Tương quan giữa cá nhân và xã hội
Đề cập đến vấn đề sống hướng thiện, chúng ta không thể
không xem xét mối tương quan giữa cá nhân và xã hội. Bởi vì, sống hướng
thiện là gì nếu không phải là thực hành điều Thiện trong mối tương
quan với người khác, với xã hội.
Vì con người sống giữa cuộc đời, nên không thể đặt mình nằm ngoài
các mối quan hệ xã hội đang tồn tại. Mỗi chúng ta từ khi sinh ra đã là
một thành viên của xã hội. Tất cả chúng ta đều được gọi bằng một danh
từ: con người. Tuy vậy, trong mỗi con người, bên cạnh phần “con”, còn có phần “người”. Điều này có nghĩa là, ngay khi mới sinh ra, phần “con” có phần tỏ ra lấn át phần “người”.
Khi còn nhỏ, chúng ta có nhiều nhu cầu mang tính bản năng: đói thì
khóc đòi ăn, mệt thì đòi đi ngủ, sợ hãi thì cần được an toàn... Nghĩa
là việc thỏa mãn những nhu cầu, đòi hỏi về vật chất luôn chiếm ưu thế
trong cuộc sống của chúng ta.
Khi chúng ta lớn lên, những nhu cầu tinh thần – tức phần “người”
– mới dần dần chiếm vị trí trong đời sống của ta. Cho nên, có thể
khẳng định, con người ngay từ khi sinh ra chỉ là một cơ thể sinh học
mang mầm mống người, nên mỗi con người nhất thiết còn phải trải qua một
quá trình lớn lên, được học hỏi, được giáo dục, nhất là phải tự nỗ lực
rèn luyện bản thân mỗi ngày để trở thành một con người đích thực – con
người có nhân cách trong đời sống xã hội.
Dù đã có ý thức nỗ lực rất nhiều để nên người đi chăng nữa, thì có
một sự thật chúng ta phải thừa nhận là, bên cạnh những phẩm chất tốt
đẹp, bên trong mỗi chúng ta vẫn còn nhiều điều chưa tốt. Nếu mỗi ngày
chúng ta không nỗ lực sống hướng thiện, thì rất có thể phần “con” kia có nguy cơ sẽ lấn át phần “người”. Khi đó, cuộc sống mỗi người sẽ thuần túy mang tính bản năng và sẽ không còn cái gọi là tính người và tình người.
Lúc đó, mọi thứ diễn ra trong cuộc sống sẽ chỉ là sự tranh giành, đấu
đá lẫn nhau, kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu, cái ác sẽ càng được dịp tung
hoành và lấn át cái thiện. Đến tình trạng đó thì cuộc sống này sẽ không
thể nào được gọi là cuộc sống nữa, mà là địa ngục trần gian. Lúc đó,
từng con người không còn được sống theo đúng ý nghĩa sâu xa, cao đẹp của
từ “sống”, mà chỉ còn là sự gây đau khổ lẫn cho nhau, là cắn răng chịu đựng, là gánh chịu những hậu quả do chính mình gây ra.
Như vậy, với tư cách là một thành viên của xã hội, cuộc sống hằng
ngày của mỗi chúng ta luôn gắn liền với cuộc sống của những người xung
quanh, với cuộc sống của xã hội. Chúng ta không thể sống một cách cô
lập, cách ly khỏi đời sống xã hội, tách khỏi sự phát triển chung của
nhân loại. Chúng ta không thể sống buông trôi theo những đòi hỏi của
bản năng, muốn làm gì thì làm! Mọi hành động, việc làm mỗi ngày của
chúng ta đều phải tôn trọng những chuẩn mực đạo đức mà xã hội đã đặt ra.
Tình trạng tiến bộ hay suy thoái của một xã hội tùy thuộc vào việc
xã hội đó được đặt trên nền tảng nào. Một xã hội sẽ không thể tồn tại
và phát triển bền vững nếu nó không dựa trên nền tảng các giá trị đạo
đức vững chắc, và nhất là nếu không dựa trên nền tảng lòng hướng thiện
của từng cá nhân sống trong xã hội đó! Mọi người phải nỗ lực sống hướng
thiện để trở thành một thành viên xứng đáng trong xã hội, góp phần xây
dựng xã hội hạnh phúc, tiến bộ. Chắc chắn khi đó bộ mặt của xã hội sẽ
được đổi thay!
Vẫn biết rằng, một trong những quyền thiêng liêng nhất của con người
là quyền được tự do. Xã hội càng phát triển, con người càng được tạo
thêm những điều kiện để có thể thụ hưởng quyền tự do của bản thân mình
một cách đầy đủ nhất. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là, tự do cá
nhân của ta không được phép xâm phạm đến tự do cá nhân của người khác,
càng không được gây ảnh hưởng đến cuộc sống yên bình của cả xã hội.
Chúng ta không thể cứ muốn làm gì thì làm mà bất chấp việc có được xã
hội chấp nhận hay không! Nói cách khác, tự do cá nhân của mỗi người
không hề tách rời khỏi các chuẩn mực đạo đức của xã hội.
***
Lòng hướng thiện là cầu nối giữa người với người trong các mối quan
hệ xã hội. Lòng hướng thiện giúp chúng ta nhận thức đúng đắn hơn về
cuộc sống xã hội, với những mối quan hệ xã hội diễn ra muôn màu muôn vẻ
hằng ngày quanh ta. Lòng hướng thiện giúp ta tự điều chỉnh hành động
của bản thân theo chiều hướng tích cực nhất. Khi có lòng hướng thiện,
ta sẽ luôn đứng trên phương diện của cái Thiện để hành động, cư xử với
mọi người xung quanh. Đồng thời, chúng ta cũng có cơ sở vững chắc để
nhìn nhận, phân biệt hành vi của người khác là tốt hay xấu, là đúng hay
sai. Trên hết, lòng hướng thiện cũng là cơ sở vững chắc để mỗi chúng ta
tự đánh giá về hành vi của chính mình, để có thể sống ngày càng tốt
hơn.
Bạn đã bao giờ suy nghĩ về ý nghĩa và giá trị của lòng hướng thiện
trong cuộc đời này chưa? Cái Thiện là cái bao hàm tất cả những phẩm
chất tốt đẹp nơi con người: trung thực, khiêm nhường, bao dung, vị tha,
nhân hậu, yêu thương, tốt bụng, tử tế, sống có trách nhiệm, thủy
chung, cao thượng, kiên trì, nhẫn nại, hy sinh... Lòng hướng thiện
hướng con người đến những giá trị đạo đức cao đẹp, để con người có thể
sống tốt, sống có ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội.
Lòng hướng thiện của mỗi chúng ta có ảnh hưởng rất tích cực đối với
người xung quanh. Nhờ sống hướng thiện, ta mới có thể hòa nhập vào cộng
đồng xã hội. Càng ngày, con người càng nhận ra giá trị và ý nghĩa của
lòng hướng thiện. Nếu cái ác luôn đẩy con người ra xa nhau, lúc nào
cũng phải nơm nớp canh chừng, đề phòng lẫn nhau, thì lòng hướng thiện
sẽ giúp chúng ta xích lại gần nhau, dễ dàng cởi mở và sống chân thành
với nhau hơn. Cuộc sống sẽ trở nên thanh bình và tươi vui hơn rất nhiều
nếu mỗi ngày chúng ta biết chủ động tạo ra những mối quan hệ tốt đẹp
với người khác, với xã hội. Một khi chúng ta chủ động tạo ra mối quan
hệ tốt đẹp với người khác thì điều tất yếu là người khác cũng dễ dàng
đáp lại chúng ta bằng những hành động và cách ứng xử chân thành. Miễn
là chúng ta đừng chủ động “gây sự” thì người khác cũng không ngại gì mà
không tạo mối quan hệ tốt đẹp với ta.
Cuộc sống ngày càng phát triển nên các mối quan hệ giữa người với
người cũng phải ngày càng hài hòa, tốt đẹp, để góp phần xây dựng xã hội
phát triển bền vững. Hơn thế nữa, lòng hướng thiện còn là yếu tố không
thể thiếu để góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ hơn.
Chính vì những lý do đó, xã hội luôn tìm cách lên án cái ác, đề cao
cái thiện bằng nhiều phương tiện: sách vở, giáo dục trong nhà trường
qua những bài giảng đạo đức, nhất là trên các phương tiện truyền thông
đại chúng... Hiện nay, trong cuộc sống, chúng ta gặp không ít các bài
báo, những phương ngôn, khẩu hiệu hô hào chống suy thoái đạo đức, kêu
gọi con người phải sống đẹp, sống hiền thiện như thế này, thế nọ...
Trên các đài phát thanh hay truyền hình, mỗi ngày mỗi giờ ta đều thấy
rất nhiều những cuộc thi, những chương trình tuyên dương người tốt việc
tốt, để mọi người cùng noi theo, học hỏi...
Nhưng làm thế nào để có thể thực hiện những điều đã đặt ra? Hay nói
cụ thể hơn, làm thế nào để sống hướng thiện, dường như vẫn là một câu
hỏi còn bỏ ngỏ, vẫn luôn là điều khiến cho nhiều tâm hồn cao cả phải
băn khoăn, thao thức. Những hoạt động rầm rộ, ồ ạt, mang tính hình thức
bên ngoài sẽ ít đem lại kết quả thực sự nếu nó không thực sự bắt nguồn
từ khát vọng chân chính bên trong của con người.
Riêng đối với bản thân tôi, thiết nghĩ, hướng thiện không phải là cố
gồng mình lên để sống, để chứng tỏ cho thiên hạ thấy những hành động
tốt đẹp được ngụy trang, trau chuốt một cách cực kỳ khéo léo trước mắt
thiên hạ. Trái lại, lòng hướng thiện phải xuất phát từ trong tâm mỗi
người.
Thật vậy, hướng thiện trước hết phải là thay đổi chính mình. Muốn xã
hội thay đổi, thì trước hết tự bản thân mỗi người phải nỗ lực thay
đổi. Nói cách khác, sự thay đổi của cả xã hội phải bắt nguồn từ sự thay
đổi của mỗi con người đang sống trong xã hội đó. Và chính sự tích cực
thay đổi bản thân của mỗi người sẽ góp phần tạo nên một xã hội tốt đẹp.