Con về còn trọn niềm tin (Tập một)


Tác giả: Thích Giác Tâm
14/07/2013 17:37 (GMT+7)
Số lượt xem: 115042
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tác phẩm:  "CON VỀ CÒN TRỌN NIỀM TIN". Tác giả: Thích Giác Tâm - Nhà xuất bản Phương Đông - TP.Hồ Chí Minh, xuất bản tháng 01 năm 2012. Ấn bản giấy 368 trang, cả bìa. Khổ 13x20.5cm

Bản điện tử chia thành hai tập. Tập 1 - 30 truyện. Tập 2 - 34 truyện.


Tập 1

Giọt nước cành dương

Một   
 
Con đường đất đỏ,ngõ lối vào chùa Bửu Minh,bụi tung mù mịt. Chiếc xe ISUZU đời mới còn bóng lộn, sơn màu trắng ngà hãm phanh dừng lại. Đậu dưới hàng phượng vĩ trước sân chùa, mùa này hoa đang rộ nở đỏ thắm. Một chút gió thoảng nhẹ, vài cánh hoa lìa cành đậu vào trần xe, vương lên kính xe như những cánh bướm rừng đơn sơ , hoang dại.


Khách hành hương lục tục xuống xe.Những chiếc áo dài màu khói hương, màu trắng ít nhiều đã đổi theo cùng gam màu đất đỏ bazan. Ngôi chùa cổ Bửu Minh nằm trên đồi trà mênh mông bát ngát, bốn mùa sương phủ, trầm mặc uy nghiêm. Chùa tựa lưng vào ngọn núi  Tiên Sơn vút cao hùng vĩ, chập chùng mây khói. Trước mặt là Biển Hồ vời vợi thẳm sâu. Truyền thuyết kể lại rằng hồ không có đáy, nước xanh biêng biếc bốn mùa.       Chùa là một điểm du lịch nên Thầy Quang Đức không ngạc nhiên lắm, về những chuyến xe du lịch đời mới đi hành hương. Nhưng sao hôm nay Thầy bồi hồi lạ. Trực giác linh tính như báo với Thầy rằng: Thầy sắp có tin vui. Thầy sai điệu Lạc đi hái trà tươi nấu nước đãi khách , và dặn với theo: “Nhớ thêm một tí gừng”. Một cô phật tử trong đoàn hành hương, khoảng 27 tuổi, gương mặt phúc hậu tràn đầy hỷ lạc . Tách riêng đạo bạn vội vã vào phương trượng trước. Thoáng thấy Thầy Quang Đức đang ngồi kiết già trên chiếc phản gõ, cô phật tử vội vàng quỳ xuống, nước mắt lưng tròng: “ Thầy còn nhớ con không? Con là đệ tử của Thầy đây  mà! Con là Thường Tịnh đây! Thường Tịnh là tên pháp Thầy đã đặt cho con”. Thầy Quang Đức ngỡ ngàng,có phần bối rối. Vì từ lâu lắm rồi Thầy đã gần như quên hết quá khứ. Những giờ thiền toạ đêm đêm, những phút giây hằng giác tỉnh trong ngày, đã khuất che mờ tất cả kỷ niệm. Và Thầy cũng không để tâm nhiều đến viễn tưởng tương lai. Thầy luôn an trú trong hiện tại. Những va vấp, những lầm lẫn đớn đau trên bước đường tìm kiếm nẻo về, của thời trai trẻ đã qua đi. Giờ đây nhìn thế giới hiện tượng, Thầy thấy tất cả chỉ là bào ảnh, đang nhấp nhô trên đại dương tâm thức. Thầy đã thấy được chân nghĩa của cuộc đời. Không gì mầu nhiệm hơn hơi thở. Thầy đã lấy hơi thở làm dây neo, không để thuyền Tâm lênh đênh  trong sáu nẻo luân hồi. Từng phút giây hiện sinh, Thầy đã lèo lái hướng tâm trở về với cội nguồn uyên nguyên của nó . Giờ đây Thầy với hơi thở là một.         Thời gian như ngừng trôi bất động.          Thường Tịnh vẫn còn quỳ và Thầy sau phút giây hoài niệm, Thầy đã nhớ lại người phật tử đang quỳ trước mặt Thầy là ai. Đôi môi khô héo già nua của Thầy thoáng mỉm cười: “Con đứng dậy đi Thường Tịnh. Con lên đảnh lễ Phật và mời quý đạo hữu xuống  uống nước trà”. Giọng Thầy trầm ấm dạt dào yêu thương.     
tay_phat_1.jpg

 
Cô phật tử  trưởng đoàn thưa rằng: “Chúng con là phật tử trong nhóm từ  thiện ở Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần đến Tây Nguyên cứu trợ  .Lần này đến Kon Tum thăm viếng phát thuốc cho một buôn làng bị bệnh phong. Chuyến đi này có phật tử Thường Tịnh cùng đi, theo yêu cầu của Thường Tịnh nên chúng con ghé lại chùa Bửu Minh viếng Phật thăm Thầy. Chúng con đã được Thường Tịnh kể sơ qua về Thầy may mắn thay hôm nay chúng con mới được gặp”.           Mọi người chú mục nhìn Thường Tịnh, cô phật tử trưởng đoàn tiếp: “Bạch Thầy! Thường Tịnh còn trẻ tuổi mà đạo tâm và tình thương rất lớn. Em thường tụng kinh Pháp Hoa và rất tâm đắc câu: “Từ nhãn thị chúng sanh…” Lấy mắt từ bi mà nhìn mọi loài. Nơi nào có khổ đau nơi đó có mặt Thường Tịnh: Trại phong Bến Cát, trại trẻ bại liệt Thị Nghè, trại tâm thần Gò Vấp , trường học sinh mù Nguyễn Đình Chiểu…Em không bao giờ ngại khó nhờm gớm hay tỏ thái độ ban ơn. Ý thức của em hết sức tỏ rạng. Em không bao giờ hưởng thụ  nhiều và hoang phí mặc dù đời sống vật chất rất cao, vì người thân hầu hết đều sinh sống ở nước ngoài” Ngồi chăm chú nghe cô phật tử trưởng đoàn kể, đưa mắt qua phía  Thường Tịnh, Thầy Quang Đức thấy Thường Tịnh đã lãng đi ra vườn tự hồi nào. Chắc là Thường Tịnh ngượng ngùng không muốn người khác kể điều tốt về mình.     Thầy Quang Đức rất vui, khi nghe cô  phật tử trưởng đoàn kể về Thường Tịnh. Người đệ tử mà cách  đây 5 năm, đau khổ cùng cực, tuyệt vọng cùng đường, muốn giải thoát  khổ đau bằng cách định quyên sinh.
 
Hai

    Ngày   tháng   năm 
 
    Mẹ sống sao kỳ lạ vậy? Không thể nào hiểu được mẹ. Sáng thì đi làm từ thiện xã hội . Chiều thì tụng kinh hoặc đi cầu an, cầu siêu cho đạo hữu tối lại đi nhảy đầm. Mẹ có còn son trẻ gì cho cam, tóc mẹ đã có nhiều sợi bạc, gần 60 tuổi rồi còn gì. Hôm qua nghe con Liên nói bóng nói gió về mẹ, mình với nó suýt đánh nhau. Mẹ ơi ! Mẹ đừng như thế nữa . Mẹ không thương con gái mẹ hay sao?
 
    Ngày    tháng   năm
 
    Từ lâu mình rất ghét cô Tâm bởi vì nghi ngờ hạnh kiểm cô. Cô rất thân với mẹ, giận mẹ nên mình không bao giờ thèm tiếp và nói chuyện với cô. Tối nay mẹ đi vắng cô đến tìm mẹ, bỗng dưng mình thay đổi thái độ. Tiếp cô và tra hỏi rất nhiều về việc làm của mẹ. Cô từ tốn trả lời: “Từ lâu cô muốn giải thích cho cháu rõ về việc làm của mẹ cháu, song cháu không  cho cô có được cơ hội. Có lẽ mẹ cháu là một vị Bồ tát hoá thân cũng không chừng. Hay là một đoá sen vô nhiễm, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn .Tâm mẹ cháu thanh lương an định vì thường xuyên thực tập thiền định . Nên chánh niệm mẹ cháu thật vững vàng, vào vũ trường mà tâm vẫn như như bất động. Là bạn chí thân của mẹ cháu, nên cô hiểu rõ mẹ cháu hơn ai hết. Có “đồng sự” như vậy mẹ cháu mới thuyết phục được người khác nghe. Và một số đông, qua sự thuyết phục của mẹ cháu, đã thoát ra được bùn lầy ngũ dục. Họ là những người rất giàu có, nhận thức được thế nào là y báo,chánh báo , thành thử đã biết sẻ chia những khổ đau bất hạnh với những người chung quanh. Hiện nay đã trở thành những cột trụ nòng cốt, trong hội từ  thiện phật giáo thành phố. Vì thế cháu phải quý mẹ cháu mới phải chớ,sao lại giận ghét và xa lánh mẹ”. Cô Tâm đã giải mối nghi oan của mình về mẹ như vậy. Con xin sám hối mẹ và mong mẹ tha thứ cho con.  
 
    Ngày    tháng    năm
 
    Thế là mình lại xa mẹ. Phái đoàn phỏng vấn đã từ chối cho mình đi với mẹ. Bởi vì mình trên 21 tuổi . Thật không có nỗi buồn nào hơn sanh ly. Mẹ ơi ! chắc con chết mất. Ở lại với con đừng đi nghe mẹ.
 
    Ngày    tháng    năm
 
    Ái biệt ly khổ, yêu thương mà xa lìa thì khổ. Là người trong cuộc mình mới cảm thấy thấm thía sâu xa lời Phật dạy. Mẹ và các em vời xa tít tắp ở bên kia bờ đại dương. Ngày sống gần mẹ thì hiểu lầm mẹ. Mẹ con ở gần nhau vẫn như hai ốc đảo xa xăm. Không ai hiểu ai hết, mà không hiểu thì làm sao mà thương nhau được. Đến khi hiểu được mẹ thì nghìn trùng ly biệt. Còn Tuân thì như cánh chim rày đây mai đó. Theo tổ nuôi ong, đuổi theo nguồn hoa: Hoa cúc quỳ, hoa trắng, hoa nhãn, hoa cafê, hoa  trà… từng loài hoa cho mật vào những thời điểm khác nhau. Tuân mãi mê đi miết, những mong đem đến mật ngọt cho đời, mình chạy theo Tuân như ma đuổi: Bảo Lộc, Đồng Nai, Cù Mông, rồi đến Pleiku. Mình tìm gặp được Tuân nhưng tình đã tan ra mây khói. Tuân vừa mới cưới vợ mà vợ Tuân lại là con bạn thân của mình. Hụt hẫng này tiếp theo hụt hẫng khác, mình chới với trong cuộc đời. Ba ơi ! nơi chín suối ba có hiểu được rằng, con gái của ba đau khổ đến mức nào không ? Mai này con sẽ theo ba, ba hãy đón con.   
  
            Ba
    Năm năm về trước…
 
    Vào tháng mưa dầm, Mây đã đến chùa Bửu Minh -Pleiku với tâm trạng chán chường, tuyệt vọng buông xuôi như vậy. Mây định đến chùa lễ Phật xong, là vô rừng uống mấy chục viên thuốc ngủ để mong “giải thoát” khổ đau, lâm luỵ, đoạ đày.     Hôm đó với linh tính đặc biệt, Thầy Quang Đức nhìn ở khuôn mặt Mây, thấy sao không còn sinh khí nữa. Hốc hác, thất thần, Thầy ân cần thăm hỏi cớ sự và vận dụng tất cả vốn liếng về Phật học, tâm học ra giảng giải, cố giành lại sự sống từ tay tử thần. Bữa đó Mây không kể được gì cho Thầy Quang Đức nghe hết, song rất may là mây có đem cuốn nhật ký theo và trao cho Thầy đọc. Qua cuốn nhật ký của Mây,Thầy đã rõ sự tình. Vì biết Mây đang cùng quẩn bế tắc, và nếu  như  cứu được một sinh mệnh, thì cũng không khác gì xây cất một ngôi chùa, có khi còn hơn thế nữa: “Dẫu xây chín đợt Phù Đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Bởi vậy cho nên Thầy Quang Đức đã đem hết con tim khối óc và nói với tất cả tâm hồn của mình để thuyết phục. Hầu mong tháo gở mọi vướng mắt hệ luỵ của Mây , trong suốt cả ngày hôm ấy.Thầy nói rất nhiều nhưng ý chính như sau:     “…Vì sống và nghĩ về mình quá nhiều, nên chúng ta hay cường điệu, phóng đại những khổ đau liên hệ đến tự Ngã. Mỗi lần va vấp, mối lần hụt hẫng chút đỉnh  trong cuộc đời, do đầu óc tưởng tượng chủ quan phong phú, ta thấy mình là người bất hạnh khổ đau nhất. Ai cũng là người khổ đau nhất , thì trong thiên hạ khi xếp thứ bậc, phải xắp xếp thế nào đây cho hợp lẽ. Kỳ thực không như vậy, trong cuộc sống hằng ngày, thỉnh thoảng ta vẫn gặp những người bằng trí tuệ và học hỏi, thực tập huân tu phương pháp nào đó đã mỉm cười được trong tất cả mọi tình huống. Họ không coi điều trái ý nghịch lòng nào là quan trọng hết. Coi thịnh suy, còn mất , khen chê… như hạt sương trên đầu ngọn cỏ. Niết bàn làm sao hiện hữu được nếu không có khổ đau. Nếu không có mùa đông tuyết giá, lá rụng tơi bời, cành cây trơ trụi xương xẩu, thì làm sao có được mùa xuân nắng ấm, hoa lá sởn sơ tơ nõn, căng đầy nhựa sống…Bản chất của cuộc đời là trôi chảy, làm sao ta có thể buộc dòng sông không cho luân lưu được, hay cột treo vầng mây bạc kia lại, không cho nó phiêu du tan hợp giữa đất trời ”.
 
     Một tuần lễ sau tâm bệnh của mây khỏi hẳn. Mây đến chùa Bửu Minh lễ tạ Phật và thăm Thầy, trước khi về lại Sài Gòn. Mây ra về rồi, Thầy Quang Đức đọc được những dòng chữ reo vui , tin yêu cuộc sống của Mây được ghi lại lên trên bảng đen của mấy chú Điệu: ” Cảm ơn cuộc đời đã ban phát cho con sự sống. Cảm ơn những tiếng chuông chùa đã làm rung động, thức tỉnh lòng người khi màn đêm buông xuống. Trả lại nơi đây tiếng gió lay, tiếng chim hót, trả lại áng mây trôi đông đặc cuối trời. Con sẽ về lại nơi con đã đến. 
 
 Pleiku  - 1992


Âm lịch

Ảnh đẹp