Như Đức
Nagarjuna nói:
Những hành
động phát sinh từ tham, sân, và si là ác hạnh. Những hành động phát sinh từ
không-tham, không-sân, và không-si là đức hạnh. Dù là đức hạnh hay ác hạnh,
những hành động là do tâm tích tập.
Chừng nào ta
còn tham muốn tiện nghi, vật chất, sự tôn kính, và tiếng tăm, và chừng nào ta
còn muốn né tránh đau khổ, sự không thâu đạt các sự vật (mất), sự bất kính
(chê), và tiếng xấu (nhục), thì mọi hành động đều bị thúc đẩy bởi tham, sân, và
si. Và như thế những hành động đó nhiều phần là ác hạnh hơn là đức hạnh.
Trong bản văn
nói:
Điều cực kỳ
quan trọng là đừng cố phát triển tham muốn hạnh phúc của đời này. Nếu tham muốn
này phát khởi, hãy nỗ lực từ bỏ nó.
Lạt ma Atisha
cũng nói:
Nếu gốc
rễ độc thì các cành và lá cũng độc. Nếu gốc rễ có thể chữa bệnh, cành và lá
cũng có thể chữa bệnh. Tương tự như thế, mọi sự được làm với tham, sân, và si
thì vô-đạo đức.
Nói cách khác,
bất kỳ hoạt động nào – dù là cấy trồng, kinh doanh, chiến đấu, giúp đỡ bạn bè
và thân quyến, hay thiền định – được làm với tư tưởng về tám pháp thế gian, bám
luyến vào đời này và được thúc đẩy bởi tham, sân, hay si sẽ trở thành, như được
nói ở đây, “chỉ là nguyên nhân của sinh tử và những cõi thấp.”
Bản văn nói
tiếp:
Để nhận được
điều cốt tủy, ngay từ lúc bắt đầu, ta không nên bám luyến vào đời này.
“Nhận được điều
cốt tủy” ám chỉ thân người toàn hảo này.
Kế đó tới một
trích dẫn từ một giáo lý Kim Cương thừa, thường được đưa ra như một động lực
trong thời gian chuẩn bị cho một nhập môn Kim Cương thừa:
Những người có
lòng sùng mộ lớn lao, những người mưu cầu siêu vượt sinh tử, được phép đi vào
mạn đà la. Ta không nên tham muốn những kết quả của đời này.
Điều này có
nghĩa là ta không nên tìm kiếm hạnh phúc, sung sướng, vật chất, sự tôn kính,
tiếng tăm, và v.v.., là tất cả những gì thuộc về đời này.
Trích dẫn tiếp
tục:
Người tham
muốn cuộc đời này không thành tựu ý nghĩa siêu vượt sinh tử.
Điều này có
nghĩa là những hoạt động của những người tham muốn cuộc đời này sẽ không trở
thành nguyên nhân của Giác ngộ, là trạng thái siêu vượt sinh tử.
Bạn có thể thấu
hiểu điều đó theo cách này: Nếu mục đích của bạn chỉ là đạt được hạnh phúc
trong đời này, nếu đó là hy vọng duy nhất của bạn, mọi điều bạn làm – công
việc, trì tụng những lời nguyện, nhận các lễ nhập môn, ăn, ngủ – không trở
thành Thánh Pháp. Tất cả những hành động đó là vô-đạo đức. Hy vọng của bạn là
được hạnh phúc, nhưng điều duy nhất bạn nhận được từ những hành động này là đau
khổ. Mặc dù bạn làm công việc của bạn với mục đích thành tựu hạnh phúc trong
đời này, những hành động của bạn thực sự trở thành chướng ngại cho hạnh phúc
này và khiến cho bạn không tìm được nó. Chúng ta có thể hiểu rõ điều này nếu ta
nhìn vào những kinh nghiệm của riêng ta và của những người khác.
Đoạn trích dẫn
kết luận:
Việc mưu
cầu siêu vượt sinh tử sẽ phát triển hạnh phúc của sinh tử của đời này.
Điều này có
nghĩa là những ai chỉ tìm cầu Giác ngộ siêu vượt sinh tử, và thực hành Pháp để
thành tựu nó, thì mặc dù không tìm kiếm hạnh phúc của đời này, nhưng họ sẽ tìm thấy
nó một cách tự nhiên.
Trong Lá Thư
gởi một người Bạn, Đức Nagarjuna nói:
Nếu tóc
hay y phục của bạn bị bén lửa, bạn lập tức dập tắt nó. Cũng thế, nỗ lực để
không bị tái sinh là một việc rất đáng làm.
Khi một tàn lửa
rơi vào bạn, bạn thoát khỏi nó không chút chậm trễ. Bạn phản ứng tức thì mặc dù
tàn lửa có thể chỉ đốt cháy tóc hay y phục của bạn. Chắc chắn là bạn nên mãnh
liệt hơn trong việc nỗ lực tiệt trừ những nguyên nhân của sự tái sinh trong
những cõi thấp và những nỗi khổ liên tục của luân hồi sinh tử.
Mọi vấn đề của
ta phát khởi do bởi ta nhận sự tái sinh luân hồi sinh tử này, những uẩn này
được tạo nên bởi sự mê lầm và nghiệp và bị ô nhiễm bởi những hạt giống của các
mê lầm. Bởi ta nhận sự tái sinh, ta kinh nghiệm nỗi khổ rộng khắp, duyên hợp,
và vì thế, kinh nghiệm nỗi khổ do sự biến đổi và nỗi khổ khổ. Chúng ta không chỉ
kinh nghiệm những nỗi khổ trong đời này, nhưng sinh tử hiện tại này trở thành
nền tảng của mọi sinh tử và đau khổ của những đời sau. Việc nhận một sinh tử
khác tạo nên nguyên nhân của rất nhiều sinh tử khác trong những đời sau. Tiến
trình này cứ tiếp tục mãi.
Nagarjuna đang
nói rằng so với việc một tàn lửa nhỏ rơi vào người ta thì tình huống này nghiêm
trọng hơn nhiều, và chúng ta nên nỗ lực để không phải nhận sự tái sinh
khác. Làm thế nào ta có thể nỗ lực để không phải tái sinh? Như được đề cập
trong các giáo lý, tham muốn là sợi giây xích trói buộc chúng ta vào sinh tử;
tham muốn là nguyên nhân gần nhất của sinh tử của đời sau. Tham muốn không chỉ khiến
ta tạo nghiệp tiêu cực ngay bây giờ trong đời này, khi ta nhận ra ta đang chết,
ta bám luyến vào thân ta, những uẩn của ta. Việc tham muốn và bám luyến vào lúc
chết đưa dẫn ta tới việc nhận sự tái sinh sinh tử đặc biệt của đời sau của ta.
Bởi tham muốn là nguyên nhân chính yếu của sinh tử, việc cắt đứt tham muốn trở
thành thực hành Pháp cốt tủy để không tái sinh một lần nữa. Đây là phương cách
để chấm dứt sự tương tục của sinh tử.
Tóm lại mọi
hành giả Pháp nên từ bỏ sự tham muốn tiện nghi sung sướng của đời này. Trừ phi
bạn từ bỏ tham muốn này, ngay cả việc được gọi là “một hành giả Pháp” cũng
chẳng thể được. Mọi sự được làm với sự tham muốn tìm kiếm sung sướng của đời
này không phải là Pháp. Chừng nào có tham muốn thì không có thực hành Pháp. Có
một câu cách ngôn Tây Tạng: “Bởi một con ngựa không có đặc tính của một con sư
tử nên đừng gọi ngựa là sư tử.”
Lạt ma
Gyampa, một geshe Kadampa, đã nói:
Từ bỏ đời này
chính là sự bắt đầu của Pháp. Bạn chẳng làm một thực hành Pháp nào mà cảm thấy
tự hào là một hành giả Pháp – thật là điên khùng! Hãy kiểm tra xem sự tương tục
của tâm bạn có bao gồm bước đầu tiên của Pháp hay không: sự từ bỏ đời này.
Cho dù bạn nghĩ
rằng bạn không là một con người tôn giáo, nhưng bởi bạn muốn hạnh phúc và không
mong muốn những vấn đề, bạn vẫn phải kiểm soát sự tham muốn. Không có giải pháp
nào khác. Bạn không thể giảm thiểu sự tham muốn và những mê lầm khác bằng cách
dùng thuốc men, chịu một cuộc giải phẫu, hay bằng những phương tiện ngoại tại
khác. Phương pháp để thực hành là nghĩ tưởng về những lỗi lầm của sự tham muốn,
và nghĩ rằng cuộc đời thật ngắn ngủi. Đây là tâm lý học cốt tủy, cho dù bạn
không là một Phật tử và không muốn là Phật tử. Không có giải pháp nào
khác. Để ít gặp những vấn đề trong đời bạn, bạn phải quán chiếu về những
lỗi lầm của sự tham muốn. Nếu tham muốn được tiệt trừ thì không còn những vấn
đề nữa. Ngay khi bạn từ bỏ tham muốn, bạn sẽ không thấy bất kỳ vấn đề nào nữa.
Thực hành Bồ Đề
tâm giúp kiểm soát sự tham muốn. Việc hoán đổi bản thân với người khác, điều đó
có nghĩa là từ bỏ bản thân và yêu thương người khác, hay có một trái tim hết
sức tốt lành, muốn tiệt trừ những đau khổ của người khác và nhận lấy hạnh phúc
của họ, sẽ giải quyết được nhiều vấn đề,
Người mà tâm
không đủ mạnh mẽ để thực hành Bồ Đề tâm nên cản ngăn những vấn đề của tham muốn
bằng cách quán chiếu về những thiền định như việc tái sinh làm người toàn hảo
và đặc biệt là sự vô thường và cái chết. Bạn có thể cắt đứt tham muốn bằng cách
nhớ tưởng rằng cuộc đời thật ngắn ngủi và cái chết có thể xảy tới bất kỳ lúc
nào, và liên kết những tư tưởng này với những cõi thấp, nghiệp, và v.v..
Như tôi đã đề
cập trước đây, “bí mật của tâm” của Shantideva không phải là chứng ngộ cao cấp.
Việc hiểu rõ những lỗi lầm của tám pháp thế gian và quán chiếu về sự vô thường
và cái chết cũng có thể được coi là những bí mật của tâm.
Việc thiền định
về sự vô thường và cái chết và nhận ra những lỗi lầm của sự tham muốn – điều đó
có nghĩa là nhận ra rằng mọi vấn đề phát sinh từ đó – mang lại cho bạn sức mạnh
để lập quyết định từ bỏ cuộc đời này, cắt đứt sự bám luyến với cuộc đời này.
Hai điều này làm cho bạn thêm kiên cố và làm suy yếu những pháp thế gian. Chúng
mang lại cho bạn sức mạnh để cắt đứt việc bám luyến vào đời này, tự giải thoát
mình khỏi sự tham muốn.
Nếu bạn không
nhận ra những bí mật này của tâm, mặc dù bạn muốn hạnh phúc và không muốn đau
khổ, bạn sẽ kinh nghiệm điều ngược lại. Không có hạnh phúc nhất thời và tối hậu,
bạn lang thang trong sinh tử và không ngừng kinh nghiệm đau khổ. Nhưng nếu bạn
nhận ra những bí mật này của tâm, ý nghĩa tối thượng của Pháp, bạn có thể thành
tựu hạnh phúc và tiệt trừ nỗi khổ đau và sẽ không còn lang thang không mục đích
trong luân hồi sinh tử nữa./.
Trích trong
nguyên tác:
“The Door to
Satisfaction - The Heart Advice of a Tibetan Buddhist Master”
by Lama Thubten
Zopa Rinpoche
Bản dịch Việt
ngữ của Thanh Liên
Cùng Tác
Gỉa:
Bồ Đề Tâm và Lòng Bi
Mẫn Lama Zopa Rinpoche – Thanh Liên Việt dịch
Hộ Luân Kim Cang Giáp
Lama Zopa Rinpoche sọan, Cư Sĩ Hồng Như Việt dịch
Không Còn Sự
Chọn Lựa Nào Khác Ngoài Việc Thực Hành Pháp, Lạt ma Zopa Rinpoche - Thanh Liên
chuyển ngữ
Lời Dạy Về Nhựng
Lợi Ích Của Bánh Xe Cầu Nguyện, Lạt ma Zopa Rinpoche - Liên Hoa chuyển ngữ
Mọi Sự Tuỳ
Thuộc Vào Động Lực của Chúng Ta, Lama Zopa Rinpoche– Thanh Liên Việt dịch
Năng Lực Trí Tuệ, Lama
Yeshe và Lama Zopa Rinpoche - Vô Huệ Nguyên dịch
Nhớ Tưởng Sự Vô
Thường và Cái Chết, Lama Zopa Rinpoche-Thanh Liên Việt dịch