Nhìn vào thực tế cuộc sống
Nói đến lòng hướng thiện, chắc hẳn mỗi chúng ta đều đã
thấm nhuần biết bao bài học, tư tưởng đạo đức của muôn thế hệ cha ông
để lại: “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”,
“Thà chết vinh còn hơn sống nhục”... Trong ý thức của dân tộc ta luôn
đề cao cái thiện, đấu tranh chống cái xấu cái ác: “Ở hiền, gặp lành”,
“Ác giả, ác báo”, “Gieo gió, gặt bão”... Có thể khẳng định, truyền thống
tốt đẹp của dân tộc Việt Nam luôn coi trọng, đề cao lẽ sống hướng
thiện cùng các giá trị đạo đức, lấy đó làm thước đo cách cư xử giữa
người với người trong đời sống xã hội.
Ngay từ thuở ấu thơ, mỗi chúng ta chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi những
giá trị đạo đức tốt đẹp mà gia đình nói riêng, nhà trường và xã hội nói
chung đã dày công giáo dục chúng ta. Những bài học đạo đức này đã sớm
định hình và củng cố trong bản thân mỗi chúng ta niềm tin tưởng nơi cái
Thiện, tin tưởng nơi những giá trị đạo đức tốt đẹp của cuộc sống.
Theo năm tháng, chúng ta dần khôn lớn, thoát khỏi khung cảnh êm đềm
của cuộc sống dưới mái gia đình, phải sống tự lập, mỗi ngày va chạm với
những thực tế khắc nghiệt của cuộc sống, chúng ta nhận ra rằng, việc
sống theo những giá trị đạo đức tốt đẹp mà mình đã được giáo dục trước
đây hoàn toàn không phải điều đơn giản.
Trong đời mình, hẳn có khi nào đó bất chợt bạn muốn suy nghĩ, xem
xét lại tất cả những giá trị đạo đức mà mình đã được giáo dục từ gia
đình, nhà trường ngay từ thuở ấu thơ? Liệu giờ đây bạn có còn nuôi
dưỡng trong tâm hồn mình niềm tin vững chắc vào các giá trị đạo đức ấy?
Hay lúc này đây, khi phải đứng trước những thực tế cuộc sống đầy cay
đắng phũ phàng, niềm tin vào các giá trị đạo đức của bạn đang bị xói
mòn, dao động và có nguy cơ sụp đổ? Hay thậm chí, bạn đã không còn tin
tưởng gì vào các giá trị đạo đức cao đẹp ấy? Những điều tốt đẹp mà bạn
học được từ thế hệ đi trước và từ sách vở liệu có còn một giá trị
thuyết phục nào đối với bản thân bạn hay không? Và nhất là, bạn có dứt
khoát lựa chọn cho bản thân một lối sống hướng thiện hay không?
Trong cuộc sống kinh tế đầy khó khăn ngày nay, rất nhiều người đang
phải vất vả, bận rộn chạy đua với công việc và thời gian. Thậm chí,
chúng ta còn phải tranh đua, phải làm lụng rất cực nhọc, vất vả mới
kiếm được đồng tiền nhằm giải quyết những nhu cầu vật chất trong cuộc
sống. Trong bối cảnh của một xã hội mà sự thành công và hạnh phúc của
mỗi cá nhân được đánh giá qua những thành quả vật chất, thì việc đề cập
với thế hệ trẻ một nếp sống hướng thiện quả thực là một vấn đề đang gặp
phải những khó khăn, thử thách rất nghiêm trọng. Nếu tình trạng này
không được khắc phục một cách hiệu quả thì tương lai xã hội mai này sẽ
không thể tránh khỏi một bộ phận những người có lối sống đơn thuần chạy
theo đồng tiền, bất chấp đạo lý.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí mỗi ngày không
thiếu những bài viết đề cập đến rất nhiều vụ việc kinh doanh gian dối
của những kẻ thiếu lương tâm đạo đức, chỉ đơn thuần chạy theo lợi nhuận
mà bất chấp tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng. Biết bao vụ việc
sai trái, tiêu cực trong đời sống xã hội chỉ được người ta hô hào khắc
phục chung chung mà trên thực tế qua nhiều năm vẫn chưa có giải pháp cụ
thể nào để khắc phục...
Nhìn vào cuộc sống thực tế mỗi ngày, bên cạnh những điều tốt đẹp,
chúng ta có thể thấy vẫn tồn tại rất nhiều hành vi chướng tai gai mắt,
thiếu đạo đức, phi văn hóa, chẳng hạn như: tình trạng xả rác bẩn bừa
bãi trên đường phố, vi phạm luật giao thông, phóng nhanh vượt ẩu, nói
tục, chửi thề, xô xát, đố kị, ganh ghét, trộm cắp, tham lam và vô vàn
những điều xấu, thậm chí cả những vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm
trọng...
Điều đáng nói là, bất cứ một hành vi xấu ác nào cũng mang lại tác
hại cho xã hội, chứ không chỉ tác hại cho riêng kẻ đã gây ra hành vi
đó. Thậm chí, rất nhiều trường hợp chúng ta không làm điều xấu, không
góp phần vào việc gây ra hậu quả, nhưng hậu quả tồi tệ mà kẻ khác gây
ra vẫn ảnh hưởng đến bản thân mình và mình phải gánh chịu.
Cứ nhìn vào những thực tế phũ phàng, những trớ trêu, ngang trái đó
trong cuộc sống, ta nhận thấy, dường như chỉ có những người lương thiện
là phải gánh chịu mọi nỗi bất công, thiệt thòi, còn những kẻ gây ra
điều xấu, điều ác thì vẫn cứ sống phây phây, thậm chí có khi còn sung
túc, no đủ nữa...
Khi phải chứng kiến quá nhiều những hành động mang tính chất tầm
thường, bỉ ổi, phạm pháp... của kẻ khác, diễn ra nhan nhản hằng ngày
trong đời sống xã hội, chúng ta dễ có nguy cơ đánh mất niềm tin vào cái
thiện, vào những giá trị đạo đức tốt đẹp của cuộc sống. Điều đó cũng
là dễ hiểu.
Thật vậy, nếu nhìn ở đâu cũng chỉ thấy những điều tội lỗi xấu xa,
thì bản thân ta rất khó có thể sống hướng thiện. Khi phải sống trong
tâm trạng như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy cuộc đời này thật là u ám.
Chúng ta càng dễ có khuynh hướng bị chao đảo tinh thần, lệch hướng
trong hành động, thậm chí, muốn buông xuôi mặc kệ cuộc đời muốn ra sao
thì ra!
Thế nhưng, liệu có đáng để chúng ta vì những lý do như vậy mà đi đến
chỗ lẫn lộn vàng thau, không còn phân biệt được thế nào là đúng - sai,
thật - giả, tốt - xấu, chính - tà hay không?
Liệu chúng ta có nên vì những lý do như vậy mà ngoảnh mặt làm ngơ,
mặc kệ cuộc đời muốn ra sao thì ra không? Và nhất là, liệu chúng ta có
nên vì những lý do như vậy mà tỏ ra chán nản, mệt mỏi, thất vọng, không
còn tin rằng cái thiện có khả năng chiến thắng cái ác?
Liệu thực tế cuộc sống phũ phàng có khiến bạn muốn bỏ mặc, tự buông xuôi cuộc đời mình ra sao thì ra không?
Trong bối cảnh cuộc sống có nhiều chuyện nhiễu nhương như vậy, bản
thân ta lại luôn phải hối hả, gấp gáp, đua tranh vì cuộc sống, liệu
chúng ta có còn đủ thời gian để băn khoăn, để lắng đọng những suy nghĩ
về lẽ sống hướng thiện của đời mình hay không?
Phải chăng, sự khủng hoảng tinh thần của một bộ phận những người trẻ
hôm nay chính là ở chỗ họ đang đánh mất niềm tin vào con người và cuộc
sống?