Lịch sử kết tập Kinh - Luật - Luận lần thứ ba
Sau Phật Niết bàn 100
năm thì Đại hội kết tập Pháp Tạng lần thứ hai diễn ra,
và sau lần kết tập lần thứ 2 đúng 118 năm lại diễn ra
cuộc kết tập lần thứ 3. Như vậy lần kết tập này xảy
ra sau Phật Niết bàn 218 năm, tức là 325 năm trước Tây
lịch. Đại hội lần này do Hoàng đế A Dục (Asoka) đề xướng
và bảo trợ .
Vua A Dục ra đời
khoảng 200 năm sau Phật Niết Bàn, tức khoảng 340 năm trước
Tây lịch. Lúc ông còn trẻ vốn tính tình hung bạo, nên không
được phụ vương yêu thích, do đó ông bị đưa đi trấn
nhậm một vùng đất xa xôi. Đến khi phụ vương băng hà, ông
liền đem quân về triều, giết người anh cả là Hoàng thái
tử Tu Ma Na (Sumara) và tất cả những người anh em khác, chỉ
để lại người em cùng mẹ là Túc Đại Đa (còn gọi là Đế
Tu) rồi lên ngôi vua. Sau khi tức vị, trong khoảng 3 năm đầu,
nhà vua chỉ phụng sự ngoại đạo, theo truyền thống của tiên
vương để lại.Đến năm thứ ba, nhân trông thấy một Sa di
tên Nê Cù Đà (Nigrodha) oai nghi tề chỉnh, tướng mạo đoan
trang, nên vua phát tâm tín kính Phật pháp.
Vị Sa di này chính là
con của Tu Ma Na khi vua sát hại các người anh em trong hoàng
tộc, thì người chị dâu, vợ Tu Ma Na, đang mang thai, trốn
được.Sau đó bà sinh ra Nê Cù Đà.Lúc Nê Cù Đà lên 7 tuổi,
thì được A la hán Bà Lưu Na (Mahàvaruna) độ cho xuất gia làm
Sa di. Chuyện kể rằng, lúc Bổn sư thế phát, tóc rơi chưa
tới đất thì Nê Cù Đà đã đắc quả La hán. Vị Sa di này,
trong một tiền kiếp xa xưa, vốn là anh của A Dục. Hai anh em
cùng mộ đạo tu hành, tạo nhiều công đức. Do nhân duyên
ấy nên khi vừa thấy ông, vua A Dục đã có thiện cảm ngay
tức khắc.Hơn nữa, nhờ đã gieo trồng phước đức trong quá
khứ, nên nhà vua dễ dàng kính tín Tam bảo, và phát tâm cúng
dường Tăng chúng một cách nhiệt thành. Số người nhận
được sự cúng dường của Vua lên đến 6 vạn người trong
mỗi ngày. Đồng thời, vua cho xây cất 84.000 ngôi già lam, và
kiến tạo 84.000 ngôi bảo tháp trong khắp quốc độ, cũng như
tại các nước chư hầu xung quanh.
Khi các ngôi bảo tháp
và tự viện hoàn thành, nhà vua mở tiệc khánh hạ, cúng dường
rộng rãi chư Tăng. Nhân thấy oai nghi tề chỉnh và đạo
hạnh thanh cao của Thánh chúng, nhà vua càng thêm tin tưởng
Phật pháp nhiệm mầu. Do đó, vua cho một người con trai là
Ma Sẩn Đà (Mahinda) và một người con gái tên là Tăng Già
Mật Đa (Sanghamitta) cùng xuất gia một lúc.Ma Sẩn Đà bấy
giờ đúng 20 tuổi.Hòa thượng Bổn sư của Thầy là Mục
Kiền Liên Tử Đế Tu (Moggaliputta - tissa) và Tăng Già Mật Đa
vừa 18 tuổi, Hòa thượng Bổn sư của cô là Đàm Ma Ba La (Dhammapàli).
Nhà vua càng ngày càng
nhiệt thành ủng hộ Phật pháp, cúng dường Tăng chúng một
cách trọng hậu, thì ngoại đạo đi khất thực mỗi ngày
mỗi trở nên khó khăn. Do đó, họ gia nhập vào hàng ngũ Tăng
chúng càng lúc càng đông. Trong số đó, có người xuất thân
từ đạo thờ lửa, có người theo đạo lõa thể, và có người
theo đạo dầm nước lạnh. Do tiêm nhiễm lối sống ngoại đạo,
nên mặc dù đã vào trong Tăng chúng, các Tỳ kheo tân tòng này
vẫn hành xử như ngoại đạo. Thậm chí, họ còn đem giáo
luật ngoại đạo ra giảng dạy cho tín chúng, khiến cho Phật
pháp trở nên hỗn loạn.Vì thế, các Tỳ kheo chân chính không
thể hòa hợp bố tát, tự tứ và làm Phật sự chung với
họ. Tình trạng bất ổn cứ kéo dài mãi, khiến Tăng chúng
sống trong sự rạn nứt, bất hòa, suốt 7 năm mà không bố tát
được. Vua A Dục chứng kiến tình trạng chia rẽ của Tăng
đoàn như vậy, nên rất đau lòng. Nhằm chấn chỉnh lại hàng
ngũ Tăng chúng, vua bèn sai một viên quan đại thần đem sắc
lệnh của mình đến các tự viện, truyền cho Tăng chúng
phải cùng nhau hòa hợp Bố Tát. Nhưng họ không nói gì cả.
Vị quan Khâm sai không biết làm thế nào, đành phải trở
về triều, bàn bạc với một viên quan đồng liêu.Vị quan này
bèn hiến kế bằng cách gợi ý: "Tôi thấy đại vương
khi chinh phục các nước, hễ ai không tuân lệnh thì giết
chết; trường hợp này cũng phải làm như thế".
Nghe bạn nói có lý,
viên Khâm sai liền trở lại tu viện, chất vấn vị Thượng
tọa: "Đại vương đã có sắc lệnh khiến Tăng chúng
phải hòa hợp thuyết giới, vì sao các vị không phục tùng?".
Thượng tọa đáp: "Thưa thượng quan. vì các thiện Tỳ
kheo không chịu bố tát chung với các Tỳ kheo ngoại đạo,
chứ không phải không phục tùng".
Ngay lậạp tức, viên
Khâm sai liền tuốt gươm giết vị Thượng tọa ấy, và lần
lượt giết đến chỗ Tỳ kheo Túc Đại Đa, Túc Đại Đa
lền bảo vị ấy dừng tay lại không được cuồng sát bừa
bãi những người vô tội.Viên Khâm sai đành phải dừng tay,
rồi trở về triều để yết kiến nhà vua.
Bây giờ nói về nguyên
nhân khiến cho Túc Đại Đa đi tu: Sau khi vua A Dục lên ngôi bèn
phong cho em là Túc Đại Đa làm Thái tử. Một hôm Túc Đại
Đa vào rừng du ngoạn, bỗng thấy các con ni làm việc theo
bản năng chúng sinh để duy trì nòi giống. Ông nghĩ: "Các
con nai này ăn cỏ xanh, uống nước lã, mà còn như thế, thì
các chư Tăng ở trong phòng kín, có chăn êm nệm ấm, ăn
uống no đủ thì lẽ nào lại không việc ấy". Thế rồi
ông trở về hoàng cung, đem ý nghĩ ngây thơ của mình trình bày
với hoàng huynh A Dục, vua nghe thế, tự nhủ: "Thật quái
lạ! Chuyện không đáng nghi ngờ mà bỗng dưng sinh nghi ngờ.
Có khác nào nơi bình địa bỗng khởi phong ba!". Do đó,
để dạy cho Túc Đại Đa một bài học, vua âm thầm sắp đặt
mưu kế, khiến Túc Đại Đa phạm phải tội nặng đáng bị
tử hình. Lúc ấy, vua phẫn nộ bảo với em mình: "Nay ta
ban cho ngươi một ân huệ cuối cùng, cho phép ngươi làm vua
trong vòng 7 ngày, sau đó ta sẽ trị tội".
Thế rồi Túc Đại Đa
được lên ngôi báu, ngự nơi lầu son điện ngọc, có cung
tần mỹ nữ, đờn ca xướng hát và đủ các thứ sơn hào
hải vị không thiếu thứ gì. Nhưng ông chẳng màng để tâm
đến những thứ ấy mà chỉ ngong ngóng sợ chết đến nỗi
thân thể cực kỳ tiều tụy.
Sau 7 hôm, A Dục hỏi
Túc Đại Đa trong thời gian qua hưởng vinh hoa phú quí tột
bực như vậy có cảm thấy thích thú hay không, thì Túc Đại
Đa thực thà bộc bạch hết những tâm sự khổ đau của mình.
Vua liền bảo: "Chỉ vì biết trước sinh mệnh mình trong
7 hôm nữa sẽ kết thúc mà ngươi còn hốt hoảng, quên ăn
bỏ ngủ, thân thể trở nên tàn tạ đến thế, huống gì các
Tỳ kheo trong từng hơi thở đều nghĩ đến lẽ vô thường,
không biết cái chết đến lúc nào, thử hỏi còn tâm trí đâu
nữa mà đắm trước những vật dục ở đời?".
Được lời như cởi
tấm lòng, Túc Đại Đa liền sinh tín tâm đối với Phật pháp
và chẳng bao lâu ông phát tâm xuất gia làm một Tỳ kheo.
Nhắc lại việc trước,
khi viên quan Khâm sai bị Túc Đại Đa ngăn lại. Ông liền
trở về triều tâu lên nhà vua sự kiện diễn tiến vừa
rồi.Vua nghe thế vô cùng kinh ngạc, đau đớn tột cùng,
ngất xỉu, té quyuống đất. Hồi lâu vua mới tỉnh lại,
thống trách viên quan ấy: "Trẫm sai khanh đến tu viện là
để truyền lệnh cho các Tỳ kheo phải hòa hợp thuyết giới
chứ đâu phải bảo đến giết họ!". Thế rồi, vua tức
tốc ngự giá đến hỏi chư Tăng, trong trường hợp vừa
rồi, vua có tội hay viên Khâm sai kia có tội.Trong các Tỳ
kheo, có người nói do có lệnh của vua mà Tăng chúng bị
chết oan, nên vua có tội. Có người thì bảo cả hai đều có
tội. Nhưng có người bình tĩnh hơn, hỏi vua có ý định
giết hại hay không, thì vua đáp là chỉ muốn xây dựng Tăng
đoàn, tạo lập công đức chứ không có tâm sát hại. Vị
ấy kết luận: "Nếu tâm đại vương như thế, thì đại
vương vô tội,mà kẻ giết người kia có tội"
Qua những trình bày khác
nhau như thế, vua càng thêm phân vân, liền hỏi các Tỳ kheo,
ai có thể làm cho vua hết nghi hoặc. Các Tỳ kheo bảo rằng
chỉ có trưởng lão Mục Kiền Liên Tử Đế Tu, người đã
đạt tam minh, chứng quả A la hán, mới có thể chấm dứt
được sự nghi ngờ của vua mà thôi.Sau khi nghe lời chỉ
dẫn, vua liền cáo từ các Tỳ kheo, trở về cung đình,
chuẩn bị lễ cúng dường.Chuẩn bị xong các việc, vua phái
người đến tu viện cung thỉnh Mục Kiền Liên Tử Đế Tu và
đại chúng vào triều thọ trai.Thọ trai xong, vua mời trưởng
lão Đại Tu cùng Tăng chúng đến một đạo tràng đã được
thiết lập tại Viên Lâm (Uyỳana). Khi đến nơi, để biết
chắc trưởng lão có thể đoạn trừ được điều nghi ngờ
của mình hay không, vua thỉnh cầu trưởng lão thi thố vài phép
thần thông. Trưởng lão đã hoan hỷ đáp ứng lời yêu cầu
ấy khiến vua rất khâm phục nghĩ rằng ác pháp sẽ diệt
trừ, Phật pháp sẽ lại trùng hưng. Thế rồi, vua đem sự
việc trước kia ra chất vấn trưởng lão. Trưởng lão bèn
hỏi lại nhà vua: "Khi ấy đại vương có tâm sát hại
hay không?", vua đáp: "Đệ tử chỉ mong có công đức,chứ
không có tâm sát hại". Trưởng lão khẳng định: "Nếu
không có tâm giết hại thì đại vương vô tội". Rồi trưởng
lão đem kinh Bản sinh ra giảng cho vua nghe. Sau khi nghe pháp,
mọi thắc mắc trong lòng của vua đều giải tỏa. Tiếp đến
trưởng lão trình bày thế nào là đúng luật, thế nào là trái
luật, thế nào là đúng pháp, thế nào là phi pháp, những gì
do Phật dạy và những gì không phải do Phật dạy...Vua được
diễm phúc nghe pháp liên tục như thế suốt 7 ngày.Với tâm
trạng hân hoan sau khi nghe pháp, vua nghĩ rằng lần kết tập
pháp tạng này chắc chắn sẽ thành công, liền sai người ngăn
đạo tràng ra thành hai khu vực a và b. Những ai cùng một
kiến giải thì ở chung một khu vực. Đồng thời mỗi khu
vực cử ra một vị đại diện để trả lời những điều
vua hỏi.
Thế rồi, vua hỏi
vị đại diện của một khu vực: "Thưa Đại đức,
Phật pháp như thế nào?". Họ bèn lao nhao lên. Có người
bảo là thường; có người bảo là đoạn; có người nói là
có tưởng, có người nói là không phải tưởng cũng không
phải không tưởng; có người nói là thế gian Niết bàn...".
Vua nghe họ đáp lung
tung như thế, biết chắc nhóm Tỳ kheo này đích thực là
ngoại đạo, chứ không phải Tỳ kheo chân chính. Do đó, vua
ra lệnh họ cởi bỏ pháp phục, ban cho y phục màu trắng, và
đuổi ra khỏi Tăng đoàn. Rồi vua sang khu vực của 6 vạn
Tỳ kheo kia, lên tiếng hỏi vị đại diện: "Thưa Đại
đức, Phật pháp như thế nào?". Vị ấy đáp: "Thưa
đại vương, Đức Phật phân biện giảng dạy theo từng trình
độ". Quay sang trưởng lão Mục Kiền Liên Tử Đế Tu,
vua hỏi: "Có đúng thế không, thưa Đại đức?". Trưởng
lão đáp: "Đúng thế, thưa đại vương".Biết Phật
pháp đã được thanh tịnh, vua bèn thỉnh cầu chư Tăng
thuyết giới bố tát trở lại, và sai người bảo vệ chúng
Tăng rồi từ biệt, hồi loan.
Sau khi vua rời khỏi
đạo tràng, 6 vạn Tỳ kheo liền suy cử trưởng lão Mục
Kiền Liên Tử Đế Tu làm chủ tọa và tuyển chọn 999 Tỳ
kheo tinh thông tam tạng, đã đắc tam minh,mở cuộc đại hội
kết tập pháp tạng. Thể thức kết tập lần này giống hai
lần trước, không khác gì cả.Do vậy, Phật pháp trở lại
thanh tịnh, mọi hỗn loạn, cấu uế đều được dẹp trừ.
Đại hội kết tập
lần này trải qua 9 tháng thì hoàn tất, do trưởng lão Mục
Kiền Liên Tử Đế Tu làm chủ tọa, 999 vị Tỳ kheo A la hán
tham dự, nên gọi là cuộc kết tập của 1000 vị La hán.
Sau khi kết tập, trưởng
lão Mục Kiền Liên Tử Đế Tu bèn soạn ra luận thư để
phản bác nghĩa lý của các phái ngoại đạo đương thời. Đến
khi biết mình sắp viên tịch, trưởng lão bèn sai vị cao đồ
là Đại đức Ma Sẩn Đà đem luật tạng truyền sang nước Sư
Tử (Srilanca:Tích Lan). Vâng lệnh sư phụ, Đại đức Ma Sẩn
Đà đem giáo pháp sang Tích Lan truyền bá. Đến khi sắp viên
tịch, Đại đức lại đem truyền cho đệ tử là A Túc Tra (Arittha);
A Túc Tra truyền cho đệ tử là Đế Tu Đạt Đa (Tissadatta);
Đế Tu truyền cho đệ tử là Già La Tu Mạt Na (Kàlasumana); Già
La Tu Mạt Na truyền cho đệ tử là Địa Già Na (Dìghanàmaka);
Địa Già Na truyền cho Tu Mạt Na (Dìghasumana); Tu Mạt Na
truyền cho Đàm Vô Đức (Dhamarakkhita); Đàm Vô Đức truyền
cho Đế Tu (Tissa); Đế Tu truyền cho Đề Bà (Deva); Đề Bà
truyền cho Tu Mạt Na (Sumana); Tu Mạt Na truyền cho Chuyên Na Già
(Cùlagàna); Chuyên Na Già truyền cho Đàm Vô Ba Li (Dhammapàlinàma);
Đàm Vô Ba Li truyền cho Xí Ma (Khemanàma); Xí Ma truyền cho Ưu
Ba Đế Tu (Upatissa); Ưu Ba Đế Tu truyền cho Pháp Cự (?); Pháp
Cự truyền cho A Bà Gia (Abhaya); A Bà Gia truyền cho Tiểu Đề
Bà (Cùladeva); Tiểu Đề Bà truyền cho Tư bà (Sìva).
Đó là các luận sư
trí tuệ đệ nhất, thần thông vô ngại, ái tận La hán,
thầy trò truyền nhau, đến nay không dứt (Thiện Kiến Luật
Tỳ Bà Sa, quyển I,II ĐTK 24, tr 678b - 684).
Vài
điều ghi nhận
1. Lý do kết tập: Vì
các ngoại đạo trà trộn vào hàng ngũ Tăng đoàn làm cho Tăng
chúng bất hòa và Phật pháp trở nên hỗn loạn, nên mới
mở đại hội kết tập.
2. Thời gian kết tập:
Lần kết tập này diễn ra sau khi Phật Niết Bàn 218 năm,
tức trước Tây lịch 325 năm. Và công việc được thực
hiện trong thời gian 9 tháng.
3. Địa điểm kết
tập: Tại Viên Lâm (Uyỳana), thành Hoa Thị (Pàtaliputta) nước
Ma Kiệt Đà (Magadha).
4. Vị chủ tọa cuộc
kết tập: Trưởng lão Mục Kiền Liên Tử Đế Tu (Moggaputta -
Tissa).
5. Số người tham dự
kết tập: gồm 1000 vị A La Hán (kể cả vị chủ tọa) đã
chứng Tam minh, tinh thông Tam tạng.
6, Người khởi xướng
và bảo trợ cuộc kết tập: Hoàng đế A Dục (sinh khoảng năm
350 trước Tây lịch).
7. Giá trị của cuộc
kết tập: hai lần kết tập thứ nhất và thứ nhì sử Phật
giáo Nam truyền và Bắc truyền đều có ghi chép, và đều công
nhận. Nhưng lần kết tập thứ ba này chỉ thấy ghi lại
trong Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa (bộ sớ giải Luật tạng
của Nam truyền) và Đảo sử Tích Lan.Còn thư tịch của Bắc
truyền không ghi chép. Vì quan điểm của Bắc truyền cho đây
là sự kết tập của Bộ phái mà thôi, nên không công nhận
như một cuộc kết tập chính thức./.
-