>> PV Giác Ngộ tường thuật Vesak 2013 từ Thái Lan
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã đồng thuận (ban hành Nghị quyết số 174, điều 54), và theo đó, ngày Vesak Liên Hiệp Quốc (United Nations Day of Vesak) đã được chính thức xác lập vào năm 2000 với sự tán trợ của tín đồ Phật giáo thuộc tất cả các truyền thống.
Gần 1.500 đại biểu về dự sự kiện Đại lễ Phật đản LHQ - Vesak 2013 tại Thái Lan - Ảnh: Hoàng Độ
Căn cứ vào nghị quyết đó, chúng tôi, những người đại biểu đến từ 87 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã quy tụ bên nhau vào ngày 21 và 22-5-2013 (Phật lịch 2557) để tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết-bàn của Đức Phật. Cũng như các năm trước đây, Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc được tổ chức bởi Trường Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya và sự hỗ trợ ân cần của Chính phủ Hoàng gia Thái Lan, đặt dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Tăng-già tối cao của Thái Lan.
Trong quá trình tổ chức Đại lễ tại Trung tâm Hội nghị của Ủy ban Kinh tế, Xã hội Liên Hiệp Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) và tại Buddhamonthon ở tỉnh Nakhon Pathom, chúng tôi đã ngồi lại với nhau để cùng tìm hiểu về chủ đề “Giáo dục và trách nhiệm công dân toàn cầu theo quan điểm Phật giáo”, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và sự hợp tác giữa các tổ chức, cá nhân thuộc tất cả các truyền thống Phật giáo. Vào lúc kết thúc viên mãn Đại lễ và các cuộc hội thảo, chúng tôi đã đồng thuận đưa ra nghị quyết như sau:
1. Tuyên dương ngài Somdet Phra Nyanasamvara, Tăng thống Phật giáo Thái Lan, vào dịp cát tường kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của ngài, bởi những việc mà ngài đã làm để nâng tầm nhân loại, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, tâm linh, và chăm sóc sức khỏe.
2. Làm việc không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục phổ cập trong thế kỷ XXI, đặc biệt nhấn mạnh đến sự kết hợp của trí tuệ và từ bi trong việc bảo vệ môi trường, nuôi dưỡng sức mạnh tổng hợp giữa các môn học trong nhà trường và các nguyên tắc rèn luyện, những chuẩn mực đạo đức trong sự hợp tác và ý thức cộng đồng đối với phương thức tiếp cận hiện tại để hoàn thiện các kỹ năng đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội trong chương trình đào tạo và đề cương môn học ở tất cả các cấp học, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc là “đạt được phổ cập giáo dục tiểu học” và xa hơn nữa.
3. Khuyến khích các nhà lãnh đạo Phật giáo tăng cường hơn nữa sứ mệnh cao quý của các vị nhằm thúc đẩy giáo dục cũng như phát triển xã hội và hoạt động nhân đạo vì một thế giới hòa bình dài lâu.
4. Củng cố đường hướng bất bạo động của Phật giáo, vì phải đối mặt với nhiều thách thức để chung sống hòa bình, với một niềm tin mạnh mẽ hơn bao giờ hết, tái khẳng định sự quyết tâm của chúng ta trong việc duy trì sự hài hòa giữa văn hóa và tôn giáo, và sự khoan dung thông qua việc nâng cao phẩm giá con người.
5. Nhân cơ hội quy tụ trong ngày Lễ Vesak để khuyến khích những người Phật tử phải chủ động hơn trong việc thúc đẩy nền hòa bình, đây chính là trọng tâm trong những lời dạy của Đức Phật, và đặc biệt là để truyền bá trí tuệ của Đức Phật dựa trên sự nối kết với nhau của tất cả mọi người như một gia đình toàn cầu và chịu chung những hậu quả từ các hành động mà mọi người đã gây ra.
6. Kêu gọi tất cả các tổ chức chính phủ và phi chính phủ cùng phấn đấu hướng đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giữ cân bằng giữa sự phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
7. Nỗ lực hơn nữa để nâng cao ý thức về thông điệp tồn tại trong nhau của nhân loại thông qua việc khuyến khích các cá nhân và tổ chức phát triển quan điểm người công dân toàn cầu khi họ giải quyết các vấn đề quan trọng trong công việc với nhau.
8. Đẩy mạnh việc sử dụng đạo đức của chánh niệm theo phương thức thích ứng phổ quát trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, quản lý, và phát triển cộng đồng.
9. Cố gắng hết sức để góp phần đạt được các mục tiêu của cộng đồng ASEAN vào năm 2015, kêu gọi sức mạnh đoàn kết trong sự đa dạng của cộng đồng Phật giáo đã được thúc đẩy bởi Hội đồng Quốc tế về ngày Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc.
Bản Tuyên bố Bangkok này được xây dựng nhân dịp Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ 10, vào ngày 22-5-2013 (Phật lịch 2557).
Minh Nguyên chuyển ngữ