Thay lời kết
Trong xã hội bon chen hiện nay, khi mà mỗi một cá nhân muốn
giành được chỗ đứng đều phải vất vả cạnh tranh, không ngừng đối phó với
những cá nhân khác, thì việc nêu ra ý tưởng vô ngã tưởng chừng như
không được thích hợp cho lắm! Để có được một chỗ làm ổn định hay một địa
vị tốt trong xã hội, dường như chúng ta phải luôn tự đề cao mình, khẳng
định mình là có gì đó vượt trội, nổi bật hơn người khác. Đó là một đòi
hỏi thực tế. Như vậy, liệu chúng ta có thể làm được những điều đó trên
tinh thần vô ngã hay chăng? Liệu chúng ta có thể gạt bỏ được quan niệm
chấp ngã mà vẫn đưa cái “bản ngã không thật” của mình vượt lên trên so
với người khác? Và liệu chúng ta có thể nào vẫn tham gia cuộc đọ sức bon
chen để đảm bảo nhu cầu tồn tại của bản thân và gia đình nhưng vẫn nhìn
đời bằng nhãn quan vô ngã? Những câu hỏi như thế chắc chắn có thể đến
với bất cứ ai trong chúng ta ngay khi bắt đầu bước vào con đường thực
hành giáo pháp vô ngã.
Nền kinh tế thị trường hiện nay đang chi phối hầu hết các quốc gia trên
thế giới. Mọi xã hội từ Đông sang Tây đều đang phát triển dựa trên cơ
chế thị trường. Sự phát triển của mỗi cá nhân trong một xã hội như thế
luôn tùy thuộc vào sự biểu hiện năng lực của cá nhân đó trong mối quan
hệ so sánh với những cá nhân khác. Và như vậy, trong những xã hội này
tất yếu phải hình thành những quan điểm sống nhấn mạnh vào vai trò của
cá nhân như là trung tâm điểm của xã hội. Đây cũng chính là biểu hiện rõ
nét nhất của quan niệm chấp ngã.
Điều này không có gì khó hiểu. Kinh tế thị trường và những quy luật cạnh
tranh khách quan đến lạnh lùng của nó có nguồn gốc từ nền văn hóa
phương Tây, vốn luôn nhấn mạnh vào vai trò của cá nhân trong cộng đồng
xã hội. Vì thế, đây chính là môi trường hết sức thuận lợi để nuôi lớn
quan niệm chấp ngã. Nhìn từ góc độ xã hội thì đây có thể ví như một con
dao hai lưỡi. Một mặt, nó kích thích sự phát triển tối đa của mỗi cá
nhân, và do đó tạo động lực hết sức mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế
của toàn xã hội. Điều này được biểu lộ qua sự phát triển hết sức nhanh
chóng về mặt vật chất của thế giới phương Tây trong suốt nhiều thập kỷ
gần đây. Nhưng mặt khác thì nguy cơ gây rối loạn xã hội từ những cá nhân
có sự phát triển lệch hướng cũng tăng cao và đòi hỏi các nhà quản lý xã
hội phải không ngừng tìm ra các biện pháp để đối phó, khống chế. Điều
này cũng được thấy rõ qua các loại hình tội phạm thường xuyên phát triển
ngày càng nghiêm trọng hơn, cũng như qua sự suy thoái chung về các
chuẩn mực đạo đức, tâm linh trong xã hội theo chiều hướng tỷ lệ nghịch
với sự phát triển về vật chất. Dấu hiệu rõ nét nhất của hiện tượng này
là càng vươn lên sung túc về vật chất thì người ta lại càng cảm thấy hụt
hẫng nhiều hơn về mặt tinh thần. Sự hình thành các trung tâm tu tập
Phật giáo tại phương Tây trong những năm gần đây với số lượng người tham
gia ngày càng đông đảo hơn đã cho thấy rõ điều đó. Người ta bắt đầu
nhận ra rằng họ không thể sống tốt chỉ với bánh mì và bơ sữa, và nhu cầu
về sự cải thiện đời sống tâm linh đang ngày được quan tâm nhiều hơn.
Và người ta đã thực hành những gì khi đến với các trung tâm tu tập?
Chính là sự buông bỏ khái niệm chấp ngã, xóa dần đi vai trò độc tôn của
cá nhân trong cộng đồng xã hội. Thay vào đó, những người tu tập sẽ biết
cách nhìn nhận thực tại đời sống một cách toàn diện hơn trong mối tương
quan chặt chẽ và chi phối lẫn nhau giữa các thành viên trong xã hội.
Điều đó giúp họ có một cái nhìn đúng thật hơn về bản ngã cũng như về thế
giới chung quanh. Và đó mới chính là tiền đề cho một cuộc sống thực sự
an vui và hạnh phúc.
Xã hội phương Đông từ xa xưa vốn chưa từng phát triển theo khuynh hướng
của phương Tây. Thay vì nhấn mạnh vào vai trò của cá nhân, các xã hội
phương Đông luôn được xây dựng dựa trên sự phát triển của toàn xã hội.
Nhà chính trị lý thuyết tiêu biểu của phương Đông là Khổng tử đã hình
thành học thuyết về quản lý xã hội của ông dựa trên những khuôn mẫu xã
hội lý tưởng chứ không phải là những cá nhân lý tưởng!
Sự khác biệt chính là ở điểm này. Xã hội phương Tây được xây dựng dựa
trên yêu cầu tôn trọng và tạo điều kiện tối ưu cho sự phát triển của
từng cá nhân, và vì thế mà những khuôn mẫu cá nhân lý tưởng được nêu ra
trước, rồi sau đó thì mọi quy luật ứng xử trong xã hội phải được hình
thành theo khuynh hướng đào tạo ra những cá nhân lý tưởng như thế. Ngược
lại, các nhà quản lý xã hội ở phương Đông lại hình thành những khuôn
mẫu xã hội lý tưởng trước, rồi từ đó mới đưa ra mọi quy luật ứng xử để
điều chỉnh hành vi ứng xử của mọi cá nhân sao cho tất cả các cá nhân
trong xã hội đều thích ứng với khuôn mẫu xã hội lý tưởng đó.
Ta có thể lấy ví dụ so sánh từ một khác biệt nổi bật nhất là quan điểm
về vấn đề tình dục. Đối với phương Tây, tình dục là một nhu cầu của cá
nhân, và điều đó cần được tôn trọng. Do đó, trong xã hội phương Tây thì
việc tự do quan hệ tình dục là chuyện hết sức bình thường và không ai
được phép ngăn cấm, miễn là điều đó có sự tự nguyện của đôi bên. Ngược
lại, dưới mắt nhìn của các nhà quản lý xã hội phương Đông thì trong một
xã hội lý tưởng không thể có chuyện quan hệ tình dục bừa bãi, vì gia
đình chỉ có thể hạnh phúc khi có sự chung thủy một vợ một chồng, và gia
đình có hạnh phúc thì xã hội mới tốt đẹp. Như vậy, mọi cá nhân trong xã
hội sẽ phải chấp nhận sự điều chỉnh của quy luật ứng xử sao cho phù hợp
với khuôn mẫu lý tưởng đó. Do đó, mỗi thành viên trong xã hội đều được
giáo dục, đào tạo từ nhỏ để biết sống thích hợp với khuôn mẫu chung của
toàn xã hội. Điều này dẫn đến kết quả là xã hội phương Đông không chấp
nhận các hình thức tự do quan hệ tình dục, mà nhất thiết phải được đặt
trong khuôn phép của lễ giáo.
Ta có thể suy rộng ra và dễ dàng tìm thấy rất nhiều ví dụ tương tự trong
những sự khác biệt về quan điểm ứng xử giữa các xã hội phương Đông và
phương Tây.
Chính sự khác biệt về quan điểm như trên đã tạo ra những khuynh hướng
sống khác nhau. Và nếu quay lại với những phân tích về giáo lý vô ngã mà
ta vừa tìm hiểu, ta có thể dễ dàng nhận ra ngay là môi trường xã hội
phương Đông luôn tỏ ra thích hợp hơn với sự thực hành giáo lý vô ngã.
Vấn đề nảy sinh ở đây là, cùng với kinh tế thị trường, nền văn hóa và
lối sống của phương Tây cũng đang lan rộng sang các nước phương Đông.
Trong khoảng một thập kỷ vừa qua, nhiều bạn trẻ Việt Nam đã dần dần trở
nên quen thuộc hơn với lối sống phương Tây và nhiều nét văn hóa truyền
thống của dân tộc đang dần đổi thay, phai nhạt. Điều này là tốt hay xấu?
Liệu chúng ta có thực sự đang tiếp thu những điều tốt đẹp và vươn lên
hoàn thiện, hay đang đánh mất dần đi những điều quý giá đang sẵn có? Câu
trả lời có thể còn tùy thuộc vào nhận thức khác nhau của mỗi người,
nhưng ở đây chúng ta sẽ giới hạn vấn đề bằng cách nhìn từ quan điểm vô
ngã mà ta đang tìm hiểu.
Từ xa xưa, Lão tử đã từng nói trong Đạo đức kinh rằng: “Đặt mình ra sau
mà đến trước; đặt mình ra ngoài mà không mất.” Như vậy, theo quan niệm
của ông thì rõ ràng việc bon chen sát phạt để giành được chỗ đứng tốt
hơn trong xã hội chưa hẳn đã là điều tốt. Mỗi người vẫn có thể sống tốt
trong cương vị của mình thì tự nhiên xã hội đó sẽ có sự phát triển tốt
đẹp, và mỗi thành viên trong xã hội rồi cũng sẽ được hưởng sự tốt đẹp
đó.
Như đã nói, xã hội phương Tây lại theo quan điểm khác. Sự cạnh tranh
mạnh mẽ, thậm chí là khốc liệt, giữa các cá nhân được cho là động lực
chính để thúc đẩy xã hội phát triển. Như vậy, quan điểm này xem sự phát
triển xã hội - mà chủ yếu là kinh tế - như mục đích chính. Ngược lại,
các hiền triết phương Đông đều chỉ xem đó như một phương tiện để đạt đến
cuộc sống ổn định cho mọi người, và sự tốt đẹp của xã hội không được
đánh giá dựa trên mức độ phát triển kinh tế hay hưởng thụ vật chất,
nhưng được xét từ sự an vui hạnh phúc mà mỗi cá nhân trong xã hội đó có
thể tận hưởng.
Và đây cũng chính là điểm then chốt mà giáo lý vô ngã sẽ phát huy tác
dụng. Trong khi sự phát triển đơn thuần về mặt vật chất chỉ là một trong
những điều kiện nhưng không hề đảm bảo cho ta một cuộc sống thực sự
hạnh phúc, thì giáo lý vô ngã lại trang bị cho ta một khả năng kỳ diệu
giúp ta hầu như có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh khác nhau trong cuộc
sống, và do đó chắc chắn sẽ tìm được nguồn hạnh phúc chân thật mà không
phải phụ thuộc nhiều vào ngoại cảnh.
Như vậy, nhìn từ góc độ đi tìm một cuộc sống thực sự hạnh phúc thì rõ
ràng là chúng ta hoàn toàn có thể và nên thực hành giáo pháp vô ngã ngay
trong cuộc sống bon chen này. Bởi khi đem so sánh giữa “được” và “mất”
thì chắc chắn chúng ta sẽ “được” những cái đáng giá hơn - niềm an vui
trong cuộc sống - và chỉ có thể “mất” đi một phần nào đó những giá trị
vật chất, điều mà ta có thể chấp nhận được. Nhiều người bạn của tôi đang
làm công việc kinh doanh thường than phiền về những áp lực căng thẳng
mà họ phải chịu đựng liên tục trong công việc. Sự phát triển về kinh tế
của xã hội, và gần gũi hơn là kinh tế gia đình, dường như đang phải đánh
đổi bằng sự vắt kiệt sức lực của mỗi chúng ta trong từng ngày, từng
giờ. Và như thế, những thành tựu vật chất mà ta có được quả thật không
thể bù đắp cho sự mất mát về mặt tinh thần mà ta phải gánh chịu khi chạy
đuổi theo sự cuốn hút của những nhu cầu vật chất.
Một khi quay nhìn lại chính mình và thế giới chung quanh với quan điểm
vô ngã, chúng ta sẽ có thể lập tức giảm nhẹ được những áp lực căng thẳng
đang đè nặng lên cuộc sống của mình nhờ vào sự thay đổi khuynh hướng
sống. Chúng ta sẽ không còn mải mê chạy đuổi theo những giá trị không
thực sự cần thiết, sẽ nhận ra được những giá trị đích thực của đời sống,
và sẽ có những quyết định sáng suốt dẫn đến những tư tưởng lời nói và
hành vi mang lại hạnh phúc cho bản thân ta và mọi người quanh ta. Tất cả
những điều này đều xuất phát từ việc điều chỉnh nhận thức sai lầm về
bản thân ta và thế giới quanh ta, và nhờ đó mà ta không còn phải chịu sự
tác động, xô đẩy quá nhiều từ ngoại cảnh.
Qua tất cả những gì chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu trong tập sách này,
có thể thấy rằng thực hành vô ngã không phải là một lý thuyết cao siêu
không tưởng, mà chính là một phương thức thiết thực giúp ta tìm lại được
chính mình trong dòng chảy xô bồ của cuộc sống hôm nay. Chính vì vậy,
tập sách này đã ra đời như một nỗ lực của người viết muốn chia sẻ cùng
người đọc những lợi ích thiết thực của sự thực hành vô ngã, một phương
pháp đã được đức Phật chỉ dạy từ cách đây hơn 25 thế kỷ nhưng đến nay
vẫn còn giữ nguyên giá trị trong xã hội hiện đại. Những ai đã có sự thực
hành trong một chừng mực nhất định nào đó đều có thể xác quyết điều
này.
Mặc dù vậy, việc trình bày một vấn đề quá lớn lao và phức tạp trong một
tập sách nhỏ không phải là việc dễ dàng, và những kinh nghiệm cũng như
hiểu biết của người viết là hết sức nhỏ nhoi, hạn chế. Vì vậy, người
viết tin chắc rằng sẽ không thể tránh khỏi ít nhiều sai sót trong quá
trình hình thành tập sách. Một lần nữa, chúng tôi xin chân thành đón
nhận và biết ơn mọi sự góp ý chỉ dạy từ các bậc cao minh cũng như quý
độc giả gần xa để nội dung sách trong những lần tái bản sẽ được hoàn
thiện hơn.
http://rongmotamhon.net