11/03/2012 20:39 (GMT+7)
Số lượt xem: 68636
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

(Petrotimes) - 11/3/2011 sẽ mãi là một ngày không thể nào quên trong lịch sử Nhật Bản, với trận động đất mạnh tới hơn 9 độ richter kèm theo sóng thần dâng cao hàng chục mét, cướp đi sinh mạng của không biết bao nhiêu con người, tàn phá làng mạc, nhà cửa và tài sản của hầu hết vùng Đông Bắc nước này.

Một năm đã trôi qua, nhưng cơn cuồng nộ của thiên nhiên và những vết thương mà nó để lại trong lòng mỗi người dân Nhật thì vẫn còn đó. Và chắc phải rất lâu, rất lâu sau nữa mới có thể hàn gắn được…

Ngày kinh hoàng…

Sóng thần tràn vào một con phố ở Iwate

Những ngôi nhà bị cuốn trôi ở Sendai

Những gì còn lại…

14h46 phút ngày 11/3/2011, trận động đất mạnh 9,1 độ richter đã xảy ra ngoài khơi Nhật Bản, gây ra những chấn động liên tiếp. Ngay sau đó, 15h55 phút, những cơn sóng thần với chiều cao từ 15 – 40m ập vào các tỉnh ven bờ biển Đông Bắc, cuốn phăng tất cả những gì hiện diện trong phạm vi mà nó có thể vươn tới. Thảm họa kép này đã để lại một cảnh tượng hoang tàn chưa từng thấy ở xứ sở hoa anh đào… Các tỉnh vùng ven biển Đông Bắc Nhật đều bị ảnh hưởng nặng nề của đại thảm họa, trong đó, 2 tỉnh bị nặng nhất là Miyagi và Kukushima. 3 thành phố gần như bị xóa sổ hoàn toàn sau ngày 11/3/2011 trên bản đồ Nhật là: Minamisanriku, Kesennuma và Rikuzentakata.

11/3/2011, cả thế giới hướng về nước Nhật và lặng người khi nghe những con số thương vong, những nạn nhân mất tích, những tài sản phút chốc tan thành mây khói. Trên trang nhất các tờ báo hàng đầu thế giới đều cập nhật liên tục những thông tin từ Tokyo. Là quốc gia nằm trong vành đai lửa Thái Bình Dương, động đất và chống động đất đã trở thành một trong những “bài học vỡ lòng” đối với người dân Nhật Bản. Thế nhưng, động đất cường độ mạnh cùng với sóng thần hung dữ ngày 11/3 năm ngoái thực sự đã gây ra một đại thảm họa kinh hoàng nhất lịch sử nước Nhật trong vòng hơn 100 năm qua.

Và những con số…

Báo giới và truyền thông nhiều nước trên thế giới đã có hàng loạt những bài mô tả, phóng sự, video về thảm họa kép ngày 11/3/2011 ở Nhật Bản. Nhật báo Yomiuri thậm chí đã dùng cụm từ “cảnh tượng địa ngục” để nói về hậu quả của động đất và sóng thần ở nước này. Thế nhưng, chỉ đến khi cơn cuồng nộ của thiên nhiên ấy dừng lại, người ta mới xót xa tột cùng trước những con số mà đại thảm họa đã để lại cho nước Nhật:15.840 người thiệt mạng, 5.950 người bị thương, 3.642 người hiện vẫn đang mất tích tại 18 tỉnh thành phố của Nhật; hơn 125 nghìn công trình nhà ở bị tàn phá hoặc xóa sổ; Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tổng thiệt hại trong thảm họa kép ở Nhật lên tới 122 đến 235 tỉ USD, trong khi Chính phủ Nhật cho biết con số này có thể lên tới 305 tỉ USD – đạt mức kỷ lục thế giới về thiệt hại do thiên nhiên gây ra. Không dừng lại ở đó, cơn đại thảm họa đã gây ra hậu quả vô cùng tồi tệ trong lĩnh an toàn hạt nhân của thế giới 25 năm qua: Vụ nổ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima do ảnh hưởng của động đất và sóng thần đã trở thành một “Chernobyl thứ 2” của cả nhân loại và gây ra không ít quan ngại cho các nhà nghiên cứu, giới chức, cũng như ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân.

Mặt trời vẫn mọc…

Ngay sau thảm họa, Thủ tướng Nhật Naoto Kan tuyên bố: “Trong vòng 65 năm kể từ sau Thế chiến thứ II, đây là cuộc khủng hoảng khó khăn và gay go nhất mà Nhật Bản phải đối mặt”. Ngày 14/3/2011, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã rót 15 nghìn tỉ Yên (tương đương với 183 tỉ USD) vào hệ thống ngân hàng nước này để giảm thiểu những tác động xấu lên thị trường tài chính. Cũng ngay sau thảm họa, Thủ tướng đương nhiệm Nhật Bản lúc đó là ông Naoto Kan công bố, Chính phủ đã huy động Lực lượng phòng vệ quốc gia đến ngay những vùng chịu thảm họa động đất khác nhau. Ông yêu cầu người dân Nhật hết sức bình tĩnh và theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng để cập nhật tin tức. Thủ tướng Kan còn ngay lập tức thành lập một bộ chỉ huy khẩn cấp đại diện ông dàn xếp những phản ứng của chính quyền.

Các đội cứu hộ đặc biệt của hàng loạt các tổ chức quốc tế cũng như nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, New Zealand, Australia, Hàn Quốc và hàng loạt các nước khác đã được cử đến Nhật Bản để khắc phục các sự cố và giúp đỡ người Nhật sau thảm họa kép. Rất nhiều câu chuyện cảm động về sự sống sót thần kỳ, về sự đùm bọc sẻ chia của người Nhật,… tất cả đã được truyền đi trên khắp đất nước, thậm chí lan ra cả thế giới. Hãng NBC của Mỹ dẫn lời một phóng viên cho biết về tinh thần của người Nhật sau thảm họa: “Đạo đức xã hội Nhật Bản thật đáng kinh ngạc. Không hề có bất cứ đề cập nào liên quan đến cướp bóc hay bạo lực. Tất cả mọi người đều xếp hàng chờ đợi đến lượt vào cửa hàng. Nhân viên cửa hàng rất lịch sự và tử tế.”

Đúng 1 năm trôi qua sau tất cả những gì kinh hoàng và đau đớn ấy, trên đất Nhật vẫn còn hàng loạt những người vô gia cư, tị nạn, vẫn còn ngổn ngang những căn nhà tạm và hàng loạt những công trình trọng điểm như đường sá, cầu cống, nhà máy… bị hư hỏng nặng. Tuy nhiên, người ta vẫn thấy người Nhật “đứng lên” theo cách của mình, bằng tinh thần của những võ sĩ kiếm đạo, hay giống như vẻ đẹp ẩn chứa trong mỗi cánh hoa anh đào tưởng như mong manh.

Sự sống bắt đầu hồi sinh ở Fukushima, nơi tưởng như đã “tê liệt” hoàn toàn sau thảm họa. Ông thị trưởng Hirono cho hay, các kế hoạch bãi bỏ lệnh sơ tán đối với người dân trong tháng 3 đã được đưa ra, các trường học sẽ mở cửa trở lại và tiến hành khử độc hoàn toàn tại các khu dân cư vào cuối năm nay. Các nỗ lực của Chính phủ và người dân trong công cuộc khôi phục và tái thiết đất nước thể hiện ngay cả ở việc dọn dẹp những đống đổ nát còn lại. Các nhà máy hạt nhân ở Fukushima bắt đầu mở cửa đón nhân viên, thậm chí là phóng viên vào tham quan – 1 năm sau thảm họa. Những người mua công trái góp phần tái thiết đất nước sau thảm họa được Chính phủ gửi tặng những đồng xu có mệnh giá lớn bằng vàng hoặc bạc… Tất cả những cố gắng ấy của người Nhật, nước Nhật từng ngày, từng giờ khiến chúng ta mong chờ và hi vọng, khiến chúng ta thật sự ngưỡng mộ cúi đầu.

Người Nhật yên lặng và kiên nhẫn xếp hàng...

Những con đường đã được dọn dẹp sạch

...Và hồi sinh như chưa từng có thảm họa đi qua

Hơn 60 năm trước, người Nhật từng thất bại trong Thế chiến thứ II, nhưng bằng tinh thần quả cảm mang tên “thần kỳ Nhật Bản”, họ đã vươn lên vị trí của những cường quốc hàng đầu thế giới. Hôm nay, 1 năm sau cơn đại thảm họa – thêm một lần nữa, chúng ta hi vọng được nhìn thấy nước Nhật kiên cường đứng dậy sau những đau đớn và tang thương do thiên tai gây ra. Và quả thật, mặt trời vẫn chưa bao giờ ngừng tỏa sáng ở đất nước Phù Tang.

Hương Mai (Tổng hợp)

http://www.baomoi.com


Âm lịch

Ảnh đẹp