Con về còn trọn niềm tin (Tập một)


Tác giả: Thích Giác Tâm
14/07/2013 17:37 (GMT+7)
Số lượt xem: 115437
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tác phẩm:  "CON VỀ CÒN TRỌN NIỀM TIN". Tác giả: Thích Giác Tâm - Nhà xuất bản Phương Đông - TP.Hồ Chí Minh, xuất bản tháng 01 năm 2012. Ấn bản giấy 368 trang, cả bìa. Khổ 13x20.5cm

Bản điện tử chia thành hai tập. Tập 1 - 30 truyện. Tập 2 - 34 truyện.


Tập 1


Ghi Chép về một chuyến thăm làng  Bkuk Blui

Khi được đạo hữu Điệu vào thông báo trước rằng : “Có phái đoàn hội từ thiện Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh (HTTPGTP) do TT. Đắc Nhẫn và TT. Trí Khả hướng dẫn. Trên đường đi ủy lạo các làng phong Tây Nguyên, nhân tiện ghé vô thăm chùa thầy”.

Tôi đang ngồi làm việc , được biết công tác từ thiện của đoàn qua mục tin tức phật sự trên báo Giác Ngộ , hiểu được việc làm cụ thể thiết thực của đoàn, trong công tác ban vui cứu khổ lâu nay, bỗng dưng chợt nhớ hai câu ca dao xưa, tôi ghi chầm chậm trên tờ giấy trắng: “Thương nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội , cửu thập đèo cũng qua”. Thật không có lời lẽ, ngôn từ nào có thể diễn tả hơn được, sức mạnh của tình thương, bằng hai câu ca dao trên.     Có tình thương thì có tất cả, bất chấp mọi trở lực hiểm nguy, để vượt qua tìm đến “chia ngọt xẻ bùi cho nhau”. Quê hương tôi là đây, tôi sống ở nơi này trên bốn mươi năm. Thế nhưng tôi chưa hề biết được, gần nơi mình ở còn có “những người anh em” đời sống không khác gì  địa ngục, cô đơn đói lạnh , khổ đau tột cùng . Bị mọi người xa lánh ruồng rẫy, đẩy lui vào trong rừng sâu nước độc, sống biệt lập hẳn với những đồng loại có nhiều diễm phúc, phước báo hơn. Cả đời không hề thấy một chút ánh sáng văn hoá, nếu như họ không có những tấm lòng yêu thương, đùm bọc sẻ chia …

TU THIEN 1.jpg

 Thì ra có tìm mới gặp, có gõ cửa thì cửa mới mở …  chỉ có tấm lòng rộng mở, nhiều yêu thương mà  (HTTPGTP) Đã vượt qua bao núi đèo ( đèo Cả, đèo Cù Mông, đèo An Khê đèo Mang Giang) để đến miền Cao Nguyên đất đỏ này. Để mà chứng kiến cụ thể ,chân xác về bài học “ đệ nhất khổ đế” của kiếp người. Trực tiếp thấy như vậy rồi thì ta mới nung nấu mãi mãi được trong ý thức “ về sự khổ”, và mới tìm một liệu pháp nào đó thích đáng nhất, để mà chữa trị làm vơi bớt đi nỗi thống khổ đoạ đày, của tự thân cũng như tha nhân. Mà hậu quả là từ nghiệp bất thiện đưa đến.     Tôi dược vinh dự tháp tùng đoàn đến uỷ lạo làng phong Bluk Blui, xã iaka, huyện Chưpăh, Gia Lai ( cùng theo đoàn có bác sĩ Hưng đặc trách về bệnh phong trong tỉnh). Khởi hành tại chùa Bửu Minh, lúc 9 giờ sáng ngày 2/3/ 1993 đến làng Bluk Blui, vào lúc 10 giờ 30 cùng ngày. Làng Bluk Blui cách thị xã pleiku 35 km, về hướng tây bắc. Xe chúng tôi sau khi len lách qua nhiều đoạn đường rừng, hố hầm lùm bụi, thì tới làng. 

 Bà con đã nhận được tín hiệu yêu thương, hướng nhìn chúng tôi cười tươi như không hề biết đau khổ là gì . TT. Đắc Nhẫn cho người báo ông thôn trưởng làng Bluk Blui hay. Không hiểu ông thông tin bằng phương pháp nào đó mà chỉ 15 phút sau dân làng đã tập trung đông đủ trước sân trường học, để nhận quà uỷ lạo. Cũng xin nói rõ hơn một chút về ngôi trường học này : Bảng hiệu của trường có viết dòng chữ bằng tiếng Gia rai, theo mẫu tự La tinh như sau: “Sang Hră Tlơi Khăp” có nghĩa là trường học tình thương. Năm 1991 (HTTPGTP) xây cho làng Bluk Blui một trường cấp một có hai phòng. Khởi công này I / I / 1991 hoàn thành ngày 25/ 2 /1991 xây dựng cấp tốc trong thời gian chưa tới một tháng, phật tử Quang trong đoàn từ thiện đã ở lại làng suốt thời gian xây dựng, để đôn đốc giám sát công việc,và cô Nguyễn thị Trinh ở Pleiku, hết sức quan tâm cung ứng vật liệu kịp thời .          Ngồi trong nhà cô giáo Sui H’yel cạnh trường trò chuyện. Bác sĩ Hưng cho tôi biết thêm: “Năm 1989 viện Da Liễu trung ương có vào thăm, tặng cho làng 40 ngàn đồng để mua quà cho các em nhỏ. Nhưng dân làng lấy số tiền đó mua giấy dầu để lợp, và chặt nứa thưng chung quanh, để làm một ngôi truờng tạm thời cho các em học. Sau này (HTTPGTP) cấp cho làng một ngôi trường xây, lợp ngói khang trang với kinh phí 30 triệu đồng, thì ngôi trường đầu tiên lợp bằng giấy dầu đó trở thành nơi trú mưa trú  nắng cho cô giáo. Ngôi nhà mới cất được bốn năm, nhưng đã quá tiều tụy tồi tàn : nứa đã mục, giấy dầu đã rách , trống hổng trống thiên, gió lùa vào thông thống.

 Cô giáo năm nay 32 tuổi, dân tộc Gia rai, dạy học tại trường từ năm 1990. Dáng người cô mảnh khảnh, ốm yếu, nước da vàng  tái vì sốt, lưng hơi gù. Tôi biết sức khoẻ cô giờ kém lắm! Liệu rồi cô có thể duy trì được lớp học tình thương này lâu dài được không? Hay là cô sẽ ngã quỵ giữa chừng trong lớp học ? Trong mùa đông khắc nghiệt của Tây Nguyên, trong những ngày mưa bão bùng của rừng già, với căn nhà lộ thiên đó? Mà một thời là trường học đầu tiên. Cô cũng là “người thầy đầu tiên” ở ngôi trường tình thương này, tự nguyện dạy không lương. ( HTTPGTP) có cho trường một  chiếc máy may, cô giáo Sui H’yel , là thợ may nghiệp dư, may quần áo cho cả dân làng không đòi tiền thù lao.     Trong nhà cô đỗ một đống mì lát khô to tướng khoảng một tấn. Tôi ngạc nhiên hỏi cô giáo và được cô giáo cho biết: “Lần viếng thăm trước , hội từ thiện có cho trường 100 ngàn đồng, để mua sách vở cho các em, nhưng cô hoãn lại chưa mua. Lấy số tiền đó mua hôm mì, rồi vận động bà con trong làng trồng. Đến vụ mùa vừa rồi thu hoạch được một tấn mì , cô định bán để lấy số tiền gây quỹ cho trường”. Trường học tình thương có hai lớp, với sĩ số 78 em. Cô giáo Sui H’Yel phụ trách lớp kép một, hai, lớp ba do thầy giáo K’so phụ trách. Thầy K’so dân tộc Gia Rai, 24 tuổi do sở giáo dục Gia Lai điều về dạy, lương tháng 70 nghìn đồng .    

 Mặt trời đã đứng bóng, khí hậu thật oi bức. Hai Thượng Toạ và quý Phật tử trong đoàn trực tiếp phát gạo muối … vẫn chưa xong, gương mặt ai nấy đều đỏ gay,mồ hôi nhễ nhại. Tổng số dân làng có 252 người, 60 người mắc bệnh phong nặng, số còn lại bệnh chưa bộc phát. Nhìn tay chân co rút ,lở lói, gương mặt biến dạng méo mó, thân hình ốm đói của những người bệnh, đứngchờ nhận quà tình thương ( mỗi người trong làng đều có phần quà ), tôi mới thấy hết nỗi thống khổ của kiếp người. Tôi có nói chuyện với một cô Phật tử mà như nói với chính mình: “ Có đi thăm viếng , và chứng kiến cảnh ngộ của bà con như thế này, mới thấy rằng mình quá có phước, thân thể vẹn toàn, sáu căn đầy đủ, gặp được Tam Bảo biết được thế nào Nhân quả Ngiệp báo … để mà vun bồi phước đức tu tập, tránh xa tội lỗi.     Tôi có hỏi ông thôn trưởng về chuyện ăn uống trong làng, được ông cho biết : “Phần đông bà con đều ăn mì củ, sắn lát, cháo rau qua ngày, vì hầu hết đều mất khả năng lao động”. 

TT. Đắc Nhẫn đứng bên cạnh cây mít khô, trước sân trường phát tiền cho bà con, tôi có chuyện đến thưa với Thượng Toạ, bất chợt nhìn lên: một chùm phong lan Long Tu chi chít bông, màu tím phớt rực rỡ  hiện ra trong hốc cây mít. Trong khung cảnh khô cằn, còm cõi, thiếu sinh khí ở nơi đây, chùm phong lan tương phản đẹp hoang dã  lạ lùng! Sự có mặt của nó như tự khẳng định rằng: cái đẹp, cái thiện, cái chân không bao giờ mất, nó luôn được bảo vệ giữ gìn. Khi nói chuyện tôi có đề cập đến chùm phong lan đó với cô giáo Sui H’yel, vì nguyên do gì nó hiện diện trong hốc mít? Cô trả lời : “Các em học sinh của truờng đi núi đào măng, tìm thấy gỡ đem về gắn trong hốc cây mít từ năm kia”. Đột nhiên tôi liên tưởng đến những việc làm thầm lặng hy sinh của cô giáo Sui H’yel, thầy K’so và những “Sứ giả tình thương từ nghìn trùng” đến. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, không đòi hỏi điều kiện gì hết, cứ mỗi năm theo định kỳ đều ra hoa hiến tặng cho trường, cho dân làng Bluk Blui bất hạnh vô phước này. Chúng tôi ăn cơm trưa tại trường, sau đó ngồi uống nước trà mạn đàm. 

Tôi có hỏi T T. Đắc Nhẫn về chuyến đi uỷ lạo lần này, Thượng tọa cho biết: “ Riêng tỉnh Gia Lai đoàn mới đi thăm được ba làng( hai tỉnh Gia Lai – Kon Tum có hơn mười làng phong ) đó là làng Plei Phung, Làng Plei Domax, làng Bluk Blui. Tặng phẩm ba làng gồm có: 2100kg gạo, 850kg muối iốt,11 thùng mì tôm, 20 bao quần áo cũ, và tiền mặt 4.100 000 đồng( tặng riêng cho từng cá nhân bình quân 6000đồng / người ). Thượng toạ còn cho biết vừa rồi hội từ thiện có tặng cho khu điều trị phong EaNa ở Đaklak  7 triệu đồng, qua tìm hiểu tôi được biết mỗi chuyến đi uỷ lạo của làng ở Tây Nguyên, trung bình khoảng 40 triệu dồng. Để thư giản tinh thần, buổi chiều tôi hướng dẫn đoàn đến thăm thác Yaly. Quang cảnh nơi đây thật ngoạn mục, núi non chớn chở, ghềnh đá cheo leo ( cứ như là Lô Sơn ấy ). Nước từ thượng nguồn đổ xuống va vào đá ì ầm, vọng âm vang xa như réo gọi con người, phải biết vận dụng tiềm năng vốn có, phật tính cố hữu để mà phát huy cuộc sống, thăng hoa cuộc đời. Bà con trong đoàn tản mác đi tìm cảnh đẹp để chụp ảnh lưu niệm. Còn tôi đi tìm nhặt những viên cuội nhỏ, nhẵn bóng nhiều màu sắc, kẹt giữa các khe đá, để đem về bỏ vào lọ cắm hoa. Lúc ra về, xe chạy một đoạn đường tôi đem khoe với quý phật tử, ai nấy đều trầm trồ thích thú! Tôi tặng hết cho chư vị để làm quà xứ Thượng, món quà chẳng có giá trị gì nhưng tôi thầm nghĩ: “ Biết đâu một lúc nào đó , nó cũng sẽ gợi lên nơi tâm của chư vị, một vài kỷ niệm đẹp, dễ thương về con người và cảnh trí Tây Nguyên. 

Đi thăm làng  Bluk Blui về, tôi thuật lại nỗi thống khổ của người bệnh, của dân làng cho những ngưòi phật tử quen biết đạo tâm nghe. Ai nấy đều xót xa thương cảm, đề nghị với tôi: “ Thế thì tại sao thầy không kêu gọi nhũng Phật tử nhiều lòng thương, liên kết lại với nhau để thành lập một ban từ thiện chuyên trách thăm viếng các làng phong.  Chúng con sẽ là những hội viên trung kiên nhiệt tình cho công cuộc đem đạo phật đi vào cuộc đời, bằng những hành động cứu khổ , ban vui thực tiễn nhất.     

 
 Pleiku ngày 03/03/ 1993                             


Âm lịch

Ảnh đẹp