm. Trong thực tế, có thể
bản thân anh ta đang gặp phải những khó khăn nhất định nào đó không thể
vượt qua. Chẳng hạn như anh đang phải chăm sóc người nhà có bệnh, hoặc
chiếc xe của anh đã cũ kỹ và thường xuyên hỏng máy... Nếu chúng ta không
tìm hiểu các nguyên nhân ấy, việc quy trách anh ta sẽ chẳng có tác dụng
tích cực nào.
Trên bình diện lớn hơn, những xung đột giữa các phe nhóm, các quốc
gia... cũng không bao giờ xảy ra vì một nguyên nhân duy nhất. Vì thế,
chỉ khi nào người ta khách quan nhận rõ tất cả những nguyên nhân, vấn đề
mới có thể được giải quyết theo hướng tích cực, hòa giải. Bằng không
thì việc xảy ra chiến tranh và bạo loạn sẽ là điều tất yếu.
Mặc dù những gì chúng ta vừa đề cập đến không phải là những bí quyết
thần kỳ có thể giúp ta giải quyết tất cả mọi vấn đề khó khăn, rắc rối,
nhưng chắc chắn một điều là nó giúp chúng ta thay đổi cách nhìn về sự
việc một cách đúng thật hơn, khách quan hơn. Chính yếu tố này sẽ giúp
chúng ta đối mặt với khó khăn và nỗ lực đúng hướng để vượt qua nó, thay
vì là phân tán tinh thần vào những điều vô ích và thậm chí tự chuốc lấy
những khổ đau, phiền toái không đáng có cho chính mình.
SỰ HỐI LỖI VÀ MẶC CẢM
Không có ai trong chúng ta là hoàn thiện theo nghĩa tuyệt đối. Hầu hết
chúng ta đều đã từng mắc phải những lỗi lầm nào đó. Có thể chỉ là những
lỗi lầm vụn vặt không đáng kể, nhưng cũng có thể là những sai lầm nghiêm
trọng gây tác hại nặng nề. Nói chung, bởi vì chúng ta đều là những con
người, nên điều tất yếu là mỗi chúng ta đều đã từng sai trái.
Hối tiếc về những gì mình đã làm sai, hoặc những gì mà lẽ ra nên làm
nhưng đã không làm, là những suy nghĩ tích cực có ý nghĩa giúp chúng ta
hoàn thiện bản thân, tránh được những sai lầm trước đây và ngày càng
vươn lên một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, nếu chúng ta luôn ray
rứt, tự trách về những sai lầm trong quá khứ của mình, cảm giác này sẽ
không còn mang ý nghĩa tích cực nữa mà trở thành một hình phạt nặng nề
cho tự thân, làm cho tâm hồn ta không lúc nào được thanh thản, và vì thế
mà nó cướp đi mọi nguồn vui sống, nhấn chìm chúng ta vào những khổ đau
triền miên. Chúng ta thường gọi trạng thái này là mặc cảm tội lỗi.
Khi chúng ta biết hối lỗi, ta thừa nhận những gì sai trái mình đã làm
với một ý hướng tích cực là sẽ không làm như thế nữa trong tương lai.
Tương tự, nếu ta hối tiếc vì đã không làm một điều tốt đẹp nào đó, ta
cũng tự hứa với mình là nếu gặp một tình huống tương tự trong tương lai,
ta nhất định sẽ làm.
Trong cả hai trường hợp, những ý hướng này làm nảy sinh động lực thúc
đẩy cho hành vi của chúng ta. Vì thế, nó giúp ta năng động hơn, nỗ lực
nhiều hơn để có thể thực hiện được những ý hướng của mình.
Ngược lại, khi chúng ta mang mặc cảm tội lỗi, chúng ta tự giày vò bản
thân, rơi vào tâm trạng chán chường và cảm thấy bất lực vì không thể làm
gì được để thay đổi một kết quả trong quá khứ. Trong trường hợp này, ta
không muốn làm bất cứ điều gì khác ngoài việc tự trách mình. Vì thế, ta
không có động lực nào thúc đẩy những hành vi sắp tới, và vì thế ta trở
nên thụ động, yếu đuối hơn.
Sự khiếm khuyết hoặc sai lầm của mỗi chúng ta là điều khó tránh. Nhưng
đó không phải là lý do để chúng ta từ chối vươn lên sự hoàn thiện. Trong
thực tế, ý nghĩa cuộc sống chính là nằm ở chỗ vươn lên sự hoàn thiện.
Khi chúng ta đánh mất ý hướng này, cuộc sống sẽ trở nên vô vị và không
còn động lực để sống đúng nghĩa.
Vì thế, sự hối lỗi là một yếu tố tất yếu phải có nơi mỗi người. Không
biết hối lỗi, chúng ta không có động lực để vươn lên sự hoàn thiện.
Không biết hối lỗi, chúng ta không rút tỉa được những kinh nghiệm quý
báu từ những sai lầm đã qua. Sự hối lỗi càng chân thành thì khả năng
hoàn thiện trong tương lai cũng càng mạnh mẽ hơn.
Nhưng mặc cảm tội lỗi thì ngược lại. Nó làm chậm tiến trình vươn lên của
ta, đẩy ta vào chỗ bế tắc và đánh mất sinh lực trong cuộc sống. Mặc cảm
tội lỗi làm cho chúng ta không còn tự tin nơi mình, luôn nhìn mọi sự
vật với một thái độ bi quan và thụ động. Mặc cảm tội lỗi càng lớn thì
bạn càng có nhiều nguy cơ suy sụp cả tinh thần lẫn thể chất.
Vì thế, chúng ta cần có sự phân biệt và tránh đừng để những mặc cảm tội
lỗi đeo đuổi lâu dài trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc loại bỏ những mặc
cảm tội lỗi nhiều khi cũng không phải là chuyện dễ dàng. Một nhận thức
đúng như trên là tiền đề quyết định, nhưng đôi lúc chúng ta cũng còn cần
đến những phương thức hỗ trợ nhất định, nhất là khi mặc cảm ấy sản sinh
từ một sai lầm rất nghiêm trọng hoặc để lại những hậu quả lâu dài.
Khi chúng ta không thể tự mình dứt bỏ một mặc cảm tội lỗi, chúng ta cần
thực hiện những biện pháp hỗ trợ tích cực để làm được việc này. Nếu
chúng ta mang mặc cảm vì một sai lầm gây tác hại nặng nề đến ai đó,
chúng ta cần trực tiếp nhận lỗi với người ấy để được tha thứ. Sự tha thứ
của người bị hại sẽ là một động lực rất quan trọng có thể giúp ta dứt
bỏ mặc cảm tội lỗi.
Nhưng không phải lúc nào ta cũng có thể làm được điều này. Trong những
trường hợp mà người bị hại không may đã chết hoặc đi xa và ta không còn
có dịp để tiếp xúc với người ấy, hoặc vì một lý do nào khác, ta có thể
nhận lỗi với một người thứ ba, thường phải là một người có khả năng đưa
ra sự tha thứ, chẳng hạn như một bậc trưởng thượng hoặc một người nâng
đỡ tinh thần. Hình thức xưng tội của tín đồ Thiên chúa giáo chính là
mang ý nghĩa này.
Tín đồ Phật giáo thường thực hiện nghi thức sám hối mỗi tháng hai lần,
với ý nghĩa nhắc nhở ta phải biết hối lỗi và buông bỏ những mặc cảm tội
lỗi. Tuy nhiên, một số Phật tử không được giảng giải đầy đủ về ý nghĩa
này và khi đó việc sám hối sẽ giảm đi phần nào hiệu quả của nó. Khi tham
dự một lễ sám hối, điều tất yếu là người sám hối phải biết tự soi rọi
lòng mình, nhớ lại tất cả những điều sai trái đã làm và chân thành phát
lộ sám hối. Sau khi sám hối, chỉ giữ lại trong lòng một ý hướng sửa chữa
sai lầm, hoàn thiện bản thân, mà không còn mang nặng mặc cảm tội lỗi
nữa. Đây là dựa vào đức tin và ý chí phục thiện để dứt bỏ mặc cảm tội
lỗi, cũng là một phương pháp vô cùng hữu hiệu.
Chúng ta cũng có thể quán niệm ý nghĩa vô thường của mọi sự vật để dứt
bỏ mặc cảm tội lỗi. Khi một sai lầm đã xảy ra, ta không thể làm gì khác
ngoài việc chấp nhận những hậu quả của nó. Mặc cảm tội lỗi thường sinh
ra trong ý nghĩa này, khi ta cảm thấy bất lực không thể thay đổi được
gì, và những hậu quả của sai lầm sẽ mãi mãi còn đó. Tuy nhiên, cách nghĩ
này không hoàn toàn đúng. Bởi vì bản chất của mọi sự vật là liên tục
thay đổi và không thường tồn. Nói cách khác, mọi việc đều sẽ thay đổi
theo thời gian. Vì thế, chúng ta sẽ hoàn toàn vô lý khi ôm ấp mãi trong
lòng mặc cảm tội lỗi về một việc đã làm. Chúng ta không thể thay đổi
được việc đã làm, nhưng chúng ta có thể làm rất nhiều việc khác trong ý
nghĩa để khắc phục sai lầm đã mắc phải. Việc mang nặng trong lòng một
mặc cảm và không làm gì cả là một thái độ hoàn toàn tiêu cực và không
thể mang lại bất cứ ý nghĩa tích cực nào.
CHẤP NHẬN SỰ THAY ĐỔI
Như đã nói, một trong những tính chất cơ bản của cuộc sống này là liên
tục thay đổi và không thường tồn. Phật giáo đã chỉ rõ và gọi tên tính
chất này là vô thường.
Mặc dù đây là một nguyên tắc tất yếu không thể thay đổi của đời sống
quanh ta, nhưng chúng ta lại rất thường có khuynh hướng không hài lòng,
không chấp nhận những thay đổi của đời sống. Chúng ta mong muốn hoặc
thậm chí làm bất cứ điều gì có thể để chống lại sự thay đổi.
Chúng ta thường nghe kể lại về những ước muốn ngông cuồng của các vị
hoàng đế Trung Hoa như Đường Minh Hoàng, Tần Thủy Hoàng... trong việc đi
tìm một đời sống trường sinh bất lão. Nhưng thật ra thì mỗi người trong
chúng ta vẫn thường có khuynh hướng ước muốn ngông cuồng như thế, chỉ
có điều là ta không có điều kiện để bộc lộ ra như họ mà thôi. Thật không
may là cái khuynh hướng phổ biến ở nhiều người này lại không ích lợi gì
cho chúng ta, mà chỉ có tác dụng tạo thêm những khổ đau chồng chất
trong cuộc sống vốn đã quá nhiều đau khổ.
Hiểu được về những thay đổi vốn là tự nhiên trong cuộc sống và chấp nhận
chúng, ta sẽ loại trừ được rất nhiều sự lo lắng cũng như những nỗi khổ
tâm không cần thiết. Trong thực tế, có rất nhiều hành vi ứng xử sai lầm
xuất phát từ việc không hiểu đúng được những thay đổi tất nhiên trong
cuộc sống.
Không chỉ mọi sự vật quanh ta thay đổi, mà chính bản thân ta cũng liên
tục thay đổi. Từ khi ta sinh ra cho đến lúc chết đi là một chuỗi dài
những thay đổi không ngừng. Nếu ta không hiểu và chấp nhận điều này, ta
sẽ phải trải qua những tâm trạng âu lo hoặc buồn khổ không đáng có.
Hãy quan sát một em bé. Khi mới sinh ra, em luôn đòi hỏi được bồng bế
trên tay, được ôm ấp trong lòng mẹ. Nhưng cùng với thời gian, khi lớn
lên đến độ tuổi biết đi, biết chạy, em sẽ không thích được bồng bế nữa,
mà muốn được tự do chạy nhảy, chơi đùa cùng những em bé khác. Khi đến độ
tuổi dậy thì, em lại thích có những lúc được sống cách biệt ngoài tầm
kiểm soát của cha mẹ để có thể tự khẳng định và hình thành nhân cách
riêng của mình. Những thay đổi tâm lý này là có thật và đã được ghi nhận
qua những cuộc nghiên cứu khoa học. Nhưng nếu ta không hiểu được, ta sẽ
phải lo lắng hoặc buồn khổ mỗi khi những thay đổi như thế xảy ra. Hoặc
ta sẽ tìm mọi cách để chống lại. Và trong thực tế rất nhiều bậc cha mẹ
đã làm như thế với con mình. Chẳng hạn, vì lo lắng cho con mà nhiều
người hạn chế việc cho phép trẻ được tách rời khỏi gia đình để giao tiếp
với bạn bè ngoài xã hội. Họ không biết rằng đây là điều cần thiết để
trẻ có thể học hỏi và trưởng thành. Một số người lại lo lắng khi trẻ
xuất hiện các dấu hiệu thay đổi tâm lý vào tuổi dậy thì. Nếu hiểu được
đó là một tiến trình hoàn toàn tự nhiên, tất nhiên họ sẽ không còn lo
lắng nữa.
Hiểu và chấp nhận tính chất vô thường của mọi sự việc cũng giúp ta có
một cách nhìn nhận khách quan và đúng thật hơn với những gì diễn ra
trong đời sống. Chúng ta hiểu được tính chất tạm bợ của mọi vấn đề và
không cần thiết phải quan trọng hóa chúng đến mức quá đáng. Ngay cả
những đau khổ của chúng ta cũng thay đổi theo thời gian, và vì thế không
cần thiết phải quá lo lắng khi đối mặt với bất cứ nỗi đau khổ nào.
Hiểu được tính chất vô thường của mọi sự việc, ta dễ dàng buông bỏ những
gì không hay đã xảy ra trong quá khứ. Chính đây là một trong những
nguyên nhân quan trọng đã làm khổ chúng ta trong đời sống. Nếu có thể
buông bỏ được những điều không hay đã xảy ra trong quá khứ, chúng ta sẽ
cảm thấy thanh thản hơn nhiều và do đó mà có thể sống một cuộc sống hạnh
phúc hơn.
Những quan hệ tình cảm của chúng ta cũng không đi ngoài quy luật thay
đổi theo thời gian. Tình cảm giữa một cặp vợ chồng mới cưới không thể
giống với hai mươi năm sau ngày cưới. Có thể là họ vẫn yêu thương nhau,
nhưng sự thay đổi là tất yếu, nên mỗi người không thể cảm thấy tình cảm
của người kia “giống hệt” như trước đây. Một số người không hiểu được
điều này, và họ đau khổ vì cho rằng sự thay đổi là dấu hiệu xấu đi. Điều
đó chưa hẳn đã đúng, bởi sự thay đổi là tất nhiên, nhưng quan hệ tình
cảm có xấu đi hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Mức độ
nồng nhiệt trong việc biểu lộ tình cảm giữa hai người tất yếu phải thay
đổi, nhưng điều đó không có nghĩa là quan hệ giữa họ không còn tốt đẹp
nữa.
Chúng ta cũng không thể đòi hỏi một người bạn luôn đối xử với ta theo
một cung cách nhất định. Bản thân anh ta cũng là một đối tượng của sự
thay đổi. Và có quá nhiều những yếu tố xoay quanh quan hệ giữa hai người
cũng liên tục thay đổi, điều đó tất yếu phải tác động tạo ra một thay
đổi tương ứng nơi anh ta. Hiểu được điều này, ta dễ dàng cảm thông và
không đánh giá sai lệch mức độ tình cảm trong quan hệ.
Hiểu và chấp nhận những đổi thay trong cuộc sống quanh ta là một thái độ
tích cực có thể giúp thay đổi hoàn toàn nhận thức về đời sống. Ta sẽ
hiểu ra một điều là, mặc dù cuộc sống đầy dẫy những khổ đau, nhưng rất
nhiều trong số những khổ đau ấy do chính chúng ta tự chuốc lấy bằng
những nhận thức sai lệch của chính mình.
THAY ĐỔI CÁCH NHÌN
Mỗi một sự việc xảy ra được chúng ta tiếp cận và đánh giá theo những
cách nhìn khác nhau. Và khuynh hướng thông thường nhất là mỗi chúng ta
có một cách nhìn của riêng mình. Ta thường không chấp nhận nhìn theo
cách của người khác, hoặc thậm chí luôn cho rằng chỉ có cách nhìn của
mình mới là đúng đắn.
Nhưng sự thật không phải như thế. Bản thân mỗi sự việc tự nó không mang
bất kỳ ý nghĩa nào nếu không có một mối tương quan nhất định đối với
chúng ta. Và do đó mà tùy theo sự khác biệt về mối tương quan, sự việc
cũng được nhận hiểu theo những cách khác nhau.
Các vị hiền triết ẩn cư của Hy Lạp vào thế kỷ thứ tư thường kể một câu
chuyện thú vị để minh họa cho ý nghĩa này. Có một triết gia dạy người
học trò của ông trong ba năm liền phải cho tiền bất cứ người nào đến
lăng mạ, xúc phạm anh ta. Sau khi người học trò đã nghiêm túc thực hiện
chỉ dẫn này qua ba năm, ông liền bảo anh ta đến thành Athens để học hỏi.
Khi đến nơi, anh gặp ngay một nhà thông thái đang ngồi ở cổng thành và
lớn tiếng lăng mạ tất cả mọi người ở đó. Bước vào cổng thành, người học
trò cũng không tránh khỏi bị ông ta lăng mạ, nhưng anh ta chỉ vui vẻ phá
lên cười mà đi. Nhà thông thái liền gọi lại hỏi: “Tại sao anh lại cười
khi bị ta lăng mạ?” Người học trò trả lời: “Đã ba năm nay, tôi luôn phải
trả tiền cho những người lăng mạ tôi, nhưng hôm nay ông đã làm điều đó
với tôi mà không đòi hỏi gì.”
Điều thú vị trong câu chuyện là sự việc đã được người học trò nhìn theo
một cách hoàn toàn không giống với những người khác, nhờ vào bài tập
thực hành kéo dài ba năm của vị thầy. Tất nhiên là chúng ta sẽ không bỏ
công để thắc mắc về việc một câu chuyện như thế có thật hay không, nhưng
nếu suy nghĩ một chút ta sẽ dễ dàng nhận ra là có vô số những câu
chuyện có ý nghĩa tương tự như thế xảy ra quanh ta trong cuộc sống này.
Cùng một sự việc xảy đến cho người này, trong hoàn cảnh này có ý nghĩa
tích cực, nhưng khi xảy đến cho một người khác, trong hoàn cảnh khác lại
có thể là tiêu cực. Một bác sĩ sau khi chẩn đoán cho bệnh nhân bị bệnh
phổi đã đưa ra lời khuyên: “Ông nên hút mỗi ngày chỉ một điếu thuốc
thôi, đừng bao giờ nhiều hơn.” Lần tái khám, bệnh nhân than phiền là ho
dữ dội hơn cả trước đó. Nguyên nhân là vì trước khi đưa ra lời khuyên,
vị bác sĩ đã quên hỏi xem bệnh nhân có hút thuốc hay không. Và trong
thực tế thì bệnh nhân vốn là người xưa nay không biết hút thuốc!
Tất nhiên tôi sẽ giấu tên vị bác sĩ, và chắc là bạn cũng không muốn
biết. Nhưng câu chuyện khôi hài này thực sự cho chúng ta một minh họa
khác về những ý nghĩa không giống nhau của cùng một sự việc.
Khi ta phân tích một sự việc từ nhiều khía cạnh khác nhau, ta sẽ nhận ra
một điều thú vị là hầu như bất cứ sự việc nào cũng có những khía cạnh
tích cực nhất định của nó. Câu chuyện “Tái ông thất mã” nổi tiếng của
người Trung Hoa là một ví dụ rất rõ nét cho nhận xét này.
Một ông già ở vùng biên giới bị mất con ngựa. Hàng xóm đến chia buồn,
ông cười nói: Chưa hẳn đã là điều xấu. Ít hôm sau, con ngựa tìm về, hàng
xóm đến mừng, ông cười nói: Chưa hẳn đã là điều tốt. Quả thật, mấy ngày
sau con trai ông cưỡi con ngựa ấy mà bị ngã gãy chân. Hàng xóm lại đến
chia buồn, ông cười nói: Chưa hẳn đã là điều xấu. Thời gian sau có giặc
Hồ đánh phá, trai tráng trong làng phải đi lính chết gần hết, con trai
ông nhờ có tật ở chân mà khỏi đi lính, được ở nhà phụng dưỡng cha mẹ.
Trong thực tế, việc nhận ra những khía cạnh tích cực của mỗi vấn đề luôn
giúp ta giảm nhẹ rất nhiều căng thẳng trong cuộc sống. Điều đó không có
nghĩa là ta sẽ thụ động trong việc giải quyết vấn đề, nhưng nó giúp
loại trừ những căng thẳng không cần thiết, giúp chúng ta có thể tập
trung giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hơn.
Nhìn nhận khía cạnh tích cực của vấn đề cũng không phải là một cách tự
kỷ ám thị nhằm xoa dịu những khó khăn của hoàn cảnh. Bởi vì chúng ta
không hề tưởng tượng ra những mặt tích cực đó, ta chỉ sáng suốt nhận ra
bằng vào sự phân tích khách quan, không thiên lệch. Mỗi người chúng ta
đều có thể liên hệ thực tế để thấy được điều này.
Lấy ví dụ, những trẻ em sinh ra trong gia đình nghèo khó luôn gặp phải
những khó khăn về vật chất. Các em thiếu thốn phương tiện học tập và đôi
khi còn phải làm việc vất vả để phụ giúp gia đình, nên thiếu cả thời
gian học tập. Tuy vậy, mặt tích cực của vấn đề là chính trong môi trường
rèn luyện này mà các em có thể sớm hình thành những nhân cách tốt đẹp,
biết tự lập và nỗ lực vượt qua khó khăn. Các em cũng dễ dàng hiểu được
và cảm thông với những khó khăn của người khác, nhờ vào việc tự mình đã
trải qua hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta không nêu ra điều này như một cách
để an ủi những người nghèo khó, mà là nêu lên một sự thật vốn có. Trong
thực tế, có thể kể ra rất nhiều các bậc vĩ nhân thế giới đã xuất thân
từ những môi trường khó khăn, vất vả. Sự thành đạt của họ rõ ràng là
không thể phủ nhận yếu tố đóng góp từ sự tôi luyện trong cuộc sống khó
khăn.
Khi bạn được chỉ định đi công tác xa, có thể là một bất lợi cho gia đình
vì có rất nhiều việc sẽ phải trì hoãn trong suốt thời gian bạn vắng
nhà. Nhưng vấn đề có thể có nhiều mặt tích cực khác, chẳng hạn như là
một cơ hội để bạn học hỏi và tiếp xúc với nhiều điều mới lạ, hoặc cũng
có thể là một dịp để bạn cải thiện điều kiện sức khỏe tốt hơn nhờ được
tạm rời xa thành phố náo nhiệt và sống ở miền quê với không khí trong
lành...
Không chỉ là các sự kiện, chúng ta cũng nên tiếp cận với những người
quanh ta theo cách này. Mỗi người đều có những khía cạnh tích cực nào
đó, ngay cả những người mà thoạt nhìn ta có thể đánh giá là người xấu.
Một đồng nghiệp tham lam, keo kiệt quả là không tốt chút nào, nhưng rồi
một hôm nào đó bạn mới tình cờ phát hiện ra ông ta là một người cha,
người chồng lý tưởng, và chính vì lo lắng cho tương lai của các con mà
ông đã trở nên một người tham lam, keo kiệt như bạn thấy...
Thường thì khi chúng ta đã có một định kiến xấu về ai đó, chúng ta rất
khó nhận ra những mặt tích cực của người ấy. Đây là một khuynh hướng sai
lầm, và nó ngăn cản ta thiết lập những mối quan hệ tốt đẹp với người
khác. Vì thế, cũng là trở ngại cho chúng ta trên con đường hướng đến một
cuộc sống an vui hạnh phúc. Khi chúng ta có thể nhận ra được những khía
cạnh tích cực của ai đó một cách khách quan, ta xóa bỏ được những
khoảng cách trong việc thiết lập mối quan hệ thân thiết cùng người ấy.
Mặt khác, mỗi vấn đề trong cuộc sống đều có mối tương quan nhất định với
những vấn đề khác. Vì thế, ngoài việc xem xét vấn đề từ nhiều khía cạnh
khác nhau, chúng ta cũng nên xem xét vấn đề một cách bao quát, trong
một toàn cảnh các vấn đề có liên quan. Với cách nhìn nhận này, chúng ta
mới có thể đưa ra những đánh giá xác thực và tích cực.
Khi chúng ta gặp phải một khó khăn, rắc rối nào đó, ta thường có khuynh
hướng tập trung sự chú ý, lo lắng vào vấn đề. Khuynh hướng này làm ta có
cảm giác như vấn đề là rất nghiêm trọng và chỉ có ta là người duy nhất
phải chịu đựng. Thật không may là điều đó không có ích gì trong việc đối
phó với vấn đề mà chỉ tạo ra cho chúng ta một trạng thái căng thẳng
nhiều hơn. Chỉ cần ta nhìn nhận vấn đề trong một toàn cảnh bao quát hơn,
ta sẽ thấy ngay là còn có rất nhiều vấn đề khác nghiêm trọng hơn nhiều,
và còn có rất nhiều người khác cũng phải đối mặt với những vấn đề tương
tự như ta. Ngay khi nhận thức được điều đó, ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn
và có thể tập trung năng lực để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hơn.
Việc thay đổi cách nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau cũng
như cố gắng tìm ra những mặt tích cực của vấn đề tuy không làm cho vấn
đề thay đổi, nhưng nó giúp chúng ta tiếp cận với vấn đề theo một cách
tích cực hơn và có khả năng đối phó, giải quyết một cách hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta hầu như không thể nhất thời thay đổi
ngay mà cần phải thông qua sự học hỏi và rèn luyện kiên trì với thời
gian. Rồi chúng ta sẽ dần dần tạo thành thói quen tiếp cận với mọi vấn
đề theo phương thức tích cực này.
HÓA THÙ THÀNH BẠN
Đây không phải là một lời khuyên có tính triết lý hay đạo đức. Đây là
một thái độ khôn ngoan và tích cực có ý nghĩa mang lại lợi ích không chỉ
cho bản thân chúng ta mà còn là cho cả cộng đồng xã hội. Mặc dù vậy,
điều đáng buồn là không phải bất cứ ai cũng có thể sớm nhận ra điều đó.
Khi chúng ta có một kẻ thù, trong ý nghĩa là những kẻ đã làm thương tổn
đến ta, khuynh hướng thông thường nhất là chúng ta không mong muốn bất
cứ điều tốt đẹp nào cho người ấy. Kèm theo đó, ta còn muốn làm một điều
gì đó để gây thương tổn cho họ. Nhưng một thực tế hiển nhiên mà bất cứ
ai trong chúng ta cũng có thể nhận ra là, cho dù những hành động của ta
có làm cho kẻ thù đau khổ, điều đó cũng không mang lại bất cứ ích lợi
thực tiễn nào cho bản thân ta, và tâm trạng khoái trá, hả lòng của chúng
ta khi ấy quả thật là vô lý.
Và không chỉ là vô lý, nếu chúng ta suy xét kỹ vấn đề, ta sẽ thấy rõ
những tính chất độc ác và hung hãn của khuynh hướng thù hận. Trong một
tâm trạng bình tĩnh và sáng suốt, thường thì bạn không thể tán đồng
khuynh hướng ấy.
Khi chúng ta nuôi dưỡng ý niệm trả thù, điều đó tạo ra một cái vòng luẩn
quẩn tồi tệ. Khi bạn thực sự làm điều gì đó gây hại cho kẻ thù, người
ấy cũng sẽ không chấp nhận bỏ qua, và vì thế mà một hành động trả miếng
tất nhiên là sớm muộn gì rồi cũng sẽ xảy ra. Khi đó, bạn lại dồn mọi nỗ
lực của mình vào việc... trả miếng thật đích đáng. Và cứ thế mà mọi việc
tiếp diễn theo khuynh hướng ngày càng tệ hại hơn.
Khi hận thù không chỉ giữa hai cá nhân mà xảy ra giữa hai phe nhóm hoặc
cộng đồng, quốc gia... sự việc sẽ càng đáng sợ hơn, bởi vì nó có thể
tiếp tục truyền nối qua nhiều thế hệ. Kết quả tất yếu là cả hai phía đều
sẽ chất chồng ngày càng nhiều đau khổ. Điều đáng buồn nhất là trong
những trường hợp đó, các thành viên cộng đồng thường có khuynh hướng bị
đầu độc bởi sự thù hận ngay từ khi vẫn còn thơ ấu. Vì thế, thật vô cùng
khó khăn để bất cứ ai trong những cộng đồng này có thể thức tỉnh và
thoát được ra khỏi sự thù hận.
Một số người cho rằng thù hận có công năng tạo ra sức mạnh đối kháng, và
vì thế nó có lợi cho một cộng đồng trong sự cạnh tranh với những cộng
đồng khác. Điều này là đúng, nhưng chỉ là một giá trị nhất thời trên bề
mặt của vấn đề mà thôi. Cũng tương tự như khi một vận động viên dùng
thuốc kích thích để đạt thành tích cao. Điều khác biệt ở đây là, thuốc
kích thích bị xem như bất hợp pháp, còn thù hận thì chưa bị luật pháp
ngăn cấm, cho dù rất nên làm như vậy. Sức mạnh có được do sự thù hận
không chỉ hướng đến kẻ thù, nó còn hủy hoại ngay chính người nuôi dưỡng
nó.
Sự thù hận là một trong những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ nhất. Nó như một
ngọn lửa, khi bùng cháy lên sẽ có khuynh hướng thiêu đốt mọi thứ tiếp
xúc với nó. Vì thế, khi chúng ta nuôi dưỡng sự thù hận, tác hại trước
hết là bản thân chúng ta chứ không phải kẻ thù của ta. Bạn có thể tự
mình phân tích những kinh nghiệm tự thân để thấy được tác hại của sự thù
hận. Tâm trạng chúng ta trở nên nóng nảy, bồn chồn. Chúng ta không một
phút nào được thanh thản, yên ổn, bởi vì sự thù hận bao giờ cũng đi kèm
theo với sự căm tức, giận dữ. Dân gian thể hiện ý nghĩa này trong một so
sánh giản đơn nhưng vô cùng chính xác, cụ thể: “Nóng mất ngon, giận mất
khôn.” Nói cách khác, thù hận làm chúng ta mất đi sự sáng suốt trong
tâm trí, và vì thế mà dễ dàng tiếp tục sa lầy vào những khuynh hướng,
quyết định sai lầm khác...
Vì thế, khi chúng ta buông bỏ sự thù hận, chúng ta giải thoát trước hết
là cho bản thân mình. Sự thù hận đối nghịch và ngăn cản sự phát triển
của lòng từ bi, do đó cũng ngăn cản chúng ta đạt đến một đời sống yên
vui, hạnh phúc.
Xét cho cùng, khi ai đó làm thương tổn đến ta, sự thù hận không giúp ta
hàn gắn hay bù đắp lại những thương tổn ấy. Nó chỉ làm được một điều duy
nhất là gây thêm những thương tổn mới, cho bản thân ta và cho kẻ thù
của ta. Bằng cách đó, nó lôi kéo thêm sự tiếp tay của kẻ khác để gây
thương tổn cho ta càng nặng nề hơn nữa.
Hãy nhìn sự việc khi diễn tiến theo hướng ngược lại. Không mang lòng thù
hận đối với kẻ đã gây thương tổn cho ta, có nghĩa là tha thứ. Sự tha
thứ có công năng cảm hóa thay vì là khơi nguồn cho những ý tưởng thù
hận. Người đã gây hại cho ta chắc chắn sẽ suy nghĩ lại về việc làm của
mình và cảm kích trước sự tha thứ của ta. Nhưng trong trường hợp xấu
nhất, nếu đó là một kẻ “không biết điều”, thì ít nhất sự việc cũng sẽ
trôi qua mà không gây thêm tác hại nào khác.
Về mặt bản thân chúng ta, quyết định tha thứ sẽ là một quyết định khôn
ngoan nhất mà ta có được, bởi vì nó tránh cho ta việc lún sâu vào một
chuỗi dài của những bất an và căng thẳng do thù hận mang đến. Những
thương tổn của ta rồi cũng sẽ qua đi. Xét cho cùng, còn có biết bao
nhiêu những thương tổn trong cuộc sống mà cho dù ta có muốn đem lòng thù
hận cũng chẳng biết hận thù ai. Động đất, bão lụt, bệnh tật, hạn hán...
mỗi năm cướp đi hàng ngàn sinh mạng trên trái đất này. Người thân của
những nạn nhân ấy, nếu muốn thù hận cũng biết thù hận ai đây? Chúng ta
không nên quá cố chấp, chỉ vì một thương tổn đã qua mà tiếp tục gây ra
thêm nhiều thương tổn khác cho bản thân và cho người khác.
Nhưng chúng ta đôi khi cũng không thể chủ động hoàn toàn trong việc “gây
thù chuốc oán” cùng ai đó. Chẳng hạn, do một sai sót vô tình hay cố ý,
ta đã gây thương tổn cho ai đó. Và thay vì tha thứ, người ấy đã quyết
định xem ta như một kẻ thù. Điều tốt nhất ta có thể làm trong trường hợp
này là, cho dù bản thân ta bị người ấy xem như kẻ thù, ta cũng không
nên đáp lại bằng sự thù hận tương tự. Thái độ này sẽ mở ra cho ta một cơ
may hóa giải thù hận, thay vì là ngày càng gây thêm nhiều đau khổ cho
cả đôi bên.
Nhưng một khi thù hận chưa thực sự được hóa giải thì những kẻ thù “bất
đắc dĩ” như thế tất nhiên là vẫn luôn nỗ lực nhắm đến việc làm hại chúng
ta. Vì thế, việc tha thứ hoặc đối xử tốt với họ trong trường hợp này
không phải là việc dễ làm. Chúng ta cần có những cách nhìn sâu sắc hơn
về vấn đề mới có thể chuyển hóa được những hoàn cảnh khó khăn như thế.
Một trong những cách nhìn có công năng giúp chúng ta chuyển hóa vấn đề
là hãy xem những kẻ thù của chúng ta như điều kiện cần thiết để giúp ta
thực hành việc phát triển lòng từ bi. Đứng từ góc độ này, họ không còn
là những kẻ thù của ta nữa, mà là những người thầy, những người bạn tốt
đã mang lại cho chúng ta cơ hội để thực hành lòng từ bi, sự cảm thông và
kiên nhẫn.
Chúng ta nên biết rằng, cách nhìn nhận vấn đề như thế này là dựa trên
những phân tích khoa học và hợp lý. Trong vô số những con người đang
cùng ta sinh trưởng trên trái đất này, ta chỉ có cơ hội để tiếp xúc với
một số rất ít mà thôi. Và trong số đó, những người thực sự thù hận ta,
muốn làm hại ta, lại càng ít hơn, nếu không nói là rất hiếm. Chính số
người hiếm hoi này mới là những người có thể giúp ta thực hành, rèn
luyện lòng từ bi, sự cảm thông, tha thứ và kiên nhẫn của mình. Tất cả
những đức tính tốt đó sẽ chẳng bao giờ thực sự trưởng thành trong ta nếu
không có được những cơ hội hiếm hoi đối mặt với kẻ thù – không phải để
ăn miếng trả miếng, mà là để yêu thương, tha thứ và cảm hóa. Xét từ góc
độ này, những kẻ thù của ta rõ ràng là những bậc thầy, những người bạn
tốt, và chúng ta cần biết ơn họ về điều đó.
Bạn có thể vẫn còn hoài nghi về lập luận này. Nhưng bạn hãy thử nghĩ đến
trường hợp của các vận động viên cử tạ. Họ không thể tự nhiên mà có
được sức mạnh hơn người làm cho chúng ta nể phục. Sức mạnh đó có được
chính là nhờ qua những buổi luyện tập kiên trì với những quả tạ nặng nề
trong phòng tập. Tất nhiên, việc nhấc những quả tạ mỗi ngày sẽ không dễ
chịu chút nào. Họ phải gắng sức, đổ mồ hôi và mỏi mệt vì luyện tập.
Nhưng bù lại, họ ngày càng khỏe mạnh hơn, có thể vượt qua những người
khác nhờ vào sự kiên trì luyện tập cơ thể. Nếu không có những quả tạ
nặng nề trong phòng tập, liệu họ có đạt được mục đích của mình hay
chăng?
Trong ý nghĩa đó, những kẻ thù của ta là những “quả tạ” để giúp ta rèn
luyện. Điều đáng nói hơn nữa là, trong phòng tập luôn sẵn có những quả
tạ, còn những kẻ đối nghịch với ta thì không phải lúc nào cũng sẵn có.
Vì thế, nói theo lẽ tự nhiên thì ta càng phải biết quý trọng, đánh giá
cao những “cơ hội luyện tập” mà mình có được.
Lòng từ bi, sự cảm thông và đức kiên nhẫn không mang lại lợi ích cho
những ai chỉ học biết suông qua lý thuyết. Chúng chỉ thực sự mang lại
lợi ích cho ta thông qua việc thực hành trong đời sống hằng ngày. Và
chúng ta phát triển được những đức tính ấy chính là nhờ vào sự thực
hành, rèn luyện trong những trường hợp va chạm cụ thể. Bằng không, chúng
ta chỉ có thể có được những tri thức về các đức tính ấy mà không bao
giờ thực sự có được chúng trong tâm hồn.
Nếu bạn vào sống trong một tu viện giữa những người hòa nhã và tốt bụng
để thực hành lòng từ bi, sự cảm thông và tha thứ, bạn sẽ chẳng có cơ hội
nào để rèn luyện cả. Kết quả là bạn sẽ có cảm giác như mình đã có đủ
những đức tính này, nhưng một khi môi trường thay đổi và bạn thực sự đối
mặt với một sự thù nghịch, lăng mạ hay xúc phạm từ người khác, bạn sẽ
không có khả năng để thực hành lòng từ bi, sự cảm thông và tha thứ trong
những trường hợp khó khăn này. Ngược lại, nếu bạn đã từng tha thứ cho
những kẻ thù của mình, có thể đối xử tốt với họ như bao nhiêu người
khác, bạn có thể tin chắc rằng sự thực hành của bạn có thể mang lại cho
bạn một cuộc sống yên vui, hạnh phúc.
Chuyển hóa sự thù hận không phải chuyện dễ dàng. Trong thực tế, đây có
thể là một trong những việc khó làm nhất đối với hầu hết chúng ta. Tuy
nhiên, nếu bạn chịu nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và sáng suốt,
chắc chắn bạn cũng sẽ đồng ý rằng đó là điều tốt nhất nên làm. Và để làm
được, bạn cần dành nhiều thời gian suy nghĩ về vấn đề, cũng như thường
xuyên mang ra thực hành ngay trong cuộc sống của mình. Một khi bạn đã
làm được việc khó làm, điều tất yếu là bạn sẽ nhận được phần thưởng quý
giá: một cuộc sống hạnh phúc hơn.
SỰ CỐ CHẤP VÀ LINH HOẠT
Những quan điểm, cách nhận thức của chúng ta đối với từng vấn đề nói
riêng và với cuộc đời này nói chung không phải là một yếu tố bất biến.
Mọi thứ đều liên tục thay đổi, và vì thế mà ngay cả bản thân ta cũng
phải thay đổi một cách linh hoạt nếu muốn vươn đến sự hoàn thiện. Khi
chúng ta không hiểu được điều này, chúng ta rất dễ rơi vào chỗ cố chấp,
bảo thủ.
Có những giá trị tinh thần, những chuẩn mực đạo đức hay những nguyên tắc
triết lý được tôn trọng gần như tuyệt đối trong một xã hội nào đó, vào
một thời điểm nhất định nào đó, nhưng không phải là ở khắp mọi nơi và
vào mọi thời đại. Môi trường thay đổi, hoàn cảnh thay đổi, và mọi giá
trị, chuẩn mực hay nguyên tắc cũng cần thiết phải thay đổi mới có thể
đảm bảo thích hợp với vai trò của chúng trong từng xã hội, từng thời đại
khác nhau.
Vì thế, chúng ta cần phải có một sự linh hoạt nhất định trong việc tiếp
cận với những giá trị mới. Trong một chừng mực nhất định, những giá trị
mới có ý nghĩa rất quan trọng, thiết yếu cho sự hoàn thiện của cá nhân
và cộng đồng.
Nhưng không phải tất cả những giá trị mới đều đáng tiếp nhận. Việc sản
sinh ra những giá trị mới là quy trình tất yếu trong nỗ lực vươn lên của
mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội, nhưng trong số rất nhiều giá trị mới
sản sinh, chỉ một số ít là thực sự có thể chấp nhận để trở thành những
chuẩn mực mới.
Quan điểm mở rộng, linh hoạt và sẵn sàng tiếp nhận những giá trị mới
không đồng nghĩa với việc đánh mất lập trường căn bản. Mỗi chúng ta đều
có những niềm tin, nhận thức được thừa hưởng từ những thế hệ đi trước
trong cộng đồng. Những niềm tin, nhận thức này đã đạt được qua quá trình
chiêm nghiệm thực tế của tiền nhân, và nó có những giá trị cơ bản nhất
định không thể phủ nhận.
Vấn đề nảy sinh ở đây là, làm thế nào để chúng ta có thể vừa duy trì
được một cách nhất quán và kiên định những giá trị cơ bản trong niềm tin
và nhận thức, mà vẫn có thể linh hoạt tiếp cận và mở rộng khả năng tiếp
thu những giá trị mới?
Để làm được điều đó, chúng ta cần phải xác định được những yếu tố cơ bản
cần thiết phải được duy trì. Chẳng hạn, đứng từ góc độ xây dựng một
cuộc sống an vui hạnh phúc, chúng ta cần phải xác định những yếu tố cơ
bản như là: những giá trị nhân bản chung, sự khao khát được sống hạnh
phúc và không muốn khổ đau của tự thân cũng như của tất cả những người
khác. Trên nền tảng của những giá trị cơ bản này, chúng ta mới xem xét
việc tiếp thu bất cứ một giá trị mới nào được đưa ra. Điều đó có nghĩa
là, việc tiếp thu bất cứ một chuẩn mực, nguyên tắc mới nào cũng không
thể đi ngược lại các giá trị cơ bản nói trên.
Mở rộng quan điểm linh hoạt trên các lãnh vực khác của đời sống, điều
trước tiên mà chúng ta cần làm là phải phân tích hệ thống những niềm tin
và nhận thức hiện có của mình để xác định những giá trị cơ bản tối
thiểu nào cần duy trì trong đó. Nếu chúng ta không làm được điều này, sẽ
có hai khả năng xảy ra khi tiếp cận với những giá trị mới. Hoặc là việc
tiếp nhận cái mới sẽ vô cùng khó khăn, và chúng ta trở thành cố chấp,
bảo thủ. Hoặc là ta sẽ không giữ được bất cứ giá trị cơ bản nào của bản
thân và cộng đồng, và chúng ta trở thành những kẻ mất gốc, không định
hướng. Ngược lại, việc xác định và tuân theo những giá trị cơ bản mở ra
cho chúng ta khả năng tiếp nhận dễ dàng những giá trị mới và đồng thời
trở nên cởi mở, linh hoạt hơn trong việc ứng xử với các vấn đề nảy sinh
trong cuộc sống hằng ngày.
SỰ CÂN BẰNG TRONG CUỘC SỐNG
Việc mở rộng quan điểm một cách linh hoạt không chỉ giúp chúng ta thích
nghi tốt trong việc ứng xử với các vấn đề nảy sinh mỗi ngày trong đời
sống, mà còn là nền tảng để hình thành một yếu tố quan trọng khác trong
việc xây dựng đời sống hạnh phúc: sự cân bằng trong đời sống.
Mức độ cân bằng hay vừa phải có giá trị cực kỳ quan trọng trong sự tồn
tại của bất kỳ sự vật nào. Người biết sống là người không bao giờ đi đến
chỗ cực đoan trong bất cứ vấn đề nào. Đây không phải là một ý tưởng
mang tính cách lý thuyết, mà là một nguyên tắc rất thiết thực có thể áp
dụng vào mọi sự việc trong đời sống hằng ngày. Khi bạn trồng một cây non
chẳng hạn, tưới nước quá nhiều hoặc quá ít đều có thể làm cây chết. Chỉ
với một mức độ vừa phải thì cây mới có thể sống được và phát triển tốt.
Để bảo vệ sức khỏe của con người cũng vậy, bạn cần một sự cân đối về
dinh dưỡng. Bất cứ yếu tố nào quá nhiều hoặc quá ít đều có thể gây rối
loạn hoặc bất lợi cho cơ thể.
Tinh thần và thể chất của chúng ta đều cần có một sự cân bằng để có thể
phát triển trong điều kiện tốt nhất. Khi chúng ta tự thấy mình rất hài
lòng với những thành quả đạt được trong cuộc sống đến mức dần trở nên
kiêu căng, tự mãn, chúng ta cần biết suy ngẫm về những bất ổn và khổ đau
thực sự vẫn đang tồn tại, cũng như những khía cạnh không hoàn thiện của
đời sống. Điều này sẽ giúp chúng ta lấy lại mức độ cân bằng cần thiết
vì nó giảm bớt sự hưng phấn thái quá. Ngược lại, khi chúng ta tự mình
đắm sâu vào những ý tưởng tiêu cực, cảm thấy cuộc sống đầy những khó
khăn, bất ổn và khổ đau... khiến cho tinh thần chúng ta trở nên suy sụp,
chán nản, chúng ta cần biết nghĩ đến những thành quả nhất định mà mình
đã đạt được, những phẩm chất tốt đẹp của bản thân, cũng như những khía
cạnh tích cực trong đời sống... Điều này cũng sẽ giúp chúng ta lấy lại
mức độ cân bằng cần thiết vì nó giải tỏa trạng thái trầm uất và làm cho
ta phấn chấn hơn lên. Trong cả hai trường hợp, chúng ta đều phải tránh
không rơi vào thái độ cực đoan, nghiêng hẳn về một phía.
Không chỉ ở phạm vi tâm lý cá nhân mà trong trường hợp của một cộng đồng
hay toàn xã hội, những thái độ cực đoan đều luôn dẫn đến những kết quả
bất lợi. Chúng ta cần biết cân nhắc và kết hợp nhiều yếu tố khác nhau
liên quan đến vấn đề để đạt được giải pháp dung hòa thích hợp nhất.
Trong quá trình rèn luyện tự thân cũng vậy, chúng ta cần có sự cân đối
hài hòa giữa việc học hỏi những gì thuộc về lý thuyết với việc thực hành
những tri thức đó trong cuộc sống. Chỉ nghiêng về mặt học hỏi lý thuyết
mà thiếu sự thực hành, hoặc ngược lại, đều không thể giúp ta đạt đến
những kết quả khả quan trong sự tu dưỡng.
Khuynh hướng cực đoan thường xuất phát từ nội tâm chúng ta hơn là do
ngoại cảnh tác động. Đơn giản là vì yếu tố vật thể luôn có những giới
hạn nhất định, nhưng những mong cầu trong lòng ta thì không có giới hạn.
Lấy một ví dụ, nếu sống trong cảnh nghèo khó chúng ta sẽ phải chịu đựng
rất nhiều khó khăn vì thiếu thốn về mặt vật chất, và ta cần nỗ lực để
vươn lên một cuộc sống đầy đủ hơn. Nhưng nếu chúng ta nhắm đến một cuộc
sống xa hoa, phung phí, điều đó có nghĩa là ta đã nghiêng về một phía
cực đoan của vấn đề. Những nhu cầu vật chất của chúng ta có một mức độ
nhất định để thỏa mãn, vì thế chúng ta có thể hài lòng. Nhưng lòng ham
muốn của chúng ta không có mức độ giới hạn nhất định, và nó có thể tiếp
tục gia tăng bất kể là chúng ta đã đạt được đến mức độ nào. Vì thế, sự
thật là không phải những nhu cầu vật chất thúc đẩy chúng ta đến chỗ cực
đoan, mà chính là lòng ham muốn, là cảm giác không thỏa mãn trong nội
tâm.
Đôi khi, sự thiếu hiểu biết, quan điểm hẹp hòi hoặc những cách nhìn
phiến diện về sự việc cũng dẫn đến sự cực đoan, quá khích. Trong những
trường hợp đó, chính bản thân chúng ta sẽ là người nhận lãnh hậu quả của
sự cực đoan ấy. Lấy ví dụ như việc người ta đang tận dụng hàng loạt
những phương tiện hiện đại để ráo riết đánh bắt cá trên các đại dương.
Đây là một thái độ quá khích do thiếu sự hiểu biết toàn diện về vấn đề.
Người ta chỉ nhìn thấy những nguồn lợi được thu về trước mắt, nhưng
không thấy được những mối nguy hại lâu dài về sau cho môi trường, thậm
chí dẫn đến làm tuyệt chủng nhiều loài cá. Để khắc phục những hành vi
cực đoan loại này, chúng ta cần phải có sự mở rộng về mặt tri thức cũng
như nhận thức để có thể hiểu đúng vấn đề một cách toàn diện.
Hầu hết chúng ta đều đã từng có một hoặc nhiều lần rơi vào chỗ cực đoan
về một sự việc nào đó. Vấn đề là chúng ta phải biết nhận ra và sớm điều
chỉnh để lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống. Đây là một trong những yếu
tố rất quan trọng giúp ta đạt đến một cuộc sống an vui hạnh phúc.
QUÁN XÉT KHỔ ĐAU
Chúng ta không ai muốn khổ đau, nhưng thực tế là không ai có thể tránh
khỏi đau khổ. Hầu hết chúng ta đều đã từng trải qua những nỗi đau đớn về
thể xác cũng như tâm hồn, với những mức độ khác nhau. Dù muốn hay
không, chúng ta vẫn phải tiếp tục chịu đựng những nỗi đau khác nữa trong
phần còn lại của cuộc đời mình. Bởi vì, xét cho cùng thì chúng ta chưa
hề nhìn thấy và cũng không thể tưởng tượng ra được một cuộc sống bình
thường lại không có khổ đau. Chẳng thế mà người ta vẫn thường nói: Đời
là bể khổ.
Do tính cách phổ quát và mức độ thường xuyên phải tiếp cận, nên khổ đau
có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống của mỗi chúng ta, nhất là khi
ta luôn hướng đến một đời sống an vui hạnh phúc. Nói cách khác, việc ta
có thể sống an vui hạnh phúc hay không là tùy thuộc phần lớn vào cung
cách mà ta tiếp nhận và chịu đựng những khổ đau trong đời sống.
Thật ra, khuynh hướng không muốn chịu đựng đau khổ của chúng ta là một
khuynh hướng sai lầm, xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về đau khổ. Ở đây,
tôi muốn nói đến cả những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. Trên cả hai
bình diện lý thuyết và thực nghiệm, chúng ta đều có thể chỉ ra rằng sự
vắng mặt hoàn toàn của khổ đau sẽ là một thảm họa cho con người. Và để
thực sự hiểu thấu được điều đó, chúng ta cần phải biết quán xét những ý
nghĩa tích cực của khổ đau.
Chúng ta sẽ bắt đầu với những nỗi đau đớn về thể xác, bởi vì ta thường
nghĩ rằng những cảm giác khó chịu ở nhiều mức độ khác nhau này có vẻ như
không mang ý nghĩa nào khác ngoài việc làm cho chúng ta... khó chịu.
Nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ rằng cảm giác đau đớn là một phản ứng tích
cực và tối cần thiết của cơ thể chúng ta trong việc tự bảo vệ chính
mình. Trong trường hợp của những bệnh nhân mắc bệnh hủi, sự hủy hoại
nặng nề xảy đến cho cơ thể họ không phải trực tiếp do căn bệnh gây ra,
mà là do việc nó làm cho họ mất cảm giác đau đớn ở tay chân. Vì không có
cảm giác đau đớn, họ có thể đi lại, chạy nhảy ngay trong khi chân họ
đang bị thương tổn nặng. Và điều này làm cho thương tổn trở nên trầm
trọng đến mức hủy hoại. Đôi khi, họ có thể đưa tay vào lửa để nhặt lấy
một vật gì đó, bởi vì họ không cảm thấy đau đớn do lửa nóng. Họ cũng có
thể ngủ yên trong khi những con chuột gặm nhấm ngón tay, ngón chân của
họ...
Vì thế, cảm giác đau đớn rất cần thiết để bảo vệ chúng ta tránh khỏi
những thương tổn thể xác. Nó báo hiệu sự nguy hiểm để ta tránh né, và
đồng thời cũng cho ta kinh nghiệm để phòng ngừa trong tương lai. Mặt
khác, cảm giác đau đớn còn là một tín hiệu kích thích toàn bộ cơ thể để
kịp thời phản ứng với một điều kiện bất lợi nào đó trong môi trường.
Như vậy, cảm giác đau đớn là cần thiết cho sự tồn tại của cơ thể. Nhưng
sự khó chịu do cảm giác đau đớn mang lại là không cần thiết, và có thể
giảm nhẹ đi rất nhiều nhờ vào sự hiểu biết cũng như rèn luyện. Chúng ta
gọi đây là khả năng chịu đựng đau đớn. Nếu như có những người vô cùng
khó chịu khi phải trải qua đau đớn, đến mức tưởng như không sao chịu
nỗi, thì cũng có những người có thể bình thản chịu đựng cùng một nỗi đau
đó mà không cho là quá đáng. Khả năng chịu đựng đau đớn khác nhau ở mỗi
người là điều có thật, và sự rèn luyện có thể giúp chúng ta nâng cao
khả năng chịu đựng của chính mình.
Một nhà tâm thần học người Do Thái là Victor Frankl đã từng bị giam giữ
trong những trại tập trung của Đức quốc xã vào Thế chiến thứ hai. Ông đã
tận dụng cơ hội này để quan sát và nghiên cứu tâm lý của những con
người đang phải trải qua nỗi đau đớn cùng cực trong các trại tập trung
khủng khiếp này, trong đó có cả bản thân ông. Có những người vượt qua
được để sống còn, và có những người khác không chịu đựng nỗi đã gục ngã.
Ông đã xác định được một điều thú vị là khả năng chịu đựng và vượt qua
đau đớn của chúng ta không phụ thuộc vào yếu tố thể lực, mà phụ thuộc
vào sức mạnh tinh thần có được từ mục tiêu theo đuổi trong đời sống, từ
việc hiểu được ý nghĩa đời sống, hoặc từ những kinh nghiệm đã từng trải.
Vì thế, ông đã từng nói rằng: “Người ta sẵn sàng chịu đựng bất cứ nỗi
khổ nào nếu như họ thấy được ý nghĩa của điều đó.”
Đối với những nỗi đau về tinh thần, vấn đề tuy có phần trừu tượng hơn
nhưng ý nghĩa lại có phần sâu sắc hơn. Chúng ta không thể trưởng thành
về mặt tâm linh nếu không trải qua đau khổ. Một trong những chất liệu
làm nên cuộc sống hạnh phúc của chúng ta chính là lòng từ bi, cũng được
sinh khởi và nuôi dưỡng nhờ vào những khổ đau trong cuộc sống. Trong
phần nói về phép quán từ bi, chúng ta có bàn đến việc hình dung những
đau khổ của người khác để phát khởi tâm từ bi. Phép quán tưởng này sẽ
không thực sự hiệu quả nếu như chúng ta không có được những kinh nghiệm
tự thân trải qua đau khổ, bởi vì chúng ta không thể hiểu và cảm nhận
được đầy đủ về tâm trạng đau khổ của người khác. Chính sự trải qua đau
khổ là vốn quý giúp chúng ta làm được điều đó, và chính nhờ đó mới có
thể nuôi dưỡng được lòng từ bi, sự cảm thông và tha thứ.
Khi thực tập lòng từ bi, chúng ta thường xuyên quán tưởng về những đau
khổ của người khác với ý niệm chia sẻ và cứu giúp. Điều này cũng góp
phần quan trọng trong việc nâng cao khả năng chịu đựng đau khổ của bản
thân chúng ta. Khi chúng ta đau khổ, chúng ta thường cảm thấy khó chịu,
không hài lòng về sự đau khổ đó, kèm theo cảm giác lo lắng, căng thẳng
và oán trách những nguyên nhân đã mang đến đau khổ cho mình. Nếu đã từng
thực tập lòng từ bi, những cảm xúc tiêu cực như trên sẽ bị triệt tiêu
hoặc giảm nhẹ. Chúng ta sẽ nhận lấy đau khổ như một cơ hội để thực tập
lòng từ bi một cách hiệu quả hơn, bởi vì thay vì phải hình dung ra những
khổ đau thì ta có thể thực tế cảm nhận nó. Với ý niệm sẵn sàng vì người
khác mà nhận lấy những khổ đau trong phép quán từ bi, chúng ta sẽ không
thấy khó chịu khi bản thân mình thực sự đau đớn hay khổ sở. Chúng ta đã
thấy được một ý nghĩa tích cực trong việc chịu đựng khổ đau, và vì thế
mà khả năng chịu đựng của chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ khác thường.
Chúng ta đã bàn đến việc đối mặt và vượt qua những khổ đau trong cuộc
sống. Trong ý nghĩa của khổ đau như vừa bàn đến, chúng ta còn thấy ra
thêm một điều nữa: Chính sự chịu đựng những khổ đau trong cuộc sống là
tiến trình tất yếu giúp chúng ta vươn lên hoàn thiện tâm hồn, và từ đó
nhắm đến mục đích cuối cùng là một cuộc sống an vui hạnh phúc.