NHỮNG PHẨM CHẤT TỐT ĐẸP
SỐNG GIỮA NHỮNG CON NGƯỜI
Hầu hết chúng ta có đôi khi trải qua những giây phút cô đơn ngay cả khi
đang sống giữa đông người. Cảm giác cô đơn này không phải do không có
người để giao tiếp, mà là do có những khoảng cách nhất định giữa ta và
mọi người chung quanh. Tính cách phổ biến của vấn đề đã lôi cuốn sự chú ý
của nhiều nhà nghiên cứu thuộc các lãnh vực khác nhau như xã hội học,
tâm lý học...
Tần số xuất hiện của trạng thái cô đơn thậm chí còn có vẻ như cao hơn ở
những xã hội náo nhiệt hơn. Một cuộc khảo sát quy mô lớn ở Hoa Kỳ về chủ
đề này ghi nhận có đến một phần tư số người Mỹ được hỏi đã trả lời là
họ đã cảm thấy rất cô đơn ít nhất là một lần trong vòng hai tuần vừa
qua. Và hầu như tất cả những người tham gia đều nói là họ đã từng trải
qua những giây phút cảm thấy cô đơn vào một lúc nào đó.
Trước đây, cảm giác cô đơn này được cho là thường xuất hiện ở một số đối
tượng nhất định, chẳng hạn như những người lớn tuổi phải sống cách biệt
trong các dưỡng đường. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới lại xác định
là các đối tượng ở độ tuổi thiếu niên và thanh niên cũng gặp phải vấn đề
với mức độ thường xuyên không kém gì những người lớn tuổi.
Các nhà nghiên cứu cũng cố gắng phân tích những nguyên nhân đã tạo ra
trạng thái cô đơn này. Kết quả ban đầu cho thấy nguyên nhân thường gặp
nhất là do kém khả năng giao tiếp, chẳng hạn như có khó khăn trong việc
bộc lộ những vấn đề của bản thân mình, có khó khăn về ngôn ngữ trong
giao tiếp, thính lực kém gây khó khăn cho việc trò chuyện với người
khác, thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội, vụng về trong ứng xử... Căn cứ vào
kết quả này, các nhà nghiên cứu đề nghị phương thức tốt nhất để vượt
qua tâm trạng cô đơn là phải hoàn thiện những kỹ năng giao tiếp xã hội.
Những kết quả nghiên cứu nêu trên nói lên một thực tế mà bất cứ ai trong
chúng ta cũng đều có thể tự cảm nhận được. Thật ra, khoảng cách giao
tiếp giữa mỗi chúng ta với mọi người chung quanh hoàn toàn có thể vượt
qua bằng vào việc hoàn thiện những phẩm chất tinh thần, mà cụ thể nhất
là một cách nhìn tích cực về đời sống như đã thảo luận trong chương
trước.
Bản chất của mỗi con người đều tốt đẹp. Vì thế, ngay cả những người bị
xem là hiểm ác hoặc thô lỗ nhất cũng vẫn có những khía cạnh tích cực
nhất định nào đó. Khi chúng ta chấp nhận quan điểm này, chúng ta sẽ dễ
dàng hơn nhiều trong việc giao tiếp và tạo ra mối quan hệ thân mật với
bất cứ ai.
Mặt khác, sự quan trọng hóa chính mình là một trong những khuynh hướng
tự nhiên tạo ra khoảng cách trong giao tiếp. Khi giao tiếp với bất cứ
ai, chúng ta thường có khuynh hướng e ngại, lo sợ việc người ấy sẽ đánh
giá thấp về mình. Vì thế, chúng ta luôn cố gắng ứng xử theo một cung
cách nhất định nào đó, đôi khi rất gượng ép, thiếu tự nhiên. Khi hiểu
được và loại bỏ khuynh hướng này, sự giao tiếp sẽ trở nên cởi mở hơn,
đôi bên không còn khoảng cách và dễ dàng tạo ra mối quan hệ thân thiết
với nhau hơn.
Nhưng để có được một cái nhìn tích cực đối với bất cứ ai trong giao tiếp
là một điều không dễ dàng. Có những đối tượng giao tiếp mà khuynh hướng
tự nhiên không mang lại cho chúng ta nhiều thiện cảm, trừ khi chúng ta
phát khởi được một tình thương chân thật với tất cả mọi người. Trong
thực tế, tình thương chân thật là yếu tố chính yếu, quan trọng nhất để
tạo ra quan hệ thân thiết với bất cứ ai trong giao tiếp.
Chúng ta cần hiểu cụm từ tình thương ở đây theo nghĩa rộng nhất của nó.
Đó là một tình cảm chỉ xuất hiện khi chúng ta thực sự nhận ra được bản
chất tốt đẹp và quý giá của đời sống, và trên cơ sở đó mà phát khởi lòng
yêu thương đối với tất cả mọi người, thậm chí là đối với tất cả mọi
sinh vật đang sống trong thế giới này. Phật giáo gọi đây là lòng từ bi,
và mô tả bằng cụm từ “ban vui, cứu khổ” (Từ năng dữ lạc, bi năng bạt
khổ.” Trong phạm vi vấn đề đang bàn đến, đây có thể nói là khái niệm
chính xác và đầy đủ nhất.
Lòng từ bi tuy sẵn có nơi mỗi con người nhưng không phải tự nhiên mà có
thể bộc lộ hay phát triển được. Chúng ta cần nhận thức rõ giá trị và lợi
ích của nó trong đời sống, sau đó mới có thể dần dần nuôi dưỡng và phát
triển. Và khi đã có được lòng từ bi, mọi cung cách ứng xử, giao tiếp
của chúng ta với mọi người sẽ ngay lập tức thay đổi theo chiều hướng
tích cực hơn.
Lòng từ bi tạo ra sự cởi mở và xóa bỏ khuynh hướng e ngại, lo sợ trong
giao tiếp. Điều đó mang lại một không khí tích cực và thân thiện. Với
các yếu tố này, trong giao tiếp bạn sẽ dễ dàng đạt được một mối quan hệ
thân thiết với những tình cảm và đáp ứng tích cực từ người khác. Và ngay
cả khi gặp phải những thái độ không thân thiện hay phản ứng không tích
cực, thì sự cởi mở trong giao tiếp cũng giúp bạn có được một sự linh
hoạt, uyển chuyển thích hợp, đảm bảo tối thiểu cũng có được một cuộc đối
thoại hữu ích với người ấy.
Ngược lại, không có lòng từ bi, người ta sẽ luôn cảm thấy cách biệt với
người khác, dễ cáu gắt, hoặc thiếu quan tâm đến người khác. Trong trường
hợp này, ngay cả việc giao tiếp với những người bạn thân nhất cũng
không thể mang lại sự thoải mái thật sự.
Khi giao tiếp, chúng ta luôn mong muốn, chờ đợi một thái độ tích cực từ
phía người đối diện, thay vì là chủ động tạo ra những điều ấy. Đây là
một khuynh hướng khá phổ biến, nhưng lại là một khuynh hướng sai lầm.
Bởi vì chính khuynh hướng đòi hỏi nơi người khác như thế thường là trở
ngại, rào chắn trong giao tiếp, và thường làm tăng thêm thay vì là xóa
bỏ sự cách biệt vốn có giữa hai bên.
Vì thế, để vượt qua sự ngăn cách và cô đơn khi sống giữa mọi người, điều
quan trọng là phải điều chỉnh quan điểm, thái độ của chính mình trong
giao tiếp. Và việc nuôi dưỡng lòng từ bi chính là phương cách tốt nhất
giúp ta làm được điều này.
CÁ NHÂN VÀ CỘNG ĐỒNG
Chúng ta đã đề cập đến bản chất tốt đẹp của con người. Nhưng ngay cả khi
bạn chấp nhận quan điểm này thì những phẩm chất tốt đẹp của bạn cũng
không nhờ đó mà có thể bộc lộ hoặc phát triển. Bạn cần có những nỗ lực
đúng hướng khác nữa. Trong đó, lòng từ bi là một yếu tố cơ bản đóng vai
trò quan trọng trong việc làm bộc lộ và phát triển những phẩm chất tốt
đẹp của mỗi chúng ta. Xuất phát từ lòng từ bi, chúng ta dễ dàng hình
thành những quan hệ giao tiếp tốt đẹp với mọi người chung quanh, vốn là
yếu tố quyết định để bộc lộ và phát triển những phẩm chất tốt đẹp.
Bạn có thể hoài nghi về tính cách thiết yếu của mối quan hệ giao tiếp
tốt đẹp với mọi người, nhưng đó là sự thật. Và bạn sẽ dễ dàng nhận ra
điều này nếu bạn xét đến mối quan hệ không thể chia tách giữa mỗi cá
nhân với cộng đồng mà mình đang sống, hay có thể nói rộng ra là với tất
cả mọi người. Mỗi một phẩm chất tốt đẹp của chúng ta đều là hướng đến
người khác. Chúng ta không thể yêu thương, cảm thông, chia sẻ, độ lượng,
tử tế ... khi không có một đối tượng nào đó cần đến những điều này. Nói
cách khác, cộng đồng quanh ta chính là điều kiện tất yếu để giúp ta bộc
lộ, rèn luyện, trau giồi những phẩm chất tốt đẹp của mình. Trong ý
nghĩa đó, chúng ta phải trân trọng và biết ơn sự hiện diện của mọi người
quanh ta.
Mặt khác, những yếu tố cấu thành đời sống của chúng ta đều là kết quả có
được từ nỗ lực của nhiều người khác. Như đã nói trong chương trước, để
có một đời sống hạnh phúc, chúng ta cần có những điều kiện vật chất tối
thiểu như cơm no, áo ấm, chỗ ở ổn dịnh... Và tất cả những điều đó đều
không thể có được nếu không có sự góp sức từ những người khác, từ cộng
đồng quanh ta.
Nếu chúng ta lần lượt phân tích từng yếu tố, từng nhu cầu vật chất mà ta
hiện đang có được trong cuộc sống, chúng ta sẽ nhận ra sự góp sức của
rất nhiều người, ngay cả những người mà ta chưa từng quen biết. Ai đã
làm nên căn nhà bạn đang sống? Ai đã làm ra bát cơm bạn đang ăn? Ai đã
làm nên chiếc áo bạn đang mặc? Ngay cả những dòng chữ khi bạn đọc thấy
trên trang sách này, cũng là kết quả của vô số những đóng góp, từ việc
khai thác cây gỗ làm nên bột giấy, cho đến quá trình hình thành kỹ thuật
in ấn vốn kéo dài qua nhiều thế kỷ... Không có những điều ấy, không thể
có kết quả hiện tại mà chúng ta đang có được.
Cho dù là trực tiếp hay gián tiếp, sự tồn tại của mỗi cá nhân luôn phụ
thuộc vào toàn thể cộng đồng. Ngay cả những gì mà chúng ta vẫn tưởng là
tự mình làm được, thì thật ra vẫn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố có sự
góp sức của người khác. Hiểu được điều này, chúng ta mới thấy hết tầm
quan trọng của việc thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với mọi người chung
quanh.
NHỮNG QUAN HỆ THÂN THIẾT
Trọng tâm cuộc sống của chúng ta chính là những mối quan hệ thân thiết
với những người chung quanh. Chính từ những mối quan hệ này mà chúng ta
có được sức mạnh và niềm vui trong cuộc sống, và bằng những đóng góp của
mình vào cuộc sống, chúng ta mang lại sức mạnh và niềm vui cho người
khác. Đây là một trong số rất ít vấn đề mà khoa học hiện đại và tri thức
truyền thống của con người có thể cùng nhất trí nhận định như nhau.
Điều mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận ra là những
mối quan hệ thân thiết có tác dụng tích cực đối với chúng ta cả về tinh
thần lẫn thể chất. Các nhà nghiên cứu đã nhận ra rằng những người có
nhiều mối quan hệ thân thiết trong cuộc sống, nghĩa là có thể chia sẻ
buồn vui, có thể nhận được sự khuyến khích, cảm thông, có thể được yêu
thương trìu mến, sẽ có khả năng mạnh mẽ hơn trong việc chống chọi và
vượt qua những tình trạng nghiêm trọng về sức khỏe, chẳng hạn như những
cơn đau tim hay những lần phẫu thuật. Họ cũng giảm nhiều nguy cơ mắc
bệnh ung thư hay nhiễm trùng đường phổi. Cụ thể, khi khảo sát trên 1.000
bệnh nhân tại Trung tâm Y khoa Đại học Duke, các nhà nghiên cứu đã ghi
nhận rằng những bệnh nhân thiếu thốn tình cảm thân thiết – chẳng hạn như
những người sống cô độc, không có vợ hoặc không có chồng – có tỷ lệ tử
vong trong vòng 5 năm kể từ ngày phát hiện bệnh tim cao gấp 3 lần so với
những người có bạn thân hay vợ hoặc chồng thường xuyên thăm viếng.
Một cuộc nghiên cứu khác tại Alameda County thuộc bang California được
kéo dài trong một giai đoạn 9 năm với sự tham gia của nhiều ngàn người
dân địa phương tại đây, ghi nhận kết quả là những người có nhiều mối
quan hệ thân thiết trong giao tiếp có tỷ lệ tử vong và mắc bệnh ung thư
thấp hơn nhiều so với những người sống cô độc thiếu tình cảm.
Một nghiên cứu thú vị khác tại Đại học Y khoa Nebraska cho thấy là những
người lớn tuổi có được quan hệ thân thiết với bất kỳ ai đó – vợ, chồng,
con, cháu, bạn thân... – có khả năng miễn nhiễm cao hơn và mức
cholesterol thấp hơn so với những người phải sống cô độc thiếu quan hệ
thân thiết.
Tương quan tích cực giữa những mối quan hệ giao tiếp thân thiết và sức
khỏe đã là đối tượng trên diện rộng của hàng chục công trình nghiên cứu
suốt trong một thập kỷ vừa qua. Mặc dù còn có những chi tiết cần tiếp
tục khảo sát, nhưng tất cả các nhà nghiên cứu đều có thể đồng ý với nhau
một điều là: những mối quan hệ giao tiếp thân thiết quả thật có ảnh
hưởng tích cực đến sức khỏe của chúng ta.
Tình cảm thân thiết không chỉ ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe, nó còn là
điều kiện phát triển tốt cho những cảm xúc lành mạnh của tâm hồn. Triết
gia tâm lý và xã hội học Erich Fromm sau nhiều năm nghiên cứu đã kết
luận rằng: điều làm cho con người lo sợ nhất chính là bị chia cách với
những người thân yêu của họ. Ông tin rằng, sự chia cách với người thân
nếu xảy ra trong giai đoạn ấu thơ có thể để lại những ảnh hưởng tâm lý
không tốt trong suốt cả cuộc đời. Một nhà tâm lý học người Anh nổi tiếng
là John Bowlby cũng đồng ý với nhận xét này, và khẳng định là việc chia
cách một đứa trẻ với những người chăm sóc nó – thường là cha và mẹ –
vào khoảng cuối năm tuổi đầu tiên sẽ gây ra cảm giác lo sợ và buồn khổ.
Ông cũng cho rằng đây chính là nguyên nhân tạo ra những cảm giác lo sợ,
buồn khổ về sau này khi trẻ lớn lên.
Như vậy, có thể thấy là những nghiên cứu khoa học đã thống nhất chỉ ra
được tầm quan trọng của những mối quan hệ thân thiết trong đời sống của
mỗi chúng ta. Tuy nhiên, hiểu như thế nào về một “mối quan hệ thân
thiết” vẫn còn là vấn đề còn nhiều bất đồng.
Một trong những cách hiểu cụ thể nhất được đưa ra bởi Desmond Morris,
một tác giả đã viết khá nhiều tác phẩm về đề tài này. Ông cho rằng một
mối quan hệ thân thiết là mối quan hệ biểu hiện qua sự tiếp xúc cụ thể
về thể chất. Nói cách khác, mức độ thân thiết được đánh giá qua sự gần
gũi về thể xác của hai con người. Từ những mức độ khá thông thường như
một cái vỗ vai, bắt tay, cho đến ôm hôn, thậm chí là gắn bó qua quan hệ
tình dục. Qua cách hiểu này, ông còn cho rằng không chỉ có quan hệ thân
thiết giữa hai người, ngay cả những vật thể thường được tiếp xúc, đụng
chạm cũng có thể tạo nên một mối quan hệ thân thiết với con người. Điều
này giải thích tình cảm của một người dành cho những vật dụng thân quen
như một chiếc tẩu thuốc, chiếc vòng đeo tay... Tuy nhiên, quan điểm này
đã có vẻ như không được chấp nhận rộng rãi. Có quá nhiều người bất đồng
với nó, và hầu hết đều cho rằng một quan hệ thân thiết không thể chỉ
được hiểu giới hạn qua những tiếp xúc về thể chất.
Tiến sĩ Dan McAdams đưa ra một nhận xét trừu tượng hơn khi cho rằng quan
hệ thân thiết là một quan hệ đáp ứng nhu cầu chia sẻ những cảm xúc sâu
xa trong nội tâm của một người với người khác. Trong khi đó, tiến sĩ tâm
lý Thomas Patrick Malone và con trai ông là tiến sĩ tâm lý Patrick
Thomas Malone lại cho rằng một mối quan hệ thân thiết được biểu lộ qua
sự liên kết chặt chẽ, và họ còn mở rộng khái niệm liên kết này đến các
đối tượng không phải con người, chẳng hạn như khi con người cảm thấy
mình có một mối liên kết chặt chẽ với thiên nhiên, cây cối, tinh tú, và
thậm chí với không gian nữa.
Người ta cũng bất đồng với nhau cả về cách hiểu thế nào là một mối quan
hệ thân thiết nhất. Ở phương Tây, người ta có khuynh hướng nghiêng về
mối quan hệ tình cảm nam nữ hoặc quan hệ vợ chồng. Trong khi đó, ở Nhật
Bản người ta lại trân trọng mối quan hệ bằng hữu hơn và tin rằng mối
quan hệ thân thiết nhất chính là với một người bạn tâm đầu ý hợp.
Mỗi một quan điểm nêu trên đều có cơ sở khoa học nhất định. Tuy nhiên,
có vẻ như không có cách hiểu nào là trọn vẹn cả. Điều đó là do mỗi quan
điểm có khuynh hướng nhấn mạnh một khía cạnh của vấn đề. Trong thực tế,
những mối quan hệ thân thiết luôn xuất phát từ tình cảm chân thật của
mỗi chúng ta, và trước hết phải là mối quan hệ hướng đến người khác, mặc
dù chúng ta không phủ nhận những mối liên hệ với môi trường sống như
thiên nhiên, cây cỏ... Chính vì vậy mà ngay khi năng lực giao tiếp được
hình thành đầy đủ, chúng ta luôn có khuynh hướng tìm kiếm những mối quan
hệ thân thiết trong cuộc sống. Điều này không xảy ra một cách tự nhiên
mà liên quan đến những nỗ lực tự thân cụ thể cũng như những quan điểm xã
hội, môi trường giáo dục mà chúng ta được đào luyện từ thuở nhỏ.
Nhưng thật là một điều mâu thuẫn khi khuynh hướng đề cao cá nhân luôn
thôi thúc chúng ta hướng đến sự độc lập, không phụ thuộc vào người khác,
trong khi thực tế lại chứng minh là không thể có sự tồn tại của bất cứ
cá nhân nào không phụ thuộc vào người khác. Hầu hết chúng ta đều có ít
nhất là một lần khao khát, tìm kiếm và mong mỏi thiết lập mối quan hệ
thân thiết với người mà chúng ta hết lòng yêu thương. Đôi khi chúng ta
phải mất rất nhiều công sức, nỗ lực cho mục đích này. Chúng ta hy vọng
là với một mối quan hệ thân thiết cùng ai đó, chúng ta sẽ thoát khỏi
được tâm trạng cô đơn trong cuộc sống; nhưng cùng lúc, chúng ta vẫn nuôi
ảo tưởng là mình không phụ thuộc vào bất kỳ ai khác.
Nếu chúng ta hiểu và nhận thức đúng vấn đề, chúng ta sẽ không cảm thấy
khó khăn trong việc tìm kiếm và thiết lập một mối quan hệ thân thiết
cùng ai đó. Chúng ta sẽ không phải bỏ công tìm kiếm, chọn lọc trong vô
số con người để mong mỏi gặp được chỉ một người duy nhất mà ta có thể
san sẻ mọi nỗi niềm. Khi tâm hồn chúng ta rộng mở, chúng ta sẽ thấy rằng
mối quan hệ thân thiết có thể và cần được thiết lập với càng nhiều
người càng tốt. Trong thực tế, mục tiêu tốt đẹp mà chúng ta nhắm đến
chính là có thể quan hệ thân thiết, gần gũi với tất cả mọi người.
Trong cuộc sống thực tế với quá nhiều khoảng cách trong giao tiếp, với
những sự e dè, đề phòng người khác, chúng ta thường bị giới hạn mối quan
hệ thân thiết gần gũi với một số rất ít người, thậm chí trong nhiều
trường hợp chỉ là một người duy nhất, người luôn gắn bó với ta trong
cuộc sống chung. Đây là một thực tế không thể phủ nhận được. Tuy nhiên,
xét từ góc độ những phẩm chất tốt đẹp của con người thì đây không phải
là một thực tế đáng khích lệ chút nào. Chúng ta luôn có nhu cầu chia sẻ
những buồn vui trong cuộc sống với người khác, và sự hiện diện của mọi
người quanh ta xét cho cùng chính là để cho ta có thể làm được điều đó.
Nhưng khi mà con người vẫn chưa vượt qua được những rào chắn do chính
mình tạo ra để làm được điều này, thì chúng ta vẫn đang giới hạn nguồn
hạnh phúc vô biên mà lẽ ra tất cả chúng ta đều có thể được cùng nhau tận
hưởng.
CẢM THÔNG VÀ CHIA SẺ
Khi hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa tích cực của những mối quan hệ
thân thiết với người khác trong cuộc sống, điều tất nhiên là chúng ta sẽ
mong muốn thiết lập mối quan hệ thân thiết với tất cả những ai mà chúng
ta may mắn có cơ hội được tiếp xúc. Tuy nhiên, trong thực tế thì điều
này gặp phải những trở lực nhất định. Trừ khi chúng ta có được hiểu biết
và sự rèn luyện hoặc tu dưỡng tinh thần đủ để vượt qua những trở lực
này, bằng không thì việc thiết lập quan hệ thân thiết với tất cả mọi
người vẫn chỉ là một vấn đề trên lý thuyết mà thôi.
Phần lớn chúng ta đều hiểu rằng việc giao tiếp với người khác là một
nghệ thuật theo đúng nghĩa của nó, nghĩa là đòi hỏi nhiều hiểu biết tinh
tế, phức tạp, kèm theo với sự khéo léo và kinh nghiệm. Trong một chừng
mực nào đó, có thể so sánh với nghệ thuật nấu ăn chẳng hạn. Mặc dù ai
cũng có thể tìm được đầy đủ các nguyên liệu cần thiết, nhưng để nấu
thành một món ăn ngon thì còn có rất nhiều yếu tố phức tạp khác. Một
người nấu ăn ngon là một nghệ nhân với những kinh nghiệm và kỹ năng khéo
léo nhất định mà không phải ai ai cũng có thể bắt chước làm theo ngay
được.
Cũng vậy, kỹ năng giao tế nói chung và việc thiết lập mối quan hệ thân
thiết với mọi người nói riêng đòi hỏi phải biết vận dụng thật linh hoạt
nhiều yếu tố tự thân để có thể nắm chắc sự thành công, vượt qua được
những trở lực trong giao tiếp. Và hoàn toàn không thể có những phương
pháp mang tính hệ thống để bất cứ ai cũng có thể theo đó mà thực hành.
Tuy vậy, có những yếu tố mà chúng ta cần lưu tâm vì nó góp phần tạo ra
sự dễ dàng cho chúng ta trong việc thiết lập mối quan hệ thân thiết với
người khác.
Lòng từ bi là một trong các yếu tố quan trọng đó. Lòng từ bi của một
người có khả năng tạo ra cảm giác thân thiện trong giao tiếp ngay từ
giây phút đầu tiên, bởi vì hầu hết những người khác đều có thể cảm nhận
được nó.
Như đã nói, tuy mọi người đều sẵn có lòng từ bi nhưng mỗi chúng ta đều
cần phải biết nuôi dưỡng và phát triển nó. Để làm được điều này, chúng
ta cần có sự chiêm nghiệm và quán xét thường xuyên về những giá trị tích
cực và lợi ích của lòng từ bi trong cuộc sống. Chúng ta cũng cần tự
phân tích những cảm nhận của bản thân mình khi được tiếp xúc với ai đó
có lòng từ bi, hoặc đơn giản hơn là khi nhận được một cử chỉ tốt bụng,
tử tế từ người khác. Những điều này nếu được thực hành thường xuyên sẽ
giúp chúng ta nuôi dưỡng và phát triển được lòng từ bi trong cuộc sống.
Sự cảm thông là một khía cạnh quan trọng khác cần được nhắc đến của lòng
từ bi. Như đã nói, Phật giáo định nghĩa lòng từ bi với hai yếu tố là
cứu khổ, ban vui. Để làm được những điều này, tất yếu phải có sự cảm
thông. Chúng ta không thể chân thành chia sẻ những khổ đau của người
khác nếu không tự mình cảm nhận được những khổ đau đó. Chúng ta không
thể thực sự mang lại niềm vui cho người khác nếu không tự mình cảm nhận
và vui theo với niềm vui ấy. Vì thế, một trong những phương pháp để nuôi
dưỡng lòng từ bi là phải biết cảm thông, có khả năng cảm nhận được nỗi
khổ đau của người khác.
Để rèn luyện đức tính này, chúng ta có thể thực hành việc hình dung ra
những hoàn cảnh mà trong đó có người đang chịu đựng khổ đau, và cố gắng
hình dung những khổ đau mà người ấy đang phải gánh chịu. Điều này có vẻ
như không khó lắm trong thế giới hiện đại mà chúng ta đang sống. Mỗi
ngày chúng ta đều được chứng kiến những hình ảnh về các nạn nhân của
chiến tranh, bạo động, đói kém, thiên tai... Chỉ cần một chút quan tâm,
chúng ta sẽ có thể thực sự rung động trước nỗi đau của những con người
ấy, và có thể cảm nhận được nếu hình dung chính mình rơi vào một hoàn
cảnh tương tự...
Mặc dù bản chất tốt đẹp là như nhau, nhưng môi trường sống có thể tạo ra
những mức độ cảm nhận và rung động khác nhau ở mỗi người. Chẳng hạn,
trong khi đa số mọi người có thể xúc động trước hình ảnh con vật kêu la
vùng vẫy một cách tuyệt vọng trước khi bị giết thịt, thì một người đồ tể
đã quen thuộc với công việc sẽ vẫn cảm thấy dửng dưng. Trong cuộc sống,
chúng ta thỉnh thoảng cũng gặp những con người dửng dưng như thế trước
nỗi đau của đồng loại. Với những người này thì sự thực tập lòng từ bi
cần được thực hiện với một mức độ khác hơn, chẳng hạn như họ có thể sẽ
xúc động nếu như đối tượng đau khổ là một người rất thân yêu của họ...
Khía cạnh tích cực của vấn đề là, cho dù điểm khởi đầu có thể khác biệt
nhau, nhưng bất cứ ai khi thực hành nuôi dưỡng lòng từ bi đều sẽ đạt đến
những mức độ phát triển mong muốn. Nói cách khác, sự rung động trước
nỗi khổ đau của người khác sẽ phát triển ngày càng nhạy cảm hơn khi bạn
thực hành nuôi dưỡng lòng từ bi.
Bạn cũng có thể có được sự cảm thông sâu sắc bằng cách hình dung chính
mình ở vào hoàn cảnh của người khác, hình dung những cảm nhận hoặc phản
ứng của chính mình trong hoàn cảnh đó, không phải dựa trên quan điểm,
cách nhìn của mình mà là cố gắng hình dung theo với quan điểm, cách nhìn
của chính người đó. Điều này chẳng những có thể giúp bạn có được sự cảm
thông chân thành và sâu sắc với người khác, mà còn tạo ra thói quen
biết tôn trọng những cảm nhận, suy nghĩ của người khác. Đây là một yếu
tố vô cùng quan trọng có thể làm giảm nhẹ những vấn đề mâu thuẫn, xung
đột trong giao tiếp.
Trong thực tế, chúng ta không phải lúc nào cũng chủ động trong việc tiếp
cận người khác. Và có nhiều trường hợp chúng ta có thể dễ dàng trở nên
bực tức, cáu gắt hoặc giận dữ bởi cung cách ứng xử của ai đó mà ta cảm
thấy là không hợp lý, xúc phạm hoặc dối trá... Hầu hết những cảm xúc
tiêu cực trong các trường hợp này đều có thể được loại bỏ đi nếu chúng
ta biết đặt mình vào hoàn cảnh của đối tượng và cảm thông với những gì
mà họ đang trải qua.
Mỗi con người là một thực thể sống động và vô cùng phức tạp. Giữa hai
con người bao giờ cũng có một số điểm chung nào đó, nhưng đồng thời cũng
có rất nhiều điều khác biệt. Trong thực tế, chưa từng có hai con người
nào có thể gọi là giống hệt như nhau. Trong nghệ thuật giao tiếp, để dễ
dàng thiết lập quan hệ thân thiết với ai đó, chúng ta cần biết cách tiếp
cận với người ấy bắt đầu từ những điểm tương đồng thay vì là những điểm
khác biệt. Đứng trên quan điểm này, chúng ta có rất nhiều điểm chung để
xây dựng một quan hệ thân thiết, chẳng hạn như tất cả chúng ta đều là
những con người với những nền tảng thể chất, tinh thần, tình cảm...
giống như nhau, tất cả chúng ta cuối cùng đều sẽ chết đi, tất cả chúng
ta đều mong muốn một cuộc sống hạnh phúc và không muốn phải chịu đựng
đau khổ... Chúng ta sẽ dễ dàng cảm thông nhau trên cơ sở những điểm
chung đại loại như thế, và sẽ cảm thấy cách biệt nhau nếu xét đến những
yếu tố khác biệt như dòng tộc, màu da, tôn giáo hay sở thích cá nhân...
Ngoài ra, việc hiểu được và tôn trọng những khác biệt của người mình
giao tiếp, cộng thêm với sự chân thành và cởi mở cũng là những yếu tố
tích cực thúc đẩy việc hình thành mối quan hệ thân thiết.
Cuối cùng, tưởng cũng nên nhắc lại một lần nữa là không có bất cứ một
phương thức cụ thể nào để chúng ta có thể tuân theo đó nhằm đạt được
thành công trong việc thiết lập một mối quan hệ thân thiết với người
khác. Tất cả chỉ là những gợi ý chung, và điều quan trọng hơn hết vẫn là
một tấm lòng chân thành rộng mở kèm theo với sự sáng tạo và những kỹ
năng linh hoạt xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân.
NỀN TẢNG CỦA NHỮNG QUAN HỆ
Chúng ta không phủ nhận tính chất khá phức tạp của những mối quan hệ
tình cảm. Tuy nhiên, về cơ bản thì chúng vẫn nhất thiết phải tuân theo
một số nguyên tắc nhất định. Khi không quan tâm đến hoặc không hiểu được
những nguyên tắc này, chúng ta sẽ không hiểu được một số những diễn
tiến tất nhiên của một mối quan hệ, và điều đó làm cho vấn đề có vẻ như
càng phức tạp hơn.
Một quan hệ tình cảm bao giờ cũng được xây dựng trên một nền tảng nhất
định nào đó, và chính nền tảng này sẽ quyết định tính chất của mối quan
hệ ấy. Đôi khi, chúng ta quan sát vẻ ngoài và thấy rằng một vài mối quan
hệ nào đó là tương tự như nhau, nhưng chúng lại thực sự được xây dựng
trên những nền tảng khác nhau, và điều đó tất yếu sẽ dẫn đến những diễn
tiến khác nhau.
Những mối quan hệ thông thường như quan hệ bạn bè, quan hệ tình yêu nam
nữ hay quan hệ vợ chồng... nói chung đều tuân theo quy luật này. Lấy ví
dụ, hai người bạn làm quen với nhau trên nền tảng có sự tương đồng về
công việc. Họ có thể sẽ duy trì quan hệ qua lại, giao tiếp cùng nhau bao
lâu mà sự tương đồng về công việc vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, nếu mối
quan hệ ấy không phát triển bằng vào một khía cạnh nào khác nữa, cả hai
sẽ không còn cảm thấy cần phải giao tiếp với nhau khi không có gì để
trao đổi trên công việc. Tương tự, nếu hai người khác phái say mê nhau
qua dáng vẻ xinh đẹp, quyến rũ bên ngoài, mối quan hệ giữa họ sẽ không
có được một nền tảng chắc chắn, bởi vì các yếu tố hình thức là không bền
vững và ngay cả những cảm nhận về nó cũng dễ dàng thay đổi. Hầu hết
những cuộc hôn nhân tan rã đều rơi vào trường hợp tương tự như vậy, khi
hai người đến với nhau và xây dựng quan hệ vợ chồng trên những nền tảng
không vững chắc.
Ngày nay, người ta hay than phiền về sự suy sụp của tinh thần “tôn sư
trọng đạo”. Nhưng nếu xét trên cơ sở của những gì mà chúng ta đang bàn
đến, vấn đề rõ ràng là vẫn có cơ sở hợp lý của nó. Trong bối cảnh của
một lớp học mà thầy là người cần tiền và học trò cần kiến thức, thì mối
quan hệ xây dựng trên nền tảng ấy tất yếu không thể là gì khác hơn ngoài
một sự trao đổi nhất thời. Ngược lại, khi những học trò cũ của tôi sau
nhiều năm vào đời vẫn thường xuyên quay về thăm viếng, tôi hiểu là họ đã
nhận được điều gì đó không chỉ giới hạn trong những tri thức của một
năm học.
Có những mối quan hệ được xây dựng trên nền tảng của vật chất, tiền bạc
hay quyền thế, địa vị. Những mối quan hệ này tất yếu sẽ sụp đổ khi các
yếu tố ấy không còn nữa. Có những mối quan hệ được xây dựng trên nền
tảng của sự gần gũi về tình cảm, tư tưởng hoặc sự cảm thông, chia sẻ và
gắn bó. Những mối quan hệ này tất yếu sẽ không chịu sự chi phối của
những thay đổi về vật chất và do đó có thể tồn tại dài lâu. Trong cách
phân biệt thông thường, chúng ta gọi đây là quan hệ tình cảm chân thật
và yếu tố cơ bản để nuôi dưỡng nó chính là cảm xúc chân thật. Không có
cảm xúc chân thật, không thể có những quan hệ tình cảm chân thật.
Để đảm bảo sự bền vững của một quan hệ, điều tất nhiên là phải xem xét
đến nền tảng của mối quan hệ đó. Khi hai người tiến đến hôn nhân chẳng
hạn, nếu là một quyết định sau khi đã thực sự hiểu rõ về nhau và chấp
nhận tất cả những gì đã biết, ta có thể tin được về sự tồn tại lâu dài
của quan hệ ấy. Ngược lại, nếu sự gắn bó giữa hai người được xây dựng
trên nền tảng của những vẻ đẹp bề ngoài hay những quan hệ vật chất, ta
có thể dự đoán được tính chất bấp bênh và nguy cơ tan vỡ rất cao của mối
quan hệ này.
Nhưng nền tảng của một mối quan hệ không phải là những yếu tố bất biến,
mà chúng ta có thể thay đổi bằng cách bồi đắp, nuôi dưỡng nó như một
phương thức để củng cố quan hệ tốt đẹp. Chẳng hạn, hai người có thể làm
quen nhau và xây dựng quan hệ trên những điểm chung rất nhỏ nhặt và
không bền vững, nhưng sau đó họ có thể tiếp tục tìm hiểu nhiều hơn và
tiến dần đến những tương đồng sâu sắc, gắn bó hơn. Như vậy, nền tảng mối
quan hệ của họ sẽ ngày càng vững chắc hơn và do đó mà mối quan hệ này
tất nhiên sẽ có điều kiện để tồn tại và phát triển.
Mặt khác, những nền tảng ban đầu dù tốt đẹp nhưng đôi khi không đủ cho
sự tồn tại và phát triển lâu dài của một mối quan hệ. Chẳng hạn, sự phát
triển của quan hệ hôn nhân lâu dài đòi hỏi nhiều hơn là những gì mà hai
người có được vào lúc ban đầu. Những hiểu biết về nhau và sự chân thành
chia sẻ, gắn bó là cần thiết nhưng chưa đủ. Khi một gia đình thực sự
được hình thành, yếu tố trách nhiệm trở nên thiết yếu để đảm bảo sự tồn
tại và phát triển tốt của gia đình, hay nói cụ thể hơn là sự nuôi dưỡng
và dạy dỗ con cái. Không có yếu tố này, quan hệ tình cảm dù có sâu đậm
đến đâu cũng tất yếu sẽ có ngày sụp đổ.
Khi xem xét đến nền tảng của những mối quan hệ, chúng ta có thể hiểu
được và nắm vững sự hình thành, phát triển, tồn tại của chúng. Điều đó
giúp chúng ta chủ động hơn trong việc thiết lập và nuôi dưỡng những mối
quan hệ tích cực trong cuộc sống. Khi một mối quan hệ được thiết lập
trên nền tảng của những cảm xúc và lòng yêu thương chân thật cùng với sự
hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, chúng ta sẽ mở ra được những khả năng
phát triển không giới hạn và những cơ hội gắn bó ngày càng thân thiết
hơn.
TỪ BI VÀ ÁI LUYẾN
Chúng ta đã nói đến lòng từ bi như là một phẩm chất tốt đẹp quan trọng
giúp hình thành mối quan hệ thân thiết giữa những con người. Trong thực
tế, lòng từ bi rất dễ nhầm lẫn với một khái niệm khác nữa, đó là ái
luyến. Khi bạn hướng sự yêu thương vào một ai đó, mong mỏi chia sẻ những
khó khăn và sẵn lòng làm bất cứ điều gì cho người ấy, bạn có thể rơi
vào một trong hai trường hợp này.
Khi sự yêu thương gắn liền với ý tưởng chiếm hữu hoặc gắn bó, mong muốn
một tình cảm đáp lại từ đối tượng, đây là một trường hợp ái luyến. Hầu
hết những yêu thương tự phát và thiếu sự rèn luyện tinh thần, thiếu hiểu
biết thường rơi vào trường hợp này. Sự ái luyến mang tính cách chủ quan
và phụ thuộc vào định kiến. Khi gắn bó quan hệ với một người bạn và cảm
thấy yêu thương, ta đối xử tốt với người ấy, tình cảm này sẽ dẫn đến
cảm xúc luyến ái và gần gũi. Nhưng khi có một thay đổi nào đó, chẳng hạn
như một sự bất đồng ý kiến, hoặc người bạn ấy có một hành vi nào đó làm
cho ta tức giận... tất cả tình cảm sẽ sụp đổ. Trong thực tế, tình cảm
yêu thương loại này rất dễ dàng chuyển sang thành căm ghét.
Lòng từ bi thì khác. Điểm tương đồng ở đây là ước muốn san sẻ khổ đau và
mang lại niềm vui cho người khác, nhưng điểm khác biệt cơ bản là lòng
từ bi hướng đến mọi người chứ không chỉ riêng một đối tượng cá biệt nào,
và không đòi hỏi, mong cầu một sự đáp lại từ phía đối tượng, cũng như
không kèm theo ý muốn chiếm hữu đối tượng. Lòng từ bi xuất phát từ sự
cảm thông sâu sắc, cảm nhận được nỗi đau của người khác nên muốn san sẻ,
muốn mang lại niềm vui cho mọi người.
Lòng từ bi hàm chứa một mong muốn mãnh liệt cho tất cả mọi người đều
thoát khỏi khổ đau, đều nhận được cuộc sống an vui, tốt đẹp. Với cách
diễn đạt này, chúng ta có thể thấy rằng đây là một mong muốn hết sức
thanh cao, thánh thiện. Chính vì vậy, theo cách nghĩ thông thường người
ta vẫn cho rằng chỉ có những bậc cao tăng, những vị tu hành đắc đạo mới
có được lòng từ bi mà thôi. Đây là một cách nghĩ hoàn toàn sai lầm. Bởi
vì như đã nói, bản chất của mỗi con người chúng ta là những phẩm chất
tốt đẹp, và một trong những phẩm chất tốt đẹp ấy chính là lòng từ bi.
Nói cách khác, mỗi chúng ta đều sẵn có lòng từ bi trong tâm ý, chỉ khác
nhau về mức độ biểu lộ, phát triển của nó mà thôi. Có thể lấy một ví dụ
để làm rõ điều này. Khi nhìn thấy một ai đó phải chịu đựng đau khổ, tự
thâm tâm chúng ta thường tự nhiên nảy sinh một cảm giác thương cảm rất
tự nhiên và mong muốn cho sự đau khổ ấy được chấm dứt ngay. Thậm chí,
cảm giác này ở rất nhiều người trong chúng ta còn mở rộng đến cả loài
vật, chẳng hạn như khi nhìn thấy một con chó bị đánh đập, một con chuột
bị mèo xé xác, hay một con cá mắc câu giẫy giụa... Cảm xúc tự nhiên ấy
không phải gì khác mà chính là biểu hiện của lòng từ bi, bởi vì nó được
phát sinh vô điều kiện, không kèm theo với bất cứ mong cầu nào về sự đáp
trả của đối tượng.
Mặc dù lòng từ bi là sẵn có ở mỗi người, nhưng để có thể phát triển nó
thành một cảm xúc mãnh liệt và hiện diện thường xuyên trong tâm ý, chúng
ta cần có sự rèn luyện, tu dưỡng.
Lòng từ bi là một cảm xúc mang tính chất tích cực, vì thế nó là một
trong những nguồn hạnh phúc cho cuộc sống của chúng ta. Ngược lại, sự ái
luyến là một cảm xúc bắt nguồn từ lòng tham lam, từ mong muốn chiếm hữu
đối tượng, vì thế nó là một trong những nguyên nhân gây khổ đau cho
cuộc sống.
Vấn đề đặt ra ở đây là, hai cảm xúc mang tính chất trái ngược nhau như
thế lại rất dễ nhầm lẫn với nhau, bởi vì những gì mà chúng biểu hiện ra
bề ngoài lại có vẻ như rất giống nhau. Chúng ta cần phải biết quan sát,
phân tích về mặt bản chất mới có thể nhận ra và phân biệt được hai loại
cảm xúc này.
Như đã nói, lòng từ bi là cảm xúc yêu thương vô điều kiện, không đòi hỏi
bất cứ một đáp ứng nào, trong khi cảm xúc yêu thương do ái luyến luôn
đi kèm với mong muốn chiếm hữu và đòi hỏi những đáp ứng nhất định từ đối
tượng. Mặt khác, chúng ta có thể cảm nhận được những tác động khác nhau
của hai loại cảm xúc này đối với tâm hồn. Trong khi lòng từ bi mang lại
sự thanh thản và sáng suốt thì ái luyến gây ra khổ đau và mê muội.
Một điều cần lưu ý là lòng từ bi và ái luyến có thể đồng thời hiện hữu.
Bởi vì như đã nói, mức độ biểu lộ của lòng từ bi không phải tự nhiên mà
có thể trở nên mạnh mẽ. Vì thế, một khi lòng từ bi không được phát triển
mạnh thì ái luyến sẽ tăng trưởng. Ngược lại, khi phát triển lòng từ bi
thì cảm xúc ái luyến dần dần bị đẩy lùi. Như vậy, sự đối kháng giữa hai
cảm xúc này cũng cho ta thấy sự hiện hữu đồng thời của chúng. Trong thực
tế, chính sự nhầm lẫn giữa hai cảm xúc này là một tai hại vô cùng đáng
sợ và đã từng gây ra nhiều bi kịch đáng tiếc cho những người tu tập.
Nhưng khi hiểu đúng về bản chất của chúng, ta có thể vận dụng một cách
thích hợp để củng cố những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống.
Chẳng hạn, bằng vào những phân tích trên chúng ta có thể thấy rằng tình
yêu nam nữ thực chất là một cảm xúc ái luyến. Chính điều này giải thích
vì sao xưa nay nó đã từng mang lại quá nhiều khổ đau cho nhân loại. Mặc
dù vậy, khi hai người thực sự đến với nhau qua tình yêu, họ vẫn có thể
tiếp tục gắn bó hạnh phúc với nhau lâu dài – và điều này rõ ràng là có
thật – qua việc phát triển những yếu tố tích cực khác, chẳng hạn như sự
hiểu biết sâu sắc về nhau, sự cảm thông, tôn trọng lẫn nhau. Chính những
yếu tố tích cực này làm phát triển lòng từ bi và làm cho ý hướng chiếm
hữu mất dần đi. Thật ra, chúng ta vẫn thường thấy có rất nhiều tình yêu
phát triển theo hướng này và thường gọi đó là những tình yêu cao quý,
khi mà hai người yêu nhau sẵn sàng hy sinh cho nhau mà không đòi hỏi bất
cứ sự đáp ứng nào. Chính đây là biểu hiện sự phát triển của lòng từ bi
đẩy lùi ái luyến. Và vì thế không có gì lạ khi những tình yêu như thế có
thể tồn tại dài lâu và mang lại hạnh phúc cho cả hai người. Ngược lại,
những người đến với nhau chỉ đơn thuần qua cảm xúc ái luyến sẽ không thể
đảm bảo có được một quan hệ lâu bền. Như vậy, một trong những quy luật
mà chúng ta có thể rút ra được là cần phải phát triển lòng từ bi trong
bất cứ mối quan hệ nào nếu như chúng ta muốn đảm bảo rằng quan hệ đó sẽ
được bền vững.
Cho dù lòng từ bi hiện hữu ở tất cả chúng ta với những mức độ khác nhau,
nhưng nếu không nhận thức một cách đúng đắn, chúng ta rất ít khi có khả
năng hiểu được điều này. Ngược lại, khi đã nhận ra và biết được những
lợi ích lớn lao, những tác dụng tích cực của lòng từ bi trong cuộc sống,
chúng ta sẽ quan tâm và nỗ lực nhiều hơn trong việc nuôi dưỡng, phát
triển lòng từ bi.
NUÔI DƯỠNG LÒNG TỪ BI
Lòng từ bi không phải là một khái niệm trừu tượng khó nắm bắt như nhiều
người vẫn tưởng. Trong thực tế, để có thể nuôi dưỡng và phát triển lòng
từ bi thì điều kiện trước tiên hết là chúng ta phải hiểu và cảm nhận
được nó một cách thật cụ thể. Có nhiều phương pháp thực hành có thể giúp
chúng ta đạt được điều đó.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách phân tích những cảm nhận của chính mình
khi được một người nào đó đối xử tốt. Chúng ta cần phải cảm nhận thật
trọn vẹn sự hài lòng và sung sướng cũng như cảm giác trân trọng khi nhận
được một sự giúp đỡ chân thành, một tình cảm vô điều kiện, hoặc một sự
cảm thông chia sẻ từ người khác khi ta đang buồn khổ hoặc khó khăn. Khi
thực hành những bài tập phân tích này, chúng ta sẽ dần dần hiểu được ý
nghĩa của lòng từ bi và tự nhiên nảy sinh một ước muốn thực hiện những
điều tốt đẹp tương tự với người khác.
Tiếp đó, khi thực sự bắt tay vào việc giúp đỡ hoặc chia sẻ khó khăn cùng
người khác mỗi khi có dịp, chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra là mọi người
khác cũng có khuynh hướng đối xử tốt với ta nhiều hơn. Khuynh hướng
tương quan này là có thật, và trong đó yếu tố chuyển hóa tự thân của
chúng ta đóng vai trò quyết định. Khi ta đối xử tốt với người khác, ta
nhận được sự đáp ứng tích cực – dù là không đòi hỏi – không chỉ từ nơi
đối tượng của hành vi, mà còn là từ nhiều người khác nữa. Mặt khác, với
một cách nhìn tích cực xuất phát từ lòng tốt, ta dễ có khuynh hướng cảm
thông và bỏ qua những khiếm khuyết của người khác, nên cuộc sống quanh
ta tất yếu sẽ chuyển biến một cách tích cực, tươi đẹp hơn.
Để có thể chân thành cảm thông và chia sẻ được những đau khổ của người
khác, ta cần phải có được năng lực cảm nhận những đau khổ đó như là đang
xảy ra cho chính bản thân mình. Tuy nhiên, điều khác biệt mà ta có thể
nhận ra ở đây là, trong khi những đau khổ do cuộc sống đưa đẩy xảy đến
với chúng ta làm cho ta bối rối, thất vọng và thậm chí có thể ngã quỵ,
thì những đau khổ mà chúng ta tự nguyện gánh vác, san sẻ cùng người khác
lại có tác dụng khơi dậy mọi nguồn năng lực trong ta với quyết tâm mạnh
mẽ không thể gục ngã trước những đau khổ ấy. Hình ảnh những nhân viên
Hồng thập tự trên chiến trường là một minh họa vô cùng rõ nét cho nhận
xét này. Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận được sự gan dạ và quyết
tâm của họ, có thể là vượt xa hơn cả bản thân những người lính đang
tham chiến.
Nhận thức rõ về những lợi ích thiết thực của lòng từ bi cũng là một
phương thức tích cực giúp chúng ta nuôi dưỡng và phát triển nó trong
cuộc sống. Mối tương quan giữa lòng từ bi và niềm vui trong cuộc sống là
điều mà mỗi chúng ta đều có thể nhận ra. Nhưng còn hơn thế nữa, những
nghiên cứu khoa học gần đây đã cho thấy những kết quả cụ thể mà không ai
có thể phủ nhận được.
Tại Đại học Harvard, nhà tâm lý học David McClelland đã tiến hành cuộc
khảo sát trên một nhóm sinh viên của trường. Trước hết, họ được cho xem
một cuốn phim về những hoạt động nhân đạo của Mẹ Teresa với những người
nghèo khổ và bệnh tật tại Calcutta, Ấn Độ. Những sinh viên này thừa nhận
là cuốn phim đã làm họ xúc động và gợi lên sự thương cảm mạnh mẽ. Ngay
sau đó, David tiến hành phân tích mẫu nước bọt của tất cả những sinh
viên này và tìm thấy một kết quả chung: sự gia tăng nồng độ
immuno¬globulin-A, một chất kháng thể có công năng giúp cơ thể chống lại
các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Một cuộc nghiên cứu khác được James House thực hiện tại Trung tâm nghiên
cứu của Đại học Michigan. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc thường xuyên
tình nguyện tham gia các hoạt động nhân đạo và đối xử một cách thương
yêu, tử tế với người khác là những yếu tố giúp gia tăng tuổi thọ cũng
như làm tăng thêm sinh lực. Nhiều cuộc nghiên cứu khác cũng đi đến kết
quả tương tự, xác nhận rằng những trạng thái tinh thần tích cực luôn có
tác dụng hoàn thiện sức khỏe con người.
NHẬP TỪ BI QUÁN
Thuật ngữ Phật giáo này có thể là còn xa lạ với một số người, nhưng thật
ra nó không có gì cao siêu bí ẩn mà chính là hàm chứa những gì chúng ta
đã thảo luận về lòng từ bi cho đến lúc này. Tuy nhiên, chúng ta sẽ nhắc
lại theo một trình tự cụ thể và liên kết chặt chẽ hơn để mỗi người
trong chúng ta đều có thể dễ dàng thực hành phép quán này ngay trong
cuộc sống hằng ngày.
Phép quán từ bi có công năng làm sinh khởi và nuôi dưỡng lòng từ bi
trong mỗi chúng ta. Bất cứ ai cũng có thể và nên thực hành phép quán này
như một phương thức đơn giản nhưng vô cùng hữu hiệu để phát triển lòng
từ bi. Mỗi lần thực hành nên kéo dài ít nhất là 5 phút và có thể lâu hơn
càng tốt, nếu điều kiện cho phép.
Để thực hành phép quán này, trước hết bạn cần một nơi yên tĩnh – một góc
nhỏ trong nhà, phòng khách, phòng ngủ... hoặc bất cứ nơi đâu thuận
tiện. Ngồi xuống với tư thế thật thoải mái. Có thể ngồi trên ghế tựa
buông thõng hai chân, nhưng tốt nhất là ngồi xếp bằng trên giường hoặc
trên sàn nhà với một tấm lót mỏng, hai chân tréo vào nhau hoặc chân trên
chân dưới. Chọn cách nào cũng được, nhưng cần phải giữ lưng thẳng đứng
và vững chải, không tựa lưng ra sau hoặc để lưng cong xuống. Hai tay đặt
trên đùi hoặc trước bụng, lòng bàn tay ngửa lên.
Sau khi ngồi yên, bắt đầu giữ hơi thở điều hòa trong chừng một phút và
bắt đầu quán tưởng. Trước hết, hãy nghĩ đến một nỗi khổ đau nào đó và tự
mình xác định là không mong muốn xảy đến cho mình. Có thể chọn bất cứ
hình ảnh khổ đau nào có ấn tượng mạnh nhất đối với bạn để quán tưởng. Có
thể là bệnh khổ, tai nạn, chết chóc... hay bất kỳ nỗi khổ nào mà bình
thường bạn vẫn e sợ nhất. Tập trung suy nghĩ về nỗi khổ đó và chắc chắn
là bạn không muốn nó xảy ra với mình, bởi vì bạn chỉ mong muốn và biết
chắc là mình có thể được hưởng một cuộc sống an vui, hạnh phúc. Khi quán
tưởng điều này, bạn hoàn toàn dựa vào những kinh nghiệm thực có của bản
thân mà không phải là những sự mô tả từ bất kỳ ai khác.
Khi những ý tưởng này đã trở nên vững chắc, bạn bắt đầu mở rộng sự quán
tưởng để thấy rằng tất cả những người khác – thậm chí là những sinh vật
khác – cũng không khác gì bạn về điểm này. Nghĩa là, tất cả đều không
muốn phải chịu đựng khổ đau và đều mong muốn được sống an vui, hạnh
phúc.
Tiếp theo, bạn hãy hình dung một người nào đó không may phải chịu đựng
nỗi khổ đau mà bạn vừa quán xét. Hãy cố gắng nghĩ thật nhiều về việc
người ấy sẽ phải chịu đựng những đau đớn, buồn khổ như thế nào. Sau đó,
bạn nghĩ đến bản thân mình và thấy rằng mình cũng không khác gì người
ấy, cũng sẽ đau đớn, buồn khổ tương tự như thế nếu phải chịu đựng hoàn
cảnh ấy. Khi bạn nghĩ như vậy, một cảm xúc tự nhiên sẽ sinh khởi, bạn
thấy cảm thông với nỗi đau của người ấy và mong muốn cho nỗi đau ấy sớm
được chấm dứt ngay. Khi bạn tiếp tục quán tưởng, cảm xúc này sẽ ngày
càng mạnh hơn và bạn bắt đầu nghĩ đến việc tìm mọi cách để cứu giúp
người ấy thoát khỏi đau khổ. Kể từ khi ý tưởng này sinh khởi, bạn hãy cố
gắng tập trung hoàn toàn vào nó, và như thế quyết tâm của bạn sẽ ngày
càng mạnh mẽ hơn. Cuối cùng, bạn duy trì tâm trạng cảm thông và mong
muốn giúp đỡ này cho đến cuối thời gian thực tập.
Đối tượng xuất hiện trong phép quán từ bi có thể là bất cứ ai. Thông
thường, khi bạn lần đầu tiên thực hành phép quán này, có thể bạn nên
nghĩ đến một người thân của mình, vì điều đó dễ làm cho bạn thấy rung
động hơn. Tuy nhiên, khi đã thuần thục, bạn nên mở rộng sang những đối
tượng khác, thậm chí là những sinh vật. Khi lòng từ bi được nuôi dưỡng
và phát triển mạnh, bạn sẽ có thể cảm thông và mong muốn cứu giúp ngay
cả với những con vật đang chịu đau khổ chứ không chỉ riêng với con
người.
Phép quán từ bi là một phương pháp dễ thực hành nhưng chắc chắn sẽ mang
lại hiệu quả tích cực trong việc nuôi dưỡng lòng từ bi. Tất nhiên là
điểm khởi đầu của mỗi người không giống nhau, vì như đã nói, mức độ biểu
hiện của lòng từ bi ở mỗi chúng ta là khác nhau. Có những người có thể
gặt hái kết quả rất nhanh chóng, một số khác cần phải có thời gian và sự
kiên trì, nhưng tất cả đều sẽ đạt được sự phát triển của lòng từ bi nhờ
vào việc thực hành phép quán này.