KHÁI NIỆM TÁNH KHÔNG
TRONG PHẬT GIÁO
Hoang Phong dịch
Nhà xuất bản Hồng Đức 2013
ĐỨC PHẬT THUYẾT GIẢNG VỀ TÁNH KHÔNG
Kinh Culasunnata-sutta và Kinh Mahasunnata-sutta
Tánh không là một trong những khái niệm
quan trọng và khó thấu triệt nhất trong giáo lý Phật Giáo. Chủ đề này được triển
khai và quảng bá suốt dòng lịch sử phát triển của Phật Giáo, và do đó cũng đã
trở nên ngày càng tinh tế, sâu sắc và dường như lại càng phức tạp hơn. Vậy tánh
không là gì?
Đức
Phật quán thấy rằng không có bất cứ một hiện tượng nào trong vũ trụ cũng như trong
tâm thức của mỗi cá thể con người lại có thể có một thực thể độc lập, tự chủ và
trường tồn được. Bất cứ một hiện tượng nào được phát sinh ra cũng đều phải nhờ
vào một sự kết hợp của nhiều nguyên nhân và nhiều điều kiện, và chỉ cần thiếu một
nguyên nhân hay một điều kiện dù thật nhỏ và thứ yếu trong sự kết hợp đó thì hiện
tượng ấy cũng sẽ không thể nào có được. Điều này cho thấy rằng tất cả mọi hiện
tượng đều mang tính cách cấu hợp và không hàm chứa một thực thể mang tính cách độc
lập cá biệt nào cả. Sự vắng mặt của một thực thể độc lập và trường tồn ấy của mọi
hiện tượng gọi là sự trống không hay tánh không của chúng (tiếng Phạn là Sunyata và tiếng Pa-li là Sunnata). Khám phá ấy của Đức Phật mang
tính cách vô cùng độc đáo và siêu việt, liên quan đến toàn bộ quá trình hiểu biết
chung của con người - từ tâm linh, triết học cho đến khoa học. Riêng đối với Phật
Giáo thì sự ứng dụng của khái niệm này đã đóng một vai trò then chốt trong việc
tu tập nhằm mục đích giúp con người thoát khỏi khổ đau.
Theo
dòng lịch sử phát triển của Phật Giáo thì khái niệm về tánh không luôn giữ một
vị trí trọng điểm trong giáo lý và đã được vô số các vị đại sư uyên bác triển
khai dưới tất cả mọi khía cạnh. Học phái Theravada và một số các học phái cổ xưa
mà nay đã mai một, thì chủ trương tánh không - hay bản chất "vô ngã"
- của một cá thể. Trung quán luận (Madhyamika)
khai triển định nghĩa của khái niệm này rộng hơn, và cho rằng tánh không là
tính cách vô thực thể của tất cả mọi hiện tượng, và tất nhiên trong đó có cả
"cái tôi" của mỗi cá thể. Trung quán là một con đường hay một vị thế ở
giữa. Đối với Trung quán, tánh không không phải là một khái niệm triết học mà
là một kinh nghiệm cảm nhận về thực thể tối hậu của mọi hiện tượng. Không dựa
vào một tư duy mang tính cách cực đoan nào, không căn cứ vào một quan điểm nào,
không đứng vào một vị thế nào thì đấy chính là phương cách giúp thấu triệt được
tánh không. Trung quán còn nêu lên khái niệm về hai sự thật: tương đối và tuyệt
đối. Sự thật tương đối hay sự tạo tác do điều kiện mà có của mọi hiện tượng gọi
là tánh không. Duy thức học (Cittamatra) thì cho rằng tánh không của mọi hiện
tượng chính là sự phi-đối-nghịch giữa chủ thể và đối tượng, có nghĩa là một sự
nhận thức vượt lên trên tính cách nhị nguyên. Sự nhận thức nhị nguyên chỉ là một
quá trình vận hành của ảo giác mang tính cách tạm thời và chỉ hiện ra bên trong
tri thức của mỗi cá thể. Nói một cách khác là tất cả mọi hiện tượng nhận biết bằng
sự phân biệt giữa chủ thể và đối tượng đều chỉ là ảo giác. Các tông phái và chi
phái trong Phật Giáo đều được hình thành bằng cách dựa vào các phép tu tập khác
nhau, thế nhưng trên mặt lý thuyết thì cũng căn cứ vào các cách hiểu khác nhau về
tánh không trên đây.
Trái
lại những lời thuyết giảng của Đức Phật qua các bài kinh nguyên thủy trong Tam
Tạng Kinh cho thấy thật ngắn gọn, súc tích, cụ thể và rất thực dụng, không mang
nặng tính cách biện luận của triết học siêu hình, tuy nhiên không phải vì thế
mà kém sâu sắc hơn. Vậy Đức Phật đã thuyết
giảng về tánh không trong những bài kinh nào?
Hai
bài kinh Culasunnata-sutta và Mahasunnata-sutta trong Trung A Hàm có
thể xem là hai bài kinh quan trọng nhất mà Đức Phật đã thuyết giảng về tánh
không. Kinh sách tiếng Việt gọi hai bài kinh này là Kinh Tiểu
Không và Kinh Đại Không, thế nhưng cách gọi này không thích hợp cho lắm bởi
vì đã là "không" thì nào còn mang tính cách "đại" hay "tiểu"
nữa. Thanassaro Bikkhu dịch tựa của hai bài kinh này sang tiếng Anh là The Lesser Discourse on Emptiness và The Greater Discourse on Emptiness, nếu
dựa theo đó thì cũng có thể gọi hai bài kinh này là "Bài Kinh ngắn về Tánh Không" và "Bài Kinh dài về Tánh Không". Ngoài ra ý nghĩa của chữ "không" trong thuật ngữ tánh không cũng dễ bị hiểu sai, bởi vì
chữ này có hai nghĩa khác nhau: chữ "không" gốc Nôm có nghĩa là một sự
phủ nhận, và chữ "không" gốc Hán thì có nghĩa là một sự "trống không",
không hàm chứa hay cất giữ gì cả, và ý nghĩa này mới đúng là ý nghĩa của chữ "không"
trong thuật ngữ "tánh không". Trong phần chuyển ngữ của mỗi bài kinh dưới
đây có một vài ghi chú nhỏ của người dịch xin được ghép thêm vào với hy vọng
giúp người đọc theo dõi dễ dàng hơn đọc bản gốc. Các ghi chú này được trình bày
bằng chữ nghiêng và đặt trong hai dấu ngoặc. Sau phần chuyển ngữ của mỗi bài
kinh cũng sẽ có vài lời ghi chú nhằm giải thích thêm một số các điểm chính yếu trong
bài kinh.
A- Kinh Culasunnata-sutta
(Bài kinh ngắn về Tánh Không)
(dựa theo các bản tiếng Pháp của Môhan Wijayaratna và tiếng Anh của
Thanissaro Bikkhu)
Tôi
từng được nghe như thế này:
Có
một lần Đấng Thế Tôn ngụ nơi tịnh xá của thân mẫu vị Migâra-Mita tại nơi Tu Viện
Phía Đông (Pubbarama) thuộc thành Xá Vệ (Sâvathi). Sau khi chấm dứt buổi thiền định
một mình vào lúc trưa thì vị Tôn Kính A-nan-đà (nguyên bản trong kinh là Ayasmanta Ananda, chữ
Ayasmanta có thể dịch là vị Tôn Kính hay vị Đáng Kính. Tuy nhiên cũng nên lưu ý
là trong các kinh sách "nguyên thủy" bằng tiếng Pa-li thì chữ
Ayasmanta chỉ duy nhất được dùng để gọi các vị đệ tử trực tiếp của Đức Phật) đứng
lên và tiến về phía Đấng Thế Tôn. Khi đến gần thì vị Tôn Kính A-nan-đà đảnh lễ Đấng
Thế Tôn rồi lùi lại và ngồi sang một bên. Sau khi an tọa thì vị Tôn Kính A-nan-đà
bèn cất lời như sau:
-
"Bạch Thế Tôn, có lần Ngài ngụ ở thị trấn Nagaraka thuộc xứ của dân Sakka (Sakka là tiếng
Pa-li, tiếng Phạn là Sakya, dịch âm ra tiếng Việt là Thích-ca, và đấy cũng là tên
gọi của bộ tộc thuộc dòng họ của Đức Phật). Vào dịp ấy và trước mặt
Ngài tôi đã được nghe chính Ngài nói lên như thế này: 'Này A-nan-đà, Ta luôn an
trú trong tánh không, và đang trong lúc này thì Ta lại càng an trú sâu xa hơn nữa'.
Bạch Thế Tôn, tôi nghĩ rằng tôi đã nghe đúng như thế, và hiểu đúng như thế"
Đấng
Thế Tôn đáp lại như sau:
-
"Quả đúng như thế, này A-nan-đà, những gì người đã được nghe thấy đúng là
như thế; những gì người hiểu được cũng đúng là như thế. Đang trong lúc này, và
cũng tương tự như trước đây Ta từng an trú trong tánh không thì nay Ta lại càng
an trú sâu xa hơn trong tánh không. Cũng chẳng khác gì như gian tịnh xá này do
Migâra-Matâ xây cất hoàn toàn trống không, không có một con voi nào, không có một
con bò cái nào, không có một con ngựa đực nào, không có một con ngựa cái nào, không
có vàng cũng chẳng có bạc, hoàn toàn trống không, chẳng có đám đàn ông hay đàn
bà nào tụ tập. Gian tịnh xá chỉ duy nhất không-trống-không về cái đặc tính độc
nhất [của nó] thiết lập bởi tập thể Tăng Đoàn (tức là danh xưng mà Tăng Đoàn đã sử dụng để gọi
đấy là gian tịnh xá).
1- Cảm nhận về rừng
Tương
tự như thế, này A-nan-đà, người tỳ-kheo không tập trung vào sự cảm nhận liên
quan đến ngôi làng, không tập trung vào sự cảm nhận liên quan đến con người, [mà
chỉ] tập trung vào đặc tính duy nhất thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến
khu rừng (Thanissaro
không dịch là "khu rừng" mà gọi là "nơi hoang dã" -
wilderness, trong nguyên bản bằng tiếng Pa-li thì chữ này là khu rừng).
Tư duy của người ấy lắng sâu vào sự cảm nhận về khu rừng. Tư duy của người ấy cảm
thấy thích thú nơi ấy, trụ vào nơi ấy, tìm thấy sự giải thoát cho mình trong cảnh
giới ấy. Do đó, người ấy cũng hiểu rằng: 'Nơi này không có mối quan tâm nào
phát sinh do sự cảm nhận về ngôi làng. Nơi này không có mối quan tâm nào phát
sinh do sự cảm nhận về con người. Nơi này chỉ có mối quan tâm về đặc tính duy
nhất của tư duy thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến khu rừng'. Do đó người
ấy sẽ hiểu rằng: 'Sự nhận thức ấy trống-không về sự cảm nhận về ngôi làng. Sự
nhận thức ấy trống-không về sự cảm nhận về con người. Sự nhận thức ấy chỉ
không-trống-không về đặc tính duy nhất được thiết lập trên sự cảm nhận liên
quan đến khu rừng' (tất cả đều trống không và hoang dã - không có làng mạc cũng
như không có con người - duy nhất chỉ ý thức được "khái niệm" về khu
rừng). Tương tự như thế, nếu không có một sự vật nào (trong khu rừng chẳng
hạn) thì người ấy cũng sẽ nhận biết được rõ ràng về sự vắng mặt ấy.
Nếu có một chút tàn dư (résidu / remains)
nào, thì đối với sự tàn dư ấy người này sẽ hiểu rằng: "Khi cái này có,
[thì] cái kia có" (đấy là quy luật tương liên - interdependence - có nghĩa là
mọi hiện tượng sở dĩ hiện hữu là nhờ lôi kéo nhau mà có, không có một hiện tượng
nào tự chúng hiện hữu một cách độc lập, riêng rẽ và tự tại được. Câu kinh trên
đây có nghĩa là nếu trong khi thiền định về sự trống không của khu rừng mà vẫn còn
cảm nhận có một cái gì khác nữa thì đấy cũng chỉ là một sự lôi kéo tự nhiên của
các hiện tượng làm phát sinh ra nó). Này A-nan-đà, đấy chính là cách
mà người tu tập hội nhập với tánh không mang tính cách đích thật, không sai lầm
và tinh khiết (dù
vẫn còn trong cấp bậc sơ khởi thế nhưng đấy cũng đã là cách khởi sự bước vào
tánh không đích thật).
2- Cảm nhận về đất
"Hơn
nữa, này A-nan-đà, người tỳ-kheo không tập trung vào sự cảm nhận liên quan đến
con người, không tập trung vào sự cảm nhận liên quan đến khu rừng, [mà] chỉ tập
trung vào đặc tính duy nhất thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến đất. Này
A-nan-đà, đấy cũng chẳng khác gì một tấm da bò được căng thật thẳng bằng một
trăm cái cọc, và không còn dính một chút mỡ nào cả. Cũng thế, này A-nan-đà, người
tỳ kheo không tập trung vào những thứ thuộc về đất, chẳng hạn như những vùng đất
cao, những vùng đầm lầy, sông ngòi, cây cối với cành lá và gai góc... hoặc núi
non, thung lũng, v.v..., [mà] chỉ tập trung vào đặc tính duy nhất thiết lập
trên sự cảm nhận về đất. Tư duy của người ấy lắng sâu vào sự cảm nhận liên quan
đến đất (cảm nhận
về đất và chỉ thấy có đất, không thấy nơi cao chỗ thấp, sông ngòi, cây cỏ,
tương tự như chỉ thấy tấm da bò căng thẳng mà không thấy con bò đâu cả, kể cả
những vết mỡ dính trên tấm da cũng không còn). Tư duy của người ấy cảm
thấy thích thú nơi ấy, trụ vào nơi ấy, tìm thấy sự giải thoát cho mình trong cảnh
giới ấy. Do đó người ấy cũng hiểu rằng: 'Nơi này không có mối quan tâm nào phát
sinh do nguyên nhân cảm nhận về con người. Nơi này không có mối quan tâm nào phát
sinh do nguyên nhân cảm nhận về rừng. Nơi này chỉ có mối quan tâm phát sinh từ đặc
tính duy nhất của tư duy thiết lập trên sự cảm nhận về đất' (chỉ cảm nhận toàn
là đất, ngoài ra không có gì khác). Vì thế, này A-nan-đà, đấy chính
là cách mà người ấy hòa nhập vào tánh không đích thật, không sai lầm và tinh
khiết.
3- Cảm nhận về không gian vô tận
"Hơn
nữa, này A-nan-đà, người tỳ kheo không tập trung vào sự cảm nhận về rừng, không
tập trung vào sự cảm nhận về đất, [mà] chỉ tập trung vào đặc tính duy nhất thiết
lập trên sự cảm nhận về "bầu không gian vô tận" (sphère de l'espace infini / infinitude of
space). Tư duy của người ấy lắng sâu vào sự cảm nhận về "bầu
không gian vô tận". Tu duy của người ấy cảm thấy thích thú nơi ấy, trụ vào
nơi ấy, tìm thấy sự giải thoát cho mình trong cảnh giới ấy. Do đó, người ấy
cũng hiểu rằng: 'Nơi này không có mối quan tâm nào phát sinh do nguyên nhân cảm
nhận về rừng. Nơi này không có mối quan tâm nào phát sinh do nguyên nhân cảm nhận
về đất. Nơi này chỉ có mối quan tâm phát sinh từ đặc tính duy nhất của tư duy
thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến ''bầu không gian vô tận"' (có nghĩa là chỉ duy
nhất cảm nhận được một bầu không gian vô tận mà thôi). Vì thế, nếu
không có một sự vật nào thì người ấy cũng nhận biết được rõ ràng về sự vắng mặt
ấy. Nếu vẫn còn một chút tàn dư nào thì đối với sự tàn dư ấy, người này cũng hiểu
rằng: "Khi cái này có [thì] cái kia có". Do đó, này A-nan-đà, đấy
chính là cách mà người ấy hội nhập vào tánh không đích thật, không sai lầm và
tinh khiết.
4- Cảm nhận về bầu không gian của tri thức vô tận
"Hơn nữa, này A-nan-đà, người tỳ-kheo
không tập trung vào sự cảm nhận về đất, không tập trung vào sự cảm nhận về
"bầu không gian vô tận", [mà] chỉ tập trung vào "bầu không gian
của tri thức vô tận" (sphère de conscience infinie / the infinitude of
consciousness. Xin lưu ý bầu không gian vô tận trong phần trên đây là cách hình
dung ra sự bao la của không gian bên ngoài. Trong giai đoạn này hay cấp bậc này
là cách hình dung ra một tri thức bao la bên trong nội tâm của người hành thiền).
Tư duy của người ấy lắng sâu vào sự cảm nhận về "bầu không gian của tri thức
vô tận". Tư duy của người ấy cảm thấy thích thú nơi ấy, trụ vào nơi ấy, tìm
thấy sự giải thoát cho mình trong cảnh giới ấy. Do đó, người ấy sẽ hiểu rằng: 'Nơi
này không có mối quan tâm phát sinh do nguyên nhân cảm nhận về đất. Nơi này
không có mối quan tâm phát sinh do nguyên nhân cảm nhận về "bầu không gian
vô tận". Nơi này chỉ có mối quan tâm phát sinh từ đặc tính duy nhất của tư
duy thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến "bầu không gian của tri thức
vô tận" '. Do đó người ấy sẽ hiểu rằng: Sự nhận thức ấy trống-không về sự
cảm nhận về đất. Sự nhận thức ấy trống-không về sự cảm nhận về 'bầu không gian
vô tận'. Sự nhận thức ấy chỉ không-trống-không về đặc tính duy nhất thiết lập
trên sự cảm nhận liên quan đến "bầu không gian của tri thức vô tận" '.
Vì thế, nếu không có một sự vật nào (xảy ra trong bầu không gian của tri thức vô tận đó),
thì người ấy cũng nhận biết được rõ ràng về sự vắng mặt ấy. Nếu vẫn còn một
chút tàn dư nào, thì đối với sự tàn dư ấy người này cũng hiểu rằng: "Khi
cái này có, [thì] cái kia có". Do đó, này A-nan-đà, đấy chính là cách mà
người ấy hòa nhập vào tánh không đích thật, không sai lầm và tinh khiết.
5- Cảm nhận về thể dạng hư vô
"Hơn
thế nữa, này A-nan-đà, người tỳ-kheo không tập trung vào sự cảm nhận về "bầu
không gian vô tận", không tập trung vào sự cảm nhận về "bầu không
gian của tri thức vô tận", [mà] chỉ tập trung vào đặc tính duy nhất thiết
lập trên sự cảm nhận liên quan đến "thể dạng hư vô" (sphère du néant /
dimension of nothingness / sự trống không, sự vắng lặng không hàm chứa một thứ
gì cả). Tư duy của người ấy lắng sâu vào sự cảm nhận về "thể dạng
hư vô". Tư duy của người ấy cảm thấy thích thú nơi ấy, trụ vào nơi ấy, tìm
thấy sự giải thoát cho mình trong cảnh giới ấy. Do đó, người ấy sẽ hiểu rằng:
"Nơi này không có mối quan tâm phát sinh do nguyên nhân cảm nhận về "bầu
không gian vô tận". Nơi này, không có mối quan tâm phát sinh từ "bầu
không gian vô tận". Nơi này không có mối quan tâm phát sinh do nguyên nhân
cảm nhận về "bầu không gian của tri thức vô tận". Nơi này chỉ có mối
quan tâm phát sinh từ đặc tính duy nhất của tư duy thiết lập trên sự cảm nhận liên
quan đến "thể dạng hư vô" '. Do đó, người ấy sẽ hiểu rằng: "Sự
nhận thức ấy trống-không về sự cảm nhận về "bầu không gian vô tận". Sự
nhận thức ấy trống-không về sự cảm nhận về "bầu không gian của tri thức vô
tận". Sự nhận thức ấy chỉ không-trống-không về đặc tính duy nhất của sự cảm
nhận về "thể dạng hư vô" '. Vì thế, nếu không có một sự vật nào (hiện ra trong thể
dạng hư vô đó), thì người ấy cũng nhận biết được rõ ràng về sự vắng
mặt ấy. Nếu vẫn còn một chút tàn dư nào, thì đối với sự tàn dư ấy người này
cũng hiểu rằng: "Khi cái này có, [thì] cái kia có". Do đó, này A-nan-đà,
đấy chính là cách mà người ấy hòa nhập với tánh không đích thật, không sai lầm
và tinh khiết.
6- Không-cảm-nhận thế nhưng cũng Không-phải-không-cảm-nhận
"Hơn
nữa, này A-nan-đà, người tỳ-kheo không tập trung vào sự cảm nhận về "bầu
không gian tri thức vô tận", không tập trung vào sự cảm nhận về "thể
dạng hư vô", [mà] chỉ tập trung vào đặc tính duy nhất thiết lập trên sự cảm
nhận liên quan đến "thể dạng không-cảm-nhận cũng không-phải-không-cảm-nhận"
(sphère sans
perception ni non-perception / dimension of neither perception nor
non-perception / chữ này trong bản kinh gốc tiếng Pa-li là nevasannânâsannâyatana,
các chữ sanna-na-sanna trong từ ghép này có nghĩa là: cảm-nhận không cảm-nhận).
Tư duy của người ấy lắng sâu vào sự cảm nhận về "thể dạng không-cảm-nhận
cũng không-phải-không-cảm-nhận". Tư duy của người ấy cảm thấy thích thú nơi
ấy, trụ vào nơi ấy, tìm thấy sự giải thoát cho mình trong cảnh giới ấy. Do đó,
người ấy sẽ hiểu rằng: 'Nơi này không có mối quan tâm phát sinh do nguyên nhân
cảm nhận về "bầu không gian của tri thức vô tận". Nơi này, không có mối
quan tâm phát sinh do nguyên nhân cảm nhận về "thể dạng hư vô". Nơi
này chỉ có mối quan tâm phát sinh từ nguyên nhân của đặc tính duy nhất của tư
duy thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến "thể dạng không-cảm-nhận cũng
không-phải-không-cảm-nhận" '. Do đó, người ấy sẽ hiểu rằng: "Sự nhận
thức ấy trống-không về sự cảm nhận về "bầu không gian của tri thức vô tận".
Sự nhận thức ấy trống-không về sự cảm nhận về "thể dạng hư vô". Sự nhận
thức ấy chỉ không-trống-không về đặc tính duy nhất của tư duy thiết lập trên sự
cảm nhận liên quan đến "thể dạng không-cảm-nhận cũng không-phải-không-cảm-nhận"
'. Vì thế, nếu không có một sự vật nào (hiện ra trong thể dạng đó), thì người ấy cũng nhận
biết được rõ ràng về sự vắng mặt ấy. Nếu vẫn còn một chút tàn dư nào, thì đối với
sự tàn dư ấy người này cũng hiểu rằng: "Khi cái này có, [thì] cái kia
có". Do đó, này A-lan-đà, đấy chính là cách mà người ấy hòa nhập với tánh
không đích thật, không sai lầm và tinh khiết.
7- Cảm nhận về thể dạng tập trung tâm thần không chủ
đích
"Hơn nữa,
này A-nan-đà, một người tu tập không tập trung vào sự cảm nhận về "thể dạng
hư vô", không tập trung vào sự cảm nhận về "thể dạng không-cảm-nhận
cũng không-phải-không-cảm-nhận", [mà] chỉ tập trung vào đặc tính duy nhất
thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến "thể dạng tập trung tâm thần
không chủ đích" (concentration mental sans indice / theme-less concentration
/ tiếng Pa-li là animitta-ceto-samâdhi, có nghĩa là định tâm nhưng không hướng vào
gì cả ). Tư duy của người ấy lắng sâu vào sự cảm nhận về "thể dạng
tập trung tâm thần không chủ đích". Tư duy của người ấy cảm thấy thích thú
nơi ấy, trụ vào nơi ấy, tìm thấy sự giải thoát cho mình trong cảnh giới ấy. Do
đó, người ấy sẽ hiểu rằng: 'Thể dạng tập trung tâm thức không chủ đích ấy sở dĩ
có là nhờ vào nhiều điều kiện tạo ra nó, tức là liên đới với lục giác (ngũ giác và tri thức). Vì thế nếu nó là một thể
dạng được tạo tác bởi tư duy; [thì] nó cũng sẽ không tránh khỏi sự tan biến'.
Khi người ấy hiểu được điều này và nhìn thấy được điều này, thì tư duy [của người
ấy] cũng sẽ loại bỏ được sự ô nhiễm của sự thèm muốn dục tính; tư duy [của người
ấy] cũng sẽ loại bỏ được vô minh. Khi nào người ấy đã loại bỏ hết [những thứ ấy] thì sự hiểu biết sẽ hiện ra [và người ấy sẽ vụt
thốt lên]: 'Thế ra sự giải thoát chính là như thế ấy!'. Do đó người ấy sẽ hiểu
rằng: 'Tất cả mọi sự sinh mới đều được tiêu trừ, những gì phải thực hiện đều đã
được hoàn tất, không còn lưu lại bất cứ gì để phải thực hiện nữa' (có nghĩa là đã đạt
được sự giải thoát). Người ấy sẽ hiểu rằng: 'Nơi này không có mối
quan tâm nào phát sinh từ nguyên nhân của sự ô nhiễm do sự thèm muốn dục tính.
Nơi này không có mối quan tâm nào phát sinh do nguyên nhân của sự ô nhiễm vì
thèm muốn được hiện hữu và được hình thành. Nơi này không có mối quan tâm phát
sinh do nguyên nhân của sự ô nhiễm vì vô minh. Nơi này chỉ có mối quan tâm phát sinh từ nguyên nhân của sáu lãnh vực giác cảm (six sphères sensorielles / six sensory spheres / sáu lãnh vực
giác cảm: gồm ngũ giác và tri thức) lệ
thuộc vào sự sống này, lệ thuộc vào thân xác này'. Do đó người ấy cũng hiểu rằng:
'Sự nhận thức ấy trống không về mọi thứ ô nhiễm gọi là sự "thèm muốn dục
tính". Sự nhận thức ấy trống không về mọi thứ ô nhiễm gọi là "sự thèm
muốn được hiện hữu và được hình thành". Sự nhận thức ấy trống-không về sự
ô nhiễm gọi là "vô minh" '. Nơi này, những gì không-trống-không là
sáu lãnh vực giác cảm liên hệ đến sự sống này, liên hệ đến thân xác này. Do đó,
nếu không có một sự vật nào (hiện ra trong thân xác và sự sống đó), thì người
ấy cũng sẽ nhận thấy rõ ràng được sự vắng mặt ấy. Nếu có một chút tàn dư nào,
thì đối với sự tàn dư ấy, người này sẽ hiểu rằng: "Khi cái này có, [thì]
cái kia có" (không
liên hệ gì đến tánh không của sự hiện hữu này). Do đó, này A-nan-đà,
chính đấy là cách mà người ấy hội nhập vào tánh không đích thật, không sai lầm
và tinh khiết.
"Này
A-nan-đà, trong quá khứ thật xa xưa nếu có những người tu hành và giáo sĩ (tức là những người
luyện tập du-già và các vị Bà-la-môn) từng hội nhập và thường trú trong
tánh không hoàn toàn tinh khiết, vô song và tối thượng, thì tất cả những người ấy
cũng đã hội nhập và thường trú đúng trong chính cái tánh không hoàn toàn tinh
khiết, vô song và tối thượng ấy. Này A-nan-đà, trong tương lai thật xa sau này
nếu có những người tu hành và giáo sĩ sẽ hòa nhập và thường trú trong tánh
không hoàn toàn tinh khiết, vô song và tối thượng, thì tất cả những người ấy cũng
sẽ hòa nhập và thường trú đúng trong chính cái tánh không hoàn toàn tinh khiết,
vô song và tối thượng ấy. Này A-nan-đà, trong thời hiện tại nếu có những người tu
hành và giáo sĩ đang đạt được và an trú trong tánh không hoàn toàn tinh khiết,
vô song và tối thượng, thì tất cả những người ấy cũng đang hội nhập và thường
trú đúng trong chính cái tánh không hoàn toàn tinh khiết, vô song và tối thượng
ấy. Chính vì thế, này A-nan-đà, người nên tập luyện bằng cách tự nhủ rằng:
"[Khi đã] hội nhập vào tánh không hoàn toàn tinh khiết, vô song và tối thượng
ấy thì tôi [cũng sẽ] thường trú ở nơi ấy" (đoạn trên đây cho biết khi đã hòa nhập đúng
vào tánh không đích thật thì sẽ vĩnh viễn thường trú trong thể dạng đó, vượt
thoát khỏi không gian và thời gian).
Đấng
Thế Tôn thuyết giảng như trên đây, vị tôn kính A-nan-đà vui sướng và hân hoan
tiếp nhận những lời giảng ấy của Đấng Thế Tôn.
Vài lời ghi chú
Một
trong những điểm nổi bật nhất trong bài kinh trên đây là tánh không không nhất
thiết chỉ là một luận thuyết đơn thuần triết học mà còn mang tính cách vô cùng
thực dụng và thiết thực, ứng dụng trực tiếp vào sự tu tập nhằm mang lại sự giải
thoát. Do đó tánh không có thể được hình dung dưới ba khía cạnh khác nhau:
1-
tánh không là một đối tượng của sự chú tâm hay thiền định
2-
tánh không là bản chất hay đặc tính của tất cả mọi hiện tượng
3-
tánh không là một phương tiện giúp người tu tập đạt được sự giải thoát
Bài
kinh trên đây bao gồm và trình bày toàn diện cả ba khía cạnh này dưới những
hình thức ứng dụng trực tiếp và thực tiễn, không nêu lên một sự biện luận mang
tính cách siêu hình nào cả. Thanassaro Bikkhu phân tích và phân chia bài kinh
này thành bảy cấp bậc hay bảy giai đoạn luyện tập khác nhau. Buddhadasa Bikkhu
trong quyển sách "Cốt lõi của cội Bồ-đề"
cũng đã phân chia phép tu tập về tánh không thành bảy cấp bậc từ thấp đến cao
đúng với bài kinh này. Dù sao cũng xin lưu ý về một chi tiết nhỏ là bài kinh gốc
trong Trung A Hàm mang tính cách liên tục, sở dĩ Thanassaro Bikkhu đã phân chia
thành bảy phân đoạn là chỉ nhằm vào mục đích giúp người đọc dễ theo dõi. Vậy cũng
xin mạn phép ghép thêm một vài ghi chú nhỏ nhằm giải thích thêm từng cấp bậc như
dưới đây.
1-
Cảm nhận về sự hoang dã, tiếng Pa-li là arannasanna
(aranna có nghĩa là rừng, sanna là sự cảm nhận). Ở cấp bậc sơ khởi
này Đức Phật dạy người hành thiền hãy hình dung ra một cảnh tượng hoang dã mênh
mông và an trú trong cảnh hoang dã đó: tất cả đều trống không, không có sự hiện
diện của một người nào cả trong ngôi làng cũng như trong khu rừng. Trong cảnh
giới đó không có một nhân dạng nào hay một sự vật nào hiện hữu có thể mang lại
mối bận tâm và sự xao lãng cho người hành thiền. Tuy rằng cách hình dung ra sự
vắng mặt của mọi nhân dạng và mọi sự vật ấy chỉ biểu trưng cho một thể dạng
"thô thiển" nhất của tánh không, thế nhưng cũng đủ để cho người hành
thiền tìm thấy cho mình một sự giải thoát đích thật nào đó trong cấp bậc tiên
khởi của quá trình luyện tập. Nên hiểu rằng một sự luyện tập sai lầm có thể đưa
đến những thể dạng lệch lạc của sự nhận định về tánh không.
2-
Cảm nhận về đất, tiếng Pa-li là pathavisanna
(pathavi có nghĩa là đất). Ở cấp bậc
này bài kinh giảng thật rõ: người hành thiền hình dung ra chung quanh mình chỉ
toàn là đất và "xóa bỏ" tất cả những gì liên hệ đến đất, từ núi đồi đến
cây cỏ, từ sông ngòi đến biển cả. Thí dụ mà Đức Phật đưa ra trong bài kinh để
nhấn mạnh thêm đối tượng thiền định này thật hết sức điển hình và dễ hiểu: khi
trông thấy một con bò thì cũng chỉ nhìn thấy một tấm da căng thật thẳng bằng một
trăm cái cọc, không còn dính một chút mỡ nào cả. Ngoài tấm da căng thật thẳng
thì con bò bằng xương bằng thịt đang gặm cỏ đã bị loại ra khỏi tâm thức của người
hành thiền và hoàn toàn biến mất. Người hành thiền xóa bỏ tất cả những gì mà
tâm thức diễn đạt khi phóng nhìn vào cảnh tượng chung quanh, tương tự như lấy một
cục gôm (cục tẩy) xóa bỏ những nét bút chì trên một tờ giấy trắng mà sự vận
hành của xung năng và tác ý trong tâm thức xui khiến mình vẽ lên đấy.
Thế
nhưng tại sao cấp bậc này lại cao hơn cấp bậc thứ nhất trên đây. Cấp bậc cảm nhận
về sự hoang dã thật ra dưới một khía cạnh nào đó chỉ là một cách tự đánh lừa
mình. Đấy chỉ là một cách "tưởng tượng" ra trong gian nhà, trong ngôi
làng, trong khu rừng, tất cả đều trống không. Ở cấp bậc thứ hai người hành thiền
nhận thấy trực tiếp các hiện tượng bên ngoài thế nhưng không tạo ra bất cứ một
sự diễn đạt nào, tương tự như khi trông thấy con bò nhưng thật ra trước mặt
mình chỉ là một tấm da căng thật thẳng không còn dính một chút mỡ nào.
3-
Cảm nhận về không gian vô tận, tiếng Pa-li là akasananacayatana (akasa
là không khí, không gian, bầu trời..., nanaca:
không có gì cả, yatana: sự cố gắng, sự
cảm nhận). Trong cấp bậc này người hành thiền chỉ duy nhất cảm nhận "một bầu
không gian vô tận", bầu không gian đó trống không và vắng lặng không hàm
chứa và chuyển tải bất cứ gì cả, kể cả ngôi làng trống không, khu rừng hoang dã
và cả mặt đất mênh mông và bằng phẳng. Người ấy an trú trong cảnh giới vô tận
và "bầu không gian trống không đó".
Trong
ba cấp bậc vừa kể người hành thiền cố gắng xóa bỏ các đối tượng vật chất và cụ
thể, tức là các hiện tượng thuộc vào lãnh vực hình tướng (rupavacara bhumi). Nên hiểu rằng không gian cũng là một thành phần
mang tính cách "cụ thể" và "hình tướng", không phải là tánh
không. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể nhận thấy một sự thăng tiến tuần tự và
tinh tế nào đó trong ba cấp bậc trên đây: cấp bậc thứ nhất là sự vắng mặt của
các đối tượng mang tính cách thật cụ thể như nhân dạng, ngôi làng, khu rừng; đối
tượng của cấp bậc thứ hai là mặt đất bao la, không còn con người, làng mạc, núi
đồi, cây cỏ, sông ngòi gì cả...; sau cùng là cấp bậc thứ ba, và đối tượng của cấp
bậc này là không gian bao la. Sự trống không của không gian cũng tượng trưng
cho một sự chuyển tiếp khi phép thiền định chuyển sang các đối tượng thuộc lãnh
vực phi-hình-tướng trong các cấp bậc tiếp theo sau đó.
4-
Cảm nhận về tri thức vô biên, tiếng Pa-li là vinnanacayatana (vin có
nghĩa là tự nhiên như thế, không sáng tạo hay tạo dựng ra gì cả): là cách hướng
tư duy vào sự vô tận của tri thức, không dừng lại ở một đối tượng tâm thần nào
cả, chỉ cảm nhận được tri thức của mình mở rộng ra trong bầu không gian bao la
của tâm thức. Bắt đầu từ cấp bậc này người
hành thiền chuyển sang một lãnh vực tinh tế và khác hẳn so với ba cấp bậc trước
đây, người hành thiền bắt đầu tập cảm nhận các hiện tượng phi-hình-tướng có
nghĩa là các đối tượng thuộc lãnh vực tâm thần (arupavacara bhumi / lãnh vực vô sắc giới). Khi đã tiếp cận với lãnh
vực vô sắc thì người hành thiền cũng sẽ không còn cảm nhận được các hiện tượng
thuộc lãnh vực của sắc giới nữa - tức là thuộc vào ba cấp bậc đầu tiên.
5-
Cảm nhận thể dạng hư vô, tiếng Pa-li là akincannayatana
(akincanna: không có gì gần bên cạnh):
trong thể dạng này người hành thiền không còn cảm nhận được tri thức của mình tỏa
rộng trong một bầu không gian vô tận, mà chỉ cảm nhận được một bầu không gian
hoàn toàn trống không, một sự trống không tuyệt đối. Sự trống không ấy không phải
là một đối tượng nhận biết mang tính cách một "thực thể", chẳng hạn
như không gian hay tri thức, mà chỉ là một "tên gọi", một sự " chỉ
định" (pannatti / designation /
appellation) của tâm thức và do tâm thức "hình dung" ra. Bầu không
gian trống không và vô tận đó không phải là một thực thể gọi là không gian mà
chỉ là một sự "chỉ định" hay một sự "nhận biết" bởi tri thức
(a mental index). Trong cái không gian trống không đó không hàm chứa hay tồn lưu bất
cứ gì cả, mà đơn thuần chỉ có cảm tính về sự trống không.
6-
Cảm-nhận-không-cảm-nhận, tiếng Pa-li là nevasannanasannayatana (sanna-na-sanna: cảm-nhận-không-cảm-nhận):
là một thể dạng tâm thức không-cảm-nhận vô cùng tinh tế. Tuy nhiên người hành
thiền cũng không phải là đã trút bỏ hay đã hoàn toàn đình chỉ được sự cảm nhận.
Cũng dễ hiểu bởi vì thể dạng không cảm nhận đó luôn luôn phải đi kèm với một sự
"ghi nhận" hay "nhận biết" tâm thần (a mental index). Nói
cách khác thì dù đấy là một tư duy thăng bằng trụ vào một sự suy tư duy nhất đi
nữa - trong trường hợp này là thể dạng không-cảm-nhận - thì đấy cũng là một tư
duy đang vận hành, đang "nhận biết" được thể dạng ấy, tức là thể dạng
cảm-nhận-không-cảm-nhận.
7-
Cảm nhận tánh không tối thượng, tiếng Pa-li paramanuttarasunnata
(para: một thứ gì khác / another, anuttara:
không vượt hơn được / insurpassable, sunnata:
tánh không) Buddhadasa gọi thể dạng này là "tánh không tối thượng không có
gì vượt hơn được", Thanassaro Bhikkhu và Môhan Wijayaratna thì gọi là một
sự "tập trung tâm thần không chủ đích" (concentration sans indice /
theme-less concentration / nimitto-ceto-samadhi)
tức là tập trung tâm thức thật mạnh nhưng không hướng vào một đối tượng nào cả.
Trong
thể dạng này tư duy sẽ trút bỏ được tất cả mọi sự diễn đạt và nhờ đó sẽ đạt được
sự hiểu biết về mọi sự vật đúng như thế, nói cách khác là quán thấy được hiện
thực và đấy cũng là cách loại bỏ vô minh. Khi vô minh đã bị loại bỏ thì sự vận
hành của uẩn thứ tư (sankhara / formation
karmique / "hành", tức là sự hình thành của tác ý, và còn gọi là sự tạo
nghiệp) cũng sẽ bị đình chỉ. Sự đình chỉ của uẩn thứ tư này sẽ không làm phát
sinh ra uẩn thứ năm tức là tri thức (vinnana / consciousness / "thức"), do đó "cái
tôi" và cái "của tôi" cũng sẽ không có. Đấy là sự Giải Thoát.
Bài
kinh cũng cho biết rằng trong từng cấp bậc thuộc quá trình trên đây "tư duy của người tu tập cũng sẽ cảm thấy
thích thú nơi ấy, trụ vào nơi ấy, tìm thấy sự giải thoát cho mình trong cảnh giới
ấy", điều này cho thấy rằng người tu tập trong các giai đoạn đầu cũng
đã thừa hưởng được kết quả mang lại từ trình độ luyện tập của mình, chẳng hạn
như ngay trong cấp bậc thứ nhất khi mới hình dung ra được sự trống không của
gian nhà, của ngôi làng và của khu rừng, thì người hành thiền cũng đã có thể an
trú trong những nơi ấy để tìm cho mình một sự giải thoát nào đó, dù đấy chỉ là
một hình thức thật thô thiển của tánh không.
Ở
mỗi cấp người hành thiền đều "hội nhập
vào tánh không đích thật, không sai lầm và tinh khiết", điều này cho
biết rằng tánh không không phải là một thứ gì huyền bí và linh thiêng nằm bên
ngoài tâm thức của người tu tập, mà đấy chỉ là một thể dạng tâm thức mà chính
mình phải tạo ra cho mình và cái thể dạng đó gồm có nhiều cấp bậc khác nhau. Cấp
bậc cao nhất là "sự đình chỉ vận hành của sankhara"(uẩn thứ tư, tức là quá trình diễn đạt các cảm nhận của
ngũ giác tạo ra sự hình thành của tác ý còn gọi là sự tạo nghiệp)", là "sự
tập trung cao độ của tâm thức không hướng vào một chủ đích nào", là "tánh
không tối thượng không có gì vượt hơn được", là "tánh không của tánh
không", là "niết-bàn".
Sau
đây là phần chuyển ngữ của Bài kinh dài về tánh không, đúng ra bài kinh này là
một bài kinh nhằm bổ túc thêm cho bài kinh trên đây.
B- Mahasunnata-sutta
(Bài kinh dài về Tánh Không)
Tôi từng được nghe như thế
này:
Có lần Đấng Thế Tôn ngụ tại
vùng của bộ tộc Thích-ca (Sakka) tại thành Ca-tì-la-vệ (Kapilavatthu) trong khu
vườn Ni-câu-đà (Nigrodha). Vào buổi sớm tinh sương, Đấng Thế Tôn mặc áo cà-sa,
khoác thêm y thượng (áo ấm mặc thêm bên ngoài), ôm bình bát đi vào
thành Ca-tì-la-vệ để khất thực. Sau khi khất thực ở thành Ca-tì-la-vệ, ăn xong
và trở về thì Đấng Thế Tôn thân hành đến nơi trú ngụ của một người dân Sakka (dân thuộc bộ tộc
Thích-ca) là Kala-khemaka để nghỉ trưa. Hôm ấy nhiều chỗ nằm đã được
dọn sẵn tại nơi trú ngụ của người dân Sakka tên là Kala-khemaka này. Đấng Thế
Tôn trông thấy có nhiều chỗ nghỉ ngơi được dọn sẵn. Khi nhìn thấy các chỗ nghỉ
ngơi ấy Đấng Thế Tôn bèn tự hỏi: "Nếu có nhiều chỗ nghỉ ngơi như thế này
thì tất phải có nhiều tỳ-kheo đang sinh hoạt nơi đây?"
Trong lúc ấy thì vị Tôn Kính A-nan-đà cùng với một số các tỳ-kheo khác
còn đang lo may mặc (trong kinh gốc bằng tiếng Pa-li là
civarakamma: civara là áo màu nghệ, kamma có nghĩa là làm hay hành động)
ở nhà của một người dân Sakka khác tên là Ghata. Đến chiều tối sau khi buổi thiền
định một mình chấm dứt thì Đấng Thế Tôn thân hành đến nhà của vị Sakka tên là
Ghata. Khi đến nhà người này thì Đấng Thế Tôn ngồi vào một chiếc ghế đã được đặt
sẵn. Sau khi an tọa thì Ngài hỏi vị Tôn Kính A-nan-đà như thế này:
- "Có nhiều chỗ nghỉ ngơi đã được dọn sẵn ở nhà của vị Sakka là
Kala-khemaka. Vậy tất có nhiều tỳ-kheo đang sinh hoạt nơi ấy?"
- "Bạch Thế Tôn, quả đúng như thế, có nhiều
chỗ nghỉ ngơi được dọn sẵn tại nhà của vị Sakka tên là Kala-khemaka. Nhiều vị
tỳ-kheo đang sinh hoạt ở đấy, [vì] hiện nay là lúc đang phải may mặc" (sau mùa kiết hạ thì các tỳ-kheo thường lưu lại thêm một
thời gian ngắn để giúp nhau may mặc trước khi quay về địa phương của mình).
- "Này A-nan-đà, người tỳ-kheo không được tỏ
ra nổi bật [hơn các người khác] trong cuộc sống tập thể (tức là làm cho người khác phải chú ý và thán phục
mình, trong nguyên bản tiếng Pa-li là sobhati có nghĩa là chói sáng, rạng rỡ,
làm đẹp để người khác chú ý đến mình. Các bản tiếng Anh và tiếng Pháp dịch chữ
này khá từ chương và gọi là "chiếu sáng": briller / shine),
không được tìm kiếm lạc thú trong cuộc sống tập thể, không được tìm cách khiến người
khác chú ý đến mình trong cuộc sống tập thể, nếu người ấy [thật sự] muốn tìm
kiếm [cho mình] niềm an vui trong cuộc sống tập thể, niềm vui thú trong cuộc
sống tập thể, niềm hân hoan trong cuộc sống tập thể. Thế nhưng, này A-nan-đà,
một người tu hành không thể nào lại chỉ biết tìm sự thỏa mãn trong cuộc sống
tập thể, lạc thú trong cuộc sống tập thể, thụ hưởng [tiện nghi] trong cuộc sống
tập thể. Nếu [chỉ biết] tìm kiếm sự an vui trong cuộc sống tập thể, sự thích
thú trong cuộc sống tập thể, sự thụ hưởng trong cuộc sống tập thể, thì người ấy
sẽ chẳng bao giờ tìm được dễ dàng, không hề trở ngại và không khó khăn, niềm
vui thú thật sự của sự từ bỏ (tức là cuộc sống xuất gia), niềm vui thú trong sự
đơn độc, niềm vui thú trong sự an bình, niềm vui thú trong sự tỉnh thức.
"Thật
thế, này A-nan-đà người tỳ-kheo không thể nào lại chỉ biết tìm sự thỏa mãn
trong cuộc sống tập thể, sự thích thú trong cuộc sống tập thể, sự thụ hưởng
trong cuộc sống tập thể. [Nếu người ấy chỉ biết] tìm sự thỏa mãn trong cuộc
sống tập thể, sự thích thú trong cuộc sống tập thể, sự thụ hưởng trong cuộc sống
tập thể, [thì người ấy] sẽ chẳng bao giờ hội nhập và thường trú trong thể dạng
giải thoát của tâm thức được, [dù chỉ là] tạm thời và vẫn còn vướng mắc trong
sự thích thú, hay vĩnh viễn và vượt khỏi mọi sự khích động. Thế nhưng, một người tỳ-kheo cũng không thể nào
sống đơn độc, tách rời ra khỏi tập thể, [mà lại] có thể hội nhập và thường trú
trong sự giải thoát, [dù chỉ là] tạm thời và vẫn còn vướng mắc trong sự sự
thích thú, hoặc vĩnh viễn và vượt khỏi mọi sự khích động được.
"Này A-nan-đà, Ta không
hình dung ra được bất cứ một thể dạng nào mà sự đổi thay và biến dạng [của nó]
lại không mang lại lo buồn, ta thán, đớn đau, khốn cùng và tuyệt vọng cho một
người chỉ biết say mê thể dạng ấy và tìm kiếm sự thích thú trong thể dạng ấy.
"Thế
nhưng có một nơi an trú [trong tâm thức] mà Như Lai (Như Lai có nghĩa là Như Thế - Ainsité /
Suchness - , đấy là tên gọi mà Đức Phật dùng để tự xưng mình. Đối với Phật Giáo
thì bản thể của Hiện Thực chỉ là "như thế", cái bản thể ấy luôn vẫn
là như thế, nó không từ đâu đến và cũng chẳng đi đâu cả) đã khám phá
ra được, nơi ấy Như Lai không hướng vào bất cứ một chủ đề [suy tư] nào mà chỉ hội
nhập và thường trú trong sự trống không của nội tâm. Trong lúc thường trú nơi
ấy và xuyên qua cảnh giới ấy, nếu có những người đến viếng Như Lai, thì dù họ
là các tỳ-kheo hay tỳ-kheo-ni, là người thế tục, là đàn ông hay đàn bà, là vua
chúa, là quan lại chốn triều đình, là các vị lãnh đạo giáo phái và các môn đệ
của họ, thì tâm thức của Như Lai [lúc nào cũng] hướng vào sự đơn độc, mở rộng
vào sự đơn độc, tiếp nhận sự đơn độc, nhìn vào sự đơn độc, tận hưởng sự từ bỏ (nếp sống của người
xuất gia), và sau khi đã loại bỏ được các phẩm năng cơ bản (basic qualities) làm
dấy lên các sự xao động tâm thần, thì Như Lai chỉ đàm đạo với họ về những gì
thật cần thiết và để tự họ cáo từ.
"Vì thế, này A-nan-đà,
nếu một tỳ-kheo mong cầu: 'Xin cho tôi được hòa nhập và an trú trong sự trống không của nội tâm', thì
người ấy phải hướng tâm thức mình vào nội tâm, trụ lại nơi ấy, hội nhập vào nơi
ấy, tập trung thật vững vàng vào nơi ấy. Vậy làm thế nào để người tỳ-kheo có
thể đạt được một tâm thức biết hướng vào nơi ấy, trụ lại nơi ấy, hội nhập vào nơi
ấy, tập trung thật vững vàng hướng vào nơi ấy? Đấy là trường hợp của người tỳ-kheo
đã loại bỏ được sự thèm muốn dục tính, loại bỏ được các phẩm tính chưa được
hoàn hảo (unskillful
qualities) - để hội nhập và
thường trú trong cấp bậc thiền-na (jhana) thứ nhất... trong cấp bậc thiền-na
thứ hai... thứ ba... thứ tư: [tức là] thể dạng tinh khiết của sự thanh thản và
tỉnh thức, không-thích-thú cũng không-khổ-đau. Đấy là cách mà một người tỳ-kheo
đạt được một tâm thức thăng bằng [trong sự trống không] của nội tâm, trụ lại
nơi ấy, hội nhập vào nơi ấy, tập trung vào nơi ấy.
"Người ấy hội nhập vào sự
trống không nội tâm. Khi đã hội nhập vào sự trống không nội tâm thì tâm thức
của người ấy không còn cảm nhận sự thích thú, sự toại nguyện, [mà chỉ] phát huy
thật thăng bằng và tận hưởng sự trống không ấy trong nội tâm. Đấy là cách mà
người này đạt được sự tỉnh thức đúng vào lúc ấy.
"Người
ấy hội nhập vào tánh không thuộc bên ngoài... (tức là sự trống không thuộc bên ngoài tâm
thức: thí dụ như sự hoang vắng của một khu rừng chẳng hạn)
"Người
ấy hội nhập vào tánh không thuộc bên trong và cả bên ngoài... (bên trong có
nghĩa là bên trong tâm thức: thí dụ như "bầu không gian của tri thức vô
tận" thuộc bên trong tâm thức chẳng hạn)
"Người
ấy hội nhập vào thể dạng thăng bằng không xao động. Khi đã hội nhập vào thể
dạng thăng bằng không xao động thì tâm thức của người ấy sẽ không cảm nhận sự
thích thú, sự thỏa mãn, [mà chỉ] phát huy thật vững vàng và tận hưởng thể dạng thăng
bằng không xao động ấy. Nếu đúng như thế thì người này sẽ hiểu rằng: 'Khi tôi
đã hội nhập vào sự thăng bằng không xao động ấy thì tâm thức tôi không cảm nhận
sự thích thú, sự thỏa mãn, [mà chỉ] phát huy vững vàng và tận hưởng thể dạng thăng
bằng không xao động ấy'. Đấy là cách mà người này đạt được sự tỉnh thức đúng vào lúc ấy.
"Người ấy hội nhập vào tánh
không bên ngoài...
"Người ấy hội nhập
vào tánh không bên trong và cả bên ngoài...
"Người ấy hội nhập
vào thể dạng thăng bằng không xao động. Khi đã hội nhập vào thể dạng thăng bằng không xao động thì tâm thức của
người ấy sẽ không cảm nhận sự thích thú, sự thỏa mãn, [mà chỉ] phát huy vững
vàng và tận hưởng thể dạng thăng bằng không xao động ấy. Trong trường hợp này,
người ấy sẽ hiểu rằng: 'Khi tôi hội nhập vào sự thăng bằng không xao động ấy,
thì tâm thức tôi không cảm nhận sự thích thú, sự toại nguyện, [mà chỉ] phát huy
vững vàng và tận hưởng thể dạng thăng bằng không xao động ấy'. Đấy là cách mà
người ấy đạt được sự tỉnh thức đúng vào lúc ấy.
"Nếu đúng như thế thì
người này sẽ giữ được tâm thức thật vững vàng ở thể dạng ấy, trụ vào thể dạng ấy
và tập trung vào chủ đề thứ nhất của sự chú tâm (giúp để thực hiện
tánh không).
"Người ấy hội nhập vào
tánh không của nội tâm. Khi đã hội nhập vào tánh không của nội tâm, thì tâm
thức của người ấy sẽ cảm nhận được sự thích thú, tìm thấy sự toại nguyện, phát
huy vững vàng và tận hưởng tánh không ấy của nội tâm. Nếu đúng như thế thì
người ấy sẽ hiểu rằng: 'Khi tôi hội nhập vào tánh không nội tâm thì tâm thức
tôi sẽ cảm nhận được sự thích thú, sự toại nguyện, phát huy thật vững vàng và
tận hưởng sự trống không ấy của nội tâm'. Đấy là cách mà người ấy đạt được sự
tỉnh thức đúng vào lúc ấy.
"Người ấy hội nhập vào tánh
không bên ngoài...
"Người
ấy hội nhập vào tánh không bên trong và cả bên ngoài...
"Người ấy hội nhập vào sự
thăng bằng không xao động. Trong khi hội nhập vào sự thăng bằng không xao động,
tâm thức của người ấy cảm nhận được sự thích thú, tìm thấy sự toại nguyện, phát
huy vững vàng và tận hưởng thể dạng thăng bằng không xao động ấy. Nếu đúng như
thế thì người ấy sẽ hiểu rằng: 'Trong khi tôi hội nhập vào sự thăng bằng không
xao động ấy, tâm thức tôi cảm nhận được sự thích thú, tìm thấy sự toại nguyện,
phát huy vững vàng và tận hưởng thể dạng thăng bằng không xao động ấy'. Đấy là cách người ấy đạt được sự tỉnh thức đúng
vào lúc ấy.
"Trong
lúc an trú trong thể dạng ấy và xuyên qua thể dạng ấy, nếu tâm thức của người
tỳ-kheo nghĩ [trong tâm thức] rằng mình muốn đi lui hay bước tới, thì người ấy
[cũng sẽ] đi lui hay bước tới, và sẽ hiểu rằng: 'Trong khi tôi đang bước thì không
có tham ái (covetousness),
lo buồn, ác ý hay các phẩm tính chưa hoàn hảo nào xâm chiếm lấy tôi'. Đấy là
cách mà người ấy đạt được sự tỉnh thức đúng vào lúc ấy.
"Trong
lúc an trú trong thể dạng ấy và xuyên qua thể dạng ấy, nếu tâm thức của người
ấy nghĩ rằng mình muốn đứng... ngồi... hay nằm, thì người ấy [cũng sẽ] đứng,
ngồi hay nằm, [và trong tâm thức sẽ nghĩ rằng]: 'Trong khi tôi đang nằm thì
không có tham ái, lo buồn, ác ý hay các phẩm tính chưa hoàn hảo nào xâm chiếm
lấy tôi'. Đấy là cách mà người ấy đạt được sự tỉnh thức đúng vào lúc ấy.
"Trong
lúc an trú trong thể dạng ấy và xuyên qua thể dạng ấy, nếu tâm thức của người
ấy nghĩ rằng mình muốn nói, thì người ấy sẽ quyết tâm: 'Tôi nhất quyết không
nói những gì thấp hèn, nhảm nhí, tầm thường, thô bỉ, ti tiện, không mang lại sự
tỉnh ngộ, không đánh tan được sự mê đắm, không mang lại sự đình chỉ, sự thanh
thản, sự hiểu biết trực tiếp, sự tỉnh thức và sự Giải Thoát - chẳng hạn như
không phẩm bình về những chuyện liên quan đến vua chúa, trộm cắp, quan lại chốn
triều đình, các chuyện quân sự, chiến tranh, các chuyện khiếp đảm, các món ăn,
thức uống, quần áo, bàn ghế, tủ giường, trang sức, nước hoa, thân quyến, xe cộ,
làng mạc, tỉnh thành, đồng áng, đàn bà, các đấng anh hùng, những chuyện ba hoa
ngoài đường phố hay (các chuyện tâm sự hoặc "khó nói") trong
những nơi kín đáo, các chuyện bịa đặt liên quan đến cái chết, hoặc đủ mọi thứ
chuyện thêu dệt khác, các chuyện sáng tạo ra thế giới, đại dương, bàn luận về các
sự vật có hay không có hiện hữu'. Đấy là cách mà người ấy đạt được sự tỉnh thức
đúng vào lúc ấy.
"Thế
nhưng [khi đã nhất quyết]: 'Tôi chỉ nói lên những lời thận trọng nhằm phát huy
sự hiểu biết, mang lại sự tỉnh ngộ, đánh tan sự mê đắm, mang lại sự đình chỉ, sự
thanh thản, sự quán thấy trực tiếp, sự tỉnh thức và sự Giải Thoát - chẳng hạn
như nói lên sự khiêm tốn, sự toại nguyện, sự đơn độc, những lời ngay thật, nêu
cao sự kiên trì, đạo đức, sự chú tâm, sáng suốt, buông xả, trí tuệ, giác ngộ và
sự Giải Thoát'. Đấy chính là cách mà người ấy đạt được sự tỉnh thức đúng vào
lúc ấy.
"Trong khi thường trú
trong thể dạng ấy và xuyên qua thể dạng ấy, nếu tâm thức của người ấy nghĩ rằng
mình muốn suy nghĩ, thì người ấy sẽ quyết tâm: 'Tôi nhất quyết không suy nghĩ
những gì thấp hèn, nhảm nhí, tầm thường, thô bỉ, ti tiện, không mang lại sự
tỉnh ngộ, đánh tan được sự mê muội, mang lại sự đình chỉ, sự thanh thản, sự quán
thấy trực tiếp, sự tỉnh thức và sự Giải Thoát - chẳng hạn như không suy nghĩ về
những thứ ám ảnh dục tính, các tư duy bệnh hoạn, các ý đồ độc ác'. Đấy là cách
mà người ấy đạt được sự tỉnh thức đúng vào lúc ấy.
"Thế nhưng [khi đã nhất quyết]:
'Tôi chỉ suy nghĩ về những gì cao quý, vượt bực (onward-leading), trực tiếp mang lại sự hòa dịu cho những người
chung quanh - chẳng hạn như suy nghĩ về sự từ bỏ, về các tư duy lành mạnh, các ý
nghĩ vô hại. Đấy là cách mà người ấy đạt được sự tỉnh thức đúng vào lúc ấy.
"Này A-nan-đà, có năm mối
dây trói buộc về dục tính. Vậy năm mối dây ấy là gì? Đấy là: Hình tướng nhận biết được bằng mắt - thích
thú, vui mắt, duyên dáng, quyến rũ, thèm muốn, khêu gợi. Âm thanh nhận biết được bằng tai... Mùi nhận biết được bằng mũi... Vị
nhận biết được bằng lưỡi.... Cảm giác va chạm
nhận biết được bằng thân thể. Đấy là năm mối dây dục tính mà người tỳ kheo phải
thường xuyên cảnh giác: 'Bất cứ lúc nào hoặc chỉ trong một vài trường hợp xảy
ra, tôi nhận biết được là năm mối dây dục tính ấy [thật sự] có hiện ra trong
tôi hay không?'. Sau khi suy xét và nếu người tỳ-kheo nhận thấy rằng: 'Trong
hoàn cảnh này hay hoàn cảnh nọ, tôi nhận biết được năm mối dây dục tính đó [thật
sự] có hiện ra trong tôi'. Nếu đúng như thế thì người ấy sẽ hiểu rằng: 'Sự
đam-mê và thèm-muốn (desir-passion) về năm mối dây dục tính vẫn chưa
được loại bỏ trong tôi'. Đấy chính là cách mà người ấy đạt được sự tỉnh thức đúng
vào lúc ấy (nhận
biết được năm mối dây dục tính đang chi phối mình cũng đã là một sự tỉnh thức,
bởi vì có những lúc đau buồn và khổ sở thế nhưng mình lại không hề ý thức được
đấy là do tác động của năm mối dây dục tính gây ra).
"Có
năm thứ cấu-hợp của sự bám-víu (ngũ uẩn) mà người tỳ-kheo phải chủ động và theo dõi sự phát
sinh và tan biến [của chúng]: 'Chẳng hạn như hình tướng
(forms /
sắc), nguyên nhân làm phát sinh
ra chúng, sự tan biến của chúng. Chẳng hạn như sự cảm nhận (feeling / thụ)... Chẳng hạn như sự
nhận thức (perception / tưởng)... Chẳng hạn
như những sự tạo dựng (fabrications / hành)... Chẳng hạn
như tri thức (consciousness / thức). Chẳng hạn
như nguyên nhân làm phát sinh ra chúng, sự tan biến của chúng'. Nếu chủ động và
theo dõi được sự phát sinh và tan biến của năm thứ cấu-hợp của sự bám-víu ấy,
thì người tỳ-kheo sẽ loại bỏ được ý nghĩ cho rằng năm thứ cấu-hợp của sự
bám-víu ấy "chính là tôi". Nếu đúng như thế, thì người ấy sẽ hiểu rằng:
'Tôi loại bỏ mọi ý nghĩ tự tôn và không nhận rằng năm thứ cấu-hợp của sự
bám-víu "chính thật là tôi'. Đấy là cách mà người ấy đạt được sự tỉnh thức
đúng vào lúc ấy.
"Này
A-nan-đà, những phẩm tính ấy (quán thấy tính cách vô ngã của ngũ uẩn) vô cùng thiện xảo, cao quý, siêu nhiên, mà những
kẻ hung ác (Evil One)
không thể nào đạt được.
"Này A-nan-đà, theo ý của
người thì vì mục đích nào mà một người đệ tử nên bước theo vị thầy, mặc dù phải
chịu mọi sự ngược đãi.
"Bạch Thế Tôn, đối với
chúng tôi thì giáo huấn bắt nguồn từ Đấng Thế Tôn, Ngài là Vị chỉ đạo, là Người
phân xử. Vì thế tốt hơn hết xin Đấng Thế Tôn hãy giải thích cho câu hỏi ấy. Sau
khi được nghe Đấng Thế Tôn giải thích thì các tỳ-kheo sẽ ghi nhớ ý nghĩa của
những lời giải thích ấy".
"Này
A-nan-đà, quả không tốt cho người đệ tử bám sát vào một vị Thầy để nghe giảng,
nghe kệ (trong
nguyên bản là các tiết thơ, điều này cho thấy rằng ngay vào thời kỳ khi Đức
Phật còn tại thế, các bài giảng cũng đã được chuyển thành kệ hay thơ để dễ học
và dễ nhớ) và giáo lý. Tại sao lại như thế? Này A-nan-đà, từ lâu nay
người đã từng được nghe những lời giáo huấn, từng ghi nhớ, thảo luận, kết hợp và
thẩm xét những lời giáo huấn ấy bằng trí thông minh của mình, và cũng đã thấu
triệt được những lời giáo huấn ấy dựa vào các quan điểm của chính mình. Thế
nhưng khi phải nói lên [những điều ấy] thì phải thật thận trọng, nhất thiết phải
mang lại sự tỉnh thức, giác ngộ và Giải Thoát - chẳng hạn như nói lên những lời
khiêm tốn, sự toại nguyện, nếp sống đơn độc, sự ngay thật, khuyến khích sự kiên
trì, đạo đức, tập trung, sự sáng suốt, buông xả, trí tuệ, giác ngộ và sự Giải
Thoát: Chính vì muốn được nghe những lời nói ấy mà người đệ tử nên bước theo
người thầy và kết chặt với người thầy, mặc dù phải chịu mọi sự ngược đãi.
"[Thế
nhưng] trong trường hợp ấy [cũng có thể] xảy ra sự hủ hóa cho người thầy, sự hủ
hóa cho người đệ tử, sự hủ hóa cho người có cuộc sống đạo hạnh.
"Vậy sự hủ hóa của người thầy
có nghĩa là gì? Có những trường hợp mà người thầy chọn cho mình một lối sống ẩn
dật: một nơi hoang dã, dưới bóng cây, một ngọn núi, một hẻm vực, một hang động,
một triền đồi, một nghĩa địa, một góc rừng thâm u, một nơi lộ thiên, hoặc một
đống rơm. Khi người thầy sống trong cảnh cô tịch ấy, thì từ những nơi thành thị
đến chốn thôn quê, nào là các vị Bà-la-môn (giai cấp cao nhất
trong bốn giai cấp xã hội thời bấy giờ, gồm các tu sĩ, hạng quý tộc, người có
học...), các người chủ gia đình (tức những người thế tục) kéo nhau đến viếng. Khi
những người này đến viếng thì người thầy sẽ bị thu hút bởi những thứ làm cho
mình bị mê hoặc, rơi vào sự thèm muốn của cải, thích quay lại lối sống xa hoa.
Đấy gọi là một vị thầy vướng mắc vào sự hủ hóa của người thầy. Người thầy không
còn cưỡng lại được trước những sự xấu xa, và các phẩm tính chưa được hoàn hảo (unkillful qualities)
sẽ phát lộ ra, tiếp tục đưa đến sự hình thành, mang
lại mọi thứ phiền muộn, khổ đau, đưa đến sự tái sinh, già nua và cái chết. Đấy
chính là sự hủ hóa của một người thầy.
"Sự hủ hóa của người đệ
tử là gì? Người đệ tử của vị thầy ấy bắt chước thầy mình chọn một lối sống ẩn
dật: một nơi hoang dã, một bóng cây... Khi người đệ tử sống trong cảnh cô tịch ấy,
thì từ những nơi thành thị đến chốn thôn quê, nào là những người Bà-la-môn,
những người chủ gia đình kéo nhau đến viếng. Khi những người này đến viếng thì
người đệ tử sẽ bị thu hút bởi những thứ làm cho mình bị mê hoặc, rơi vào sự
thèm muốn của cải, thích quay lại lối sống xa hoa. Đấy gọi là một người đệ tử
vướng mắc vào sự hủ hóa của người đệ tử. Người [đệ tử] ấy không còn cưỡng lại
được trước những sự xấu xa, và các phẩm tính chưa được hoàn hảo sẽ phát lộ ra, tiếp
tục đưa đến sự hình thành, mang lại mọi thứ phiền muộn, khổ đau, đưa đến sự tái
sinh, già nua và cái chết. Đấy chính là sự hủ hóa của một người đệ tử.
"Sự hủ hóa của một người
có cuộc sống đạo hạnh là gì? Một Đấng Như Lai hiện ra trong thế giới, xứng đáng
và giác ngộ, vẹn toàn trong sự hiểu biết và phẩm hạnh, vượt lên trên tất cả khó
khăn, quán thấy thế giới một cách chính xác, đấy là Vị Hướng Dẫn toàn năng giúp
những ai mong muốn được biến cải, là một Vị Thầy cho cả thiên nhân lẫn con
người, là Vị Giác Ngộ, là Đấng Thế Tôn. Vị ấy chọn một cuộc sống ẩn dật: một
nơi hoang dã, một bóng cây, một nọn núi, một hẻm vực, một hang động, một triền
đồi, một nghĩa địa, một góc rừng thâm u, một nơi lộ thiên, hay một đống rơm.
Khi Vị ấy sống trong cảnh cô tịch, thì từ những nơi đô thị đến chốn thôn quê,
nào những người Bà-la-môn, những người chủ gia đình kéo nhau đến viếng. Khi
những người này đến viếng thì Vị ấy không hề bị thu hút bởi những thứ có thể
làm cho mình bị mê hoặc, không rơi vào sự thèm muốn của cải, không thích quay
lại sự xa hoa. [Thế nhưng] một người đệ tử của Vị Thầy ấy bắt chước theo lối
sống cô tịch của Vị Thầy mình, chọn cho mình một chốn ẩn cư: một nơi hoang dã,
một bóng cây, một ngọn núi..., hay một đống rơm. Khi người ấy sống trong cảnh
cô tịch thì từ những nơi thành thị đến chốn thôn quê, nào là những người
Bà-la-môn, những người chủ gia đình đến viếng. Khi những người này đến viếng
thì người đệ tử bị thu hút bởi những thứ làm cho mình bị mê hoặc, rơi vào sự
thèm muốn của cải, thích quay lại lối sống xa hoa. Đấy gọi là một người có cuộc
sống đạo hạnh vướng mắc vào sự hủ hóa của những người có cuộc sống đạo hạnh.
Người ấy không còn cưỡng lại được những sự xấu xa, và các phẩm tính chưa được
hoàn hảo sẽ phát lộ ra, tiếp tục đưa đến sự hình thành, mang lại mọi thứ phiền
muộn, khổ đau, đưa đến sự tái sinh, già nua và cái chết. Đấy là sự hủ hóa của
một người có một cuộc sống đạo hạnh.
"Này
A-nan-đà, trên khía cạnh đó thì sự hủ hóa của một người có cuộc sống đạo hạnh ngày
càng mang lại khổ đau và cay đắng, nặng nề hơn cả sự hủ hóa của một người thầy hay
của một người đệ tử. Sự hủ hóa đó sẽ khiến cho người ấy mất tất cả.
"Vì
thế, này-A-nan-đà, hãy đến với Như Lai trong tình bằng hữu, không nên chống
báng (in
opposition / chống đối, nghi ngờ), đấy là cách mang lại cho mình sự
an lành và phúc hạnh lâu bền.
"Vậy
người đệ tử đến với người thầy bằng cách chống báng và thiếu tình bằng hữu sẽ
như thế nào? Đấy là trường hợp khi người thầy thuyết giảng Dhamma (Đạo Pháp) cho
các đệ tử với tình thương mến và lòng thiện cảm của mình, mong cầu các đệ tử được
mọi sự an lành: 'Đây là sự an lành và niềm phúc hạnh cho các đệ tử'. [Thế
nhưng] các đệ tử thì lại lơ là không chịu lắng nghe, không hướng tâm vào sự giác
ngộ. Nếu chỉ quan tâm đến những gì bên cạnh thì tất nhiên họ sẽ đi lệch ra bên ngoài
những lời giảng huấn của người thầy. Đấy là cách mà các người đệ tử đến với người
thầy như những người chống báng, không phải là bằng hữu.
"Vậy những người đệ tử đến với
người thầy với tình bằng hữu và không chống báng sẽ như thế nào? Đấy là trường
hợp khi người thầy thuyết giảng Dhamma (Đạo Pháp) cho các đệ tử với tất cả tình thương mến và lòng
thiện cảm của mình, mong cầu các đệ tử được mọi sự an lành: 'Đây là sự an lành
và niềm phúc hạnh cho các đệ tử'. Các đệ tử thì lắng tai nghe và hướng tâm vào
sự giác ngộ. Nhờ không hướng nhìn vào những gì bên cạnh nên họ sẽ không đi lệch
ra ngoài những lời giáo huấn của người thầy. Đấy là cách mà các người đệ tử đến
với người thầy như bằng hữu, không phải là những người chống báng.
"Vì thế, này
A-nan-đà, hãy đến với Như Lai trong tình bằng hữu, không nên chống báng. Đấy là
cách mang lại cho mình sự an lành và phúc hạnh lâu bền.
"Ta không đón tiếp
người một cách hời hợt như người thợ đồ gốm xoa nước lên những vật dụng bằng
đất khi đang nặn. Quở trách và quở trách, Ta sẽ còn nói lên những lời quở
trách. Thúc dục và thúc dục, Ta sẽ còn nói lên những lời thúc dục. Hầu những gì
thiết yếu và giá trị sẽ mãi được trường tồn".
Đấng Thế Tôn thuyết giảng
như thế. Vị Tôn Kính A-nan-đà rất thán phục và hân hoan đón nhận những lời
giảng ấy của Đấng Thế Tôn.
Vài lời ghi chú
Trong bài kinh này trước
hết Đức Phật đưa ra các lời khuyên giúp những người tu hành, dù họ là các vị tỳ
kheo, các vị thầy hay những người đệ tử, hiểu được là mình phải hành xử như thế
nào trong cuộc sống tập thể, hoặc trong chốn cô tịch nhằm tạo ra những điều
kiện thuận lợi cho việc tu tập. Các lời khuyên này khá đơn giản và dễ hiểu. Người
tỳ-kheo nếu muốn tìm thấy niềm an vui và hân hoan trong nếp sống tập thể tức là
trong tăng đoàn, thì không được tỏ ra sáng chói và trội hơn hơn người khác. Thế
nhưng trong nếp sống đó người tỳ-kheo cũng không phải chỉ biết nghĩ đến lạc
thú, sự tiên nghi mà phải nhìn xa hơn, phải nghĩ đến việc tu tập và sự giải
thoát.
Trong trường hợp mà người
tỳ-kheo, hay người thầy, hoặc người đệ tử phải chọn cho mình một chốn cô tịch
để tu tập thì phải hiểu rằng nếu có những người thế tục đến tìm thì cũng không
được để "bị thu hút bởi những thứ có
thể làm cho mình bị mê hoặc, và khiến
cho mình bị hủ hoá". Ngày
nay người Phật tử đến chùa thì cũng nên xem đấy là một dịp để tỏ lòng thành
kính đối với chư Phật và để đến gần với chư Phật hơn, và không nên xem đấy như
một bổn phận phải cúng dường và cung phụng các vị thầy, vì đấy chỉ là một sự
mua chuộc có thể làm cho các vị thầy bị hủ hóa. Về phần những người xuất gia nơi
chùa chiền thì cũng không được để ý xem người Phật tử đến chùa có mang lễ vật
hay không, và nhất là không nên nhìn họ qua bất cứ hình tướng nào, dù họ là nữ
hay nam giới thì cũng chỉ nhìn thấy họ tương tự như những "tấm da căng thật thẳng bằng một trăm cái cọc, không còn dính một
chút mỡ nào", dù đấy là mỡ bụng hay mỡ mông.
Ngoài những điều bình dị
và dễ nhận thấy trên đây thì bài kinh còn nêu lên những điểm thật khó nhận biết
và vô cùng sâu sắc, chẳng hạn như đoạn sau đây:
"Thế nhưng có một nơi an trú [trong tâm thức] mà Như Lai đã khám
phá ra được, nơi ấy Như Lai không hướng vào bất cứ một chủ đề [suy tư] nào mà
chỉ hội nhập và thường trú trong sự trống không của nội tâm. Trong lúc thường
trú nơi ấy và xuyên qua cảnh giới ấy, nếu có những người đến viếng Như Lai, thì
dù họ là các tỳ-kheo hay tỳ-kheo-ni, là người thế tục, là đàn ông hay đàn bà,
là vua chúa, là quan lại chốn triều đình, là các vị lãnh đạo giáo phái và các
môn đệ của họ, thì tâm thức của Như Lai [lúc nào cũng] hướng vào sự đơn độc, mở
rộng vào sự đơn độc, tiếp nhận sự đơn độc, nhìn vào sự đơn độc, tận hưởng sự từ
bỏ, và sau khi đã loại bỏ được các phẩm năng cơ bản làm dấy lên các sự xao động
tâm thần, thì Như Lai chỉ đàm đạo với họ về những gì thật cần thiết và để tự họ
cáo từ".
Câu này cho thấy rằng Đức
Phật luôn thường trú trong tánh không, và cái tánh không ấy không phải là một cõi
hư vô, một nơi không hàm chứa gì cả, mà đúng ra là một thể dạng tâm thức tràn
ngập an bình, vắng lặng và tỉnh giác bên trong tâm thức Ngài. Thể dạng đó không
phải là một sự tê liệt hay trống rỗng của tâm thức, mà đúng hơn là một thể dạng
bén nhạy và chủ động thật cao độ của giác cảm, một sự tập trung phi thường của
sự chú tâm luôn mở rộng vào thực tại, giúp cho Đức Phật vẫn tiếp tục tiếp kiến những
người đến viếng và thuyết giảng cho họ nghe "về
những gì thật cần thiết và để cho họ tự cáo từ".
Những người còn đang trong
thời kỳ tu tập thì chỉ có thể đạt được thể dạng tỉnh thức ấy vào "đúng những thời điểm mà họ đạt được
tánh không dưới những thể dạng chưa hoàn hảo", riêng đối với Đức Phật thì
thể dạng "tánh không tối thượng
không có gì vượt hơn được" ấy luôn là một thể dạng trường tồn, hiện
hữu thường xuyên trong tâm thức Ngài, và Ngài cũng đã nói lên điều ấy trong bài
kinh thứ nhất (Culasunnata-sutta)
trên đây khi người đệ tử A-nan-đà hỏi Ngài rằng có phải là trước đây Ngài cũng đã
từng an trú trong tánh không ấy hay không:
- "Bạch Thế Tôn, có lần Ngài ngụ ở thi
trấn Nagaraka thuộc xứ của dân Sakka. Vào dịp ấy và trước mặt Ngài tôi đã được
nghe chính Ngài nói lên như thế này: 'Này A-nan-đà, Ta luôn an trú trong tánh
không, và đang trong lúc này thì Ta lại càng an trú sâu xa hơn nữa'. Bạch Thế
Tôn, tôi nghĩ rằng tôi đã nghe đúng như thế, và hiểu đúng như thế?"
Đấng Thế Tôn đáp lại
như sau:
- "Quả đúng như
thế, này A-nan-đà, những gì người đã được nghe thấy đúng là như thế; những gì
người hiểu được cũng đúng là như thế. Đang trong lúc này, và cũng tương tự như
trước đây Ta từng an trú trong tánh không, nay Ta lại càng an trú sâu xa hơn
trong tánh không".
Thật ra không những Ngài
chỉ bắt đầu an trú trong tánh không từ khi Ngài ngụ ở thị trấn Nagaraka thuộc
xứ của người dân Sakka, mà Ngài đã trường an trú trong thể dạng ấy từ khi Ngài
đạt được Giác Ngộ sau đêm thiền định nơi khu rừng Âu-lâu-tần-loa khi còn trẻ.
Sau khi đạt được thể dạng ấy thì Ngài cũng đã tự hỏi "Thế nhưng con người thường
tình có đủ sức hiểu được cái tánh không ấy hay không?".
Tuy tự hỏi như thế nhưng
Ngài cũng đã quyết tâm tìm mọi cách để truyền lại cái kinh nghiệm độc đáo và vô
song ấy cho tất cả chúng sinh. Ngài thiết lập Tăng Đoàn, thuyết giảng Đạo Pháp,
chọn một lối sống tinh khiết để làm gương cho các đệ tử, đã hy sinh và tận dụng
kiếp nhân sinh cuối của mình nhằm mang lại sự an lành cho mỗi chúng sinh. Cho đến
một hôm thì kiệt lực và Ngài đã phải nằm xuống cỏ và lá khô trên mặt đất giữa
hai gốc cây sa-la trong một khu rừng, để hòa nhập vĩnh viễn vào thể dạng của "tánh không tối thượng không có gì vượt
hơn được" mà Ngài đã khám phá ra trong tâm thức của chính mình bốn
mươi lăm năm về trước.
Ngoài ra trong bài kinh trên
đây Đức Phật còn nói với A-nan-đà một câu mà chúng ta phải luôn ghi nhớ: "Này A-nan-đà hãy đến với Như Lai trong
tình bằng hữu, không nên chống báng. Đấy là cách mang lại cho mình sự an lành
và phúc hạnh lâu bền". Thật thế trong tất cả các kinh sách Phật Giáo không
có một câu nào hay một đoạn nào Đức Phật kêu gọi các đệ tử phải tôn vinh mình
như một vị thánh nhân hay một nhân vật nắm giữ một quyền uy tối thượng, mà Ngài
chỉ kêu gọi A-nan-đà hãy đến với Ngài như một người bạn chân tình. Phần đông
chúng ta hôm nay lại đặt Đức Phật vào một vị trí thật cao bên ngoài tâm thức
mình nhằm để tôn thờ, van xin và cầu khẩn, thay vì mở rộng con tim của mình để cùng
với Đức Phật hòa nhập vào bầu không gian vô tận của "tánh không tối thượng không có gì vượt hơn được" mà Đức
Phật đã khám phá ra và đã truyền lại cho tất cả chúng ta hôm nay.
Câu nói sau cùng của Đức
Phật trong bài kinh cũng đáng cho chúng ta phải luôn ghi nhớ:
"[Này A-nan-đà], Ta không đón tiếp người một cách hời hợt như
người thợ đồ gốm xoa nước lên những vật dụng bằng đất còn đang nặn. Quở trách
và quở trách, Ta sẽ còn nói lên những lời quở trách. Thúc dục và thúc dục, Ta
sẽ còn nói lên những lời thúc dục. Hầu những gì thiết yếu và giá trị sẽ mãi
được trường tồn".
Đức Phật không đến với
chúng ta hời hợt như người thợ đồ gốm xoa nước lên những chiếc bình đất đang
nặn để làm cho chúng được nhẵn và bóng. Vậy nếu hôm nay chúng ta hành động ngược
lại với những lời chân tình và thiết tha mà Đức Phật đã khuyên bảo thì chúng ta
có nghe thấy bên tai mình những lời quở trách của Ngài hay không? Nếu chúng ta
chỉ biết chạy theo những gì phù du và ảo giác thì chúng ta có nghe thấy tiếng Ngài
thúc hối chúng ta hãy mau quay về với những gì thiết yếu và giá trị hay không?
Có thể đọc thêm:
- "Đức Đạt-lai Lạt-ma thuyết
giảng về tánh không" (Hoang Phong chuyển ngữ)
- Chương II của quyển sách "Cốt
Lõi của cội Bồ-đề" của Buddhadasa Bikkhu nói về tánh không (Hoang Phong
chuyển ngữ).
Hoang Phong
Bures-Sur-Yvette, 20.10.12