(Chùa Pháp Quang, Queensland, Úc Châu, ngày 28- 05-2006) Ghi chép: Phương Nhã
CHIM ƯNG TRUNG THÀNH
Câu chuyện dân gian Ấn Độ kể lại có một vị vua rất thích đi săn. Ông
có một con chim ưng rất giỏi. Mỗi khi cưỡi ngựa vào rừng đi săn, chim
ưng là con vật đậu và đứng trên vai ông. Là vị vua của muôn dân trăm họ,
đứng trên hết tất cả mọi thần dân, thế mà chỉ có con chim ưng được phép
đứng trên vai ông. Điều đó cho thấy vua rất thương con chim ưng này.
Sau mỗi chuyến đi, vua thường có thêm niềm vui là những con mồi ngon
nhờ vào tài phát hiện và chỉ điểm của con chim ưng. Một hôm, như thường
lệ sau mỗi chuyến săn bắn, đoàn tùy tùng thường dâng lên cho vua một
loại thức uống để giải khát. Thế nhưng ngày hôm đó, nhiều loại thức uống
hảo hạng được chuẩn bị sẵn đều không làm vua thỏa mãn. Ông bèn yêu cầu
đoàn tùy tùng tiến tới mỏm núi cao ở phía trước, nơi đó có những giọt
sương còn đọng lại và đang nhễu xuống từng giọt. Vua yêu cầu người hầu
cận hãy hứng lấy những giọt nước tinh khiết này mang đến cho ông.
Người hầu cận dùng chiếc bình nhỏ hứng một lúc sau thì đầy bèn đem
dâng cho vua. Bỗng nhiên, con chim ưng đang đứng trên vai vỗ cánh hất đổ
bình nước. Điều này đã làm vua rất bực mình, khó chịu nhưng vì thương
nó nên vua bỏ qua. Ông yêu cầu người hầu cận hãy hứng một bình khác cho
ông. Sau vài mươi phút, bình nước thứ hai mới được hứng đầy, người hầu
cận lại đem đến dâng vua; và một lần nữa con chim ưng lại vỗ cánh hất
tung bình nước đó. Vua không còn bình tĩnh, kềm chế được cơn tức giận
của mình, ông dùng tay chụp lấy chân của con chim và quẳng xuống đất
thật mạnh, chim ưng bị gãy cổ và chết ngay tại chỗ.
Sau đó, vua yêu cầu đoàn tùy tùng dùng kiệu đưa ông tìm lên đầu nguồn
của giọt nước để hứng lấy nhanh hơn. Lúc đó, ông không thể tin vào mắt
mình khi nhìn thấy cảnh tượng một con rắn hổ mang đang nằm chết ngay nơi
đó. Độc tố của nó đã nhễu
ra, loang trên nguồn nước và đang nhỏ xuống. Do vì không nhìn
thấy nên người hầu cận đã hai lần hứng nước này dâng vua.
Tánh linh của con chim ưng đã phát hiện trong hai bình nước dâng vua
đều có độc tố của con rắn, nhưng vì ngôn ngữ truyền thông giữa loài
người và loài vật khác nhau, vua không có năng lực tha tâm thông để hiểu
được ngôn ngữ biểu đạt của loài vật, nên đã tạo ra cái chết oan uổng
cho chim ưng. Con chim trung thành, biết nhìn xa thấy rộng và luôn đặt
tánh mạng an toàn cho chủ nhân lên trên hết. Vua rất đau buồn vì hành
động sai lầm của mình nên đã tổ chức lễ tang trọng thể cho chim ưng.
Những lúc trò chuyện, Người Ấn Độ thường kể cho nhau nghe về câu
chuyện đó với dụng ý nhắc nhở con người đừng nên trung thành quá mức.
Bởi trên thực tế có những điều tuy biết nhưng đôi lúc nói ra không có
lợi cho bản thân, mà trái lại còn ảnh hưởng đến tính mạng như sự kiện
chim ưng là một điển hình. Túi khôn trong ứng xử nhân gian Ấn Độ khuyến
tấn con người phải biết tùy từng tình huống mà nói, nếu cảm thấy điều
mình nói ra như một phát ngôn, thông tin mang lợi lạc đến cho người khác
thì mới nên thể hiện; bằng không hãy nên giữ yên lặng. Tôi xin tiếp cận
câu chuyện không ở góc độ trên, mà ở góc độ liên hệ đến nội dung chết
đi về đâu.
Vì sự trung thành và tấm lòng thương kính với người chủ, chim ưng đã
chết, đó là cái chết trung kiên. Ở đây có hai phản ứng cảm xúc được diễn
ra trong tình huống này:
Thứ nhất, nếu chim ưng là loài dễ giận hờn, vui cảm thì chắc chắn sau
cái chết để lại trong nó dòng cảm xúc uất hận rất lớn. Mặc dù không có
máy móc thiết bị để đo và cảm nhận được sự uất hận đó ở mức độ nào,
nhưng chắc chắn phản ứng kéo theo sau sẽ là cá tính nhạy cảm, vui buồn
lẫn lộn giống như cách thức phản ứng của con người. Trong tình huống của
nỗi uất hận có thể tạo ra phản ứng tâm lý tiêu cực về quan niệm và thái
độ. Dĩ
nhiên, cái chết đó là một nghĩa cử trung kiên, theo tiến trình tái
sanh, chim ưng có thể tái sinh làm lại con vật hoặc con người với nghĩa
khí cương trực, lấy quyền lợi của cộng đồng, tập thể và quốc gia đặt lên
hàng đầu so với sự sống còn của cá nhân. Thông thường, tính cách tâm lý
của một nhân vật khi chào đời có mối quan hệ mật thiết với tính cách
tâm lý tiền thân của nhân vật đó trong quá khứ theo cách thức tương đối
nhất định.
Thứ hai, mặc dù chim ưng này bị chết nhưng vì hiểu được sứ mệnh của
nó là mang lại niềm vui và giá trị hạnh phúc cho chủ nhân, nên cái chết
đó vẫn làm cho nó hài lòng. Đây là nghĩa cử cao thượng mà những người
hầu cận cho vua không có linh tính để làm được việc này.
Sự hài lòng đó mang lại giá trị nhân quả có ý nghĩa cho tiến trình ra
đi, không để lại bất kỳ dòng cảm xúc hối hận nào về hành động hay việc
làm tốt của mình. Theo tâm lý học Phật giáo, trạng thái và dòng cảm xúc
hối hận tạo ra nguồn năng lượng, mà chức năng của nó có thể tiêu diệt,
hủy hoại những năng lực mang tính cách đối lập trước đó. Do đó về bản
chất đạo đức, sự hối hận chỉ là trung tính, phải dựa vào nội dung mới có
thể xác định tính cách tâm lý đó là tích cực hay tiêu cực.
Chẳng hạn trong tình huống của chim ưng, nếu nó hối tiếc về nghĩa cử
cao thượng đã làm cho nhà vua - chủ nhân của nó để phải dẫn đến cái chết
oan uổng như thế thì sự hối hận này là một hành vi, cảm xúc bất thiện.
Phản ứng tâm lý bất thiện này thể hiện khi tái sinh trong tương lai sẽ
là thái độ bàng quan, thiếu trách nhiệm, sự dấn thân và hy sinh cần
thiết trước bất kỳ một nghĩa cử hay tình huống cao thượng nào. Khi ấy,
nó sẽ là người tình nguyện đứng ngoài cuộc, bởi vì nỗi đau trong quá
khứ, vì nghĩa cử cao đẹp mà phải dẫn đến cái chết oan uổng như thế.
Chính điều này đã tạo thành phản ứng trấn an, dè dặt và phòng hộ trước
bất kỳ tình huống tương tự nào. Ngược lại, trong tình
huống nỗi niềm hối tiếc về một việc xấu đã làm, đó chính là năng lực
của sự hồi đầu. Nếu xét về bản chất tâm lý học, nó lệ thuộc nhiều vào
nội dung của vấn đề.
CHẾT KHÔNG PHẢI LÀ HẾT
Quan điểm của đạo Phật sau khi con người hay loài động vật nằm xuống,
đó không phải là dấu chấm hết, mà chỉ là một dấu chấm nối kết lại với
những dấu chấm khác trên một con đường thẳng. Con đường đó mở ra dài hay
rộng, sớm hay muộn tùy thuộc vào bản chất tâm lý, hành vi của chính con
người hay loài động vật tạo ra. Trong thời đức Phật, nhiều cuộc đối
thoại diễn ra được ghi nhận lại trong kinh Trường Bộ về quan niệm và bản chất của cái chết, hay nói cách khác đời sống sau cái chết là gì.
Quan điểm của các nhà duy vật cổ xưa Carvaka của Ấn Độ cho rằng sau
khi con người chết, thân thể tâm vật lý bao gồm năm yếu tố: cấu trúc vật
lý, dòng cảm xúc, ý niệm hóa, nhận thức phân biệt, và sự vận hành của
tâm linh sẽ hoàn toàn trở về với cát bụi. Họ quan niệm rằng ý thức chỉ
là một phần của vật chất. Học thuyết này đã được chủ nghĩa duy vật thời
nay phát huy tối đa như một hệ thống tư tưởng chịu ảnh hưởng lớn đối với
các nước xã hội chủ nghĩa.
Đức Phật đã đưa ra khá nhiều minh chứng để khẳng định quan niệm chết
là hết, hoặc một sự vật, hiện tượng chấm dứt mà không có vòng dây tiếp
tục là một quan niệm sai lầm. Học thuyết của Ngài được ghi chép rõ trong
kinh, đặc biệt là kinh Kim Cang thể hiện duy nhất với bốn chữ “bất sanh, bất diệt”.
Triết lý này cho rằng nếu mọi sự vật, hiện tượng không từ đó mà sanh
ra, nghĩa là không có nguyên nhân khởi đầu thì tiến trình kéo dài của nó
sẽ không có nguyên nhân kết thúc. Nó chuyển từ hình thái này sang hình
thái khác tùy theo tính điều kiện, môi trường, hoàn
cảnh và cộng nghiệp của con người, vũ trụ v.v…
Hãy thử quan sát khi ta cầm quả bóng trên tay và ném nó vào vách
tường. Khi tiếp xúc với vách tường, nghĩa là quả bóng đã rời khỏi bàn
tay. Trong tình huống này, có người cho rằng quả bóng đã kết thúc, không
còn nằm trong bàn tay mình nữa. Dưới cái nhìn vật lý của không gian mặt
phẳng, điều này có thể đúng, do vì không còn nhìn thấy quả bóng nữa nên
ta cho rằng nó đã kết thúc; nhưng nếu nhìn ở chiều kích không gian đa
chiều thì quả bóng đó di chuyển từ ngay điểm xuất phát của nó, tức là
bàn tay của ta đến vách tường với một khoảng cách, và đến đây nó vẫn
chưa hoàn toàn là hết. Chính sự va chạm của quả bóng vào trong vách
tường đã tạo ra một lực có tác động dội ngược lại. Đây là sự phản hồi
lần thứ hai, và đến đây nó vẫn chưa kết thúc. Khi dội ngược lại, quả
bóng sẽ tiếp tục lăn trên mặt đất. Cái lăn sẽ va chạm vào chân tường và
những đồ vật khác, hoặc nó sẽ đi theo tiến trình lăn tự nhiên cho đến
khi nào lực đẩy không còn nữa, nó sẽ dừng lại. Cái dừng lại đến đây vẫn
chưa hết, nó tiếp tục tạo ra hệ phản ứng trực tiếp hay gián tiếp đối với
các sự vật xung quanh nếu bên dưới là mặt nước, hoặc tạo sự chấn động
chung quanh kéo dài.
Bằng cách thức này, khi phân tích lực phản hồi của bất kỳ hoạt động,
hay sự sống của một chủng loài đều diễn tiến theo cách bất tận như vậy,
không thể truy đến tận đích điểm cuối cùng. Bởi vì lực phản hồi trong
một cấu trúc rất phức hợp và đa dạng. Bằng nhãn quan vật lý thông thường
để nhận định, đánh giá, ta cho rằng nó đã kết thúc; nhưng với nhãn quan
của nhà khoa học vật lý thì tất cả mọi thứ vẫn còn tiếp tục tác động và
diễn tiến dựa trên cấu trúc của nó. Do đó, chết không phải là hết.
Việc các nhà triết học quan niệm chết là hết hoặc theo quan niệm của
đức Phật có một đời sống sau khi chết, liên hệ đến tính đạo đức của vấn
đề. Rất nhiều nhà duy vật cổ xưa Ấn Độ không chấp nhận quan niệm có đời
sau, mặc dù bản thân đời sống hiện tại của họ rất đạo đức, nhưng
điều mà đức Phật nhìn thấy và
muốn lưu ý ở đây chính quan niệm sai lầm này sẽ mở cửa, tạo điều kiện
dẫn khởi, xúc tác cho những hành vi con người đi vào quỹ đạo gây bất
lợi cho bản thân và tha nhân. Bởi kết cuộc của sự sống và cái chết đều
giống nhau, như vậy chẳng ai muốn làm lành lánh dữ hay nỗ lực dấn thân
phục vụ xã hội để làm gì.
Với niềm tin có một kiếp sau sẽ làm con người nghĩ đến tính trách
nhiệm về đạo đức nhân quả trong mỗi hành động, lời nói, và việc làm dù
kiếp sau có thể chẳng có gì. Quan niệm như thế vẫn tốt hơn cho cộng đồng
và xã hội trong đời sống hiện tại có mặt trên cuộc đời, huống hồ chi về
mặt qui luật vật lý không có vật gì là mất hẳn.
Khái niệm bất sanh bất diệt là khái niệm triết học vẽ ra tiến trình
chạy trôi chảy của các chúng sinh, với mỗi điểm là một phần của sự sống.
Sống và chết chập trùng trong những điểm lên và xuống của tiến trình.
Nói cách khác, ta chết đi trong từng giây, từng phút, từng ngày và từng
giờ để tái tạo lại sự sống trong từng giây, từng phút, từng ngày và từng
giờ về phương diện sinh học, vật lý. Đây là quan niệm của đạo Phật, và
nó hoàn toàn phù hợp với quan niệm sinh học và vật lý học hiện đại.
Cái chết về mặt vật lý hoặc còn gọi là chết lâm sàng được xác định
bằng sự ngưng hoạt động của não, kết thúc nhịp đập của tim, các giác
quan hoàn toàn lặng tắt, đây chỉ là một phần đánh giá về bản chất của
cái chết mà đôi lúc nó không chuẩn xác hoàn toàn từ cái nhìn của đạo
Phật.
NGUỒN ĐIỆN CỦA BÓNG ĐÈN
Thỉnh thoảng, ta vẫn được nghe kể lại những câu chuyện khó tin nhưng
có thật từ những người mà cuộc sống của họ gắn liền với nghề giữ xác
trong bệnh viện. Chẳng hạn như một bệnh nhân đã tắt thở hoàn toàn, tim
mạch ngưng hoạt động, thân thể đã lạnh cứng; do vì không có thân
nhân đến lãnh xác nên thi
thể của họ được đưa vào trong nhà lạnh, tạo cơ hội cho các sinh viên
thí nghiệm, thực tập mổ xẻ trong ngành y. Thế nhưng đôi lúc có những
trường hợp các thi thể ấy đã sống lại sau ba, bốn, hoặc năm ngày trong
nhà xác. Trước hiện tượng này đã làm cho các nhà khoa học hoang mang vô
cùng. Lý giải thế nào về cái chết lâm sàng đứng từ góc độ và tầm nhìn
của y học hiện đại, khi máu ngưng hoạt động và tim đã ngừng thở trong
vài ngày?
Theo quan niệm của đạo Phật, sự sống của người chết và các loài chúng
sinh có liên hệ đến một yếu tính quan trọng, đó chính là sự hiện hữu
tương thức của dòng chảy tâm thức bên trong, hỗ trợ mật thiết cho sự vận
hành theo qui luật nhân quả cùng với dòng cảm xúc. Yếu tố quan trọng để
nối kết, xác định, kéo dài và tái tạo sự sống được sánh ví như nguồn
điện của chiếc bóng đèn, bóng đèn được ví như thân xác của con người. Để
cho chiếc bóng đèn phát quang cần có nhiều điều kiện như tăng-phô, con
chuột, bóng đèn, đường dây điện, nguồn điện v.v… chỉ cần một trong những
điều kiện này bị trục trặc có thể dẫn đến việc ngưng phát quang của
bóng đèn. Trong tình thế đó, không nên đẳng thức hóa và kết luận rằng
dòng điện đã ngưng hoạt động, mà trên thực tế nó vẫn tiếp tục hiện hữu.
Bóng đèn không cháy có thể vì tăng phô bị hư, con chuột bị đứt hoặc do
bóng bị đen ở hai đầu, tức là điện quang bên trong không đủ làm cho
chiếc đèn có thể bật sáng. Giống như tình trạng chết lâm sàng khi tim,
não và máu đã ngưng mà dòng cảm xúc hay ý thức vẫn tồn tại và tái sinh
gắn liền với những nỗ lực, do vì thái độ nuối tiếc, không muốn chấp nhận
cái chết đó. Trong một vài tình huống như thế sẽ dẫn đến việc kéo dài
cái chết và cuối cùng tái tạo lại sự sống.
Như vậy, câu hỏi được đặt ra là tại sao có nhiều người cũng muốn níu
kéo, không muốn chấp nhận cái chết mặc dù cái chết đang diễn ra, nhưng
sự sống lại không tiếp tục có mặt với họ lần thứ hai?
Tâm lý học và nghiệp báo của đạo Phật lý giải rằng, không phải con
người ước muốn điều gì cũng có thể đạt được, bởi vì nó liên hệ đến tính
điều kiện để cho ước muốn đó trở thành hiện thực. Nói cách khác, chúng
sanh đó vừa qua đời và được tái tạo mạng sống lần thứ hai là bởi trong
quá khứ họ đã gieo trồng rất nhiều hạt giống của sự sống, bảo vệ sự sống
và quyền sống của con người và các loài động vật. Chẳng hạn như các nhà
môi trường làm hết mình với tất cả tấm lòng, ý thức, bảo hộ sự sống cho
mọi người và mọi loài chúng sinh. Chính điều này đã tạo ra phước lực
rất lớn, trong thời điểm ra đi đột ngột dẫn đến sự nuối tiếc, muốn níu
kéo mạng sống. Nhờ sự níu kéo này đã tạo ra chất xúc tác mãnh liệt, dưới
tác động của nó, thay vì để cho tiến trình tái sinh được diễn ra bình
thường, quả của nghiệp thiện ích về đời sống sẽ trổ ở đời sau, nhưng bây
giờ nó trổ quả ngay. Tương tự như một loại trái cây, nếu để tự nhiên
phải mất đến vài ngày mới có thể chín, nhưng vì mưu sinh, người ta dùng
khí đá hoặc một loại hóa chất để dú, thúc đẩy độ chín của nó diễn ra sớm
hơn so với bản chất tự nhiên.
Trong tình huống níu kéo sự sống mà con người hay chủng loại nào đó
không đủ chất xúc tác và điều kiện cần thiết của phước lực sẽ dẫn đến
tình trạng tồn tại dưới hình thức hồn ma bóng vía, nghĩa là phủ định và
không muốn thừa nhận cái chết của mình. Tiến trình đó kéo dài hay ngắn
lệ thuộc vào dòng cảm xúc của hương linh có chịu buông bỏ hay níu kéo.
Cái chết được tái sinh là chuyện hy hữu, nó là điểm để con người nhận
định, đánh giá, phản hồi lại bản chất đời sống của mình. Cái sống hoàn
toàn phụ thuộc vào năng lực nghiệp báo và hành vi thiện ác của con người
đã tạo. Đứng về góc độ tâm lý học thì sự níu kéo sau cái chết rất nguy
hiểm, bởi vì trong chúng sanh có mấy người níu kéo được sự sống lần thứ
hai, và toàn bộ những người không may mắn đó phải chấp nhận cái chết cho
dù họ cố tình phủ định, điều này dẫn đến tình huống trở thành ngạ quỷ.
Thế Tôn đã khá tinh tế trong cách sử dụng ngôn từ, nếu chỉ dùng ngôn
từ hồn ma bóng vía thì chưa đủ, mà phải dùng thêm tính từ “ngạ”. Ngạ là
đói khát, bởi vì khi ra đi hương linh không chấp nhận, cứ bám víu vào
một cái gì đó và đẳng thức hóa nó là cơ thể vật lý của mình. Chẳng hạn
như di ảnh, hài cốt, bàn thờ, mồ mả, nhà trưng bày hoặc viện bảo tàng
v.v… Cái tôi đẳng thức hóa đó với cấu trúc vật lý của thân, dù là tổng
hòa giữa cấu trúc vật lý và bộ phận quan trọng của tâm lý gồm bốn yếu
tố: cảm xúc, ý niệm hóa, sự vận hành của tâm và nhận thức phân biệt.
Đẳng thức hóa thường kéo theo quan niệm sai lầm dẫn đến sự nuối tiếc.
Do vì nuối tiếc, hương linh rất khổ đau khi nhìn thấy cảnh tượng con
người sinh hoạt, hưởng thụ và cảm xúc, khiến hương linh như đang sống
lại với đời sống mình từng trải qua trong quá khứ. Thế nhưng hương linh
không thể nào thỏa mãn được những điều này, vì không còn cơ thể vật lý
để ăn, không còn thân thể để mặc áo quần và trang sức. Càng bám víu,
nuối tiếc nhiều chừng nào thì dòng cảm xúc tạo ra năng lực khổ đau lại
càng nhiều chừng đó. Đối với loài ngạ quỷ chưa đi đầu thai, họ đói về
cảm xúc, vật thực, đời sống cùng mọi phương diện hưởng thụ khác.
TẬP TỤC VÀ QUAN NIỆM TỐNG TÁNG
Người ta cho rằng Ngài Đường Tam Tạng Huyền Tráng khuyên sau khi một
người qua đời, trong suốt tám giờ đồng hồ, người thân không nên động
chạm vào thi thể của người chết. Dĩ nhiên, không có bất kỳ một dữ liệu
nào trong kinh tạng Pàli lẫn kinh tạng Đại thừa có đề cập đến chi tiết này. Đây được tạm gọi là học thuyết “thận trọng”
về tiến trình tái sinh giữa chết và sống do ngài đặt ra. Học thuyết này
có ý nghĩa với một số người có phản ứng tiếc nuối, không chấp nhận hoặc
phủ định cái chết. Họ cứ níu kéo mãi khiến dòng cảm xúc như một thần
thức luôn quan sát, canh giữ ngày đêm, không muốn cho bất kỳ người nào
động
vào cơ thể vật lý của mình. Bởi sự động chạm đó làm cho họ có ảo giác
rằng người ta đang cướp, giết, làm thương tổn hoặc hủy hoại mạng sống
của mình. Cho nên phản ứng kháng cự trỗi dậy, lúc đó lòng sân cũng xuất
hiện. Tiến trình tái sinh đi kèm với lòng sân sẽ làm cho con người có
bản tính nóng nảy, cau có, khó chịu, bực dọc, và khó bình tĩnh trước
những biến cố cuộc đời.
Tổ Huyền Tráng đã khuyên đừng nên tin vào năm tháng, ngày giờ. Ứng
dụng cách thức tám tiếng nhằm tạo cơ hội cho phản ứng cảm xúc của người
quá cố không diễn ra theo hướng tiêu cực, đồng thời giúp tiến trình tái
sinh được diễn ra an toàn. Như vậy, một số người đặt câu hỏi tại sao
không phải là một tiếng, hai tiếng, hoặc ba tiếng mà phải là tám tiếng?
Trong các quyển sách liên hệ đến duy thức học Phật giáo, ngài Huyền
Tráng có đưa ra sự kiện như là một minh họa nhưng không đưa ra lời giải
thích. Có thể suy luận bằng cách thức tương đối rằng, số 8 trong đạo
Phật tượng trưng cho sự kiết tường và an lành, số 7 tượng trưng cho sự
trọn vẹn và đầy đủ. Ngoài ra, có một con số của nền văn hóa Trung Hoa
ứng với số
8 đó là số 9. Trong Phật giáo, Tổ Huyền Tráng không sử dụng số 9 mà
là số 8, nhằm thiết lập sự thận trọng trong 8 giờ đồng hồ, tạo sự an
toàn và kiết tường cho người sống lẫn kẻ chết. bởi lẽ chỉ có tiến trình
tái sinh an toàn mới có thể mang hạnh phúc cho những người còn lại.
Có sự khác biệt khá lớn về quan niệm hạnh phúc giữa người phương Đông
và người phương Tây. Đối với người phương Tây, phục vụ cho người sống
là điều kiện thiết yếu dẫn đến hạnh phúc. Sau khi chết rồi, dù vẫn tổ
chức đám tang linh đình, nhưng việc cúng kiến đối với họ không còn quan
trọng. Bởi vì người phương Tây quan niệm, sau cái chết chỉ có hai con
đường. Nếu đời sống tín ngưỡng tôn giáo thuần tính theo những gì được
dạy trong kinh thánh, hương linh sẽ được về bên đức
Chúa, và hưởng nhân đức Chúa. Hoặc con đường thứ hai là hương linh
phải tái sinh vào hỏa ngục đời đời kiếp kiếp để chịu sự trừng phạt. Hai
tiến trình đó là sự lựa chọn gắn liền với bản chất niềm tin, ngoài ra
không có một hình thái tái sinh nào khác. Do đó, người phương Tây không
quan trọng sau cái chết.
Ngược lại, đối với người châu Á, chăm sóc cho người chết là tạo hạnh
phúc cho những người còn sống. Ta thấy có những người thân dù đã ra đi
80 năm hay 100 năm mà ông bà, hoặc cha mẹ mình đến ngày giỗ vẫn còn rơi
nước mắt, vẫn tảo mộ, cúng kiến, cầu nguyện cho hương hồn được nhẹ nhàng
ra đi.
Ngày nay, rất ít người ứng dụng theo tập tục do ngài Huyền Tráng đề
nghị. Do vì ảnh hưởng của nền văn hóa Khổng giáo, nhất là kinh dịch nên
người ta thường tuân thủ theo quy tắc năm tháng, ngày giờ liên hệ đến
tốt, xấu cho những người còn lại. Từ cái nhìn của đạo Phật, đây là một
quan niệm sai lầm. Tại sao quan niệm sai lầm này lại có tuổi thọ lâu dài
đến mấy ngàn năm lịch sử, và vẫn tiếp tục khống chế nhiều người, cho dù
người đó là vô thần, không tin về cái chết hay một đời sống sau khi
chết?
Lý giải cho điều này là bởi nỗi sợ hãi của con người khi phải đối
diện với cái chết. Là người tu sĩ, tôi có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều
gia đình không có niềm tin, nhưng đến lúc phải đối diện cái chết của
người thân, họ lại hoảng sợ và lý giải rằng, nếu không tẩm liệm theo
đúng quy tắc năm tháng, ngày giờ có thể dẫn đến hiện tượng trùng tang,
ly tán, tam tai hay cái chết cho chính bản thân. Chính nỗi sợ hãi này là
cơ sở dữ liệu để nuôi dưỡng những quan niệm sai lầm, làm cho nó có tuổi
thọ lâu dài, điều mà đạo Phật gọi đó là vô minh.
Ngoài ra, nhiều người còn có tập tục làm lễ tẩy tịnh cơ thể của người
chết để con cháu trong gia đình làm ăn được khấm khá về sau. Đây cũng
là một quan niệm sai lầm về phương diện nhân quả. Con cháu có làm ăn
khấm khá hay không là hoàn toàn
lệ thuộc vào đạo đức nhân quả của chúng. Cha mẹ chỉ tạo cộng hưởng về
nghiệp, nó có thể ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp, về mặt này hay mặt
khác, nhiều hay ít chứ không thể quyết định tất cả. Vì bản chất nhân
quả của từng con người quyết định hạnh phúc hay khổ đau của họ.
Có những tình huống, người chết không nằm trong tư thế thoải mái, do
vì nỗi đau vật lý làm cơ thể họ bị co quắp lại, để phóng thích nỗi đau
ra bên ngoài như một nhu cầu. Khi ấy, các âm công làm công việc tẩn liệm
phải dùng rượu hoặc cồn thoa vào cơ thể cho giãn ra, theo cách thế tạo
sự an tường và nhẹ nhàng cho người ra đi. Đây được gọi là lễ tẩy tịnh,
và thực hiện điều này không có nghĩa là để con cháu được sung túc về
sau, hoặc ngược lại bị nghèo khó. Nếu lý giải một cách sai lầm thì tình
huống các chiến sĩ chết ngoài sa trường, chẳng những không nằm ở tư thế
đẹp mà còn ở tư thế đầu chân lộn ngược, thế mà gia đình những liệt sĩ
này vẫn giàu có. Vậy thì phải chăng tư thế chết có liên hệ đến hạnh phúc
hay khổ đau? Dĩ nhiên không. Tại sao các chiến sĩ chết trận tập thể
không có tư thế hoặc mồ mả đẹp mà họ vẫn mang lại cho gia đình nhiều lợi
lạc?
Chỉ cần so sánh như thế đủ cho thấy quan niệm và phong tục tập quán
năm tháng, ngày giờ, tốt xấu, may rủi hoàn toàn không có cơ sở về mặt
nhân quả. Thế mà người ta vẫn cứ tin, vì tin nên họ lý giải nó dưới góc
độ thà dư thừa còn hơn thiếu, dư thì không sao mà thiếu là ân hận suốt
đời. Chính vì sự an ủi này mà các phong tục tập quán sai lầm vẫn tiếp
tục có điều kiện và cơ sở để sống.
Năm 2004, tôi có dịp sang thuyết giảng tại bang California, Mỹ. Sau
buổi pháp thoại tại một ngôi chùa, sư bà trụ trì có mời tôi cùng vài
người Phật tử đi tham quan và làm lễ tại một nghĩa trang mà sư bà vừa
mới mua. Đây là nghĩa trang đầu tiên của Phật giáo tại Mỹ, rất nhiều
người đã đăng ký mua đất tại đây.
Hôm đó, có một người nói với sư bà như sau:
- Thưa sư bà, cho con đăng ký một chỗ kế bên đức Bồ-tát Địa Tạng, bao nhiêu tiền con cũng sẵn sàng.
Nghe thế, tôi mới hỏi:
- Tại sao cô lại muốn đăng ký miếng đất kề cận đức Bồ-tát Địa Tạng?
- Thưa thầy, ở dưới nước rất lạnh, xung quanh đó côn trùng và nhiều
loài bò sát sẽ cắn, nhưng nếu ở cạnh và có sự bảo hộ của đức Bồ-tát Địa
Tạng, mình sẽ được an toàn.
Đây là quan niệm của rất nhiều người. Do vì sợ thân thể bị hư thối,
mục nát dưới nước nên có người đã chọn con đường hỏa thiêu. Một số khác
lại lý luận rằng nếu đem hỏa thiêu sẽ bị nóng tột độ, chịu không nổi nên
phải chọn con đường chôn cất. Sự lựa chọn giữa thiêu và chôn được gắn
liền với cái mà họ cho là dòng cảm xúc hay thần thức của mình vẫn còn ở
bên cạnh để canh giữ, vẫn tiếp tục cảm nhận được sự nóng lạnh mà trên
thực tế dòng cảm xúc đó đã bị cắt đứt, chính quan niệm sai lầm này dẫn
đến nhiều sự lựa chọn sai lầm khác.
Chùa Giác Ngộ của tôi có thờ khoảng 5000 lọ cốt (5000 thi thể) được
thu nhỏ trong từng chiếc lọ. Nhiều Phật tử đã nảy ra sáng kiến đăng ký
giữ chỗ (lọ cốt) trước ở chùa, vì tâm lý sợ đến lúc mình mất đi sẽ không
còn chỗ. Khi được hỏi lý do vì sao phải đăng ký chỗ trước khi đang còn
sống khỏe mạnh như thế này? Một số người đã trả lời rằng họ thích ở chùa
để được nghe kinh kệ mỗi ngày và sớm được siêu sinh thoát hóa.
Quan niệm sai lầm này đã làm cho khá nhiều người nghĩ rằng sau khi
chết thần thức của họ sẽ được giữ lại với thi thể vật lý được tồn tại
dưới dạng tro cốt. Nếu quan niệm đó không sớm tháo gỡ thì tiến trình tái
sinh sẽ là trở ngại và ách tắc. Bởi người ta đã đẳng thức hóa cơ thể
vật lý này là cái tôi, là sự sống của
mình, nên khi mạng sống con người chấm dứt, lẽ ra thần thức phải
thoát ra, tiếp tục tìm một mầm sống mới để tái sinh; đằng này lại cho
rằng cơ thể vật lý này là của mình vĩnh viễn, muốn đặt lọ cốt lại để
thần thức được nương gá nơi chùa chiền, nhờ thần lực của Tam Bảo giúp
mình có thể ra đi dễ dàng. Dĩ nhiên, về tác dụng bảo hộ của Tam Bảo đối
với hương hồn là chuyện có thật, nhưng nếu cứ quán niệm và buộc thân thể
vật lý này không được rời khỏi thần thức, và ngược lại thần thức phải
bám víu vào cơ thể vật lý thì đây sẽ là một ách tắc, trở ngại trên con
đường tái sinh. Điểm mà tôi muốn nhấn mạnh là ở đây.
Nóng và lạnh, đau đớn và hạnh phúc, dễ chịu và khó chịu tất cả đều
thuộc về dòng cảm xúc. Khi con người qua đời thì dòng cảm xúc cũng đã
hết, không nên có khuynh hướng đẳng thức hóa dòng cảm xúc tiếp tục tồn
tại trong cơ thể vật lý mà cần giải phóng nó. Hãy thực tập thoải mái
theo cách thức sau khi mình qua đời, người thân chôn, thiêu hoặc thậm
chí là bỏ thây ngoài đường không ai quan tâm, chăm sóc, hương án cũng
không sao. Bởi vì cơ thể đó chỉ là phương tiện để thần thức được gá vào,
giống như không có bóng đèn này thì thay vào bóng đèn khác, dòng điện
mới thực sự là yếu tố quan trọng, đôi lúc thay bóng đèn mới tạo cơ hội
để năng lực của dòng điện được thể hiện một cách trọn vẹn. Quan niệm như
thế sẽ làm cho người Phật tử thực sự thoải mái, thong dong, tự tại và
không chao đảo trước cái chết, đồng thời tiến trình đó giúp con người
sống một cách an lành. Điều quan trọng là quan niệm thoải mái, tự tại về
cái chết sẽ dẫn đến cuộc sống an lành, bằng không, nó tạo ra nhiều rắc
rối khác.
CHẾT ĐI VỀ ĐÂU
Trong kinh, đức Phật đưa ra hình ảnh ẩn dụ về cây nến, nếu dùng lửa
thắp sáng ngọn nến lên thì từ cái không lửa sẽ trở thành có lửa. Lửa
có thể bị chong chênh nếu ta dùng tay lắc,
hoặc một cơn gió thổi qua thì ánh sáng đó bị lập lòe, do tác động của
sự vận chuyển không khí. Nếu tác động này quá mạnh, lửa có thể bị tắt,
và lúc này điều gì xảy ra với ngọn lửa? Đức Phật đã đặt ra câu hỏi đó.
Một số vị tỳ kheo trả lời:
- Lửa sẽ đi theo hướng mà sức gió bị ép, ví dụ nếu gió thổi qua từ
phía bên tay trái thì lửa sẽ bị tắt. Như vậy, lửa đi từ bên trái sang
bên phải, từ Đông sang Tây hoặc từ Nam sang Bắc và ngược lại.
Nhiều vị tỳ kheo khác im lặng. Lúc này, đức Phật trả lời:
- Việc tìm kiếm và định hướng sự ra đi của lửa là điều không cần
thiết. Trong tình huống này, nếu ta chấp nhận lửa có một hướng đi thì
phải quan sát lửa đó như thế nào, nó tiếp tục chạy ra sao. Trong khi
ngọn lửa đã bị tắt mà ta lại bàn luận nó đi về hướng nào thì đây là một
câu trả lời không thích hợp.
Ví dụ này được Thế Tôn đưa ra để nói về cái chết, về sự ra đi của
những vị xuất gia chân chính có một đời sống tu học vững chãi, đạt được
giá trị an lạc ở hiện đời thì sự giả định về tiến trình tái sinh của
người đó về hướng A, B, hoặc C là điều không thích hợp. Bởi vì các ngài
sẽ ra đi theo nguyện ước của bản thân. Chết đi về đâu? Chết - đi theo
nguyện ước.
Lý luận này đã không làm hài lòng nhiều nhà nghiên cứu Phật học bởi
vì sự súc tích của nó và cách thức giải thích không trọn vẹn, đầy đủ về ý
nghĩa của sự ra đi. Chắc chắn các nhà nghiên cứu muốn đề cập đến mệnh
đề triết học hoặc những phán đoán đề cập đến cái chết của Thế Tôn, và
đời sống của Ngài sau khi chết. Điều này khiến họ cảm giác không thỏa
mãn, nên vẫn tiếp tục đặt câu hỏi tương tự.
Thế Tôn quay họ trở về với đời sống thực tại, hãy đặt câu hỏi và tìm
kiếm giải pháp cho những vấn đề hiện thực của đời sống an lạc, hạnh
phúc, giá trị tĩnh tại, thảnh thơi quan trọng hơn
nhiều so với việc tìm hiểu lửa này sẽ đi về hướng nào, và trong kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật đã có câu trả lời làm thỏa mãn những người tò mò.
Ngài đưa ra hình ảnh ẩn dụ cũng giống như sự xoay chiếu của mặt trời
12 tiếng vào ban ngày vừa kết thúc thì bóng tối cũng bắt đầu xuất hiện.
Trong thời đại của đức Phật, con người chưa có kiến thức khoa học không
gian về mặt trời, mặt trăng hay đời sống của các hành tinh khác. Thế Tôn
chỉ đưa ra hình ảnh ẩn dụ đơn giản về cái chết và tái sinh của các bậc
chứng đạo cũng tương tự như vầng mặt trời. Khi màn đêm xuất hiện không
có nghĩa là mặt trời bị mất đi, nó vẫn tiếp tục rọi sáng ở một nửa bên
kia trái đất, nghĩa là nó vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển. Điều đó
chứng tỏ cái chết và tái sinh của các bậc chứng đạo đi theo nguyện ước
của các ngài, miễn là nơi nào có nhân duyên, và thông qua nhân duyên đó,
sự lợi lạc, an vui và hạnh phúc của chúng sanh được thiết lập.
Câu trả lời này đã làm thỏa mãn các tiền đề, định đề và lý giải của
triết học về bản chất sau khi chết của những bậc cao Tăng. Thế còn đối
với người phàm kẻ tục như chúng ta thì chết sẽ đi về đâu? Câu trả lời ở
đây lệ thuộc hoàn toàn vào thái độ của người ra đi.
KHÔNG TIẾC NUỐI CÁI CHẾT
Đức Phật đề cập đến sự ra đi ít nhiều có mối liên hệ đến di thể con
người, mà quan trọng nhất vẫn là tro cốt. Nó là cơ sở vật lý quan trọng
để hương linh bám víu vào. Ngày nay cùng với sự tiến bộ phát triển của
khoa học kỹ thuật, có khá nhiều phương tiện giúp lưu giữ lại những kỷ
niệm trong quá khứ thông qua hình ảnh, video, các phương tiện internet
hoặc các viện bảo tàng có thể nắn tạo lại hình tượng của một nhân vật
nào đó. Chẳng hạn như công nghệ Thái Lan thực hiện việc này rất tinh vi,
chỉ cần cung cấp cho họ một thước phim khoảng năm phút về
cơ
thể vật lý của một người nào đó với tư thế mà họ đang ngồi cùng với
mái tóc thiệt thì chỉ trong vòng một tháng sau, họ nắn tạo ra hình tượng
mà độ chính xác của nó đạt hơn 90%. Chỉ cần trả khoảng 15.000 USD là đã
có một hình tượng giống hệt mình rồi, và nhiều người cho rằng đây là
điều rất hạnh phúc, bởi vì nó là kỷ niệm vật của mình.
Thế nhưng theo tâm lý học của đạo Phật, đây là cản lực lớn cho tiến
trình tái sanh. Hương linh sẽ có cơ hội bám víu vào cơ thể vật lý khi
mạng sống đã chết, cơ thể bị hôi thối, rã rời theo qui luật vật lý thì
cấu trúc di thể mà ta đã nắn tạo ra bản photocopy của mình sẽ là cái rất
đẹp, cũng vì sự nuối tiếc này mà nhiều hương linh khó ra đi. Ngoài ra,
nền văn hóa phương Tây còn đặt nặng tập tục trang điểm cho người chết
trước khi tẩm liệm. Người ta đánh phấn, tô son trông gương mặt thật đẹp,
giống như người chết đang trong trạng thái ngủ an lành. Nhiều người cứ
nghĩ rằng làm như thế là thương tưởng, quý trọng người ra đi, mà trên
thực tế tình huống này sẽ làm cho hương linh dễ bị chấp trước và dính
mắc nhiều hơn. Bởi lúc còn sống mình không đẹp mà khi chết mình lại đẹp
như vậy, khiến hương linh có tâm trạng tiếc nuối, muốn bám víu vào hình
hài, thân thể đó không muốn ra đi. Do đó, họ tiếp tục tồn tại dưới hình
thức khổ đau của ngạ quỷ.
Trong trạng thái nuối tiếc xuất hiện, hương linh thường bám víu vào
bất kỳ một cấu trúc hay hình dạng di thể còn lại. Đó có thể là bức ảnh,
giọng nói được ghi âm, bàn thờ trang nghiêm, mồ mả, đền thờ họ tộc
v.v…và xa hơn nữa là di cốt, hoặc các tượng là bản sao của hương linh
được làm tinh vi và đẹp. Như vậy, điều gì dẫn đến sự nuối tiếc đó? Trong
kinh, đức Phật nêu ra ba tình huống:
- Gia tài, sự nghiệp khiến hương linh nuối tiếc, khó có thể
buông.
- Tình yêu giữa vợ và chồng (trường hợp này nguy hiểm nhất) nếu tình
yêu đó bị nguội lạnh thì sẽ được chuyển thể thành tình thương giữa cha
mẹ và con cái. Nếu họ không có con cái thì tình thương đó lại được
chuyển thể sang một dạng khác là anh em hoặc người thân với nhau. Nói
chung, bám vào bất kỳ mối dây tình cảm nào trong những tình huống như
thế vẫn làm cho sự ra đi của hương linh gặp trục trặc.
- Có quá nhiều chương trình, dự án, kế hoạch chưa làm xong nên họ
không sẵn sàng chấp nhận cái chết. Sự tức tối trong tình huống này sẽ
khiến hương linh rơi vào trạng thái ngạ quỷ. Do đó, bằng mọi giá và mọi
phương tiện, người Phật tử cần tu tập, huấn luyện cho mình và người thân
từ bỏ trạng thái nuối tiếc về cảm xúc, nhận thức liên hệ đến nhiều tình
huống khác nhau, có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp.
Năm 2004, tôi được một vị thầy dẫn đến tham quan nhà tưởng niệm của
diễn viên điện ảnh kim ca sĩ Elvis Presley. Nơi đây trưng bày nhiều kỷ
vật trong giai đoạn mà danh vọng, sự nghiệp của ông đang ở đỉnh cao,
chẳng hạn như quần áo, mắt kính, đĩa CD, băng nhạc v.v… và thậm chí nơi
đây còn bày bán cả những chiếc áo có in hình ông. Theo chúng tôi được
biết, mỗi năm số tiền thu được từ việc tổ chức bán vé tham quan tại nhà
tưởng niệm này lên đến con số rất cao, nghĩa là tuy ông đã chết nhưng
vẫn còn tiếp tục tạo ra đồng tiền. Trong tình huống đó, nếu ca sĩ này
không hiểu, cứ bám víu vào sự thành công, vinh quang, danh tiếng và
những cái người ta đã làm cho mình sau khi chết thì chắc chắn ông sẽ bị
rơi vào trạng thái ngạ quỷ về lâu dài.
Tương tự như các vị vua Pharao của nền văn hóa kim tự tháp Ai Cập
hoặc những người chết mất xác cũng vậy, cơ hội tái sinh ở họ thật hẩm
hiu vô cùng. Bởi vì cấu trúc vật lý đó vẫn còn nguyên vẹn, làm cho hương
linh quyến luyến khó có thể ra đi. Điều này khác hoàn toàn so với tình
huống để lại nhục thân
của các vị thiền sư, chẳng hạn ở Việt Nam có thiền sư Vũ Khắc Minh và
Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu, do tu tập và hạnh nguyện đặc biệt mà các
ngài đã để lại xá lợi toàn thân. Trải qua nhiều thế kỷ không cần sử dụng
đến hóa chất, nghệ thuật ướp xác của phương Tây hoặc Ai Cập cổ đại mà
thân thể vẫn không hề bị hư thối hay rã mục. Tại Thái Lan, hai vị Hòa
thượng Việt Nam đã có công khai mở đạo Phật của Việt Nam sang Bangkok
khi chết cũng để lại nhục thân. Trung Quốc cũng chỉ có khoảng ba hoặc
bốn nhục thân. Đầu tiên là nhục thân của ngài Lục Tổ Huệ Năng, kế đến là
tỳ kheo ni Vô Tận Tạng - một vị đại ni cùng thời Lục Tổ Huệ Năng, và
trải qua nhiều thế kỷ mãi đến năm 1963 mới tiếp tục có nhục thân của
thiền sư Nguyệt Khê.
Sự kiện để lại nhục thân cũng là một nguyện ước của các ngài để minh
chứng cho các tín đồ Phật giáo, những người tìm đến hoặc chưa có niềm
tin về đạo Phật. Có những điều khoa học không thể nào lý giải được, cấu
trúc vật lý của con người là vô thường nhưng vẫn có thể giữ lại bằng một
cách thức nào đó, nếu như người đó khi chết gắn liền với nguyện ước của
mình.
Trong cuộc sống, ta vẫn thường hay nói tinh thần của người A còn sống
mãi trong tim, hoặc nếu là người con cháu kế thừa gia tài của một gia
tộc có chiều sâu về văn hóa, giáo dục, ta vẫn thường hãnh diện tự nhủ
rằng: “tinh thần đóng góp của ông bà tổ tiên vẫn còn sống mãi trong tim chúng ta”
thế thì tại sao chúng ta lại nói chết là hết? Ít nhất là giá trị đóng
góp về mặt đạo đức và cộng đồng xã hội vẫn còn đó, cho nên không bao giờ
là hết hoặc chấm dứt bằng những dấu chấm, nó chỉ là điểm diễn ra trên
tiến trình của sanh tử mà thôi.
THUẬT HỖ TRỢ HƯƠNG LINH
Trong giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1988, tu sĩ xuất gia tại Việt Nam
gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi ngày, tăng ni chỉ được phép ở chùa đến
20h30 tối là phải cuốn gói ra đi. Họ phải tìm
một gia đình Phật tử ở gần chùa để tá túc, và chờ đến 3h sáng hôm sau
mới được phép về chùa sinh hoạt trở lại. Đây là giai đoạn khá cam go,
trong số đó có khoảng 1/3 tu sĩ đã ra đời, vì điều kiện gần gũi với thế
nhân nhiều, cùng những biến cố lịch sử trong giai đoạn đầy khó khăn.
Thời đó, ở chùa Giác Ngộ cứ sau 20h30 tối là chúng tôi phải đi ngủ
nhờ ở nhà một Phật tử. Rất may trong số đó có một vị xuất gia tại chùa
Giác Ngộ, gia đình vị này lại ở gần chùa, chỉ cách đó khoảng 200 mét.
Nhà của vị này gồm có ba tầng lầu. Tầng trệt là phòng khám, vì chủ nhân
của gia đình này là một bác sĩ, tầng thứ hai dành cho đời sống gia đình,
tầng thứ ba và nóc nhà của tầng ba dành cho quý thầy. Gần mười vị thầy
cùng ở chung một tầng mà bề ngang chỉ có 3,5m và bề dài 8m là quá chật
hẹp. Các vị trẻ đành phải leo lên ngủ trên nóc của tầng nhà. Nhà vệ sinh
của ngôi nhà lại nằm dưới tầng trệt, các tầng lầu còn lại đều không có
nhà vệ sinh.
Một tối nọ, vì có nhu cầu đi vệ sinh, tôi đành phải đi xuống dưới
nhà. Trong lúc đang xuống cầu thang, tôi nhìn thấy hình ảnh một ông Tây
đang đội nón đứng ngay thang lầu. Tôi cứ tưởng do vì buồn ngủ quá nên
mình bị ảo giác. Sáng hôm sau, khi tâm sự với các vị thầy khác mới biết
rằng các vị này và người chủ nhà cũng nhìn thấy tương tự như tôi.
Tìm hiểu kỹ, tôi được biết ông Tây này trước đây từng là chủ nhân của
ngôi nhà. Ông đã bị một tên cướp đột nhập vào nhà bắn chết và lấy hết
của cải, tài sản. Dù là một người phương Tây chịu ảnh hưởng dưới nền văn
hóa Cơ Đốc giáo hoặc Tin Lành sẽ không tin có đời sống sau khi chết,
ngoài hai hình thái hưởng nhân đức Chúa hay bị hỏa ngục đời đời. Thế
nhưng cái chết đó có thể để lại cho ông sự nuối tiếc về gia tài sự
nghiệp, khiến ông cứ muốn bám víu mãi nơi đó, không muốn ra đi. Do vì
được huấn luyện từ nhỏ nên các tu sĩ luôn cảm thông, không
sợ hãi mà trái lại rất thương hương linh. Bởi sự có mặt của họ là một
điềm báo, họ rất cần sự giúp đỡ của ta. Vì vậy, chúng tôi đã tổ chức lễ
cầu siêu giúp cho hương linh này được siêu sinh thoát hóa. Từ đó trở đi
không ai còn nhìn thấy ông Tây này nữa.
Có thể ngôn ngữ trong tiếng Anh của ông Tây và tiếng Việt của các
thầy có sự khác nhau, nhưng về dòng cảm xúc và sự giao thoa tâm tưởng
của con người và hương linh vẫn có thể diễn ra một cách trực tiếp. Vì
vậy mà ta cần nhờ đến quý thầy hoặc quý sư cô làm lễ cầu siêu là thế.
Bởi năng lực tu tập và sự huấn luyện từ nhỏ khiến người xuất gia dễ dàng
thiết lập được chánh niệm, chánh định, và sự giao thoa ảnh hưởng với
hương linh vẫn có thể diễn ra theo một tần số tâm thức. Hương linh mặc
dù không hiểu được ngôn ngữ của lời kinh tiếng kệ, nhưng thông điệp mà
những vị xuất gia, người hộ niệm hay thậm chí là người Phật tử truyền
đạt lại trong khóa lễ cầu siêu sẽ giúp họ cảm nhận được đây là năng lực
hộ vệ giúp mình nhẹ nhàng ra đi, siêu sinh thoát hóa.
Bất kỳ một sự bám víu nào về mặt cảm xúc đều có thể là trở lực, là
sợi dây xích ghì chặt hương linh lại. Với người bị chết oan ức hay tự
tử, cần làm lễ cầu siêu ngay tại địa điểm mà cái chết xảy ra, vì nơi đó
hương linh thường xuyên về. Theo quan điểm của đạo Phật, đừng nên thiết
lập bàn thờ hoành tráng tại nhà, đừng nên mở cửa mả rước ông bà tổ tiên
về nhà, vì những điều này hoàn toàn không phù hợp và không an toàn với
đạo lý tái sinh. Khi quý vị Phật tử yêu cầu các thầy hoặc các sư cô làm
lễ mở cửa mả, các chùa vẫn thực hiện việc đó nhưng hoàn toàn vô nghĩa.
Bởi bản chất của khóa kinh và cầu nguyện của Phật giáo là mong cho hương
linh được siêu sinh thoát hóa, chứ không mong cho hương linh trở về
nhà. Vì trở về nhà, hương linh sẽ tồn tại dưới dạng thức ngạ quỷ, chẳng
lẽ chúng ta lại mong muốn ông bà, tổ tiên, người thân, người thương của
mình trở thành ngạ quỷ cả hay sao. Vào ngày 30 tết cũng thế, người
Phật tử đừng nên cầu ông bà tổ tiên về dùng cơm, đón tết sum họp với
gia đình. Ta chỉ nên đứng trước bàn hương án của ông bà để tưởng niệm
công lao đóng góp của ông bà dành cho gia tộc, chứ đừng mong ông bà trở
về.
Ở Việt Nam, Phật giáo thường khuyến khích người Phật tử nên tổ chức
lễ cúng giỗ, cúng thất không ở nhà mà là ở chùa. Sau khi làm lễ thổ tiêu
hoặc thổ táng thì nên thỉnh rước hương linh về chùa ngay. Bởi nếu hương
linh đó chưa ra đi được, mà về nhà thì dòng cảm xúc cứ bị ghì chặt với
những kỷ niệm đẹp. Chẳng hạn như cái bàn làm việc là nơi tạo cho hương
linh cái danh vọng, thành công, hoặc chiếc giường là kỷ niệm đẹp của đôi
vợ chồng đã tạo ra chất liệu hạnh phúc, tất cả những đồ vật đó đều có
thể là cơ sở để hương linh chấp trước, bám víu vào. Do đó, ta đừng nên
tạo cơ hội cho hương linh trở về nhà, nếu có chăng là trở về chùa, và
nên cúng thất, cúng giỗ, làm lễ cầu siêu ngay tại chùa. Trong trường
hợp hương linh đó chưa ra đi được thì cũng chỉ quanh quẩn trong khuôn
viên ngôi chùa, cùng với sự hỗ trợ của lời kinh tiếng kệ, sự giao thoa
tâm linh của chư Phật, Bồ-tát và những người đồng tu sẽ giúp hương linh
được siêu sinh. Đây là một thuật hỗ trợ giúp kẻ còn lẫn người mất đều
lợi lạc và an vui. Như vậy, câu hỏi được đặt ra trong tình huống hương
linh không rơi vào trạng thái bám víu về cơ thể vật lý, gia tài, sự
nghiệp, tình yêu v.v… vậy thì chết đi về đâu?
CHẾT TÁI SINH THEO NGHIỆP
Ngài Na Tiên tỳ kheo đã đưa ra một ví dụ rất sâu sắc về hình ảnh cái
cây. Cho dù cây có đứng thẳng cách mấy vẫn còn độ nghiêng nhất định của
nó. Chẳng hạn như cây dầu, cây cau, cây dừa, hãy thử lấy chiếc cưa bằng
máy hay bằng tay cưa nó, chắc chắn sẽ thấy độ thẳng của cái cây bị ngã.
Như vậy nó ngã về hướng nào? Chắc chắn nó sẽ ngã về phía nó đang bị
nghiêng. Một cái cây cho dù có đứng sừng sững, nhưng chỉ cần một cơn
gió thổi qua theo độ nghiêng thì tự động nó sẽ ngả qua. Nếu độ
nghiêng của cây khoảng 100 trở lên thì sự ngã sẽ diễn ra trước khi cái
cây bị cưa đứt, lớp vỏ bên ngoài sẽ bị gãy đổ tức khắc.
Cùng cách tương tự, dòng chảy của nghiệp được thể hiện qua nghề
nghiệp, chức tước của con người, những gì được lặp đi lặp lại sẽ trở
thành quán tính của hành vi. Chính quán tính đẩy tiến trình tái sinh của
con người theo một quỹ đạo, mà đôi lúc người quá cố hay người chuẩn bị
ra đi không có sự lựa chọn. Họ phải đi trên con đường theo sức đẩy của
nghiệp, và sức đẩy này tạo ra sự thiên sai vạn biệt của sinh giới với
những yếu tố bẩm sinh như cá tính, văn hóa, phong tục tập quán khác
nhau. Chẳng phải ngẫu nhiên mà con người có và duy trì được phong tục
tập quán khác nhau, mà bởi vì trong tiến trình tái sinh, tất cả thói
quen của văn hóa, phong tục tập quán, ứng xử được tích tụ lại dưới dạng
thức năng lực của nghiệp. Năng lực nghiệp thúc đẩy con người từ lúc mới
bắt đầu hình thành mầm sống mới trong bào thai người mẹ.
Trong kinh Vu Lan, đức Phật đề cập đến sự tương tác
giữa bào thai của đứa con và cá tính của người mẹ. Nếu là đứa con ngỗ
nghịch, biểu đạt bình thường vật lý khi sanh ra sẽ đạp quấy lung tung,
làm đau đớn người mẹ; hoặc thay vì chui đầu ra trước thì nó lại đưa hai
bàn chân ra trước. Đây là một biểu hiện vật lý, nếu như quá trình giáo
dục của người đó không tốt, họ sẽ có khuynh hướng đi theo quán tính
nghiệp đã gieo trồng, mà đôi lúc không cưỡng lại nổi. Cá tính được đính
kèm khi con người có mặt dưới hình thức là một phôi thai. Đó là lý do
tại sao có những hiện tượng thiên tài, thần đồng, người có năng khiếu,
sở trường riêng về một lĩnh vực nào đó chẳng phải vô cớ, chẳng phải do
Thượng đế nắn tạo, mà do nghiệp đã qui định rõ điều này.
Tôi có dịp xem bộ phim Kundun của Hollywood mô tả về
cuộc đời của đức Đạt-lai-lạt-ma. Bộ phim đó với phần đầu khá
hấp dẫn, đề cập đến sự truy tìm hậu thân của đức Đạt-lai-lạt- ma thứ
14, tức là đức Đạt-lai-lạt-ma hiện tại. Ngài Đạt-lai-lạt- ma thứ 13 di
chúc lại rằng ngài sẽ tái sinh vào vùng Heysa tức là vùng biên địa của
Tây Tạng, trong một gia đình thuần tính về Phật pháp với một số yếu tính
nhất định được ngài mô tả trong di chúc.
Khoảng 6 năm sau khi ngài nằm xuống, các nhà sư bắt đầu đi tìm hậu
thân của ngài lần theo những gì được di chúc lại. Đến ngôi làng nọ, đoàn
tìm kiếm rất ấn tượng khi nhìn thấy từ xa có một cậu bé đang chơi đùa
với các cậu bé khác trong làng. Cậu bé này có gương mặt rất dễ thương,
hiền lành và chất liệu từ bi. Lúc ấy, những đứa bé trong làng đang chơi
trò bắt dế cắn nhau, chúng rất vui sướng, nô đùa khi nhìn thấy con này
cắn thắng con khác. Trong lúc chúng đang hân hoan vỗ tay thì Kundun đã
có phản ứng hoàn toàn khác biệt, Kundun nhảy vào tách đám trẻ đang chơi
làm hai phía. Chính Kundun dùng bàn tay tách hai con dế ra, và bắt một
con đi thật xa rồi bỏ xuống, để chúng không có điều kiện cắn nhau nữa.
Kundun không cho phép bọn trẻ tạo niềm vui và nụ cười trên nỗi đau của
loài vật, đây chính là chất liệu của lòng từ bi.
Một đứa bé chỉ mới sáu tuổi đầu, chưa có được sự giáo dục về hòa
bình, sự tương nhượng thì làm sao lại có chất liệu từ bi nếu đây không
phải là hậu thân của đức Đạt-lai-lạt-ma - một vị mà trong truyền thống
Tây Tạng được mệnh danh là vị Phật sống, là hóa thân của đức Bồ-tát Quán
Thế Âm tượng trưng cho lòng đại từ đại bi. Chất liệu đó vẫn còn giữ lại
trong tiền thân, hậu thân có mối liên hệ mật thiết với nhau thông qua
cá tính, phẩm chất, lý tưởng hoặc thói quen. Thế nhưng bấy nhiêu đó vẫn
chưa đủ để xác định đây là hậu thân của đức Đạt-lai-lạt-ma, người ta
phải trải qua thêm nhiều cuộc thử nghiệm khác.
Vị Đạt-lai-lạt-ma thứ 13 có thói quen sử dụng cặp kính cận
xấu và cũ. Người ta cho thử nghiệm bằng cách trưng bày bên cạnh chiếc
kính cận cũ kỹ đó cùng nhiều cặp kính khác rất đẹp, sang trọng và hấp
dẫn với nhiều màu sắc sặc sỡ. Vì tâm lý trẻ thơ thường thích những đồ
vật đẹp và màu sắc bắt mắt. Trong rất nhiều cặp kính như thế, cậu bé
Kundun là người chọn ngay cặp kính mà đức Đạt-lai-lạt-ma thứ 13 từng sử
dụng. Tuy chiếc kính đó không đẹp nhưng là kỷ vật gắn bó trong suốt thời
gian dài, và chỉ có chủ nhân của nó mới cảm giác được sự thân thương,
gần gũi hơn là những người khác. Đây chính là yếu tố thứ hai để xác định
hậu thân của đức Đạt-lai-lạt-ma. Sau đó, người ta tiếp tục làm cuộc thử
nghiệm khác.
Theo truyền thống Tây Tạng, đức Đạt-lai-lạt-ma luôn ngồi giữa trong
tất cả các khóa lễ, vì ngài vừa là vị lãnh tụ tinh thần vừa là vị lãnh
tụ quốc gia. Hình ảnh một vị vua - triết gia của nền văn hóa Hy Lạp được
thể hiện trọn vẹn trong hình ảnh của đức Đạt-lai-lạt-ma. Bởi vì thiếu
triết lý thì cuộc đời và sự cai trị của nhà vua sẽ dẫn đến nỗi khổ niềm
đau cho muôn dân. Hoặc nếu đơn thuần chỉ là nhà triết gia thì học thuyết
và sự đóng góp cũng chỉ là vô ích, vì chẳng ai đem ra ứng dụng. Chính
vì thế, trong hình ảnh của nhà vua phải có yếu tố của triết gia và ngược
lại. Đức Đạt-lai-lạt-ma đã thể hiện sự hóa thân hai hình ảnh này làm
một thông qua cấu trúc tôn giáo, chính trị và xã hội Tây Tạng.
Trước khi yêu cầu cha mẹ cho Kundun được trở về tu viện để làm lễ
phục hồi chức vị thì bữa cơm tiếp đãi của gia đình được diễn ra. Theo
phong tục tập quán Tây Tạng, trong gia đình người chồng là chủ nhân,
người vợ bị lệ thuộc như một sở hữu tài sản, và con cái là hoa trái của
sự sở hữu tài sản đó. Trong bàn cơm ngày hôm ấy, người chồng ngồi chính
giữa, người vợ ngồi một bên và những đứa con ngồi một bên. Vị trí chính
giữa đó chỉ dành cho người chồng và người cha.
Trong lúc người cha đi rửa tay để chuẩn bị bữa ăn thì Kundun
bước đến ngồi vào ngay chiếc ghế giữa của cha. Thấy thế, người cha vội nói: “Đây là chỗ của ba, con phải ngồi ở bên đây nè”, và ông ẵm Kundun sang ngồi ghế bên cạnh. Thế nhưng Kundun lại vùng vằng nói: “không, chỗ này là của con… chỗ này là của con…”
Đối với nền văn hóa khác không phải là Phật giáo, trong tình huống
này có thể người cha sẽ không vui. Tại sao đứa con lại dám vô lễ giành
chỗ ngồi của mình như thế? Trong suốt cuộc đời của Đức Đạt-lai-lạt-ma từ
trẻ đến già, và liên tục trong 14 đời ngài luôn ngồi ở vị trí chính
giữa, không ngồi ở vị trí bên cạnh. Dĩ nhiên, đây không phải là tính
cách thể hiện cái bản ngã, mà để giúp cho người khác nhận dạng ra mình
là hậu thân. Bản ngã được thể hiện thông qua sự giành giựt nhưng ở đây
là sự gánh vác, ngài vẫn muốn bộc lộ rõ cái gốc của mình.
Tiếp tục, lại một thử nghiệm khác, lần này là cây gậy của vị tiền
thân từng sử dụng. Nhiều cây gậy được làm giống hệt cây gậy đó, và một
lần nữa Kundun là người chọn đúng cây gậy mà Đức Đạt-lai-lạt-ma thứ 13
đã dùng.
Cách thức tìm hậu thân theo truyền thống tái sinh của Tây Tạng thường
được diễn ra như thế, thông qua di chúc cùng những biểu đạt cho thấy cá
tính của người hậu thân và tiền thân có cấu trúc tương đồng với nhau về
mặt bản chất. Vì bản chất của nghiệp không thay đổi, giữa đời cuối cùng
và đời mới tái sinh có mặt, vấn đề còn lại của sự thay đổi là theo tiến
trình lớn lên liên hệ đến giáo dục, phong tục tập quán, môi trường,
hoàn cảnh và đối tượng giao tế của người đó. Còn lúc mới bắt đầu, một
đứa bé chưa đủ sức để tự thay đổi chính nó, lúc này cấu trúc quán tính
về nghiệp được thể hiện một cách rõ rệt.
ĐỊNH HƯỚNG NGHIỆP TÍCH CỰC
Thế Tôn từng nói, đứa con trong bụng làm thay đổi cả tính
tình người mẹ. Bà mẹ đó trước đây có thể không thèm món này, món nọ
nhưng bây giờ lại thèm. Đây là chuyện bình thường vì điều này cần cho
cấu trúc phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, có những cái thèm không
đáng thèm là do ảnh hưởng bởi cá tính của đứa con trong bụng như trường
hợp của hoàng hậu Ma-da là một điển hình. Bà thèm làm nhân từ, đạo đức,
và từ thiện xã hội gấp nhiều lần so với trước đây. Bởi hạt giống của
ngài Tất-đạt- đa là hạt giống từ bi, tuệ giác và tình thương. Chính yếu
tính này đã tác động làm cho bào thai được thay đổi ở mức độ tích cực,
lún mạnh hơn về những đức tính tốt mà bà đang có sẵn.
Khoa học ngày nay chỉ đề cập một chiều trong suốt thời gian thai
nghén, người mẹ phải kiêng cữ trong việc ăn uống tiêu thụ để không làm
ảnh hưởng đến thể trí và thể chất của đứa con. Bởi vì thực phẩm độc tố
có thể làm biến dạng tri thức, cấu trúc não bộ hoặc cơ thể vật lý của
đứa con. Tuy nhiên, theo đức Phật, những điều kể trên vẫn chưa đủ, cần
làm sao để thay đổi về mặt tính tình thật nhiều. Một người bình thường
có thể nóng, giận, ích kỷ, hẹp hòi nhưng suốt thời kỳ thai nghén không
nên để những tâm lý tiêu cực đó xuất hiện. Người mẹ ấy phải luôn có niềm
vui, hoan hỷ, hỷ xả, bao dung, tha thứ, dấn thân, tích cực thì đứa con
sinh ra cũng sẽ có những chất liệu đó; nó tác động trực tiếp thông qua
cái nhao của người mẹ.
Yếu tính của nghiệp được di chuyển và chuyển thể trong suốt quá trình
9 tháng 10 ngày bị tác động bởi năng lực tích cực mới của người mẹ có ý
thức. Điều này tạo ra cá tính mới hay sự chuyển hướng tích cực hơn.
Chính vì vậy, trong suốt thời gian thai nghén, người Phật tử có thể hỗ
trợ và sanh ra đứa con được tạm gọi là theo ý muốn về phương diện chức
nghiệp, hướng nghiệp cho nó. Về phương diện cá tính, cũng có thể thực
hiện được việc này.
Trong tập tục thôi nôi - một phong tục dân gian rất gần với
đạo Phật, cha mẹ trong gia đình cần bày ra nhiều vật dụng khác nhau,
mỗi vật dụng tượng trưng cho một ngành nghề để con em có thể chọn lựa.
Ngày nay, nhiều nơi đã đi sai với tập tục này, biến nó thành một dịp hội
hè để người thân ngồi lại với nhau ăn mừng, nhậu nhẹt, mà lẽ ra ý nghĩa
của nó là để chăm sóc, định hướng nghề nghiệp tương lai cho đứa con.
Chẳng phải vô cớ mà có trẻ thì chọn con dao, cây viết, xe hơi v.v… mỗi
đồ vật đều liên hệ đến cá tính của đứa bé theo dòng chảy của nghiệp, và
nó được lặp đi lặp lại suốt quãng thời gian có mặt trong cuộc đời. Cái
gì từng gắn bó nhiều thì chắc chắn chúng sẽ chọn cái đó như là một
khuynh hướng. Khi phát hiện ra điều này, các bậc cha mẹ cần chăm sóc, vỗ
về, huấn luyện thật kỹ thì đứa con mới thành tựu điều tích cực trong
cuộc đời.
Cần xác định rõ sau khi qua đời, con người sẽ đi theo hướng của
nghiệp. Nghiệp được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành cái nghề.
Chẳng hạn có người thích làm nghề nhà giáo vì nhận thấy nó mang lại hạnh
phúc cho họ. Nghiệp làm cho con người có cảm giác nó là một phần sự
sống của mình, nếu tách rời nó thì hạnh phúc và sự sống như thể bị mất
đi, nên người ta không muốn mất nó, đó là nghề nghiệp tốt.
Đối với nghề tiêu cực cũng tạo ra cơn nghiện bám víu, ghì chặt, làm
con người không vùng vẫy nổi, nhìn thấy năng lực của nghiệp đang siết
chặt, hòa quyện vào bản chất cuộc sống, ta cần hết sức thận trọng trong
sự lựa chọn cho mình một hướng đi. Bởi vì nghiệp tạo ra hạnh phúc và khổ
đau, tất cả đều nằm ở sự định hướng của một con đường.
NGHIỆP CẢM TƯƠNG ỨNG TRONG TÁI SINH
Tại sao có tình trạng chết do sẩy thai, chết do phá thai hoặc chết do
sinh non? Đạo Phật lý giải rằng bởi vì chưa có sự tương ứng nghiệp giữa
sự tái sinh của hương linh vừa ra đi với cha mẹ tương lai của người
đó. Cho nên đi về đâu là lệ thuộc vào sự
tương ứng của nghiệp.
Tại sao người Việt Nam da vàng, mũi tẹt, thấp bé, nhưng lại có tinh
thần bất khuất, phấn đấu, nỗ lực, chăm chỉ, tháo vác? Bởi vì những người
đó đã tạo ra cùng một cộng nghiệp, chính cộng nghiệp này làm cho những
người cùng mẫu số chung của hành vi được sanh ra trong một môi trường để
cùng hưởng và sống trong hoàn cảnh đó mà không có sự lựa chọn nào khác.
Cho nên sự huấn luyện hành vi sẽ quyết định cho tiến trình tái sanh.
Tình trạng chết non diễn ra do bởi cộng hưởng về mẫu số chung của
nghiệp giữa hương linh qua đời và tái sinh trong hình thái mới với cha
mẹ của chúng bị khác nhau. Vì vậy, chúng đành phải rút lui để tìm cho
mình một chỗ thích hợp mới theo quy luật tự nhiên của nhân quả. Trong
kinh Trung Bộ, đức Phật từng nói có ba yếu tố để hình thành nên một mầm sống:
- Tinh cha trứng mẹ.
- Cha và mẹ phải có quan hệ tính dục trong thời kỳ có thể
thụ thai.
- Sự có mặt của nghiệp cảm tương ứng qua hình thái của năng lực
nghiệp tái sinh hay thức tái sinh thì mầm sống đó mới bắt đầu được thừa
nhận là có sự sống thực sự. Đây là yếu tố hoàn toàn vượt lên trên khoa
học.
Vậy làm thế nào để hương linh tìm được nghiệp cảm tương ứng để lại có
cơ hội tái sinh ngay khi vừa mới mất? Điều này thật khó vô cùng, bởi vì
gia đình sau này mà hương linh sẽ làm con và đôi vợ chồng làm cha mẹ
chưa chắc đã có quan hệ giới tính trong lúc hương linh này vừa mới ra đi
do tai nạn hoặc chết bất đắc kỳ tử v.v…Ngoài ra, do bởi các
hương linh này không có sự tiếc nuối về cảm xúc, không bám víu nên sự ra
đi của họ chỉ diễn ra trong tích tắc. Vì vậy, theo qui luật tự nhiên,
họ đành phải bám vào bất kỳ cái gì đang có điều kiện để cho mầm sống
được diễn ra. Để rồi sau đó nghiệp không tương ứng, phải dẫn
đến tình trạng chết non, sẩy thai hay phá thai của người mẹ.
Cách đây hai tháng, tôi có nhận được một cú điện thoại từ Nam Úc gọi
về từ một cặp vợ chồng trẻ khóc sướt mướt với tâm trạng khổ đau, tự hành
hạ và trách móc bản thân mình. Đôi vợ chồng này vừa mới sinh được một
đứa con khoảng hai tháng tuổi. Vì muốn đi làm sớm nên họ gởi con cho
người vú nuôi chăm nom. Một hôm, bất hạnh đã xảy ra khi đứa bé bị té ngã
nằm sấp trên mặt đất. Do vì còn quá nhỏ, chưa đủ sức để cựa quậy nên
mũi của nó đã tiếp xúc với mặt đất, và chỉ vài phút sau thì đứa bé đã
chết. Nỗi khổ đau bị mất con làm cho đôi vợ chồng này cảm thấy ray rứt,
tự dằn vặt mình, nghĩ rằng do vì muốn đi làm sớm nên chính mình là tác
giả gây cái chết cho đứa con.
Tôi đã an ủi, phân tích cho đôi vợ chồng này thấy rằng sống và chết
không do sự lựa chọn của chúng ta mà là sự lựa chọn của nghiệp. Trong
tình huống này, nghiệp dẫn dắt đi, có thể do sự bất cẩn của người vú
nuôi là chất xúc tác để cho đứa bé đó không tìm được nghiệp cảm tương
ứng trong gia đình đó nữa, nên nó phải thoát ra để đi tìm một mầm sống
mới ở nơi khác. Cần phải tâm niệm như thế để vơi bớt phần nào sự hành hạ
bản thân. Ta có buồn khổ hay trách móc cũng không làm người chết có thể
sống lại. Cần biến nỗi đau thành hạnh phúc, tức là làm thế nào giúp cho
hương linh đó được siêu thoát bằng khóa lễ cầu siêu và tạo công đức,
phước báu. Tôi đã hướng dẫn đôi vợ chồng này làm từ thiện tại trung tâm
Thanh Thiếu Niên 3 - Quận Gò Vấp, nơi đây có hơn
400 em với độ tuổi từ 4 đến 17 hầu hết đều vô gia cư, được tập trung
lại để cải tạo, giáo huấn. Sự hồi hướng công đức giúp cho các em được
nghe Phật pháp, chuyển hóa phần nào những thói hư tật xấu chắc chắn sẽ
mang lại lợi lạc nhiều hơn.
Điều quan trọng hơn hết cần mang lợi lạc đến cho người còn
sống, và thông qua phước lực đó sẽ được chia sẻ một phần cho
người quá cố. Bởi theo kinh Địa Tạng, người chết
chỉ ảnh hưởng một phần, vì qui luật nhân quả của người quá cố là cơ sở
tình thương để người còn sống làm những việc phước lành. Chính vì thế,
quan niệm của người châu Á chăm sóc cho người quá cố chính là cách thức
tạo hạnh phúc cho những người còn sống. Cộng hưởng giao thoa của nghiệp
khá rõ ràng, nếu tạm phân chia công đức đó ra làm bảy phần - con số mang
ý nghĩa trọn vẹn và đầy đủ của nền văn hóa biểu tượng Ấn Độ thì người
quá cố hưởng được một phần, và người làm hưởng được sáu phần.
Nghiệp cảm tương thích sẽ tạo ra sự đi về của tái sanh. Đi về đâu? Ở
đây cần có sự tương ứng, cùng một họ hàng nghiệp tạo ra phong cách con
người trong gia đình đó. Theo cách thức này, đừng nên có suy nghĩ “con là nợ, vợ là oan gia”
hoặc ngược lại mà đây là nhân duyên với nhau, có cùng họ hàng nghiệp
với nhau nên phải sinh ra trong cùng một gia đình với nhau. Sự lận đận,
xảy ra nghịch cảnh với nhau là thuộc về bản chất của nghiệp. Đừng nên
nghĩ đó là con nợ, bởi như thế sẽ khó ứng xử hạnh phúc với những thành
viên còn lại trong gia đình. Nên quan niệm đây là cơ hội đồng hành,
người thuận lợi trong đồng hành, người nghịch cảnh trong đồng hành, tùy
thuộc vào nghiệp của mỗi người mà thôi. Vấn đề là tìm giải pháp để giải
quyết nó, chứ không trách cứ, đổ lỗi.
Từ xa xưa, trong nền văn hóa Việt Nam, các Hòa thượng từng dạy rằng,
trong một gia đình có một cặp song sinh, nếu là hai người nam hoặc hai
người nữ, ai sinh ra trước là anh (chị), ra sau là em. Ngược lại, trong
tình thế là một nam và một nữ thì không nên tính theo cách thức trước và
sau, mà phải tạo điều kiện cho người nữ được làm chị. Đây là hướng giải
quyết vấn đề rất hay và sự ảnh hưởng của nó vẫn còn lan rộng trong văn
hóa dân gian Việt Nam hiện nay.
Các Hòa thượng đã lý giải cho điều này rất có cơ sở về mặt
Phật pháp. Bởi lẽ khi có một cặp tình nhân nào đó đã chết, hoặc do tự
tử, hoặc chết khi đang trên đường đi tìm hạnh phúc như trường hợp công
nương Diana và người tình chết vì tai nạn giao thông. Chắc chắn họ sẽ có
cùng một cảnh giới tái sanh, cùng một thời điểm tái sanh, và nếu như họ
hàng nghiệp của họ giống nhau thì họ sẽ tái sinh cùng một chỗ. Ở đời
quá khứ, trong tình yêu họ cùng đi với nhau, nhưng khi có mặt ở đời sống
mới thì không thể gọi họ là vợ chồng, là tình nhân mà phải là anh em
hay chị em. Để tránh tình yêu loạn lạc trong một họ tộc, các Hòa thượng
dạy và khuyến tấn chúng ta nên để cho người nữ làm người chị và người
nam là người em dù người nam đó có sinh ra trước đi chăng nữa. Đó là một
nghệ thuật, bằng không sự loạn luân có thể diễn ra, vì yếu tố của tình
yêu mãnh liệt đến nỗi khiến con người muốn song hành và có mặt với nhau
trong cuộc đời.
Nếu đặt tình huống đi theo nghiệp, cùng họ hàng nghiệp, cùng mẫu số
chung của nghiệp nên mới có tình trạng sinh đôi, sinh 3, sinh 4 hoặc hy
hữu hơn có trường hợp sinh 16 mà báo chí từng đưa tin. Như vậy, tình
huống đó như thế nào, liệu mẫu số chung của nghiệp đó có làm cho những
người này có các cách giống nhau hay không? Câu trả lời hoàn toàn là
không về mặt tổng thể, vì theo đạo Phật, phải có một nghiệp cảm tương
ứng giữa cha mẹ và con cái thì cấu trúc này mới tạo ra mầm sống mới
trong một gia đình. Vì vậy, khi có mẫu số chung na ná giống nhau, trong
một thời điểm nào đó, ở nhiều nơi và nhiều người vừa mới qua đời, do vì
nghiệp cảm tương ứng giống nhau nên mới sanh vào cùng một gia đình để
trở thành sinh đôi, sinh
3, hay sinh 16 v.v…nhưng cá tính của những người này hoàn toàn khác
nhau. Bởi vì trong mẫu số chung có mẫu số riêng, và cái riêng đó tạo ra
bản chất của đời sống.
Hãy thử liên tưởng có hai nhân vật, một người có khả năng tạo tiếng
cười cho cho cả thế giới, đó là vua hề Charlot, và một người tạo nước
mắt và khổ đau cho cả thế giới, đó là trùm phát
xít Hitler. Hai nhân vật này sinh cùng một ngày, một giờ, chỉ khác
nhau về phút, nhưng vì môi trường, điều kiện, hoàn cảnh, giáo dục đã làm
cho quán tính của nghiệp được thay đổi. Đạo Phật lý giải vấn đề này để
phủ định cái gọi là định nghiệp, định mệnh trong tiến trình tái sanh.
Chẳng có gì giữ mãi, tồn tại mãi mà không thay đổi. Vì vậy, đừng nên bi
quan, tiêu cực hay sợ hãi trước một điều xấu xa trong quá khứ, chỉ cần
ta có ý chí, nỗ lực thay đổi thì chắc chắn sẽ được làm mới và cách tân.
Khi quan niệm không có định mệnh và định nghiệp, con người sẵn sàng
nỗ lực tất cả bằng tự thân để vượt lên, hướng tới, và kết quả ít nhất sẽ
nhận được một phần tương thích với những gì mà mình mơ tưởng. Trái lại,
chấp nhận định mệnh, sự an bày thì con đường diễn ra trước mắt chỉ là
sự lệ thuộc, sẽ kéo theo những gai góc, khổ đau.
Chết đi về đâu? Theo tinh thần Phật dạy, chết không phải là sự kết
thúc mà chỉ là sự bắt đầu của một hành trình mới. Con đường hành trình
được dẫn đạo bằng hành vi con người trong quá khứ. Tuy nhiên, năng lực
quán tính của nghiệp trong quá khứ không thể quyết định cả vận mệnh con
người trong hiện tại. Quán tính chỉ là khởi điểm, con đường đi mới tạo
ra điều kiện, môi trường, hoàn cảnh, giáo dục, phong tục tập quán được
thay đổi trong hằng ngày, hằng giờ. Cộng nghiệp mới được thành lập, biệt
nghiệp cũ được xóa đi, biệt nghiệp mới được thành lập tạo ra cộng
nghiệp mới. Tiến trình về nghiệp phức tạp như vậy đó, cho nên không bao
giờ có cái gọi là định mệnh.
Đó là quan niệm nhân quả của đạo Phật. Nếu cứ nhận định rằng định
mệnh của tôi là như vậy thì vĩnh viễn không bao giờ có nỗ lực, không thể
có hướng đi mới và con đường mới như ta hằng mong đợi. Mọi hành vi của
nghiệp đều có thể thay đổi theo dụng ý và tự do duy ý chí của con người.
Do đó, mỗi chúng ta cần phải chọn lựa cho mình lý tưởng tốt, con đường
tốt và hướng đi tích cực.